Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

10 PHÁP BA LA MẬT - LỜI MỞ ĐẦU


10 PHÁP BA LA MẬT
                                                     Sách: ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP
(The Buddha and His Teachings)
Hòa thượng Narada, 1980
Phạm Kim Khánh dịch Việt, 1998

"Hãy tích cực hoạt động để tạo an lành cho kẻ khác." -- Sutta Nipata.



Có mười đức tánh cao quí vượt hẳn thế tục gọi là Parami (Ba La Mật) [1], mà chư vị Bồ Tát đều thực hành tròn đủ để thành tựu Đạo Quả Chánh Đẳng Chánh Giác (Samma Sambuddha).

Mười pháp Ba La Mật là:
Theo lời giải thích trong kinh Cariya Pitaka, Ba La Mật không nhuộm màu vị kỷ, không đượm nhuần tà kiến và không ẩn ý ngã mạn. Ba La Mật nhờ trí tuệ dẫn dắt và do lượng từ bi vun vén đắp bồi.
Hành động của vị Bồ Tát tuyệt đối vị tha. Với đức từ bi vô lượng, lòng bác ái vô biên, xuyên qua bao nhiêu kiếp sống, các Ngài không ngừng nỗ lực để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo nàn thấp kém, giúp đỡ cho mọi người bằng ngàn cách và làm giảm bớt phiền não cho tất cả chúng sanh.
Một vị Bồ Tát không nghĩ đến việc an hưởng thú thanh nhàn trong khi những người bạn của mình còn ở trong vòng lao khổ. Để làm dịu bớt phần nào nỗi khổ đau của nhân loại, Bồ Tát sẵn sàng hy sinh tất cả các vật sở hữu quý báu nhất, cho đến mạng sống của mình đi nữa, cũng không tiếc.
Câu truyện trong Túc Sanh Truyện "Vyaghri Jataka" là một thí dụ.
Mặc dầu Bồ Tát không khi nào mà làm điều gì mà không suy nghĩ trước, các Ngài luôn luôn tạo hạnh phúc an vui hạnh phúc cho tất cả, không quên bỏ một chúng sanh nhỏ bé nào. Lòng đầy bi mẫn, tuy nhiên các Ngài luôn luôn cân phân tâm trí. Và trong khi phục vụ, Ngài không hề cầu mong một thế lực hoặc một quyền lợi vật chất nào trên thế gian. Khi đã hành động xứng đáng, danh thơm tự nhiên đến, không cần phải chạy theo nó. Bồ Tát hoàn toàn vị tha, luôn luôn sống cho kẻ khác, không khi nào nghĩ đến mình. Không hề có một điểm ích kỷ, dầu nhỏ nhen đi nữa, trong tâm một vị Bồ Tát.
Kinh Dhammapada (Pháp Cú) có câu:
"Hãy để cho hàng cư sĩ và các tỳ khưu nghĩ rằng chính ta đã làm điều phải đó. Trong mọi công việc, dầu lớn, dầu nhỏ, hãy để họ nhắc đến ta. Đó là nguyện vọng của người cuồng si. Nghĩ như vậy thì lòng tham vọng và tính ngã mạn sẽ tăng trưởng".
Một vị Bồ Tát không khi nào có tư tưởng ích kỷ và hẹp hòi như vậy. [2]

[1] "Parami" do chữ "param" có nghĩa là "phía bên kia", hay sự sáng suốt, sự giác ngộ, và chữ "i" là "đi". Theo nghĩa trắng, "parami" là cái gì có thể đưa ta qua bờ bên kia, đáo bỉ ngạn. Phạn ngữ "patamita" được dùng trong nghĩa nầy.

[2] Ba La Mật có 10 pháp. Mỗi pháp chia làm 3 hạng: Parami thuộc về tài sản, sự nghiệp, vợ con; Uparami, thuộc về một hay nhiều bộ phận trong cơ thể; và Paramatthaparami, thuộc về mạng sống.

Thí dụ Bố Thí Ba La Mật có 3 hạng: Dana parami, là bố thí tài sản, sự nghiệp, hoặc vợ con; Dana uparami, là bố thí một bộ phận trong thân thể như tay, chân, mũi, tai, v.v...; và Dana paramatthaparimi, là hy sinh mạng sống của mình cho kẻ khác, để cứu một chúng sanh.
Như Trì Giới Ba La Mật cũng có 3 hạng: Sila parami, là hy sinh tài sản, sự nghiệp hoặc vợ con để giữ tròn giới luật; Sila uparami là hy sinh một bộ phận trong thân thể để giữ tròn giới luật; và Sila paramatthaparami là hy sinh mạng sống để giữ giới luật trong sạch.
Như thế, mỗi Ba La Mật đều có 3 hạng; cộng chung tất cả có (10 x 3) = 30 Ba La Mật.

Nguồn:http://phatphapchanthat.blogspot.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét