Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

PHẬT HỌC CHUYÊN ĐỀ - KỲ 5: GIỚI – NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC

Kết luận sai lầm?
Vài năm trước đây có mấy câu chuyện gièm pha sư Thái đăng trên báo chí nước ngoài. Theo giới luật tăng ni  phải sống độc thân. Tông phái tôi còn gắt gao hơn, tăng ni không được đụng chạm người khác phái. Một số tăng không giữ đúng giới luật nên bị chỉ trích trên báo. Đó là một số sư bất hảo mà báo chí muốn khai thác để thoả mãn tánh hiếu kỳ của một số đọc giả. Chớ còn tăng ni giữ đúng giới luật có gì mà nói–chán phèo nên có ai thèm để ý!
Vào thời điểm đó tôi nghĩ là lúc tôi nên nói một sự thật của tôi. Một tối thứ Sáu nọ tôi lấy hết bình sanh thú thật với thính chúng trên ba trăm Phật tử rằng:
“Tôi có điều muốn thưa với quý tín chủ,” tôi bắt đầu và ấp a ấp úng tiếp, “Trước đây,…tôi có sống một thời gian rất hạnh phúc…trong …vòng tay…thương yêu…của một người đàn bà…vợ người ta.” Tôi thú nhận tiếp, “Tôi có được ôm ấp, nâng niu, vuốt ve, và hôn hít nhiều lần.” Nói tới đây tôi làm như nghẹn lời, tôi cúi đầu và nhìn đăm đăm xuống thảm.
Bấy giờ tôi nghe tiếng nấc vì sốc của nhiều Phật tử. Và cả tiếng xầm xì nữa, “Ồ, Sư Brahm. Có thể vậy sao?” Tôi hình dung sẽ có nhiều đệ tử trung thành của tôi bỏ tôi bước ra cửa và không bao giờ trở lại. Thật tình mà nói, cả người thường cũng không được phép dan díu với vợ người–đó là thông gian rồi.
Giây phút sau tôi ngẩng đầu, nhìn thính chúng một cách tự tin và mỉm cười. Tôi giải thích trước khi có người bước ra khỏi cửa:
“Người đàn bà ấy, …bà là mẹ tôi,…và tôi là đứa con nhỏ của bà.” Tất cả thở phào và rộ lên cười vui vẻ.  “Đúng như vậy đó, thưa các bạn,” tôi nói lớn trong micrô. “Bà là vợ của Ba tôi, có đúng không, các bạn?” Tôi rống tiếp, “Bà ẳm bồng tôi trong tay, nưng niu tôi, hôn tôi, và đó dĩ nhiên là những giây phút thần tiên của tôi chớ còn sao nữa?”
Lúc thính chúng lau hết nước mắt và trở về tĩnh lặng, tôi bảo tất cả đã phê phán tôi một cách hết sức sai lầm. Dầu nghe chính miệng tôi thốt lên và lời tôi rất rõ ràng, tất cả đều đã đi đến kết luận sai lầm. May cho tôi, hay đúng ra là nhờ tôi đã chuẩn bị chu đáo trước, tôi có thể chỉ cho họ thấy sai lầm của họ. Tôi hỏi:
“Có bao nhiêu lần rồi, chúng ta đã vội đi đến kết luận sai lầm dầu tang chứng có hiển nhiên?”
Độc đoán phê phán–”Đây mới đúng, còn tất cả đều sai”–không phải là trí tuệ vậy.

Đã đăng KỲ 4: NHÂN QUẢ VÀ NGHIỆP
http://thiengiuadoithuong.blogspot.com/2014/12/phat-hoc-chuyen-e-ky-4-nhan-va-qua-cua_8.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét