Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

SÁCH: TUYẾT GIỮA MÙA HÈ - SAYADAW U.JOTIKA



Mục lục

CHƯƠNG I: Tâm, chánh niệm và thiền

CHƯƠNG II: Độc cư

CHƯƠNG III: Tình cha con và sự dạy dỗ

CHƯƠNG IV: Sự sống và cái chết

CHƯƠNG V: Học và dạy

CHƯƠNG VI: Giá trị và triết lí

CHƯƠNG VII : Tình bạn, mối quan hệ và lòng từ bi

GIỚI THIỆU
Nhu cầu diễn đạt tâm mình thật là mạnh  mẽ. Nó rất quan trọng đối với sự phát triển tâm linh của chúng ta. Nếu bạn không có được cơ hội để tự diễn đạt mình, bạn sẽ đánh mất đi cách suy nghĩ sáng tạo.  Vâng, đó cũng lại là một sự dính mắc nữa. Tôi không thể tự ép buộc mình phải từ bỏ sự dính mắc ấy được.  Rất nhiều lần cầm bút lên để viết, và rất nhiều lần tôi lại phải đặt bút xuống. Trong tâm tôi có những điều thật khó thể hiện ra được bằng ngôn từ.
Xin bạn đừng nghĩ rằng tôi đang thuyết giảng điều gì.
Tôi chỉ đang diễn đạt những quan điểm cá nhân (cảm xúc, tình cảm và những nhận xét) mà tôi cho là đúng đối với chính mình mà thôi.
Tôi biết nhiều điều tôi nói có thể rất dễ bị hiểu lầm. Một người nào đó có thể sử dụng chúng để chống lại tôi. Tôi không thể diễn đạt được hết những gì mình muốn nói qua một bức thư. Thậm chí ngay cả việc nói về chúng cũng đã là một việc khó khăn đối với tôi lắm rồi. Dù sao thì tôi cũng đã cố gắng thể hiện quan điểm của mình. Những điều tôi nói có thể không giống những gì trong những cuốn sách lớn nói. Tôi cũng không mong rằng bạn sẽ đồng ý với những gì tôi nói. Chúng không phải là chân lý của thế gian. Chỉ là những cách nhìn của tôi vào thời điểm của tháng 10 năm 1986 mà thôi. Tôi cũng sẽ thay đổi, như tất cả mọi sự trên đời đều như thế. Hãy thông cảm cho những thiếu sót của tôi. Tôi là một người luôn cảm thấy vỡ mộng trước cuộc đời, tin hay không tùy bạn. Một ngày nào đó tôi sẽ thật sự hạnh phúc.
Đây là đôi điều về bản thân tôi. Tôi được sinh ra trong một gia đình Hồi giáo ở Miến Điện vào ngày 5 tháng 8 năm 1947 và được giáo dục trong một trường truyền giáo của nhà thờ Thiên chúa giáo (Roman Catholic). Tôi đã từng đọc và nghiên cứu hầu hết mọi thứ trên thế giới này. Khi còn trẻ, tôi thường bị người ta cho là cộng sản bởi vì tôi chẳng tin vào bất cứ một tổ chức tôn giáo nào cả. Bây giờ không biết tôi có còn tin vào một tổ chức tôn giáo nào không nhỉ? Ai biết?! Tôi nghĩ đến việc xuất gia trở thành một nhà sư (Tỳ kheo) từ năm 19 tuổi, nhưng rồi sau đó lại vào đại học, và vỡ lẽ ra rằng nền giáo dục đó thật chẳng có chút gì như mình mong muốn cả. Thế rồi sau đó tôi tự giáo dục bản thân mình. Tôi phát hiện ra một điều rằng hầu hết tất cả mọi người chỉ chạy theo đồng tiền, danh vọng và những thú vui – thật phù phiếm.
Vì vậy, tôi quyết định rằng mất công mất sức với sự giáo dục như vậy thật chẳng đáng. Tôi không thể cứ tiếp tục sống cả đời như vậy. Tôi rời bỏ gia đình đi xuất gia dù rằng tôi yêu thương con gái tôi vô cùng. Không có chỗ nào cho tôi trong cái xã hội bon chen này. Trở thành một nhà sư, sống và tu trong rừng là cách sống tốt nhất đối với tôi; nó rất thích hợp với tính cách của tôi. Vâng, bà tôi là người dân tộc Shan[1]. Bà tôi sống thọ, sống một cuộc đời bình yên. Bà mất năm 80 tuổi.  Khi đó tôi mới 14 tuổi. Tôi và bà tôi rất thân thiết với nhau, tôi rất hay nghĩ về bà.
Tôi cũng rất thích những người dân tộc Shan. Họ rất hiền lành. Có rất nhiều người Shan sinh sống ở Maymyo; ở làng Ye Chan Oh, nơi chúng tôi sống cũng có người Shan. Có một làng khác gần đó tên là Yengwe, hầu hết người làng đó đều là người Shan, họ nói tiếng Shan. Những bà cụ già người Shan cũng giống như bà tôi – lặng lẽ, bình an, chất phác, nhẫn nại, chịu thương chịu khó, sống tri túc, không hay áp đặt và rất lành hiền. Rất khó tìm được những con người như thế ở thành phố thời buổi bây giờ. Những người giàu có rất hay nghi ngờ người khác; họ cứ nghĩ người khác chỉ tìm cách lợi dụng tiền bạc của họ thôi.
Bạn hỏi về quan hệ giữa tôi với gia đình ấy hả. Chưa bao giờ tốt đẹp cả. Người duy nhất trong gia đình tôi yêu thương là chị gái tôi. Chị thương yêu tôi mặc dù chị không hiểu tôi.
Đúng vậy, “tôi chưa bao giờ cảm thấy mình thuộc về cái gia đình ấy cả”.  Tôi sống như một người xa lạ trong gia đình. Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ đến thăm chị gái tôi. Quan hệ giữa tôi và bố mẹ là mối quan hệ vừa yêu vừa ghét. (Cả hai người đều đã mất). Tôi cảm rất cô đơn trong gia đình ấy. Tôi hiểu bạn đang cảm thấy như thế nào về mối quan hệ với mọi người trong gia đình. Chẳng sao cả bạn ạ. Bạn tìm tình thương và sự hiểu biết, cảm thông ở nơi khác. Bất kể bạn làm gì, bất kể điều gì xảy đến, tôi vẫn luôn luôn là người cha, người anh, người bạn của bạn, một người tư vấn cho bạn.
Tôi sống ở gianh giới giữa hai nền văn hóa khác biệt nhau – văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Sinh trưởng ở Miến Điện nhưng lại được giáo dục ở một trường học kiểu phương Tây. Tiếp xúc với tất cả những tôn giáo khác nhau – Phật giáo, Thiên chúa giáo, đạo Jane, đạo Hindu, đạo Hồi – và cả chủ nghĩa vật chất trong triết học phương Tây nữa. Cuối cùng thì tôi chẳng thực sự tin vào cái gì hết. Tâm lý học phương Tây – Freud, Jung, Adler, Rogers, Laing, William James và rất nhiều người khác; triết học Tây phương – Socrates, Plato, Aristotle, Hegel, Kant, Nietzsche, Kierkegaard, Bertrand Russell, Wittgenstein, Bergson…- đủ để cho con người ta phải điên đầu. Tôi học ngành điện tử, nghiên cứu những lý thuyết khoa học tiên tiến, cả lý thuyết về lỗ đen trong vũ trụ. Tôi thấy con người ta hầu như chẳng chắc chắn được về bất cứ điều gì cả.
Điều quan trọng nhất cần biết
là tâm của chính mình.
Đúng thế, tôi muốn tự do. Và điều này cần phải được hiểu ngay từ đầu. Tự do của tôi là cái không thể đem ra mua bán. Sống quá lâu ở một chỗ làm tôi cảm thấy như ở trong tù. Theo cách tính tuổi của người Miến Điện, tôi là một con sư tử.  Tôi thực sự thích sống lang thang nơi núi rừng như một con sư tử của đại ngàn. Ah, tự do…tôi không thể chấp nhận được bất cứ sự hạn chế, sự gò ép hay trói buộc nào. Ngay cả bất cứ sự dính mắc nào làm hạn chế tự do của tôi cũng không phải là điều tôi ưa thích. Tôi yêu tự do và không bao giờ đánh đổi nó lấy bất cứ thứ gì trên đời. Tôi yêu thích sự giải thoát của tâm hồn. Vì thế tôi ngày càng thấy rõ ra những gì đang cầm tù, trói buộc tâm mình. Mặc dù tôi đã từng đọc và nghiên cứu kỹ Tạm Tạng Kinh Điển, nhưng khi thấy ra một điều gì mới, đối với tôi nó cứ như là một sự phát hiện hoàn toàn mới lạ. Tự mình khám phá ra những sự thật đơn giản đó – thật là một niềm vui vô cùng lớn!
Eureka[2]! Tôi không thể chịu đựng nổi những con người ăn nói đại ngôn, ba hoa cứ như thể họ biết rõ điều gì đó chỉ vì họ đã từng đọc đâu đó trong sách. Thế nhưng có lúc tôi bắt gặp chính mình cũng đang làm việc ấy, dù rằng tôi làm điều đó ngày càng ít hơn. Tôi là một con sư tử của đại ngàn. Một mình, nhưng không còn cô đơn. Tôi đã học được cách sống một mình. Đôi khi tôi muốn diễn đạt những hiểu biết sâu sắc nhất của mình, nhưng thật khó tìm ra được một người biết lắng nghe, hiểu được và trân trọng được những gì tôi muốn nói. Thông thường thì chính tôi lại là người lắng nghe.  Mọi người thích nói chuyện với tôi. Tôi nghĩ mong muốn độc lập và tự do (cả về thể chất lẫn tinh thần) là khát vọng mạnh mẽ nhất của tôi. Có rất nhiều hình thức và nhiều tầng mức tự do khác nhau. Tôi phải sống đúng với bản chất của con người tôi, bằng bất cứ giá nào.
Có thể tôi sẽ làm cho bạn bè của tôi phải thất vọng. Có quá nhiều người mong đợi quá nhiều thứ ở tôi. Chắc chắn là tôi sẽ không thể đáp ứng được mong muốn của họ. Tôi đang đi về phía tự do riêng của cá nhân tôi, chứ không phải về phía hòa đồng với tất cả mọi người. Tôi vừa đọc xong cuốn KÝ ỨC, GIẤC MƠ VÀ SUY TƯỞNG của Carl Jung[3].  Tôi rất thích một số tư tưởng của ông. Một số điều ông viết về bản thân ông cũng thể hiện được những điều tôi muốn nói về chính mình. Tôi xin trích dẫn một số đoạn trong đó cho bạn đọc nhé:
Khi còn bé tôi luôn cảm thấy mình rất cô đơn, cho đến bây giờ tôi vẫn cô đơn, bởi vì tôi hiểu được những điều và phải lưu ý đến những điều mà người khác chẳng hề biết, và phần lớn là không muốn biết.
 Sự cô đơn không phải là bởi vì không có ai ở bên cạnh mình, mà là không thể nói ra được những điều mà mình cho là quan trọng đối với chính mình, hay là phải cố giữ trong lòng không nói ra những điều mà người khác không thể chấp nhận được. Nếu một người nào đó hiểu biết nhiều hơn những người khác, người đó sẽ cảm thấy cô đơn. Nhưng cô đơn không nhất thiết là không tốt cho tình bạn, bởi vì không có ai nhạy cảm hơn những người cô đơn, và tình bạn chỉ nảy nở khi nào mỗi người đều ý thức được về chính bản thân mình và không đồng hóa mình với những người khác. Tôi phải tuân theo “quy luật từ bên trong” đang chi phối chính bản thân tôi, không cho tôi cơ hội được lựa chọn. Tất nhiên, không phải lúc nào tôi cũng tuân theo nó. Có ai cứ sống y nguyên không thay đổi bao giờ cơ chứ! (Nói về tái sanh – trong trường hợp của tôi có lẽ cái chính là sự thôi thúc nhiệt tình tìm kiếm sự hiểu biết đã đưa tôi đi tái sanh, bởi vì đó là phần mạnh mẽ nhất trong cá tính của tôi).
Tôi thấy mình phải chấp nhận rằng những suy nghĩ đang tự tung tự tác trong tâm mình cũng là một phần của thực tại. Những thang tiêu chuẩn đúng – sai tất nhiên là vẫn còn đó, nhưng bởi vì không còn trói buộc được mình nữa nên chúng chỉ chiếm vị trí thứ yếu mà thôi. Sự hiện diện của các suy nghĩ còn quan trọng hơn sự đánh giá chủ quan của mình về chúng. Nhưng không nên đè nén sự đánh giá đó, bởi vì chúng cũng là một phần trong toàn thể cuộc sống của chúng ta. (Vì vậy, hãy ghi nhận – hãy chánh niệm[4] về tất cả mọi thứ).
Người nào chưa từng đi qua lò lửa nhiệt não của các cảm xúc và tình cảm sẽ không bao giờ vượt qua được chúng. Khi đó họ có thể sẽ chạy trốn sang ngôi nhà bên cạnh, và ngọn lửa ấy rồi cũng sẽ tràn sang và thiêu rụi ngôi nhà ấy bất cứ lúc nào. Bất cứ lúc nào chúng ta bỏ cuộc, cố tình bỏ lại đằng sau hay lãng quên đi quá nhiều, thì điều nguy hiểm là những thứ chúng ta cố tình quay mặt làm ngơ ấy sẽ quay trở lại với sức mạnh còn lớn hơn. (Đừng ngồi đè lên tình cảm và các cảm xúc của chính mình; hãy chánh niệm về chúng. Đối với tôi, “vượt qua” không có nghĩa là “giải quyết” mà là ý thức về chúng, trải nghiệm chúng một cách chánh niệm, một cách có ý thức).
Thực ra, cái tôn giáo tôn thờ sự phát triển của chúng ta hiện nay rất nguy hiểm ở chỗ nó áp đặt cho chúng ta những ảo vọng rất ấu trĩ về tương lai, và do đó lại càng thúc ép chúng ta trốn chạy quá khứ. Sự phát triển nhờ tiến bộ, nghĩa là nhờ những phương thức hay công nghệ mới, tất nhiên là rất ấn tượng lúc ban đầu, nhưng về lâu về dài chúng rất đáng ngờ và trong bất cứ trường hợp nào cũng phải trả giá đắt. Chúng không hề làm cho con người ta sống biết đủ và hạnh phúc hơn. Thực ra chúng chỉ là những vị ngọt giả tạo của kiếp người, cũng giống như nhịp độ trao đổi thông tin và giao tiếp ngày càng nhanh chóng hiện nay làm tăng nhịp sống một cách khó chịu và dành cho chúng ta ngày càng ít thời gian cho chính bản thân mình. (Vì vậy, hãy sống càng đơn giản càng tốt).
Tôi đã từng sống ở nơi không có điện đóm, phải canh giữ đống lửa củi để sưởi ấm thân mình. Khi đêm đến, tôi thắp ngọn đèn dầu lấy ánh sáng. Nơi đó không có nước máy, và tôi thường múc nước từ dưới giếng lên dùng. Tự tay tôi bửa củi, nấu ăn. Những công việc đơn giản đó làm cho con người trở nên đơn giản; và để trở nên đơn giản thật là khó biết bao. Ở Bolllingen[5], sự tĩnh lặng vây quanh tôi đến mức tôi có thể nghe thấy được nó, và tôi sống khiêm tốn hòa mình với thiên nhiên. Cuộc sống bao trùm một sự tĩnh lặng không thể tả.
Trong ngôi tháp ở Bollingen, dường như con người ta sống đồng thời cuộc sống ở nhiều thế kỷ khác nhau. Nơi đây sẽ còn ở lại trên đời lâu hơn tôi, nơi chốn và phong cách của nó gợi nhớ lại những thứ từ thời rất xa xưa. Rất ít thứ gợi nhớ đến thời hiện tại. Nếu một người sống ở thế kỷ thứ 16 dọn vào đây ở, chỉ có cái đèn dầu và bao diêm là những thứ lạ lẫm đối với anh ta; còn không anh ta sẽ dễ dàng biết hết mọi việc cần làm. Không có gì quấy rầy người quá vãng, không có ánh đèn điện hay tiếng điện thoại kêu.”
Carl Jung
       Còn nhiều nữa, nhưng tôi muốn dừng lại tại đây. Nghe nữa chắc bạn sẽ chán đến chết mất. Xét về một mặt nào đó, tôi nghĩ tôi là một người có cá tính nổi loạn. Trong suốt cả cuộc đời, tôi luôn luôn là một con người nổi loạn. Ước mơ của tôi là được sống giữa rừng sâu núi thẳm, cách xa con người và tiếng động, chỉ với một số đồ dùng cần thiết nhất; một cuộc sống tĩnh lặng và bình yên.  Tôi có khóc không ấy hả? Ai  mà có thể tin nổi một nhà sư già như tôi mà vẫn còn nước mắt để mà khóc? Tôi giống như một lò than cháy âm ỉ. Bạn không nhìn thấy ngọn lửa, nhưng bên trong vẫn còn đang ngún cháy. Tôi không muốn sự đánh giá phán xét của người đời; tôi muốn sự hiểu biết và cảm thông. Tôi cũng đâu phải là một con người hoàn hảo                                                                                                                                                             
Thậm chí tôi ngày càng trở thành một người không hoàn hảo. Vì vậy tôi sợ những người hay đánh giá phán xét người khác. Tôi muốn được để yên. Người ta nói một nhà sư không nên dính mắc với bất cứ người nào hay bất cứ thứ gì trên đời, nhưng tôi thì không thể làm được điều đó.

Tôi không chỉ là một nhà sư;
tôi còn là một con người. Tôi không cố gắng
để trở thành một người nào đó.
Tôi chỉ đang cố gắng hết sức mình để hiểu được
những gì đang diễn ra trong cuộc đời mình,
trong trái tim mình, trong tâm mình mà thôi.
Không tiếng tăm, không danh vọng; khi tôi ra đi
 khỏi cõi đời, không gì còn ở lại.


-----
Thiền Giữa Đời Thường: Phương pháp Thiền Phật giáo nguyên thủy (Thiền Vipassana)






0 nhận xét:

Đăng nhận xét