Ðại đức Jayasaro
Ngày xưa sư phụ ...
Tiểu sử
Ðại đức Jayasaro (Shaun Chiverton) sinh năm 1958 tại Isle of Wight, Anh Quốc. Từ những ngày còn ngồi ở ghế học đường, đại đức luôn là một học trò xuất sắc. Năm lên mười bốn tuổi, sau ba tuần lễ sống ở Morocco, ý tưởng đi du lịch xứ người đã vùng lên mãnh liệt trong lòng đại đức. Tốt nghiệp xong, đại đức quyết định tìm sang Ấn Ðộ.
Sau mười tám tháng dài đi khắp xứ Ấn, đại đức đã bắt đầu có hứng thú đối với các tôn giáo phương Ðông, đặc biệt là thiền định của Phật giáo. Năm 1977, đại đức sang Iran để dạy tiếng Anh trong thời gian ba tháng rồi sau đó, đại đức trở về Anh quốc làm việc với cha mình, vốn là một vị kỹ sư tại đại học Sussex.
Năm sau, đại đức đến viếng chùa Hampstead và sau đó trải qua một mùa an cư làm giới tử dưới sự hướng dẫn của Ngài Ajahn Sumedho tại Oakenholt gần Oxford. Năm 1980, đại đức sang Thái Lan thọ giới tỳ kheo với thiền sư Ajahn Chah. Sau đó, đại đức về chùa Nanachat. Năm 1988, đại đức tháp tùng với Hòa thượng Tan Chao Khun Pannananda sang viếng thăm Anh quốc.
Từ năm 1986, đại đức Jayasaro đã cùng với đại đức Abhichat được giao trách nhiệm viết lại tiểu sử thiền sư Ajahn Chah. Bài viết sau đây là đôi điều về cuộc đời của Ngài đã được đại đức Jayasaro nhắc lại trong một cuộc nói chuyện ở trung tâm Phật giáo Amaravati vào tháng 6 năm 1988 trong dịp về thăm lại Anh quốc.
Ngày Xưa Sư Phụ...
Tôi được gặp thiền sư Ajahn Chah lần đầu tiên vào ngày 15 tháng 12 năm 1978. Trước đó tôi đã trải qua một mùa an cư để làm giới tử thọ trì tám giới với Ngài Ajahn Sumedho ở Oakenholt. Sau đó, tôi đi về Thái Lan và đến chùa Pah Pong. Một vị đại đức người Úc pháp danh Pamutto đã dắt tôi đến gặp thiền sư Ajahn Chah. Lúc đó Ngài đang ngồi trong thất để uống nước. Ngài nhìn tôi rồi mỉm cưới, một nụ cười thật ấm áp. Ngài đưa cho tôi ly nước đang cầm trên tay và tôi đã cung kính nhận lấy. Khi quay lại phòng mình, chẳng biết tại sao tôi cứ thấy xúc động và khóc một mình. Cử chỉ chân tình của Ngài thiền sư đã chinh phục tôi. Từ hôm đó tôi không muốn rời xa chùa Pah Pong nữa và tự cảm thấy không có gì có thể ngăn tôi trở thành một học trò của thiền sư Ajahn Chah.
Nhiều người cứ thắc mắc chẳng biết bằng cách nào mà Ngài Ajahn Chah có thể giao tiếp và hướng dẫn những người học trò Tây phương vốn đến từ nhiều quốc gia và nói đủ thứ tiếng. Thậm chí có lần người ta còn cho rằng Ngài Ajahn Chah phải biết vài ba thứ ngoại ngữ căn bản như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Ðức...
Khi được Ngài Ajahn Chah xác nhận là không biết gì về các ngoại ngữ đó cả thì người ta lại hỏi Ngài đã bằng cách gì có thể dạy dỗ những người học trò Tây phương. Tôi nhớ Ngài đã trả lời câu hỏi đó bằng một câu hỏi ngược lại:
- Trong nhà các vị chắc là cũng có nuôi một số gia cầm, gia súc phải không? Dĩ nhiên các vị không thể nói chuyện với chúng được nhưng các vị có thể huấn luyện và điều khiển chúng được hay không?
Vấn đề ngôn ngữ trao đổi quả là không quan trọng đối với Ngài Ajahn Chah, chắc chắn Ngài nhận biết rất rõ cái hạn chế của ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc. Những thứ đó còn có ý nghĩa gì khi Ngài cũng đồng thời biết rất rõ một điều là mọi tư tưởng phàm phu được cấu tạo như thế nào. Phương pháp dạy thiền của Ngài là làm sao có thể vạch rõ cho các môn đệ trực tiếp nhìn thấy những sinh hoạt của nội tâm. Bài học căn bản nhất mà Ngài vẫn dạy chúng tôi là phương thức khám phá các tác dụng làm khổ của mọi ham muốn. Ngài luôn cố gắng xây dựng cho chúng tôi một trí tuệ thiền định đặt rên cơ sở của giáo lý Tứ Ðế. Số lượng từ vựng được Ngài sử dụng để hướng dẫn thiền sinh chỉ quẩn quanh mấy chữ nhưng ý nghĩa và hiệu quả thì không sao nói hết được.
Có thể nói, với lối hướng dẫn của Ngài Ajahn Chah, người ta chỉ có thể chấp nhận khi đặt hết niềm tin vào Ngài. Ngài đơn giản quá, đơn giản đến mức rất dễ gây hiểu lầm. Nhưng với một thời gian tiếp cận lâu dài, ta sẽ thấy được rằng Ngài là một vị thiền sư có lòng độ lượng không bờ bến.
Trước hết đối với người sơ cơ, Ngài dạy cách sống từ bỏ tất cả. Nhưng Ngài không bỏ mặc ta với lời hướng dẫn ngắn ngủi đó, Ngài còn dạy rất nhiều điều cần thiết khi ta không thể dứt bỏ mọi thứ. Chẳng hạn Ngài có thể khuyên ta phép sống chịu đựng, bởi phải nói rằng, tinh thần Dứt Bỏ Mọi Thứ thật không dễ dàng thực hiện chút nào nếu ta chỉ tiếp nhận lời dạy của Ngài như một bài học mang tính kiến thức. Trong trường hợp đó, lời dạy về cách sống chịu đựng xem ra có vẻ cụ thể và hữu hiệu hơn. Ngài liên tục cho thay đổi nếp sinh hoạt trong thiền viện để các thiền sinh có thể tránh được những áp lực sinh lý hoặc nói rộng hơn là trong nếp sống thường nhật. Ðiều này có một ý nghĩa hết sức quan trọng là để giúp các thiền sinh tránh được lối sinh hoạt tù đọng và chấp thủ. Chính vì luôn sống trong một nếp sinh hoạt sẵn sàng được thay đổi nên các thiền sinh sẽ phải liên tục trải qua từng giây phút chú ý và cảnh giác.
Ðọc lại những trang tiểu sử về những ngày tháng tuổi trẻ của thiền sư Ajahn Chah, cái quan trọng nhất đối với tôi chính là những vấn đề mà Ngài đã tự dàn xếp và vượt qua. Tự truyện về cuộc đời của các bậc đại sư thường để lại cho chúng ta cái ấn tượng rằng các Ngài đã là các bậc cao khiết từ độ tuổi chín, mười, liễu ngộ dễ dàng nhờ vào một khả năng tinh thần tuyệt thế. Nhưng đối với thiền sư Ajahn Chah thì lại là một trường hợp khác hẳn. Ðời tu của Ngài là cả một quá trình phấn đấu gian nan. Chính Ngài đã kể lại từng đoạn đường mà mình đã đi qua một cách hết sức thiệt thà: Ngài đã từng có những giây phút đối diện với lòng ham muốn của chính mình trước một bình bát tốt, một bộ y đẹp... Rồi từng bước hạn chế tối đa những nhu cầu vật chất, kể cả những thứ hoàn toàn hợp pháp tức giới luật cho phép sử dụng, cất giữ, Ngài đã có những kinh nghiệm tu học thật khả kính mà cũng vô cùng cảm động: từ chối tất cả mọi thứ để rồi khi lá y mặc trên người bị sờn rách tả tơi mà vẫn không đi tìm một chiếc ý mới nào khác, chỉ lặng lẽ đi tìm từng miếng vải vụn rồi tự vá lấy một mình.
Thiều sư Ajahn Chah rất thương các học trò của mình, Ngài sẵn sàng lo lắng giúp đỡ khi có người cần đến dù bản thân ngài luôn có nhiều bận rộn, kể cả những vấn đề phải giải quyết ở chính mình. Lần đó, trước khi bắt đầu một mùa an cư, Ngài quyết định sẽ không để mắt nhìn thấy bất cứ người phụ nữ nào hết để tự kiểm tra lại một cách nghiêm túc nội tâm chính mình. Ba tháng trôi qua Ngài đã thực hiện đúng bản nguyện. Thế rồi vào ngày cuối cùng của mùa an cư, có rất nhiều Phật tử đến viêng chùa để cúng dường Tăng chúng, nam nữ đủ cả. Lúc đó Ngài đã suy nghĩ một mình: "Ðã ba tháng rồi, mình đã làm đúng quyết định của ngày đầu tiên trong mùa an cư, hôm nay là ngày cuối cùng mình thử thả trôi đôi mắt để xem điều gì xảy ra". Thiền sư Ajahn Chah đã ngước nhìn lên và đúng ngay lúc đó, một cô nàng trẻ tuổi đang đứng trước mặt Ngài. Ngài kể lại rằng trong khoảnh khắc đó mình đã có cảm giác như bị một tia sáng cực mạnh quét ngang bàng hoàng thảng thốt. Khi đó Ngài nhận ra một điều rằng một sự thu thúc mang tính hình thức và cảm giác thì vẫn chưa đủ. Không chỉ riêng đối với đôi mắt, mà đối với các giác quan còn lại kể cả ý thức nếu chỉ được khép kín bằng một thái độ đè nén, gò ép và khiên cưỡng mà không có sự can thiệp của trí tuệ thật sự thì chuyện giải thoát vẫn là một điều bất khả.
Thiền sư Ajahn Chah luôn đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng của trí tuệ trong đời sống tu học. Ngài thường bảo rằng chỉ tự chế trong hình thức thì vẫn chưa đủ mà người tu hành nói chung còn phải có được một nội tâm chánh niệm và quan sát. Bởi nếu chỉ bằng vào đôi chút hứng thú mang tính chất nhất thời cộng với khả năng phản tỉnh quá hạn chế thì thường kết quả tu tập chẳng đi đến đâu hết và đây cũng là lý do tại sao các nhà sư quyết định hoàn tục. Các vị đã chấp nhận đời sống khuôn khổ trên hình thức nhưng trong nội tâm vẫn chưa kịp có được một khả năng thấu suốt thật sự, hay nói cách khác là họ đắp lên mình chiếc y mà vẫn chưa được đả thông tư tưởng. Ngài Ajahn Chah khẳng định rằng một sự nỗ lực bền bĩ luôn có giá trị hơn một kiểu tinh tấn vượt bực nhưng mang tính bộc phát và ngắn hạn, vì ý nghĩa đích thực của cuộc tu nói chung và đối với hành giả thiền định nói riêng là từng ngày, từng tháng rồi từng năm ta vẫn trước sau giữ được cái chừng mực nhất định. Thời gian có thể trôi đi, mọi sự cố trong đời sống có xảy ra như thế nào đi nữa nhưng cái quí là nội tâm người tu vẫn trước sau như một. Ngài thiền sư đã từng dạy rằng cái thật sự cần thiết trong pháp môn thiền quán chỉ đơn giản là khả năng tỉnh thức một cách Kiên Cố, Thường Trực, Kịp Thời đối với những gì mình đang làm, đang nói, đang suy nghĩ. Khả năng tỉnh thức đó không phải chỉ được duy rì trong một thời điểm nhất định nào hết, mà đó là toàn bộ vấn đề của đời sống tu tập. Theo Ngài, chúng ta phải luôn có những tự vấn: "Tôi đang làm cái gì? Tại sao tôi làm việc này? Liệu tình trạng tâm lý này có ổn không?" Tất cả các thực tại mà người hành giả nhìn ngắm trong từng phút luôn thay đổi liên tục nên chánh niệm của chúng ta cũng phải luôn linh hoạt và bén nhạy theo để có thể kịp thời ghi nhận. Ngài Ajahn Chah dạy rằng trong trường hợp đó chánh niệm của chúng ta cứ như từng giọt nước nhỏ vào thực tại sở tri. Và như ta đã biết, mỗi giọt nước tuy nhỏ nhoi nhưng với một số lượng lớn thì chúng ta sẽ trở thành một dòng nước mạnh và mục đích tu tập của chúng ta chính là làm thế nào để có được một dòng thác chánh niệm sung mãn và mãnh liệt.
Ðiều đáng lưu ý là thiền sư Ajahn Chah thường có vẻ như không muốn đá động đến việc phân cấp các trình độ tu chứng. Ngài cố tránh cho thiền sinh cái ý tưởng khát vọng hoặc ngộ nhận một cách nguy hiểm qua cái gọi là trình độ này, trình độ nọ. Lần đó, có người đến hỏi Ngài về trạng thái tâm lý của một vị A La Hán, Ngài đã trả lời như sau:
- A La Hán là A La Hán, chưa chứng quả A La Hán thì chưa phải là bậc A La Hán. Chúng ta là chúng ta, còn là phàm phu thì chúng ta không thể giống như A La Hán. Ðiều quan trọng nhất là quay lại với chính mình, tu học một cách nghiêm cẩn và đúng đắn để trở thành bậc A La Hán.
Thiền sư Ajahn Chah luôn cố tránh nói nhiều điều về mình, đặc biệt trước những câu hỏi về thành quả tu học của chính bản thân Ngài. Trong cách thuyết giảng, Ngài cũng luôn cố tránh thứ ngôn phong mang tính giáo điều và mệnh lệnh. Chẳng hạn thay vì nói "Ông (hay bà) hãy làm như thế này, hãy nói như thế kia..." thì Ngài lại thường dùng cách nói khiêm tốn hơn, nói như một kiểu san sẻ gần gũi: "Chúng ta nên làm như thế này, chúng ta nên suy nghĩ như thế kia..." Ðối với ai Ngài cũng có cách nói chuyện như thế cho nên ta khó mà phân biệt được Ngài đang nói chuyện với ai, nam hay nữ, với một người hay nhiều người nếu chỉ được nghe lại bài nói chuyện của Ngài qua băng ghi âm.
Về cách sắp xếp nếp sinh hoạt trong các thiền viện dưới quyền điều hành của mình, thiền sư Ajahn Chah đã áp dụng rất nhiều kinh nghiệm được kế thừa từ sư phụ của mình ngày xưa là thiền sư Ajahn Mun, nhưng dĩ nhiên bên cạnh đó Ngài cũng không quên vận dụng một cách hợp lý những kinh nghiệm của riêng mình trong những năm tháng còn sống đời du hành. Ngài Ajahn Chah luôn đặc biệt nhắc tới tinh thần tập thể và thường xuyên đề cập đến bài Kinh Ðại Bát Níp Bàn như là một nguyên tắc sống cho các đệ tử. Trong bài kinh đó, Ðức Phật đã nói rất nhiều về tinh thần trách nhiệm và đoàn kết của Tăng chúng với nhau, mỗi cá nhân đều nên biết tôn trọng ý kiến tập thể. Là một thiền sư nên Ngài Ajahn Chah cũng đã dùng đến Luật tạng để làm môn quy hướng dẫn các thiền sinh Tăng, tục. Ngài không chỉ nhắc nhở người khác mà còn tự thể hiện tinh thần đó ngay trong chính đời sống của mình nữa. Giờ giấc sinh hoạt do Ngài Ajahn Chah đưa ra có thể nói là khá khắt khe. Thường thì trước buổi tụng kinh sáng Ngài dành cho khoảng một hai tiếng đồng hồ để nhắc nhở chư Tăng. Khi tiếng chuông báo hết giờ tụng kinh thì hầu hết các Tăng thiền sinh đều ngại phải quay về cốc của mình bởi ở đó các vị có thể sẽ bị buồn ngủ. Rồi cứ vậy mà tất cả ra ngồi thiền dưới các gốc cây để chờ sáng.
Thỉnh thoảng, Ngài Ajahn Chah lại tổ chức những buổi tọa thiền vào giờ khuya như vậy và trong những ngày đó phải nói là các thiền sinh rất vất vả. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một cánh rừng lúc giữa khuya lại thiếu ánh sáng thì cảm giác của những người ở đó sẽ ra sao. Ðã vậy, những đêm đó thường là những đêm tối trời không trăng, khu rừng rậm rạp mịt mùng với thật nhiều dã thú nguy hiểm như rắn, rít, cọp, beo... Toàn khu rừng gần như lặng, mãi đến lúc gần sáng thì ta mới nghe được tiếng chân của các vị tăng thiền sinh đi về cốc và sau đó là tiếng tụng kinh của các vị được vang lên trong cùng lúc. Nhờ vậy mà khu rừng có vẻ ấm cúng và an toàn hơn đôi chút. Thật ra trước đây trong rừng thiền đã được lắp đặt hai mươi bóng đèn nhưng rồi chúng bị hỏng đi thì không ai nhắc tới chuyện thay các bóng mới nữa.
Ðôi lúc thiền sư Ajahn Chah có vẻ như không thích bất cứ ai đến sống gần với mình. Nếp sinh hoạt của Ngài tuy rất bình thường nhưng vẫn có chút gì đó rất khác biệt so với các đệ tử. Ðiều này có thể cũng do trình độ tu chứng của Ngài cũng nên. Có đôi lần tình cờ, Ngài Ajahn Chah cho biết rằng chỉ với ba mươi phút được sống hết mình một cách tròn vẹn trong thiền định thì coi như Ngài có thể khỏe khoắn chẳng kém gì sau một giấc ngủ tám giờ đồng hồ. Ở Ngài Ajahn Chah, ta có thể nhận thấy những điều gần như không thể hiểu được. Có khi Ngài bỏ ra hằng mấy giờ đồng hồ để trò chuyện với mọi người chung quanh. Có điều lạ lùng là Ngài có thói quen kể lại hàng trăm lần một câu chuyện mà lần nào Ngài cũng kể lại bằng tất cả xúc cảm hứng thú như mới kể một lần đầu tiên. Ngài ngồi giỏi lắm, có thể ngồi nhiều giờ đồng hồ tại một chỗ trong khi những người chung quanh đã gần như không còn có thể ngồi yên được nữa.
Một điều nữa cũng đáng được ghi nhận về thiền sư Ajahn Chah là Ngài có một lối xoa dịu đau khổ của người khác một cách rất đặc biệt mà mới thoạt nghe qua ta cứ dễ ngỡ rằng Ngài mỉa mai châm biếm. Nhất là đối với các vị sư học trò người Tây phương, Ngài thường dùng cách này để trấn an họ. Có một vị sư người Anh học trò Ngài, đại đức Thitappo, vị được Ngài chú ý đến nhiều nhất và chính vị này cũng là người phải chịu đựng những lời thử thách của Ngài nhiều nhất. Một hôm có một số đông khách thập phương đến viếng chùa và như thường lệ, Ngài Ajahn Chah đã có lời khen ngợi các vị sư người Tây phương về cái khả năng tu học, làm việc và đức hạnh. Ðang nói nửa chừng, Ngài Ajahn Chah bỗng dừng lại và chỉ tay về phía đại đức Thitappo rồi nói với mọi người:
- Nãy giờ tôi khen các vị kia, chứ riêng ông này thì đần độn hơn cả!
Sau đó ít hôm, gặp mặt đại đức Thitappo. Ngài hỏi như không có gì xảy ra:
- Hôm trước tôi nói vậy, sư có giận tôi không?
Nhìn lên Ngài thiền sư, đại đức Thitappo cung kính trả lời:
- Làm sao con có thể giận được chứ, giận Ngài thì có khác gì nổi giận với một ngọn núi!
Có vài lần, trước tánh khí lạ lùng của thiền sư Ajahn Chah, nhiều người bảo Ngài sao cứ giống như một đại sư bên Thiền Tông của Phật giáo Bắc Truyền. Khi nghe vậy Ngài Ajahn Chah chỉ mỉm cười:
- Tôi chẳng là đại sư Thiền Tông nào hết, tôi cứ thấy mình cứ giống như thiền sư Ajahn Chah mà thôi!
Lần đó có một vị sư người Triều Tiên đến viếng thăm Ngài Ajahn Chah và xin được trao cho một công án, Ngài đã từ chối thẳng thừng và còn cho đó là trò chơi của trẻ con nữa. Ngài bảo với vị này rằng muốn chơi bất cứ trò nào thì trước hết phải hiểu biết quy tắc của trò chơi đó. Ðối với pháp thiền cũng vậy, phải có khái niệm và hiểu được mục đích của nó thì mới may ra tự tìm thấy cho mình một câu trả lời chín chắn. Còn cái chuyện công án gì đó thì thật ra vẫn chỉ là một trò chơi mà thôi. Một hôm khác, vị sư người Triều Tiên này lại đến kể cho Ngài Ajahn Chah câu chuyện về cuộc đối thoại giữa Lục Tổ Huệ Năng với hai vị học Tăng Trung Hoa, xong rồi vị này mới hỏi Ngài:
- Lấy mắt mà nhìn thì rõ ràng là lá phướn bay nhưng theo Ngài thì đó là tướng của lá phương hay tướng của gió?
Ngài Ajahn Chah trả lời không chút do dự:
- Chẳng phải là phướn động cũng chẳng phải là gió thổi mà là do nội tâm của người nhìn lá phướn.
Vị sư Triều Tiên bội phần kính phục và sụp mình đảnh lễ thiền sư Ajahn Chah. Nhưng ngay lúc đó Ngài lập tức mỉm cười và bảo rằng đó là câu trả lời của Lục Tổ Huệ Năng mà người đã đọc được trong một bản dịch tiếng Thái.
Có rất nhiều người trong số chúng ta cứ lầm lẫn hai khái niệm Sâu Sắc và Ô Hợp trong trí tuệ tu học. Ngài Ajahn Chah nhận biết rất rõ điều này và thường cố gắng giải thích cho các thiền sinh hiểu được cái sâu sắc thật sự và cần thiết thông qua những khái niệm đơn giản nhất. Ðịnh luật vô thường là một vấn đề đơn giản mà cũng sâu sắc nhất trong trí tuệ thiền định. Ngài thường nhấn mạnh như vậy. Thiền sư Ajahn Chah bảo rằng chiếc chìa khóa tốt nhất để khám phá thế giới chính là khả năng ghi nhận cẩn trọng bản chất vô thường của vạn vật. Ngài không dùng bất cứ một ngôn ngữ Tây phương nào để nói về thiền cả, Ngài chỉ nói bằng tiếng Thái thôi và trong các buổi thuyết giảng về thiền định, người ta thường nghe Ngài nhắc đi nhắc lại hai chữ "Mấy Né!" mà trong tiếng Thái có nghĩa là "vô thường, không chắc chắn". Thiền sư Ajahn Chah gần như đã đưa định luật vô thường lên vị trí hàng đầu lên cả các khía cạnh giáo lý khác. Trong những giờ dạy thiền, Ngài thường nhắc nhở các thiền sinh một điều là: "Chúng ta không thể nào vượt qua được các trở lực phiền não nếu chưa thực sự hiểu được chúng". Và Ngài giải thích rằng sự hiểu biết ở đây chính là khả năng nhận thức về đặc tính vô thường của các trở lực.
Bằng mọi cách, thiền sư Ajahn Chah đã luôn đề cập đến khả năng nhận thức định luật vô thường trong các pháp dù ngôn ngữ diễn đạt nhiều lúc có vẻ như không đá động gì tới vấn đề đó. Chẳng hạn như đi với Ngài, cụm từ "Giết chết phiền não" luôn đồng nghĩa với cụm từ "Nhìn thấy sự vô thường của các phiền não". Ở các trường thiền miền Ðông Bắc Thái Lan người ta hầu như đã quá quen thuộc với những ngôn ngữ dạy thiền của Ngài. Thiền sư Ajahn Chah cho rằng một khi hiểu được bản chất vô thường của các phiền não thì chúng ta sẽ có thể dễ dàng vượt qua được chúng.
Người ta thường cho rằng đời sống của một nhà sư Phật Giáo, đặc biệt là đối với các hành giả thì ngoài những công phu mang tính tôn giáo, chẳng có một lao động chân tay nào hết. Ðó là một suy nghĩ rất nông nổi, bỡi nếu nói theo tinh thần Phật giáo thì chỉ khi nào ra sức thực hiện những gì thật sự cần thiết thì đó mới được gọi là làm việc. Một người tu học chín chắn thì không làm những việc vô bổ, vô nghĩa. Nếu hiểu được một cách đúng đắn về tinh thần sinh hoạt đó thì mọi cử động lớn nhỏ của người hành giả, từ việc tụng niệm cho đến các sinh hoạt cá nhân đều là những công việc thật sự. Chuyện tu học và các sinh hoạt thường nhật lúc này coi như chỉ là một.
Theo tinh thần hướng dẫn của thiền sư Ajahn Chah, ở các thiền viện do Ngài lãnh đạo, các vị sư, kể cả Ngài, một khi đã làm việc thì luôn nhiệt tình và hết mình. Làm việc mà vẫn tiếp tục sống trong tinh thần thiền định. Lần đó thiền sư Ajahn Chah muốn làm một con đường lên chùa Tum Saeng Pet nằm trên núi, và Sở Cầu Ðường lúc đầu đã nhận lời giúp đỡ nhưng sau đó họ lại rút lui. Trước tình cảnh như thế, thiền sư Ajahn Chah dẫn hết chư Tăng trong chùa của mình lên tận nơi để bắt tay vào việc đắp đường. Các vị làm việc liên tục suốt buổi sáng. Ðến giờ khất thực thì tất cả vẫn ôm bát xuống làng như thường lệ. Sau bữa ăn, nghỉ ngơi trong khoảng một giờ, các vị lại tiếp tục làm việc. Ðiều hết sức đặc biệt là trong suốt thời gian làm việc, không ai thấy Ngài Ajahn Chah nghỉ ngơi trong một phút nào cả. Ngài vừa phải tiếp xúc với những người đến thăm viếng, vừa chỉ đạo chư Tăng làm việc và vẫn tự tay khiêng từng viên đá nặng để đắp đường. Ngoài ra Ngài còn làm cả những việc như lấy nước giếng cho chư Tăng dùng. Cứ như vậy Ngài làm việc cho đến khi nào kiệt sức thì thôi.
Một điều đáng buồn là bản thân thiền sư Ajahn Chah có như thế nào đi nữa Ngài cũng không được đón nhận nồng nhiệt ngay trên chính quê hương của mình là miền Ðông Bắc Thái Lan, cho dầu Ngài đã đem về đây nhiều đóng góp quan trọng mang cả ý nghĩa xây dựng nếp sống cho từng người dân địa phương. Phần lớn dân chúng ở đây vẫn còn quá lạc hậu, họ cứ tiếp tục giữ lại những cổ tục thấp kém như thờ cúng thú vật chẳng hạn. Chỉ có một số ít người chịu chấp nhận pháp môn thiền định, còn phần đông những người khác thì cứ e sợ pháp môn tu tập này sẽ làm họ mất trí. Ở miền Ðông Bắc Thái Lan, hầu hết mọi người đều rất sùng thượng vấn đề thần quyền như bùa chú và các hiện tượng siêu hình mà không quan tâm gì tới Phật giáo cả. Người ta đã từ chối Phật giáo để rồi lại chấp nhận những điều hết sức nghịch lý như luôn sẵn sàng để giết thú vật làm lễ hiến tế để cầu phước. Ngài Ajahn Chah đã can đảm phủ nhận những tín ngưỡng mù quáng như vậy và thế là chưa kịp độ được ai thì Ngài lại có quá nhiều kẻ thù.
Nhưng dẫu sao cũng phải nhận rằng thiền sư Ajahn Chah vẫn nhận được lòng thương kính của đông đảo quần chúng dù Ngài không hề có vẻ cố ý gây tạo cảm tình với ai và cũng chẳng có hứng thú gì với những tình cảm đó. Ðối với các đệ tử của mình, ai muốn ra đi thì Ngài sẵn sàng chấp nhận một cách dễ dàng, thậm chí còn gởi gắm họ với chỗ họ đã chọn. Còn đối với những vị sư đệ tử hết lòng thương kính Ngài, nếu cần, Ngài cũng dễ dàng gởi họ đến các ngôi chùa khác. Có thể nói rằng ngay trong chính tình cảm thầy trò, thiền sư Ajahn Chah vẫn luôn lấy tinh thần tập thể làm trọng. Ngài xem vị sư nào cũng là thành viên trong giáo hội mà không hề muốn ràng buộc bất cứ ai bằng thứ tình cảm riêng tư. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ một kỷ niệm về thiền sư Ajahn Chah vào một ngày Tết Thái Lan mấy năm về trước, lúc Ngài còn sống. Hôm đó, theo lệ thường nhân dịp đầu năm, các Phật tử kéo nhau lên chùa đông đảo lắm. Sau giờ tụng kinh chiều, Ngài bắt đầu thuyết pháp để sau đó là tiết mục thiền định tập thể. Lúc gần giữa đêm, có người vào báo với thiền sư Ajahn Chah là có một vị hòa thượng từ một ngôi chùa làng đến viếng thăm. Tôi không sao quên được hình ảnh Ngài Ajahn Chah đã đích thân bước ra ngoài để tiếp đón vị hòa thượng kia. Ngài cầm lấy chiếc đèn của vị hòa thượng rồi tự tay trải tọa cụ cho vị này ngồi. Sau đó Ngài đã quỳ xuống đảnh lễ vị hòa thượng này bằng ba lần cúi lạy thật nghiêm túc và hết sức thành kính. Có thể nói đó là ba cái cúi lạy đẹp nhất mà tôi đã thấy được trong đời mình. Thiền sư Ajahn Chah đã có một phong cách khiêm tốn tuyệt vời quá. Ngài đối xử với vị hòa thượng kia bằng thái độ hạ mình của một vị tân sư mới xuất gia và điều đáng nói hơn nữa là Ngài đã thực hiện điều đó ngay trước mặt hàng trăm đệ tử đồ chúng của mình như chẳng còn màng gì tới những suy nghĩ về danh phận, địa vị bản thân nữa.
Tôi nghĩ rằng thiền sư Ajahn Chah sở dĩ có được cái phong cách sống bất phàm đó chính vì Ngài đã không tự xem mình là một con người Riêng Biệt, Bất Biến nữa mà Ngài luôn có thể trở thành bất cứ con người nào mình muốn. Ðôi lúc chúng ta có thể thấy Ngài là một con người cả quyết, cứng rắn nhưng nếu cần thì Ngài cũng có thể là một vị thiền sư thật mềm mỏng, dễ gần. Bản thân Ngài là người luôn tự tĩnh, sống nhiều về chiều sâu , nhưng trong từng cử chỉ và sinh hoạt lớn nhỏ của Ngài đều luôn nhắm đến niềm hạnh phúc cho người khác. Thiền sư Ajahn Chah là một người vô cùng sâu sắc và tế nhị khi phải đối diện với những vấn đề thuộc quan điểm tư tưởng của người khác, dầu đó là cá nhân hay một tông phái. Chẳng hạn như lần đó có người đến hỏi Ngài về vấn đề A La Hán với Bồ Tát và muốn được Ngài cho biết ý kiến bởi từ trước đến giờ giữa Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông vẫn có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. Vừa nghe xong câu hỏi, Ngài Ajahn Chah thong thả trả lời:
- Ðừng ham là A La Hán hay Bồ Tát và cũng đừng muốn mình trở thành bất cứ cái gì hết. Quý vị hãy coi chừng mình sẽ bị đau khổ bởi những cái gọi là A La Hán, Bồ Tát hay chi chi đó.
Tôi có cảm giác rằng thiền sư Ajahn Chah đã không muốn mình là bất cứ cái gì cả. Ngài đã tự thể hiện tinh thần chánh pháp qua những giá trị tu học ở chính mình mà điều đó thì rõ ràng là không hề có ý nghĩa xây dựng, đắp tô một con người nào hết.
Ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ với Ngài, tự nhiên tôi đã có một niềm tin thật là mãnh liệt vào sự hướng dẫn của Ngài, đặc biệt là đối với tinh thần vô kỷ vong thân mà Ngài đã thể hiện. Tôi đã vô cùng thích thú khi nhận ra tinh thần đó ngay trong chính những ngày tháng tu học của mình. Có thể nói thiền sư Ajahn Chah đã tự hiểu được rằng mọi rắc rối trong đời sống đều được sản sinh từ chính bản thân mỗi người. Và nhận thức đó không hề là một kiến thức mang tính giáo điều nữa, nó phải là cái khả năng tinh thần mà mỗi người phải tự thể nghiệm lấy. Chính nhận thức đó sẽ giúp cho mọi sự trên đời có vẻ dễ chịu hơn.
Có thể nói đó là thành quả quan trọng nhất mà chúng ta có thể đạt được qua mọi thăng trầm của cuộc tu. Cái quan trọng trong cuộc tu nằm ở chỗ chúng ta biết quay về với chính mình và thấu suốt bản thân. Giá như tôi cứ nhớ hoài những lời dạy về vấn đề ngã chấp và vô minh mà mình đã được tiếp thu rồi tu tập đúng theo như vậy thì tôi tin chắc rằng tôi có thể tự biến mình một cách tự nguyện cho sư phụ của tôi. Thái độ vong thân này sẽ mang lại cho chúng ta một nguồn đạo lực to lớn bởi vì đây cũng là một cách suy tưởng về ân đức Tăng Bảo, một trong những đề mục có ý nghĩa trưởng dưỡng niềm tin cho chúng ta.
Tôi mong sao quí vị ở đây sẽ tìm thấy trong buổi nói chuyện này của tôi một chút giúp sức nào đó cho cuộc tu của quý vị.
-ooOoo-
(Trích Họ đã sống như thế)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét