Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

PHẬT GIÁO, NHÌN TOÀN DIỆN - CHƯƠNG 10: THIỀN TẬP TRONG PHẬT GIÁO (PHẦN 3)

-10.c-

THIỀN TẬP TRONG PHẬT GIÁO



PHỤ BẢN I

Tôi Nghe Như Vầy

Lúc bấy giờ một vị tỳ khưu đến hầu Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi lại một bên. Khi đảnh lễ xong vị tỳ khưu bạch:

"Bạch Ðức Thế Tôn, người ta nói, 'Sống đúng theo Giáo Pháp (dhamma-vihàri). Bạch Ðức Thế Tôn, một vị tỳ khưu sống như thế nào là đúng theo Giáo Pháp?"

1) "Nơi đây, này tỳ khưu, một vị tỳ khưu thông suốt thấu đáo Giáo Pháp và suốt ngày sống với sự hiểu biết thấu đáo ấy, không tìm nơi vắng vẻ, không hành thiền. Vị tỳ khưu ấy được gọi là người sống thiên về pháp học, vị ấy không sống đúng theo Giáo Pháp.

2) "Lại nữa, này tỳ khưu, một vị tỳ khưu dạy người khác Giáo Pháp, cặn kẻ, với đầy đủ chi tiết như mình đã được nghe, như mình đã thông suốt thấu đáo; vị ấy suốt ngày cố thuyết phục, làm cho người khác hiểu Giáo Pháp, không tìm nơi vắng vẻ, không hành thiền. Vị tỳ khưu ấy được gọi là người cố giáo huấn người khác, nhưng không sống đúng theo Giáo Pháp.

3) "Lại nữa, này tỳ khưu, một vị tỳ khưu lặp đi lặp lại Giáo Pháp, cặn kẻ, với đầy đủ chi tiết như mình đã được nghe, như mình đã thông hiểu thấu đáo; vị ấy suốt ngày lặp đi lặp lại, không tìm nơi vắng vẻ, không hành thiền. Vị tỳ khưu ấy được gọi là người cố lặp đi lặp lại, nhưng không sống đúng theo Giáo Pháp.

4) "Lại nữa, này tỳ khưu, một vị tỳ khưu hướng tâm về Giáo Pháp, suy tư, nghiền ngẩm lời dạy như đã được nghe, như đã thông suốt thấu đáo; vị ấy suốt ngày suy gẫm về Giáo Pháp, không tìm nơi vắng vẻ, không hành thiền. Vị ấy được gọi là suốt ngày nghiền ngẩm Giáo Pháp, nhưng không sống đúng theo Giáo Pháp.

5) "Tuy nhiên, này tỳ khưu, một vị tỳ khưu thông suốt thấu đáo Giáo Pháp, không dành hết thì giờ sống với sự thông suốt ấy mà tìm nơi vắng vẻ và hành thiền. Quả thật vậy, này tỳ khưu, vị ấy quả thật sống đúng theo Giáo Pháp.

"Này tỳ khưu, quả thật vậy, Như Lai tuyên ngôn: người cố gắng học, người cố gắng dạy, người cố gắng lặp đi lặp lại, người nghiền ngẩm suy tư và người sống đúng theo Giáo Pháp.

"Những gì mà, do tâm từ tâm bi, một vị thầy nên dạy môn đệ mình, Như Lai đã dạy các con. Ðây là những gốc cây, những nơi hoang vắng yên tĩnh; hãy hành thiền, này tỳ khưu, không nên dể duôi buông lung, không nên để về sau phải hối tiếc. Ðó là lời mà Như Lai kêu gọi các con."

-- (Anguttara Nikàya, Pancaka Nipàta 73)



PHỤ BẢN II

Nếp Sống Phạm Hạnh (Brahma-vihàra)

Brahma-vihàra, tứ vô lượng tâm, là một đề mục hành thiền khác mà bất cứ ai cũng có thể thực hành và gặt hái lợi ích. Danh từ "brahma" có thể được dịch là tuyệt diệu, cao cả, thù thắng, hay cao quý, và "vihàra" là nếp sống. Như vậy, Brahma-vihàra là nếp sống cao thượng, cũng được gọi là tứ phạm trú, hay bốn nơi trú ẩn của bậc phạm hạnh, hay của chư Phạm Thiên. Cũng có thể xem là "nghệ thuật sống cao cả", "lối sống cao siêu nhất" (trong thế gian).

Có bốn loại tâm như vậy là:

Từ, hay tình thương bao quát đồng đều (mettà)
Bi, lòng trắc ẩn thương hại (karunà)
Hỷ, lòng hoan hỷ có tánh cách vị tha (mudità)
Xả, tâm quân bình (upekkhà).

Ðó là bốn phẩm hạnh dẫn đến lối sống cao thượng. Bốn đức độ này loại trừ tánh ích kỷ và trạng thái bất hoà và đồng thời tạo nên đức vị tha, trạng thái hòa hợp và tình huynh đệ. Cũng được xem là bốn trạng thái tâm vô lượng vô biên (appamannàyo), tứ vô lượng tâm, bởi vì đây là bốn đức tánh cao thượng được rộng mở bao trùm tất cả chúng sanh, không trừ bỏ chúng sanh nào, bất luận nòi giống, chủng tộc, giai cấp, màu da, tín ngưỡng, Ðông hay Tây. Subha-vimokkha là một danh từ khác để mô tả bốn loại tâm cao thượng này. Vimokkha là giải thoát, làm cho được tự do, subha là tốt đẹp. Ðây là giải thoát tâm (vimokkha) mình bằng cách nhìn những gì tốt đẹp nơi người khác. Thay vì nhìn vào và chỉ thấy cái xấu cái hư, hành giả nhìn phần tốt đẹp của người, để trau giồi và phát triển bốn trạng thái tâm cao thượng: từ, bi, hỷ, xả.

Sâu ẩn ngủ ngầm bên trong mọi người có những tánh hư tật xấu đủ loại, những điều hư xấu ấy tự nhiên bộc lộ thành những tư tưởng xấu xa bất thiện, khởi sanh đến con người. Tuy nhiên, nên ghi nhận rằng tất cả, và mỗi tật xấu đều có một đức tánh đối nghịch; vậy, có thể phát triển một đức tánh để khắc phục và loại trừ một ô nhiễm.

Trong khi phát triển tâm vô lượng (từ, bi, hỷ, hay xả) ta không loại bỏ bất luận chúng sanh nào. Những đức tánh này không có sự phân biệt nào giữa người và người, xem người này là thấp, người kia là cao hơn, giàu hay nghèo hơn, mạnh hay yếu hơn, thông minh sáng suốt hơn hay tối tăm ngu muội, ở giai cấp bà la môn hay candàla (chăn đà la) hoặc theo Thiên Chúa Giáo, Ấn Ðộ Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo hay Phật Giáo v.v... vì như đã thấy ở phần trên, những tâm cao thượng tuyệt hảo này là vô lượng vô biên, và không quá trể hơn khi, dựa trên những nguyên tắc sai lầm, ta cố gắng phân chia con người ra từng nhóm, thì ngay lúc ấy ý niệm chia rẽ lẫn chen vào, những đức độ vô lượng sẽ có giới hạn, vô biên trở thành có biên giới. Như vậy là trái nghịch với lý tưởng cao cả của bốn loại tâm thù thắng cao siêu này. Brahma-vihàra, tứ vô lượng tâm, cũng có thể được áp dụng như một đề mục hành thiền gọi là "brahma-vihàra bhàvanà", công phu trau giồi những trạng thái tâm cao siêu bằng pháp hành thiền. Qua pháp hành nhằm phát triển những đức hạnh tích cực này, hành giả có thể lắng tâm an trụ và thanh lọc, làm cho tâm trong sạch.

Khi niệm tứ vô lượng tâm, hành giả thấy dễ dàng hơn nếu bắt đầu bằng chính mình. Thí dụ như bắt đầu niệm: "ùớc mong tôi được an vui hạnh phúc, không bịnh hoạn, không phiền lụy, v.v..." Rồi nghĩ đến thầy tổ, bạn bè, những người mà đối với họ mình không thương cũng không ghét và sau cùng, đến những người xem là thù nghịch (nếu có, nhưng không nên tạo ra trong tâm một người thù), và rải đến họ những tư tưởng từ ái. Có thể hình như rất khó rải tâm từ đến người mà mình xem là thù nghịch, nhưng chính việc khó làm ấy sẽ phá vỡ hàng rào ngăn cách. Tâm từ phải được rải khắp đồng đều mà không có sự hạn định chăm chế hòa giải nào.

Ta có thể hỏi tại sao rải tâm từ đến mình trước. Có phải là ích kỷ không? Thoáng nghe qua hình như đúng vậy, nhưng ta sẽ thấy rằng làm như thế ta sẽ rải tâm từ đến người khác dễ dàng hơn. "Tôi thích được an vui hạnh phúc. Vậy, ước mong rằng chúng sanh khác cũng được an vui, hạnh phúc". "Tôi như thế nào, người khác cũng được như thế ấy, người khác như thế nào tôi cũng được như thế ấy", và chúng ta trau giồi tâm từ đối với tất cả.

Câu 130 của kinh Dhammapada (Pháp Cú ) dạy:

"Ai cũng run rợ trước hình phạt,
Tất cả đều quý trọng đời sống.
Hãy lấy bụng ta so lòng người,
Không nên giết chóc, 
Cũng không nên làm cho ai giết."

I. Tâm Từ (Mettà)

Mettà (Skt. maitri) là lòng ước muốn rằng tất cả chúng sanh, không có bất luận hạn định nào, đều được an vui hạnh phúc. Tâm từ (mettà) là đặc tánh của người bạn lành. Kẻ thù trực tiếp của tâm từ là tánh hung dữ, lòng sân hận, còn người thù mang lốt bạn của tâm từ là tình thương thiên về xác thịt, sự thương yêu trìu mến có tánh cách tham dục hay lòng luyến ái vị kỷ (pema), những trạng thái tâm khác hẳn với tâm từ. Tình thương thiên về xác thịt, khi sâu ẩn lẫn núp dưới lốt tâm từ, có thể gây nhiều tai hại cho mình cũng như cho người khác. Ta phải cẩn mật canh phòng kẻ thù mang lốt bạn này, tức lòng tham ái muốn chiếm làm sở hữu của mình. Nếu tình thương là hậu quả trực tiếp của lòng ham muốn, bám níu và cố giữ cho mình thì thật sự là không phải tâm từ.

Có lòng thương một người hàm ý là đem lòng luyến ái, bám níu vào người mình thương, và nếu người kia cũng thương yêu mình như thế ấy, ắt có sự trói buộc giữa hai người, nhưng khi phải xa lìa nhau hoặc khi tình thương phai lạt thì ta trở nên đau khổ và có thể hành động điên rồ. Khi giảng về khổ đế của Tứ Diệu Ðế Ðức Phật dạy: "Sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ." Tuy nhiên, tâm từ là trạng thái tâm cao thượng vô cùng trong sạch, không bám níu, luyến ái hay dính mắc vào bất luận gì.

Quả thật khó thương yêu một người mà không có chút luyến ái nào, thương một cách vô tư, không có ý niệm tự ngã, ý niệm về ta và của ta; bởi vì từ thủa nào con người luôn luôn ôm ấp dưỡng nuôi cái "ta" một cách sâu ẩn trong lòng. Thương mà không có sự phân biệt nào giữa cái này với cái kia, không đặt một ranh giới nào giữa người này với người khác, xem tất cả mọi người là anh, là chị, thương bao quát đồng đều vô hạn định, một tình thương như thế xem hình như không thể có. Tuy nhiên, những ai đã cố gắng thể hiện, dầu ở mức độ ít oi khiêm tốn nào, sẽ được ân thưởng và sẽ thấy không hoài công.

Những tư tưởng thù nghịch và sân hận rất là tai hại và gây rất nhiều tổn hại cho người nuôi dưỡng nó. Khi lòng sân trổi dậy họ có thể hành động giống như thú. Ðó là tâm trạng si mê của con người. Ðiều này đúng trên bình diện cá nhân cũng như ở tầm mức quốc tế.

Mettà, tâm từ là chất liệu giải độc hữu hiệu nhất để tiêu trừ lòng sân hận bên trong, mà cũng là phương thuốc trị liệu công hiệu nhất để giải trừ tâm sân của những ai nóng nảy phiền giận mình. Chúng ta hãy bủa rộng tâm từ vô lượng vô biên, bao trùm những ai cần đến. Tình thương là ngôn ngữ của tâm. Tình thương là sức mạnh nối liền, kết hợp lại với nhau những quả tim, nhằm hàn gắn những vết thương lòng và thống hợp con người trong tình huynh đệ thật sự. Khi được trau giồi đến mức độ cao siêu, tâm từ hình như có một năng lực hấp dẫn phi thường. Bằng cách rải những rung động từ ái ta có thể ảnh hưởng và cảm hóa người khác.

Với tình thương, con người tăng trưởng dồi dào kho tàng hạnh phúc của nhân loại, làm cho thế gian tươi sáng hơn, cao quý hơn, trong sạch hơn, hơn là bằng cách nào khác. Không có bất hạnh nào tệ hại hơn sân hận, có lời nói như vậy, và trước cơn giận dữ thù nghịch của kẻ khác, không có gì châu toàn hơn là tấm lòng từ ái, tấm lòng mà trong đó sân hận đã cáo chung. Tâm từ là một năng lực tích cực. Mỗi hành động thấm nhuần tình thương đều được thể hiện với tâm trong sạch hỗ trợ, giúp đỡ, khích lệ, làm cho con đường của người khác được dễ dàng, suôn sẻ và thuận lợi chinh phục đau khổ, thành đạt hạnh phúc tối thượng.

Phương cách trau giồi tâm từ là suy niệm về những hiểm họa do lòng sân hận gây nên và những lợi ích của tâm không thù hận. Nếu suy tư đúng theo chiều hướng của thực tại, đúng theo lý nghiệp báo, thì thật sự là không có ai, không có gì để hận thù, rằng oán ghét thù hận là lối cảm xúc điên rồ chỉ dẫn vào đêm tối, ngày càng tối tăm hơn. Ðó là lối cảm xúc ngăn chận con đường dẫn đến chánh kiến.

Sân hận hạn chế, tâm từ phóng thích. Sân hận bóp nghẹt; tâm từ buông thả. Sân hận đem lại hối tiếc; tâm từ đưa đến an lạc. Sân hận khuấy động; tâm từ lắng dịu, tĩnh lặng, an trụ. Sân hận chia rẽ; tâm từ hoà hợp. Sân hận làm chai cứng; tâm từ làm dịu hiền. Sân hận gây trở ngại; tâm từ hỗ trợ. Và như thế ấy, do nhờ khảo sát và trị giá đúng mức hậu quả tai hại của sân hận và lợi ích của tâm từ, ta nên trau giồi lòng từ ái.

Tâm từ

Cũng như bà từ mẫu thương yêu con, 
Người con duy nhất của bà,
Với tình thương không giới hạn.
Mở rộng, nới xa, 
Mênh mông vô bờ bến --
Và, cho con, bà có thể hy sinh
Tánh mạng của chính bà -- 
Cùng thế ấy, hãy nới rộng tình thương
Của chúng ta đối với tất cả chúng sanh,
Phương Ðông, Phương Tây, Phương Bắc và phương Nam,
Phía dưới, phía trên --
Mở rộng và mở rộng ra,
Vô lượng, không biết mệt.
Xa thẩm, không thể đo lường.
Một tình thương thuần khiết, 
Không pha lẫn luyến ái -- và như thế
Kẻ điên rồ không thể hiểu;
Nhưng bậc thiện trí thì thấu hiểu,
Và thấu hiểu, thông suốt đầy đủ
Giá trị vàng ngọc của nó."
(Kassapa Thera, dựa theo bài kinh Mettà Sutta)

II. Tâm Bi (Karunà)

Karunà, tâm bi, được định nghĩa là: "Ðức tánh làm cho tâm rung động trước hoàn cảnh nguy khổn của kẻ khác", "đức tánh làm khởi sanh những cảm xúc dịu hiền trước cảnh tượng khổ đau của người khác". Hung dữ, bạo tàn là kẻ thù trực tiếp của tâm bi (karunà), trong khi ấy phiền muộn âu sầu, mặc dầu có thể xem hình như bạn, nhưng thật sự không phải lòng trắc ẩn thương hại và phát tâm muốn giúp người hoạn nạn, mà chỉ là người thù gián tiếp hay kẻ thù mang lốt bạn. Chúng ta phải cố gắng phân biệt rõ ràng loại tâm bi nào là đúng thật và loại nào là giả. Người có tâm bi không bao giờ gây tổn thương hay áp chế ai khác và tận lực làm vơi cạn nỗi sầu của người, tạo tình trạng an lành cho mình và cho tất cả, không có bất luận sự phân biệt nào.

Karunà, tâm bi, là lòng trắc ẩn thương người. Ðây là phẩm hạnh cao cả làm cho quả tim của con người thánh thiện rung động trước tình trạng đau khổ của thế gian.

Karunà có đặc tánh của bà mẹ lúc nào cũng suy tư, hành động và nói những lời êm dịu để an ủi con trong cơn phiền muộn âu sầu. Người có tâm bi không thể chịu đựng những đau khổ của kẻ khác, và không bao giờ bạo động. Mức độ tuyệt đỉnh của tâm bi là hoàn toàn tận diệt mọi hình thức bạo động. Nguyên nhân kế cận làm phát sanh tâm bi là nhìn thấy hoàn cảnh tuyệt vọng của người khốn khổ. Ðúng theo giáo huấn và gương lành mà Ngài ban truyền, Ðức Phật là bậc Ðại Bi (Mahàkàrunika). Ngài ban rải tâm bi rộng lớn đến tất cả chúng sanh và không bao giờ khuyến khích cãi vã, thù nghịch và bạo hành. Có lần Ngài dạy các vị đệ tử như sau: "Như Lai không hề gây gổ với thế gian, chính thế gian gây gổ với Như Lai. Người sống đúng theo Giáo Pháp không cãi vã với bất cứ ai trong thế gian." [1] Toàn thể giáo huấn của Ðức Phật đượm nhuần đức hạnh bi mẫn cao thượng.

Bi mẫn và bạo tàn không thể cùng tồn tại chung. Tâm bi xây dựng trong khi hung bạo tiêu diệt. Người ích kỷ, người ôm ấp dưỡng nuôi những ý tưởng chỉ biết mình, không thể trau giồi tâm bi. Con người biết hy sinh quyền lợi riêng tư của mình, con người vị tha bất cầu lợi, cũng thấm nhuần tâm mình với những tư tưởng bi mẫn trong sạch tinh khiết và lòng muốn cứu giúp và phục vụ người khác. Người ích kỷ không thể thật sự phục vụ ai, bởi vì chính động cơ thúc đẩy họ phục vụ đã mang tính chất vị kỷ, do đó ngăn cản họ làm điều gì thật sự tốt đẹp. Không quá trể hơn khi lòng vị kỷ cố hữu trổi dậy và làm chủ tình hình thì họ không còn giữ tâm trắc ẩn dịu hiền nữa. Chính lòng trắc ẩn dịu hiền và thương người hoạn nạn khổ đau sẽ khắc phục tâm chai đá dững dưng cứng rắn.

Nếu rứt bỏ, tách rời tâm bi ra khỏi giáo huấn của Ðức Phật ắt ta bỏ đi phần nòng cốt và tinh túy của Phật Giáo, bởi vì tâm bi là nền tảng của tất cả những phẩm hạnh, những gì tốt đẹp và chánh đáng và tất cả những hạnh lành trên đều được sanh ra từ bào thai tâm bi (karunà nidhànam hi sìlam).

Tất cả những phẩm hạnh (pàramità, ba-la-mật) mà một vị Bồ tát -- người có nguyện vọng trở thành Phật -- gia công trau giồi, đều khởi sanh từ tâm bi. Tâm bi do trí tuệ, hay chánh kiến, hướng dẫn, và trí tuệ do tâm bi hướng dẫn. Hai yếu tố này mật thiết đi chung với nhau và là quy tắc dẫn đạo nòng cốt của Phật Giáo.

Tâm bi chắc chắn không phải là một trạng thái tâm thoáng phớt qua. Nó thật sự là cái gì mạnh mẽ và vững bền. Trước một người đang nguy khổn, chính tâm bi thúc đẩy ta có hành động hỗ trợ, giúp người ấy vượt qua khỏi hoàn cảnh khó khăn. Và như vậy ta cần phải có ý chí dũng mãnh.

Người ta say mê học hỏi những loại máy móc khác nhau mà khoa học sáng chế. Nhu cầu cấp bách hơn là học hỏi, khảo sát cái tâm, guồng máy phức tạp của con người. Chính sự nghiên cứu học hỏi này mới làm sáng tỏ mọi hiểu lầm giữa người và người.

Có những vần thơ rằng:

"Phần lớn đời sống như sương mờ, như bọt nước,
Có hai điều vững chắc như tảng đá;
Tình thương, trong cảnh hoạn nạn của người,
Lòng quả cảm, bên trong chính mình."

III. Tâm Hỷ (Mudità)

Hoan hỷ trong sự thành công của kẻ khác là trạng thái tâm cao thượng thứ ba, được gọi là mudità, tâm hỷ.

Ðây không phải chỉ là vui vẻ hỷ hạ suông mà là một niềm vui chân thật, vị tha, chia sẻ với người thành công. Người thù trực tiếp của tâm hỷ là ganh tỵ và kẻ thù gián tiếp là bãi buôi mừng rỡ. Ganh tỵ là một tật xấu làm ô nhiễm tâm và gây buồn khổ cho con người nuôi dưỡng nó.

Khi người khác lâm cơn hoạn nạn thì ta mở lòng trắc ẩn thương xót và cố gắng giúp họ ra khỏi cảnh nguy khổn. Nhưng để chia sẻ niềm vui trong sự thành công của người thì ta cần phải có tâm hỷ. Ðây là đức tánh làm cho ta thành thật chia sẻ niềm vui với sự thành công của người, cũng như hân hoan vui vẻ với sự thành công của chính ta.

Con người ganh tỵ không thể cảm nghe hạnh phúc khi người khác tiến bộ hay thành công, trái lại, lấy làm thích thú khi có ai thất bại và rủi ro. Vài người cha mẹ ganh tỵ với gia đình khác, vì trong nhà người ta con cái công thành danh toại, còn con nhà mình thì hư hỏng. Quả thật vô nghĩa lý, vì như vậy chỉ tự chuốc lấy hậu quả buồn phiền.

Ganh tỵ là một tật xấu mà hình như hầu hết những hạng người khác nhau trong xã hội -- trí thức, chánh trị gia và chí đến những người cao sang quyền quý v.v... -- đều chia sẻ. Nếu quả thật là vậy, thì có cần nói đến những người nghèo khổ và thất học không? Tuy nhiên, đôi khi những người này còn ít vị kỷ và hợp tác dễ dàng hơn. Thay vì ôm ấp dưỡng nuôi những tư tưởng ganh tỵ, chúng ta phải tận lực gia công quyết chí vượt qua khỏi mọi trở ngại và viên mãn hoàn thành ước vọng của mình. Hãy ghi nhớ rằng cái nghiệp của ta có vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.

Mudità, tâm hỷ, là thái độ ngợi khen một người, tâm hỷ loại trừ ác cảm. Do công phu hành thiền và khảo sát những thăng trầm của kiếp sống chúng ta sẽ có thể trau giồi đức hạnh cao cả này và hoan hỷ với tình trạng an lành, hạnh phúc và tiến bộ của người khác.. Khi chúng ta đã thuần thục, thành thật vui với niềm vui của người khác, thì tâm ta trở nên trong sạch tinh khiết và cao thượng. Thấy người bụng đói ta cho thức ăn với tâm bi (karunà). Khi ăn xong, người ấy hết đói và cảm nghe thoải mái vui vẻ, ta cũng nghe vui vẻ hân hoan. Một hành động bất vụ lợi như vậy đem lại cho ta niềm vui tinh khiết trong sạch, tâm hỷ (mudità). Ðến đây ta nhận thức rõ rằng những trạng thái tâm cao thượng này tác động chung và hỗ trợ lẫn nhau.

IV. Tâm Xả (Upekkhà)

Trạng thái tâm cao thượng thứ tư, và cuối cùng là tâm xả, upekkhà. Ðây là "tâm quân bình", bình thản và không phải là trạng thái dửng dưng lãnh đạm. Xả là hậu quả của tâm an trụ vắng lặng. Bốn phẩm hạnh cao thượng từ, bi, hỷ, xả liên quan và tùy thuộc lẫn nhau rất mật thiết, nhưng chính tâm xả luôn luôn canh phòng ba tâm kia. Xả là đức tánh trọng yếu nhất, sâu sắc nhất và cũng khó trau giồi nhất.

Ðời sống không phải là một vườn hoa hồng. Ta phải cần nhiều nhẫn nhục, tinh tấn và ý chí bất lay chuyển để trau giồi những đức hạnh ấy và đồng thời tránh khỏi ích kỷ hay thiên vị. Xả, hay tâm quân bình, lãnh đạo, hướng dẫn ba loại tâm cao thượng kia, giữ hành giả trong vị trí an toàn và đem lại niềm tin nơi chính mình, không ỷ lại nơi ai khác.

Tất cả chúng ta đều phải đối phó với tám thăng trầm của đời sống (attha loka dhamma, tám pháp thế gian): được và thua, danh thơm và tiếng xấu, ca tụng và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ. Và khi đã chạm trán với những kinh nghiệm phũ phàng ấy thì quả thật là khó mà không chao động. Nhưng người đã có trau giồi đầy đủ tâm xả thì không phiền lụy. Người ấy không lay chuyển. Giữa những lời ca tụng và khiển trách, dầu hạnh phúc hay đau khổ, người ấy vẫn vững chắc như tảng đá sừng sựng giữa cơn gió lốc. Lẽ dĩ nhiên đó là thái độ của chư vị A La Hán, bậc Toàn Thiện. Các Ngài được mô tả như sau:

"Bậc Thiện Trí từ bỏ tất cả, không nắm giữ bất luận gì trên thế gian. Các Ngài không thốt ra lời nào với ẩn ý tham ái. Dầu gặp phải hạnh phúc hay đau khổ các Ngài cũng không để tinh thần bồng bột hay suy sụp." Những người kém hơn cũng vậy, dầu không toàn thiện, nhưng khi đã am tường bản chất thật sự của kiếp sinh tồn với những thăng trầm của nó và đã trau giồi tâm xả, cũng có thể đương đầu với cuộc sống lên xuống bất thường một cách can đảm. Những vị này có thể thấy sự vật phát sanh và hoại diệt như thế nào đúng trong bối cảnh của nó. Không lo âu và vọng động, các Ngài có thể nhận thức những gì phù du là tạm bợ. "Tâm vắng lặng ... tiếp tục tiến bước, trong hạnh phúc cũng như bất hạnh, đều đặn như cái đồng hồ, trong cơn giông tố." [2]

Nguyên nhân kế cận làm cho tâm xả khởi sanh là sự thấu hiểu rằng mỗi chúng sanh là kết quả của cái nghiệp (kamma) của mình. Kẻ thù trực tiếp của tâm xả là bám níu, luyến ái, và người thù gián tiếp mang lốt bạn là lòng chai đá dửng dưng, thờ ơ lãnh đạm.

Nhằm trau giồi tâm xả, một kiến thức về lối tác động của lý nghiệp báo, nhân sanh quả (kamma-vipàka) như thế nào, quả thật vô cùng thiết yếu. Trong ánh sáng của lý nghiệp báo (kamma) ta sẽ có thể phát triển thái độ buông xả đối với tất cả chúng sanh, chí đến các vật vô tri vô giác.

Upekkhà, tâm xả, gác qua một bên cả hai, bám níu (anurodha) và phẩn uất (virodha). Ðó là hai cực đoan. Người hành thiền đã đi trên Trung Ðạo, thì không còn chạy theo cái vừa lòng hay ưa thích và xua đuổi điều phật ý hay ghét bỏ. Hành giả giữ tâm bình thản, quân bình, không giận dữ, phẩn nộ, chán nản buồn phiền hay lo âu. Như Wordsworth ghi nhận: " Những tâm hồn dũng mãnh nhất là những ai mà tiếng ồn ào của thế gian ít lọt vào tai nhất". Và hơn 2,500 năm trước đó Ðức Phật dạy:

"Ðúng vậy, rỗng không thì kêu to, nhưng đầy thì im lặng.
Kẻ ngu như cái hũ trống; người trí như ao hồ." [3]

Mettà, tâm từ, bao trùm tất cả chúng sanh; karunà, tâm bi, gồm những chúng sanh đau khổ; mudittà, tâm hỷ, những chúng sanh dồi dào phong phú; và upekkhà, tâm xả, bao gồm cả hai, những gì thiện và những gì bất thiện, những gì yêu quý mến thương và những gì không ưa thích; những gì vừa ý và những gì phật lòng, những gì xấu xí và những gì đẹp đẽ, mà không có bất luận sự phân biệt thiên vị nào.

"... Hành giả chứng nghiệm phỉ lạc, đã phỉ lạc ắt tâm an trụ. Hành giả đượm nhuần dồi dào tâm từ (mettà) và rải bủa xa rộng về một hướng. Cùng thế ấy hành giả rải tâm từ về hướng thứ nhì, thứ ba, thứ tư, bên trên, phía dưới, khắp quanh mình. Hành giả rải khắp đồng đều toàn thể thế gian với tâm tràn đầy từ ái, dồi dào, ngày càng rộng lớn, vô lượng vô biên, không căm hờn, không ác ý. Hành giả sống với tâm thấm nhuần tràn đầy bi mẫn (karunà), ... hỷ cảm (mudità), ...xả (upekkhà)... không ác cảm, không thù hận.

"Tựa hồ như có đầm sen kia dễ mến, nước trong veo, mát mẻ, dịu ngọt, nằm giữa cồn bãi trắng phao ngoạn mục; và một người nọ từ hướng Ðông, Tây, Nam hay Bắc, mệt mỏi nhuể nhoại dưới ánh nắng nóng bức, kiệt lực, khát nước, miệng khô. Ðến đầm sen người ấy mặc tình giải khát và tắm rửa tươi tỉnh. Cùng thế ấy ... người đã đến với Giáo Pháp và Giới Luật (dhamma-vinaya) mà Ðức Phật đã ban truyền, đã trau giồi tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả, cũng đạt đến trạng thái nội tâm vắng lặng -- Như Lai tuyên ngôn, chính với nội tâm vắng lặng mà người ấy theo đúng pháp hành thích nghi của người hành thiền." [4]




PHỤ BẢN III

Chánh Tinh Tấn

Chánh tinh tấn có bốn tác dụng là: ngăn ngừa, dứt bỏ, phát triển, và củng cố. [5]

1. Cái gì là tinh tấn ngăn ngừa?

"Nơi đây, người hành thiền đặt hết ý chí mình vào công trình ngăn ngừa, không để cho bất thiện pháp phát khởi; gìn giữ, không để cho những tư tưởng bất thiện chưa phát sanh có thể phát sanh. Vị này kiên trì cố gắng phát triển năng lực và dũng mãnh tăng cường tâm mình (để ngăn ngừa).

"Nơi đây, khi hành giả thấy một hình thể, nghe một âm thanh, hưởi một mùi, nếm một vị, xúc chạm một vật, hoặc hay biết một ý tưởng, nhận biết rõ ràng dấu hiệu hay chi tiết (tức hành giả không để bị toàn thể hay chi tiết nào của đối tượng ấy gây xúc động). Hành giả chăm chú kiểm soát, cẩn mật canh phòng và chế ngự lục căn, không để cho những tư tưởng như khát khao ham muốn hay chán nản thất vọng, tội lỗi và bất thiện pháp xâm nhập vào như người không thu thúc lục căn (bị nó xâm nhập). Ðó là tinh tấn ngăn ngừa."

2. Cái gì là tinh tấn dứt bỏ?

"Nơi đây hành giả đặt hết ý chí mình vào công trình dứt bỏ những tư tuởng tội lỗi, bất thiện, đã phát sanh. Vị này kiên trì cố gắng phát triển năng lực và dũng mãnh tăng cường tâm mình (để dứt bỏ).

"Nơi đây hành giả không chấp nhận những dục vọng đã phát sanh mà dứt bỏ, tránh xa và xua đuổi, làm cho nó chấm dứt và tan biến. Cùng thế ấy (vị này tránh xa và xua đuổi) những tư tưởng sân hận và hung bạo đã phát sanh. Ðó là tinh tấn dứt bỏ."

3. Cái gì là tinh tấn phát triển?

"Nơi đây, hành giả đặt hết ý chí mình vào công trình tạo nên và phát triển những tư tưởng thiện chưa phát sanh. Vị này kiên trì cố gắng phát triển năng lực và dũng mãnh tăng cường tâm mình (để phát triển).

"Nơi đây, vị hành giả phát triển những yếu tố của sự giác ngộ (thất giác chi), vốn đặt nền tảng trên cuộc sống ẩn dật, trên sự dứt khoát buông xả, và trên sự chấm dứt mà cuối cùng đưa đến giải thoát. Thất giác chi là: niệm, trạch pháp, tấn, phỉ, an, định và xả. Ðó là tinh tấn phát triển."

4. Cái gì là tinh tấn củng cố?

"Nơi đây hành giả củng cố đề mục hành thiền thích hợp của mình. Ðó được gọi là tinh tấn củng cố."

Ðó là bốn tinh tấn. Những bất thiện pháp được đề cập ở đây là ba căn bất thiện, nguồn cội của tất cả những nghiệp bất thiện. Ðó là những tư tưởng tham ái, sân hận và si mê (lobha, dosa, moha). Tất cả những say mê khác đều kết hợp quây quần chung quanh ba căn cội này. Ðối nghịch với ba căn này là ba căn thiện: không-tham, không-sân, không-si (alobha, adosa, amoha).

Tác dụng của bốn nỗ lực này là giúp thành tựu viên mãn công trình hành thiền. Tứ chánh cần hay chánh tinh tấn là điều kiện tất yếu không thể không có, để đạt đến trạng thái định. Ta đã thấy rằng chánh tinh tấn nằm trong nhóm "định", và như vậy, liên quan mật thiết và tùy thuộc lẫn nhau với hai chi kia là chánh niệm và chánh định. Ba chi này sinh hoạt chung và cùng lúc với nhau. Nếu không có chánh tinh tấn ắt không thể khắc phục năm pháp triền cái [6]. Chánh tinh tấn tiêu trừ những tư tưởng bất thiện vốn làm trở ngại sự lắng tâm và đàng khác, phát huy và củng cố những tâm sở thiện, nhằm phát triển trạng thái định.




PHỤ BẢN IV

Pháp Triền Cái (Nìvarana)

"Này chư tỳ khưu, có năm chướng ngại làm cho ta mù quáng, không thấy, không hiểu biết và do đó cướp mất trí tuệ của ta. Năm chướng ngại ấy kết hợp với đau khổ và không đưa đến Niết Bàn." [7]

"Nìvarana", triền cái, có nghĩa là những gì làm trở ngại và ngăn chận sự phát triển tinh thần. Ðược gọi là triền cái hay chướng ngại tinh thần, bởi vì nó hoàn toàn đóng chắc, cắt đứt và ngăn chận. Nó khóa hẳn cánh cửa mở vào giải thoát. Năm ấy là gì?

1. Tham dục (kàmacchanda),
2. Oán ghét (vyàpàda),
3. Hôn trầm và dã dượi (thìna-midha),
4. Phóng dật và lo âu (uddhacca-kukkucca),
5. Hoài nghi (vicikicchà).

1. Kàmacchanda, tham dục, là sự ham muốn duyên theo nhục dục ngũ trần. Những tư tưởng tham dục chắc chắn làm chậm trể sự phát triển tinh thần. Nó làm tâm chao động và trở ngại công trình lắng tâm an trụ. Sở dĩ có tham dục phát sanh là vì không thu thúc lục căn. Vì không cẩn mật canh phòng sáu cửa (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) nên những tư tưởng tham ái có thể xâm nhập vào và làm ô nhiễm tâm thức. Do đó người hành thiền cần phải cẩn trọng thu thúc lục căn, không dể duôi hờ hửng để cho chướng ngại tham ái ngăn chận, khoá đóng con đường giải thoát của mình.

2. Chướng ngại kế đó là oán ghét hay ác ý. Cũng như trường hợp của tham dục, sự chú tâm sai lầm, kém khôn ngoan, không sáng suốt, dẫn đến ác ý, oán ghét hay sân hận. Và nếu không được kiểm soát kịp thời, những tư tưởng bất thiện này sẽ thấm nhuần tâm và che lấp kiến thức, làm cho ta mù quáng, không thấy rõ sự thật. Nó làm méo mó toàn thể tâm thức và các tâm sở liên hệ và như vậy, gây trở ngại cho Ánh Sáng Chân Lý, đóng kín con đường đưa đến Tự Do. Tham dục và oán ghét đặt nền tảng trên si mê, chẳng những làm chậm trể sự trưởng thành của tâm trí mà còn tác dụng như nguyên nhân của những cuộc chia rẽ, tranh chấp và xung đột giữa người và người, giữa quốc gia này với quốc gia khác.

3. Chướng ngại thứ ba là hôn trầm và dã dượi, một trạng thái tâm uể oải, không buồn hoạt động. Ðó không phải là trạng thái uể oải của cơ thể vật chất như có người lầm tưởng, bởi vì chí đến các vị A La Hán và chư Phật là những bậc đã hoàn toàn khắc phục các pháp triền cái, đôi khi vẫn còn cảm nghe cơ thể mệt mỏi. Giống như miếng bơ quá đặc, dính cục lại, làm cho ta khó trét trên bánh mì, trạng thái hôn trầm dã dượi làm cho ta nhuể nhoại. biếng hoạt động và như vậy, làm cho người hành thiền mất lòng nhiệt thành, kém quyết tâm, rồi tinh thần trở nên ươn yếu và lười biếng. Sự hôn trầm làm cho tâm thần càng thêm dã dượi và cuối cùng đưa đến trạng thái tâm chai đá hửng hờ.

4. Chướng ngại thứ tư, phóng dật và lo âu, là một chướng ngại khác làm chậm trể bước tiến tinh thần. Khi mà tâm trở nên phóng dật thì nó giống như bầy ong bị vỡ ổ, cứ vo vo bay quanh quẩn không ngừng và như vậy, khó an trụ được. Một cái tâm chao động tức nhiên không thể vắng lặng. Chính tình trạng chao động là một trở ngại trên con đường dẫn đến vắng lặng, con đường hướng thượng. Trạng thái lo âu cũng tệ hại như phóng dật. Khi mà người kia mãi mãi lo âu, hết chuyện này đến chuyện khác, hết việc nọ đến việc kia, những việc đã làm xong và những việc chưa làm được, và luôn luôn tư lự lo âu về những chuyện rủi may của đời sống, thì chắc chắn là tâm người ấy không bao giờ an lạc. Tất cả những tình trạng quấy rầy, bực dọc, phiền phức, lo âu và không yên ấy là những trở ngại cản ngăn, không để tâm an trụ. Do đó, phóng dật và lo âu hẳn là pháp triền cái.

5. Chướng ngại thứ năm, hoài nghi, cũng là chướng ngại cuối cùng. Danh từ Pali vi + cikicchà, đúng theo nghĩa từng chữ, là "không (vi = vigata) thuốc (cikiccha)". Các nhà chú giải giải thích chướng ngại này là tình trạng thiếu khả năng quyết định về bất luận điều gì; và cũng xem hoài nghi là không tin tưởng rằng có ai có thể đắc thiền (jhàna). Quả thật vậy, người mà mắc phải chứng bịnh hoài nghi, bất định, không nhất quyết về điều mình đang làm, thì rõ thật là vô cùng tai hại, và ngoại trừ khi nào chấm dứt tâm trạng ấy người kia sẽ còn tiếp tục đau khổ vì nó. Ngày giờ nào mà con người còn bị tâm trạng hoài nghi làm lung lạc tinh thần, như người ngồi trên hàng rào, thì đó là một tệ hại tinh thần rất trầm trọng cho công trình trau giồi tâm trí.

Tâm mà bị những chướng ngại tai hại trên thấm nhuần sẽ không thể an trụ một cách tốt đẹp vào bất cứ đề mục nào có bản chất trong sạch. Ðúng rằng người kia có thể gom tâm vào một đối tượng với những tư tưởng bất thiện như tham ái, sân hận v.v... nhưng đó là tà định (micchà-samàdhi). Ngày giờ nào mà các bợn nhơ tinh thần hay khát vọng (kilesa) còn tồn tại nơi người nào thì tư tưởng nhiễm ô và bất thiện sẽ còn phát sanh nơi người ấy. Tuy nhiên, người hành thiền đã gia công thực hành tâm vắng lặng (samàdhi) không còn có thể lầm lạc phạm điều bất thiện; bởi vì đã kiểm soát các pháp triền cái.

Nhằm điều phục năm pháp triền cái, hành giả cần phải trau giồi và phát triển năm yếu tố tâm lý gọi là chi thiền (jhànanga). Ðó là: vitakka, vicàra, pìti, sukha và ekaggatà (tầm, sát, phỉ, lạc, trụ), đối nghịch với năm triền cái. Chính năm chi thiền này nâng đỡ, đem tâm trạng của hành giả từ thấp lên cao. Loại tâm kết hợp với những yếu tố tâm lý ấy được gọi là "thiền" (jhàna). Năm chi thiền, kể theo thứ tự và từng bước một, điều phục năm pháp triền cái, vốn ngăn chận con đường đưa đến trạng thái tâm "định". Mỗi chi thiền chính xác đối nghịch với một triền cái.

Chi thiền trụ (ekaggatà, nhứt điểm tâm, hay gom tâm an trụ vào một điểm) chế ngự chướng ngại tham dục; chi thiền phỉ (pìti) chế ngự chướng ngại oán ghét (vyàpàda); chi thiền tầm (vitakka) chế ngự chướng ngại hôn trầm và dã dượi; chi thiền lạc (sukha) chế ngự chướng ngại phóng dật và lo âu; chi thiền sát (vicàra) chế ngự chướng ngại hoài nghi. Nếu sắp xếp ngang nhau thì sẽ như thế này:

tham dục <-> trụ
oán ghét <-> phỉ
hôn trầm và dã dượi <-> tầm
phóng dật và lo âu <-> lạc
hoài nghi <-> sát




PHỤ BẢN V

Sona, Vị Hành Giả Nhiệt Thành

Vào thời Ðức Phật có Ðại Ðức Sona-kolivisa [8] rất là tinh tấn. Ngài cố ép mình quá sức -- cả thân lẫn tâm -- trong khi hành thiền, nhưng rồi thất bại. Và Sư có ý nghĩ như sau:

"Trong số các đệ tử của Ðức Thế Tôn mà đã tận lực cố gắng hành thiền, thì ta đây là một. Mặc dầu vậy, ta vẫn chưa thanh lọc hết những ô nhiễm trong tâm. Gia đình ta khá giả. Ta có thể thọ hưởng tài sản sự nghiệp để làm việc thiện. Hay là ta từ bỏ công trình tu tập này, trở về nếp sống thấp kém hơn, thọ hưởng tiền của và làm việc phước thiện, tạo nghiệp lành."

Ðức Thế Tôn đọc được ý nghĩ của Ðại Ðức Sona, đến gần và hỏi: "Này Sona, phải chăng là con đang suy nghĩ rằng: 'Trong số các đệ tử của Ðức Bổn Sư mà đã tận lực cố gắng ... (như trên) ... tạo nghiệp lành?" "Bạch Ðức Thế Tôn, đúng như vậy."

"Và con nghĩ thế nào, này Sona, khi còn tại gia cư sĩ có phải con là một nhạc sĩ rất tài chăng?" "Bạch Ðức Thế Tôn, đúng như vậy." "Và con nghĩ thế nào, này Sona, khi cây đờn của con lên dây cao quá mức, con có thể dùng nó mà đờn đúng giọng không?" "Bạch Ðức Thế Tôn, quả thật không được."

"Và con nghĩ thế nào, này Sona, khi cây đờn của con lên dây quá thấp, con có thể đờn đúng giọng không?" "Bạch Ðức Thế Tôn, quả thật không được."

"Tuy nhiên, này Sona, khi đờn được lên dây vừa đúng, không quá căng cũng không quá dùn, con có thể đờn đúng giọng không?" "Bạch Ðức Thế Tôn, chắc chắn là con đờn được."

Cùng thế ấy, này Sona, cố gắng quá mức làm cho con người quá căng thẳng, và không đủ cố gắng sanh ra lười biếng. Như vậy, này Sona, con hãy quyết tâm dũng mãnh như thế này: Thấu hiểu tình trạng quân bình của ngũ căn [9], ta sẽ quyết chí thành đạt mục tiêu bằng cách kiên trì và đều đặn tinh tấn." "Bạch Ðức Thế Tôn, con xin vâng."

Ðại Ðức Sona hành đúng theo lời chỉ giáo và về sau trở thành một trong các vị đệ tử A La Hán của Ðức Phật. [10]




PHỤ BẢN VI

Loại Trừ Những Tư Tưởng Bất Thiện

Bài kinh số 20 của bộ Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, tựa đề Vitakka-santhàna Sutta có ghi lại những điều chỉ dạy về phương cách loại trừ những tư tưởng bất thiện, rất cần thiết cho người hành thiền. Sau đây là phần chánh yếu của bài kinh. [11]

Ðức Phật dạy:

"Này chư tỳ khưu, người hành thiền gia công thành tựu tâm trí cao thượng nên thỉnh thoảng nhớ suy tư năm điều. Năm điều ấy là gì?

1. "Nếu, khi suy niệm về một đề mục mà những tư tưởng xấu xa tội lỗi, bất thiện, kết hợp với tham, sân, si phát sanh đến hành giả, vị này nên (để loại trừ những tư tưởng bất thiện ấy) hãy hướng tâm suy niệm về một đề mục khác có tánh cách thiện. Chừng ấy, tâm bất thiện bị loại trừ, biến tan. Do sự loại trừ này tâm trở lại vững vàng, an trụ và trở nên vắng lặng, hợp nhất và định vào đề mục.

"Giống như người thợ mộc rành nghề hay tập sự, đẻo một cái chốt vừa vặn, tốt đẹp, rồi đóng vào lỗ để tống đẩy ra một cái chốt thô kịch, xấu xí, không vừa, cùng thế ấy hành giả loại trừ, đẩy lui đối tượng bất thiện bằng cách hướng tâm suy niệm về đối tượng khác có tánh cách thiện. Chừng ấy những tư tưởng bất thiện, kết hợp với tham, sân, si, bị loại trừ và tan biến. Do sự loại trừ này ... (như trên) ... và định vào đề mục.

2. "Nếu, khi đã hướng tâm về đề mục khác có tánh cách thiện mà những tư tưởng bất thiện vẫn còn phát sanh, hành giả hãy suy xét về hiểm họa của nó như sau: 'Quả thật vậy, những tư tưởng này của ta rõ ràng là bất thiện, đáng bị khiển trách và nó sẽ đem lại đau khổ.' Chừng ấy, những tư tưởng bất thiện bị loại trừ, tan biến. Do sự loại trừ này ... và định vào đề mục.

3."Nếu, khi đã suy xét về hiểm họa của những tư tưởng bất thiện mà nó vẫn còn phát sanh, hành giả hãy lờ đi, không để ý đến, không lưu tâm suy niệm về các pháp bất thiện ấy nữa. Chừng ấy, những tư tưởng bất thiện bị loại trừ, tan biến. Do sự loại trừ này ... và định vào đề mục.

4. "Nếu, khi đã không để ý đến, không lưu tâm suy niệm về các tư tưởng bất thiện ấy nữa mà nó vẫn còn phát sanh, hành giả hãy suy niệm về việc loại trừ nguồn gốc của những tư tưởng bất thiện ấy. Chừng ấy, những tư tưởng bất thiện bị loại trừ, tan biến. Do sự loại trừ này ... và định vào đề mục.

5. "Nếu, khi đã suy niệm về việc loại trừ nguồn gốc của những tư tưởng bất thiện ấy mà nó vẫn còn phát sanh, hành giả hãy cắn răng lại và ép lưỡi sát vào nắp vọng, thu thúc, khắc phục và lấy tâm (thiện) kiểm soát tâm (bất thiện). Chừng ấy, những tư tưởng bất thiện bị loại trừ, tan biến. Do sự loại trừ này ... và định vào đề mục.

"Nếu, do suy niệm về một đề mục thiện, suy xét về hiểm họa của những tư tưởng bất thiện, không lưu tâm đến và không suy niệm về những tư tưởng bất thiện, suy niệm về việc loại trừ nguồn gốc của những tư tưởng bất thiện, cắn chặt răng và ép lưỡi sát vào nắp vọng và thu thúc, khắc phục, chế ngự tâm (bất thiện) bằng tâm (thiện), mà hành giả loại trừ được những tư tưởng bất thiện, tâm trở lại an trụ vững vàng và vắng lặng, hợp nhất và định vào đề mục, vị hành giả ấy được gọi là đã vững chắc làm chủ con đường mà tiến trình tư tưởng mình đã trải qua. Vị ấy có tư tưởng mà chính mình muốn suy tư. Vị ấy đã cắt đứt lìa tham ái và trọn vẹn tháo gỡ thằng thúc (phát sanh do tham ái). Vị ấy đã khắc phục ngã mạn và chấm dứt đau khổ."




Chú thích:

[1] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm 40/I 284

[2] R. L. Stwevenson.

[3] Sutta Nipàta, v, 721.

[4] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 40/I284

[5] Samvara, pahàna, bhàvanà, anurakkhana.

[6] Xem Phụ bản IV.

[7] Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, v, 97

[8] Vinaya Pitaka, Tạng Luật, II. I ff; Anguttara, Tăng Nhứt A Hàm, iii, 374-5.

[9] Ngũ căn là: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn (saddhà, viriya, sati, samàdhi và pannà). Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 70, 77. Về ngũ căn, xin đọc Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, v, 377.

[10] Câu chuyện này được ghi lại trong Bản Chú Giải của kinh Trưởng Lão Tăng Kệ, Theragàtha:

Sư nhận lãnh một đề mục hành thiền nơi Ðức Phật, nhưng không thể gom tâm an trụ vì lúc ấy Sư ngụ tại Rừng Mát, nơi có đông người. Rồi Sư nghĩ: 'Thân ta quá tiều tụy để có thể tiến đạt hạnh phúc thật sự. Bổn phận của người đạo sĩ là phải khắc phục những khổ đau của cơ thể.' Do đó Sư không quan tâm đến những cơn đau nhức ở chân vì quá sức thiền hành, và tận lực gia công, nhưng vẫn không thâu hoạch được thành quả nào. Rồi Sư tự nghĩ, 'Ðã hết sức cố gắng mà ta không thể thành tựu đạo quả nào. Vậy thì cuộc sống tu hành này có lợi ích gì cho ta? Ta sẽ huờn tục, trở lại cuộc sống thấp kém hơn và tạo phước.' Lúc bấy giờ Ðức Bổn Sư thấu hiểu ý nghĩ ấy và, muốn cứu giúp Sư, Ngài dạy Câu Chuyện Cây Ðờn, dạy Sư làm thế nào để giảm bớt tình trạng căng thẳng tinh thần. Lãnh hội lời dạy Sư lên đỉnh núi Kên Kên hành đạo và đắc Quả A La Hán." -- Psalms of the Brethen, do Mrs. Rhys Davids dịch (P.T.S.) trang 275.

[11] Ðể được vắn tắt, nơi đây chỉ ghi lại một câu chuyện. Muốn có đầy đủ chi tiết xin đọc "The Removal of Distracting Thoughts", do Soma Thera dịch, (Kandy, BPS), Wheel 21.

-ooOoo-

0 nhận xét:

Đăng nhận xét