Ngay Trong Kiếp Sống Này
Giáo Pháp Giải Thoát của Ðức Phật
Sayadaw U Pandita
Tỳ Kheo Khánh Hỷ (Aggasami Trần Minh Tài) soạn dịch
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU
CHƯƠNG I : GIỚI LUẬT CĂN BẢN VÀ HƯỚNG DẪN CÁCH HÀNH THIỀN
CHƯƠNG II : NGUYÊN NHÂN GIÚP NGŨ CĂN BÉN NHẠY
CHƯƠNG III : MƯỜI ĐẠO BINH MA
CHƯƠNG IV : BẢY PHÁP TRỢ BỒ ĐỀ
CHƯƠNG V : CÁC TẦNG THIỀN MINH SÁT
CHƯƠNG VI : CHIẾC XE ĐƯA ĐẾN NIẾT BÀN
Lời Nói Ðầu
Lời Giới Thiệu
Lúc Hoà Thượng Thiền Sư Pandita sang Hoa Kỳ lần đầu tiên vào năm 1984, chúng tôi chỉ biết danh tiếng của Ngài vì Ngài là người kế nghiệp Hoà Thượng Thiền Sư Mahasi. Nhưng chúng tôi không ngờ rằng sự hiện diện và sự dạy dỗ của Ngài đã giúp chúng tôi mở rộng tầm hiểu biết mới.
Là một thiền sư, Ngài đã hướng dẫn chúng tôi thực hành một cách tinh tế và vi diệu.
Là một học giả, Ngài đã đem lại sức sống và ý nghĩa mới mẻ về những lời dạy muôn đời của Ðức Phật.
Và là một người bạn tinh thần vĩ đại, Ngài đã khích lệ chúng tôi nỗ lực tìm đến nơi giải thoát cao thượng.
Ðức Phật xuất thân từ giòng dõi chiến sĩ của xứ Ấn Ðộ cổ xưa. Và ngày nay, Hoà Thượng Thiền Sư Pandita là một chiến sĩ tâm linh của thời đại chúng ta. Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải dũng mãnh tinh tấn và vui mừng tin tưởng là chúng ta có thể giải thoát ngay trong kiếp sống này. Hoà Thượng đã giúp chúng ta nhận ra nguồn năng lực bên trong của chính mình, để chinh phục một con tâm chật hẹp, giới hạn, lệ thuộc vào điều kiện ngoại giới và chấp thủ.
Ðây là cuốn sách ghi lại những bài pháp mà Hoà Thượng Thiền Sư Pandita đã thuyết giảng trong một khoá thiền ba tháng Ngài dạy lần đầu tiên tại Thiền Viện Insight Meditation Society ở Barre, Massachusetts. Ngài giảng giải tỉ mỉ từng chi tiết cả phương pháp thực hành lẫn lý thuyết khuôn mẫu. Những bài pháp đầy ý nghĩa này giúp cho chúng ta mở rộng kiến văn và tư tưởng khiến cho tâm chúng ta trưởng thành và lãnh hội thấu đáo những lời dạy quen thuộc; đồng thời khiến cho chúng ta có một cái nhìn mới về một số quan điểm xưa cũ mà chúng ta mến yêu và chấp trước.
Cuốn sách này là một kho tàng quí giá cho những ai muốn thực hành giáo pháp. Mong rằng cuốn sách này sẽ đánh thức phần trí tuệ và từ bi trong tất cả chúng ta.
Joseph Goldstein
Barre, Massachusett
Lời Tác Giả
Ðộc Giả Thân Mến,
Với sự khiêm tốn và chân thành mong muốn giúp các bạn tự mình nhận chân được sự bình an và hạnh phúc nội tâm, chúng tôi trình bày những bài giảng trong cuốn sách này căn cứ trên giáo pháp hay chân lý của Ðức Phật và theo truyền thống của Cố Hoà Thượng Mahasi ở Rangoon, Miến Ðiện. Với tất cả sự hiểu biết, chúng tôi cố gắng hết sức để đem lại lợi ích cho các bạn.
Những bài pháp trong cuốn sách này đem lại cho các bạn năm lợi ích sau đây:
Trước tiên bạn sẽ biết được nhiều khía cạnh mới về Phật Pháp mà có thể bạn chưa từng nghe trước đây.
Thứ hai, nếu đã được nghe những bài giáo lý này bạn có thể củng cố kiến thức Phật Pháp của mình.
Thứ ba, nếu bạn có hoài nghi về Phật Pháp, những bài giáo lý này sẽ giúp bạn phá tan sự nghi ngờ.
Thứ tư, nếu bạn có một vài quan kiến và định kiến sai lầm, bạn có thể vất bỏ chúng nhờ bạn có một sự hiểu biết chân chính thích hợp và tôn trọng Pháp Bảo.
Ðiều cuối cùng và cũng là khía cạnh tròn đủ nhất là bạn có thể xác kiểm lại kinh nghiệm thực hành của mình với những gì đã được viết trong sách này. Nếu bạn có sự thực hành thâm sâu thì đây là cơ hội để bạn vui thích và hoan hỉ khi bạn biết rằng kinh nghiệm của mình phù hợp với giáo lý trong kinh điển.
Nếu bạn chưa hành thiền, có lẽ những bài pháp này sẽ khích lệ bạn bắt đầu. Rồi trí tuệ, vị thuốc bổ dưỡng nhất, sẽ đưa bạn ra khỏi khổ đau tinh thần.
Chúc các bạn có nhiều hứng khởi và tinh tấn trên đường đạo. Mong các bạn đạt đến giải thoát, mục tiêu cao thượng nhất.
Sayadaw U Pandita
Vài Lời Của Người Soạn Dịch
Ðây là những bài pháp được soạn dịch từ những bài giảng của Hòa Thượng Thiền Sư U. Pandita hiện là Viện trưởng Thiền Viện Panditarama ở Yangon, Miến Ðiện. Những bài pháp này đã được giảng trong một khóa thiền dài ba tháng tại Insight Meditation Society ở Barre, Massachusetts, Hoa kỳ. Thiền Sư U. Pandita là người kế nghiệp Hòa Thượng Thiền Sư Mahasi. (Hòa Thượng Thiền Sư Mahasi là vị chủ trì kỳ kết tập tam tạng lần thứ sáu, Viện trưởng đầu tiên Thiền viện Mahasi ở Yangon, Miến Ðiện). Các bài pháp này đã được thu băng và được làm tài liệu giảng dạy cho thiền sinh ngoại quốc hiện đang tu học tại thiền viện Panditarama cũng như các thiền viện tu tập Thiền Minh Sát ở Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada, Mã lai, Singapore vv... Những bài giảng này cũng đã được chọn lọc, hiệu đính lại và cho in thành sách có tên là "IN THIS VERY LIFE". Một số các thiền sinh Việt nam hành thiền dài hạn tại thiền viện Panditarama đến từ Hoa kỳ, Pháp, Thụy sĩ, Việt nam... quen thuộc với tiếng Việt hơn nên Hòa Thượng Thiền Sư giao cho chúng tôi hướng dẫn; do đó chúng tôi có cơ hội để dịch những bài giảng này làm tài liệu tu học cho các thiền sinh Việt nam đang tích cực hành thiền tại Miến Ðiện.
Nhận thấy đây là những bài pháp hữu ích có thể giúp cho quí Phật tử mở rộng kiến văn, đồng thời hỗ trợ cho các thiền sinh mới cũng như quí vị đã hành thiền lâu năm hiểu rõ cách thực hành và đào sâu thêm về phần lý thuyết nên chúng tôi đã thâu vào băng nhựa để gửi đến quí vị. Ðể phổ biến sâu rộng hơn những bài pháp hữu ích này hầu mọi người đều được hưởng lợi lạc nên ban Tu Thư Như Lai Thiền Viện yêu cầu chúng tôi sửa chữa lại để in thành sách.
Cuốn sách Ngay Trong Kiếp Sống Nầy này phần lớn được soạn dịch từ cuốn IN THIS VERY LIFE cuả Hoà Thượng Thiền Sư Pandita và được bổ túc bằng những chi tiết trong các cuốn băng giảng gốc bằng tiếng Miến và tiếng Anh mà Hòa Thượng đã thuyết giảng tại Insight Meditation Society ở Barre, Massachusetts, Hoa kỳ và từ các bài pháp mà Thiền sư đã thuyết giảng cho thiền sinh ngoại quốc tại thiền viện Panditarama ở Miến Ðiện.
Phần trình pháp ở chương một được bổ túc đầy đủ và phần phần tóm lược cách trình pháp được nhắc lại trong phần phụ lục. Các phần trình pháp ở đây không những giúp cho thiền sinh biết rõ cách trình bày kinh nghiệm của mình cho thiền sư mà còn giúp hiểu rõ cách hành thiền, hiểu rõ những gì cần phải chú tâm khi hành thiền minh sát. Hiểu rõ cách hành thiền, hiểu rõ cách trình pháp sẽ giúp cho thiền sinh có chánh niệm mạnh mẽ và có sự hiểu biết rõ ràng, chính xác trong khi hành thiền.
Ðể độc giả có dịp làm quen với tiếng Pali, ngôn ngữ chính trong các kinh điển Phật giáo, nên trong phần Pali-Việt đối chiếu, những từ Pali được giải thích rộng hơn và bổ túc thêm một số từ thông dụng.
Chúng tôi xin thành thật cám ơn quí vị đã bỏ công sức vào việc hoàn thành bản soạn dịch Ngay trong kiếp sống này ; xin chia đều phước báu của pháp thí cao quí này đến tất cả quí vị. Trước hết, chúng tôi xin thành thật cám ơn Hòa Thượng Thiền Sư Pandita đã giảng giải cặn kẽ cho chúng tôi trong những phần mà các băng dịch tiếng Anh và sách tiếng Anh chưa diễn hết ý. Tiếp đến, Thiền Sư Khippa Panno (Kim Triệu) đã hiệu đính và chỉ dẫn các khiếm khuyết. Ðại Ðức Trí Dũng và Ðạo hữu Phạm Phú Luyện đã bỏ ra nhiều ngày cùng chúng tôi duyệt lại toàn bản soạn dịch. Sư cô Sunanda đã chép tay bản thảo, sửa lại câu văn và dịch phụ nhiều đoạn. Bản thảo gửi từ Miến Ðiện về Mỹ bị thất lạc nên Ðại Ðức Nagasena đã nghe lại băng nhựa mà đánh vào máy vi tính. Trong khi đọc vào băng, nhiều đoạn chúng tôi phải sửa theo văn nói nên khi viết thành sách câu văn đã phải thay đổi nhiều, thêm vào đó bản đánh máy được ghi lạitừ băng nhựa nên phần chấm câu v.v... không được chính xác. Hai đạo hữu Trần Minh Lợi và Từ Sơn đã thận trọng điều chỉnh lại phần chấm câu. Trước khi chuyển sang Thiền sư Kim Triệu xem xét lần cuối, Thượng Tọa Razinda, Ðại Ðức Chánh Thân, Sư cô Sudanta, các đạo hữu Vương Minh Thu, Ðặng Trần Vinh, Sukhavati Diệu Thu, Bội Khanh, Sudhamma Ngọc Quỳnh đã cẩn thận sửa chữa những sai sót về chánh tả và kỹ thuật. Cuối cùng xin chân thành cảm ơn quí vị đã khuyến khích, đóng góp tịnh tài để cuốn sách sớm ra mắt độc giả.
Mặc dầu đã hết sức cố gắng, nhưng vì bận tu học và nhiều công tác Phật sự khác nên chúng tôi không có đủ thì giờ để sửa chữa thật chu đáo, do đó bản dịch này chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết. Chúng tôi thành thật xin các bậc Trưởng Thượng hoan hỉ chỉ điểm cho những chỗ sai lầm và rất hân hoan đón nhận những ý kiến xây dựng của các bạn Phật Tử bốn phương để lần tái bản được hoàn hảo hơn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Tỳ kheo Khánh Hỷ
(Aggasemi Trần Minh Tài)
Lời Giới Thiệu
Ban Tu Thư Như Lai Thiền Viện
Như Lai Thiền viện đã có duyên lành được Ngài Thiền Sư U. Pandita trên đường hoằng pháp ở Hoa Kỳ ghé đến hướng dẫn thiền tập nhiều năm kể từ năm 1989. Ngài đã vượt trùng dương mang theo những làn sóng trầm hùng của thiền quán vỗ vào bến đời khô cạn của thiền sinh. Trong những lần pháp thoại và hướng dẫn hành thiền, Ngài như một chiến tướng oai nghi và hùng dũng trên cổ xe từ bi và trí tuệ thúc dục thiền sinh nỗ lực không ngừng nghỉ để đánh tan các đoàn quân tham lam và sân hận trên chiến trường si mê của kiếp nhân sinh. Ngài luôn luôn nhắc đi nhắc lại để cho chúng ta thấy rõ rằng giải thoát là một việc mà bất cứ ai nỗ lực thiền tập đều có thể thành đạt ngay trong kiếp sống này chứ không phải là chuyện mơ hồ như thường được nghĩ. Những lời dạy của Ngài Thiền Sư đã được đúc kết trong một khóa giảng dài ba tháng tại Hoa kỳ, được chọn lọc và dịch sang tiếng Anh có tên là in this very life. Sách dạy về thực tập thiền quán: "Ðây là con đường duy nhất để thanh lọc tâm chúng sinh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt trừ khổ thân và khổ tâm, đạt thánh quả và giác ngộ Niết bàn" như đã được Ðức Phật giảng dạy trong kinh Ðại Tứ Niệm Xứ. Lời dạy này là những tiếng sấm rền vang xác quyết về sự khả hữu của việc giác ngộ như những tia chớp sáng loè xóa tan bầu trời đêm mịt mù tăm tối.
Nhận thấy tầm mức quan trọng của cuốn sách này đối với Phật tử và Thiền sinh Việt Nam nên Như Lai Thiền Viện thỉnh cầu Ðại Ðức Khánh Hỷ (Aggasemi Trần Minh Tài) hoàn chỉnh lại những bài soạn dịch mà Ðại Ðức đã đọc vào băng nhựa trước đây để in thành sách. Dầu bận rộn với nhiều Phật sự khác Ðại Ðức đã hoan hỉ nhận lời và đã hoàn mãn công tác một cách nhanh chóng và cẩn trọng. Bản soạn dịch có tựa đề Ngay Trong Kiếp Sống Này với lời văn thật súc tích, rõ ràng và trôi chảy, phản ánh trung thực tinh thần giảng dạy của Ngài Thiền Sư. Ðây là một công trình soạn dịch thật công phu đòi hỏi khả năng thông hiểu giáo lý và kinh nghiệm thực chứng. Ngoài ra Ðại Ðức đã bổ túc nhiều phần mà Ngài thiền Sư đã giảng dạy nhưng không được ghi lại trong bản tiếng Anh. Như Lai Thiền Viện xin được tán thán công đức và chân thành cảm tạ Ðại Ðức đã cho Thiền Viện đặc ân ấn tống cuốn Ngay Trong Kiếp Sống Này. Cầu mong phước báu Ðại Ðức đã vun bồi sẽ là nhân lành hỗ trợ sự viên thành trí tuệ giải thoát của Ðại Ðức trên đường tu tập Giới, Ðịnh, Huệ.
Như Lai Thiền Viện lấy làm vinh dự giới thiệu bản soạn dịch Ngay Trong Kiếp Sống Này đến Thiền Sinh và Phật Tử.
Ban Tu Thư Như Lai Thiền Viện
1215 Lucretia Avenue
San Jose. CA 95122. USA
Tel. (408) 294 4536
Phụ Lục
Bảy Pháp Trợ Bồ Ðề
Chướng Ngại và Pháp Ðối Trị
Tóm Lược Cách Trình Pháp
Bảy Pháp Trợ Bồ Ðề
Trong bản liệt kê sau đây, mỗi giác chi trong thất giác chi hay bảy pháp trợ bồ đề sẽ được phân tích theo ba khía cạnh: Ðặc tính (quan trọng), công năng (khi nó ảnh hưởng đến tâm sở phổ thông) và sự biểu hiện (hay kết quả hiển hiện trong lãnh vực tâm thức). Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) có diễn tả đầy đủ các chi tiết về bảy yếu tố dẫn đến giác ngộ này. Chúng tôi ghi ra đây bản tóm lượt về đặc tính, công năng, sự biểu hiện và nguyên nhân phát sinh theo Kinh tạng và theo chú giải để giúp các thiền sinh phát triển các pháp này trong lúc hành thiền.
1. Chánh Niệm (SATI)
Ðặc tính: Không hời hợt bề mặt
Công năng: Luôn luôn có mặt, giữ đối tượng trong tầm quan sát
Biểu hiện: Ðối mặt với đề mục
Nguyên nhân phát sinh:
Theo Kinh Tạng: Nguyên nhân phát sinh chánh niệm chính là sự chánh niệm.
Theo chú giải: Có bốn nguyên nhân:
1.Chánh niệm và giác tỉnh hay ghi nhớ biết mình
2.Không thân cận với người thất niệm
3.Thân cận với người chánh niệm
4.Hướng tâm vào việc phát triển chánh niệm
2. Trạch Pháp (DHAMMA VICAYA)
Ðặc tính:Trực giác về bản chất của các pháp và Niết Bàn.
Công năng: Phá tan sự đen tối, hắc ám
Biểu hiện: Không lầm lộn, mập mờ
Nguyên nhân phát sinh:
Theo Kinh Tạng: Nguyên nhân phát sinh trạch pháp là tưởng hay tri giác trực tiếp.
Theo chú giải: Có bảy nguyên nhân:
1.Ðặt câu hỏi về giáo pháp và thực hành
2.Sạch sẽ nội và ngoại xứ
3.Quân bình ngũ căn (tín, tấn, niệm, định, huệ)
4.Tránh xa người thiểu trí
5.Thân cận bậc thiện trí
6.Suy tư đến những giáo pháp thâm sâu
7.Hoàn toàn chí tâm (để tâm) vào việc phát triển trạch pháp giác chi
3. Tinh Tấn (VIRIYA)
Ðặc tính: Kiên trì đối diện với đau khổ, khó khăn
Công năng: Nâng đỡ, hỗ trợ tâm sở
Biểu hiện: Tâm cương quyết và dũng mãnh
Nguyên nhân phát sinh:
Theo Kinh Tạng: Nguyên nhân phát sinh tinh tấn là sự chú tâm sáng suốt
Theo chú giải: có mười một nguyên nhân:
1.Suy nghĩ đến sự khổ ở bốn ác đạo
2.Suy nghĩ đến những lợi ích của tinh tấn
3.Suy nghĩ đến những bậc giác ngộ đã đi trên con đường này
4.Nhớ ơn người khác đã giúp đỡ ta
5.Suy tư đến bảy di sản của người cao thượng
6.Suy tưởng đến ân đức và năng lực của Ðức Phật
7.Suy nghĩ đến sự vĩ đại của dòng dõi chúng ta (giáo pháp đã nối kết Ðức Phật, Chư tăng và chúng ta )
8.Suy tưởng đến sự cao quí của bạn đạo, các bậc thầy, các bậc thiện trí
9.Tránh xa người biếng nhác
10.Làm bạn với người siêng năng tinh tấn
11.Kiên trì hướng tâm vào việc phát triển đức tinh tấn
4. Hỉ (PITI)
Ðặc tính: Hân hoan, vui thích và thỏa mãn
Công năng: Làm cho thân tâm nhẹ nhàng và đầy năng lực
Biểu hiện: Cảm giác nhẹ nhàng trong thân
Nguyên nhân phát sinh:
Theo Kinh Tạng: Nguyên nhân phát sinh hỉ là sự chú tâm sáng suốt
Theo chú giải: Có mười một cách làm phát sanh hỉ:
1.Nhớ đến đức hạnh của Phật
2.Suy tưởng đến ân đức Pháp Bảo
3.Suy tưởng đến ân đức Tăng
4.Suy tưởng đến sự trong sạch, thanh tịnh của giới luật chính mình
5.Nhớ đến việc bố thí, giúp đỡ mà mình đã làm
6.Nghĩ đến đức hạnh của chư thiên và phạm thiên
7.Niệm tưởng đến sự an lạc tĩnh lặng hoàn hảo
8.Tránh những người thô lỗ
9.Thân cận người thanh nhã
10.Tụng, đọc hoặc suy tưởng đến nghĩa lý của kinh
11.Hướng tâm vào việc phát triển hỉ
5. Thư Thái Giác Chi (PASSADDHI)
Ðặc tính: Thân tâm an tĩnh, thư thái, không giao động
Công năng: Trấn áp hay đè nén sức nóng của tâm do bất an hay hối hận chi phối
Biểu hiện: Thân tâm không giao động
Nguyên nhân phát sinh:
Theo Kinh Tạng: Nguyên nhân phát sinh thư thái là hướng tâm vào việc phát triển các tâm sở tốt đặc biệt là các tâm qua sự hành thiền có công năng đem lại sự thư thái.
Theo chú giải: Có bảy nguyên nhân:
1.Thực phẩm thích hợp và bổ dưỡng
2.Khí hậu tốt
3.Tư thế thoải mái
4.Duy trì sự quân bình tinh tấn trong khi hành thiền
5.Tránh người nóng nảy
6.Thân cận người an tịnh
7.Hướng tâm vào việc phát triển thư thái giác chi
6. Ðịnh Giác Chi (SAMADHI)
Ðặc tính: Không tán loạn
Công năng: Tâm tập trung
Biểu hiện: An lạc tĩnh lặng
Nguyên nhân phát sinh:
Theo Kinh Tạng: Nguyên nhân phát sinh định là chú tâm sáng suốt nhằm vào việc phát triển định tâm
Theo chú giải: Có mười một nguyên nhân:
1.Sạch sẽ nội ngoại xứ
2.Quân bình tâm (quân bình ngũ căn: tín, tấn, niệm, định, huệ)
3.Thiện xảo trong đề mục định tâm
4.Nâng đỡ tâm khi tâm suy yếu, sa sút
5.An định tâm khi tâm quá phấn chấn
6.Khích lệ tâm bị héo mòn vì đau nhức
7.Liên tục quân bình chánh niệm trong mọi lúc
8.Tránh người không định tỉnh
9.Gần người định tâm
10.Nhớ đến sự bình an tĩnh lặng của sự nhập định
11.Hướng tâm vào việc phát triển định tâm
7. Xả (UPEKKHA)
Ðặc tính: Quân bình các tâm sở đối nghịch
Công năng: Làm đầy những cái thiếu và làm giảm những cái thừa trong ngũ căn (tín, tấn, niệm, định, huệ)
Biểu hiện: Tình trạng dễ dàng và quân bình
Nguyên nhân phát sinh:
Theo Kinh Tạng: Nguyên nhân phát sinh xả là sự chú tâm sáng suốt, nghĩa là tiếp tục chánh niệm hướng tâm vào việc phát triển xả
Theo chú giải: Có năm nguyên nhân:
1.Phải có thái độ xả đối với tất cả chúng sanh, không quá luyến ái hay dính mắc vào ai cả
2.Có thái độ xả đối với vật vô tri, vô giác như tài sản chẳng hạn
3.Tránh người quá luyến ái, thiếu tâm xả
4.Thân cận người không quá luyến ái và thân cận người có tâm xả
5.Hướng tâm vào việc phát triển tâm xả
Chướng Ngại Và Pháp Ðối Trị
Sự định tâm có khả năng đối trị các bất thiện tâm sở. Ðó là những thiền chi của Sơ Thiền (jhana) có khả năng đối trị các chướng ngại.
Có năm thiền chi đối trị các chướng ngại:
1.Tầm (vitakka) : đối trị dã dượi và buồn ngủ (thin middha)
2.Tứ (vicaa) : đối trị hoài nghi (vicikiccha
3.Hỉ (pii) : đối trị sân hận (vyapada)
4.Lạc (sukha): đối trị giao động và hối hận (uddhaccakukkucca)
5.Nhất Tâm (ekagatta): đối trị tham ái (kamacchanda)
Tóm Lược Cách Trình Pháp
1. Tất cả những gì diễn ra trong thời gian hành thiền đều phải được diễn tả tuần tự như sau:
a) Ðối tượng xuất hiện
b) Ghi nhận
c) Quán sát
Hãy trình bày các diễn biến tuần tự trước sau, khởi đầu là đề mục chính, đó là chuyển động phồng xẹp của bụng.
Chẳng hạn như: Khi bụng phồng lên. "Tôi ghi nhận: phồng và quán sát sự căng thẳng, sức ép và sự rung chuyển..." Khi bụng xẹp xuống. "Tôi ghi nhận: xẹp và quán sát sự dãn ra, sự bẹp xuống, sự căng cứng giảm dần."
2. Diễn tả cho biết: bạn đã nhận biết ngay tức khắc đề mục và đã quán sát liên tục đề mục như thế nào?
Chẳng hạn như: "Tôi chỉ nhận biết sự phồng xẹp sau khi chúng đã đi và tôi chỉ nhận biết độ 1 hay 2 phồng xẹp thì bị phóng tâm" hoặc "tôi nhận biết được đề mục ngay khi chúng xảy ra và tôi có thể quán sát liên tục từ hai mươi đến ba mươi phồng xẹp rồi tâm phóng đi nơi khác."
Cần phải diễn tả đề mục chính một cách rõ ràng, đơn giản, chính xác và đầy đủ chi tiết. Sau khi đã trình bày đầy đủ đề mục chính, bạn mới trình bày đề mục phụ mà bạn đã ghi nhận và hiểu biết rõ ràng trong lúc ngồi thiền.
3. Diễn tả đề mục phụ mà bạn đã quán sát, ghi nhận và hiểu biết một cách rõ ràng.
Chẳng hạn như: Cảm giác trên cơ thể: đau, ngứa,... Sự suy nghĩ, liên tưởng, ý kiến, dự tính, hồi tưởng, nhớ chuyện đã qua... hoặc các trạng thái của tâm: giận, buồn, hoan hỉ, vui vẻ, thoải mái, tự hào...
a) Ðề mục xuất hiện: "Ðau nơi đầu gối..."
b) Bạn đã ghi nhận như thế nào? "Tôi ghi nhận: đau, đau"
c) Bạn quán sát cái gì? "Tôi quán sát sự đau nhói"
d) Ðề mục diễn ra như thế nào? "Ðau nhói chuyển sang đau cứng"
e) Tiếp đó bạn làm gì? "Tôi ghi nhận: cứng, cứng"
f) Bạn quán sát gì? "Tôi quán sát sự cứng đang rung chậm
g) Rồi chuyện gì diễn ra? "Khi tôi ghi nhận thì sự đau cứng giảm dần"
h) Tiếp đó bạn làm gì? "Tôi trở về với chuyển động phồng xẹp của bụng"
i) Khi tâm rời khỏi đề mục "Thoạt đầu tôi không nhận biết để ghi nhận, nhưng khi tôi nhận biết mình đang phóng tâm tôi liền ghi nhận phóng tâm. Rồi thì sự phóng tâm biến mất, tôi bèn trở về với chuyển động phồng xẹp của bụng"
Bạn phải trình bày toàn thể tiến trình của mỗi đề mục phụ.
4. Sau khi trình bày về việc ngồi thiền bạn phải trình với thiền sư về việc đi kinh hành. Trước tiên phải diễn tả đề mục chính của sự đi: dở, bước, đạp.
Chẳng hạn như:
Trong khi đi, lúc chân dở lên tôi ghi nhận dở, và quán sát như thế này, thế này...
Trong khi bước, tôi ghi nhận bước, và quán sát như thế này, thế này...
Trong khi đạp chân xuống, tôi ghi nhận đạp, và quán sát như thế này, thế này...
Tôi theo dõi và ghi nhận liên tục từ mười đến mười lăm phút thì tâm bị phóng đi.
Hoặc là: Tôi bị phóng tâm bởi hình ảnh hay tiếng động
Bạn phải trình bày toàn thể tiến trình của mỗi đề mục phụ trong khi đi:
a) Khi bị phóng tâm, tôi ghi nhận được ngay.
b) Khi ghi nhận phóng tâm, thì sự suy nghĩ biến mất dần và
c) biến mất. Tôi bèn quán sát dở, bước đạp trở lại.
Cách trình bày những kinh nghiệm trong lúc hành thiền này giúp ích rất nhiều cho thiền sinh. Nó hướng tâm thiền sinh theo dõi khắn khít trên các diễn biến của thân-tâm.
Bất kỳ những gì bạn kinh nghiệm được trong lúc hành thiền đều phải được trình bày với thiền sư dầu đó là trạng thái hoan hỉ của tâm định, những cảm xúc, cảm giác khó chịu, hay những chướng ngại to lớn đi nữa. Lợi ích lớn lao nhất của lối trình pháp này là giúp bạn chú tâm trực tiếp trên những diễn biến trong lúc hành thiền chứ không để tâm lạc khỏi đề mục, suy nghĩ đến những gì đang xảy ra. Phương pháp này giúp cho việc trình pháp được dễ dàng, giúp cho chánh niệm mạnh mẽ và khiến thiền sinh có sự hiểu biết rõ ràng chính xác trong lúc hành thiền.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét