Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

CON ĐƯỜNG DUY NHẤT - PHẦN 4 (2)



                                                   
 4.BẮT ĐẦU HÀNH THIỀN MINH SÁT (2)


4.12 Biết và Ghi Nhận Tâm Tham

Tâm phải được điều phục đúng lúc. Quán sát những sinh hoạt của tâm, bạn sẽ thấy rõ tâm tham ái sẽ hình thành như thế nào khi gặp các đối tượng ưa thích, và khi chú tâm ghi nhận đơn thuần vào tâm tham ái này, thì bạn sẽ thấy rõ khuynh hướng mãnh liệt muốn chụp bắt, nắm giữ và làm chủ các đối tượng ưa thích này sẽ diệt mất ra sao.
Tôi nói điều này là căn cứ trên Vi Diệu Pháp. Nhưng khi đem lý thuyết thiền vào thực hành, bạn không nên bận tâm phân tích tâm mình hay các đặc tính của nó. Khi tâm tham khởi sinh, chỉ giản dị ghi nhận nó. Ngay khi ghi nhận tâm tham, tâm tham sẽ diệt mất; lúc bấy giờ chỉ có sự biết và sự ghi nhận. Biết và ghi nhận là một thiện tâm, và tâm thiện này không thể khởi sinh cùng lúc với tâm tham ái dính mắc. Bạn phải ghi nhận ngay luôn cả tâm biết và tâm ghi nhận này. Pháp quán sát này cũng được áp dụng khi sân hận, hoài nghi hay các cảm xúc khác phát sinh. Nhưng quán sát tâm, theo dõi tâm để đạt được các tuệ giác không phải là chuyện dễ dàng. Quán sát vật chất dễ dàng hơn vì đề mục vật chất có tính cách cụ thể, dễ gây ấn tượng mạnh, đập mạnh vào tâm thiền sinh.
-- trích từ Pháp thoại về kinh Sīlavanta


4. 13 Loại Bỏ Những Gì Không Cần Thiết

Mỗi khoảnh khắc chánh niệm tiêu hủy dần các phiền não ngủ ngầm. Tương tự như dùng rìu để đẽo một khúc cây, mỗi nhát rìu giúp ta gọt bỏ những phần không cần thiết.
-- trích từ Pháp thoại về kinh Ariyāvāsa


4.14 Quán Sát Ghi Nhận Tư Tưởng

Lúc mới hành thiền minh sát, định lực của bạn còn yếu vì vậy tâm hay phóng đi đó đây. Khi có phóng tâm, hãy ghi nhận phóng tâm. Khi tưởng tượng điều gì, hãy ghi nhận ngay sự tưởng tượng đó. Khi tiếp tục chánh niệm ghi nhận mọi diễn biến của các hiện tượng xảy ra bạn sẽ thấy rõ tiến trình của tư tưởng, định lực của bạn sẽ mạnh dần lên, và tâm bạn sẽ an trụ vững chắc vào đề mục, không còn lang bạt đi đâu nữa.
-- trích từ Pháp thoại về Kinh Đế Thích Hỏi Đạo


4.15 Thất Vọng

Lúc mới bắt đầu hành thiền, nhiều thiền sinh bị thối chí khi thấy định lực mình yếu kém. Nhưng một số thiền sinh lại được khích động bởi điều này. Nhờ thấy định lực yếu kém, họ cố gắng gia tăng tinh tấn gấp đôi và sau đó thành đạt những tuệ giác đặc biệt. Nhiều khi nhờ sự yếu kém, thất vọng mà thiền sinh hưởng được lợi lạc. Do đó, theo chú giải, khi chưa đạt được mục tiêu mong ước của mình như: xuất gia, hành thiền, đạt tuệ giác hay nhập định mà sinh ra chán nản thất vọng thì hãy bình tâm đón nhận sự chán nản và thất vọng này. Hãy thản nhiênđón tiếp những phiền não này vì nhờ những phản ứng ngược này kích động tinh tấn khiến ta tiến bộ trên đường đạo. Tuy vậy, hãy thận trọng, đừng tìm kiếm những phiền não này; bởi vì hỷ lạc đóng vai trò quan trọng và tốt đẹp nhất trên đường tìm kiếm chân lý, giải thoát.
-- trích từ Pháp thoại về Đế Thích Hỏi Đạo


4.16 Trạng Thái Tâm Khó Khăn

Thiền Sinh phải luôn luôn nhớ đến luật nhân quả mà Đức Phật đã giảng dạy. Đức Phật dạy rằng: mọi việc xảy ra ngày hôm nay là kết quả của những hành động mà ta đã làm trước đây.Nhờ biết đến luật nhân quả ta có đủ sáng suốt để giải quyết, cải thiện và nhẫn nhục chịu dựng những nghịch cảnh xảy đến cho mình. Tuy nhiên, đó chỉ là phương cách tạm thời. Phương thuốc hay nhất để điều trị những khủng hoảng này là hành thiền vắng lặng hoặc thiền minh sát. Trong lúc hành thiền, nếu lo âu, phiền muộn, khổ tâm hoặc thất vọng khởi sanh, hãy chú tâm chánh niệm ghi nhận các trạng thái tâm này. Đức Phật dạy rằng Tứ Niệm Xứ7 là con đường duy nhất để diệt trừ lo âu phiền muộn và chấm dứt mọi khổ đau. Bao lâu ta giữ được chánh niệm theo lời Phật dạy thì những phiền não như: lo âu, phiền muộn, uất ức, than khóc, xuống tinh thần v.v... sẽ không thể khởi sinh; dầu những phiền não này có khởi sinh đi nữa cũng bị tan biến ngay khi ta chánh niệm ghi nhận chúng.
-- trích từ Pháp thoại về kinh Đế Thích Hỏi Đạo


4.17 Quán Sát Cảm Giác Đau Nhức

Nếu có những cảm giác khó chịu nào khởi sinh như: tay chân mỏi mệt, thân thể đau nhức, nóng rát... hãy chú tâm vào nơi các cảm giác phát sinh và ghi nhận: "mỏi, mõi, mỏi", "nóng, nóng, nóng", hoặc "đau, đau, đau" v.v... Khi cảm giác khó chịu biến mất, thiền sinh tiếp tục quán sát chuyển động phồng, xẹp của bụng.
Chỉ khi nào cảm giác đau nhức quá mãnh liệt, đến nỗi thiền sinh không chịu đựng được nữa, thì mới thay đổi tư thế của thân hay tay chân để đỡ đau.
-- trích từ Mục Đích của Hành Thiền


4.18 Phương Thuốc Hiệu Nghiệm

Nếu bạn đau khổ vì kém sức khỏe hay bệnh tật, và nếu không có thuốc giảm đau, thì bạn hãy chú tâm quán sát cảm giác đau trên cơ thể. Thản nhiên quán sát các cảm giác đau sẽ đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, nếu không chữa lành hết cơn bệnh thì ít ra cũng làm giảm bớt được sự đau nhức phần nào. Nếu thiền tập không giảm được đau nhức trong thân, thì cũng có thể giúp bạn giảm được cơn đau trong tâm. Nếu bạn tức giận hoặc bực bội vì thân đau thì tâm bạn cũng đau luôn.
Đức Phật dạy rằng khi bị khổ thân mà để cho tâm khổ theo thì chẳng khác nào bị đâm bởi một mũi nhọn lại đâm thêm một mũi nhọn nữa vào chỗ đau ấy. Khổ thân mà để cho tâm khổ theo là đã làm cho mình bị đau khổ bởi hai mũi nhọn cùng lúc. Khi sự đau nhức trong thân xảy ra mà không thể chánh niệm ghi nhận sự đau của thân thì sẽ bị đau khổ cả thân lẫn tâm.Nhưng nếu chánh niệm ghi nhận vào thân đau thì chỉ khổ thân mà không khổ tâm. Người như vậy sẽ giống như Đức Phật và A La Hán, chỉ bị khổ thân mà thôi. Các Ngài có khổ vì nóng, lạnh, muỗi mòng hoặc những thứ khó chịu khác, nhưng tâm các ngài vẫn quân bình không bị khổ đau. Thiền là phương thuốc rất hiệu nghiệm để điều trị khổ thân và khổ tâm.
-- trích từ Pháp Thoại về Thế Gian Pháp


4.19 Cảm Giác Khó Chịu Đựng

Khi thực hành tích cực để phát triển tâm định, thiền sinh có thể kinh nghiệm những cảm giác khó chịu đựng nổi như: ngứa ngáy, đau nhức, tê mỏi hay co cứng. Nếu ngừng chánh niệm, những cảm giác khó chịu này biến mất. Khi chánh niệm ghi nhận, chúng xuất hiện trở lại. Do sự nhạy cảm tự nhiên của cơ thể nên những cảm giác đó sinh khởi chứ đó không phải là triệu chứng bệnh tật. Nếu chánh niệm lên những cảm giác đó với tâm định mạnh mẽ, chúng sẽ dần dần tan biến.
-- trích từ Thiền Minh Sát Thực Dụng


4.20 Buồn Ngủ

Thiền sinh không được dừng nghỉ ghi nhận dầu chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Không nên nghĩ rằng gián đoạn ghi nhận trong khoảnh khắc ngắn ngủi chẳng quan trọng gì. Mọi chuyển động bao gồm trong tác động nằm xuống đều phải được ghi nhận tỉ mỉ liên tục không gián đoạn. Sau khi đã nằm yên vào tư thế, hãy trở về với chuyển động phồng xẹp của bụng.Dầu đêm đã về khuya và đến giờ đi ngủ, nhưng thiền sinh cũng đừng bỏ qua việc ghi nhận.
Một thiền sinh thực hành nghiêm chỉnh và nỗ lực thực sự thì sẽ tích cực giữ tâm chánh niệm mọi lúc dường như không biết gì đến việc ngủ nghỉ. Khi buồn ngủ thiền sinh tiếp tục ghi nhận cho đến khi hoàn toàn rơi vào giấc ngủ. Nếu việc hành thiền tiến triển tốt đẹp và vượt trội, thiền sinh sẽ cảm thấy tỉnh táo. Nếu hôn trầm dã dượi thắng lướt thì thiền sinh sẽ cảm thấy buồn ngủ. Khi buồn ngủ, thiền sinh phải ghi nhận buồn ngủ, buồn ngủ, buồn ngủ. Khi mí mắt sụp xuống hãy ghi nhận sụp xuống, sụp xuống, sụp xuống. Khi mí mắt trở nên nặng, hãy ghi nhận nặng, nặng, nặng. Nếu mắt trở nên cay xốn, hãy ghi nhận cay xốn, cay xốn, cay xốn. Nếu ghi nhận mọi tác động một cách chánh niệm thì sự buồn ngủ biến mất và thiền sinh sẽ tươi tỉnh trở lại.
Khi đã tươi tỉnh và mắt sáng trở lại, thiền sinh phải ghi nhận tươi tỉnh, tươi tỉnh, tươi tỉnh hay sáng, sáng, sáng rồi trở về sự phồng xẹp của bụng. Thiền sinh lại kiên trì tiếp tục hành thiền. Cuối cùng, khi buồn ngủ thắng thế thì thiền sinh sẽ rơi vào giấc ngủ. Khi hành thiền ở tư thế nằm bạn rất dễ bị buồn ngủ. Bởi vậy đối với những thiền sinh mới không nên hành thiền ở tư thế nằm quá nhiều mà phải ngồi và kinh hành nhiều hơn. Nhưng lúc đến giờ đi ngủ, thiền sinh nên hành thiền ở tư thế nằm, ghi nhận những chuyển động phồng xẹp của bụng cho đến khi nào rơi vào giấc ngủ một cách tự nhiên. Thời gian ngủ là khoảng thời gian nghỉ ngơi cho thiền sinh. Nhưng đối với thiền sinh tích cực tinh tấn thì nên giới hạn giờ ngủ khoảng bốn tiếng mỗiđêm. Đó là ngủ vào khoảng canh hai, tức từ mười giờ tối đến hai giờ sáng, như Đức Phật đã cho phép. Ngủ bốn tiếng là vừa đủ. Đối với những thiền sinh mới, nếu thấy ngủ bốn tiếng không đủ cho sức khỏe thì có thể ngủ năm đến sáu tiếng. Sáu tiếng là quá đủ cho sức khỏe.
Khi thức dậy thiền sinh phải lập tức trở về với sự ghi nhận. Một thiền sinh thật sự muốn nỗ lực hành thiền để đạt đạo quả thì chỉ ngừng hành thiền trong khi ngủ mà thôi. Trong thời gian thức, họ liên tục chánh niệm không ngừng nghỉ. Bởi vậy, khi vừa thức giấc, thiền sinh phải ghi nhận ngay sự thức dậy của tâm thức dậy, thức dậy, thức dậy. Nếu thiền sinh không thể ghi nhận được trạng thái của tâm lúc vừa thức dậy, thì hãy bắt đầu ghi nhận sự phồng xẹp của bụng.
-- trích từ Thiền Minh Sát Thực Dụng


4.21 Thiền Vắng Lặng và Thiền Minh Sát

Chúng ta hành thiền trên đề mục gì?
Chúng ta phát triển tuệ minh sát ra sao?
Đây là những câu hỏi rất quan trọng cần được nêu lên.
Có hai loại thiền: Thiền vắng lặng và thiền minh sát.
Thiền vắng lặng để phát triển sự vắng lặng và thiền minh sát để phát triển tuệ minh sát.
Có bốn mươi đề mục để hành thiền vắng lặng:



- Mười đề mục kasina (đĩa tròn): Đất, nước, lửa, gió; xanh, vàng, đỏ, trắng, ánh sáng, không gian hữu hạn.
- Mười đề mục tử thi: Tử thi căng phồng, tử thi sình trương, tử thi thối rữa, tử thi bị cắt thành mảnh, tử thi bị thú cắn nát, tử thi bị rời rã, tử thi bị rời rã và phân tán nhiều nơi, tử thi bê bết máu, tử thi bi dòi đục, tử thi chỉ còn xương.
- Mười đề mục niệm tưởng: Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm giới, Niệm thí, Niệm chư thiên, Niệm về sự chết, Niệm 32 thể trược, Niệm hơi thở, Niệm thanh tịnh.
- Bốn đề mục vô lượng tâm (Tứ vô lượng tâm)
- Bốn đề mục thiền vô sắc,
- Một đề mục về thực phẩm bất tịnh
- Một đề mục phân tích tứ đại

Bốn mươi đề mục này là những đề mục để phát triển sự vắng lặng.
Chỉ có đề mục niệm hơi thở (anapanasati) và phân tích tứ đại mới là đề mục thiền minh sát.
Các đề mục còn lại không giúp phát triển minh sát tuệ
-- trích từ Căn Bản Thiền Minh Sát


4.22 Thành Đạt Sự Thanh Lọc Tâm

Tâm bạn sẽ trong sạch khi bạn chánh niệm. Thật là sai lầm khi cho rằng tâm chỉ trong sạch khi nhập vào các tầng thiền định. Sự thanh lọc tâm trong tầng thiền định đạt được do luồng thiền tâm liên tục định vào đề mục. Sự thanh lọc tâm trong Thiền Minh Sát thuần túy đạt được do có sát na định, nghĩa là tâm được thanh lọc trong từng sát na. Hai loại thanh lọc tâm này có năng lực giống nhau, vì đều giúp cho tâm thoát khỏi các chướng ngại tinh thần.
-- trích từ Pháp Thoại về kinh Ariyāvāsa


4.23 Các Yếu Tố của Bát Chánh Đạo Trong Thiền Minh Sát

Nếu mỗi giây bạn ghi nhận được một lần thì trong mỗi phút, bạn ghi nhận khoảng sáu mươi lần. Trong mỗi sự ghi nhận bạn đã thực hành Bát Chánh Đạo. Các bạn thử xem Bát ChánhĐạo thể hiện như thế nào
Thiền sinh phải niệm và quán sát mọi hiện tượng khi chúng xuất hiện qua lục căn. Điều này khi làm với nổ lực, gọi là Chánh Tinh Tấn.
Theo dõi, ghi nhận hay biết các đề mục đang sinh khởi, gọi là Chánh Niệm.
Khi chánh niệm, tâm sẽ an trụ hoặc tập trung trên đề mục, tâm khắn khít trên đề mục. Đây là Chánh Định.
Ba yếu tố của đạo, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định hợp lại thành nhóm định, được gọi là Định đạo.
Biết đề mục một cách rõ ràng chính xác là Chánh Kiến.
Đưa tâm hướng đúng vào đề mục gọi là Chánh Tư Duy hay Chánh Hướng Tâm.
Hai yếu tố Chánh Kiến và Chánh Tư Duy hợp lại thành nhóm Tuệ, gọi là Tuệ Đạo.
Tất cả năm yếu tố trong nhóm Định và Tuệ hoạt động như một nhóm thợ năm người, mỗi người giữ một nhiệm vụ riêng, công việc chỉ hoàn thành được do sự hợp lực của cả năm người. Cùng thế ấy năm Định Tuệ Đạo này phải hoạt động hài hòa trong mỗi tác động ghi nhận và ý thức. Sự hài hòa của Năm Định Tuệ Đạo này là sức mạnh kỳ diệu để triển khai trí tuệ minh sát.
Giữ giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh là Chánh Nghiệp.
Giữ giới không nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời vô ích là Chánh Ngữ.
Nuôi mạng sống chân chánh, tránh xa các nghề nghiệp bất thiện là Chánh Mạng.
Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng hợp thành nhóm Giới, gọi là Giới Đạo. Giới đạo phải được hoàn tất trước khi hành thiền. Giới Đạo được trọn vẹn khi thiền sinh biết giữ gìn giới luật. Trong thời gian hành thiền ba yếu tố của Giới Đạo được gìn giữ không ô nhiễm. Thật ra, theo thời gian, ba yếu tố của giới đạo ngày càng trong sạch hơn.
Ba yếu tố của Giới đạo hợp chung với năm yếu tố của Định đạo và Tuệ đạo tạo thành Bát Chánh Đạo, và chúng xuất hiện khi thiền sinh hành thiền minh sát. Do đó, thiền sinh đã hành thiền trên Minh Sát Đạo.
-- trích từ Đến Niết Bàn qua Bát Chánh Đạo


4.24 Kiến Thức Sâu Rộng Tự Nhiên

Nếu Bát Chánh Đạo được thực hành một cách tốt đẹp, thiền sinh sẽ chính mình đạt kinh nghiệm trực tiếp, nhờ thế, dần dần sẽ đạt được các tuệ giác, trí tuệ sẽ tự động phát triển sâu rộng hơn.

-- trích từ Pháp Luân


(Nguồn: budsas.org)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét