THỦ DẪN ĐẾN HỮU
Có hai loại hữu, đó là nghiệp hữu (kammabhava) và sanh hữu (upapattibhava).
Nghiệp Hữu (Kammabhava).
Nghiệp hữu là nghiệp dẫn đến tái sanh. Ðức Phật mô tả nó là phước hành, phi phước hành và bất động hành. Ðó là những nghiệp dẫn đến những cõi dục, sắc và vô sắc. Ngài cũng đồng hóa nghiệp hữu với tất cả những nghiệp làm sanh khởi kiếp sống mới.
Trong ba loại hành, phước hành bao gồm tám loại tư (cetanà) thiện ở trong cõi dục và năm loại tư thiện trong cõi sắc. Phi phước hành là nhóm mười hai bất thiện tư. Bất động hành là bốn thiện tư trong cõi vô sắc.
Sanh Hữu (Upapattibhava).
Sanh hữu có chín loại:
1- Dục hữu (Kàmabhava): Là danh sắc của những chúng sanh trong cõi dục. Nói cách khác, dục hữu chỉ về những kiếp sống trong cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, chư thiên và nhân loại.2- Sắc hữu (Rùpabhava): Là các uẩn của những vị phạm thiên hữu sắc.3- Vô sắc hữu (Arùpabhava): Là các danh uẩn của những vị phạm thiên vô sắc.4- Hữu tưởng hữu (Sannìbhava): Là danh sắc của những chúng sanh có tưởng thô, tức là những chúng sanh ở hai mươi chín cõi, ngoại trừ những cõi Phi-tưởng-phi-phi-tưởng.5- Vô tưởng hữu (Asannìbhava): Là danh sắc những vị phạm thiên vô tưởng.6- Phi tưởng phi phi tưởng hữu (Asannìnàsannìbhava): Là các danh uẩn của những vị phạm thiên cao nhất.7- Nhứt uẩn hữu (Ekavokàrabhava): Là hữu với duy nhất sắc uẩn.8- Tứ uẩn hữu (Catuvokàrabhava): Là hữu với bốn danh uẩn.9- Ngũ uẩn hữu (Pancavokàrabhava): Là hữu với năm danh sắc uẩn.
Tóm lại, sanh hữu là danh sắc của kiếp sống mới, là kết quả của nghiệp. Nó bao gồm thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ.
Hữu sanh lên từ thủ, về cơ bản, là nghiệp hữu, còn sanh hữu chỉ là sản phẩm phụ của nghiệp hữu.
Do sự tiếp xúc với sáu cảnh khả ái hoặc không khả ái, có sanh khởi sáu loại thọ lạc hoặc không lạc. Các thọ dẫn đến ái và ái phát triển thành thủ, thủ đối với các cảnh dục có thể trở nên quá mạnh đến mức khao khát được cộng trú với gia đình mình trong kiếp sống tương lai. Câu chuyện sau đây về vị phú hộ Mendaka sẽ nói lên mức độ của thủ rất mạnh mẽ trong một người.
CÂU CHUYỆN MENDAKA
Mendaka là một vị thương nhân giàu có trong một kiếp sống quá khứ. Lúc bấy giờ, có xảy ra một nạn đói, khiến cho lương thực của ông ta dần dần cạn kiệt. Cuối cùng, ông ta phải cho tất cả những người hầu ra về, chỉ còn lại ông ta với vợ, con trai, nàng dâu và một người nô lệ. Vợ của ông ta đã trút hết số gạo còn lại để nấu cho cả nhà ăn, nhưng khi họ sắp ăn thì một vị Phật Ðộc giác xuất hiện trước cửa nhà của ông ta để khất thực.
Nhìn thấy Ðức Phật Ðộc giác, vị thương nhân suy nghĩ về ác nghiệp của mình, rằng do kiếp trước thiếu pháp bố thí nên bây giờ mới bị đói. Rồi ông ta dâng phần ăn của mình đến Phật Ðộc giác và nguyện có được vật thực dồi dào, được sống chung với những người trong nhà ở kiếp sau. Vợ của ông ta cũng bố thí phần ăn của bà và cũng phát nguyện như ông ta. Ðứa con trai và vợ của cậu ta cũng làm y như cha mẹ đã làm, là có được vật thực và tiền bạc vô hạn, cũng như được đoàn tụ với vợ, chồng, cha, mẹ và nô lệ.
Những lời nguyện của vị thương nhân và cả gia đình rõ ràng cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của thủ trong cõi dục và hầu hết mọi người ngày nay cũng mang loại thủ như vậy, không kém gì thủ của Mendaka và gia đình ông ta. Nhưng đáng chú ý hơn là loại thủ của người hầu Punna. Sau khi dâng cúng phần ăn của mình, ông ta phát nguyện cho được vật thực dồi dào và tái sanh làm nô lệ trong gia đình của ông Mendaka! Ông ta chẳng hề cầu mong được sanh làm vua hay phú hộ; Sự luyến ái nặng tình của ông ta đối với những người chủ của mình thật mạnh mẽ, đến nỗi ông ta chỉ muốn làm nô lệ của họ trong kiếp sống sau.
Một thời nọ, có một vị xã trưởng, có quan hệ tốt với những quan chức chính quyền. Lúc bấy giờ, dưới sự cai trị của nước Anh, hầu hết những quan chức cao cấp đều là người Anh. Ông xả trưởng rất thích tỏ thái độ tôn kính họ. Ông ta nói rằng ông thích nói câu: "Dạ vâng, thưa ông chủ" khi được một vị quan chức nào đó gọi. Sự chấp thủ của ông ta, về cơ bản, giống như sự chấp thủ của Punna.
Ðức Phật Ðộc giác phúc chúc (ban phước) cho họ và ra đi. Do năng lực thần thông của Ngài, họ thấy Ngài bay về Hi mã lạp sơn và chia đều số vật thực cho năm trăm vị Phật Ðộc giác.
Trong chính ngày hôm ấy, vị thương nhân và gia đình của ông ta tận mắt chứng kiến sự bố thí của họ đang trổ quả một cách kỳ diệu. Họ thấy cái nồi đầy cơm. Họ ăn no nê, thế mà cái nồi vẫn luôn luôn đầy cơm. Họ thấy những kho thóc của họ ngập tràn thóc lúa.
Những lời nguyện của họ được thành tựu trong thời của Ðức Phật Gotama, tức là họ trở thành những người trong cùng một gia đình tại Bhaddiya, một thành phố của nước Magadha. Tin đồn về sự thành tựu lời nguyện ước của họ thật phi thường và đáng kinh ngạc, đến nỗi đức vua của xứ ấy phải cho một vị quan đi dò xét và thấy rằng tin đồn có thật. Câu chuyện này được kể trong tạng Luật.
THỦ VÀ NGHIỆP HỮU
Khi tham dục đối với cảnh phát triển thành ái mạnh mẽ, thì người ta trở nên liều mạng và ra sức dành cho bằng được nó, bằng phương tiện tốt hoặc xấu. Trộm cắp, cướp đoạt, sát nhân bè nhóm phe phái đâm sau lưng chiến sĩ, khen mình chê người v.v... và những hành động ngông cuồng khác trong thời nay đều xuất phát từ thủ. Một số tội ác có nguồn gốc ở dục thủ, trong khi một số tội ác khác sanh lên từ một trong ba loại ảo kiến dựa trên thủ. Người ta phạm tội ác không chỉ do ước muốn bất thiện của họ, mà còn do sự luyến ái mù quáng với vợ, chồng v.v...
Câu chuyện sau đây chứng minh cho nghiệp hữu bất thiện xuất phát từ dục thủ.
CHUYỆN BỔN SANH PUPPHARATTA
Thuở xa xưa, có một người đàn ông nghèo ở tại thành Ba la nại. Anh ta chỉ có một bộ quần áo bằng vải dày. Anh ta giặt sạch nó để mặc vào lễ hội Taza-aundine, nhưng vợ của anh ta không thích y phục màu trắng, mà chỉ thích bộ đồ hồng. Tất cả mọi cố gắng để an ủi nàng đều vô hiệu, cuối cùng anh ta lẽn vào vườn của vua vào lúc ban đêm để ăn trộm một loại hoa, được dùng để nhuộm bộ đồ của vợ anh ta. Anh ta bị lính canh bắt giữ, và bị vua truyền lệnh đâm xuyên người. Anh ta rất đau đớn vì những con quạ mổ vào mắt anh ta. Tuy thế, anh ta vẫn cho rằng nỗi đau đớn nơi thân chẳng đáng kể là bao so với nỗi đau đớn tâm hồn khi nghĩ rằng anh ta không đáp ứng được ước muốn của người vợ và không được đi dự hội với vợ. Bởi vậy, trong khi đang khóc cho sự rủi ro của mình, anh ta chết và tái sanh xuống địa ngục.
Ngày nay, có thể có nhiều người làm điều ác do sự thúc ép của những người mà họ yêu. Tất cả những điều ác này bao gồm cái nghiệp mà xuất phát từ thủ dẫn đến các khổ cảnh. Bởi vậy, bộ Thanh tịnh đạo có đoạn nói rằng: "Do ảnh hưởng của dục thủ, người ta tạo ác nghiệp bằng thân, khẩu và ý, do sự khao khát các cảnh dục trong đời sống hiện tại và ước muốn gìn giữ chúng để làm của riêng. Những ác nghiệp như vậy thường dẫn đến các khổ cảnh".
THIỆN NGHIỆP VÀ PHI THIỆN NGHIỆP
Một số thiện nghiệp là đúng nhưng số khác thì sai. Cái gọi là thiện nghiệp mà một người làm thì có hại và như vậy chúng là ác nghiệp. Ví dụ: Một số người tin rằng giết một con thú để giúp cho nó kết thúc kiếp sống súc vật đầy đau khổ là việc thiện. Mọi loài chúng sanh đều sợ chết, biết cảm thọ đau đớn, cho nên gây đau đớn và chết chóc cho loài vật là điều sai.
Một số người cho rằng đối với một người đang bị hành hạ bởi một chứng bịnh ngặt nghèo mà cho họ một cái chết nhanh chóng là việc phước. Nhưng người bịnh dầu muốn hết đau vẫn không muốn chết. Cho dù người ấy tỏ ý muốn chết, nhưng theo quan điểm Phật giáo, gây ra cái chết cho một chúng sanh rõ ràng là điều sai, và nếu một người trực tiếp hay gián tiếp gây ra cái chết phi thời cho người cha hay mẹ bằng hành động giết chết "êm ái", thì đó là một trọng tội, phải đọa địa ngục.
"Do sự khao khát dục lạc ở cõi nhân loại và các cõi chư thiên, do đi theo tà sư ngoại đạo v.v... một số người làm các ác nghiệp như sát sanh để đạt được mục đích của họ. Nhưng do kết quả của ác nghiệp, họ phải sanh vào khổ cảnh sau khi chết".
Theo chú giải thì những quan niệm sai lầm của họ sanh lên do bởi các tà sư, do không làm thiện nghiệp trong quá khứ và thiếu hộ phòng bản thân. Tin vào những ông thầy ác sẽ dẫn đến ác nghiệp, nhiều ác nghiệp trong kiếp quá khứ sẽ làm cho người ta dễ hấp thụ các niềm tin sai lạc và những thói quen xấu, và sự thiếu hộ phòng bản thân khiến người ấy dễ rơi vào cám dỗ.
Tôn giáo chân chánh được gọi là Saddhamma, "tôn giáo của người thiện". Những người theo chánh pháp thường tầm cầu cho mình lợi ích bằng cách lắng nghe lời dạy thánh thiện, tránh xa các điều ác, giữ chánh kiến như tin vào kiếp sống tương lai, nghiệp quả của nó v.v..., trau dồi những ý nghĩ thiện, thực hành bố thí, trì giới và tham thiền.
Sự thực hành bố thí, trì giới và tu tâm là pháp chân chánh và thánh thiện, vì pháp ấy vô hại và mọi người đều có thể tiếp nhận được. Không ai đi chê trách một người không sát sanh, trộm cắp, chửi mắng và không làm những ác nghiệp khác. Những thiện nghiệp mà chúng ta làm để được lợi ích ở đây trong hiện tại và mai sau đều là những thiện nghiệp phát sanh từ thủ trong cõi dục. Nhưng thiện nghiệp này dẫn đến tái sanh ở cõi người và các cõi chư thiên. Bởi vậy, bộ Thanh tịnh đạo có đoạn rằng:
"Những người nghe chánh pháp thường tin vào nghiệp và kết quả của thiện nghiệp, xem chúng như là hành trang cho một kiếp sống mới tốt đẹp hơn ở cõi dục của những người giàu, những người có địa vị cao hay của những vị chư thiên. Bởi vậy, họ làm các thiện nghiệp do sự thúc đẩy của dục thủ (Kamupàdàna) và nhờ đó sẽ được sanh vào cõi nhân loại hoặc các cõi chư thiên".
NGHIỆP VÀ TÁI SANH
Theo câu pháp "Bhava paccayà jàti: hữu dẫn đến tái sanh" thì sự tái sanh xảy ra trong cõi người và các cõi chư thiên hoặc các cõi thấp, do bởi tiến trình của thiện nghiệp hay ác nghiệp. Như vậy, tái sanh bắt nguồn từ các nghiệp, mà nghiệp là kết quả của thủ và ái, thủ và ái có nguồn gốc từ sự tiếp xúc giữa sáu cảnh và sáu căn tương ứng (àyatana).
Nói cách khác, có sanh khởi thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ trong kiếp hiện tại, là kết quả của vô minh và hành trong kiếp quá khứ, và bây giờ ái và thủ làm sanh khởi nghiệp mới, nhờ đó, tạo điều kiện cho sự tái sanh mới. Toàn bộ vấn đề giống như một người gây ra tội ác trong khi đang ở trong tù để chịu án của một tội trước, hoặc một người đã mắc thêm nợ mới trước khi anh ta trả xong nợ cũ.
Những nghiệp mới như vậy chất chồng đến hàng ngàn chỉ trong một kiếp sống. Trong những điều kiện nào đó, những nghiệp này trở thành cảnh tướng lúc lâm chung và dẫn đi tái sanh, trong khi những nghiệp khác sẽ tạo ra sự tái sanh vào những dịp khác trong vòng luân hồi. Nếu có những nghiệp có sức mạnh lớn trong kiếp quá khứ mà chưa cho quả, chúng sẽ lấn át nghiệp hiện tại, xuất hiện làm cảnh lâm chung và tạo ra sự tái sanh ở cõi thấp hoặc cao. Số phận khi chết của một người trong những trường hợp như vậy được quyết định bởi tính chất của nghiệp.
BỐN LOẠI NGHIỆP
Nghiệp có bốn loại, tùy theo cách cho quả của nó.
1- Trọng nghiệp (Garuka kamma).2- Ða tác nghiệp hay thường nghiệp (Bahula hay àcinnakakamma).3- Cận tử nghiệp (Àsannakamma).4- Dĩ tác nghiệp (Katattàkamma).
- Giết cha mẹ hay một vị A-la-hán.
- Gây thương tích cho Ðức Phật hay chia rẽ Tăng.
"Ðêm dài đối với người không ngủ được.
Một do tuần quả là xa đối với người mệt lã.
Cũng vậy đối với kẻ ngu, không biết chánh pháp, vòng luân hồi dài vô tận".
Những hành động sau đây thuộc trọng nghiệp:
Những thiện nghiệp thuộc cõi sắc hoặc vô sắc là trọng nghiệp thiện.
Các trọng nghiệp ngăn chặn sự cho quả của những nghiệp khác và chính nó dẫn đi tái sanh, các tâm thiền hữu sắc và vô sắc dẫn đi tái sanh ở các cõi phạm thiên hữu sắc và vô sắc.
Các trọng nghiệp ác dẫn đi tái sanh ở địa ngục sau khi chết; Do đó, từ "ngũ vô gián nghiệp" là năm loại ác nghiệp to lớn, nhất định dẫn đến địa ngục. Một người giết cha hay mẹ của mình, dầu cố ý hay vô ý, thì không bao giờ có thể đắc thiền hay đạo quả trong kiếp hiện tại, người ấy chắc chắn phải tái sanh vào địa ngục sau khi chết. Ðối với người như thế thì không có thiện nghiệp nào có thể ngăn chặn việc tái sanh vào địc ngục của vị ấy. Câu chuyện vua A-xà-thế là bằng chứng cho điều ấy.
CHUYỆN VUA A XÀ THẾ
A-xà-thế là con trai của Tần bà sa, vua nước Ma kiệt đà (Ấn Ðộ), đệ tử thuần thành của Ðức Phật. Trước khi sanh ra hoàng tử, hoàng hậu khởi ước muốn được uống máu từ cánh tay phải của vua. Khi đức vua biết điều này, vị ấy cho cắt máu và làm thoả mãn nỗi khao khát của hoàng hậu. Khi ấy các nhà tiên tri tiên đoán rằng đứa bé trong bào thai của hoàng hậu sau này sẽ trở thành kẻ thù của đứa vua. Do đó, hoàng tử mới có tên là Ajàtasattu (kẻ thù ngấm ngầm của đức vua trong khi còn ở trong bào thai của mẹ).
Hoàng hậu cố gắng phá cái bào thai, nhưng vì nghiệp của đức vua và nghiệp của đứa bé đã xui khiến như vậy nên cố gắng của hoàng hậu không thành công. Ðức vua ra lệnh phải bảo vệ cái bào thai thật chu đáo và đứa bé đã chào đời. Khi hoàng tử lớn khôn, vị ấy được phong làm người thừa kế hiển nhiên.
Rồi hoàng tử trẻ kia rơi vào nanh vuốt của Ðề-bà Ðạt-đa đầy dã tâm, là người đã lạm dụng thần thông của mình cho mục đích vị kỷ. Khi biến thành cậu bé với con rắn quấn quanh bụng, hắn xuất hiện trước mặt A-xà-thế, rồi hắn trở lại hình tướng một vị Tỳ khưu. Hoàng tử rất kinh cảm, và chẳng lạ gì đối với những người ưa thích phép thuật, là họ tin vào bất cứ ai có thể hóa phép thần thông. Hoàng tử rất kính trọng Ðề-bà Ðạt-đa và trở thành đệ tử của hắn.
Rồi Ðề-bà Ðạt-đa bắt đầu lên đường để thực hiện mưu đồ hiểm ác. Hắn bảo với hoàng tử A-xà-thế rằng con người sống chẳng được là bao, cho nên hoàng tử phải giết vua cha và lên ngôi trong khi còn đang ở thời kỳ đầu tiên của kiếp người. Còn về Ðề-bà Ðạt-đa, hắn sẽ giết Ðức Phật. Hoàng tử đã thất bại trong việc tước đoạt mạng sống của vua cha. Nhưng khi biết được ước muốn của hoàng tử, vua Tần bà sa bèn nhường ngôi cho con trai của mình.
Tuy nhiên, sự chuyển quyền đã làm thất bại dự định giết vua Tần bà sa của Ðề-bà Ðạt-đa. Nghe theo lời xúi giục của hắn, A-xà-thế lại truyền lệnh tống giam vua và bỏ đói vị ấy. Hoàng hậu là người duy nhất được phép vào thăm đức vua. Bà dùng nhiều cách để bí mật đem đồ ăn vào cho đức vua, nhưng cuối cùng bị cấm vào thăm đức vua. Từ hôm ấy, đức vua không có gì để ăn, nhưng vị ấy vẫn cố gắng đi kinh hành. Sau đó, theo lệnh của A-xà-thế, những người thợ cạo đến cắt lớp da dưới bàn chân của Tần bà sa để vị ấy không thể đi được.
Theo chú giải, sở dĩ vị ấy bị thương tích như vậy là vì trong một kiếp quá khứ vị ấy đã đi giày vào sân thờ của Bảo tháp và giẫm chân dơ lên chiếu dành cho các vị Tỳ khưu.
Vua Tần bà sa có lẽ chết ở tuổi 67. Ðứa con trai A-xà-thế của vị ấy bản tánh không ác. Bằng chứng là vị đã thành tín theo Ðức Phật sau khi đã cư xử sai với cha của mình, vị ấy còn cho xây dựng nhiều Bảo tháp để tôn thờ Xá lợi Phật và hết lòng hộ độ chư Tăng trong ba tháng kiết tập Tam tạng. Chính sự thân cận với tà sư khiến vị ấy lầm lạc phạm tội giết cha. Cuộc đời của vị ấy đã cho chúng ta một bài học nhớ đời.
Trong ngày phụ vương của vua A-xà-thế chết thì vợ của vị ấy cũng hạ sanh một đứa con trai. Nghe tin ấy, A-xà-thế lòng rộn ràng và chan chứa tình thương đối với đứa con trai của mình. Tình thương này nhắc nhở vị ấy nhớ đến người cha của mình, bèn ra lệnh phóng thích ngay vua cha, nhưng đã quá muộn. Về sau khi nghe mẫu hậu kể lại về vua cha đã thương mến và nâng niu mình khi còn thơ ấu như thế nào thì vị ấy vô cùng hối hận. Cuộc đời của vị ấy trở nên khốn khổ và bất hạnh. Khi đêm xuống, vị ấy không thể chợp mắt được, bị ám ảnh bởi những cảnh tượng về các địa ngục và bị dày vò bởi hành động giết cha, một người cha hiền và là một đệ tử của Ðức Phật.
Do sự tiến dẫn của vị quan ngự y Jìvaka, đức vua lên đường yết kiến Ðức Phật. Lúc bấy giờ, Ðức Thế Tôn được vây quanh bởi một ngàn vị Tỳ khưu. Nhưng vì các Tỳ khưu đang thực hành pháp thanh tịnh nên tất cả đều im lặng, không một âm thanh nào phát ra từ miệng hay từ sự động đậy tay chân. Ðầy cảm kích, đức vua nói rằng: "Cầu mong cho đứa con trai Udayabhadda của ta có được sự thanh tịnh của các vị Tỳ khưu như thế! "Có lẽ vị ấy sợ rằng đứa con trai sau này sẽ biết việc vị ấy chiếm ngôi và sẽ đi theo bước chân của mình. Nhưng về sau, nỗi sợ hãi của đức vua đã biến thành hiện thực, trải qua các đời cháu chắt. Những đứa con đều giết cha trước khi lên ngôi vua.
Vua A-xà-thế hỏi Ðức Phật về những lợi ích của đời sống sa môn. Ðức Phật giải rộng về những lợi ích có được trong đời sống phạm hạnh. Sự tôn kính của người thiện tín đối với vị Tỳ khưu, giới thanh tịnh, sơ thiền và những tầng thiền khác cao hơn, các pháp thần thông, sự chấm dứt phiền não và sự chứng đắc đạo quả.
Sau khi nghe thời pháp, A-xà-thế trang nghiêm phát nguyện trở thành đệ tử của Ðức Phật. Nếu không phạm tội giết cha thì vị ấy sẽ chứng đắc tầng thánh Nhập lưu sau khi nghe thời pháp của Ðức Phật. Tuy nhiên, kể từ dạo ấy, A-xà-thế được sự thanh thản trong tâm và sau khi chết vị ấy không bị những cơn khiếp đảm của địa ngục A-tỳ mà đáng ra dành sẵn cho vị ấy nếu vị ấy không gặp Ðức Phật.
THƯỜNG NGHIỆP VÀ CẬN TỬ NGHIỆP
Ba trọng nghiệp: Giết vị A-la-hán, gây thương tích cho Ðức Phật và cố ý chia rẽ Tăng, chắc chắn sẽ dẫn người phạm tội đi địa ngục.
Một loại nghiệp khác cho quả là thường nghiệp. Không sống cuộc đời thiện hạnh sẽ trở thành thói quen nếu không có biện pháp nào hoá giải nó, và nó sẽ cho quả ác trong kiếp sống tương lai. Bởi vậy, người cư sĩ, nếu sống có ngũ giới và nếu bị phạm giới nào thì phải sám hối và thọ trì lại cho trong sạch. Giới trong sạch cần thiết cho vị Tỳ khưu. Nếu vô ý hoặc cố ý phạm phải một giới cấm nào đó mà không sám hối cho trong sạch thì sẽ trở thành thói quen. Bởi vậy, vị Tỳ khưu phải tinh tấn gìn giữ giới luật.
Bố thí, tôn kính cha mẹ và thầy tổ, niệm Phật, hành thiền v.v... mà người ta thực hành hằng ngày cũng là những thường nghiệp. Nó có khuynh hướng cho quả tức thì.
Trường hợp vắng mặt thường nghiệp, thì những điều mà chúng ta làm lúc cuối cuộc đời của chúng ta (nghiệp cận tử) sẽ cho quả nghiệp. Trong một bộ sách A-tỳ-đàm, cận tử nghiệp được mô tả là mạnh hơn thường nghiệp, nhưng có lẽ điều này chỉ đúng trong những trường hợp ngoại lệ. Theo các bộ chú giải thì thường nghiệp có thể chiếm ưu thế và cho quả.
Tuy nhiên, căn cứ vào những câu chuyện cổ của Phật giáo, chúng ta có thể tin chắc vào cận tử nghiệp, một đao phủ thủ đã giết người đến năm chục năm, nhưng nhờ cúng dường vật thực đến trưởng lão Xá-lợi-phất và nghe pháp của Ngài trong lúc lâm chung, vẫn được sanh về thiên giới, và một người chài lưới, trước khi chết, được gặp một vị trưởng lão, nên được sanh về thiên giới.
Sự phủ nhận những nghiệp mà chúng ta thường làm sẽ cho quả ngược lại. Một vị thiện nam người Sinha Lese (Tích Lan) đã hành thiền trong nhiều năm, nhưng thất vọng vì không đạt được ấn tướng nào, ngay cả ánh sáng. Cuối cùng, ông ta kết luận rằng giáo pháp của Ðức Phật không phải là con đường giải thoát, và do tà kiến này, ông ta tái sanh vào cõi ngạ quỉ sau khi chết.
Không thấy được ánh sáng v.v... trong việc hành thiền có thể do hành không đúng hoặc thiếu Ba-la-mật. Trong thời Ðức Phật, một vị Tỳ khưu tên là Sunakkhatta, đắc được thiên nhãn thông nhưng không đắc được thiên nhĩ thông, vì vị ấy không tạo Ba-la-mật về mặt này; ngoài ra, vị này còn bị một ác nghiệp ngăn cản.
Bởi vậy, hành giả không nên thất vọng, thối chí nếu sự thực hành của mình không cho kết quả như ý. Nhìn chung, sự thực hành đúng sẽ dẫn đến những kinh nghiệm khác thường. Do sự an tịnh và vắng lặng của tâm, đề mục niệm và tâm niệm sẽ trở nên rõ rệt, cũng như mối quan hệ nhân quả của chúng và sự sanh diệt nhanh chóng, không ngừng của chúng. Lúc ấy, hành giả sẽ thấy ánh sáng. Nhưng dầu không thấy nó rõ ràng, vị ấy vẫn có được các pháp như hỷ, tịnh v.v... và các pháp hỷ, tịnh v.v... hình thành một chuỗi các chi pháp giác ngộ (thất giác chi ) mà rất cần thiết cho sự phát triển tuệ minh sát. Pháp quán danh sắc tự nó không dẫn đến những tầng thiền bậc cao.
Trong trường hợp vắng mặt thường nghiệp và cận tử nghiệp, thì sẽ có dĩ tác nghiệp, là nghhiệp mà người ta đã làm một lần nào đó trong đời.
SỰ SANH VÀ KHỔ
Vai trò của nghiệp trong pháp duyên khởi được nhấn mạnh ở mắc xích: "Sankhàra paccayà vinnànam: Do hành, có sanh khởi thức tái sanh". Phần này chúng tôi đã giải thích đầy đủ chi tiết rồi. Người lâm chung bị dính theo những tướng và những cảnh pháp liên hệ đến nghiệp của vị ấy và khi đó vị ấy chết, có theo liền các sắc do nghiệp sanh cùng với thức tái sanh, do sự luyến ái vào lúc lâm chung của vị ấy làm duyên sanh.
Sự tiếp xúc với các cảnh làm khởi sanh thọ, và thọ sanh ái, dầu là thọ lạc hay khổ. Thọ lạc tạo ra tham luyến với các cảnh khả ái, còn thọ khổ thì khiến chúng ta khao khát những cảnh vừa lòng. Khi tham ái trở nên mạnh và phát triển thành khát ái mãnh liệt (thủ), thì nó cho kết quả bằng hành động hay sự cố gắng để thoả mãn khát ái ấy. Người ta làm những việc thiện hay ác mà họ hy vọng sẽ giúp làm thoả mãn nhu cầu và ước muốn của họ. Chính nghiệp hữu có gốc rễ ở ái làm sanh khởi sự tái sanh. Tái sanh gắn liền với khổ, dầu nó xảy ra ở bất cứ cõi nào.
Không cần thiết phải nói nhiều về khổ ở cõi súc sanh và những đọa xứ khác. Trong cõi nhân loại cũng vậy, khổ là một sự thực của đời sống mà không thể thoát ra được. Cái khổ của con người bắt đầu khi còn ở trong bụng mẹ. Lớn lên con người phải làm việc cực nhọc để kiếm sống, lại phải đối đầu với những kẻ xảo quyệt và anh chị. Cho dù người ta thoát khỏi cái khổ trong sự phấn đấu để sanh tồn đi nữa, cuối cùng người ấy cũng phải đối đầu với tuổi già, bịnh hoạn và sự chết. Từ lúc còn ở trong bụng mẹ, con người phải thọ lãnh cái khổ này của đời sống. Cái khổ đến với con người trong mọi lúc. Người ta có thể sống một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, nhưng quá trình hoạt động của thân và tâm của người ấy đang già và hoại dần.
Có một câu chuyện của người Ấn Ðộ, nhấn mạnh tánh chất cố hữu của sự già, bệnh và chết. Có một người nọ ngậm thuốc trường sanh và bay vào ẩn náo trong rừng để tránh tuổi già. Một người khác trốn dưới biển để tránh bệnh hoạn và một người khác nữa vào trốn trong hang núi Hy mã lạp sơn để tránh sự chết. Khi những đứa con trai của ba người kia đi tìm kiếm họ, chúng thấy người đàn ông thứ nhất đã trở nên già với tất cả những nét xấu xí của tuổi già, người thứ hai thì bị bệnh sắp chết và người thứ ba thì đã chết queo.
Tất cả mọi người đều phải già, bệnh và chết. Một khi con người sanh ra thì không có gì che chở người ấy để khỏi bị những điều khổ này. Do đó, trong bộ Pháp cú kinh có Phật ngôn:
"Không có chỗ nào trong hư không, dưới biển hay trên mặt đất để người ta tránh khỏi cái chết."
Nguồn: budsas.org
Nguồn: budsas.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét