4.
Trí Tuệ (Panna)
Trí Tuệ (Panna) đi liền theo Xuất Gia.
Trí
Tuệ Ba La Mật là hiểu biết rỏ ràng và đúng đắn, thấu triệt chân tướng của vạn
pháp xuyên qua ánh sáng của ba đặc tướng: vô thường, khổ và vô ngã. Bồ Tát thường
suy niệm về ba đặc tướng ấy, nhưng không đi sâu vào đề mục như chư vị A La Hán,
vì mục đích của Ngài không nhằm Đạo Quả Tứ Thánh mà hướng về Đạo Quả Vô Thượng,
Chánh Đẳng chánh Giác.
Mặc
dầu luôn luôn cố gắng thành đạt thánh tuệ, Bồ Tát không xem thường các sự hiểu
biết của đời và hằng để tâm học hỏi bất luận ai, dầu lớn nhỏ, cao thấp, sang
hèn. Không bao giờ khoe khoang tầm mắt thấy xa hiểu rộng của mình, nhưng Ngài
không thẹn thùng nói ra giữa công chúng những gì mình chưa biết. Ngài không hề
nói khoác. Bồ Tát luôn luôn sẳn sàng dạy dỗ người khác. Trí tuệ của Ngài là vật
sở hữu chung của tất cả mọi người . Ngài không bao giờ dấu ai điều chi.
Trí tuệ có ba loại:
1. Trí tuệ phát sanh bằng cách nghe lời dạy của người
khác (sutamaya panna, Văn Huệ) là loại đầu tiên. Xưa kia, chưa có sách vở, ấn
loát, nên đi học có nghĩa là đến nghe lời thầy giảng dạy rồi ghi nhớ nằm lòng.
Do đó những nhà học giả thời bấy giờ được gọi là "bahussuta", người
đã có nghe nhiều (đa văn).
2. Lối hiểu biết thứ nhì phát sanh do sự suy luận,
"cintamaya panna", Tư Huệ. Những kiến thức khoa học có tánh cách thực
dụng của người phương Tây là sản phẩm của lối hiểu biết nầy.
3. Cách thứ ba để trở nên sáng suốt là khai thông trí tuệ
bằng lối thực hành thiền tập (bhavanamaya panna, Tu Huệ).
Hai
phương pháp đầu chỉ mở mang kiến thức trong phạm vị luận lý của thế gian. Nhờ
thiền tập, hành giả có thể trực giác chứng nghiệm những chân lý ngoài phạm vi
của lý trí. Bhavana, thiền tập, hay phương cách trau giồi tâm trí, không phải
là tâm trạng mơ màng tiêu cực mà là một nỗ lực linh động và tích cực. Nhờ hành
thiền hành giả có thể vượt qua khỏi cảnh giới vật chất, tự đặt mình vào đời
sống kỹ cương, tự kiểm xoát thân tâm, tự mình giác ngộ và trở nên sáng suốt
hoàn toàn. Thiền tập là thuốc bổ cho cả tâm lẫn trí.
Trí
tuệ là yếu tố cực kỳ quan trọng trong Phật Giáo. Trong Bát Chánh Đạo, Chánh
Kiến (Samma-Ditthi) đứng đầu. Tuệ là một trong bẩy nhân sanh Quả Bồ Đề (Dhamma
Vicaya Sambojjhanga). Tuệ là một trong bốn năng lực để thành đạt Tứ Thần Túc
(Vimansa Iddhipada, nghiệm chứng bốn phép thần thông: dục, niệm, tấn, tuệ). Tuệ
là một trong năm lực tinh thần (Pannabala, Tuệ Lực), và cũng là một trong năm
khả năng kiểm soát tâm (Pannindriya, Tuệ Căn).
Chính
nhờ trí tuệ mà hành giả tiến đến trạng thái hoàn toàn Thanh Tịnh, và Giải Thoát
cùng tột.
Tiếp theo: TINHTẤN (Viriya)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét