Lá thư từ xứ Thái (Giác Nguyên dịch Việt)
(Họ đã nghĩ như thế là tuyển tập các bài viết của các vị đệ tử người Tây phương của Ngài Thiền sư Ajahn Chah).
(Họ đã nghĩ như thế là tuyển tập các bài viết của các vị đệ tử người Tây phương của Ngài Thiền sư Ajahn Chah).
Ngài sinh ngày 17 tháng 6 năm 1918 tại một ngôi làng nhỏ nằm gần thành phố Ubon Rajathani thuộc Ðông Bắc Thái Lan. Học xong tiểu học trường làng, Ngài đi tu sa-di ba năm rồi trở về phụ giúp gia đình. Gia đình Ngài sống bằng nghề nông.
Năm tròn hai mươi tuổi, ngày 26 tháng 04 năm 1939, Ngài quyết định xuất gia trở lại và lần này tu luôn giới phẩm Tỳ kheo. Xuất gia xong, Ngài được tham dự các khóa học giáo lý và ngôn ngữ Pali. Năm năm sau, phụ thân ngài qua đời và cũng vào lúc này Ngài nhận được mãnh bằng tốt nghiệp xuất sắc môn Pali. Một phần do tác động tâm lý từ cái chết của cha, Ngài bất chợt nhìn thấy cái buồn thiu vô vị của cuộc sống và thế rồi, từ bỏ mọi thứ đang có. Ngài quyết định thực hiện một cuộc đi đường dài của một người du sĩ.
Ðể tới được Trung bộ Thái Lan, Ngài đã trải qua 400 km bằng đôi chân gió bụi. Trong suốt thời gian ấy, không ít đêm Ngài phải ngủ lại giữa rừng sâu và thức ăn đi đường chỉ có được bằng cách khất thực tại những xóm làng mình đi qua. Rồi như một cơ duyên hãn hữu, ngài đã tình cờ ghé ngang một ngôi chùa và chính tại đây được tham kiến thiền sư Ajahn Mun Bhùridatta, một thiền sư thời danh và cũng vô cùng lỗi lạc.
Ngài Ajahn Chah quyết định dừng bước để cầu pháp. Ngài học cẩn thận pháp môn thiền định với thầy nhưng tự đáy lòng chẳng hiểu sao cứ thấy có gì đó bất ổn. Dường như hiểu được gút mắt này trong lòng Ngài nên thiền sư Ajahn Mun đã gợi ý một vấn đề hết sức quan trọng: "Giáo lý của Ðức Phật tuy được trình bày bao la nhưng để đi vào đáy sâu nội tâm của mỗi người thì chỉ có một con đường duy nhất mà cũng hết sức đơn giản đó là một khi có được khả năng chánh niệm đối với những gì diễn ra trong lòng mình thì tất cả sự thật tự lộ diện ...". Chính câu nói khai thị này đã phơi mở cho Ngài Ajahn Chah một lối về ngắn nhất với pháp môn Thiền Quán.
Suốt bảy năm dài sống hạnh đầu đà trong rừng sâu, ngài Ajahn Chah đã có nhiều cơ hội học hiểu bản chất cuộc đời qua quá nhiều thử thách chết người trong nếp sống thường nhật. Những khu rừng Ngài đi qua đều nổi tiếng là nguy hiểm với những mãnh thú và độc trùng. Có đêm kia, giữa rừng già hoang vu, Ngài đã một mình ngồi thiền dưới cơn bão lớn để có thể thấm thía tận cùng niềm cô đơn vô biên của kiếp sống không nhà.
Năm 1954, sau những tháng ngày trôi dạt, Ngài đã được mời về thăm lại quê hương, cũng vẫn ngôi làng nhỏ của ngày xưa. Thiền sinh các nơi tìm về cầu pháp ngày càng đông dần và một ngôi thiền viện được ra đời trong một cánh rừng phụ cận, một nơi cũng nổi tiếng ma thiêng nước độc, và đó chính là thiền viện Wat Pah Pong hôm nay để từ cơ sở này, rất nhiều chi nhánh tiếp nối nhau thành lập.
Năm 1967, một vị sư người Mỹ đã tìm đến Wat Pah Pong. Vị này chỉ mới tu thôi và ngay mùa an cư đầu tiên đã chọn một ngôi chùa ở sát biên giới để tu thiền. Ðó chính là đại đức Sumedho. Dù mọi công phu không phải là vô bổ nhưng đại đức vẫn cảm thấy mình cần có một người thầy hướng dẫn cho đời tu được trọn vẹn hơn. Vào đúng thời điểm đó, thật tình cờ, một vị sư đệ tử của Ngài Ajahn Chah đến viếng ngôi chùa này và gặp gỡ Sumedho. Cũng may, vị sư người Thái đó cũng biết nói chút ít Anh ngữ, rồi vị này đã giới thiệu ít nhiều về thầy của mình với Sumedho. Thế là đại đức Sumedho lập tức lên đường tới tận Wat Pah Pong cùng vị sư người Thái mới quen.
Ngài Ajahn Chah đã nhiệt tình tiếp nhận sư Sumedho nhưng trước sau vẫn không quan tâm gì tới đời sống vật chất của người học trò da trắng này. Có nghĩa là sư Sumedho vẫn cứ phải đi khất thực để sống với những thức ăn thật khó quen miệng và dĩ nhiên cũng được hướng dẫn phép thiền theo cách vẫn áp dụng cho các thiền sinh bản xứ.
Phương pháp dạy thiền của Ngài Ajahn Chah tuy có phần khắt khe nhưng có một nội dung sâu sắc nhất định. Ngài luôn đặc biệt nhấn mạnh mục đích tĩnh lặng để thấu thị thực tại xuyên qua tất cả lao dịch chấp tác mỗi ngày và tinh thần thứ hai cho mọi sinh hoạt của tất cả thiền sinh luôn đặt nền tảng trên một từ "Giới Luật".
Theo thời gian, cùng với những cơ duyên, ngày càng có thêm nhiều những nhà sư Tây phương tìm đến Wat Pah Pong. Lúc này đại đức Sumedho đã được năm hạ tỳ kheo cùng với một khả năng khá vững chải. Ngài Ajahn Chah quyết định giao phó cho đại đức trách nhiệm trông coi và hướng dẫn các nhà sư da trắng đó.
Mùa hè năm 1975, ngài Sumedho cùng các vị sư Tây phương đã tạm thời rời Wat Pah Pong để đến hành thiền trong một cánh rừng cách đó không xa. Thật bất ngờ khi dân chúng địa phương hết lòng hoan hỷ yêu cầu các vị tiếp tục lưu trú dài hạn và chính ngài Ajahn Chanh cũng đã cho phép các vị lựa chọn. Thế là thiền viện Wat Pah Nanajat (đa chủng tộc) đã được ra đời và Ngài Sumedho trở thành viện chủ ngôi tu viện đầu tiên dành cho các nhà sư Tây Phương.
Năm 1977, được Giáo Hội Phật Giáo Anh Quốc mời sang thăm viếng, ngài Ajahn Chah đã dắt đại đức Sumedho và đại đức Khemadhammo đi cùng. Thấy ở Anh Quốc có nhiều điều kiện hoằng dương, Ngài đã để hai người học trò ở lại chùa Hampstead ở Luân Ðôn rồi trở về Thái Lan. Ðến năm 1979 Ngài lại trở qua Anh khi hai vị đại đức học trò đã rời Luân Ðôn đi xây dựng thiền viện Chithurst ở Sussex. Sau đó Ngài còn sang tận Hoa Kỳ và Canada để thuyết giảng.
Chấm dứt chuyến đi, trở về Thái Lan vào năm 1981, sức khỏe của Ngài lại bắt đầu sa sút ngày một nhiều bởi chứng tiểu đường. Trong tình trạng đáng ngại như vậy, Ngài vẫn cố gắng bình tâm và luôn có ý lấy chính tấm thân của mình làm bài học thiền định cho các đệ tử. Cuối mùa an cư năm 1981, Ngài gần như không còn nói chuyện được nữa, các buổi thuyết giảng thưa dần và sau cùng Ngài coi như không thể cử động, phải nằm một chỗ nhưng sức mạnh nội tâm thì vẫn vô cùng mãnh liệt.
Ngài viên tịch vào tháng Giêng, 1992.
Lá Thư Từ Xứ Thái
Năm nay tôi nhập hạ ở chùa Tum Saeng Pet để thay đổi không khí cho cái sức khỏe đang xuống dốc. Bên cạnh tôi lúc này có mấy vị sư đệ tử người Tây Phương. Sư Pabhàkaro, sư Santo, sư Pamutto, sư Michael, sa di Guy cùng một số chư Tăng, Phật tử thiền sinh người Thái. Ai cũng tu thiền tiến bộ hết. Ðó là niềm vui lớn cho tất cả chúng ta và bỗng nhiên bây giờ tôi thấy khỏe lại ít nhiều, đủ để ngồi lại ghi âm lá thư cho các vị bên đó.
Vì sức khỏe không cho phép nên tôi không sang thăm Anh quốc được nhưng những tin tức về Phật sự của các sư bên đó vẫn làm tôi thấy vui hoài. Ðiều khiến tôi mừng nhất là sư Sumedho bây giờ đã có thể làm Hòa thượng cho người khác xuất gia. Phật giáo bên Anh như vậy là đã có cơ may phát triển rồi đó. Tôi cũng mừng khi được biết các vị đại đức và ni tu thân quen hiện đang sống tại thiền viện Chithurst với sư Sumedho. Tôi mong mỏi các vị luôn có nhiều sức khỏe, sống hòa thuận, tương trợ trong đời tu và hoạt động Phật sự.
Thông qua các đàn tín ở Anh và Thái Lan, tôi được biết khá nhiều về tiến độ xây dựng thiền viện Chithurst. Nghe đâu ở đó bây giờ đã có đủ phòng ốc tiện nghi. Tôi cứ nhớ lại một tuần lễ sống ở Chithurst mà ngán! Hôm nay thì cả ngôi chánh điện lẫn giảng đường đều hoàn tất. Nhưng cũng nhớ đấy, cứ lo xây cất mãi thì cũng không ổn đâu, lối sinh hoạt đó có vẻ hơi hình thức ... Tôi cũng hiểu là vị nào mang trọng trách trụ trì hay viện trưởng cũng đều phải ít nhiều bận rộn trong việc xây dựng cơ sở, kể cả chùa Wat Pah Pong ngày xưa cũng đã phải bắt đầu với những đa đoan đó mà. Nhưng các vị cũng đừng quên rằng công việc nhiêu khê luôn quấy rầy đời sống tu tập và hoằng dương của người xuất gia mà điều quan trọng nhất là nếu cứ đầu tắt mặt tối như vậy chúng ta làm sao nói chuyện với thiên hạ được?!
Tuy vậy tôi tin tưởng ở sư Sumedho rất nhiều, tin sư sẽ luôn biết tự dàn xếp. Vấn đề thực ra thì cũng nhỏ thôi, chẳng có gì đáng nói nhiều, nhưng nhớ chừng vẫn hay hơn. Vì mọi vấn đề luôn là dễ hay khó ngay tự cách nhìn của chúng ta.
Trách nhiệm trụ trì hay viện chủ chẳng khác gì việc lắp đặt một thùng rác. Bực mình vì mấy thứ rác rưới nên người ta mới nghĩ ra cái thùng rác để hết phiền. Thế rồi trên thực tế chính người lắp đặt thùng rác lại cũng là kẻ giữ rác! Có cơ sở rồi cai quản nó thì phiền lắm. Từ chùa Wat Pah Pong đến các ngôi tịnh xá thời Ðức Phật cũng thế, đều là những chỗ để chuốc phiền và trăm thứ rác rến đắng cay dĩ nhiên cứ nhắm vào vị trụ trì, viện chủ mà trút xuống!
Trong những hoàn cảnh đó, chúng ta đòi hỏi phải có một cái nhìn thật xa, thật sâu để có thể thu xếp, ổn định mọi sự. Và có thể nói rằng đức tính quan trọng nhất cho đời tu chúng ta chỉ nằm trong chữ Nhẫn. Mỗi một chữ đó thôi nhưng sâu sắc và cần thiết vô cùng.
Ðúng là các công trình xây dựng trú xứ ở Chithurst hôm nay đã hoàn tất nhưng xem ra vẫn còn một chuyện vẫn chưa xong xuôi đấy, thậm chí nó còn mãi mãi là một vấn đề phải giải quyết dài hạn. Ở đây tôi muốn nói đến việc duy trì những gì mình đã tạo dựng. Ðúng thế, cất chùa thì dễ mà giữ chùa thì lại rất khó. Ðiều này cũng giống như việc tế độ cho một người xuất gia rồi tiếp tục nuôi dạy họ. Cả hai việc khác nhau nhiều lắm. Nhưng suy cho cùng thì chẳng sao cả, vấn đề tuy có đôi chút khó khăn đấy, miễn sao ta biết thu xếp mọi sự cho thật giản dị là được rồi. Từ quan niệm sinh hoạt này, tôi rất mong các vị hãy vì tiền đồ Phật pháp ở Chithurst mà cùng nhau dốc sức.
Tôi hy vọng những gì mình nói ra hôm nay trong cuốn băng này sẽ mang lại cho các vị bên đó một chút ấm lòng và khích lệ. Gặp bất cứ người Thái nào có liên hệ bên Anh Quốc tôi cũng đều khuyên họ đến viếng thăm thiền viện Chithurst cả. Tôi tin họ sẽ lấy làm thú vị với một chi nhánh thiền viện như vậy ở đó. Ðổi lại, bây giờ cũng có rất nhiều khách ngoại quốc tìm tới viếng chùa Nanajat và nhờ vậy, tôi cũng có được ít nhiều tin tức về các vị. Tôi muốn nhắc lại rằng điều làm tôi vui nhất chính là thấy được mối quan hệ mật thiết giữa ba chùa: Wat Pah Pong, Wat Nanajat và thiền viện Chithurst.
Ðó là tất cả những gì tôi muốn nói. Hãy nhận lấy tất cả tấm lòng của tôi dành cho các vị. Mong sao cho các vị luôn an lành, sống hòa hợp và tương trợ. Nguyện cầu hồng ân tam bảo luôn sống mãi trong tâm hồn các vị. Chúc sức khỏe từng người.
Ajahn Chah
Ý Nghĩa Thiền Ðịnh
(Gồm một thời pháp thoại vấn đáp giữa thầy trò thiền sư Ajahn Chah tại Chùa Gor Nork, Thái Lan, mùa an cư 1979, trong đó các cử tọa hầu hết đều là người nói tiếng Anh)
-ooOoo-
HỎI: Có phải pháp môn thiền định mà Ngài vẫn nhắc đến là nói về cách ngồi thiền hay cách suy tư về một đề tài thiền định chuyên biệt nào đó như quán về 32 thể trược chẳng hạn?
ÐÁP: Thật ra những điều đó sẽ không còn cần thiết nữa đối với nội tâm đã thực sự tĩnh lặng. Một khi tâm tư ta đã được dàn xếp một mức độ bình đạm nhất định nào đó thì thực tại, tức đối tượng của trí tuệ Thiền Quán sẽ tự hiển hiện một cách rõ ràng. Trong một sự tập trung đúng mức của nội tâm, mọi khái niệm khu biệt, đánh giá về cái tốt xấu, dở hay ... sẽ biến mất. Các vị đừng ngồi đó mà suy nghĩ, tính toán: "Cái này giống cái kia, cái kia giống cái nọ". Cái đó chỉ là cái vỏ ngoài của thiền định. Thiền định tuyệt đối không chỉ có nghĩa là suy nghĩ, mà hơn vậy, đó chính là sự tĩnh lự, hay khả năng thấu thị trong im lặng. Cứ tự nhiên mà sống nhưng điềm tĩnh quan sát từng hiện hữu thông qua những so sánh khách quan. Con đường này tuy vẫn có vẻ chưa rốt ráo cho lắm nhưng cũng ít nhiều cho ta một cái nhìn như thật.
HỎI: Rõ ràng là trong lúc thiền định về danh sắc, chúng tôi đã Suy Nghĩ, Tư Tưởng. Liệu những Suy Nghĩ, Tư Tưởng đó có dẫn đến trí tuệ nội quán và đây có phải là pháp môn Vipassanà không?
ÐÁP: Ðúng là trong Thiền Quán trước sau chúng ta đều phải Suy Nghĩ, Tư Tưởng. Nhưng với một trí tuệ chín chắn thì những Suy Nghĩ, Tư Tưởng mang tính chất Ngã chấp sẽ bị đình chỉ. Cho dù đôi lúc ta cũng phải bắt đầu mọi sự bằng thái độ của một chủ thể nhưng chẳng sao cả, mọi vọng niệm không cần thiết rồi sẽ qua đi.
HỎI: Ngài thường nhấn mạnh vai trò của Ðịnh (Samàdhi) trong tiến trình tu tập Thiền Quán. Vậy thế nào là Ðịnh theo định nghĩa của Ngài?
ÐÁP: Ðó là sự tĩnh lặng cần thiết và kịp thời trong từng khoảnh khắc sinh diệt của ý thức.
HỎI: Có phải Ngài muốn nói đến sự hết mình với mỗi phút giây hiện tại, không bận tâm gì đến quá khứ, tương lai?
ÐÁP: Nếu có nghĩ về quá khứ, tương lai bằng một ý thức rõ ràng về bản chất như thật của chúng ta thì vẫn là tốt, miễn sao ta không bị chúng bắt giữ, đồng thời cũng hãy xem chúng "chẳng là gì cả" để không chấp thủ chúng. Thấy được Tư Tưởng là Tư Tưởng, đó chính là trí tuệ Thiền Quán. Ðừng đặt hy vọng vào bất cứ Tư Tưởng nào cũng như bất kỳ cái nào thuộc Tư Tưởng. Chỉ nên ghi nhận rằng chúng đều là những gì đang sanh ra và sẽ mất đi. Hãy nhìn ngắm mọi thứ một cách đơn giản, chúng ra sao thì thấy như vậy, không cố đi tìm một chủ thể nào trong đó cả: Hạnh phúc là Hạnh phúc, Ðau khổ là Ðau khổ. Thấy được như vậy ta sẽ chấm dứt mọi hoài nghi.
HỎI: Tôi vẫn chưa hiểu ý Ngài. Xin nhắc lại Thiền có phải là Tư Tưởng không ạ?
ÐÁP: Tư Tưởng đối với hành giả chỉ là một thứ công cụ thôi, còn cái Hiểu Biết được hành trang của Tư Tưởng thì tuyệt nhiên không phải là Tư Tưởng (theo nghĩa thông thường). Cái Hiểu Biết đó giúp ta không bị Tư Tưởng đánh lừa. Chúng ta hãy hiểu rằng tất cả Tư Tưởng chỉ đơn giản là những vận động của ý thức, còn cái Hiểu Biết kia chẳng dính dáng gì tới tư tưởng cả. Các vị nghĩ gì về cái gọi là Ý Thức, Tư Tưởng hay những vận động của chúng? Chúng ta đang nói chuyện về ý thức, những hoạt động của ý thức và tôi muốn nhấn mạnh rằng Tư Tưởng chỉ là những vận động mang tính tập quán của ý thức. Không có một ý thức Chân Như nào cả, tất cả chỉ mang ý nghĩa của cái Ðang Là, không đụng chạm gì với vấn đề thời gian.
Chỉ tìm hiểu vấn đề này bằng một cuộc đối thoại suông thế này, ta không đi đến đâu cả. Trước hết, chúng ta phải thấu đáo cho bằng được ba pháp ấn căn bản của pháp môn Thiền Quán là Vô Thường, Khổ Não và Vô Ngã. Ta phải dùng Tư Tưởng để chú ý đến bản chất thật sự của những gì vẫn luôn xảy ra. Thành tựu tâm linh có được từ công phu này chính là trí tuệ và nếu đó là khả năng trí tuệ như thật thì có nghĩa là ta đã liễu ngộ được Níp Bàn, thấy được Tánh Không (theo đúng tinh thần truyền thống). Và sự liễu ngộ này cũng vẫn là một hình thức Tư Tưởng, có điều lúc này nó chẳng còn gì để ta phải bận tâm nữa.
HỎI: Làm thế nào để chúng ta có thể đạt đến trình độ như Ngài vừa nói, mà theo chúng tôi có thể gọi đó là cái Chơn Tâm?
ÐÁP: Các vị luôn sống và làm việc bằng chính Tư Tưởng mà mình có thể, đúng chưa? Hãy thấy rằng tất cả những gì xảy ra đều luôn bất toàn, và rỗng tuếch. Hãy chiêm ngắm tinh tường để thấy rằng thật ra chẳng có một chỗ nào là chỗ hiện hữu cho bất cứ cái gì. Thấy được chúng là vật vô xứ nên ta vô chấp. Ðó là ý nghĩa trọn vẹn của tánh Không. Khi phát hiện ra bất cứ cái gì xảy đến trong tâm thức, dù nó nhắm tới mục đích gì, ta cũng đừng bận tâm tới bằng một sự hợp tác nào và cũng đừng tự đặt ra một nghi vấn nào về chúng cả.
Chúng ta hãy quay lại với hai tiếng Chơn Tâm gì đó mà khi nãy các vị vừa nhắc đến, hi vọng thông qua chút quan hệ ngữ nghĩa này ta sẽ hiểu được vấn đề.
Ðúng là chúng ta đã nghĩ ra các tên gọi mang tính thuật ngữ để tiện dụng cho việc học tập và nghiên cứu, nhưng trước sau gì thì vạn vật cũng cứ là vạn vật dù ta có gọi tên chúng ra sao đi nữa. Chúng ta lúc này đang cùng ngồi trên một nhà lát đá. Nó bất động, vô hồn và bên trên chúng ta bây giờ còn có một lớp trần, cũng vẫn là một hiện hữu chẳng dính dáng gì tới chúng ta. Nhưng nếu cần nghĩ về chúng ta thì lại rắc rối đấy. Cả nền nhà lẫn trần nhà đều xuất hiện trong đầu óc ta với cùng lúc rất nhiều vấn đề hình thức, cảm giác, ký ức, suy nghĩ. Mà thật ra thì chúng đâu có tồn tại theo đúng như những gì ta tư tưởng về chúng, áp đặt lên chúng! Tất cả chỉ là một chuỗi ý thức mang tính tập quán. Còn cái nền nhà và trần nhà này thì vẫn từng phút chuyển hóa sinh diệt theo nhân duyên, bởi tự chúng sẽ chẳng là gì cả.
Trong kinh điển Pàli có kể lại một câu chuyện nhỏ về trưởng lão Xá-Lợi-Phất khi Ngài muốn kiểm tra khả năng tu học của một người đệ tử trước khi cho phép vị này sống hạnh đầu đà. Trưởng lão đề nghị vị này hãy cho mình biết sẽ trả lời ra sao khi có người đặt câu hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra đến Ðức Phật khi Ngài đã viên tịch: "các uẩn sau khi sinh khởi đều sẽ biến diệt." Ðược biết rằng Ngài Xá-Lợi-Phất rất hoan hỷ với câu trả lời và đồng ý cho người đệ tử được toại ý đi theo con đường mình đã chọn.
Thiền Quán không chỉ là những cuộc đàm luận bằng miệng về chuyện sinh diệt của vạn hữu. ở đây luôn đòi hỏi ở chúng ta một trí tuệ tự chứng và thực nghiệm. Khi đang ngồi, hãy đơn giản nhận biết cái gì đang xảy ra với mình lúc đó. Chỉ quán sát chứ không đuổi bắt bất cứ cái gì. Thiền Quán không không hề có nghĩa là trạng thái ý thức bị câu thúc. Sự vận động của trí tuệ Thiền Quán về thực tại không giống như những vọng niệm phiêu bồng về cuộc đời, về những vấn đề thế tục. Cho nên chỉ trừ trường hợp hiểu được yếu tính của Thiền Quán, càng Tư Tưởng mông lung thì ta càng dễ rơi vào ngộ nhận.
Sở dĩ ở đây việc phát triển chánh niệm được nhấn mạnh nhiều lần là bởi vì tất cả chúng ta đang rất cần đến một cái nhìn thật rõ ràng về những gì đang xảy ra mà tôi vẫn gọi là cái thực tại. Chúng ta phải hiểu được qui trình vận động của chính nội tâm mình. Một khi chánh niệm và trí tuệ được song hành thì mọi sự chắc chắn sẽ được ổn định. Ta có thể nghĩ rằng đối với một người hiểu được lẽ đạo sẽ không bao giờ có những hành động nông nổi, dung tục nhưng nếu chỉ bảo rằng phong cách đó có được từ việc hiểu thấu lẽ Ðạo thì cũng chưa đủ. Vậy thì đằng sau động lực đó còn có cái gì khác nữa? Ðó chính là chánh niệm!
HỎI: Thế nào nghĩa là Ngài đang muốn nói tới một cái tâm thức nguồn cội trong chính tâm thức này phải không ạ?
ÐÁP: Tôi vẫn chưa hiểu ý ông ...
HỎI: Tôi thấy hình như Ngài đang đề cập tới cái gì đó nằm ngoài Ngũ Uẩn, cái đó có thật sao và ngài gọi nó là cái gì?
ÐÁP: Không có CÁI GÌ cả thì làm sao chúng ta có thể gọi tên cho cái không có ấy được? Mọi thứ sinh diệt để mà sinh diệt. Ngay cả sự Hiểu Biết về điều này cũng không thuộc về bất cứ AI và nó cũng bị biến diệt. Ý thức (cứ tạm gọi thế) không hề là một cá thể, một con người, một cái Tôi, chẳng là bỉ cũng không là thử. Ý nghĩa trọn vẹn của nó chỉ dừng lại ở đó, không có gì đáng để ta ước muốn. Tất cả chỉ là một sự mất mát, băng hoại. Thấy được điều này, tất cả sẽ được chấm dứt, có nghĩa là không còn gì để nói nữa.
HỎI: Vậy thì tôi có thể gọi cái Ngài vừa nói bằng cái tên là "Ý Thức Nguồn Cội" chứ ạ?
ÐÁP: Nếu ông muốn thì cứ gọi thế cũng được. Ông có thể tùy ý, trọn quyền định danh nó miễn sao ông không quên nguyên lý Nhân Quả vẫn luôn tồn tại ở mỗi hiện hữu. Hãy nhớ rằng điều này rất quan trọng đấy. Không ứng dụng nguyên lý Nhân Quả tương quan thì ta không thể nào có được những ngôn từ hay khái niệm thích đáng để soi rọi chân lý đâu nhé. Tôi nhắc lại, đây là điều quan trọng phải hiểu.
HỎI: Xin hỏi Ngài có thể nói cụ thể ở cấp độ nội tâm thế nào và một chánh niệm ra sao mới có thể đạt tới những điều Ngài vừa nêu ra không ạ?
ÐÁP: Ông khỏi bận tâm đến điều đó. Khi chưa có được một khả năng nội tĩnh đúng mức thì coi như ông vẫn chưa thể đối điện với những câu hỏi này. Ông cần thiệt phải có một trình độ nội tĩnh thật sự vững vàng để có thể nhìn thấy những gì đang xảy ra với mình một cách rõ ràng và kịp thời.
Càng đưa ra nhiều câu hỏi chỉ chứng tỏ rằng ông vẫn đang bị khốn khổ bởi các nghi hoặc. Tôi nhắc lại, ông đang rất cần tới một sự nội tĩnh để không tiếp tục bị những thắc mắc đó vây hãm nữa. Chỉ cần thực hiện trọn vẹn công phu Thiền Quán, ông sẽ tự thấu suốt hết những vấn đề này thôi. Trong khi đó, càng cưu mang chúng, ông chỉ càng thêm mù mịt. Cuộc đối thoại nào cũng là tốt cả nếu nó giúp được ít nhiều sức mạnh cho công phu tu tập của ông. Nhưng cũng phải nhớ rằng đối thoại bằng ngôn từ không thể đưa ông tới trí tuệ giác ngộ như thật đâu đấy. Chánh pháp không thể được liễu ngộ qua trung gian nào hết, ông phải tự mình nổ lực mới có thể liễu ngộ. Ðó cũng chính là nguyên tắc tự chứng (paccattam) của Phật Giáo.
Bỡi nếu ông chỉ sở hữu được những kiến thức mà chúng tôi trao truyền lại thì phải nói rằng trách nhiệm của ông vẫn hãy còn nhiều lắm, vì rõ ràng ông vẫn chưa tự mình thực hiện điều gì cả. Mà nếu còn có việc phải làm thì coi như ông chưa đi tới đâu hết.
Hãy sống thật đơn giản bằng cách đặt xuống mọi sự và hiểu rõ những gì mình đang làm. Ông cũng chẳng cần phải cân đong đo đếm mức độ tu tập của mình rồi bận tâm vớ vẩn. Mọi sự luôn tự có một vị trí và giá trị cho riêng mình. Bất cứ cái gì xảy đến trong cuộc tu, cứ để mặc chúng qua đi. Ta chỉ việc hiểu rằng cái gì cũng là bất toàn và vô thường. Hãy nhớ thật kỹ, cái gì cũng vô thường. Hãy sống trọn vẹn với tinh thần đó. Ðây chính là con đường dẫn tới cái mà ông gọi là Ý Thức Nguồn Cội đấy!
(Trích Họ đã nghĩ như thế)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét