Vài đặc điểm của Phật Giáo Nguyên Thủy( PGNT)
Dưới đây là những ghi chép thực tế qua những năm tháng tu học tại Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam. Những ghi chép này còn thiếu nhiều điều tuy nhiên những gì được viết ra là những gì rất thực.
Có thể bạn cho rằng việc đầu trần, chân đất khất thực hay chỉ ăn 2 bữa ở thế kỷ 21 này là quan điểm cổ hủ, lậc hậu kém phát triển, nhưng chúng tôi cho rằng đó là hạnh của người xuất gia, từ bỏ gia đình, tài sản, danh lợi để tìm đến cuộc sống ít dính mắc và hài lòng biết đủ.
Bạn cũng có thể cho rằng cuộc sống tu hành trong rừng và tránh tiếp xúc là cuộc sống bi quan, không trải rộng tình thương cứu đời, nhưng chúng tôi cho rằng tình thương thực sự phải xuất phát từ hiểu biết. Sau thời gian tu tập trong rừng để giảm bớt Tham, Sân, Si vị tu sỹ mới có đủ năng lực để bước vào đời mà không bị đời làm uế nhiễm.
Xin mượn lời 1 vị Thiền sư đã nói” tu tập Thiền không phải để thành 1 pho tượng vô tri trong rừng vắng mà để xây dựng tâm thức vắng bóng cái Tôi, đạt được đỉnh cao của linh hoạt và lợi ích”
1. GIÁO LÝ
- Nhận Đức Phật Thích Ca là bậc đạo sư, Ngài là vị Phật duy nhất trong kiếp hiện tại này, không có thế lực nào (cùng tên gọi là Phật) để ban ơn, cứu khổ cho bạn ngoài sự nỗ lực của chính bạn.
- Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo, Lý Duyên Khởi là giáo lý cơ bản nhất
- Thực hành con đường Giới, Định, Tuệ để thực chứng 3 đặc tính của đời sống: Khổ, Vô thường, Vô ngã
- Coi Đức Phật như “là người chỉ đường”,là vị Thầy hướng dẫn và là tấm gương, là động lực thúc đẩy lòng tự tin trong mỗi người thực hành theo Phật. Phật là con người như mỗi chúng ta và đã trở nên bậc Thánh, sao chúng ta lại không thể?
- Ngay với thân này và tư tưởng này chúng ta đạt đến hiểu biết, giải thoát, không phải đi tìm kiếm điều kiện, hoàn cảnh khác tại các cõi/ cảnh giới nào khác
- PGNTchủ trương tu tập để thành tựu 4 tầng thánh Đạo và Quả, với Quả vị lớn nhất là A la Hán, chỉ sau Đức Phật, trong khi đó Bồ Tát được xem như một con người ở giữa chúng ta, và Ngài hiến tặng trọn vẹn đời mình cho sự giác ngộ, sẽ trở thành vị Phật vì lợi ích của thế gian, vì hạnh phúc cho đời.
- Không chấp nhận tư tưởng về thượng đế tạo ra thế gian này
- Người Phật tử theo PGNT thực hành Bố thí, Giữ giới, hành thiền định và thiền quán (hay còn gọi là thiền Tuệ) gọi chung là Pháp Hành và học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu giáo lý (dựa trên kinh điển tiếng Pali được bảo quản từ Thế kỷ thứ ba trước công nguyên ) gọi là Pháp Học. Người Phật tử được khuyến khích tìm hiểu kinh điển, không giới hạn trong 1 vài bộ kinh mà mở rộng ra toàn bộ Tam tạng kinh
Đặc biệt Phật tử trong truyền thống PGNT không bị tội khi nghiên cứu Giới luật xuất gia, mà còn được khuyến khích để họ hoan hỷ dũng mãnh phát tâm xuất gia hoặc hộ trì người xuất gia giữ giới cho được trong sạch.
- Để tri ân và noi gương Tam bảo, người Phật tử theo truyền thống PGNT có thể niệm Ân đức Tam bảo, ví dụ niệm “Bút thô” đều đặn, liên tục giúp định tâm, hỗ trợ việc hành thiền, và Bút Thô nghĩa là giác ngộ, người niệm tưởng nhớ, tri ân và noi theo tấm gương phẩm chất tâm giác ngộ của Đức Phật.Việc niệm đó có ý nghĩa hoàn toàn khác so với niệm tên riêng của 1 vị Phật để xin tiếp dẫn như trong các truyền thống Phật giáo khác.
2 . TU SỸ - PHƯỚC ĐIỀN THẾ GIAN
- Phật tử trong truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy tôn trọng, gìn giữ và tụng đọc kinh bằng tiếng Pāli nguyên thủy và có thể tiếp theo là lời dịch bằng ngôn ngữ địa phương
- Khất thực: Chư Tăng PGNT hàng sáng mỗi ngày mang bát đi khất thực gieo duyên cho mọi người từ giàu đến nghèo, Nhà sư trong Phật Giáo Nguyên Thủy không được yêu cầu cho thức ăn chay hay mặn, ai muốn bố thí món gì tùy ý. Ngày nay ở VN do có nhiều sư giả khất thực nên nhà nước không cho phép được khất thực bên ngoài chùa nữa, nhưng nếu bạn vào các chùa, thiền viện lớn vẫn thấy hình ảnh chư tăng, ni “đi bát” hoặc “ ngồi bát”.
- Ăn trước Ngọ: Đức Phật dạy dùng Trai Tăng, nghĩa là ăn trước 12h trưa. Chư Tăng/ Ni PGNT dùng 1 hoặc 2 bữa/ ngày, và sau 12h trưa không dùng nữa cho đến sáng ngày hôm sau
- Y áo của các Sư PGNT màu vàng hoặc màu vỏ măng cụt, vẫn duy trì giống hệt từ thời Đức Phật, may theo kiểu mẫu đúng với ý nghĩa là phước điền cho nhân loại. Bình bát cũng có thể lệ tạo thành, chớ không phải tự ý riêng muốn dùng bình bát lớn, nhỏ hoặc bằng chất gì cũng được
- Khái niệm Rừng Thiền có thể xa lạ với phần đông các bạn Phật tử Việt Nam, nhưng tại Miến Điện, Thái Lan và ngay tại Châu Âu vẫn có nhiều những nhà sư PGNT tu ở trong rừng, họ ở những lều tre, gỗ đơn giản, cách xa khu dân cư, hàng ngày đi bộ cả 2,3 km thiền hành xuống thôn xóm khất thực.
- Trong chùa/ thiền viện chỉ có tượng Đức Thích Ca Mâu Ni, không thờ nhiều Thần tượng, bàn thờ thường đơn giản, nghi lễ không dùng chuông, mõ, khánh..vv
- Khi tới chùa hoặc gặp các vị sư, Phật tử PGNT hay quỳ xuống đảnh lễ 3 lạy thay cho việc chắp tay xá như các truyền thống PG khác.
- Trong quan hệ với người khác phái, tu sỹ PGNT rất dè dặt, các Sư rất cẩn thận giữ giới không ngồi/ đứng chỗ kín với người khác phái. Khi tiếp xúc không nên chạm trực tiếp hay gián tiếp đến các vị sư (kể cả chạm vào y áo cũng không nên).
1. PHẬT TỬ - BẬC HỘ TRÌ CHÁNH PHÁP
- Tương đối cân bằng giữa số lượng nam và nữ, giữa trẻ và già khi tới các thiền viện/chùa của PGNT
- Ngay từ những năm 1960, đã có những trung tâm thiền dành riêng cho người nước ngoài nói tiếng Anh tại Thái Lan, hiện nay số chư Tăng/Ni và thiền sinh cư sỹ châu Âu, Mỹ đang tăng lên nhanh chóng. Các trường thiền theo phương pháp thiền Vipassana có mặt tại hơn 30 quốc gia, đã mở hơn 200 trung tâm thiền với hàng ngàn thiền sinh mỗi ngày, có các trung tâm thiền PGNT danh tiếng thu hút hàng trăm thiền sinh mỗi khóa tại Mỹ và châu Âu.
- Ngày lễ, Tết là dịp để các Phật tử theo PGNT tại Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Châu Âu…vv tới các chùa, thiền viện để hành thiền, nghe Pháp. Họ thường xuyên tham dự các khóa thiền dài ngày , ăn ở tại thiền viện và giữ giới miên mật
- Trách vụ chính của Phật tử PGNT không phải chỉ là vào chùa làm công quả hay bố thí tạo phước, họ còn là những thành viên rất năng nổ trong việc giữ giới, học và hành Pháp. Các Phật tử của PGNT thông thường rất tinh thông kinh điển và giáo lý, thường xuyên hành thiền và áp dụng Phật Pháp vào cuộc sống.
- Bạn có thể thấy rất nhiều những tu sỹ Phật giáo Bắc Tông (Phật giáo phát triển) tới các chùa, thiền viện của PGNT để tu thiền, học Pháp rồi ở lại sinh sống lâu dài.
- Trong 1 khóa thiền thuộc PGNT, bạn sẽ trải qua mỗi ngày hành thiền từ 6-12 giờ ngồi thiền và 4-6 giờ thiền hành (tùy đặc điểm của mỗi phương pháp thiền) đó là nếu bạn muốn làm thiền sinh, còn muốn làm công quả tạo phước, bạn phải đăng ký trước và đảm nhiệm việc nấu ăn, quét dọn…giúp cho thiền sinh có đủ thời gian để tập trung hoàn toàn vào việc thực hành thiền và nghe giảng Pháp. Nói chung, dù là thiền sinh hay làm công quả, bạn có dịp dốc hết sức cho việc làm điều thiện.
Thiền Giữa Đời Thường.
Đã đăng KỲ 1: ĐỨC PHẬT LÀ AI?
http://thiengiuadoithuong.blogspot.com/2014/10/uc-phat.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét