Ðại đức Sucitto
Tinh thần Quan Âm và hình ảnh con voi
Tiểu sử
Ðại đức Sucitto sinh năm 1949 tại Luân Ðôn nhưng vài năm sau đó, gia đình của đại đức đã dời về một thị trấn nhỏ ở Dunstable. Ðại đức đã bắt đầu hứng thú với Phật giáo kể từ lúc còn đi học, qua các tác phẩm văn chương Nhật Bản. Nhưng chỉ có thế thôi, ở Dunstable không có điều kiện để đại đức nghiên cứu về đạo Phật. Là một người có năng khiếu văn chương, năm 1971, đại đức đã nhận được mảnh bằng cử nhân văn chương Anh Mỹ tại đại học Warwick. Sau đó, để tìm cho mình một hướng đời nhiều ý nghĩa hơn, đại đức thực hiện một chuyến du lịch về phương Ðông. Cuộc đi được bắt đầu từ Châu Úc. Sau một thời gian ở Ấn Ðộ, đại đức đến Thái Lan năm 1975 rồi tham dự một thiền khóa được tổ chức tại Chiang Mai. Chỉ sau vài hôm thiền định, đại đức đã nghĩ đến việc xuất gia.
Xuất gia xong, trong suốt ba năm đầu tiên, đại đức gần như chỉ sống ở chùa Kiriwong tại thành phố Sawan. Trong một thời gian lưu trú tại Chiang Mai, đại đức gặp Ngài Sumedho trước khi vị này rời Thái về Anh. Thế rồi năm 1978 trong chuyến về Anh để thăm gia đình, đại đức Sucitto gặp lại Ngài Sumedho tại chùa Hampstead và đại đức quyết định ở lại tu học bên vị này. Suốt những năm tháng sau đó, đại đức đã giúp đỡ Ngài Sumedho rất nhiều, đặc biệt là đã ra sức ấn hành các bài giảng của Ngài cùng các kinh sách khác của Giáo hội. Ðại đức Sucitto là vị trưởng lão đầu tiên của chùa Harnham. Từ năm 1983 đại đức thành lập một cơ sở tu học cho các tu nữ mười giới và đến năm 1984 đại đức dời về sống ở trung tâm Phật giáo Amaravatì rồi sống luôn tại đây cho đến nay.
Bài viết dưới đây gần như là một đoạn hồi ký kể lại những tháng ngày đại đức đã sống trì hạnh đầu đà cùng với đại đức Gavesako ở Isan, miền Ðông Bắc Thái Lan vào mùa đông năm 1986.
Tinh Thần Quan Âm và Hình Ảnh Con Voi
Siraja không đẹp lắm, ở về phía đông Bangkok và đã trở thành một phố nối dài do mật độ dân số của thủ đô. Siraja nằm dọc theo bờ biển, chạy từ Samut Pakhan đến Chonburi, đời sống chủ yếu nương theo cơn vùng dậy của nền công nghiệp dầu hỏa và tàu bè trong vùng vịnh Thái Lan. Ðại đức Gavesako và tôi đã quyết định đi đến đây để làm một cuộc du hành đầu đà và đặc biệt là để tìm đến một hòn đảo mà dân địa phương vẫn gọi là đảo Sichang (trong tiếng Thái có nghĩa là hòn đảo của loài voi thiêng). Lúc bấy giờ đang sắp sửa bước vào mùa Giáng Sinh, khắp nơi trên đất Thái đều rất nhộn nhịp, đặc biệt các thành phố đã bị Tây hóa. Chúng tôi bàn nhau ngủ lại một hai đêm trong một ngôi chùa nhỏ mà đại đức Gavesako đã quen biết trước, để rồi từ đây chúng tôi sẽ ra hòn đảo kia sống dấu mình trong ít hôm.
Phải nói đây là một ý tưởng rất hay của chúng tôi, bởi ngay giữa lúc mọi nơi đều đang bắt đầu náo nhiệt thì chúng tôi lại có mặt ở một khu rừng vắng tại Isan. Ngôi chùa nhỏ mà chúng tôi nghỉ đêm chỉ có một diện tích vài mẫu thôi, chùa nằm đối diện với một sườn đồi nằm bên ngoài thị trấn Siraja, không quá xa hay quá gần với trung tâm dân cư. Nhưng dù vậy những bài hát Giáng Sinh từ đường phố vẫn vọng lên chùa lồng lộng. Theo dự tính, chúng tôi chỉ ở lại chùa này một hai đêm thôi nhưng vì lúc này tôi thấy phải đi thật gấp và khổ nỗi muốn gì thì cũng phải lấy vé tàu trước đã. Một cái vé thôi, trong thời điểm này cũng phải đợi đến mấy ngày mới mua nổi. Nên vào một buồi chiều, sau khi đã ở lại ngôi chùa đó vài ngày, chúng tôi đã ra bờ biển rồi tìm đường sang một hòn đảo nhỏ bằng cách men theo cầu tàu. Trên đảo có một ngôi chùa Phật giáo Trung Hoa và cũng rất nhiều ngôi chùa theo truyền thống này ở khắp xứ Thái. Ngôi chùa Tàu mà chúng tôi vừa ghé vào cũng vô cùng rườm rà, rắc rối với hàng chục thứ ảnh tượng và nghi thức cúng bái. Ðể cầu phước lợi, người ta thường đến những ngôi chùa kiểu này tế lễ và cầu khẩn Ðức Phật hoặc các vị Bồ Tát, đặc biệt là Quan Thế Âm Bồ Tát. Theo tín ngưỡng Trung Hoa, đó là vị Bồ Tát luôn lắng tai nghe ngóng lời cầu khẩn của những chúng sanh khổ nạn để kịp thời phù hộ cho họ. Phải nhận rằng tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra được cái không khí huyền hoặc như vậy qua kiến thức của mình về Phật Giáo. Tôi đã cố làm ngơ đi trước mọi hình ảnh đó trong chùa để quay ra nhìn về biển cả lúc này đang chói ngời trong ánh nắng chiều. Ngắm một bầu trời mát dịu như đang lồng lộng trên kia, tôi cứ vậy mà càng muốn bỏ đi thật gấp để tìm đến một nơi có thể thiền định lập tức.
Buổi chiều hôm sau, chúng tôi đã tìm được thuyền để đi ra đảo Sichang. Chúng tôi ghé vào bến đỗ trên đảo rồi cứ vậy mà đi bộ dọc theo bờ biển để đến một chỗ càng xa bến tàu càng tốt. Chúng tôi đã bắt gặp một ngôi chùa cổ hoang tàn đổ nát vốn đã được xây dựng từ đời vua Mongkut. Dĩ nhiên ngôi chùa này chẳng giống ngôi chùa Tàu bên hòn đảo nhỏ kia. Cái hoang cảnh tiêu sơ ở đây dù sao cũng vẫn giữ lại được một bầu không khí ấm cúng và trang nghiêm. Ngay trên nền chùa có mọc lên một cây Bồ Ðề, các vách tường của chùa đều bị rạn vỡ, trên những mảnh tường còn lại gần như trơ trụi. Chúng tôi ngậm ngùi khi thấy trên đó có một vài bức chân dung của những vị tỳ kheo trì hạnh đầu đà. Trong số đó có cả ảnh Ngài Ajahn Mun, sư phụ của thiền sư Ajahn Chah. Ðối với chúng tôi, được sống ở một nơi gần như thánh địa này để thiền định quả là vô cùng lý tưởng. Chúng tôi đã chọn đúng chỗ rồi, một chỗ ẩn tu thật tuyệt vời.
Chúng tôi lại thả bộ xuống những kè đá và quyết định tận dụng từng ngày trong điều kiện sống viễn ly này một cách nhiều ý nghĩa nhất. Năm ngày trôi qua thật nhanh, chúng tôi gần như đã đánh mất khái niệm thời gian vì bất cứ lúc nào trong những ngày này chúng tôi đều luôn cảm thấy tâm hồn mình trở nên trong sáng một cách kỳ lạ, Khả năng tập trung chánh niệm cũng có vẻ dễ dàng hơn. Thậm chí cho đến sức khỏe sinh lý của chúng tôi trong thời gian này cũng như đang ở vào tình trạng tốt nhất. Chúng tôi cảm thấy khỏe khoắn đến mức không muốn đi ngủ.
Thời tiết trên đảo mùa này thật tốt, bởi nói chung thì ở Thái Lan, tháng mười hai luôn là tháng lý tưởng nhất trong năm: ấm áp, mát mẻ và cũng chẳng có sương mù. Ðược trải qua những ngày này trên đảo thì quả là thú vị. Tôi vẫn từng đêm ngồi thiền giữa trời rồi nếu muốn có thể ngước nhìn lên hằng tỉ tinh tú bên trên. Những khi đó, thời gian như dừng lại...
Quý vị có ngờ được không, sau mấy ngày hết sức an lạc đó tôi lại có thêm một phần thưởng nữa. Vào một ngày thật tốt trời, tôi tình cờ đi ngang qua một ngôi gác gỗ thật đẹp, nó cũ lắm rồi, lại bị cháy hết một nửa và nằm lẫn khuất trong một đám cây rừng. Ngôi gác gỗ đó nằm gần bên chùa và băng qua nó tôi đã phát hiện được một hang động nằm dưới lòng đất. Hang rộng lắm, nóc trần cũng cao, đủ để ta có thể đi kinh hành, và trong hang còn có nhiều cái hóc nhỏ mà nếu vào đó ngồi thiền thì tuyệt. Ðã vậy, đây lại là một cái hang hoàn toàn bằng đá mới thú chứ. Có mặt trong hang thì coi như ta chẳng còn nghe thấy bất cứ cái gì bên ngoài nữa. Sống ở đây ta cứ như đang nằm trong lòng trái đất. Ðó quả là một ước mơ của người ẩn sĩ! Phát hiện được cái hang động, tôi mừng vui lắm và cứ bàng hoàng mãi. Hôm đó là ngày rằm, tôi muốn đi ngồi thiền nhưng suốt buổi chiều hôm đó, đầu óc tôi cứ phóng túng loạn xạ với đủ thứ tạp niệm: mình đang ngồi gần ngôi chùa cổ này, như vậy coi như mình đang ngồi thiền chung với Ngài Ajahn Mun. Mình có thể xuống hang động kia để thiền định hoặc cũng có thể đi kinh hành dưới đám cây rừng giữa cơn gió chiều để chờ trăng lên và biết đâu vào đầu hôm đêm nay mình sẽ chứng đắc được cái gì đó.
Ðang miên mang đắm mình trong những dòng suy tưởng đó bỗng dưng tôi có cảm giác như mình mất hẳn trọng lượng và đang sắp sửa bay bổng. Tôi kinh ngạc tột độ khi thấy một nhóm người đang tiến về phía tôi và trong sương chiều đang phủ xuống, tất cả bọn họ đều có chung một dáng vẻ thật kỳ quái, ma ảo. Tất cả đều mặc đồ trắng và tôi vô cùng ngỡ ngàng khi nhận ra trong số đó có một người là cư sĩ áo trắng ở ngôi chùa nhỏ bên đảo Siraja mà chúng tôi đã ghé ngủ hôm trước. Ông ta đang đi đến chỗ tôi, với một nhóm phụ nữ cũng mặc toàn đồ trắng. Tôi tự nhiên nghĩ là họ đến thăm chúng tôi. Mà tình thế lúc ấy thật khó xử, tôi không biết nói tiếng Thái. Nhưng dù sao họ cũng đã thấy tôi rồi, không thể làm gì hơn được, tôi đành ngồi yên tại đó và hy vọng mọi chuyện rồi sẽ qua đi thật nhanh. Tất cả chúng tôi đã ngồi xuống bên cạnh gốc Bồ Ðề cổ thụ nằm bên ngoài ngôi chùa cổ rồi một người trong số họ đã đưa cho tôi mấy lon nước đã được ướp lạnh sẵn, trong đó có cả Coca cola. Tôi nhận lấy một lon rồi thong thả uống. Bọn họ lại hỏi tôi đủ chuyện, họ nói nhiều lắm trong khi tôi chỉ hiểu được loáng thoáng, tôi chỉ mỉm cười rồi bập bẹ giải thích mình không hiểu được tiếng Thái. Lúc đó tôi cứ nghĩ đến Gavesako và thầm mong đại đức có mặt kịp lúc và nói chuyện với nhóm người đó. Còn tôi lúc này dĩ nhiên chỉ muốn bỏ đi để tìm đến chỗ nào đó ngồi thiền. Nhưng rồi trong tư tưởng tôi lại đột nhiên nảy ra những câu hỏi: "Tại sao nhóm người kia lại đến đây? Tại sao tôi cứ kinh ngạc về chuyện đó?" - Vì đại đức Gavesako mới đến, tôi phải ngồi với đại đức một lát. Rồi khi nhận thấy đại đức với nhóm người kia đã bắt được câu chuyện với nhau, vì đại đức Gavesako rất giỏi tiếng Thái, nên tôi mới quyết định đứng dậy bỏ đi. Vào đúng ngay lúc đó, đại đức Gavesako nói với tôi là hãy thu xếp để quay về.
Thấy tôi có vẻ thắc mắc, đại đức cho biết sẽ quay lại Siraja. Buổi thiền định đêm nay của tôi coi như không thể thực hiện được rồi. Tôi lại hỏi lý do trở về Siraja, đại đức Gavesako trả lời cho tôi biết rằng nhóm người kia cố ý mời chúng tôi quay trở lại, còn đại đức thì không có lý do để từ chối. Một cái gì đó như niềm thất vọng đã rơi xuống trong tôi. Tôi quay lại để lấy hành lý mà cứ thắc mắc trong lòng: "Bọn họ muốn gì? Chúng tôi đang làm gì? Chúng tôi đang dự định trở vào nền chùa để tụng kinh kia mà! Tại sao chúng tôi không tiếp tục ở đây nữa trong khi chúng tôi đã ở đây được mấy ngày rồi? Chúng tôi có thể sẽ trở về bất cứ lúc nào kia mà... Chúng tôi đến đây để thiền định rồi bây giờ lại quay trở về thành phố. Tại sao chứ? Thực ra người ta muốn gì ở chúng tôi?". Nhưng ở hoàn cảnh chẳng đặng đừng này, tôi biết mình không thể xử sự như ý nên cũng đành thôi. Chúng tôi ra bến tàu rồi chờ đợi ở đó một lát. Ít phút sau, một con thuyền chạy đến đưa chúng tôi rời đảo Voi Thiêng để trở về Siraja.
Thế là, chúng tôi quay trở lại ngôi chùa trong thị trấn Siraja mà không biết để làm gì. Tôi về phòng của mình, sắp xếp hành lý rồi ngồi đó chờ đợi. Tôi đã ngồi đó chờ đợi nhưng không có gì xảy ra cả, ngoại trừ những âm thanh ồn ào từ thành phố dội về chùa suốt cả ngày đêm. Mà ở xứ Thái kể cũng lạ, cứ vào mùa Giáng Sinh thì mọi người, bất kể là con chiên Thiên chúa hay Phật tử đều vui chơi ca hát như nhau cả. Những bài hát mừng Giáng Sinh như White Christmas, Rudolph the Red-Nosed Reindeer đều bằng tiếng Anh nên có lẽ vì vậy mà người ta, phần đông là không hiểu được ý nghĩa của chúng, cứ trổi giọng hát tới hát lui một cách vô tội vạ. Từng đêm, từng buổi sáng, tôi cứ ngồi đó lắng nghe và chờ đợi. Ngồi nghe mấy bài hát Giáng Sinh mà tôi cứ nhớ ánh trăng trên đảo Sichang, nhớ tới ngôi chùa cổ đổ nát, nhớ tới Ngài Ajahn Mun rồi những giờ thiền định trên hòn đảo thơ mộng đó nữa.
Nhưng có một điều không thể phủ nhận là cũng chính trong những ngày này, tôi đã học được cách lắng nghe, và nó gần như đã là một thành quả tu học của tôi. Tôi nghe như trong bản thân mình có chút gì đó đã được ổn định để tôi có thể sống giao hòa trung thực với mọi sự chung quanh. Bài hát Giáng Sinh Rudolph the Red-Nosed Reindeer thật ra có một nội dung rất đặc biệt, nhất là khi ta nghe nó qua vài lần. Nội dung của bài hát này có một ý nghĩa răn đời chứ không chỉ đơn giản là một nhạc khúc hát mừng lễ hội. Chuyện lạ lắm, tôi đã thử bỏ đi những gút mắt trong lòng mình rồi lắng nghe từng âm thanh của cuộc đời chung quanh, đằng sau cái dư hưởng của những náo nhiệt đó là cả một cảnh giới tịch mặc vô cùng kỳ diệu. Rồi một điều hết sức kỳ diệu khác nữa là chính cái cảnh giới im lặng mà tôi vừa nói kia lại đã mở ra cho tôi cái khả năng lắng nghe mọi sự. Ðó chính là cái cảnh giới thinh lặng tuyệt vời được dành riêng cho "cái thính giác ý thức", một thứ thính giác sâu thẳm và mênh mông mà không một âm thanh nào có thể nhiễu động. Ðồng thời trong chính cái thính giác kỳ diệu này cũng hàm chứa một sự bao dung độ lượng vượt ngoài thời gian tính.
Từng ngày rồi từng ngày trôi qua vẫn không có ai đến gặp gỡ hoặc để đưa chúng tôi đi đến nơi nào cả. Người ta không muốn tôi thuyết pháp, tụng kinh, làm lễ, đi đâu và nói gì hết. Có thể họ e ngại rằng chúng tôi chỉ quen sống độc cư hoặc cũng có thể người ta nghĩ rằng chúng tôi thích sống đạm bạc. Thậm chí tôi còn nghĩ đến tất cả những tình huống có liên quan cái gọi là tình đời, lòng người. Nhưng rồi sao cuối cùng rồi tôi cũng vẫn cảm thấy hạnh phúc. Tôi đã cố gắng nhớ lại tất cả sức mạnh từ tâm của một vị Bồ Tát để học cách tri ân với mọi người, dù thiên hạ thực ra có thế nào đi nữa. Trong khi đó, những người đã thỉnh chúng tôi quay lại thị trấn vẫn cứ tiếp tục có vẻ như muốn quản thúc tôi, làm ngược lại mọi ý muốn của tôi, kể cả cái ý muốn lắng nghe tất cả những gì nghịch ý mà họ mang lại. Tôi thấy như ở bất cứ nơi nào cũng đều có những đồng sự của họ và họ vẫn lì lợm không thay đổi cách cư xử đối với chúng tôi.
Phải nói rằng tôi đã có một bài học từ Sichang, hòn đảo Voi Thiêng. Bản thân Ðức Phật cũng giống như một con voi. Con voi ở đây chính là biểu tượng cho một đại nguyện bất thối hướng về cứu cánh giải thoát. Ðó cũng là cái hình ảnh biểu tượng về lý tưởng sống của một vị tỳ kheo trì hạnh đầu đà, một nếp sống được xây dựng bằng những nghị lực chịu đựng - im lặng và cô đơn thử nghiệm chính mình ở những góc trời hoang dã, quạnh hiu. Càng được đi xa, tôi càng thấy hạnh phúc vì ở những bến bờ trôi dạt đó, tôi được cái quyền sống cô đơn và độc lập. Nói một cách thơ mộng nhất, hễ nhắc đến lý tưởng và cuộc đời của một hành giả đầu đà thì tự nhiên tôi cứ nghĩ đến một người quản tượng đang trèo lên lưng con Voi Thiêng. Và trong tưởng tượng của tôi, anh quản tượng đó không phải chỉ là một gã nài voi bình thường, mà ngược lại anh ta là một người quản tượng có một sức mạnh thiền định như ý, nội tâm của anh là một con voi và anh có thể điều phục nó bất cứ lúc nào.
Ðiều khỏi phải nói là đời sống của một tỳ kheo luôn có điều kiện để tu học một cách nghiêm túc và nếu muốn, cũng có thể sống một mình, nhưng xét trên quan điểm đời sống mà nói thì không có ai có thể cắt đứt hoàn toàn mọi quan hệ xã hội. Ðời sống là một đơn tử không thể tồn tại mà thiếu sự tương quan. Cho dầu nếp sống mà Ðức Phật đã qui định cho một vị tỳ kheo luôn nhắm đến cái khả năng tự tại nhưng phải nói rằng tôi đã học hỏi được rất nhiều qua những thử thách trong đời sống tập thể: tăng chúng luôn vạch ra cho tôi những con đường để tôi có thể biết mình sẽ đi về đâu.
Tôi rời phòng mình và đi tìm đại đức Gavesako. Ðại đức đang đọc một tờ báo. Ðại đức đọc một dòng trong đó cho tôi nghe "Mỗi phút trên thế giới có tới bốn đứa bé ra đời" - "Chớ phải thiên hạ đều biết tu thiền cả thì hay biết mấy". Tôi nhận xét:
Ðời tu có nhiều cái để nói lắm. Có nhiều lúc chúng ta phải cần đến một nếp sống khép mình, đôi lúc chúng ta phải biết sống cô đơn và cũng có đôi lúc chúng ta phải cần đến một bài hát Giáng Sinh!
-ooOoo-
(Trích Họ đã sống như thế)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét