Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

10 PHÁP BA LA MẬT - 10.TÂM XẢ (Upekkha)


10. Tâm Xả (Upekkha)
Tâm Xả là Ba La Mật thứ mười.
Phạn ngữ Upekkha do hai căn "upa" và "ikkha" mà ra. "Upa" là đúng đắn, chân chánh, không thiên vị. "Ikkha" là trông thấy, nhận định, suy luận. Vậy Upekkha là trông thấy đúng đắn, nhận định chân chánh, suy luận vô tư, không luyến ái cũng không ghét bỏ. Không ưa thích cũng không oán giận.
Upekkha (Xả) ở đây không phải là "vô ký" như theo nghĩa thông thường của nó. "Xả" không phải là lạnh lùng, lãnh đạm, không màng đến thế sự, cũng không phải là tâm vô ký, không-vui-không-buồn. Xả Ba La Mật môn cực kỳ quan trọng, mà cũng rất khó thực hành, nhất là đối với hàng cư sĩ, những người còn phải lăn lóc trong thế gian vô thường, biến đổi. Khinh rẽ, phỉ báng, nguyền rủa, là thường tình. Được và thua, danh thơm và tiếng xấu, ca tụng và khiển trách, lợi lộc và lỗ lã, đau khổ và hạnh phúc đều là những việc thường xảy ra trong đời. Giữa những thăng trầm của thế sự, Bồ Tát luôn luôn giữ tâm bình thản. Giữa những cơn giông tố của trường đời, Bồ Tát không hề xúc động. Nghiệp cứng rắn và vững chắc như tảng đá to sừng sững giữa trời. Đó là Tâm Xả.
Không vui cũng không buồn. Được ca tụng hay bị chê trách, Bồ Tát luôn luôn thản nhiên, vững như voi, mạnh như hổ. Tiếng động không làm Ngài run sợ. Miệng lằn lưỡi mối không làm Ngài xúc động. Như gió, thổi ngang màng lưới mà không bị vướng trong lưới, Ngài sống giữa chợ người mà không luyến ái những lạc thú huyền ảo và vô thường của đời người. Như hoa sen, từ bùn dơ nước đục, vượt lên trên bao nhiêu quyến rũ của thế gian, Ngài riêng sống trong không khí tự do, luôn luôn yên tĩnh, luôn luôn tinh khiết và an vui.
"Trong hạnh phúc, trong phiền lụy, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất.
Cũng như trên đất ta có thể vất bất luận thứ gì, dầu chua, dầu ngọt. dầu sạch, dầu dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ. Đất không giận, cũng không thương." [4]

Một đặc điểm quan trọng khác của Bồ Tát là đức tánh công minh, chánh trực. Trong lúc xét đoán, Ngài giữ được tâm Xả nên không bị ảnh hưởng của tham dục (chanda), sân hận (dosa), sợ sệt (bhaya) và si mê (moha) làm mù quáng.

[4] Warren, Buđhism in Translations.

Tiếp theo: LỜI KẾT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét