Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

SÁCH : NGAY TRONG KIẾP SỐNG NÀY: CHƯƠNG I - GIỚI LUẬT CĂN BẢN VÀ HƯỚNG DẪN HÀNH THIỀN


CHƯƠNG I

Giới Luật Căn Bản và Hướng Dẫn Cách Hành Thiền

oOo

Không phải chúng ta hành thiền để được người khác mến phục, kính nể nhưng để đóng góp vào sự bình an của thế giới. Chúng ta làm theo những lời dạy của Ðức Phật và tuân theo những lời chỉ dẫn của các thiền sư, đủ thẩm quyền và đáng tin cậy, để có thể đạt được sự thanh tịnh trong sạch như Chư Phật. Sau khi có được sự thanh tịnh trong chính mình, chúng ta có thể khích lệ và chia xẻ giáo pháp hay chân lý này với người khác.

Những lời dạy của Ðức Phật có thể tóm tắt trong ba phần: Giới, ÐịnhHuệ.

Giới được nói đến trước vì giới là căn bản hay là nền tảng của Ðịnh và Huệ. Không có giới thì không thể nào có bước kế tiếp là phát triển Ðịnh và Huệ. Ðối với cư sĩ, giới căn bản là ngũ giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống rượu và các chất say. Giới luật thanh tịnh sẽ giúp chúng ta tiến bộ dễ dàng trong việc thực hành thiền.

Lẽ Phải Căn Bản Của Con Người

Giới luật không phải là những giáo điều được Ðức Phật áp đặt buộc chúng ta phải tuân theo. Giới luật cũng không phải chỉ giới hạn trong những lời dạy của Ðức Phật mà phát xuất từ lương tri hay là lẽ phải căn bản của con người. Chẳng hạn, khi chúng ta bị sân hận chế ngự và muốn làm hại kẻ khác thì chúng ta nên đặt mình vào hoàn cảnh của người và thành thật nghĩ đến những hành động mà chúng ta sắp đặt hay trù định làm thì chúng ta sẽ nhanh chóng có câu trả lời: "Không, ta không muốn ai làm hại ta như thế. Ðó là một việc làm dã man và bất công". Khi dự định làm một việc gì, nếu ta chịu khó chiêm nghiệm trước khi làm và đặt mình vào hoàn cảnh của người thì ta có thể tránh được những hành động sai lầm.

Trong cách này, giới luật có thể được xem là sự thể hiện lương tri hay là lẽ phải căn bản của một người đối với một người khác. Khi đặt mình vào hoàn cảnh của người, ta sẽ cảm nhận được sự đau khổ của một nạn nhân khi bị kẻ khác làm hại. Giữ gìn giới luật trong sạch là thể hiện tình thương và mối quan tâm của mình đối với người khác. Không những tránh làm hại kẻ khác, chúng ta còn phải tránh nói lời không thật, nói lời chia rẽ, mắng nhiếc hay hạ nhục người khác hoặc nói những lời vô ích, mất thời giờ quí báu. Khi thu thúc hành động nóng nẩy và lời nói giận dữ thì những thô tướng bất thiện của tâm sở có thể dần dần bớt hiện khởi hay ít nhất cũng yếu dần đi và ít xuất hiện thường xuyên.

Dĩ nhiên, nóng giận không phải là nguyên nhân độc nhất khiến ta làm hại kẻ khác. Tham lam khiến ta cố gắng chiếm giữ một vật nào đó không phải là của mình một cách bất hợp pháp, vô đạo đức. Ái dục cũng khiến ta dính mắc vào vợ hay chồng của người khác.

Một lần nữa, trước khi làm điều gì nếu bình tâm suy nghĩ thì chúng ta sẽ cố gắng thu thúc thân tâm không để cho tham ái bùng khởi.

Chỉ một chút rượu và chất say cũng làm cho chúng ta mất trí tuệ, dễ dàng bị dao động bởi các thô tướng của tham và sân. Nhiều người bào chữa cho việc uống rượu và dùng chất say, cho rằng chúng chẳng có gì là xấu. Nhưng thật ra, rượu và chất say rất nguy hiểm; chúng khiến một người thiện lương làm những hành vi bất thiện. Uống rượu và chất say mở cửa cho nhiều vấn đề: nói không suy nghĩ, trở nên hung tợn giận dữ, hành động bất cẩn có thể tổn hại đến tánh mạng mình hay người khác. Thật vậy, khó mà lường được những gì người say có thể làm. Tránh xa dùng rượu và chất say là cách bảo vệ cho chính mình và cho những người khác.

Ða số thiền sinh nguyện giữ tám giới hay mười giới, và các vị tỳ khưu phải giữ hai trăm hai mươi bảy giới.

Những Yếu Tố Hỗ Trợ Cho Việc Hành Thiền

Trong một khóa thiền, thiền sinh cần phải thay đổi một số thái độ để hỗ trợ cho việc hành thiền tích cực. Trong khóa thiền, giữ yên lặng là một cách biểu hiện của chánh ngữ. Thiền sinh cũng phải giữ hạnh độc thân, tiết chế trong việc ăn uống để khỏi uể oải buồn ngủ và để làm suy giảm sự tham ăn. Ðức Phật khuyên chúng ta không nên ăn từ mười hai giờ trưa đến sáng hôm sau. Khi hành thiền có kết quả, ta sẽ thấy giáo pháp có hương vị tuyệt hảo hơn mọi hương vị trên thế gian này.

Sạch sẽ gọn gàng cũng là một đức tính khác giúp cho trí tuệ phát triển.

1. Sạch sẽ bên trong: Thân thể cần phải tắm rửa sạch sẽ, tóc tai phải cắt, bới gọn gàng, móng tay nên cắt ngắn, và giữ gìn đừng cho bón uất.
2. Sạch sẽ bên ngoài: áo quần, phòng ốc phải được sắp xếp ngăn nắp và sạch sẽ, vệ sinh.

Những đức tánh gọn gàng sạch sẽ trên sẽ giúp cho tâm an tịnh trong sáng. Tuy nhiên, cũng đừng quá dính mắc vào sự gọn gàng sạch sẽ này. Ðừng biến nó thành một ám ảnh khiến bạn bị phân tâm trong lúc hành thiền. Trong các khóa thiền cũng không nên trang sức, thoa dầu thơm, trang điểm v.v...

Thực ra, trên thế gian này, không món trang sức nào quí báu hơn giới đức; không chỗ ẩn trú nào mà an toàn hơn giới đức; không một nơi nào thuận lợi hơn để cho trí tuệ nở hoa bằng khu đất giới đức. Giới đức không phải là sự đẹp đẽ tô trét bên ngoài như lớp tường vôi bao phủ những viên gạch loang lỗ tàng ẩn bên trong, nhưng là những đức tính cao quí phát xuất từ phần sâu kín trong tâm hồn chiếu rạng ra toàn thể con người. Ðây là loại trang điểm thích hợp cho mọi hạng người, mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh và mọi mùa, không bao giờ bị lỗi thời. Thế nên hãy giữ gìn giới luật trong sạch để tạo cho mình một loại trang sức tươi mát và đẹp đẽ.

Tuy thế, dầu cho giới luật thể hiện qua hành động và lời nói có được tốt đẹp đến đâu đi nữa, cũng không đủ khả năng để đào luyện tâm. Phương cách cần thiết để giúp cho tâm trưởng thành, thấy rõ bản chất thật sự của cuộc sống và đưa tâm đến một mức hiểu biết thâm sâu chẳng có gì khác hơn là sự hành thiền.

Chỉ dẫn cách hành thiền

Những nơi tốt nhất để hành thiền, theo lời chỉ dẫn của Ðức Phật, là trong khu rừng, dưới cội cây hay một nơi vắng vẻ yên tịnh. Thiền sinh phải ngồi kiết già một cách an tịnh và tĩnh lặng. Nếu ngồi kiết già quá khó khăn, có thể ngồi cách nào cũng được. Những ai đau lưng trầm trọng có thể ngồi ghế dựa. Muốn tâm yên tịnh thì thân phải yên tịnh, vì thế, thiền sinh cần phải chọn lối ngồi thích hợp với mình để có thể ngồi lâu một cách thoải mái.

Lúc ngồi, phải giữ lưng ngay ngắn, thẳng góc với mặt đất, nhưng không cứng ngắt. Ngồi thẳng thì trông dễ coi. Khi ngồi thẳng thì xương sống không bị cong giúp chúng ta có thể ngồi lâu. Hơn nữa, tinh tấn thể chất để giữ thân ngồi thẳng mà không cần một sự hỗ trợ nào sẽ tạo năng lực cho việc hành thiền.

Nhắm mắt lại. Ðặt tâm ở bụng. Thở bình thường, đừng cố gắng thở mạnh, thở nhanh hay thở chậm. Cứ để hơi thở tự nhiên. Bạn sẽ thấy được những cảm giác bên trong khi bụng chuyển động lên xuống. Hãy chú tâm vào mọi tiến trình của các chuyển động phồng xẹp này. Hãy theo dõi các cảm giác từ lúc bụng bắt đầu phồng, kéo dài và chấm dứt. Cũng vậy, hãy chú tâm vào chuyển động xẹp: đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối.

Theo dõi chuyển động đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, không có nghĩa là chỉ theo dõi ba thời điểm, mà phải theo dõi các tiến trình chuyển động một cách liên tục từ đầu đến cuối. Hãy chú tâm một cách tự nhiên, thoải mái. Ðừng quá chăm chú vào các cảm giác của bụng. Ðừng cố tìm xem sự phồng xẹp khởi đầu và chấm dứt như thế nào.

Trong việc hành thiền, điều quan trọng là phải có sự tinh tấn và sự hướng tâm chính xác vào đối tượng để tâm tiếp xúc với cảm giác một cách trực tiếp và đầy năng lực. Ðể hỗ trợ cho việc tập trung tâm ý vào đề mục một cách mạnh mẽ, chính xác, bạn có thể niệm thầm phồng, phồng, phồng hay xẹp, xẹp, xẹp khi quan sát chuyển động của bụng.

Trở Về Ðề Mục Chính Sau Khi Phóng Tâm

Khi tâm bắt đầu vọng động, rời khỏi đề mục mà suy nghĩ đến chuyện khác thì ngay lúc ấy phải quan sát tâm, ý thức rằng mình đang suy nghĩ. Và để xác nhận rõ ràng tâm đang vọng động, bạn phải niệm thầm suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ rồi trở về lại với chuyển động của bụng.

Mọi hiện tượng diễn ra ở sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm cũng phải được quan sát một cách chánh niệm. Dù cho nỗ lực tinh tấn, nhưng không ai có thể luôn luôn và hoàn toàn để tâm trên đề mục phồng xẹp được. Các đề mục khác sẽ khởi dậy và nổi bật lên hay chiếm ưu thế. Hình sắc, âm thanh, mùi vị, sự động chạm và những đối tượng của tâm như: hình ảnh hiện ra trong tâm do tưởng tượng, cảm xúc... Tất cả những thứ ấy bao quanh đề mục thiền của chúng ta và chờ cơ hội nhảy vào. Mỗi khi những đối tượng này xuất hiện, bạn phải ghi nhận tức khắc, hoặc nhẹ nhàng niệm thầm, rồi trở về ngay với đề mục chính.

Trong trường hợp có các đề mục phụ chen vào, nhưng đề mục phồng xẹp vẫn rõ ràng hơn thì chỉ niệm phồng xẹp mà đừng quan tâm gì đến chúng. Nhưng khi một trong những đối tượng này quá mạnh khiến tâm của bạn không thể nằm trên đề mục chính mà tự động nhảy qua đối tượng phụ này thì bạn hãy ghi nhận sự phóng tâm hay niệm thầm "phóng tâm, phóng tâm, phóng tâm", rồi trở về đề mục chính. Chẳng hạn, đang chú tâm vào sự phồng xẹp bỗng nhiên một tiếng động mạnh khởi lên át hẳn đề mục phồng xẹp. Hãy chú tâm ghi nhận nghe, nghe, nghe, rồi trở về đề mục chính. Nếu tiếng động vẫn còn lấn áp không thể đưa tâm về bụng thì hãy chú tâm vào tiếng động cho đến khi chúng không còn lấn át nữa, rồi trở về với đề mục chính.

Khi niệm thầm, không cần phải dùng câu dài hay đầy đủ, chỉ cần một vài chữ đơn giản là được. Ví dụ như nghe, nghe, nghe; thấy, thấy, thấy; ngửi, ngửi, ngửi, v.v... Ðối với các cảm giác của cơ thể, ta niệm ấm, ấm, ấm; ép, ép, ép; cứng, cứng, cứng; chuyển động, chuyển động, chuyển động, v.v... Các đối tượng của tâm thì có rất nhiều và chúng thường nằm dưới các dạng rõ ràng như là suy nghĩ, tưởng tượng, nhớ, tính toán và liên tưởng.

Cần nhớ rõ là sự niệm thầm chỉ nhằm giúp chúng ta chú tâm vào đối tượng, đừng dính mắc vào danh từ. Niệm thầm giúp cho thiền sinh thấy rõ những tính chất riêng biệt của mỗi kinh nghiệm thiền tập mà không bị cuốn hút vào nội dung của nó đồng thời giúp phát triển những năng lực tinh thần và sự tập trung tâm ý. Chúng ta chánh niệm trên hiện tượng chớ không phải chú tâm vào danh từ. Khi sự niệm thầm trở thành một trở ngại hơn là một phương tiện giúp cho sự chú tâm thì chỉ cần ghi nhận chánh niệm mà không niệm thầm nữa.

Mục đích của thiền quán là giúp đạt được một sự hay biết rõ ràng, trong sáng, chính xác và thâm sâu về những gì đang xảy ra trong thân và tâm. Bản chất thực sự của các hiện tượng tâm vật lý, ý nghĩa thực sự của cuộc đời sẽ hiển lộ nhờ vào những kinh nghiệm trực tiếp này.

Không phải sau mỗi giờ ngồi thiền là việc hành thiền chấm dứt. Phải tiếp tục hành trì suốt ngày. Trước khi đứng dậy, hãy ghi nhận chánh niệm. Khởi đầu là ghi nhận ý muốn mở mắt: muốn, muốn, muốn; mở mắt, mở mắt, mở mắt. Ghi nhận ý định mở mắt và cảm nhận cảm giác đang mở mắt. Tiếp tục ghi nhận cẩn thận và chính xác với đầy đủ năng lực quan sát trên các chuyển động thay đổi tư thế cho đến khi bạn đã hoàn toàn đứng dậy và bắt đầu đi. Suốt ngày phải luôn luôn chánh niệm, ghi nhận tất cả mọi tác động như: duỗi tay, co tay, cầm muỗng, thay áo, đánh răng, đóng cửa, mở cửa, mở mắt, ăn, uống, v.v...

Ngoại trừ lúc ngủ, khi nào bạn cũng phải chánh niệm tỉnh giác ghi nhận. Thực ra, đây không phải là việc khó làm hay nặng nhọc gì. Chỉ ngồi, đi và quan sát những gì xảy ra thôi.


Thiền hành


Trong khóa thiền, các bạn sẽ được ngồi thiền và kinh hành xen kẽ nhau. Cứ một giờ ngồi thiền, lại một giờ kinh hành. Một giờ là tiêu chuẩn căn bản, nhưng bốn mươi lăm phút cũng được. Chọn một chỗ đi khoảng hai mươi bước rồi đi tới, đi lui chậm rãi trên đó.

Trong sinh hoạt hằng ngày, thiền hành cũng hỗ trợ đắc lực. Một thời gian ngắn chừng mười lăm phút kinh hành trước khi ngồi thiền giúp bạn tập trung tâm ý dễ dàng. Chánh niệm được khai triển trong lúc kinh hành rất ích lợi cho chúng ta vì trong lúc làm việc hàng ngày chúng ta cũng thường đi từ nơi này đến nơi khác. Ðây là cơ hội để chúng ta luyện tâm.

Thiền hành hỗ trợ cho sự tỉnh thức chánh niệm được quân bình, chính xác và giúp cho sự tập trung tâm ý lâu dài. Thiền sinh có thể quan sát một cách sâu xa các khía cạnh của thân tâm trong khi thiền hành và có thể giải thoát ngay trong khi đi kinh hành. Thiền sinh không chịu đi kinh hành trước khi ngồi thì chẳng khác nào một chiếc xe hơi hết bình điện. Thiền sinh ấy sẽ gặp khó khăn trong việc khởi động máy chánh niệm vào lúc ngồi.

Thiền hành bao gồm sự chú tâm vào tiến trình đi. Nếu bạn đi hơi nhanh, hãy ghi nhận trái phải, trái phải, trái phải và tỉnh thức theo dõi cảm giác đang diễn tiến nơi chân. Nếu bạn đi chậm hơn, hãy ghi nhận dở, bước, đạp. Dầu theo dõi "trái, phải" hay "dở, bước, đạp", bạn cũng phải cố gắng chú tâm vào cảm giác diễn ra trong khi đi và chỉ chú tâm vào những cảm giác này thôi. Hãy ghi nhận tiến trình xảy ra khi bạn đứng lại ở cuối lối kinh hành, khi bạn quay và bắt đầu bước trở lại. Ðừng nhìn theo chân mình, chỉ theo dõi cảm giác bên trong chân. Việc chính của bạn là chú tâm vào cảm giác mà cảm giác thì không có hình ảnh; bởi vậy đừng giữ hình ảnh của chân trong tâm khi theo dõi cảm giác. Nhiều người đã khám ra nhiều sự kỳ lạ và lý thú khi nhìn thấy được những yếu tố thuần tịnh về vật chất (sắc) như: nặng, nhẹ, nóng, lạnh, v.v... mà không có một ý niệm nào về hình dáng, tư thế hay tướng trạng của thân.

Thông thường chúng ta chia động tác của một bước đi ra làm 'dở, bước, đạp'. Và để hỗ trợ cho việc chánh niệm một cách chính xác, chúng ta chia chuyển động ra làm ba thời kỳ và niệm thầm sự khởi đầu của mỗi chuyển động nhỏ này đồng thời theo dõi các cảm giác và diễn biến bên trong mỗi chuyển động đó. Một điểm nhỏ nhưng quan trọng là bạn nên bắt đầu ghi nhận "chuyển động đặt chân xuống" ngay vào lúc chân bắt đầu hạ thấp.

Khám Phá Mới Về Cảm Giác

Chúng ta hãy xét đến thế giới mới trong cảm giác. Bây giờ nói đến sự dở. Chúng ta biết "dở" là một danh từ chế định. Khi hành thiền, chúng ta phải bước qua sự chế định để hiểu rõ bản chất thật sự của toàn thể tiến trình "dở", bắt đầu hiểu rõ ý định dở chân và tiếp tục là các tiến trình khác gồm nhiều cảm giác trong đó.

Sự tinh tấn ghi nhận dở chân đừng vượt quá cảm giác mà xa hẳn mục tiêu, cũng đừng quá yếu kém mà không với đến mục tiêu. Phải hướng tâm vào đề mục một cách chính xác. Khi tâm được hướng vào đề mục một cách chính xác thì sự tinh tấn sẽ được quân bình. Nói cách khác, chánh tư duy hay chánh hướng tâm sẽ giúp tinh tấn quân bình. Khi tinh tấn quân bình và tâm hướng vào mục tiêu một cách chính xác thì chánh niệm sẽ tự ổn cố trên đề mục quan sát. Chỉ khi nào ba yếu tố tinh tấn, tâm hướng vào mục tiêu hay chánh tư duy và chánh niệm có mặt thì sự định tâm mới phát triển. Ðịnh tâm là tâm tập trung vào một điểm. Tính chất của định tâm là giữ tâm khỏi bị tán loạn và tản mát.

Ðến gần hơn tiến trình của sự dở, chúng ta sẽ thấy nó giống như một đàn kiến nối đuôi nhau bò trên tường. Từ đằng xa, ta chỉ thấy sợi dây bất động nằm trên tường. Nhưng đến gần hơn, ta thấy sợi dây nhúc nhích và chuyển động. Và đứng gần hơn nữa, ta thấy sợi dây là những con kiến riêng rẽ bò theo nhau thành một đường dài. Từ đó, ta thấy ý niệm về một sợi dây của chúng ta chỉ là một ảo tưởng. Bây giờ ta thấy rõ từng con kiến một, chúng nối đuôi nhau bò. Cũng vậy, khi nhìn kỹ và chính xác vào tiến trình dở chân từ lúc đầu đến lúc cuối thì các yếu tố, hay các đặc tính của tâm, gọi là "minh sát", sẽ tiến gần hơn đến đối tượng được quan sát. Minh sát càng đến gần bao nhiêu thì bản chất thật sự của tiến trình dở càng được nhận thấy rõ bấy nhiêu. Tâm của con người ta thật kỳ diệu. Khi tuệ minh sát phát khởi và mạnh dần nhờ thiền minh sát thì những khía cạnh đặc biệt của chân lý dần dần và tuần tự xuất hiện. Sự xuất hiện tuần tự của trí tuệ này gọi là các tuệ minh sát hay tuệ giác.

Tuệ giác đầu tiên là thiền sinh bắt đầu hiểu được, không phải do đọc sách hay suy nghĩ mà do trực giác, rằng tiến trình của sự dở là tổng hợp của hai hiện tượng thân và tâm cùng xảy ra song song với nhau. Sự chuyển động của thân là hiện tượng vật chất và sự nhận biết là tiến trình của tâm. Cả hai liên kết nhau nhưng tính chất thì hoàn toàn khác biệt. Thiền sinh bắt đầu thấy toàn thể các hiện tượng tâm (danh) và tất cả các cảm giác diễn biến trên thân (sắc). Thiền sinh lại thấy rõ ràng nữa rằng tâm là nhân và thân là quả. Ví dụ: khi có ý định dở chân thì cơ thể mới chuyển động được (ý định giở chân là nhân và cơ thể chuyển động là quả). Và thiền sinh lại thấy thân là nhân và tâm là quả. Ví dụ: khi thân cảm thấy nóng, khiến tâm muốn đi tìm chỗ có bóng mát để nghỉ (thân cảm thấy nóng là nhân và tâm muốn đi tìm chỗ có bóng mát là quả). Sự trực nhận hay tuệ giác về nhân quả có muôn hình vạn trạng và khi tuệ giác này phát khởi thì cái nhìn của chúng ta về cuộc đời sẽ trở nên đơn giản hơn lúc trước. Cuộc sống của chúng ta không có gì khác hơn là một chuỗi dài nhân quả của thân và tâm. Ðây là tuệ giác thứ hai mà thiền sinh trực nhận được.

Khi định tâm phát triển, thiền sinh sẽ thấy rõ và sâu hơn rằng những hiện tượng trong tiến trình dở chân là vô thường, phi ngã, sinh ra rồi diệt đi theo một tốc độ nhanh chóng không lường được. Ðây là tuệ giác tiếp theo mà thiền sinh có được nhờ sự tập trung tâm ý cao. ở tầng mức này thiền sinh có thể thấy được trực tiếp rõ ràng bản chất thực sự của thân và tâm. Hiện tượng sinh diệt là một tiến trình tự nhiên diễn ra theo luật nhân quả chẳng có một tác nhân nào xen vào cả. Chúng ta thấy các hiện tượng có vẻ liên tục, chẳng qua chỉ là ảo tưởng. Sự liên tục của hiện tượng thật ra chỉ là một chuỗi dài các tiến trình sinh diệt nối tiếp nhau như một cuốn phim chiếu trên màn ảnh. Chúng ta thấy hình ảnh chuyển động liên tục giống như thật; nhưng nếu quay chậm lại, chúng ta sẽ thấy rõ từng diễn biến một, sẽ thấy các hình ảnh rời rạc, đứt đoạn, nối tiếp nhau chạy qua ống kính.

Ðạo Hiển Lộ Trong Lúc Kinh Hành

Khi thiền sinh thật chánh niệm trong mỗi tiến trình dở chân, nghĩa là khi tâm dính chặt vào chuyển động một cách chánh niệm, thấy rõ bản chất thật sự của những gì xảy ra vào lúc đó, đạo giải thoát sẽ rộng mở. Bát Chánh Ðạo còn được gọi là Trung Ðạo bao gồm tám yếu tố: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy (hay Chánh Hướng Tâm), Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh. Vào mỗi giây phút chánh niệm mạnh mẽ, năm trong tám chi đạo sẽ có mặt. Ðó là: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh, Chánh Hướng Tâm và khi bắt đầu có trí tuệ, thấy rõ bản chất thật sự của các hiện tượng giới thì Chánh Kiến phát khởi. Vào lúc năm yếu tố của Bát Chánh Ðạo có mặt, tâm hoàn toàn thoát khỏi mọi phiền não và lúc đó nếu chúng ta sử dụng tâm trong sạch ấy để quán thấu vào bản chất tự nhiên của các hiện tượng thì chúng ta sẽ thoát khỏi mọi ảo tưởng hay mê lầm về một cái ta. Chúng ta chỉ còn thấy một hiện tượng đến và đi đơn thuần. Khi ta đã có tuệ giác thấy được hiện tượng nhân quả, thấy được sự tương quan của danh và sắc, chúng ta sẽ không còn có quan niệm sai lầm về bản chất của các hiện tượng. Khi thấy rõ rằng mọi đối tượng chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc, chúng ta sẽ không còn có ảo tưởng về sự trường tồn bất biến, không còn ảo tưởng về sự liên tục. Khi hiểu rõ vô thường và sự bất toại nguyện ẩn tàng trong đó thì ta không còn ảo tưởng sai lầm rằng thân và tâm không đau khổ.

Sự thấy rõ trực tiếp đặc tính phi ngã giúp chúng ta thoát khỏi cống cao ngã mạn và không còn có sự hiểu biết sai lầm rằng chúng ta có một cái ngã. Khi thận trọng quan sát tiến trình dở, thấy thân và tâm là bản chất của đau khổ và bất toại nguyện, thì ta thoát khỏi tham ái. Ba trạng thái tâm ngã mạn, tà kiến và tham ái gọi là 'pháp trường tồn' vì chúng giữ chúng ta trong luân hồi, trong vòng tham ái và khổ đau do nguyên nhân là không hiểu biết chân đế hay sự thật tuyệt đối. Thận trọng chú tâm trong việc kinh hành sẽ phá vỡ được 'pháp trường tồn' này và đưa chúng ta đến gần giải thoát. Như vậy chỉ trong một cái 'dở chân' thôi mà bạn đã thấy được biết bao điều kỳ diệu. Khi chú ý vào sự bước hay đạp, bạn cũng thấy những điều kỳ diệu không kém.

Những chi tiết được đào sâu trong phần thiền hành này cũng được áp dụng để ghi nhận chuyển động của bụng khi ngồi và tất cả mọi tác động khác.

Lợi ích Của Sự Ði Kinh Hành

Ðức Phật dạy năm lợi ích của kinh hành:

1. Người đi kinh hành sẽ có sức chịu đựng bền bỉ để đi đường xa. Ðây là điều quan trọng vào thời kỳ của Ðức Phật vì thời bấy giờ, tỳ khưu và tỳ khưu ni không có phương tiện đi lại mà chỉ đi bộ. Là một thiền sinh của thời đại này với đầy đủ tiện nghi vật chất, bạn không còn đi bộ như các nhà sư thời xưa. Bạn có thể nghĩ đến lợi ích thứ nhất này một cách đơn giản là nó giúp bạn có sức mạnh thể chất.

2. Người đi kinh hành sẽ có sự chịu đựng bền bỉ trong khi hành thiền. Trong khi đi kinh hành thiền sinh buộc phải cố gắng gấp đôi sự tinh tấn của mình vì ngoài sự cố gắng thể chất để dở chân lên, thiền sinh còn cần có nỗ lực tinh thần để chánh niệm vào sự chuyển động, mà đây là yếu tố chánh tinh tấn trong Bát Chánh Ðạo. Nếu sự tinh tấn gấp đôi này được duy trì trong suốt chuyển động dở, bước, đạp, sức mạnh và sự bền bỉ của tâm tinh tấn sẽ được tăng cường, và đây là điều quan trọng vì tâm tinh tấn là yếu tố chủ yếu trong pháp hành Thiền Minh Sát.

3. Sự quân bình giữa đi và ngồi giúp có sức khỏe tốt. Sức khoẻ tốt khiến thiền sinh tiến nhanh trong việc hành thiền. Rõ ràng là lúc bệnh hoạn ốm đau thì rất khó hành thiền. Ngồi quá nhiều thì cơ thể đau và mệt mỏi. Sự thay đổi tư thế và chuyển động trong khi đi phục hoạt bắp thịt (làm cho bắp thịt hoạt động trở lại) và kích thích máu lưu thông điều hòa giúp ngăn ngừa bệnh tật.

4. Thiền hành cũng giúp cho sự tiêu hóa được dễ dàng. Việc tiêu hóa khó khăn sẽ đem lại nhiều bực dọc khó chịu và có thể khiến cho ta bần thần uể oải, thiếu sự thoải mái. Và đây là một trở ngại trong việc hành thiền. Kinh hành giúp cho sự bài tiết được dễ dàng, giảm thiểu dã dượi buồn ngủ. Sau khi ăn và trước khi ngồi, nếu đi kinh hành một cách chánh niệm thì sẽ tránh được uể oải buồn ngủ và làm gia tăng đức tinh tấn, một đức tính quan trọng trong việc hành thiền. Ði kinh hành ngay khi thức dậy vào buổi sáng cũng là một cách thiết lập chánh niệm, tránh ngủ gục ngay trong giờ ngồi đầu tiên trong ngày.

5. Kinh hành tạo nên một sự định tâm bền vững. Khi chú ý tập trung vào mỗi tác động lúc đi kinh hành thì sự định tâm sẽ trở nên liên tục, mỗi bước đi tạo nên một căn bản vững chắc cho việc ngồi thiền tiếp theo, và giúp cho tâm trụ trên đề mục từng thời khắc một. Cuối cùng, sẽ nhận chân được thực tướng của mọi vật ở tầng mức cao thâm nhất. Ðó là lý do tại sao chúng ta so sánh sự kinh hành với bình điện của một chiếc xe. Nếu xe để lâu không chạy thì bình điện sẽ yếu và mất hẳn điện. Một thiền sinh không đi kinh hành sẽ khó đạt được kết quả trong lúc ngồi thiền. Nếu đi kinh hành đều đặn và tinh tấn thì lúc ngồi, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh mạnh mẽ sẽ tự động đến.

Hy vọng các bạn sẽ hành thiền một cách tinh tấn và đạt được kết quả hoàn toàn. Cầu mong các bạn giữ gìn giới luật trong sạch: trong sạch trong lời nói, trong sạch trong hành động. Ðó là những điều căn bản thiết yếu để phát triển định và huệ. Mong bạn thận trọng thực hành theo những điều hướng dẫn về hành thiền trên đây. Ghi nhận thật chính xác và chánh niệm trong từng phút giây các hiện tượng xảy ra để có thể trực nhận được thực tướng của các pháp. Cầu mong các bạn thấy rõ danh sắc, sự hỗ tương nhân quả, và đặc tính vô thường, khổ, vô ngã của chúng, để cuối cùng trực nhận cứu cánh tối hậu Niết Bàn trạng thái vô điều kiện, chấm dứt nhân quả và nhổ tận gốc rễ phiền não ngay trong kiếp hiện tại này.

Cách Trình Pháp

Dầu cho có được hướng dẫn kỹ càng cách hành thiền, thiền sinh vẫn chưa hành thiền đúng, cũng như chưa biết cách trình bày kinh nghiệm của mình cho thiền sư. Một số thiền sinh hành thiền rất khá nhưng lại không biết cách diễn đạt việc hành thiền của mình và những kinh nghiệm mà mình gặt hái được. Mục đích của bài này là để giúp thiền sinh trình bày đúng những gì mình đã quán sát được trong lúc hành thiền: Quán sát cái gì và đã kinh nghiệm ra sao?

Hành thiền minh sát chẳng khác nào trồng cây. Trước tiên chúng ta cần phải có hạt giống, đó là Chánh Niệm, để quan sát các hiện tượng đang xảy ra một cách đầy đủ và rõ ràng. Muốn cho hạt giống nẩy mầm, trở thành cây con, rồi trưởng thành đơm hoa kết trái trí tuệ chúng ta cần phải có những điều kiện khác được gọi là năm yếu tố bảo vệ (Panca-nuggahita):

1. Phải làm hàng rào để ngăn chặn những loài thú lớn nhỏ có thể làm hại cây, đó là Giới. Giới là yếu tố bảo vệ căn bản (Sila nuggahita). Giới ngăn ngừa, giúp ta không có những hành vi và ngôn ngữ bất chánh làm giao động tâm, ngăn trở Ðịnh và Huệ phát sinh.

2. Phải tưới nước để hạt giống dễ nẩy mầm. Nghĩa là phải nghe pháp, đọc kinh sách, tìm hiểu giáo lý (Suta-nuggahita). Sau đó áp dụng những hiểu biết của mình vào thực hành. Không tưới nước quá nhiều làm thối mầm cây. Nghĩa là chỉ cần vừa đủ giáo lý để hiểu rõ phương pháp hành thiền. Ðừng để mình lúng túng, hoang mang lạc lối trong rừng ngôn từ ước định của kinh điển. Nhưng cũng đừng để hạt giống thiếu nước không thể nẩy mầm. Nghĩa là không hành thiền một cách mê muội, chẳng biết gì đến phương pháp.

3. Phải vun phân tỉa lá, tỉa cành. Nghĩa là phải trình pháp với thiền sư để thiền sư biết được kinh nghiệm của mình hầu nhận được những điều chỉ dẫn cần thiết (Sakaccha-nuggahita). Trong khi trình pháp, thiền sư sẽ tùy theo kinh nghiệm của từng người mà có những điều chỉ dẫn thích hợp, tuần tự hướng dẫn thiền sinh đi những bước vững chắc trên đường hành đạo.

4. Phải bắt sâu, làm cỏ. Nghĩa là có sự tập trung tâm ý vào đề mục để có định lực (Samatha-nuggahita) hầu gạt bỏ những tâm niệm bất thiện. Trong lúc hành thiền, ta phải cố gắng tập trung tâm ý vào đề mục và tỉnh thức để nhận diện những gì đang xảy ra ở sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm). Khi tâm có định lực sắc bén với sự hỗ trợ của tinh tấn thì tham sân si sẽ không có cơ hội dấy động.

5. Nếu có được bốn yếu tố bảo vệ đầu tiên thì yếu tố thứ năm sẽ ra hoa kết trái trí tuệ (Vipassana-nuggahita). Thế nhưng thiền sinh thường dễ bị dính mắc vào những tuệ giác đầu tiên hay những kinh nghiệm đặc biệt hoặc kỳ diệu do tâm định đưa đến. Sự dính mắc này là một trở ngại khiến thiền sinh không thể tiến xa hơn và sâu hơn đến những tuệ giác kế tiếp. Thiền sinh nên tinh tấn hành thiền một cách liên tục không dừng lại để nhàn du hưởng thụ những lạc thú do kết quả của việc hành thiền đem lại. Tham luyến vào những lạc thú tạm bợ đó là một trở ngại lớn lao trong đường tu tập. Những lạc thú nhẹ nhàng này có tên là Nikanti Tanha, là một loại ái dục vi tế, linh hoạt và nhẹ nhàng như một mạng lưới nhện mong manh nhưng nó có tác dụng chẳng khác nào một đòn kê cản trở bánh xe trí tuệ. Nếu thiền sinh gặp phải những cản trở này, trong những buổi trình pháp, thiền sư sẽ tìm ra ngay để hướng dẫn thiền sinh trở về đường chính. Ðây là lý do cho thấy tầm quan trọng của việc trình pháp.

Khi hành thiền minh sát chúng ta phải quán sát các hiện tượng vật chất và tâm. Kinh điển đã giải thích rõ ràng là hiện tượng tâm-vật lý luôn luôn khởi lên qua sáu cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm. Chẳng hạn, khi có một sự nhìn thì mắt nhìn và vật được nhìn là hiện tượng vật chất, và nhãn thức khiến ta nhận ra vật được nhìn là hiện tượng của tâm. Tương tự như vậy, sự nhận biết âm thanh, mùi, vị, đụng chạm hay suy nghĩ cũng như những hoạt động khác của cơ thể như duỗi tay, co tay, bước đi v.v... cũng chỉ là các hiện tượng vật chất và tâm. Hòa thượng Mahasi dạy chúng ta phải quán sát ghi nhận tất cả mọi chuyện trên khi chúng xảy ra, đừng bỏ sót mảy may nào dù nhỏ nhặt đến đâu.

Mặc dầu được hướng dẫn kỹ càng, nhưng khi thực hành thiền sinh cũng gặp nhiều khó khăn. Ðể giúp thiền sinh vượt qua các khó khăn, Hòa thượng Mahasi đã dạy những điều căn bản cho thiền sinh mới là chỉ quan sát một cách tỉnh thức chuyển động phồng xẹp của bụng. Thiền sinh phải biết cách quan sát các đề mục chính, cũng như phải ghi nhận như thế nào trong trường hợp có đề mục phụ phát sinh (đề mục chính là chuyển động phồng xẹp của bụng; đề mục phụ là suy nghĩ, liên tưởng, cảm giác, hình sắc, âm thanh, mùi, vị v.v... cũng có khi là phản ứng của chính thiền sinh trước các đối tượng phụ đó).

Ðể giúp đỡ cho thiền sinh vượt qua những chướng ngại, các thiền sư đã đặt ra sáu câu châm ngôn ngắn gọn sau đây:

1. Khi các hiện tượng được ghi nhận kịp thời ngay khi chúng xuất hiện thì đặc tính riêng của thân và tâm sẽ hiển lộ.
2. Khi đặc tính riêng của thân và tâm được hiển lộ thì đặc tính nhân duyên sẽ hiển lộ.
3. Khi đặc tính nhân duyên hiển lộ thì sẽ thấy được tam tướng: vô thường, khổ, vô ngã.
4. Khi thấy được Tam tướng thì tuệ minh sát sẽ xuất hiện.
5. Khi bị phóng tâm (suy nghĩ, lý luận, liên tưởng, vv...) cần phải trình bày cho thiền sư.
6. Khi có cảm giác hay cảm xúc gì cần phải quan sát, ghi nhận và trình bày cho thiền sư.

1. Khi các hiện tượng được ghi nhận kịp thời ngay khi chúng xuất hiện thì đặc tính riêng của thân và tâm sẽ hiển lộ

Thiền sinh phải cho thiền sư biết mình đã quan sát chuyển động phồng xẹp như thế nào từ lúc khởi đầu cho đến lúc chấm dứt. Khi hít vào, bụng bắt đầu căng lên nhanh rồi tiếp tục căng cho đến lúc chấm dứt là lúc hít vào. Hãy quan sát từ lúc bắt đầu phồng, đoạn giữa của phồng và đoạn cuối của phồng (Sabhakaya patisamvedi). Nghĩa là tâm quan sát phải đi song song với tiến trình của sự chuyển động từ lúc khởi đầu, kéo dài cho đến khi chấm dứt. Thiền sinh mới rất khó ghi nhận ba giai đoạn trên nhưng phải cố gắng. Nếu thiếu cố gắng thì không có kết quả gì cả.

Một khi thiền sinh đã biết ghi nhận đề mục một cách chánh niệm, biết cách chú tâm song song với diễn biến của đề mục, biết theo dõi các giai đoạn liên tiếp của phồng xẹp, biết ghi nhận những gì mình thấy, những gì mình kinh nghiệm thì sẽ biết cách trình pháp một cách chính xác.

Có hai diễn biến song song trong khi thiền sinh hành thiền: Trước tiên là sự chú tâm quán sát hay ghi nhận đối tượng. Thứ hai là diễn biến của tâm quán sát đối tượng ấy. ít nhất thiền sinh phải nhận ra được điều này thì mới có thể gọi là thấy hay kinh nghiệm.

Ðối với đề mục chính thiền sinh phải nói được kết quả của tâm lúc đối tượng diễn biến, hay nói được sự diễn biến song song của tâm chánh niệm và đề mục. Nghĩa là thiền sinh thấy rõ được diễn tiến của đề mục và diễn tiến của tâm ghi nhận đề mục. Nếu cả hai xảy ra cùng lúc thì phải ghi nhận như thế nào? Ghi nhận chính cái bụng? Ghi nhận tư thế của bụng? Hay ghi nhận diễn tiến của bụng trong khi phồng?

Có ba yếu tố hiện hữu trong sự phồng:

1. Hình dạng của bụng.
2. Tư thế hay vị thế của bụng.
3. Ðặc tính của sự phồng.

Hình dạng: là hình dạng của cái bụng mà tâm thiền sinh chú vào. Toàn thể thân hình của thiền sinh là hình dạng của thân thể. Hình dạng của cái bụng cũng như vậy.

Tư thế của bụng: điều này tùy thuộc vào vị thế riêng biệt từng lúc một của bụng. Nghĩa là bụng đang xẹp, phồng, hay đứng yên. Tiếng Pali gọi là akara: có nghĩa là tư thế hay vị thế. Ví dụ: bàn tay đang ở tư thế nắm lại hay đang xoè ra? Hoặc cơ thể đang ở tư thế đi, đứng, nằm, ngồi?

Nếu thiền sinh chú tâm quan sát bụng thì sẽ thấy hoặc hình dạng hay tư thế trước khi thấy đặc tính. Nhưng thấy hình dạng hay tư thế thì không phải là thiền minh sát. Thiền sinh phải thấy đặc tính chủ yếu của sự phồng, như là sự căng thẳng, sự chuyển động của bụng trong lúc phồng. Nếu quan sát kỹ thì thiền sinh sẽ thấy đặc tính này ngay mà có thể trình bày cho thiền sư một cách chính xác và rõ ràng khi trình pháp. Nhưng thiền sinh phải thấy chứ không phải tưởng tượng hay nghĩ là thấy. Khi trình pháp phải chú trọng đặc biệt vào những điểm căn bản này.

Giai đoạn xẹp, thiền sinh cũng phải chú tâm quan sát ghi nhận như thế.

Cũng vậy trong lúc kinh hành, khi dở chân, thiền sinh phải quan sát kịp thời và cùng lúc với diễn tiến của sự dở chân: Từ lúc khởi đầu đến lúc chấm dứt. Nếu làm được như vậy thiền sinh sẽ thấy gì? Phải chăng thiền sinh sẽ thấy hình dáng của chân hay tư thế của chân trong giai đoạn dở hay thiền sinh cảm nhận rằng chân bắt đầu nhẹ và nâng lên hay chân bắt đầu căng và đang đưa tới?

Thiền sinh phải trình bày cả ba đặc tính trên và dĩ nhiên thiền sinh phải hết sức chú tâm theo dõi chuyển động đi để có thể trình bày một cách rõ ràng và chính xác. Khi chân bước tới thiền sinh cũng phải quan sát kịp thời và cùng lúc với chuyển động của sự bước tới. Và thiền sinh sẽ thấy gì? Phải chăng thiền sinh thấy hình dáng của chân mình, hay tư thế hoặc cách thức của chân trong giai đoạn đưa tới, hay cảm nhận được sự chuyển động của chân được đưa từ sau tới trước.

Khi đạp chân xuống, thiền sinh cũng phải chú tâm quan sát từ lúc chân bắt đầu hạ xuống cho tới lúc chân chạm đất. Nếu chú tâm được như vậy thiền sinh sẽ thấy gì. Phải chăng thiền sinh thấy chân mình hay trạng thái của sự đạp chân xuống hay cảm nhận đặc tính chuyển động của sự đạp xuống, chẳng hạn như bắt đầu cảm thấy nhẹ và mềm?

Ðối với các đối tượng khác cũng phải chú tâm ghi nhận kỹ càng như vậy. Chẳng hạn: khi co tay, duỗi tay, cúi mình, đổi chân, ngồi xuống, đứng dậy v.v... cũng phải chú tâm ghi nhận như vậy.

Thiền sinh cũng phải hiểu ý nghĩa ba đặc tính của các hiện tượng tâm vật lý. Ðó là:

1. Ðặc Tính Riêng (Sabhava Lakkhana)
2. Nhân Duyên hay điều kiện (Sankhata Lakkhana)
3. Ðặc Tính Chung hay Tam Tướng (Sannanna Lakkhana)

1) Ðặc Tính Riêng của hiện tượng vật chất và tâm:

        (1.a) Ðặc Tính Riêng của Vật Chất hay Sắc: Vật chất hay Sắc có các đặc tính căn bản sau đây:

        * Sự cứng, mềm, đó là yếu tố chiếm chỗ, làm nền tảng (đất), là đặc tính của xương và thịt.
        * Lạnh và nóng đó là yếu tố nhiệt độ (lửa), là đặc tính nóng lạnh của cơ thể.
        * Sự kết hợp và tính chất lỏng (nước), đó là đặc tính dính chặt hay liên hợp của cơ thể.
        * Sự chuyển động đó là yếu tố lưu chuyển (gió), là đặc tính của hơi thở, của sự phồng xẹp, của sự nâng         đỡ, của sự di chuyển v.v...

         (1.b) Ðặc Tính Riêng của Tâm hay Danh:

        Ðặc Tính Riêng của Tâm hay Danh là nhận biết, bao gồm: xúc (sự tiếp xúc của Tâm với đối tượng),             Thọ (cảm giác), cùng các trạng thái và phản ứng của Tâm (vui, buồn, giận, chánh niệm, tinh tấn, ganh             tỵ, phóng tâm vv...).

2) Nhân duyên hay điều kiện là đặc tính: khởi lên, kéo dài, và biến mất.

Các diễn biến tâm vật lý (danh và sắc) đều có điểm khởi đầu, điểm giữa và điểm cuối. Tiếng Pali gọi ba giai đoạn này là uppada, thiti và bhanga. Uppada có nghĩa là bắt đầu hay khởi lên. Thiti có nghĩa là diễn tiến hay trải dài (cho đến khi chấm dứt). Bhanga có nghĩa là chấm dứt hay biến mất. Cả ba đặc tính này được gọi là Sankhata Lakkhana (Lakkhana: đặc tính, Sankhata: bao gồm hay tương duyên).

3) Tam tướng: là vô thường, khổ và vô ngã. Mọi hiện tượng, mọi pháp trong thế gian (danh và sắc) đều mang ba đặc tính này.

Trong ba đặc tính trên của các hiện tượng, thiền sinh phải hướng đến đặc tính đầu tiên trong khi thực hành thiền, tức là phải chú ý đến đặc tính chuyên biệt của hiện tượng vật chất (đất, nước gió, lửa). Làm thế nào để nhận thức được hay thấy các hiện tượng vật chất chuyên biệt này? Nghĩa là làm thế nào để nhận thức hay thấy các hiện tượng đất, nước, gió, lửa? Chúng ta phải chú tâm quan sát, ghi nhận kịp thời khi chúng xuất hiện. Khi chú tâm quan sát ghi nhận ta sẽ thấy đặc tính chuyện biệt này, chứ chẳng có cách gì khác hơn. Khi hít vào bụng phồng lên. Trước khi hít vào bụng chưa phồng. Thiền sinh phải quan sát sự phồng của bụng từ khi bắt đầu cho đến khi chấm dứt. Thiền sinh phải thấy được bản chất của sự chuyển động. Nhưng thế nào là bản chất của sự chuyển động? Khi hít vào: gió vào. Nhưng thế nào là gió? Ðó là yếu tố bành trướng hay chuyển động. Yếu tố bành trướng hay yếu tố chuyển động chính là bản chất của gió mà thiền sinh phải nhận ra hay phải thấy. Thiền sinh sẽ thấy được ba bản chất của gió (chuyển động) khi nào thiền sinh chăm chú theo dõi sự chuyển động của bụng từ lúc khởi đầu, diễn tiến cho đến lúc chấm dứt. Không chịu chú tâm quan sát, theo dõi thì ngay đến hình dáng hay tư thế của bụng cũng không thấy được, nói chi đến chuyện thấy được bản chất: vô thường, khổ não, vô ngã của gió. Cứ cố công theo dõi các hiện tượng phồng xẹp một cách chánh niệm thì năng lực tập trung tâm ý sẽ càng ngày càng mạnh lên. Khi khả năng tập trung tâm ý hay định lực mạnh mẽ thì thiền sinh sẽ không còn thấy hình dáng hay tư thế của phồng xẹp mà sẽ thấy sự bành trướng, sự căng phồng của chuyển động phồng. Khi thở vào thiền sinh sẽ thấy cường độ phồng tăng đến một điểm nào đó rồi chấm dứt. Khi thở ra thiền sinh cũng sẽ thấy cường độ căng phồng giảm xuống đến một điểm nào đó rồi biến mất. Dần dần thiền sinh sẽ thấy rõ ràng ba đặc tính vô thường, khổ và vô ngã trong các chuyển động của bụng này.

Tương tự như thế, trong khi đi kinh hành thiền sinh cũng phải quán sát các các chuyển động: dở, bước, đạp một cách thận trọng và tinh tế.

Thiền sư sẽ không nói cho biết thiền sinh sẽ thấy gì mà chỉ hướng dẫn cho thiền sinh cách quan sát và ghi nhận. Cũng như khi làm toán thầy giáo chỉ dạy phương pháp làm chứ không cho đáp số.

Sự chỉ dẫn này cũng được áp dụng trong những loại chuyển động khác của cơ thể, trong cảm thọ, hay khi có một tư tưởng hiện khởi trong tâm. Tất cả đều phải được ghi nhận ngay từ lúc chúng khởi lên. Có như thế mới bảo đảm là thấy được bản chất của chúng.2. Khi đặc tính riêng của thân và tâm được hiển lộ thì đặc tính nhân duyên sẽ hiển lộ

Nghĩa là khi đã thấy được đặc tánh riêng của thân và tâm thì sẽ thấy được ba giai đoạn: khởi lên, diễn biến hay kéo dài, và chấm dứt.

3. Khi đặc tính nhân duyên hiển lộ thì sẽ thấy được tam tướng: vô thường, khổ, vô ngã

Khi đã thấy được ba giai đoạn này thì sẽ thấy được Tam tướng: vô thường, khổ và vô ngã. Thực ra, nếu kiên trì, tinh tấn hành thiền và đã nhận thấy được đặc tính của tứ đại thì chắc chắn sẽ thấy được yếu tố Nhân Duyên và Tam tướng

4. Khi thấy được Tam tướng thì tuệ minh sát sẽ xuất hiện

Khi thiền sinh thấy được tam tướng thì Tuệ Minh Sát sẽ xuất hiện. Sau khi xuất hiện, Tuệ Minh Sát (Vipassananana) sẽ dần dần phát triển và chín muồi, và cuối cùng thiền sinh sẽ đạt được tuệ ariyamagganana (Tuệ thấy được thánh đạo). Với tuệ này thiền sinh có đủ khả năng để "thấy" Niết Bàn, chấm dứt danh, sắc và đau khổ.

Cần phải nhắc lại một lần nữa điều quan trọng sau đây: Trong lúc trình pháp, thiền sinh phải cho thiền sư biết mình đã thực sự 'thấy' gì, chứ không phải là 'nghĩ' mình đã 'thấy' gì. Chỉ những gì thiền sinh 'thấy' mới là tuệ giác. 'Nghĩ' là mình 'thấy' chỉ là vay mượn tuệ giác hoặc chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Sự vay mượn tuệ giác không phù hợp với đặc tính của các hiện tượng mà thiền sinh phải quan sát và ghi nhận.

5. Khi bị phóng tâm (suy nghĩ, lý luận, liên tưởng, vv...) cần phải trình bày cho thiền sư

Khi ngồi thiền, quan sát đề mục chính là sự phồng xẹp của bụng, nhiều tư tưởng và đối tượng của tâm sẽ đến với thiền sinh, đó là chuyện tự nhiên. Tâm có khuynh hướng rời đề mục chính để tiến đến tất cả mọi ý niệm: một số là tư tưởng thiện, một số là tư tưởng bất thiện. Thiền sinh phải làm thế nào? Chỉ cần ghi nhận bất cứ những gì đã đến với tâm. Bạn có thể làm được điều đó không? Bạn phải làm điều đó, nghĩa là phải ghi nhận sự suy nghĩ hay sự phóng tâm. Nếu đã ghi nhận được chúng, bấy giờ chuyện gì sẽ xảy ra ? Phải chăng sự suy nghĩ đang tiếp tục diễn biến ? Sự suy nghĩ đang dừng lại hay đã biến mất tất cả? Lúc ấy thiền sinh có trở về được với đề mục chính không? Tất cả những điều đó đều phải được nói rõ trong lúc trình pháp.

6. Khi có cảm giác hay cảm xúc gì cần phải quan sát, ghi nhận và trình bày cho thiền sư

Ðối với những thiền sinh mới, mọi cảm giác hay cảm xúc sẽ không khởi lên khi thiền sinh đang chú tâm vào đề mục chính. Nhưng sự suy nghĩ sẽ xảy ra nhiều hơn. Thiền sinh mới cũng chưa đủ khả năng ghi nhận được tất cả mọi tư tưởng đang khởi dậy đó. Ðể giảm thiểu những sự suy nghĩ này, nên cố gắng chú tâm khắn khít vào đề mục chính, càng nhiều càng tốt. Nhưng khi thiền sinh đã ngồi thiền được chừng năm, mười, hay mười lăm phút, một vài cảm giác khó chịu trên cơ thể sẽ đến, tương hợp với những gì đã diễn biến trong tâm. Khi cảm giác hay xúc cảm xuất hiện thiền sinh phải ghi nhận. Khi trình pháp nên mô tả chúng bằng những ngôn ngữ thông thường như: "ngứa", "đau", "tê", v.v... chứ đừng dùng danh từ kinh điển như "cảm thọ" (Vedana). Những cảm giác khởi lên cũng phải được ghi nhận từ lúc chúng xuất hiện, diễn tiến cho đến khi biến mất.

Thiền sinh cũng phải ghi nhận hình sắc, âm thanh, mùi, vị và những trạng thái khác của tâm như: ưa thích, nóng giận, dã dượi buồn ngủ, phóng tâm, ân hận, hoài nghi, nhớ thương, thấy rõ, chú tâm, thỏa mãn, dễ chịu, nhẹ nhàng, yên tĩnh v.v... những trạng thái này là "đối tượng của tâm" (Dhammarammana). Giả sử có sự ưa thích xuất hiện; khi đã ghi nhận được nó thì chuyện gì sẽ xảy ra? Thiền sinh phải biết trình cho thiền sư điều này. Lấy một thí dụ khác: Thiền sinh cảm thấy dã dượi buồn ngủ. Khi thiền sinh ghi nhận được trạng thái này thì sự phóng tâm xuất hiện. Lúc bấy giờ thiền sinh phải ghi nhận như thế nào? Thiền sinh phải ghi nhận phóng tâm. Như vậy là thiền sinh phải quan sát ghi nhận tất cả mọi đối tượng của tâm.

Trong một khóa thiền tích cực, cần phải thường xuyên trình pháp, tốt nhất là trình pháp hằng ngày. Việc trình pháp nên theo đúng phương cách. Sau khi thiền sinh trình bày kinh nghiệm của mình thiền sư sẽ đặt một vài câu hỏi liên quan đến các chi tiết mà thiền sinh kinh nghiệm được trong lúc hành thiền.

Cách trình pháp thật đơn giản. Chỉ cần mười phút là đủ cho thiền sinh trình bày kinh nghiệm của mình. Nên nhớ trình bày những kinh nghiệm liên quan đến thân và tâm mà bạn có được trong lúc hành thiền bởi vì đúng nghĩa của Thiền Minh Sát là quan sát những gì đã thực sự xảy ra trong chính thân tâm bạn. Trong khi trình pháp cần chú ý những điểm chính sau đây: phải ngắn gọn, chính xác và rõ ràng.

      a) Phải cho thiền sư biết trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ vừa qua, thiền sinh đã dành tổng cộng bao               nhiêu giờ ngồi thiền, bao nhiêu giờ kinh hành. Phải thành thật vì điều đó chứng tỏ sự nghiêm túc trong             việc hành thiền.

      b) Trình bày cho thiền sư biết kinh nghiệm của bạn trong lúc ngồi thiền. Không cần phải đi vào chi tiết               từng giờ ngồi thiền. Nói một cách tổng quát toàn buổi thiền. Chỉ đi vào chi tiết những lúc việc hành                 thiền rõ ràng nhất. Ðầu tiên phải trình bày đề mục chính: đó là sự phồng xẹp như thế nào? Sau đó                 trình bày những đối tượng khác khởi lên qua sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm).

       c) Sau khi trình bày về việc ngồi thiền, thiền sinh trình bày tiếp về việc kinh hành. Thiền sinh chỉ mô tả                những kinh nghiệm trực tiếp liên quan đến tác động đi; đừng thêm vào những chi tiết về các đối tượng            mà mình phải trình trong giai đoạn ngồi thiền. Nếu bạn thực hành ba giai đoạn 'dở, bước, đạp' trong              lúc kinh hành thì nhớ cho biết những gì đã ghi nhận được trong những cử động 'dở, bước, đạp' đó.

Tất cả những đối tượng xảy ra đều phải được trình bày theo thứ tự như sau:

* Xác định đối tượng gì xuất hiện?
* Khi đối tượng xuất hiện, thiền sinh đã ghi nhận như thế nào?
* Diễn tả cho biết đã thấy gì, cảm giác gì, hay hiểu biết gì khi bạn ghi nhận đối tượng xảy ra.

Lấy ví dụ đối với đề mục chính: sự phồng xẹp của bụng. Trong lúc hành thiền, cũng như trong lúc trình pháp. Việc đầu tiên là phải xác định rõ diễn tiến của "phồng"- Phồng xuất hiện

Việc thứ hai là sự ghi nhận: Niệm hay ghi nhận đề mục đang xuất hiện- Tôi đã niệm "phồng"

Việc thứ ba là mô tả những gì đã xảy ra: "Khi tôi niệm phồng tôi có những cảm giác như thế này, thế này...tôi nhận thấy như thế này, thế này..." (Thiền sinh cho biết đặc tính của cảm giác vào thời điểm đó.)

Giai đoạn xẹp, cũng như trong trường hợp những đối tượng khác xuất hiện, thiền sinh đều trình bày tương tự như trên.

Hãy tưởng tượng rằng tôi đang ngồi trước mặt bạn, bỗng nhiên tôi đưa một cánh tay lên không rồi mở ra cho bạn thấy tôi đang cầm một trái táo nhỏ. Bạn nhận ra trái táo và bạn tự nói trong tâm "trái táo, trái táo." Tiếp đó, bạn sẽ nhận ra trái táo màu đỏ, tròn và bóng láng. Cuối cùng, tôi từ từ nắm tay lại để bạn không thấy trái táo nữa. Bạn sẽ diễn tả kinh nghiệm của bạn về trái táo như thế nào? Nếu trái táo là đề mục hành thiền của bạn, bạn sẽ nói: "Trái táo xuất hiện," tôi niệm "trái táo, trái táo." Tiếp đó, bạn sẽ nhận ra trái táo màu đỏ, tròn và bóng láng. Cuối cùng, tôi từ từ nắm tay lại để bạn không thấy trái táo nữa. Bạn sẽ diễn tả kinh nghiệm của bạn về trái táo như thế nào? Nếu trái táo là đề mục hành thiền của bạn, bạn sẽ nói: "Trái táo xuất hiện, tôi niệm: "trái táo, trái táo" và tôi ghi nhận trái táo màu đỏ, tròn và bóng láng, rồi trái táo từ từ biến mất."

Cũng thế, bạn sẽ trình pháp một cách chính xác trong ba giai đoạn khi bạn chú tâm đến trái táo. Trước tiên là trái táo xuất hiện và bạn thấy nó. Thứ hai là bạn nhận ra đó là trái táo. Bởi vì bạn đang hành thiền trên đề mục trái táo, nên bạn có một sự tinh tấn đặc biệt để niệm thầm "trái táo, trái táo". Thứ ba, là bạn tiếp tục chú tâm vào trái táo và nhận thức được tính chất và cách thức trái táo đi vào tầm nhận thức của bạn như thế nào cũng như trái táo đã biến mất như thế nào.

Trong khi thực hành Thiền Minh Sát bạn cũng phải áp dụng ba giai đoạn như trên để theo dõi đề mục. Một điều cần lưu ý ở đây, nhiệm vụ của bạn là quan sát trái táo chớ không phải tiến xa hơn để tưởng tượng rằng trái táo mọng nước và ngọt hay mình đang ăn trái táo đó. Tương tự như vậy, trong khi trình pháp, bạn chỉ diễn tả những kinh nghiệm trực tiếp chớ đừng nói những gì mà bạn tưởng tượng, hình dung ra, hoặc ý kiến của bạn về đề mục mà bạn đang theo dõi.

Như bạn thấy, phần trình pháp này hướng dẫn thiền sinh phải chánh niệm như thế nào trong khi hành Thiền Minh Sát. Bởi vậy, khi trình pháp, ngoài việc nhận được những lời hướng dẫn của thiền sư, thiền sinh còn có những lợi ích khác nữa. Bởi vì muốn có một bài trình pháp chính xác thiền sinh phải có một sự tinh tấn lớn lao, phải chú tâm một cách rõ ràng chính xác trên kinh nghiệm của mình.

Trong khi trình pháp bạn nên nhớ đến ba yếu tố sau đây:

- Tỉnh thức.
- Chính xác.
- Kiên nhẫn.

Cần nhớ rõ là khi chú tâm đến chuyển động phồng xẹp, không phải chú tâm vào hình dáng hay tư thế của sự phồng xẹp mà chỉ chú tâm vào diễn biến của chuyển động phồng xẹp. Phải chú ý xem khi phồng như thế nào: Căng cứng, rung động, nóng, lạnh v.v... Phải để tâm quan sát từ lúc bụng bắt đầu phồng cho đến khi chấm dứt phồng để chuyển qua giai đoạn xẹp. Phải quan sát kỹ càng như đang dùng kính hiển vi để xem một mẩu vật bé nhỏ.

Không được nhìn đối tượng một cách lơ là phớt qua, tự động và thiếu chánh niệm. Bạn phải nhìn gắn bó với đối tượng bằng tất cả tâm trí của mình. Bạn phải hết sức chú tâm để có thể thấu suốt được bản chất của đối tượng.

Dầu chúng ta cố gắng hết sức nhưng tâm không phải lúc nào cũng có thể nằm nơi bụng chúng ta. Tâm sẽ phóng đi một nơi khác. Khi có sự phóng tâm bạn phải làm thế nào? Câu trả lời là: Phải ghi nhận. Ðó là giai đoạn một. Bây giờ đến giai đoạn hai: phải niệm phóng tâm, phóng tâm, phóng tâm. Thường sau khi có sự phóng tâm phải bao lâu sau ta mới nhận ra sự phóng tâm? Một giây, hai phút, nửa giờ? Mà cái gì xảy ra sau khi ta ghi nhận sự phóng tâm? Phải chăng sự phóng tâm sẽ biến mất tức khắc? Hay sự phóng tâm sẽ tiếp diễn? Hoặc lúc đó sự suy nghĩ sẽ giảm cường độ và sau đó biến mất? Phải chăng một đối tượng mới xuất hiện trước khi ta nhận ra sự biến mất của đối tượng cũ? Nếu không thể nào ghi nhận được phóng tâm, bạn phải báo cho thiền sư biết.

Nếu sự phóng tâm biến mất, bạn phải trở về với sự phồng xẹp của bụng. Một điều nên nhớ là phải trình cho thiền sư biết là bạn có thể trở về với đối tượng chính hay không và cảm giác của bạn lúc đó như thế nào? Phần trình pháp của bạn sẽ được rõ ràng và tốt đẹp hơn, nếu bạn cho biết thường thường bạn chú tâm trên bụng được bao lâu trước khi đề mục mới xuất hiện.

Ðau nhức, cảm giác khó chịu chắc chắn sẽ xảy ra sau khi bạn ngồi thiền một thời gian lâu. Chẳng hạn tự nhiên bạn ngứa: một đối tượng mới. Sau khi niệm ngứa năm phút: phải chăng sự ngứa tăng thêm? Hoặc giữ nguyên? Hoặc thay đổi? Hay biến mất? Có thấy một đối tượng mới khác xuất hiện như: có ý muốn gãi không? Tất cả những điều đó đều nên diễn tả một cách rõ ràng. Ðối với sự thấy, nghe, nếm, ngửi, lạnh, nóng, co rút, rung động, tê v.v... Ðều phải được mô tả. Bất kỳ đối tượng nào cũng phải được ghi nhận qua ba giai đoạn:

1. Xác định đối tượng xuất hiện.
2. Khi đối tượng xuất hiện thiền sinh đã ghi nhận như thế nào.
3. Diễn tả cho biết đã thấy gì, cảm giác gì, hay hiểu gì khi bạn ghi nhận đối tượng xảy ra.

Tất cả mọi diễn biến đều được thực hiện một cách lặng lẽ, lặng lẽ như một nhà trinh thám. Hãy quan sát một cách cẩn thận và chính xác mọi diễn biến mà bạn nhận biết được, không nên phân vân tự hỏi để khỏi lạc vào sự suy nghĩ. Ðiều quan trọng mà thiền sư cần biết là: Mỗi khi đối tượng xuất hiện bạn có ghi nhận được không? Bạn có chánh niệm một cách chính xác và quan sát đối tượng một cách bền bỉ không? Bạn phải thành thật với thiền sư. Dầu bạn không thấy được đối tượng, không ghi nhận được đối tượng hay khi niệm mà không thấy được gì hết, điều đó không có nghĩa là việc hành thiền của bạn quá tồi tệ đâu. Một bài trình pháp rõ ràng và chính xác sẽ giúp thiền sư đánh giá được sự hành thiền của bạn, đồng thời chỉ cho bạn thấy những khuyết điểm mà bổ khuyết chúng và đưa bạn về chánh đạo.

Trích: "Ngay Trong Kiếp Sống Nầy", Thiền sư U Pandita, Tỳ kheo Khánh Hỷ dịch, Như Lai Thiền Viện, San Jose, Hoa Kỳ, 1996.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét