Khi thức khởi sanh vào lúc thấy, v.v... đồng thời cũng có khởi sanh danh sắc, lục nhập, xúc và thọ. Ðối với kẻ phàm phu chưa thoát khỏi phiền não, thọ dẫn đến ái. Rồi ái gây ra thủ, thủ lại khiến người ấy làm điều thiện hoặc bất thiện (kammabhava). Trong điều kiện đó, nghiệp hữu đưa đến tái sanh, để rồi khiến chúng sanh phải chịu sự già, bịnh, chết và các điều khổ khác về thân cũng như tâm. Ðiều này cho thấy các thọ dẫn đến cái khổ luân hồi.
Không ai có thể ngăn cản sự sanh khởi của danh sắc, lục nhập, xúc và thọ, là những pháp cùng sanh với thức. Ðức Phật và chư vị A-la-hán cũng có các thọ lạc, khổ hoặc xả, là kết quả của sự tiếp xúc với các cảnh. Các Ngài thọ khổ sanh lên từ thân, nhưng các Ngài không có thọ khổ trong tâm. Các Ngài cũng không vui thích những cảm giác khoái lạc. Bởi vậy, các Ngài thoát khỏi khao khát và luyến ái. Các Ngài không cố gắng tầm cầu khoái lạc và hạnh phúc, và do lối sống không tạo nghiệp của các Ngài, các Ngài đoạn diệt sự tái sanh, danh sắc và những nhân khổ khác. Ðây là sự chấm dứt khổ đối với vị A-la-hán đã hoàn toàn thoát khỏi các phiền não.
Bởi vậy, có câu: "Do sự chấm dứt hoàn toàn ái dục bằng con đường thánh đạo, nên thủ cũng chấm dứt".
Sự trải qua các cảm thọ lạc và khổ khiến kẻ phàm phu chưa chứng đắc A-la-hán khao khát những điều tốt đẹp của đời sống, nhưng nó không ảnh hưởng đến những người đã chứng đắc A-la-hán. Ðiều này nghe ra khó tin đối với kẻ phàm phu, nhưng thật ra cảnh cám dỗ nhất cũng không hấp dẫn vị A-la-hán và vị ấy cũng không vui thích lợi ích cho mình. Do đó, vị ấy hoàn toàn thoát khỏi khao khát và luyến ái và điều này có nghĩa là sự chấm dứt nghiệp hữu, tái sanh và những điều khổ nối theo của nó.
Bởi vậy, có câu: "Sự chấm dứt thủ dẫn đến sự chấm dứt nguyên nhân của tái sanh (nghiệp hữu). Sự chấm dứt nghiệp hữu dẫn đến sự chấm dứt tái sanh. Sự chấm dứt tái sanh dẫn đến sự chấm dứt già, chết, ưu bi, v.v...
SỰ CHẤM DỨT ÁI DỤC
Tóm lại, do sự chấm dứt hoàn toàn ái dục bởi đạo quả A-la-hán, nên có sự chấm dứt hoàn toàn mọi kết quả sau nó, và điều này có nghĩa là sự chấm dứt khổ.
Cũng như đạo quả A-la-hán là sự chấm dứt hoàn toàn ái dục, sự chứng đắc tầng thánh A-na-hàm có nghĩa là sự chấm dứt ái dục cùng với sự tái sanh trong cõi dục, sự già, chết. Ở tầng thánh Tu-đà-hườn, hành giả nắm chắc là đã đoạn diệt tất cả ái dục dẫn đến bốn khổ cảnh và không luân hồi quá bảy kiếp. Bởi vậy, vị ấy thoát khỏi tất cả đau khổ của bốn ác đạo xứ và sau bảy kiếp ở cõi dục, vị ấy cũng thoát khỏi hoàn toàn đau khổ. Như vậy, sự hàm ý trong pháp duyên khởi là ái dục càng yếu thì khổ càng ít.
Cũng vậy, tuệ minh sát bảo đảm sự chấm dứt ái dục trong từng chốc lát. Sự sanh khởi sáu cảnh dẫn đến thọ khổ hoặc lạc, và nếu không có tuệ minh sát, nó sẽ dẫn đến ái và những điều khổ nối theo.
Nhưng đối với vị hành giả thường xuyên thực hành chánh niệm và đã phát triển tuệ minh sát, vị ấy chỉ thấy sự sanh và diệt của tất cả các pháp, tánh chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng. Vị ấy cũng thấy rằng thọ khổ hay lạc sanh và diệt tức khắc. Bởi vậy, vị ấy không vui thích khi thọ sanh khởi, vị ấy không thèm muốn thọ khác. Vị ấy thoát khỏi tất cả ái dục.
Sự chấm dứt ái dục do bởi thánh đạo khác với sự chấm dứt do bởi pháp minh sát ở chỗ: Sự chấm dứt do thánh đạo là chấm dứt vĩnh viễn, trong khi sự chấm dứt bằng pháp minh sát thì không vĩnh viễn. Ái dục chỉ chấm dứt vào lúc quán và đối với cảnh được quán. Do đó nó được gọi là "Giải thoát tạm thời - Tadanganibbuti" hay sự chấm dứt phiền não từng phần.
Vị hành giả thiền quán chỉ biết sự thấy, nghe, v.v... Trạng thái biết đơn thuần như vậy không pha chút ái dục nào, và kết quả là thủ, nghiệp, tái sanh, v.v... cũng không xảy ra. Nói cách khác, do sự chấm dứt ái, vòng luân hồi tạm thời bị cắt đứt và sự chấm dứt ấy được gọi là giải thoát tạm thời.
TÍCH CHUYỆN TRƯỞNG LÃO MAHÀTISSA
Có một câu chuyện về trưởng lão Mahàtissa xảy ra tại Sri lankà, người đã đoạn diệt ái dục bằng con đường thiền chỉ và thiền quán. Một hôm nọ, Ngài rời khỏi ẩn xá ở trong rừng, để vào thành phố khất thực. Trên đường đi, Ngài gặp một thiếu phụ đang bỏ nhà ra đi sau khi gây gổ với chồng. Nhìn thấy trưởng lão, tình ái trong người nàng bộc phát và nàng cười to một cách đầy quyến rũ. Khi nhìn nàng, trưởng lão chú ý đến hàm răng của nàng. Vì Ngài đang thực hành pháp quán niệm đề mục bộ xương, nên toàn thân của nàng đối với Ngài chỉ là một đống xương không hơn không kém. Ngài tập trung vào ấn tướng này và đắc định. và sau khi quán bộ xương với tâm ở trạng thái cận định, Ngài chứng đắc đạo quả A-la-hán.
Trưởng lão tiếp tục đi khất thực và trên đường đi, Ngài gặp chồng của nàng. Người đàn ông hỏi ngài có thấy người đàn bà kia, mang diện mạo như thế, như thế không. Trưởng lão đáp lại rằng Ngài có thấy một người, nhưng không biết đó là đàn ông hay đàn bà. Tất cả những gì Ngài thấy được chỉ là một bộ xương đang đi đó thôi.
Cái mà Ngài trông thấy thực ra chỉ là một bộ xương của người đàn bà, nhưng pháp quán của Ngài đã chuyển ấn tướng về tấm thân của nàng thành hình ảnh một bộ xương. Bởi vậy, trong tâm của Ngài không hề pha chút dục vọng hay phiền não nào khác khi Ngài bắt cảnh người đàn bà kia. Như vậy, nhờ pháp quán dựa trên nền tảng của tâm thiền, Ngài đã đoạn trừ mọi lậu hoặc và chứng đắc đạo quả A-la-hán.
Câu chuyện này có thể làm sanh khởi hoài nghi trong số những người không hành thiền, về sự sanh khởi hình ảnh bộ xương vào lúc thấy hàm răng của một người. Nhưng nếu không hành thiền, người ta không thể hiểu pháp thiền đem lại sự thành tựu như thế nào. Chỉ tu thiền mà không quán thì không thể tạo ra những hình ảnh trong tâm, vì những hình ảnh tùy thuộc vào pháp quán vững chắc và lâu dài. Sự tưởng tượng là sức mạnh của tưởng. Quán thường xuyên sẽ làm cho tưởng mạnh lên, nhờ đó mà người ta có thể tạo ra bất cứ loại hình ảnh nào về chính mình hoặc của người khác. Khả năng của tâm như vậy có thể xảy ra ngay cả với con chim két, như đã được kể lại trong chú giải của bài kinh Ðại niệm xứ.
CHUYỆN CHIM KÉT
Có một vũ nữ nọ ngủ trọ qua đêm tại chỗ ngụ của các vị Tỳ-khưu-ni và khi ra đi, nàng bỏ lại một con chim két thông minh. Con chim được các vị Sa-di-ni đem về nuôi dưỡng và nó được đặt tên là Buddha-rakkhita. Vị trưởng ni viện nghĩ rằng: "Một việc phước cần làm là dạy con chim két quán một đề mục nào đó trong khi nó đang sống giữa những con vật đầy khát ái". Bởi vậy, bà ta dạy nó niệm đề mục: "Atthi: bộ xương".
Một sáng nọ, chim két bị một con diều hâu lớn tha đi. Nghe tiếng la ó rầm rộ của những vị Sa-di-ni, diều hâu sợ hãi và buông thả chim két. Vị ni trưởng hỏi nó đã quán gì khi bị diều hâu tha đi. Chim két nói rằng: "Con nghĩ về một bộ xương đang bị tha đi và con tự hỏi nó sẽ bị tan rã ở đâu". Vị ni trưởng nói rằng: "Lành thay! Pháp quán này sẽ giúp con thoát khỏi kiếp sống luân hồi".
Một đề mục được quán thường xuyên sẽ tạo ra ấn tượng sâu đậm. Bởi vì ngay cả một con chim két cũng có thể tưởng tượng ra bộ xương thì không lý do gì mà con người không thể làm như thế được. Chim két tưởng tượng chính nó cũng như những kẻ khác là những bộ xương. Do nhờ pháp quán này, nó đã không sợ hãi, nóng giận hay lo lắng khi nó bị diều hâu tha đi.
Bởi vậy, pháp thiền Tứ niệm xứ được tán dương là pháp hành giúp đoạn trừ ưu bi và đem lại sự chấm dứt cái khổ về cả thân lẫn tâm. Nhưng có thể có nhiều người không thông minh bằng chim két trong câu chuyện, vì họ không bao giờ vui thích pháp và sự quán niệm về nó. Vị hành giả nên quyết tâm tu tập tiến bộ hơn chim két bằng thiền minh sát.
Nếu trưởng lão Mahàtissa không xem người đàn bà đang cười là bộ xương thì vị ấy chắc chắn có thể khởi dục tình và trở thành con mồi cho sự quyến rũ ở chỗ vắng vẻ của rừng núi. Dầu lúc ấy trưởng lão không có dục tình, nhưng ấn tượng người đàn bà sẽ tạo cơ hội để vị ấy bị sa ngã vào dịp khác. Nhờ pháp quán về bộ xương trong pháp hành minh sát, Ngài đã đoạn trừ các pháp ô nhiễm và thành đạt rốt ráo khỏi kiếp sống luân hồi. Ở đây, sự chấm dứt ái dục qua pháp hành minh sát được gọi là: "Giải thoát tạm thời - tadanga", trong khi sự chấm dứt ái dục bằng đạo quả A-la-hán thì được gọi là "Giải thoát hoàn toàn".
QUÁN VÀ ĐOẠN TRỪ
Bởi vậy, với sự chấm dứt hoàn toàn ái dục mà do thọ làm duyên sanh, cũng có sự chấm dứt thủ, tức là chấm dứt toàn bộ mọi kết quả của ái. Quán vô thường, khổ và vô ngã bảo đảm sự chấm dứt tạm thời ái, thủ, nghiệp, tái sanh, v.v... Mục đích của pháp hành minh sát là chấm dứt mọi lậu hoặc và cái khổ luân hồi. Bởi vậy, nó là vấn đề tối quan trọng đáng được quan tâm đối với nhưng ai tầm cầu giải thoát hoàn toàn. Nếu không có pháp hành này thì thọ lạc hay khổ vào mỗi lúc thấy v.v... chắc chắn dẫn đến nghiệp và tái sanh.
Thức có liên quan trong mỗi lúc thấy là do vô minh và hành trong kiếp quá khứ. Sự thấy xảy ra cùng với thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ. Các bài kinh mô tả từng pháp này một cách riêng lẻ, nhưng thật ra chúng không khởi sanh riêng lẻ, cái này đến cái khác. Nếu thức khởi sanh từ hành, thì nó khởi sanh chung với danh sắc, lục nhập, xúc và thọ. Tất cả những pháp này đều là kết quả của nghiệp hành quá khứ. Chúng được gọi là Dị thục quả luân hồi (vipàkavatta), vì đó là những kết quả của vòng luân hồi. Phiền não luân hồi, tức là vô minh, ái và thủ, tạo ra nghiệp luân hồi, là nghiệp và hành; Nghiệp luân hồi dẫn đến quả luân hồi, là thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ, chúng lại dẫn đến phiền não luân hồi.
Sự khởi sanh năm quả luân hồi này vào lúc thấy nghĩa là đối với hầu hết chúng sanh chỉ có thấy. Thực ra, sự thấy là sản phẩm của thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ, cũng như những sự kiện tâm sinh lý khác như nghe, ngửi, v.v...
Sự thấy bao gồm thức cùng với tác ý (manasikàra), tư (cetanà) v.v... cộng thêm nhãn căn bao gồm danh sắc. Nó cũng bao gồm bốn xứ là sắc thần kinh mắt, cảnh sắc, nhãn thức và pháp xứ. Sự tiếp xúc với cảnh sắc là xúc và sự khổ hay lạc mà cảnh đem lại là thọ. Do vậy, tất cả năm quả đều gắn liền vào mỗi lúc thấy. Nghe, ngửi v.v... cũng y như vậy.
ĐOẠN DIỆT Ở GỐC RỄ
Năm kết quả hay năm pháp thuộc tâm sinh lý này xảy ra liên tục và lần lượt, bao gồm cái mà chúng ta gọi là người, chư thiên hay chúng sanh. Những cách gọi thông thường này thực ra chỉ về năm uẩn. Không có chúng sanh thường tồn và vững chắc. Sự thật duy nhất là sự sanh diệt của danh sắc, và đối với vị hành giả có chánh niệm, tuệ quán này có nghĩa là sự chấm dứt ái, thủ, nghiệp, tái sanh và khổ, là một chuỗi gồm những kết quả phát sanh từ thọ, dành chung cho mọi người.
Ðây là con đường dẫn đến sự chấm dứt bánh xe sanh tử (paticcasamuppàda) qua sự cắt đứt then chốt của nó, tức là ái, do thọ làm duyên sanh.
Ðể ngăn ngừa không cho ái sanh khởi từ thọ, vào lúc thấy, hành giả phải tập trung chú ý vào mỗi pháp khởi sanh từ sáu căn. Ở đây, sự tiếp xúc rõ ràng nhất là sự tiếp xúc liên quan đến các nguyên tố ở dạng thô (mahàbhùta - đại chủng) và nó cần thiết cho hành giả mới bắt đầu thiền quán.
Cách này phù hợp với lời dạy của Ðức Phật trong bài kinh Ðại niệm xứ: "Gacchanto va gacchàmìti pajànàti: hành giả biết rằng vị ấy đang đi khi đó vị ấy đi". Vị ấy biết nó khi đó vị ấy niệm: "đi, đi". Vị hành giả thực hành pháp niệm khi đang đứng, nằm, duỗi tay hay làm bất cứ điều gì khác. Khi không có hành động của thân hay sự chuyển động nào để niệm, vị ấy nên chú tâm vào sự phồng và xẹp của cái bụng, vị ấy cũng nên niệm bất cứ tư tưởng nào hay hoạt động nào của tâm và bất cứ thọ nào khởi lên trong người vị ấy. Tóm lại, vị ấy phải chánh niệm đối với tất cả các pháp thuộc về cả thân lẫn tâm mà khởi sanh từ sáu căn. Khi định phát triển, niệm như vậy dẫn đến tuệ quán, khiến cho ái dục không có chỗ để khởi sanh. Do sự chấm dứt ái, cũng có sự chấm dứt thủ và tái sanh cùng với tất cả khổ nối theo. Ðây là con đường dẫn đến sự chấm dứt kiếp sống luân hồi qua sự chấm dứt nguyên nhân cốt yếu là ái dục.
Ngày nay, khoa học và kỹ thuật đã tạo ra các loại máy móc mà chúng ta không thể cho hoạt động hoặc ngưng hoạt động mà không có kiến thức về cách sử dụng chúng. Những người biết bí mật có thể làm cho chúng hoạt động bằng cách bấm vào các nút điều khiển. Cũng vậy, điểm then chốt của vòng luân hồi mà kinh Duyên khởi mô tả là ái do thọ làm duyên sanh. Nhưng điều này có thật chỉ khi nào thọ đi kèm với hai khuynh hướng ngủ ngầm, đó là Santànusàya (hiện hữu tùy miên) và àrammanànusàya (cảnh tùy miên). Các vị A-la-hán đã đoạn diệt những khuynh hướng này. Vì vậy, dầu các Ngài vẫn còn các thọ, nhưng ái của các Ngài đã chấm dứt. Sự chấm dứt ái như vậy không còn chỗ để nghiệp mới phát sanh, làm vô hiệu nghiệp cũ, và không còn sự tái sanh sau khi các Ngài nhập Vô dư Niết-bàn.
Những kẻ phàm phu vẫn còn những phiền não ngủ ngầm, có nghĩa là sự hiện hữu của ái dục không những còn nằm tiềm ẩn ở một nơi nào đó, mà trong những hoàn cảnh thích hợp, chúng có thể khởi sanh lên. Cho nên từ Pàli: Santànusaya kilesa (hiện hữu tùy miên phiền não) ám chỉ khuynh hướng này. Phiền não ngủ ngầm có thể trở thành tham, sân, si và những điều ác khác đối với những người không quán về danh sắc và vì vậy họ rơi vào các ảo tưởng về sự thường tồn, lạc và hữu ngã. Phiền não mà khởi sanh từ các cảnh khi vắng mặt tuệ minh sát thì được gọi là Aramapànusaya kilesa (cảnh tùy miên phiền não).
PHIỀN NÃO VÀ SỰ THẤT NIỆM
Tham và sân khởi sanh liên quan đến cảnh mà người ta đã thấy hoặc đã nghe, là sự hiện bày pháp ngủ ngầm thứ hai. Những ấn tượng mà chúng ta nuôi dưỡng là những ấn tượng về người hoặc vật thường tồn, khả ái hoặc dễ ghét. Cho nên sự nhớ lại những hình ảnh ấy làm sanh khởi tham, sân và si mê hay ảo tưởng về sự thường tồn.
Tham là từ đồng nghĩa với ái. Nó sanh lên do bởi thọ lạc. Nhưng khi có thọ khổ, nó cũng sanh lên, khiến chúng ta thèm khát những cảm giác khoái lạc. Vô minh cũng dẫn đến tự mãn, tham và ái. Như vậy, tham, sân và si làm sanh khởi thọ và thọ làm sanh khởi ái cùng với những cái khổ nối theo của kiếp sống luân hồi. Chỉ có sự thực hành pháp niệm thấy, nghe v.v... mới loại trừ được ái hoặc tham luyến đối với những cảm xúc khoái lạc. Không có pháp hành này, ái ngự trị chúng ta và dẫn đến cái khổ trong kiếp sau cũng như bây giờ.
Ở trong câu chuyện bổn sanh Mora-jàtaka, Bồ tát lúc bấy giờ là chim công trống, thường hay đọc câu thần chú hộ thân khi đi ngủ lúc tối và khi thức dậy lúc sáng sớm. Cho nên suốt bảy trăm năm, ngài đã thoát được lưới bẩy của bọn thợ săn. Sau đó, một người thợ săn khác dùng một con công cái làm chim mồi, và bị mê hoặc bởi giọng hót của nó, công trống quên tụng chú hộ thân và bị dính bẩy.
Tại Ba la nại, có một tay nhạc công chơi đàn hạc tên là Guttila. Vị ấy mê say một cô gái, nhưng bị chế giễu và từ chối. Bởi vậy, ban đêm cậu ta ca một bản nhạc rất mùi mẫn và đánh nhạc ở ngay trước nhà của nàng. Bị mê hoặc bởi tiếng nhạc, cô gái chạy ào ra khỏi nhà như bị thôi miên, ngã nhào và chết tại chỗ.
Ở câu chuyện Morajàtaka, chính giọng cái, và ở câu chuyện sau, lại do giọng đực mà đem lại đau khổ và cái chết.
Không ai phủ nhận rằng cái mà chúng nghe là vô thường. Mọi cái mà chúng ta nghe đều biến mất liền liền, tuy thế chúng ta vẫn thích những bài ca và tiếng nhạc, vì tánh chất có vẻ liên tục của chúng. Nếu chúng ta niệm mỗi âm thanh rằng: "Nghe à, nghe à" thì sự giác ngộ của chúng ta về tánh chất vô thường của chúng sẽ làm cho các thọ lạc của chúng ta không thể dẫn đến ái. Nhờ thế, thủ không sanh khởi và tất cả những điều khổ nối theo cũng thế.
Hành giả ít khi ngửi mùi. Dĩ nhiên, vị ấy cũng phải niệm nó và thấy rằng nó không làm cho ái sanh khởi.
Chánh niệm đặc biệt rất quan trọng trong việc ăn uống. Người không có chánh niệm thì thích thú khi ăn món ngon. Người ấy thích khoái lạc như vậy. Người ấy muốn trong tương lai và kiếp sau cũng được như thế. Ái dục về đồ ăn và thức uống rất mạnh mẽ, nó có thể dẫn đến một kiếp sống mà khiến người ta phải sống bằng đồ ăn dở. Như vậy, theo bài kinh Bàlapandita sutta (Hiền ngu kinh), những người làm ác nghiệp để kiếm miếng ăn ngon đều phải tái sanh làm súc vật để ăn cỏ, lá hoặc phân của người ta.
Ăn vật thực xấu cũng có khuynh hướng tạo ra ước muốn vật thực tốt. Do đó, hành giả phải quán niệm tất cả mọi thứ, mọi cử động của tay, miệng và mọi cảm xúc khi đó vị ấy ăn. Qua pháp niệm này, vị ấy sẽ thấy sự diệt trong mọi hành động của vị ấy, mọi cảm xúc và thọ. Bằng cách này, vị ấy sẽ đạt được tuệ quán về tánh chất vô thường của mọi pháp, là tuệ quán dẫn đến sự chấm dứt ái dục và những điều khổ nối theo của nó.
TƯ TƯỞNG VÀ SỰ CẢM XÚC
Sự cảm xúc luôn luôn có mặt trên khắp thân thể. Sự suy nghĩ cũng thế, hiện diện trong mọi lúc, ngoại trừ khi hành giả đi ngủ. Bởi vậy, những tư tưởng và những cảm xúc trở thành các đối tượng của pháp quán trong hầu hết mọi khi. Hành giả quán những sự xúc chạm khi không có gì khác để chú ý vào.
Vị ấy quán niệm những tư tưởng của mình, dầu chúng có tính chất khả ái hay không khả ái. Hành giả sơ cơ thường bị những tư tưởng phóng dật như vậy, nhưng chúng thường biến mất khi đó vị ấy đã an trú trong pháp hành và phát triển sự định tâm. Những tư tưởng về pháp đôi khi xảy đến với một số hành giả và những tư tưởng này cần phải được chú niệm. Sự quán niệm những tư tưởng này cũng làm phát sanh tuệ quán về tánh chất vô thường và sự chấm dứt khổ.
Ở đây, một số người có thể thắc mắc rằng sự mô tả về pháp này có liên quan gì đến pháp duyên khởi. Pháp duyên khởi nêu ra những kết quả với những nhân của chúng làm duyên sanh mà mục đích của chúng tôi là chỉ cho thấy con đường dẫn đến sự chấm dứt cái khổ luân hồi do bởi sự tác động qua lại giữa các nhân và quả của chúng. Bởi vậy, chúng tôi phải mô tả pháp hành này bất cứ khi nào phù hợp. Như vậy, khi nóiù rằng: "Vô minh dẫn đến hành và hành dẫn đến tái sanh", chúng tôi phải chỉ ra cách đoạn trừ vô minh. Thức và các pháp khác cũng vậy, cuối cùng là đau khổ. Ðiều cần nhấn mạnh là phải đoạn trừ mắc xích giữa thọ và ái, là nguyên nhân chính của đau khổ.
BA LOẠI ÁI
Nếu thọ khởi sanh từ sự tiếp xúc với các cảnh mà không được quán một cách đúng pháp, thì nó sẽ dẫn đến một trong ba loại ái: Dục ái, hữu ái và phi hữu ái.
1/- Dục ái (kàmatanhà) nhắm đến các cảnh dục và nó phổ biến nhất trong những chúng sanh ở cõi dục.2/- Hữu ái (bhavatanhà) có liên quan chặt chẽ với thường kiến (sassati-ditthi). Nó chấp vào sự thường tồn của chúng sanh và tánh chất không thể huỷ diệt của cái ngã, dầu tấm thân có tan rã đi nữa. Tà kiến này không ăn sâu vào hàng Phật tử. Những ai không theo giáo lý của Ðức Phật thì chấp chặc nó, đến nỗi nó trở thành chướng ngại lớn cho việc giải thoát của những kẻ ấy. Hữu ái của họ thật rõ rệt ở ảo tưởng về cái ngã thường tồn và sự ưa thích dục lạc.3/- Phi hữu ái (vibhavatanhà) sanh lên từ đoạn kiến. Tri kiến này không được tìm thấy trong hàng Phật tử chân chính. Phi hữu ái có nghĩa là muốn có sự đoạn diệt đời sống một cách tự nhiên sau khi chết, cũng như sự ưa thích dục lạc trong quan điểm duy vật.
Một trong ba loại ái này khởi sanh đều do không giác ngộ tánh chất vô thường, khổ và vô ngã qua sự quán niệm về các thọ. Bởi vậy, để đề phòng ngăn chặn ái và những điều khổ nối theo như tái sanh, lão tử v.v... hành giả nên quán mọi pháp và cố gắng thấy các pháp như thật.
(Nguồn: budsas.org)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét