Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

PHẬT HỌC CHUYÊN ĐỀ - KỲ 1: ĐỨC PHẬT LÀ AI?

Trích: Mi Tiên Vấn Ðáp

Có Phật không?
Đức vua hỏi:
- Đại đức đã thấy Phật chưa?
- Thưa chưa.
- Thầy hòa thượng, thầy tiếp dẫn của đại đức đã thấy chưa?
- Thưa, cũng chưa thấy.
- Nếu thế thì rõ ràng không có Phật trên đời này, vì chính mắt đại đức không thấy mà các bậc thầy của đại đức cũng chẳng thấy.
Ngài Na-tiên bèn hỏi:
- Trên núi Hy-mã có một con sông tên là Dhànadì, đại vương đã thấy con sông đó chưa?
- Thưa chưa.
- Thế thì thân phụ và các bậc tiền bối của đại vương có thấy không?
- Cũng chưa.
- Vậy thì rõ ràng con sông Dhànadì là không có, vì đại vương không thấy mà các bậc tiền bối của đại vương cũng chẳng thấy.
- Thưa, quả là có con sông Dhànadì, vì mặc dầu trẫm không thấy, các bậc tiền bối của trẫm không thấy nhưng các sách có ghi chép và những người đã từng thấy họ nói lại.
- Cũng vậy, tâu đại vương ! Bần tăng dầu chưa thấy Đức Phật; các bậc thầy của bần tăng cũng không thấy Phật; nhưng Đức Phật vẫn có, vì kinh sách, bia ký còn ghi chép sử tích và giáo pháp của ngài, lại còn nhiều vị Thánh tăng A-la- hán kể lại nữa.
- Hay lắm.
..............................
Phật ở đâu?
- Đại đức có nói là Phật có thật?
- Đúng thế!
- Vậy hiện giờ Phật ở đâu?
- Tâu đại vương , hiện giờ Đức Thế Tôn đã tịch diệt Niết bàn rồi, bần tăng không thể nói cho đại vương rõ là ngài ở đâu được.
- Tại sao?
- Ví dụ ngọn lửa đã tắt, Đại vương có thể chỉ cho bần tăng rõ ngọn lửa ấy đi đâu chăng?
- Không thể.
- Đức Thế Tôn tịch diệt Niết bàn cũng y như thế. Tuy nhiên, giáo pháp mà Đức Thế Tôn đã thuyết, pháp ấy bần tăng có thể chỉ cho đại vương được.
- Trẫm hiểu rồi.
 …………………..
Phật là tối thắng
Vua hỏi:
-- Bạch Ðại đức, Phật là bậc cao quý nhất trên đời, có đúng như thế không?
-- Tâu Ðại vương, đúng. Phật là tối thắng, không ai trên đời này sánh kịp.
-- Làm sao Ðại đức biết được? Ðại đức đã từng xác nhận tự mình chưa từng thấy kia mà!
-- Ví như chưa có người chưa hề thấy biển, nhưng đã thấy năm con sông lớn (1) là các sông Hằng Hà, Tín Tha, Thư Tha, Bác Xon, và Thi Phi Di ngày đêm đổ nước ra biển không ngừng mà mặt biển vẫn không vì thế mà cao thêm thì người đó có tin rằng biển sâu thẳm mênh mông không?
-- Thưa, tin.
-- Cũng như thế đó, vì có rất nhiều đại đệ tử đắc đạo, thảy đều nói rằng không ai hơn Phật nên bần tăng tin rằng Phật là tối thắng.
-- Có thể biết được Phật tối thắng như thế nào không?
-- Ðược.
-- Bằng cách nào?
-- Ðọc sách, Ðại vương có biết người ghi chép những lời Phật dạy thành sách là ai không?
-- Vị ấy tên là X
-- Thế Ðại vương đã từng thấy mặt đại đức  X  chưa?
-- Chưa hề thấy, vì Ðại đức ấy đã tịch lâu rồi.
-- Chưa từng thấy đại đức X, làm sao biết rằng đại đức ấy viết sách?
-- Vì có sách và nét chữ của Ngài để lại.
-- Cũng như thế đó, ai thấy giáo pháp của Phật tức là thấy Phật. Vì chính Phật đã truyền giáo pháp của Ngài lại cho toàn thể tín đồ. Giáo pháp ấy thật là thậm thâm vi diệu. Bằng vào đó, bần tăng biết rằng Phật là tối thắng, là cao quý nhất trên đời này.
-- Hay thay! Hay thay!
……………………………
Phật làm được việc khó làm
Na Tiên nói:
-- Phật làm được việc rất khó làm và pháp Phật rất huyền diệu.
-- Việc gì mà khó làm và huyền diệu?
-- Lời Phật nói soi rõ tận tim gan con ngưòi. Ngài phân biệt được hết các pháp vô hình vô tướng ở trong mỗi giác quan của con người, từ việc mắt thấy, tai nghe đến những ý nghĩ thầm kín sâu xa nhất.
-- Xin cho ví dụ.
-- Ví như có người ngậm một ngụm nước biển vào miệng. Thử hỏi người ấy có phân biệt được trong ngụm nước đương ngậm ấy có mấy phần là nước suối, mấy phần là nước khe, mấy phần là nước sông nọ, mấy phần là nước sông kia không?
-- Các thứ ấy hợp thành một, quả thật khó mà nhận ra.
-- Ðối với việc trước mắt mà còn khó như thế, huống nữa là đối với các pháp vô hình vô tướng trong con người, từ tâm niệm đến mắt thấy, từ tâm niệm đến tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân sờ, ý nghĩ? Vậy mà Phật đều phân biệt và giảng giải rõ ràng từng pháp một. Vì vậy cho nên bần tăng mới nói rằng pháp Phật rất huyền diệu và Phật đã làm được việc rất khó làm.
-- Hay thay! Hay thay!
Đón đọc KỲ 2: ĐẠO PHẬT NGUYÊN THỦY VÀ CÁC TƯ TƯỞNG CHÍNH (26/10/2014-1/11/2014)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét