Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

TỨ DIỆU ĐẾ - LỜI MỞ ĐẦU



LỜI MỞ ĐẦU

Lúc Đức Phật vừa đại ngộ dưới cội bồ đề, Ngài nghĩ, "Chắc sẽ không có người hiểu được những gì ta vừa chứng ngộ; nó quá vi tế. Vì thế, ta không nên bận tâm tìm cách giải thích; Ta không hy vọng gì nữa về việc nầy và sẽ tiếp tục ngồi dưới cội bồ đề."

Nhưng lúc đó, thần Phạm thiên Sahampati, vị tượng trưng cho lòng bi mẫn với tất cả chúng sanh, hiện ra và thưa với Phật, "Bạch Thế Tôn, con thấy vẫn có những người với đôi mắt chỉ dính chút bụi mờ.Cung thỉnh Ngài giảng Pháp vì lợi lạc của số người ít ỏi nầy." Đức Phật nghĩ, "Thế thì ta sẽ cố gắng. Ngồi mãi dưới gốc cây bồ đề nầy không hữu ích cho ai cả. Vả lại, ta cũng chưa có ý định làm gì khác." Rồi Ngài tự hỏi, "Thế thì ta nên giảng Pháp cho ai?" Sau khi đắn đo suy nghĩ, Ngài quyết định đi đến thành Benares tìm lại năm người bạn đã cùng tu khổ hạnh với Ngài và đã rời bỏ Ngài ra đi khi họ nghĩ rằng Ngài không còn đủ ý chí để cùng tu khổ hạnh với họ.

Khi Đức Phật còn ở bên cạnh những người bạn nầy, Ngài là một nhà tu khổ hạnh siêu việt. Thân Ngài chỉ còn như một bộ xương, hốc hác, với đôi mắt thụt sâu, vì Ngài tự ý nhịn đói để nhiếp phục những cơn đói khát dữ dội. Ngài tu khổ hạnh tuyệt hay đến nỗi ngày nào mà Ngài còn theo phép tu nầy, năm người bạn nầy cho Ngài là một người kỳ diệu và phi thường. Tuy nhiên, cuối cùng Ngài nhận ra rằng không ăn uống để bồi dưỡng cơ thể và để cho cơ thể bị bệnh hoạn yếu đuối quả là phí phạm thời giờ, nên một hôm Ngài quyết định uống một chút nước cháo. Khi năm người bạn thấy Ngài ăn cháo, họ phẫn nộ cho là Ngài đã mất ý chí tu khổ hạnh nên từ bỏ Ngài và ra đi.

Đức Phật vẫn nghĩ có lẽ năm vị nầy sẽ hiểu được những gì Ngài vừa chứng ngộ. Nên Ngài quyết định đi đến thành Benares để tìm họ. Khi Đức Phật đến Lộc Uyển (Vườn Nai) ở Saranath, gần thành Benares, vừa thoáng thấy Ngài, năm vị tu khổ hạnh đã nhận biết ngay là Ngài đã chứng ngộ và hiểu biết một điều gì đó rất sâu sắc và quan trọng, nên họ ngồi xuống và yêu cầu Ngài khai ngộ cho họ. Thế là Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên mà ngày nay chúng ta biết dưới tên gọi Dhammacakka SuttaKinh Chuyển Pháp Luân hay Bài Pháp Khởi Động Bánh Xe Của Sự Thật.
Bài pháp nầy là lời giảng dạy sâu sắc. Nó là một bài pháp để chúng ta thực hành và chứng ngộ. Nó không phải là một bài luận văn triết học xuất chúng; trái lại, nó là kim chỉ nam giúp chúng ta trên lộ trình tu tập và giác ngộ. Và kim chỉ nam nầy chính là giáo lý về Tứ Diệu Đế hay Bốn sự thật thánh thiện. Lời dạy của Đức Thế Tôn về Tứ Diệu Đế là dành chung cho tất cả các hệ phái trong Đạo Phật và nó là cái nhìn trực tiếp và xuyên thấu vào chính bản chất của sự vật.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét