Sự khác nhau giữa đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy?
Để thảo luận vấn đề thường được nhiều người hỏi: sự khác nhau giữa đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy là gì? Để hiểu được điều này chính xác, chúng ta hãy ôn lại lịch sử của đạo Phật và tìm nguồn gốc của đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy.
Đức Phật đản sanh vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên. Những gì Ngài thuyết giảng được gọi là Phật ngôn. Thời điểm đó không có chỗ nào gọi là Trưởng lão bộ (Theravàda) hay Đại thừa (Mahàyana).
Đại Hội Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Nhất
Sau ba tháng Thế Tôn viên tịch, những đại đệ tử của ngài triệu tập một đại hội ở thành Ràjagaha (Vương xá). Trưởng lão Kassapa (Ca-diếp) trụ trì đại hội này. Trong đại hội kết tập lần thứ nhất, chỉ có hai phần Pháp và Luật được trùng tuyên lại.
Đại Hội Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Hai
Một trăm năm sau, đại hội kết tập kinh điển lần thứ hai được tổ chức để thảo luận một số vấn đề giới luật. Và trong đại hội kết tập lần thứ hai, chỉ có thảo luận những vấn đề liên quan tới giới luật và không thấy nói đến sự tranh luận về giáo pháp.
Đại Hội Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Ba
Thế kỷ thứ ba trước công nguyên, thời hoàng đế Asoka, đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba được tổ chức để thảo luận quan điểm khác nhau giữa những vị tỳ kheo khác phái. Trong đại hội kỳ này, sự khác nhau không còn hạn chế về mặt giới luật mà còn liên quan với giáo pháp.
Cuối đại hội, chủ tọa là ngài Moggaliputta Tissa (Mộc-liên Tu-đế) biên soạn một quyển sách được gọi là Những Điểm Dị Biệt (Kathavatthu) để bác bỏ luận thuyết hoang tưởng, sai lầm của một số bộ phái. Giáo pháp được đại hội đồng ý và chấp thuận, gọi là giáo thuyết Trưởng lão (Theravada). Tạng Vi Diệu Pháp được kết tập trong đại hội này.
Sau đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba, con trai vua Asoka, ngài Mahinda, mang Tam Tạng đến Tích Lan cùng với các Chú Giải đã được đại hội thứ ba trùng tuyên lại. Những kinh điển mang đến Tích Lan được bảo quản cho đến ngày hôm nay mà không có mất mát một trang nào. Kinh điển được viết bằng tiếng Pàli, dựa vào ngôn ngữ Ma-kiệt-đà (Magadhi) do Đức Phật thuyết giảng. Không có điều gì gọi là Đại thừa ở thời điểm đó.
Sự Xuất Hiện Của Đại Thừa (Mahayana)
Giữa thế kỷ thứ I trước công nguyên đến thế kỷ thứ I sau công nguyên, hai thuật ngữ Đại thừa (Mahayana) và Tiểu thừa (Hinayana) xuất hiện trong Diệu pháp liên hoa kinh (Saddharma pundarika sutra).
Khoảng thế kỷ thứ II sau công nguyên, chữ "đại thừa" dần dần được định nghĩa rõ ràng hơn. Sau thế kỷ thứ I sau công nguyên, những nhà Đại thừa bắt đầu tạo một lập trường rõ ràng, và từ đó, họ đưa vào các danh xưng "đại thừa" và "tiểu thừa".
Chúng ta không nên nhầm lẫn Tiểu thừa với Trưởng lão bộ (Theravada) bởi vì những danh từ này không đồng nghĩa nhau. Phật giáo Trưởng lão bộ truyền đến Tích Lan vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, khi đó không có danh từ Đại thừa nào cả. Bộ phái Tiểu thừa chỉ phát triển ở Ấn độ và hiện hữu hoàn toàn độc lập, không phải hình thức của đạo Phật hiện có ở Tích Lan. Ngày nay, bộ phái Tiểu thừa không còn tồn tại ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Do đó, năm 1950, Hội Phật giáo Thế giới (World Fellowship of Buddhists, WFB), khai mạc ở Colombo, nhất trí quyết định rằng danh từ "tiểu thừa" phải được xóa bỏ vì nó không có liên quan gì với đạo Phật hiện diện ngày nay ở Tích lan, Thái lan, Miến điện, Campuchia, Lào v.v... Trên đây là tóm lược về lịch sử đạo Phật Nguyên thủy, Đại thừa và Tiểu thừa.
Trích: Đạo Phật Nguyên Thủy và Đạo Phật Đại Thừa, Hòa thượng W. Rahula
Đã đăng KỲ 1: ĐỨC PHẬT LÀ AI?
http://thiengiuadoithuong.blogspot.com/2014/10/phat-hoc-chuyen-e-ky-1-uc-phat-la-ai.html
Rất bổ ích.
Trả lờiXóaCám ơn các bạn.
Sadhu ! Sadhu !