Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014
PHẬT HỌC CHUYÊN ĐỀ - KỲ 3: NIỀM TIN VÀ HIỂU BIẾT ĐÚNG ĐẮN
Đức tin và Thiền Minh Sát:
Lòng tin là 1 nguồn năng lượng, nếu có niềm tin thì tự nhiên ta có rất nhiều năng lượng. Khi có một đối tượng tốt để tin tưởng thì tự nhiên ta có một nguồn năng lượng tích cực, ngược lại thì nghi ngờ cũng là loại một năng lượng, chúng làm ta uể oải, mất hết sức sống, mất ý nghĩa cuộc sống.
Tuy nhiên lòng tin chỉ phát sinh ra năng lượng tích cực khi trong đó có chất liệu Trí tuệ. Khi lòng tin không dựa trên hiểu biết thì đó là lòng tin đơn thuần cảm tính nên rất dễ tan vỡ, và từ tin tưởng trở thành thất vọng, đa nghi. Lòng tin không dựa trên sự phân tích, xét đoán, soi chiếu thì rất nguy hiểm. Phật dạy "Tín ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta".
Theo Kinh Na Tiên vấn đáp thì Tín có công năng làm cho tâm im lặng: nó như cái màng chắn các phiền não không cho chúng len vào tâm, chúng ngăn chặn hôn trầm buồn ngủ, buông lung phóng dật, sân hận, dục và hoài nghi , nhờ vậy tâm được im lặng, trong sạch. Ngoài ra Tín làm cho tâm có khuynh hướng tiến lên phía trước, người có Tín luôn luôn có khả năng tự sách tấn, tự nhắc nhở chính mình phấn đấu, cố gắng.
Theo giáo lý của đức Phật, nghi (vicikichà) là một trong năm chướng ngại (ngũ cái, nivarana) , năm trở ngại cho sự hiểu biết chân lý và cho sự tiến bộ tâm linh (hay cho bất cứ sự tiến bộ nào). Tuy nhiên, nghi không phải là một "tội lỗi", bởi vì trong Phật giáo không có những "tín điều". Quả thế, trong đạo Phật không có "tội lỗi" hiểu theo nghĩa "tội lỗi" trong vài tôn giáo khác. Cội rễ của mọi sự xấu xa là vô minh (Avijjà) và tà kiến (micchà ditthi). Một điều không thể chối cãi là bao lâu còn có hoài nghi, hoang mang, do dự, thì không thể nào có tiến bộ. Cũng không thể chối cãi được rằng hoài nghi không tránh được khi mà con người không hiểu rõ, thấy rõ. Nhưng để tiến xa hơn, thì tuyệt đối cần phải xa lìa hoài nghi. Muốn khỏi hoài nghi, ta cần phải thấy rõ.
Đức tin và Thiền Minh Sát: Nhờ có đức tin, bạn sẽ có hứng khởi mà tăng thêm năng lực. Khi năng lực hùng mạnh thì TINH TẤN xuất hiện. Bạn sẽ tự nhủ: "Đây là những gì Đức Phật đã chỉ dẫn, đây là những gì ta đã tự mình tìm hiểu rồi thực hành và đã tự mình thấy, nếu ta cố gắng hơn, ta sẽ còn thấy, hiểu nhiều hơn nữa" Nhờ tiếp tục tinh tấn, tâm sẽ khắn khít trên đề mục từng thời điểm một nên CHÁNH NIỆM được củng cố và đào sâu.
Chánh niệm có khả năng kỳ diệu trong việc tập trung tâm ý, giúp tâm chuyên chú trên đề mục. Khi chánh niệm quán thấu đối tượng quan sát từng thời điểm một, thì tâm có khả năng ổn cố trên đề mục, dán sát trên đề mục, không thối chuyển. Cứ thế, sự tập trung tâm ý càng mạnh mẽ và ổn cố hơn. Một cách tổng quát, khi chánh niệm càng mạnh lên, thì sự ĐỊNH tâm cũng càng mạnh lên.
Khi bốn yếu tố: Ðức tin, Tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định đã được thiết lập thì TRÍ TUỆ sẽ tự nhiên hiện khởi. Lúc bấy giờ, thiền sinh bắt đầu thấy rất rõ, và trực giác rằng thân và tâm là hai thứ hoàn toàn tách biệt, và cũng bắt đầu hiểu biết sự tương quan nhân- quả của thân và tâm. Khi trí tuệ càng phát triển, thì đức tin càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Một thiền sinh đã thấy được sự sinh diệt của đối tượng qua từng thời điểm một sẽ cảm thấy hân hoan và tin tưởng: "Thật là kỳ diệu, thật là phi thường, thật là khó tin nhưng hiển nhiên là các hiện tượng thay đổi qua từng thời điểm một mà chẳng có một tác nhân nào sau nó. Chẳng có tự ngã hay linh hồn gì cả". Do sự khám phá này, tâm thiền sinh đạt được trạng thái an lạc và tĩnh lặng lớn lao. Khi tuần tự thấy rõ vô thường, khổ, và vô ngã thì ĐỨC TIN của thiền sinh sẽ mạnh mẽ thêm. Lúc bấy giờ, giáo pháp sẽ có sức thuyết phục hùng mạnh, đáng tin cậy và đúng thực.
Sưu tầm.
Đã đăng KỲ 2: ĐẠO PHẬT NGUYÊN THỦY VÀ CÁC TƯ TƯỞNG CHÍNH
http://thiengiuadoithuong.blogspot.com/2014/10/phat-hoc-chuyen-e-ky-2-ao-phat-nguyen_30.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét