2. TIÊU CHUẨN ĐẠO ĐỨC
2.1 Ánh Sáng Giáo Pháp
Giới, Định, Tuệ dẫn đến Niết Bàn. Thế mà vẫn có người cho rằng không cần thiết phải giữ giới luật, nếu họ có được sự hiểu biết về Giáo Pháp. Những người chủ trương như thế thường cho rằng họ có những phương pháp giản dị và dễ dàng để hướng dẫn tín đồ. Thật lạ lùng làm sao! Chúng ta không thể phủ nhận rằng vào thời Đức Phật, mỗi người, tùy theo trí tuệ của mình mà có sự thực chứng mau chậm khác nhau.
Có người thấy được chân lý ngay khi đang nghe Giáo Pháp.
Có người thấy được chân lý sau khi nghe xong bài pháp.
Có người thấy được chân lý sau khi được nghe giảng giải rộng rãi hơn.
Vào thời kỳ Đức Phật, có những người do nhờ Ba La Mật tích tụ từ trước, trí tuệ chín muồi, không cần nhiều nỗ lực, chỉ đơn thuần nghe lời giảng dạy của Đức Phật vẫn thấy rõ được Giáo Pháp. Nhưng ngày nay, muốn thấy rõ chân lý phải được hướng dẫn và thực tập lâu dài, vì ngay cả Đức Phật đi nữa cũng không thể giúp ta thấy được ánh sáng Giáo Pháp nếu ta không thực hành.
-- trích từ Đến Niết Bàn Qua Bát Chánh Đạo
2.2 Giới Của Bậc Thánh Nhân
Những ai đạt tầng thánh thứ nhất đều tôn trọng giữ gìn ngũ giới thật trong sạch. Họ không hề phạm giới; họ luôn luôn thận trọng giữ gìn giới luật. Họ giữ giới không phải vì sợ ai kiểm soát, mà bởi vì họ muốn giữ tâm mình được trong sạch thanh tịnh, và tâm thanh tịnh trong sạch chỉ có thể đạt được nếu ngũ giới được giữ gìn trọn vẹn. Không phải họ chỉ muốn giữ gìn giới luật ngay trong kiếp sống này, mà họ còn muốn giữ giới luật trong sạch trong các kiếp sau sau nữa. Trong các kiếp sau này, có thể họ không biết rằng mình đã là một bậc thánh Nhập Lưu trong kiếp trước, nhưng họ thấy rằng họ cần phải giữ gìn ngũ giới trong sạch trọn vẹn, không lầm lỗi.
Đôi khi chúng ta thấy có những người từ thuở nhỏ đã không làm những điều bất thiện như: sát sanh hoặc trộm cắp. Mặc dầu họ chẳng hề được cha mẹ hướng dẫn, nhưng tự họ hiểu được điều ác là gì, và tránh vi phạm. Họ giữ gìn năm giới trong sạch từ thuở nhỏ. Có thể họ đã đạt được tuệ giác đặc biệt trong các kiếp trước. Cũng có những người mặc dù sinh trưởng trong gia đình không theo Phật Giáo, nhưng họ tìm đến phương Đông để hành thiền. Có thể những người này đã thực hành Giáo Pháp từ các kiếp trước.
-- trích từ Pháp Thoại về Kinh Hemavata
2.3 Ảnh Hưởng của Sân Hận
Sân hận là một trong năm chướng ngại cản trở con đường giải thoát. Sân hận chẳng khác nào như bệnh tật làm cho con bệnh ăn mất ngon. Sân hận làm cho chúng ta nóng nảy, bực bội và nghi kỵ. Sân hận không những làm cho ta ghét bỏ người ta không ưa thích, mà còn khiến ta không tin tưởng và ghét bỏ luôn những người giao du với người mà ta không thích. Người sân hận, nên xem mình như một kẻ đang đau khổ vì bệnh tật; trừ phi căn bệnh được điều trị đúng lúc, nếu không nó có thể làm cho ta ngã qụy hoặc chết. Cũng vậy, nếu không biết chế ngự tâm sân hận thì nhiều bất hạnh và thảm kịch có thể xãy ra. Những câu chuyện thương tâmđược tường thuật trên báo chí giúp chúng ta thấy rõ mối hiểm nguy của tâm sân hận.
-- trích từ Pháp Thoại về Kinh Hemavata
2.4 Giết Người Để Tự Vệ
Một nhà văn tuyên bố trong một bài báo rằng vị thánh Tu Đà Huờn sẽ không sát sanh, nhưng nếu bị mưu sát, vị này sẽ giết kẻ tấn công mình. Nhà văn này còn nói rằng lời tuyên bố trên là kết quả từ cuộc nghiên cứu của ông về bản chất tâm của con người.
Tôi tự hỏi vị ấy nghiên cứu tâm của ai, và thực hiện sự nghiên cứu như thế nào. Chắc có lẽ vị này đã nghiên cứu chính cái tâm của mình, và nghĩ mình là thánh Tu Đà Hườn. Vị này có thể tự hỏi rằng, có nên để cho kẻ mưu sát giết mình chết, trong khi trong tay đang có vũ khí hữu hiệu để tự vệ chăng? Và có thể đây chính là câu trả lời của ông ta: "nên ra tay giết kẻ mưu sát trước". Như vậy, có thể lời tuyên bố trên là kết luận rút ra từ quan điểm của cá nhân ông.
Sự kiện rõ ràng nhất, là khi một người nghĩ rằng mình nên chống trả lại lúc bị tấn công, đã chứng tỏ rằng người này không phải là vị thánh Tu Đà Hườn; vì theo Phật giáo, một người vui thích với ý niệm như vậy chỉ là một phàm nhân, chắc chắn không phải thánh nhân. Vị Tu Đà Hườn thật sự không giết đến ngay cả con kiến chứ đừng nói đến một con người.
-- trích từ Pháp Thoại về kinh Kinh Hemavata
2.5 Hành Động Từ Thiện
Hành động từ thiện phát khởi từ lòng từ ái tồn tại lâu bền trong trí nhớ của con người, khơi dậy tình thương và lòng kính trọng giữa con người với nhau, và tạo nền móng cho sự đoàn kết toàn thế giới.
-- trích từ Đến Niết Bàn qua Bát Chánh Đạo
2.6 Tình Thương Sáng Ngời
Dù đang ở nhà, đang trên đường đi hay đang làm việc, nếu có nghe hoặc thấy bất kỳ người nào, chúng sanh nào, ta đều nên chân thành rải tâm từ ái đến họ: "Nguyện cho bà được an vui hạnh phúc, nguyện cho ông được an vui hạnh phúc!"
Tương tự, mỗi khi nghe hoặc thấy một số đông người tụ họp, ta cũng nên chân thành rải tâm từ ái đến họ: "Nguyện cho tất cả chúng sinh được an vui hạnh phúc". Đây là cách rải tâm từ dễ dàng và tốt đẹp. Chúng ta nên thường xuyên thực hành niệm tâm từ, vì ai ai cũng mong ước được an vui hạnh phúc.
-- trích từ Pháp Thoại về Vô Lượng Tâm
2.7 Ước Vọng Niết Bàn
Khi làm thiện nghiệp quý vị nên làm với lòng nhiệt thành và hướng đến mục tiêu giải thoát, Niết Bàn. Khi hướng tâm về Niết Bàn, thiện nghiệp sẽ đưa bạn đến đó, và với lòng nhiệt thành hướng đến mục tiêu giải thoát các bạn chắc chắn sẽ được tái sinh vào nơi tốt đẹp. Khi làm việc thiện với tâm nhiệt thành hướng đến sự giải thoát giác ngộ thì bạn không cần phải cầu nguyện được tái sinh vào nơi an lành nữa vì bạn đã được bảo đảm điều này. Nhưng nếu tạo thiện nghiệp với tâm không nhiệt thành và thiếu hiểu biết thì bạn chỉ được tái sinh về cõi vô tham, vô sân, nhưng thiếu mất trí tuệ.
-- trích từ Pháp Thoại về Thập Nhị Nhân Duyên
(Nguồn: budsas.org)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét