Không bi quan, không lạc quan, hoàn toàn thực tế.
Tứ Diệu Đế mà chính Đức Phật đã khám phá và truyền dạy thế gian là đặc điểm chánh yếu mà cũng là nền tảng vững chắc của Phật Giáo.
Bốn Chân Lý Thâm Diệu ấy là Khổ (lý do tồn tại của Phật Giáo ), nguồn gốc của sự khổ (ái dục), chấm dứt sự khổ (Niết Bàn, mục tiêu cứu cánh của Phật Giáo), và con đường "Trung Đạo".
Ba chân lý đầu tiên là phần triết lý của Phật Giáo. Chân lý thứ tư là phần luân lý căn cứ trên triết lý ấy. Tất cả bốn, gồm trọn vẹn giáo lý của Đức Phật, đều tùy thuộc nơi cơ thể vật chất này. Đây là những sự kiện hoàn toàn dính liền với con người và những chúng sanh khác, những sự kiện hiển nhiên, không còn tranh luận gì nữa.
Phật Giáo nằm vững trên nền tảng đau khổ. Mặc dầu nhấn mạnh vào sự hiện hữu của đau khổ, Phật Giáo không phải là một giáo lý bi quan. Phật Giáo không hoàn toàn bi quan, cũng không hoàn toàn lạc quan, mà chỉ thực tiễn. Người ta sẽ có lý do để chủ trương rằng Phật Giáo là bi quan nếu giáo lý nầy chỉ đề cập dong dài đến trạng thái đau khổ mà không vạch ra con đường để thoát khổ và tiến đạt hạnh phúc trường cửu. Đức Phật đã nhận ra tính cách phổ thông của sự khổ và kê liệt một phương thuốc trị liệu cho chứng bệnh chung của nhân loại. Theo Đức Phật Niết Bàn, sự chấm dứt đau khổ, là hạnh phúc cao thượng nhất mà con người có thể quan niệm.
Hạnh Phúc
Đức Phật không bao giờ khuyên nhủ hàng thiện tín nên đem hết tâm trí và thì giờ để than van sầu muộn về những bất hạnh của kiếp sinh tồn. Hành động như vậy chỉ làm cho cuộc sống càng thêm đau khổ.
Tâm phỉ (Piti) là một trong những yếu tố chánh yếu, hay điều kiện phải có trước tiên, để thành tựu giác ngộ. Theo ý của nhiều văn hào vô tư, không thiên vị, người Phật tử được xem là hạnh phúc nhất trên thế gian. Người Phật tử không có mặc cảm tự ti rằng mình là kẻ có tội, đáng được thương hại.
Định Luật Nhân Quả và Hạnh Phúc
Trong bộ Samyutta Nikaya (Tạp A Hàm) có lối diễn tả pháp Paticca Samuppada (Thập Nhị Nhân Duyên) bằng hạnh phúc như sau:
"Đau khổ dẫn đến Tín nhiệm (Saddha); Tín nhiệm dẫn đến Hoan hỷ thỏa thích (Pamajja); Thỏa thích dẫn đến Phỉ lạc (Piti); Phỉ lạc dẫn đến Khinh An tịch tịnh (Passaddhi); Khinh An dẫn đến Hạnh Phúc (Sukha); Hạnh phúc dẫn đến tâm Định (Samadhi); Định dẫn đến Tri và Kiến chân tướng của sự vật (Yathabhutannanadassana); Tri kiến chân tướng của sự vật dẫn đến khước từ, Đoạn tuyệt (Nibbida). Đoạn tuyệt, khước từ, dẫn đến buông xả (Viraya); Buông xả, không luyến ái, dẫn đến giải thoát (Vimutti); Giải thoát dẫn đến dập tắt mọi dục vọng (Khaye-Nana), tức là Đạo quả A La Hán." [1]
Đoạn kinh quan trọng này giải thích tại sao đau khổ có thể dẫn đến hạnh phúc và cuối cùng đến các thánh Đạo và thánh Quả.
Đức Khoan Hồng Trong Phật Giáo
Trong toàn thể Giáo Pháp, không có điều nào không hợp với lý trí hay không thể thực hành. Đức Phật đã thực hành những điều Ngài dạy, và dạy những gì Ngài đã thực hành. Điểm quan trọng nhất được nhấn mạnh trong giáo lý là pháp hành, bởi vì tín ngưỡng suông không thể thanh lọc thân tâm con người
Trong kinh Maha Parinibbana sutta (Đại Niết Bàn) Đức Phật tuyên bố rỏ ràng:
"Như Lai đã truyền dạy chân lý mà không có sự phân biệt nào giữa giáo lý bí truyền và giáo lý công truyền bởi vì, khi đề cập đến chân lý, Như Lai không hề có bàn tay nắm lại của ông thầy còn muốn giữ lại điều gì."
Phật Giáo không chủ tâm cung cấp giải đáp cho tất cả mọi vấn đề luân lý và triết học của nhân loại. Phật Giáo cũng không đề cập đến những khảo sát và học thuyết không có chiều hướng đem lại tiến bộ tinh thần đạo đức. Phật Giáo có một mục tiêu rỏ ràng và thực tiễn - chấm dứt đau khổ - luôn luôn nhắm vào mục tiêu ấy, và hoàn toàn gát bỏ qua một bên tất cả những gì không thích nghi. Tuy nhiên,mọi quan sát sâu sắc về bản chất thực sự của đời sống đều được khuyến khích.
Cưỡng bách, ngược đãi, hay cuồng tính, không thể có một vai trò nào trong Phật Giáo. Xuyên qua đoạn đường 2.500 năm dài dẳng và ôn hòa, không một giọt máu bị đổ vì danh nghĩa của Đức Phật. Không có một ông vua hùng dũng nào đã tung kiếm hoặc múa gươm để truyền bá Phật Pháp, và không có sự cảm hóa bằng võ lực hay bằng một phương tiện cưỡng bách nào khác.
Lòng bi mẫn và đức khoan hồng của Đức Phật quả thật vô biên. Ngài không dùng oai quyền của mình để ban hành những điều răn cấm. Thay vì dùng thời mệnh lệnh cách, sai bảo: - "Ngươi phải làm thế nầy không được làm thế kia", Ngài khuyên dạy: - "Điều nầy con nên làm, điều kia con không nên làm".
Những giới luật thông thường của Phật tử không phải là những điều răn, những mệnh lệnh mà là kỹ cương (Sikhapada) do chính người Phật tử tự nguyện khép mình vào. Lượng khoan hồng và lòng từ bi của Đức Phật bao gồm tất cả nam nữ, và tất cả chúng sanh.
Phật Giáo và Đẳng Cấp Xã Hội
Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã cố gắng loại bỏ chế độ mua tôi bán mọi, đã xây dựng một nền luân lý cao thượng và ý niệm về tình huynh đệ giữa loài người, và bằng những danh từ mạnh mẽ, Ngài lên án hệ thống đẳng cấp, có tánh cách xúc phạm đến phẩm giá con người, lúc bấy giờ đã ăn sâu trong xã hội Ấn Độ.
Người xấu xa tội lỗi, dầu ở đẳng cấp nào, cũng phải tái sanh vào cảnh khổ, còn người hiền lương đạo đức thì vào nhàn cảnh. Người đã gây tội ác, bất luận thuộc về đẳng cấp nào, cũng phải chịu hình phạt, và Ngài nhấn mạnh rằng khi xuất gia nhập chúng thì mọi người đều được kính nể tôn trọng bằng nhau, không có bất luận sự phân biệt nào. Theo Phật giáo, đẳng cấp hay chủng tộc không gây trở ngại cho việc trở thành một Phật tử hay được chấp nhận vào Giáo Hội Tăng Già, tập đoàn những bậc thánh nhân cao thượng. Ngư phủ, người hốt rác, gái giang hồ, cùng với các chiến sĩ và Bà la môn, đều được chấp nhận vào Giáo hội, được hưởng đồng đều cấp bậc và địa vị.
Phật Giáo và Hàng Phụ Nữ
Cũng chính Phật Giáo đã nâng cao quy chế của hàng phụ nữ và dắt dẫn nữ giới thực hiện địa vị quan trọng của mình trong xã hội. Trước thời Đức Phật, người đàn bà Ấn Độ không được trọng đãi.
Đức Phật không coi rẻ phẩm giá mà chỉ ghi nhận bẩm chất yếu đuối của người phụ nữ. Ngài nhìn nhận có thiên tánh trong cả hai giới, nam và nữ, và trong giáo huấn Ngài đặt mỗi giới vào đúng vị trí của nó. Nam hay nữ không phải là một trở ngại việc thanh lọc thân tâm hay trong công trình phục vụ độ tha.
Đôi khi, để chỉ người đàn bà, phạn ngữ (Pali) có danh từ "matugama" nghĩa là "hạnh làm mẹ" hay "xã hội những bà mẹ". Là mẹ, người phụ nữ được hưởng danh dự xứng đáng trong Phật Giáo. Bà mẹ được xem là cây thang thích nghi để con cái nương theo đó mà lên tận những cảnh trời. Vợ hiền là người bạn chí thân của chồng (parama sakha).
Phật Giáo và Tinh Thần Bất Bạo Động
Tình thương vô lượng vô biên của Đức Phật không chỉ hướng về nhân loại mà còn bao trùm luôn cả loài thú. Chính Đức Phật đã đánh đổ nghi thức giết thú để tế lễ thần linh và khuyên hàng đệ tử nên nới rộng tâm từ (Metta) đến tất cả chúng sanh, chí đến những con vật nhỏ bé đang bò dưới chân. Ngài dạy rằng không ai có quyền tiêu diệt mạng sống của kẻ khác. vì tất cả mọi người đều quý trọng đời sống.
Một người Phật tử thuần thành phải hành tâm từ đối với mọi chúng sanh và đồng nhất hóa với tất cả, không nên có bất luận sự phân biệt nào.
Tâm Từ, một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong Phật Giáo, cố gắng phá vỡ mọi trở ngại đẳng cấp xã hội, chủng tộc hay tín ngưỡng đã gây chia rẽ giữa người và người.
Trong tất cả giáo lý của Đức Phật không có một điểm nào dành riêng cho một quốc gia hay một dân tôc đặc biệt. Ngài kêu gọi tất cả mọi người.
Đối với người Phật tử thuần thành, không có người thân kẻ sơ, người thù nghịch hay kẻ xa lạ. Không có người phải bị xã hội ruồng bỏ, bởi vì tâm Từ là tình thương bao quát, đại đồng, do sự hiểu biết un đúc rèn luyện. Tâm Từ củng cố tình huynh đệ giữa tất cả mọi chúng sanh. Người Phật tử chân chánh là một công dân thế giới.
Trích: Đức Phật và Phật Pháp - Hòa thượng Narada, 1980
Đã đăng KỲ 1: ĐỨC PHẬT LÀ AI?
http://thiengiuadoithuong.blogspot.com/2014/10/co-phat-khong.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét