Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

TRÍ TUỆ GIÁC NGỘ - ĐẠI ĐỨC BRAHMAVAMSO (TRÍCH HỌ ĐÃ SỐNG NHƯ THẾ)





Ðại đức Brahmavamso

Trí tuệ giác ngộ

Tiểu sử

Ðại đức Brahmavamso (Peter Betts) sinh năm 1951 tại Luân Ðôn. Trong một lần ghé vào hiệu sách ở Luân Ðôn, đại đức đã bắt đầu thích thú trước những quyển kinh Phật, mặc dù lúc này đại đức vẫn còn là một cậu bé học sinh. Lớn lên, đại đức vào học ở đại học Cambridge và chọn ngành vật lý. Ngay từ thời sinh viên, đại đức đã là hội viên của một hội Phật giáo địa phương và bắt đầu tu tập thiền định. Sau khi tốt nghiệp với mảnh bằng ưu hạng, đại đức đã về dạy vật lý tại một trường trung học ở Devon trong ít lâu. Thế rồi qua sự quen biết với các vị tỳ kheo người Thái ở Luân Ðôn, đại đức đã quyết định tìm sang Thái Lan để xuất gia tỳ kheo tại chùa Sraket với Hòa Thượng Tan Chao Khun Prom Gunaphorm.

Năm 1975 đại đức Brahmavamso đến học thiền với Ngài Ajahn Chah và cũng là một trong những vị sư đầu tiên của chùa Pah Nanachat.

Năm 1983 đại đức đã sang giúp đỡ đại đức Jagaro hoằng pháp tại Tu viện Bodhinyana ở Perth, miền Tây nước Úc, nơi mà đến nay Ngài vẫn đang lưu trú. Hiện nay, Ngài là viện trưởng của Tu viện. Ðại đức đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc xây dựng các cơ sở Phật giáo và thuyết giảng giáo lý cho trẻ em trong các trường học, và các tù nhân địa phương.

Trong số các nhà sư Tây phương, đại đức Brahmavamso được xem như là vị có kiến thức về Luật Tạng uyên thâm nhất. Chính những công trình biên soạn của đại đức về Luật Tạng đã là những cẩm nang đầu giường cho chư tăng Tây phương khắp các quốc gia Anh Quốc, Thụy Sĩ, Úc và Tân Tây Lan.

Trí Tuệ Giác Ngộ

Hồi còn bé tôi cứ mơ ước sau này lớn lên được trở thành một người lái tàu hỏa. Ông của tôi thường giắt anh em tôi đến nhà ga Euston ở Luân Ðôn để từ đây tôi có dịp làm quen với sắt thép, dầu mỡ và những cổ máy. Tôi thích thú lắm, cứ như được sống trong mơ vậy. Tôi nghĩ hoài đến một ngày nào đó mình lớn lên rồi điều khiển cả một đoàn tàu dài ngút mắt để chạy qua những miền đất kỳ thú.

Thế rồi mấy năm sau, những mộng mơ trong tôi ngày xưa lại chuyển hướng. Tôi đã đọc rất nhiều sách rồi lại tự dựng lên trong đầu mình hình ảnh một siêu nhân có đôi mắt luôn phát quang chói ngời, có một đời sống tuyệt đối hạnh phúc, không biết gì đến tuổi tác cùng những biển dâu trong cuộc đời này. Tôi mơ ước mình đến một ngày nào đó cũng sẽ được như vậy.

Rồi cũng trong cái tuổi học trò của mình, lần đầu tiên tôi được nghe kể chuyện về Ðức Phật. Dù vẫn là một cậu học trò thôi, nhưng giai thoại về những tháng ngày tu hành của đức Bồ Tát giữa một khu rừng già ở Ấn Ðộ ngày xưa đã khiến tôi bắt đầu lưu tâm đến việc thay đổi nếp sống. Trong một ngày Lễ Phật Ðản của Hội Phật Giáo địa phương, khi được nghe một vị đại đức người Tích Lan kể lại quá trình tu hành của Ðức Phật, tôi bỗng nhiên bị kích động mãnh liệt. Tôi cứ bị ám ảnh hoài lời đại nguyện của Ðức Bồ Tát dưới gốc Bồ Ðề: "Cho dầu máu ta có khô đi, xương ta có vỡ vụn thành bột ta cũng sẽ không bao giờ rời khỏi chỗ này khi chưa chứng đạt quả vị Chánh Ðẳng Chánh Giác".

Giai thoại đó đã in sâu và gần như mọc rễ trong tâm hồn tôi. Một cảm giác bức xúc kỳ lạ đã khiến tôi không thể kiên nhẫn ngồi lại để dự xong buổi lễ, tôi đã lập tức quay trở về trường, chạy vào phòng mình rồi nằm úp mặt. Những tư tưởng thao thức, tự vấn cứ như giằng xé tâm hồn tôi: Tôi đã được nghe pháp quá nhiều, đã xem kinh quá nhiều và cả năm trời vừa qua, tuần nào tôi cũng đến tham dự một buổi thiền định... Tại sao Ðức Phật có được một hùng tâm như vậy mà tôi thì lại chẳng có được một phần nhỏ của Ngài?!

Thế rồi bằng tất cả nhiệt huyết nông nổi và manh động của tuổi trẻ, tôi đã quyết định dốc sức thiền định để được giác ngộ. Hoặc là ngay bây giờ, hoặc là chẳng bao giờ - tôi tự đặt ra cho mình câu tiêu ngữ đó, và ngay ngày hôm sau, tôi đã làm một cuộc thử nghiệm. Khóa trái cửa phòng mình lại, tôi ngồi xuống ngay ngắn trên tấm tọa cụ vẫn được dùng để ngồi thiền rồi tập trung tư tưởng, tôi đọc thành tiếng từng câu từng chữ "Lời Ðại Nguyện" của mình một cách rõ ràng và dứt khoát: "Cho dầu máu tôi có khô đi, xương cốt tôi có tan nát thành bụi, tôi cũng không bao giờ rời khỏi tọa cụ này trước khi giác ngộ".

Chỉ có vậy thôi, tôi đã ngồi yên như một xác chết. Năm mươi phút trôi qua, cơn đau đớn trong tôi đã lên đến mức cực điểm. Dầu máu tôi vẫn chảy bình thường trong huyết quản và xương cốt của tôi cũng chưa hề có vấn đề gì nhưng cái cảm giác tê buốt ở hai đầu gối đã cho tôi biết thế nào là địa ngục - và điều làm tôi bận tâm nhất là trong suốt thời gian đó tôi chẳng hề thấy một tia hào quang nào hết. Bởi theo tôi thì dù gì điều đó cũng phải xuất hiện để chứng tỏ rằng ít nhất tôi cũng đã gần đạt đạo chứ! Ðổi ngược lại tôi chẳng được gì hết, ngoài một cảm giác đau đớn quá sức chịu đựng. Tôi đã gần như không đứng dậy nổi và "cuộc đại ngộ thất bại" đã làm khổ tôi suốt ngày hôm đó.

Thời gian qua đi, rồi tôi cũng dần dần trưởng thành thêm đôi chút để có thể bỏ lại sau lưng mình những ước vọng ngộ nghĩnh từ những ngày bé dại và cả lứa tuổi dậy thì. Hôm đó, tại phi trường Luân Ðôn, tôi đã được hai vị tỳ kheo người Thái đến đưa tiễn sang Bangkok để xuất gia. Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn cứ nhớ hoài câu nói từ biệt của một trong hai vị sư người Thái đó, người đã từng hướng dẫn tôi. Ngài nói với tôi: "Hãy nhớ quay về đây khi cậu đã giác ngộ nhé!". Trước khi ra đi tôi đã tính toán kỹ lưỡng và có lời hẹn với những người thân rằng sau hai năm tu học ở Thái Lan, tôi sẽ trở về. Có thể nói rằng hai năm trời trong nếp sống xuất gia là cả một thời gian khá dài, vừa đủ cho một người kém thông minh nắm được phần nào cái căn bản của đường tu. Còn đối với riêng tôi, tôi đã tốt nghiệp đại học nên tôi cứ tin chắc rằng chỉ trong chừng ấy thời gian mình sẽ có thể trở lại Anh Quốc với tư cách một người đã ngộ đạo. Tôi nhớ mình đã từng là một người vượt qua được rất nhiều thứ, chẳng hạn tôi đã từng từ bỏ ý muốn lập gia đình, một lý tưởng sống mà khó ai lại dễ dàng bỏ qua. Ðại khái tôi đã phủi bỏ tất cả trước ngày lên đường sang xứ Thái.

Nhưng quí vị biết không, hai năm trời xuất gia đã cho tôi thấy rằng việc giác ngộ giải thoát chẳng hề dễ dàng tí nào! Tôi nhận ra điều đó qua những kinh nghiệm thật xót xa. Chẳng hạn tôi là một người da trắng được ăn học đàng hoàng ở một đại học lừng danh thế giới, vậy mà trong cuộc sống tu hành tôi đã thật sự thua kém một cách đáng ngại so với những nhà sư bản xứ chỉ mới học xong lớp ba, lớp bốn trường làng. Nhưng đổi lại, lòng kiêu ngạo của tôi hồi nào đã dần dần được tẩy xóa. Ðó là cả một kỳ tích, dù tôi thật ra vẫn chưa thực sự giác ngộ.

Tôi đã học được cách tìm thấy cái thú vị trong đời sống đạm bạc và khép mình của một nhà sư. Tôi đã bỏ hết những gì thuộc về cái da trắng của mình để tự nguyện chấp nhận cuộc đời của một người tay trắng. Tôi không muốn rời xứ Thái và những tục niệm ngày xưa ở bên quê nhà đến bây giờ bỗng nhiên bay biến đâu cả.

Vào mùa an cư thứ tư trong đời tu của mình, tôi đã phải đối diện với một biến động. Người ta nhắn tin về Thái Lan rằng Giáo Hội Phật Giáo Anh Quốc đã mua được một cơ sở để làm chùa và bên đó đang cần có thêm chư tăng. Phải nói rằng đây là một thời điểm để tôi đối đầu với vấn đề giác ngộ. Bởi vì lúc đó tôi đang sống tại một ngôi chùa hẻo lánh, hiu quạnh và việc tu tập thiền định của tôi lúc đó cũng đã bước vào giai đoạn chuyển mình. Nói chung, chuyện tu hành của tôi lúc này xem như đang được ổn định. Vậy mà cái chuyện "xê dịch" kia lại xảy đến cho tôi!

Vào một buổi chiều, sau nhiều giờ tọa thiền, trên con đường kinh hành tôi bất chợt hiểu ra căn cội của mọi vấn đề mà mình vẫn trăn trở và tâm hồn tôi lúc đó lập tức trào dâng một niềm hạnh phúc thật kỳ lạ. Mọi thứ chung quanh như bừng sáng lên, toàn thân tôi như được thấm nhuần cái cảm giác an lạc nào đó thật lạ lùng và tôi thấy mình như đang tiếp nhận được một nguồn sinh lực hết sức mãnh liệt. Trời tối lúc nào tôi cũng không hay. Tôi cứ ngồi đó thiền định như quên mất mình đi. Sau đó tôi nằm xuống nghỉ một lát và tỉnh dậy lúc ba giờ sáng để lại bắt đầu buổi thiền định trong Tham Vấn Ðường. Tôi đã trải qua những giờ tọa thiền một cách thanh thản và dễ dàng đến mức không biết buồn ngủ hay mỏi mệt là gì. Niềm hạnh phúc trong thiền lạc đúng là không thể nói được. Chỉ tiếc là để kéo dài nó như ý mình muốn thì không phải dễ.

Ngôi chùa mà tôi vừa kể trên, nơi tôi đã sống qua thời gian thiền định tuyệt vời nhất, lại là một ngôi chùa rất nghèo, mọi phương tiện vật chất đều hết sức thiếu thốn. Chùa nằm ở miền Ðông Bắc Thái Lan và ở đây mỗi ngày chư tăng chỉ dùng có một bữa, không có điểm tâm. Ấy thế nhưng, cái buổi sáng sau đêm thiền định hạnh phúc kia lại là tất cả những gì thử thách và đối lập với những thành quả mà tôi đã đạt được trong vài giờ trước đó. Trong bữa ăn hôm ấy, ngoài món cá hầm thường được nấu rất cẩu thả và mất vệ sinh, còn có một tô cà ri thịt heo. Hôm ấy, sư trụ trì người Thái tỏ ra chán ngấy món cá hầm khó nuốt kia rồi cứ múc từng muỗng lớn cái món cà ri. Tôi thiệt tình chẳng bận tâm gì tới chuyện đó dù ai cũng có thể thấy rằng cái cảnh tượng ấy rất dễ khiến người ta bực mình. Phải nói rằng tôi chẳng hề có ý "tranh giành quyền lợi" trong những trường hợp cỏn con như vậy. Trong đám đông chư tăng lúc đó tôi ngồi ở vị trí thứ hai kế bên vị trụ trì nhưng vị này cứ như chẳng hề nhìn thấy tôi. Thế rồi sau đó, như nhớ ra, vị này đã đổ trút phần cà ri còn sót lại trong tô vào đĩa cá hầm trước mặt tôi, rồi nói "cứ nuốt cả vào đi, vào tới bao tử rồi mọi món cũng sẽ trộn chung lại với nhau thôi". Ðến lúc này thì tôi thật sự nổi giận. Ðó là một thái độ thiếu lịch sự không thể chịu nổi. Nếu vị trụ trì chỉ hồn nhiên làm việc đó theo cái suy nghĩ thiệt thà của mình thì tại sao không trộn chung lại các thứ để ăn trước khi chia phần cho tôi. Tôi đã trừng mắt giận dữ nhìn vào đĩa thức ăn của mình nhưng cũng may tôi không có phản ứng nào khác. Ðiều đáng tiếc là vị trụ trì đã làm tôi nổi giận đến phát điên. Quý vị hãy nhớ rằng đúng ra bữa ăn hôm đó phải là một bữa ăn tuyệt vời cho tôi. Vì ngay đêm trước tôi vừa trải qua những giây phút giác ngộ!

Một tư tưởng nhức nhối đã xảy đến cho tôi trong lúc đó rằng mình vẫn chưa thực sự giác ngộ! Các bậc Giác ngộ không hề biết nổi giận. Chư vị A la hán không thể nào bị các món ăn chi phối. Tôi đã nổi giận có nghĩa là vẫn chưa giác ngộ! Phải nói đây là một sự đổ vỡ ghê gớm, một áp lực nặng nề cho tôi. Tôi đã đổ bỏ tất cả thức ăn vào bát của mình để đem vất đi. Và tôi đã không còn đủ bình tĩnh để ghi nhận cái lưỡi của mình đã nếm phải thứ gì trong bữa ăn đó nữa.

Trong tình trạng đạo lực ngày càng thối thất và sa sút đó, trong những năm tu sau đó của mình, tôi ngày càng xuống dốc, thậm chí đổ đốn hơn. Cái lý tưởng tu hành ngày nào bây giờ bỗng dưng mờ nhạt bên cạnh những ước mơ của thời tuổi trẻ, từ cái ước mơ của người lái tàu hỏa, cho đến hình ảnh một nhà thiên văn học hàng đầu, một cầu thủ kiểu mẫu, một tay chơi tây ban cầm lừng danh hoặc một sinh viên nổi tiếng hào hoa... và cứ vậy, tôi thấy cái lý tưởng giác ngộ của mình có vẻ ngu xuẩn làm sao. Bởi xét cho cùng, cái ước mơ trở thành người lái tàu hỏa thôi cũng là điều có thể thực hiện. Còn đối với cứu cánh giác ngộ thì tôi hoàn toàn không thể tìm thấy một chút đảm bảo nào hết. Và cũng trong suốt thời gian đó, mối quan hệ giữa tôi với các bạn bè đồng tu cũng càng lúc tệ hại hơn. Tôi không muốn nói chuyện với ai, chỉ trả lời một cách đầy ác cảm trước những câu hỏi. Như vậy tình trạng của tôi lúc này đúng là hoàn cảnh của một người lạ nơi đất khách. Mọi thứ chung quanh đều có vẻ như chống đối lại tôi: những bữa ăn buồn nôn, những vật dụng hư cũ, những muỗi vắt ác nghiệt cùng cái không khí nóng bức triền miên... cái gì cũng khó khăn đối với tôi, nhưng tại sao lại như thế? Bởi vì tôi đã đánh mất lòng tự tin một cách nghiêm trọng.

Như vậy rõ ràng là cho đến khi nào chúng ta vẫn chưa hiểu được một cách chín chắn ý nghĩa của sự giác ngộ thì bất cứ một con ong, cái kiến nào cũng có thể dễ dàng khiến ta đánh mất lý tưởng cao đẹp đó cả. Thật ra tôi tự hiểu mình vẫn chưa hề có ý muốn hoàn tục, tôi biết rõ điều này và nó đã có một ý nghĩa rất quan trọng đối với tôi. Ðiều mà tôi cần thiết phải thực hiện chính là biết bỏ đi những gì là hoang tưởng. Cho nên nếu lý tưởng giác ngộ của tôi trước đây chỉ xuất phát từ một ý muốn nông nổi thì nó lại cũng chỉ là một thứ hoang tưởng mà thôi. Mà đã vậy, nó chỉ là cái cần được vất đi!

Trong cảnh giới của thiền quán, xét về một khía cạnh nào đó, một tư tưởng đơn sơ đôi khi lại là một con đường ngắn nhất để dẫn đến trí tuệ giác ngộ. Trong khi đó, một nội tâm bị ám ảnh bởi quá nhiều suy tính thì lại chỉ có thể đưa người ta đến một ngõ cụt ngu xuẩn. Còn đối với tình trạng trì độn của tôi thì sao? Ðiều này đã được nói đến rất nhiều trong kinh điển và đã có biết bao vị chân sư ai cũng từng lưu ý đến vấn đề này. Ðó là cái chân lý "mọi cái Trở Thành luôn là đau khổ, bất luận là Trở Thành Cái Gì". Ðức Phật đã từng khẳng định rằng Ngài không chủ trương việc Xây Dựng, Tạo Tác hay một nỗ lực để Trở Thành cái gì đó. Ý tưởng Trở Thành chính là sản phẩm của Ngã Chấp. Chính cái lý tưởng trở thành đã tô điểm và củng cố cho mọi mê vọng ngộ nhận. Nó có thể được gọi là lớp da phủ ngoài của một cái Tôi phù du. Chấm dứt mọi ước vọng trở thành cùng những ảo tưởng được thoát thai từ nó thì coi như mọi vọng niệm cũng được phá vỡ.

Như vậy thì chưa cần gì đến những trình độ thánh trí, những nhận thức trên đây đối với tôi cũng có thể tạm được xem là một cứu cánh giác ngộ rồi. Tôi thấy rằng thay vì nhức đầu cho cái hành trình xác định một cái Tôi "Ai? Người Nào?..." Thì tốt hơn ta hãy cùng nhau khám phá xem người nào có ước muốn trở thành bậc Giác Ngộ nếu như quả thật có một con người thật sự hiện hữu. Tôi đã cố gắng khám phá định lý vô ngã, một công phu có nhiều ý nghĩa hơn là chuyện Trở Thành Một Con Người Giác Ngộ. Một điều buồn cười là có nhiều người cứ đến hỏi tôi một câu hỏi hạng bét mà họ đã từng hỏi nhiều vị khác rằng tôi đã đắc đạo hay chưa. Trong những trường hợp đó tôi đã mượn lại câu nói của cố Hòa Thượng Anandamangala Mahànàyakathera, một đại sư thánh hạnh người Tích Lan để trả lời câu hỏi đó: "Tôi chưa được giác ngộ thánh trí nhưng tôi đã học được cách chối bỏ tối đa những gì cần chối bỏ".

-ooOoo-

(Trích Họ đã sống như thế)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét