Đạo Phật Nguyên Thủy tại Việt Nam
Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam (PGNTVN) hiện nay có hai hệ chính: hệ phái của người Khmer ở các tỉnh phía Nam của đất nước và Phật giáo Nguyên thủy (PGNT) trong cộng đồng người Việt. PGNTVN bắt nguồn từ Campuchia ở thập niên 1930, do một bác sĩ chuyên ngành thú y thế danh Lê Văn Giảng làm việc và sinh sống xuất gia tu học tại Campuchia, sau đó khi về nước đã trở thành một vị sư (Hòa thượng Hộ Tông) theo truyền thống Nguyên thủy và truyền bá rộng rãi PGNT. Có thể xem ngài là người đặt nền móng ban đầu cho PGNTVN hiện hữu và phát triển đến nay, bên cạnh sự nỗ lực của một số Tăng sĩ, cư sĩ Nguyên thủy Việt Nam.
Cho đến hôm nay PGNTVN đã hơn 80 tuổi, phát triển cùng với khối Phật giáo các hệ phái thống nhất thành một Giáo hội hòa hợp trong hoạt động Phật sự.
PGNTVN vẫn một lòng chung thủy với truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, gắn bó vào đời sống của mình, đời sống thực tiễn xã hội, cũng như trong thiền môn. Tại Việt Nam, PGNT thiên về tu tập thiền quán Vipassana, soạn dịch kinh điển, hướng dẫn Phật tử đi thẳng vào nội dung lời dạy của Đức Phật được kết tập trong Kinh tạng Pàli.
Đạo Phật truyền đến Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ Công Nguyên. Trong 18 thế kỷ kế tiếp, vì điều kiện địa lý gần Trung Hoa và hai lần lệ thuộc xứ nầy nên Phật Giáo VN phản ánh nhiều ảnh hưởng cúa hệ phái Đại Thừa Trung Hoa, với các tông phái Thiền, Tịnh và Mật.
Phần đất phía nam của Việt Nam ngày nay đầu tiên có người Chàm và Cam Bốt (Khơ-me) trú ngụ, và họ theo cả hai truyền thống Đại Thừa Ấn Độ và Phật Giáo Nguyên Thủy. Người Việt bắt đầu xâm chiếm và thu nhập phần đất nầy vào thế kỷ 15, và đến thế kỷ 18, hình dạng của quốc gia Việt Nam như hiện nay được hoàn tất. Từ đó, sắc tộc Việt theo Phật Giáo Đại Thừa, trong khi sắc tộc Khơ-me theo truyền thống Nguyên Thủy, cả hai truyền thống nầy cùng chung nhau hiện hữu an hòa.
Trong thập niên 1920 và 1930, ở Việt Nam có nhiều phong trào hồi sinh và canh tân các hoạt động Phật Giáo. Song song với sự chỉnh đốn các tổ chức Đại Thừa còn có nhiều chú tâm đến các hoạt động của truyền thống Nguyên Thủy, về hành thiền và các kinh sách dựa theo kinh tạng Pali, nhưng viết bằng tiếng Pháp. Trong số những người tiền phong truyền bá đạo Phật Nguyên Thủy vào Việt Nam có một vị bác sĩ thú y trẻ tên là Lê Văn Giảng. Ông sinh ra ở miền Nam, nhưng đi học ở Hà Nội, và sau khi tốt nghiệp, ông được cử sang làm việc tại Phnom Penh (Nam Vang) cho chính quyền Pháp.
Trong thời gian đó, ông bắt đầu để tâm đến đạo Phật. Ông theo học các pháp môn Tịnh độ và Mật tông, nhưng không thỏa mãn. Tình cờ ông gặp vị Phó Tăng Thống Cam Bốt, và được vị sư nầy giới thiệu một quyển sách tiếng Pháp, viết về Bát Chánh Đạo. Ông rất xúc động khi đọc những lời giảng rõ ràng trong quyển sách đó và quyết tâm hành trì theo truyền thống nầy. Ông học pháp hành thiền quán hơi thở (anapanasati) từ một vị tăng Cam Bốt tại chùa Unalom và đạt được mức thiền định rất cao. Ông tiếp tục hành trì theo pháp môn nầy và vài năm sau quyết định xuất gia, với pháp danh là Hộ Tông (Vansarakkhita)
Vào năm 1940, khi được một người bạn thân, ông Nguyễn Văn Hiểu, và một số Phật Tử Việt thỉnh mời, Tỳ kheo Hộ Tông trở về Việt Nam và giúp thiết lập chùa Bửu Quang ở Gò Dưa, Thủ Đức. Đây là ngôi chùa đầu tiên của Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam
Tại chùa Bửu Quang, ngài Hộ Tông cùng với các vị tỳ kheo Việt khác, trước đó đã thọ giới và tu học tại Cam Bốt, như quý ngài Thiện Luật, Bửu Chơn, Kim Quang, Giới Nghiêm, Tịnh Sự, Tối Thắng, Giác Quang, Ẩn Lâm, bắt đầu truyền giảng Phật Pháp bằng tiếng Việt. Ngài cũng phiên dịch nhiều kinh điển từ kinh tạng Pali, và từ đó, Phật Giáo Nguyên Thủy trở thành một trong những hoạt động của Phật Giáo Việt Nam.
Năm 1957, Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam chính thức được thành lập, và Tăng đoàn Nguyên Thủy đề cử ngài Hộ Tông làm vị Tăng Thống đầu tiên của Giáo Hội. Trong thời kỳ đó, các hoạt động Phật sự được tăng cường với sự hiện diện của Hòa Thượng Narada đến từ Tích Lan, Ngài đã thu hút được nhiều Phật tử đến với truyền thống Nguyên Thủy
Từ Sài Gòn, đạo Phật Nguyên Thủy được truyền bá đến các tỉnh thành khắp miền nam và miền trung nước Việt và nhiều chùa được thiết lập. Theo thống kê năm 1997, có tất cả 64 chùa Nguyên Thủy, trong đó có 19 chùa tại Sài Gòn. Ngoài chùa Bửu Quang và Kỳ Viên, còn có nhiều chùa nổi tiếng khác như chùa Bửu Long, Giác Quang, Phổ Minh, Tam Bảo (Đà Nẵng), Thiền Lâm và Huyền Không (Huế), và Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu.
Từ những năm 1960 nhiều vị tỳ kheo được gửi đi tu học nước ngoài, đông nhất là tại Thái Lan, và một vài vị khác tại Tích Lan và Ấn Độ. Ngày nay có nhiều các vị tăng, ni và cả cư sỹ nam, nữ cũng tới các nước có truyền thống Phật giáo nguyên thủy để theo học và hành thiền.
Đến nay, 27 quyển kinh dịch từ 4 bộ Nikaya, Công tác dịch thuật bộ Nikaya thứ 5 hiện đang được tiến hành. Thêm vào đó, toàn bộ 7 tập Vi Diệu Pháp (A tỳ đàm, Abhidhamma) do Hòa Thượng Tịnh Sự dịch cũng đã được phát hành, cùng với các bộ Kinh Pháp Cú, Mi-lan-đa vấn đạo, Thanh Tịnh Đạo, Thắng Pháp Tập Yếu Luận, và nhiều tác phẩm khác.
Tóm lại, mặc dù Phật Giáo Việt Nam chủ yếu là theo truyền thống Đại Thừa Trung Hoa, truyền thống Nguyên Thủy cũng được công nhận và hiện nay có nhiều người quan tâm đến các pháp hành thiền Nguyên Thủy, kinh điển Nikaya và A-hàm, và bộ Vi Diệu Pháp.
Bình Anson,
Perth, Tây Úc, tháng 6-1999
ĐỊA CHỈ CÁC CHÙA/THIỀN VIỆN PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY TẠI VIỆT NAM:
http://www.phattuvietnam.net/tuhoc/vipassana/6231-%C4%91%E1%BB%8Ba-ch%E1%BB%89-c%C3%A1c-ch%C3%B9a-ph%E1%BA%ADt-gi%C3%A1o-nguy%C3%AAn-th%E1%BB%A7y-t%E1%BA%A1i-vi%E1%BB%87t-nam.html
Đã đăng KỲ 1: ĐỨC PHẬT LÀ AI?
http://thiengiuadoithuong.blogspot.com/2014/10/phat-hoc-chuyen-e-ky-1-uc-phat-la-ai.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét