KHÔNG THỂ SỐNG
THIẾU THIỀN (phần 1)
Thiền sư
Sayadaw U Jotika
Người dịch: Sư
Tâm Pháp
Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau ngồi thiền
một chút.
Hãy ngồi tuỳ theo ý thích của mình; hãy
làm cho mình thật thoải mái, bởi vì nếu bạn không ngồi thoải mái, bạn sẽ bị đau
và tâm bạn sẽ chỉ nghĩ về cái đau mà chẳng nghe được tôi nói gì cả. Đó là bản
chất của tâm, nó thường chạy đến chỗ nào bị đau.
Tôi thấy có nhiều khuôn mặt quen thuộc ở
đây.Đây là lần thứ hai tôi đến nơi này để nói chuyện.Có ai nhớ lần đầu tiên tôi
đến đây không nhỉ?Từ khá lâu rồi, từ năm 1996, đã nhiều năm rồi.
Trước khi tôi nói chuyện, nói một bài Pháp, hay trước khi chúng ta bắt đầu thảo
luận, hãy bắt đầu bằng cách đảnh lễ Đức Phật. Chúng ta hãy cùng đảnh lễ nhé:
Namo Tassa Bhagavato Arahato
Sammasambudhassa!
Tôi biết rằng các bạn vừa tụng kinh và lễ
Phật trước khi tôi vào đây rồi, vì vậy chúng ta không cần phải làm lại nữa. Đối
với tôi, nói chuyện như thế nào là phụ thuộc vào các bạn, sự đáp ứng của người
nghe là rất quan trọng. Khi các bạn nghe tôi nói, và khi các bạn tham gia vào
những chủ đề tôi đang diễn đạt, bằng bất cứ cách nào, có khi chỉ cần bằng những
biểu hiện trên khuôn mặt hay bằng cách trả lời những câu hỏi của tôi, những
việc đó khiến cho cuộc nói chuyện trở nên thú vị hơn và cũng khích lệ, tạo hứng
thú nhiều hơn. Khi bạn biết rằng mọi người đang lắng nghe bạn nói, bạn sẽ cảm
thấy có nhiều năng lượng hơn, nhiệt tình hơn để tiếp tục nói.Vì vậy, một cuộc
nói chuyện không chỉ phụ thuộc vào người nói màcòn phụ thuộc vào cả người nghe nữa.
Tôi đã nghĩ đến một chủ đề cho buổi nói
chuyện hôm nay, nhưng tôi lại thay đổi. Chủ đề ngày hôm nay tôi sẽ nói là “Tại
sao chúng ta không thể sống thiếu thiền?”.Bạn không thể
không hành thiền.Chủ đề này có thú vị không? Rất thú vị!
Tôi thích đọc sách. Tôi đã nghiên cứu rất
nhiều từ khi tôi còn trẻ, tôi đã thực hiện những công trình nghiên cứu
của riêng tôi về rất nhiều lĩnh vực. Tôi đã đọc nhiều cuốn sách và các nghiên
cứu của các nhà y học, nhất là các nhà y học và tâm lý học của Mỹ về chủ đề:
thiền tập tác động đến thân và tâm, đến cuộc sống, thậm chí phong cách sống của
bạn như thế nào. Tôi đã phát hiện ra rất nhiều điều thú vị. Đây là những ghi
chép của tôi: điều đầu tiên là cuộc sống tâm linh và tôn giáo có ảnh hưởng rất
tốt cho con người.
Vậy, điểm cần phải xác định rõ ở đây là
tại sao lại có hai: “cuộc sống tâm linh và tôn giáo”. Tâm linh và tôn giáo có
phải là một hay không?Có điều gì khác nhau?Các bạn đang gật đầu.Các bạn cũng
nghĩ là cuộc sống tâm linh và tôn giáo là khác nhau.Làm cách nào để phân biệt
giữa tâm linh và tôn giáo?Khác nhau ở chỗ nào?
Tâm linh và tôn giáo có một số điểm tương
đồng nhưng không hoàn toàn y hệt như nhau.Đúng thế, tôi đồng ý với bạn. Điều đó
có nghĩa là một số người không hề tuân theo một quy tắc hoặc giới luật tôn giáo
nghiêm ngặt nào, nhưng họ vẫn đang thực hành những điều mà bạn gọi là tâm linh.
Tâm linh nghĩa là thiện lành, cao thượng, tốt đẹp cho thân và tâm của bạn, làm
cho bạn cảm thấy bình an và hạnh phúc. Chúng ta phải phân biệt giữa hai cái đó
– tôn giáo và tâm linh. Bởi vì ở Singapo, tôi nghe nói rằng có nhiều người là
những người tự do về tư tưởng, nghĩa là họ không theo một tôn giáo nào cả, đúng
không? Tôi cũng là một người mang tư tưởng tự do. Bởi vì bạn phải suy nghĩ một
cách độc lập, không bó buộc trong một cái khuôn nào hết, nếu bạn không suy nghĩ
một cách độc lập, điều đó có nghĩa là bạn chẳng nghĩ được cái gì hết. Làm thế
nào để suy nghĩ một cách độc lập? Bạn có thể nói rằng tôi đang suy nghĩ nhưng
không suy nghĩ một cách độc lập, điều đó có thể hay không? Cái đó có nghĩa gì
không?Chẳng có nghĩa gì cả - vô nghĩa.Nếu bạn thực sự suy nghĩ (tư duy), thì
nhất định bạn phải suy nghĩ một cách độc lập. Bởi vậy, tôi tin là hầu hết các
bạn đều là những người có tư tưởng độc lập. Tôi cũng là một người có tư tưởng
độc lập.Nhưng để là một người độc lập, nó là cả một trách nhiệm rất lớn.Không
có một người độc lập về mặt tư tưởng nào có một cuộc sống dễ dàng cả.Họ thường
có một cuộc đời khó khăn. Càng tư duy sâu sắc, bạn lại càng thấy rằng rất khó
để xác định chắc chắn việc này là đúng hay sai, tốt hay xấu, thiện hay bất
thiện. Làm sao bạn biết được điều đó?Làm thế nào để xác định chắc chắn?
Khi còn trẻ, tôi đã nghiên cứu rất nhiều
lĩnh vực.Tôi đã học qua rất nhiều trường học khác nhau, nhưng chủ yếu là được
đào tạo trong các trường truyền giáo của giáo hội Thiên chúa giáo.Vì vậy tôi đã
tiếp xúc với rất nhiều hệ tư tưởng và nhiều tôn giáo khác nhau. Tôi lớn lên ở
một cộng đồng mà có đủ loại người: người theo đạo Phật, đạo Hindu, đạo Thiên
chúa, đạo Hồi, đạo Do thái, đủ loại người, và tất cả họ đều là bạn của tôi. Tôi
đến chơi nhà họ, dành nhiều thời gian ở với gia đình họ, đôi khi còn ăn ở đó, vì
vậy tôi đã được nghe rất nhiều quan điểm và những luồng tư tưởng khác nhau về ý
nghĩa của cuộc sống, về những điều cần phải tin và những điều không nên tin, về
những điều đúng và điều sai. Càng nghe họ nói về những vấn đề đó, tôi lại càng
trở nên sâu sắc và cẩn thận hơn.Bởi vì có quá nhiều luồng tư tưởng khác
nhau.Làm thế nào để xác định chắc chắn được? Làm thế nào để biết chắc rằng điều
người này nói là đúng và người kia nói là sai? Làm thế nào để quyết định được?
Vì vậy, trong nhiều năm tôi không thể
quyết định nổi là mình sẽ theo tôn giáo nào, cho mãi đến tận năm tôi 26 tuổi.
Mất cả một thời gian dài.Tôi kể cho các bạn nghe một vài chuyện trong cuộc đời
tôi, khi còn học ở trường, chúng tôi phải điền vào tờ khai sơ yếu lý lịch. Và
trong đó có một mục họ hỏi bạn theo tôn giáo nào, thế mà cho đến tận khi tốt
nghiệp, tận khi tôi lấy bằng kỹ sư, tôi vẫn còn phải điền vào mục đó là “chưa
quyết định theo tôn giáo nào hết”.
Trong tiếng Miến Điện, câu đó nghe rất
buồn cười.Đầu tiên tôi nói là không tôn giáo – vô thần. Nhưng một người bạn của
tôi nói câu ấy nghe thô quá, vì vậy tôi đổi lại một câu khác nghe nhẹ nhàng hơn
một chút – không quyết định theo tôn giáo nào. Thế rồi bạn tôi lại nói, như thế
vẫn không ổn, nên ghi là hiện giờ vẫn chưa theo tôn giáo nào. Nghĩa là vẫn để
ngỏ khả năng theo một tôn giáo nào đó. Câu hỏi đó vẫn để ngỏ. Có thể sau này
tôi sẽ theo một tôn giáo nào đó. Có thể một lúc nào đó tôi sẽ tin được một giáo
lý nào đó. Mặc dù không phải là tín đồ của một tôn giáo nào, nhưng tôi lại rất
thích nghiên cứu về tôn giáo. Tôi nghiên cứu tất cả các tôn giáo và thực hành
giáo lý của nhiều loại tôn giáo khác nhau, chỉ để tìm ra, từ kinh nghiệm của
chính mình, xem nó tác động đến mình ra sao.
Tôi là một người rất thực tế.Chính vì vậy
tôi học ngành cơ khí điện tử.Bởi vì trong ngành đó bạn sẽ phải làm việc với máy
móc.Vì vậy tôi học điện tử, một ngành rất phức tạp và cũng rất thú vị.Điện tử
là một lĩnh vực thú vị nhất trong thế giới vật lý.Nó có vai trò thật to lớn.Chỉ
cần tưởng tượng một ngày nào đó, trên thế giới bị mất điện hoàn toàn, điều gì
sẽ xảy ra?Tất cả mọi thứ đều dừng lại.Bạn cũng không gọi điện thoại được nữa.
Hồi đó tôi rất say mê với ngành điện tử. Khi nghiên cứu tôn giáo, tôi không thể
chỉ đọc rồi tin ngay. Tôi nhất định phải làm một cái gì đó.Tôi phải tìm ra.
Trong những lần nghiên cứu đó, tình cờ tôi đọc được một bài kinh trong kinh
tạng Pali do Đức Phật thuyết. Đức Phật nói rằng “các con chớ có tin chỉ bởi
vì đó là truyền thống”. Điều đó đã mang lại cho tôi biết bao nhiêu là tự
do, giải thoát. “Chớ có tin chỉ vì con đã được nghe điều ấy nhiều lần”,
“Chớ có tin chỉ vì điều ấy có vẻ hợp lý”. Đôi khi có rất nhiều thứ có vẻ
hợp lý nhưng chưa chắc đã đúng. “Chớ có tin bởi vì nó phù hợp với một hệ tư
tưởng nào đó”. “Chớ có tin chỉ vì nó phù hợp với những gì con nghĩ hoặc con đã
tin tưởng trước đó”. “Chớ có tin chỉ vì nó có trong sách vở và kinh điển truyền
tụng”. “Chớ có tin điều gì là đúng chỉ vì thầy của con nói như vậy”.
Vì vậy, đừng có tin những gì tôi nói. Vậy
nếu bạn không tin, thì bạn làm gì bây giờ?Bạn phải bỏ công sức thật nhiều để tự
mình tìm ra điều đó. Tin hay không tin, cái nào dễ hơn? Tin thì dễ hơn nhiều.
Chớ vội tin nghĩa là bạn phải tự mình tìm
ra, và nghĩa là bạn sẽ phải bỏ công sức ra nhiều hơn, cực khổ hơn. Đức Phật nói
chúng ta phải thực hành và tìm ra. Chính điều đó làm tôi trở nên rất hứng thú
với Phật Pháp, bởi vì Đức Phật cho tôi quyền tự do hoàn toàn để tự mình tìm
hiểu, tôi có sự lựa chọn trong đó. Tôi có thể tiếp nhận nó hoặc từ bỏ nó, tuỳ
ý. Tôi nghĩ, bản chất của tôi là yêu thích tự do. Tôi yêu tự do vô cùng. Tôi
không muốn nghe theo suy nghĩ của người khác. Tôi không thích người khác bảo
mình phải làm cái này, cái kia. Tôi không muốn chịu sự sai khiến của ai hết.Có
thể chính vì thế mà tôi đã trở thành một nhà sư (cười...).Một nhà sư thì
không phải chịu sự sai khiến của bất cứ ai.Và tôi cũng chưa bao giờ làm việc
cho bất cứ ai, một ngày nào. Tôi nghiên cứu rất nhiều thứ và có bằng kỹ sư,
nhưng chưa bao giờ làm việc một ngày nào, bởi vì tôi không thể làm theo mệnh
lệnh của ai hết. Tôi không để cho ai phải bảo tôi làm cái này, cái kia; không
được làm điều này, không được làm điều nọ. Tôi không thích cái câu: “anh
phải...”.
Tôi chỉ muốn có sự lựa chọn. Tôi vô cùng
trân quý điều đó bởi vì là một con người, chúng ta được tự do để lựa chọn. Dù
là chúng ta có muốn từ bỏ tự do của mình hay không, nhưng chúng ta vẫn có quyền
tự do lựa chọn điều đó. Bởi vì Đức Phật cho tôi quyền tự do đó, thậm chí tôi
cũng không phải tin chỉ vì điều đó là do Đức Phật nói hay chỉ vì điều đó có
trong kinh điển Pali. Và tôi yêu thích điều đó vô cùng. Từ ngày đó, tôi yêu
kính Đức Phật bởi vì ngài bảo tôi rằng đừng có tin ngài. Ngay cả Đức Phật bạn
cũng không cần phải tin.Bạn không thể nói rằng điều này đúng chỉ vì Đức Phật đã
nói như vậy. Nếu bạn nói điều này là đúng bởi vì Đức Phật đã nói, thì khi đó là
bạn đã không theo lời dạy của ngài rồi. Bạn không phải là đệ tử thực sự của
ngài.Để là đệ tử đích thực của Đức Phật, bạn phải thực hành và tự mình tìm ra
rằng điều này là đúng.Đó là một trách nhiệm rất lớn.Tôi thích chịu trách
nhiệm.Tôi muốn ra công gắng sức.Tôi muốn tự mình tìm ra.Vì vậy tôi bắt đầu thực
hành thiền.
Lúc đầu thực hành rất đơn giản, tất nhiên
rồi, tôi chỉ thở và tập chú ý vào hơi thở.Khi mới thực hành thiền, tôi chẳng có
khát vọng đạt đến Niết Bàn, bởi vì tôi chẳng biết nó là cái gì.Làm sao tôi có
thể muốn một thứ mà mình chẳng biết như thế.Khi đọc sách về thiền và Phật Pháp,
chỉ có một số ít điều là tôi có thể đồng ý và hiểu được.Một trong những điều đó
là nếu bạn hành thiền tốt, tâm bạn sẽ tĩnh lặng và bình an. Tôi đồng ý với điều
đó.Tôi thử và phát hiện ra rằng điều đó đúng.Lúc đầu tôi chỉ ngồi khoảng 10-15
phút thật thoải mái và chỉ hít vào, thở ra.Tôi cố gắng trong khả năng của mình
để giữ sự chú ý vào hơi thở gần lỗ mũi, nơi không khí vào ra, cảm nhận cảm giác
hơi thở xúc chạm với lỗ mũi. Chỉ thực hành khoảng 10-15 phút mỗi ngày, ngày nào
cũng vậy, sau một vài ngày tôi phát hiện ra rằng sau khi ngồi khoảng 15 phút,
tâm tôi trở nên tĩnh lặng, ít suy nghĩ, và khi chú ý vào toàn thân mình, tôi
thấy rằng sau khi hít thở mạnh khoảng 10-15 phút, thân thể tôi cảm thấy như
được tiếp thêm sức, toàn thân tràn đầy năng lượng và rung động. Tôi có thể cảm
nhận được rất nhiều cảm giác trong toàn thân.Tôi thấy điều đó rất thú vị. Tâm
tôi bị thuhút vào việc quan sát những gì mình đang cảm nhận trong thân, và tôi
cũng quan sát cả tâm mình nữa. Tâm tôi tĩnh lặng hơn rất nhiều.
Và một điều nữa tôi tìm ra được từ những
cuốn sách về thiền và Phật Pháp là khi tâm tĩnh lặng và bình an, thì trí tuệ
sanh khởi.Bạn trở nên trí tuệ hơn. Trong tiếng Pali, nó là: sammadhitva
yathabutam pajanati. Một câu kinh rất ngắn gọn.Sammadhitva nghĩa
là người có định, người tâm được định tĩnh và tập trung.Yathabutam nghĩa
là như nó đang là, như chân như thật, nghĩa là sự thật.Pajanati nghĩa
là hiểu.
Người có tâm định tĩnh thấy được mọi thứ
như nó đang là.“Như nó đang là” nghĩa là sự thật.Khi tâm bạn tĩnh lặng và bình
an, bất cứ cái gì bạn quan sát, bạn cũng nhìn thấy nó rõ ràng hơn.Bạn không
nhìn lầm những gì mình đang cảm nhận, đang nhận thức. Bởi vì tôi rất ham học
hỏi, tôi muốn có một bộ óc tốt, một cái tâm tốt, tôi muốn mình thông minh hơn,
trí tuệ hơn, để có thể hiểu được những vấn đề khó khăn, hóc búa hơn.
Tôi không chỉ nghiên cứu ngành điện tử, mà
còn nghiên cứu triết học, tâm lý học, lịch sử, nhân chủng học, sinh học, thiên
văn học, nghiên cứu những nền văn hoá khác nhau, thậm chí tôi còn nghiên cứu cả
lý thuyết về lỗ đen trong vũ trụ. Mọi thứ rất thú vị, thế giới này rất thú vị.
Con người cũng thú vị, cây cối, mây trời, các vì sao đều rất thú vị, tôi còn
đọc rất nhiều sách về những siêu ngôi sao mới trong vũ trụ. Bạn biết không, tất
cả mọi nguyên tố trên trái đất này, ngoại trừ hydro, đều được tạo thành từ một
vụ nổ siêu sao.Nó không được tạo thành trên quả đất này bởi vì quả đất không có
đủ áp suất và sức nóng để khiến cho các nguyên tử hydro kết hợp.Nó được tạo
thành trong một siêu sao mới, và trong một vụ nổ siêu sao, nó lại được cô đọng
lại.
Vì vậy tất cả các nguyên tố trên thế giới
này ngoại trừ Hydro đều được tạo thành trong một siêu sao mới.Tất cả mọi thứ
trong cơ thể của tôi đều đã từng thuộc về một siêu sao.Tôi thấy điều đó rất thú
vị, khi tôi nhìn lên những vì sao, suy nghĩ ấy lại đến trong tâm, ồ, tôi đã
từng thuộc về những vì sao đó.Tôi là ngôi sao đó.Thân tôi và ngôi sao, chỉ là
một thứ.Tất cả vũ trụ đều là một thể thống nhất.
Tôi hứng thú với rất nhiều bộ môn khoa học
vì vậy tôi cần một cái “máy tính” tốt, một bộ vi xử lý tốt để có thể hiểu được
nhiều điều, để tôi có thể đọc nhiều thứ mà vẫn hấp thụ và hiểu được.
Khi đọc Phật Pháp và sách thiền, tôi phát
hiện ra là khi bạn hành thiền, bạn trở nên thông minh hơn bởi vì những nhân tố
phá hoại trong tâm bạn giảm bớt đi rất nhiều. Bạn tiết kiệm và giữ lại được rất
nhiều năng lượng.Nếu không có thiền, bạn sẽ phung phí một số lớn năng lượng đến
mức không thể suy nghĩ rõ ràng, mạch lạc. Vì vậy, mỗi khi muốn đọc sách, trước
khi đọc, tôi ngồi thiền một lúc và làm cho tâm mình bình an, tĩnh lặng, để mình
quên hết tất cả mọi việc đã diễn ra trước đó, làm sạch tâm mình và rồi tập
trung hết sự chú ý của mình vào những gì mình đọc. Nó giống như một cái máy
tính.Khi bạn muốn dùng một phần mềm nào đó, bạn đóng tất cả các phần mềm khác
lại, giải phóng và làm trống bộ nhớ.Cũng như vậy, tôi làm tâm mình tĩnh lặng
trở lại, đóng lại tất cả những suy nghĩ không cần thiết, và tập trung toàn bộ
sự chú ý vào những gì mình đọc.Làm như vậy, tôi có thể hiểu được mọi thứ mình
đọc một sách sâu sắc và sáng tạo, và tôi thấy cách đọc đó thực sự rất thích,
rất hứng thú. Bởi vì tôi muốn biết tất cả mọi thứ trên thế giới này, vì vậy tôi
nghĩ: “Ôi, cuộc đời thật là ngắn ngủi. Có quá nhiều thứ để biết mà lại có quá
ít thời gian”.Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ “có quá nhiều thứ để biết mà có quá ít
thời gian”.Tôi đi hiệu sách và nhìn thấy bao nhiêu là sách.Tôi muốn hiểu biết
thật nhiều lĩnh vực, nhưng tôi không có đủ thời gian.Giờ đây tôi phải lựa chọn
một số cuốn sách mà tôi nghĩ mình phải đọc, nó đáng đọc.Lúc đầu, nó chỉ như là
một sự tò mò, rất tò mò, nhưng giờ thì tôi biết rằng mình chẳng có nhiều thời
gian.Tôi phải lựa chọn và chỉ đọc những cuốn sách hay mà thôi.
Sau khi hành thiền vài năm, tôi phát hiện
ra cách suy nghĩ của mình đã thay đổi rất nhiều. Và một lý do tôi thích hành
thiền nữa là bởi vì tôi là một người suy nghĩ quá nhiều, suy nghĩ không dừng được.
Bộ não của tôi quá tích cực, tôi còn không thể buồn ngủ được.Đó cũng là một khó
khăn rất lớn nữa.Khi đọc Phật Pháp và Thiền, tôi thấy nó làm cho tâm mình bình
yên và tĩnh lặng.Không chỉ trong các cuốn sách về Phật Pháp mới nói như vậy,
tôi cũng đọc trong nhiều cuốn sách khác cũng nói như thế.Một trong những cuốn
đó là “Khoẻ lại mà không cần thuốc”, tác giả là một bác sỹ tên là Ainslie
Meares.Một trong những căn bệnh ông đề cập đến trong cuốn sách đó là bệnh mất
ngủ.Tôi bị mất ngủ từ những năm niên thiếu và vẫn không thể chìm vào giấc ngủ
dễ dàng.Bộ não của tôi hoạt động rất mạnh, tôi chỉ muốn biết, muốn biết.Tôi vẫn
tiếp tục quan sát thân và tâm của mình, nhưng giờ đây tôi ngủ dễ hơn xưa
nhiều.Bởi vì tôi rất khó ngủ, tôi nằm trên giường, thư giãn toàn thân, toàn bộ
thân thể thả lỏng và tôi cũng để tâm mình thư giãn. Tôi để tâm mình trên hơi
thở và tự nhủ thầm “thư giãn, thư giãn, thư giãn, thực sự bình yên”, và tôi tự
ám thị mình: “Tôi đang buồn ngủ. Tôi đang buồn ngủ.Tôi chuẩn bị đi ngủ đây.Tôi
sẽ ngủ thật ngon”.Tập thử như vậy một vài ngày, tôi phát hiện ra cách đó rất có
tác dụng.Bạn hãy thư giãn, buông lỏng thân và tâm mình, và tự nhắc mình rằng
bạn đang buồn ngủ, bạn sẽ ngủ và sau đó bạn sẽ ngủ rất ngon.Nó giống như tôi tự
cho phép mình đi ngủ.Nếu không làm thế, tâm tôi sẽ không cho phép tôi ngủ.Tỉnh
thức, tỉnh thức, học thêm nữa, biết thêm nữa...thực hành thiền khiến tôi ngủ dễ
hơn.
Bằng cách đó, khi tâm tôi trở nên ngày
càng tĩnh lặng hơn, thì nó lại càng có kỷ luật hơn, dễ uốn nắn hơn.Khi tôi muốn
làm gì, tôi có thể tập trung vào việc đó một cách hoàn toàn, tôi có thể làm mọi
việc hết mình, với tất cả tâm hồn.Khi tôi phát triển định tâm và chánh niệm
ngày một sâu sắc hơn, tất cả mọi thứ đều trở nên vô cùng thú vị.Vì vậy, tôi xin
có một lời khuyên cho tất cả các bạn, nhất là các bạn trẻ.Ở đây có bao nhiêu
bạn trẻ nhỉ? À, kia rồi, tôi đã thấy. Bạn bao nhiêu tuổi rồi?20 tuổi, OK. Nếu
bạn không muốn bị nhàm chán, nếu bạn không muốn chán chường, nếu bạn muốn sống
nhiệt tình và hứng thú hơn, vậy hãy học cách làm cho tâm mình tĩnh lặng và tập
trung.
Khi tâm bạn tĩnh lặng và tập trung, khi
bạn chú ý vào một việc gì đó, mọi thứ sẽ trở nên vô cùng thú vị, đầy hứng thú,
thậm chí đó chỉ là việc quan sát một con kiến tha mẩu thức ăn, nó cũng vô cùng
thú vị. Bạn sẽ thấy để kéo một hạt gạo về tổ, nó phải làm việc vất vả thế
nào.Bạn có thể cảm thấy như thể bạn trở thành một con kiến. Khi bạn tập trung
thật tốt, bạn cảm giác mình là con kiến đó, đang chật vật kéo hạt gạo đi. Và
bạn có thể thấy mình đang làm việc vô cùng vất vả để kéo nó.Bạn có thể thấy con
kiến cũng là một con vật rất thông minh.Mặc dù nhỏ bé nhưng rất thông minh.Và
cả chim chóc cũng thế, bạn hãy nhìn lũ chim, chúng rất thú vị, chúng rất hạnh
phúc, rất hưởng thụ cuộc sống của mình.Tôi chưa bao giờ thấy một con chim nào
bị trầm cảm cả.Tôi thường hay ngắm chim chóc.Tôi có cái ống nhòm, và có nhiều
sách về chim, bởi vì ở Miến Điện tôi có một cuốn sách rất dày “Các loài chim ở
Đông Nam Á”.Mỗi khi nhìn chúng, tôi lại tìm ở trong sách, A... đây rồi, tên của
chúng là thế này, và tôi còn có cả băng ghi âm tiếng hót của các loại chim cùng
với tên của chúng nữa cơ.
Tôi có hứng thú với mọi thứ, tất cả mọi
thứ đều rất thú vị.Tôi không có thời gian để mà chán, tôi chẳng bao giờ thấy
chán cả.Vậy, nếu bạn không muốn chán chường, hãy học cách rèn luyện tâm mình để
trở nên tĩnh lặng và tập trung, khi đó tất cả mọi thứ sẽ đầy hứng thú.Bạn quan
sát thân mình, và điều đó cũng rất thú vị nữa.Bạn quan sát tâm mình, bạn thấy
nó còn thú vị hơn.Tôi phát hiện ra điều hứng thú nhất trên thế giới là “tâm con
người”.Tất cả mọi thứ đều thú vị cả, nhưng cái thú vị nhất trong mọi thứ là
“tâm con người”.Nó cũng là thứ phức tạp nhất.
Đó là quá trình mà tôi tìm thấy hứng thú
với thiền.Như tôi đã nói với các bạn, lúc đầu tôi không muốn đắc đạo.Tôi chỉ
muốn có hứng thú đối với những việc tôi đang làm. Và tôi muốn tìm ra: cái gì là
cái mình thực sự thích làm, cái gì mình muốn làm hết mình. Bởi vì khi bạn làm
việc gì hết mình, bạn sẽ rất thích thú và hạnh phúc.Khi bạn làm việc gì mà tâm bạn
chống đối và bất mãn, nó sẽ khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi.Bạn ghét làm việc
đó.Và đôi khi bạn ghét chính bản thân mình vì bạn phải làm việc đó.Nhưng việc
nào bạn thích làm, bạn sẽ không cảm thấy mệt mỏi.Tôi không muốn tiếp tục sống
cuộc đời mình, phải làm những việc mà mình không thích.Cuộc đời vô cùng quý
giá.Và cuộc đời cũng thật là ngắn ngủi.Chính vì vậy, tôi muốn làm những gì mình
thực sự thích làm.
Tôi học cách yêu thích thiền tập. Sau khi
tôi thực hành thiền trong nhiều năm, khoảng 8 năm, một ngày khi đang ngồi thiền
trong phòng, ở ký túc xá trong trường đại học, tâm tôi rất bình yên và tĩnh
lặng, thật yên, thật tĩnh, hoàn toàn tĩnh lặng. Khi đó tôi mới hiểu thế nào là
tĩnh lặng. Tĩnh lặng không có nghĩa là “không có tiếng động nào xung quanh bạn hết”,
bởi vì dù bạn có ở một nơi chẳng có gì diễn ra, không có một tiếng động nào
xung quanh, thì trong tâm bạn vẫn rất ồn ào. Chúng ta suy nghĩ quá nhiều. Nó
rất ồn ào, một cái tâm rất ồn, nhưng khi tôi thực hành thiền trong nhiều năm,
dần dần nó ngày càng tĩnh lặng, bình yên và tập trung.Nhưng một ngày nó trở nên
thật tĩnh lặng, “Ôi, đây đúng là một kinh nghiệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời
mình”, niềm hạnh phúc và bình yên thật không thể tả được.Bạn không thể diễn
giải được điều đó.Làm sao có thể nói bạn hạnh phúc bởi vì trong tâm bạn chẳng
có gì cả?Rất khó để giải thích.Hầu hết mọi người chỉ nghĩ rằng khi bạn nhìn
thấy cái gì đó, làm gì đó hoặc phấn khích lên vì một cái gì đó thì thế mới là
hạnh phúc.Song khi tâm bạn thực sự yên tĩnh và bình an, hoàn toàn tĩnh lặng
trong tâm, bạn sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc, nhưng điều này rất khó để giải
thích. Bạn hay biết, ý thức, bạn tỉnh thức, bạn rất sống động, thân và tâm bạn
tràn đầy năng lượng và sức sống, khi đó bạn thực sự cảm nhận được rằng “bây giờ
đây, tôi là một con người”, điều này quả thật rất khó giải thích. Đó là cái
cách tôi cảm nhận. Bởi vì khi tâm bạn bất an và động loạn, bạn thậm chí còn
không biết mình là ai. Tất cả chỉ là những tiếng ồn ào trong tâm bạn.Bạn bị
buộc phải làm rất nhiều thứ.Bạn bị buộc phải suy nghĩ, không dừng được.Ngay cả
những suy nghĩ điên rồ, những suy nghĩ điên rồ ấy cứ tiếp diễn mãi không
ngừng.Bạn không thể kiểm soát. Nhưng khi tâm tĩnh lặng và bình an, bạn quan sát
sự tĩnh lặng và bình an đó, khi đó bạn cảm nhận mình là một con người. Tôi
không biết bạn có thể hiểu điều đó hay không.Nhưng dù sao, đó cũng là cách tôi
cảm nhận.
Kể từ ngày đó, tôi tự nói với mình rằng:
“từ hôm nay, tôi là một con người”. Trước đó, tôi chỉ được sinh ra như một con
người, dưới hình dạng của một con người, nhưng không là một con người thực sự.
Và khi tâm thực sự bình yên và tĩnh lặng, bất cứ cái gì bạn quan sát, bạn có
thể thấy nó sanh lên và diệt đi rất rõ ràng, sanh và diệt.Bạn thấy những gì Đức
Phật dạy là hoàn toàn đúng.Tất cả chỉ là vô thường. Rồi bạn thấy rằng tất cả
mọi thứ diễn ra thuận theo quy luật của tự nhiên. Tất cả mọi thứ đều diễn ra
theo quy luật tự nhiên. Chẳng có một cái gì diễn ra ngược với tự nhiên cả.
Tôi đưa ra nhiều cách giải thích để cho
các bạn trẻ hiểu rõ, thế nào là vô ngã (annatta).Bởi vì trong hầu hết
mọi trường hợp, vô ngã nghĩa là “không thể kiểm soát, không có cái tôi”.Tất cả
mọi người đều biết cái định nghĩa này về vô ngã “không kiểm soát được gì, không
có ai ở đó, không cái tôi, không bản ngã”.Điều đó có nghĩa là bạn chẳng làm
được gì đối với nó cả.Bất cứ cái gì diễn ra, bạn chẳng thể làm được gì hết,
đúng không?Không, cách suy nghĩ đó là sai.
Vô ngã nghĩa là
“tất cả mọi thứ đều vận hành
theo quy luật
của tự nhiên”.
Vì vậy, nếu bạn hiểu biết quy luật của tự
nhiên, bạn có thể làm cho mọi việc được vận hành, được hoạt động.Bạn có thể làm
cho cuộc đời của bạn vận hành. Thậm chí bạn có thể vạch kế hoạch cho cuộc đời
bạn và ít nhiều cũng làm cho nó diễn ra theo kế hoạch, nó cũng còn phụ thuộc
vào nhiều nhân tố khác nữa. Ví dụ, bạn có một hạt chanh, bạn có thể từ nó mà
trồng nên một cây cam được không?Không có cách nào hết.Bạn không làm cách nào
để trồng một hạt chanh lớn thành một cây cam được cả. Nhưng nếu bạn biết một hạt
chanh cần những gì để lớn lên thành cây chanh, thì bạn có thể chọn loại đất phù
hợp cho nó, trồng hạt, tưới nước, chăm sóc, bón phân cho nó, để nó vào nơi
thích hợp, đầy đủ ánh nắng mặt trời, nó sẽ lớn nhanh nhất để thành một cây
chanh, to và đẹp.
Cũng y hệt như thế với bạn, với chính bản
thân bạn. Nếu bạn biết cách thức vận hành của thân và tâm mình, cách tâm ảnh
hưởng đến thân mình như thế nào, nếu bạn biết cách thức hoạt động của mọi việc,
bạn có thể trở thành một con người tốt nhất, điều bạn hoàn toàn có khả năng đạt
được. Điều đó hoàn toàn có khả năng.Đó chính là vô ngã – annatta.Vô
ngã không có nghĩa là “bạn chẳng làm được cái gì hết và tất cả đều vô vọng”.
Nếu bạn thực sự hiểu được quy luật của tự nhiên, bạn chấp nhận sự vô ngã và
hành động thuận theo quy luật tự nhiên, bạn sẽ trở thành con người tốt nhất
trong khả năng của mình.
Khi tôi hiểu được điều đó, nó khiến cho
tôi cảm thấy vô cùng tự tin. Bạn không cảm thấy vô vọng chỉ vì mình thấy vô
ngã.Không phải là không kiểm soát, không phải là vô trật tự, không phải tất cả
đều hỗn độn.Không phải như thế. Tất cả mọi thứ đều vận hành thuận theo quy luật
tự nhiên, một cách có hệ thống. Lần đầu tiên thấy được quy luật tự nhiên này,
tôi cảm thấy tự tin hơn rất nhiều, tôi tự tin rằng: “Giờ đây, tôi có thể quyết
định làm điều gì đó. Tôi có thể khiến điều đó diễn ra”.Điều đó không có nghĩa
là tôi chỉ mong ước rồi nó sẽ đến.Không, không phải cách đó.Tôi cần phải tìm ra
những điều kiện, nhân duyên nào là cần phải có để làm cho điều đó diễn ra.Vì
vậy, tôi phải học hỏi và tìm hiểu tất cả những nhân duyên cần thiết đó, rồi tập
hợp những điều kiện, nhân duyên ấy lại với nhau.Và rồi nó thành công.
Đối với hầu hết tất cả mọi người, cuộc
sống của họ vô cùng hỗn độn và rối loạn. Tôi biết rất nhiều người thường nói
rằng: “chẳng có cái gì thành công trong cuộc đời họ cả”. Bất cứ việc gì họ cố
gắng làm, họ đều thất bại.Chỉ vì họ không hiểu được quy luật của tự nhiên.Họ
không hiểu được quy luật của tâm mình.Họ không hiểu được quy luật của nghiệp (kamma).
Thiền tập giúp tôi hiểu được những điều này, quy luật của tâm, quy luật của
nghiệp, nghiệp tốt và nghiệp xấu, chúng ảnh hưởng đến mọi thứ trong cuộc sống
của chúng ta bây giờ.
Xin hỏi đạo hữu tác phẩm này có bản tiếng Anh ? Muốn xin cho người bạn ko thể đọc tiếng việt
Trả lờiXóa