Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

10 PHÁP BA LA MẬT - LỜI KẾT


                                                              Hòa thượng Narada


LỜI KẾT
Xuyên qua mười pháp Ba La Mật mà mỗi vị Bồ Tát đều cố gắng thực hành đến tột độ, ta coi thể nói rằng cuộc sống của một vị Bồ Tát là gương hy sinh cao cả về kỷ luật nghiêm khắc, là từ bỏ tất cả những gì trần tục, là giác ngộ hoàn toàn, là nhẫn nhục, chân thật, không ngừng kiên trì nỗ lực, là một ý chí sắt đá, một tinh thần vững chắc và hoàn toàn bình thản.
Ngoài mười Ba La Mật, Bồ Tát còn phải giữ tròn ba đức hạnh (cariya) là:
- Buddhi Cariya, làm việc thiện với trí tuệ luôn luôn sáng suốt,
- Natyattha Cariya, tích cực hoạt động để tạo an lành cho thân nhân quyến thuộc, và
- Lokattha Cariya, phục vụ tất cả chúng sanh để hướng thế gian về chỗ toàn thiện.
Trong ba hạnh, hạnh thứ nhì là tạo an lành cho thân bằng quyến thuộc. Đây không phải là thiên vị, đặt bà con thân thuộc lên trên người khác, mà chỉ vì những người nầy gần gũi, thân cận hơn. Đây không phải là một hành động ích kỹ, mà là một việc làm hợp lý. Giữ tròn ba đức hạnh tốt đẹp và thực hành đúng đắn mười Ba La Mật, trôi dạt đó đây theo dòng nghiệp lực, sanh tử, tử sanh trong vô lượng kiếp, Bồ Tát dần dần vượt qua những cơn bão táp của biển trầm luân sanh tử triền miên.
Có khi Bồ Tát tái sanh làm Trời Đế Thích hoặc một vị Trời tươi sáng nào. Lúc khác, Ngài trởp xuống là người sang hay hèn, hoặc trở lại làm thú để rồi sau cùng, khi đã thực hiện tròn đủ mười pháp Ba La Mật, Ngài sanh lên cung trời Tusita (Đấu Xuất). Nơi đây Ngài chờ đủ duyên kỳ, trở xuống trần gian lần cuối cùng để hoàn tất giai đoạn tiến hóa đến bậc Chánh Đẳng Chánh Giác (Samma Sambuddha).
Không nên lầm tưởng Bồ Tát cố ý tái sanh trong nhiều cảnh giới khác nhau để thâu thập kinh nghiệm. Không ai tránh khỏi định luật nghiệp báo, và chỉ có luật Nhân Quả quyết định kiếp sống vị lai của một chúng sanh. Chỉ có chư Phật và chư vị A La Hán là không còn tạo nghiệp mới và không còn bị luân hồi quả báo.
Tuy nhiên, nhờ phước báu dồi dào, Bồ Tát cũng có vài oai lực đặc biệt. Thí dụ như khi sanh vào cảnh Phạm Thiên mà đời sống ở cõi nầy dài thăm thẳm, Ngài có thể dùng ý lực mạnh mẽ, chấm dứt đời sống ở đó và tái sanh vào một cảnh giới có thể hành mười Ba La Mật dễ dàng hơn.
Chú giải Túc Sanh Truyện (Jataka) ghi chép rằng ngoài cảnh giới mà Bồ Tát có thể dùng chí lực chuyển kiếp tái sanh vào đó (adhimutti-kalakiriya, cái chết theo ý muốn) còn có mười tám cảnh giới khác mà một vị Bồ Tát, dầu muốn dầu không, không bao giờ tái sanh vào. Thí dụ như Ngài không thể tái sanh vào hoàn cảnh câm hay điếc, hoặc làm một chúng sanh hoàn toàn tà kiến (niyata micchaditthi) tức là không tin tưởng nơi định luật nhân quả. Bồ Tát có thể tái sanh vào cảnh thú, những dưới hình thức một con thú không lớn hơn voi và không nhỏ hơn chim mỏ nhác.
Ngài có thể bị sa đọa vào một trong bốn khổ cảnh (apaya) nhưng không đến nổi phải lâm vào trạng thái cực kỳ khổ sở của cảnh nầy. Bồ Tát không tìm cách tái sanh vào cảnh Vô Phiên thiên (Suddhavasa) là cảnh giới mà chư vị A Na Hàm, sau khi bỏ xác, về đó an nghỉ trước khi đạt thành quả vị A La Hán. Ngài cũng không muốn tái sanh vào những cảnh giới Vô sắc (arupaloka) vì nơi đây không có cơ hội để phục vụ.
Ta lại có thể hỏi: "Một vị Bồ Tát có biết rằng trong vô lượng kiếp luân hồi, Ngài sẽ trở thành Phật không?"
Đôi khi biết, lắm lúc Ngài cũng không biết. Theo Túc Sanh Truyện (Jataka), Bồ Tát Gotama biết trước rằng sau khi tận lực cố gắng, Ngài sẽ đắc Quả Phật. Truyện Visayha Setti Jataka (số 340) chép rằng một ngày kia Trời Đế Thích (Sakka) đến đảnh lễ Đức Phật và hỏi tại sao Đức Phật lại có tâm lực vô cùng vô tận như vậy. Đức Phật trả lời rằng vì Ngài không có ý định riêng hưởng một hồng ân nào trong Tam giới (Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới) mà mục đích của Ngài là chứng Đạo Quả Tối Thượng, Chánh Đẳng Chánh Giác.
Trái lại, trong vài kiếp khác, chẳng hạn như kiếp làm Jotipala [5] , chẳng những Ngài không nhớ đến chí nguyện cao cả của mình mà lại còn xúc phạm đến một vị Phật, Đức Phật Kassapa. Cũng nên nói thêm rằng chính Đức Phật Kassapa đã khai tâm điểm đạo, thọ ký cho Ngài lần cuối cùng.
Chúng ta là những người đã tận dụng đời sống quý báu nầy để phục vụ thế gian, chúng ta cũng có thể trở thành một vị Bồ Tát. Không nên nghĩ rằng lý tưởng của Bồ Tát, hay Bồ Tát Đạo, chỉ dành riêng cho một hạng người xuất chúng. Cái chi mà một người làm được, người khác cũng có thể làm được. Miễn là có đủ hùng lực và cố gắng cần thiết thì việc chi cũng có thể thành tựu.
Vậy, cũng nên nỗ lực tích cực lập công bồi đức để tạo trạng thái an lành cho ta và cho kẻ khác. Và cũng nên chọn lấy lý tưởng phục vụ cao cả và toàn thiện là mục tiêu cho đời sống.
Phục vụ để trở nên hoàn toàn và hoàn toàn để phục vụ.

[HẾT]


TRỞ VỀ - LỜI MỞ ĐẦU

0 nhận xét:

Đăng nhận xét