Tiến trình tự phát triển, tự thanh tịnh
Trước khi nhập diệt (Niết bàn) Ðức Phật cho gọi các hàng đệ tử lại và căn dặn: "Pháp và Luật (Dhamma vinaya) Như Lai đã giảng giải và ban hành cho các con, sau khi Như Lai diệt độ, chính Pháp và Luật này sẽ là Ðạo Sư của các con".Từ lời di huấn này, chúng ta thấy rõ rằng đường lối tu tập của Ðức Phật, hệ thống Tôn giáo của Ngài, bao gồm Pháp và Luật. Luật hàm ý sự toàn hảo về phương diện đạo đức, chế ngự những hành động của thân và khẩu, phép tắc cư xử trong đạo Phật. Tất cả những điều này thường được gọi là Sìla (giới) hay học giới, pháp đề cập đến việc tu tập tâm, chế ngự tâm, đó là thiền hay sự phát triển Ðịnh Tâm(Samàdhi) và Trí Tuệ (Pannà). Ba phần Giới, Ðịnh và Tuệ này là những lời dạy căn bản nếu được tu tập một cách thận trọng và trọn vẹn sẽ nâng con người từ thấp lên cao; đưa họ từ bóng tối ra ánh sáng, từ tham dục đến xả ly, và từ loạn động đến tịnh lặng.
Ðạo lộ giải thoát gồm: Giới, Ðịnh, Tuệ thường được đề cập trong Kinh Ðiển như là Tam Học(tividhàsikkhà) và không có học nào trong tam học này tự thân nó là cứu cánh cả; mỗi học là một phương tiện để đi đến cứu cánh. Nghĩa là mỗi học không thể tu tập độc lập với các học khác. Như trường hợp một cái giá ba chân, nếu một chân gãy thì cả cái giá ấy sẽ sập, vì vậy ở đây, học này không thể làm nhiệm vụ nếu không có sự hỗ trợ của hai học khác. Tam học thường nương tựa và hỗ trợ lẫn nhau. Giới củng cố Ðịnh và Ðịnh trở lại thúc đẩy trí tuệ. Trí tuệ giúp hành giả loại trừ tà kiến đối với các pháp, thấy các pháp như chúng thực sự là, đó là thấy cuộc sống và tất cả pháp liên quan đến cuộc sống đều phải chịu sanh, diệt, vô thường.
Tới đây chúng ta đã thấy rõ tác động hỗ tương giữa Pháp và Luật (Dhamma-vinaya) hay giữa minh và hạnh (Vijjà-carana) hai yếu tố thạo thành một tiến trình phát triển duy nhất, 'Như lấy tay rửa tay, hay lấy chân để rửa chân. Cũng vậy, giới hạnh làm cho trí tuệ thanh tịnh và trí tuệ làm cho giới hạnh thanh tịnh[6]'. Sự kiện này có lẽ cũng là điều đáng ghi nhớ đối với các nhà nghiên cứu Phật học, vì có một khuynh hướng, đặc biệt trong giới kinh viện, xem lời dạy của Ðức Phật như thuần lý luận, hoặc chỉ như một Giáo lý siêu hình không có giá trị thực tiễn hoặc một tầm mức quan trọng nào cả.
Tuy nhiên, pháp hành của đạo Phật là một tiến trình nghiêm ngặt nhằm tịnh hóa lời nói, hành động và tư duy của con người. Ðó là một tiến trình tự phát triển, tự thanh tịnh. Sự nhấn mạnh ở đây là vào những kết quả thực tiễn chứ không phải là sự suy luận mang tính triết lý, những ý niệm trừu tượng, hay thậm chí chỉ là sự suy diễn đơn thuần.
Đã đăng KỲ 1: ĐỨC PHẬT LÀ AI?
http://thiengiuadoithuong.blogspot.com/2014/10/phat-hoc-chuyen-e-ky-1-uc-phat-la-ai.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét