Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

SÁCH: CUỘC ĐỜI LÀ MỘT TRƯỜNG HỌC - Thiền sư Sayadaw U Jotika (phần 1)



CUỘC ĐỜI LÀ MỘT TRƯỜNG HỌC

Thiền sư Sayadaw U Jotika
Người dịch: Sư Tâm Pháp

Tôi có một người đệ tử ở nước ngoài, thỉnh thoảng anh ấy gửi cho cho tôi một cuốn sách hay một bài viết mà anh ấy nghĩ là tôi thích. Có lần anh ấy gửi cho tôi một trang giấy in vài dòng ngắn ngủi mà tôi cảm thấy rất thích. Đây là những gì trong trang giấy đó:

Những quy luật của đời người:

·               Bạn sẽ có một cái thân. Bạn có thể thích nó hay ghét nó, nhưng nó sẽ là của bạn trong suốt cả quãng đời này.
·               Bạn sẽ phải học các bài học. Bạn học trọn thời gian trong một ngôi trường không chính thức được gọi là cuộc đời. Mỗi ngày trong ngôi trường này bạn sẽ có cơ hội để học bài. Bạn có thể thích các bài học ấy hay nghĩ rằng chúng chẳng liên quan gì hay thậm chí còn rất ngu ngốc nữa.
·               Ở đó không có sai lầm, chỉ có các bài học. Trưởng thành là một quá trình thử nghiệm để phát hiện chỗ sai rồi sửa, một quá trình thử nghiệm. Những thử nghiệm thất bại cũng là một phần quan trọng trong quá trình ấy, không khác gì những thử nghiệm thành công. Về lâu dài, chúng ta sẽ nhận những gì mình xứng đáng được nhận.
·               Một bài học sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi chúng ta học xong bài học ấy. Một bài học sẽ thể hiện ra dưới nhiều hình thức khác nhau cho đến khi bạn đã học xong. Học xong rồi, bạn mới có thể chuyển sang bài học kế tiếp. 
·               Quá trình học hỏi không bao giờ chấm dứt. Không có phần nào trong cuộc sống của chúng ta mà không chứa đựng những bài học ấy cả. Chừng nào bạn còn sống, chừng đó vẫn còn có những bài học cần phải học.
·               “Ở chỗ kia” không có gì tốt hơn “ở chỗ này”. Khi “chỗ kia” đó biến thành “chỗ này”, bạn sẽ lại thấy một “chỗ kia” khác tốt hơn “chỗ này” nữa.
·               Mọi người chỉ là một tấm gương để bạn tự soi lại chính mình. Khi bạn yêu hay ghét điều gì đó của người khác, nghĩa là bạn cũng đang yêu hay ghét chính những điều đó trong bản thân mình.
·               Bạn muốn tạo nên cuộc đời mình như thế nào là tùy thuộc vào chính bạn. Bạn có tất cả mọi công cụ và mọi nguồn lực mình cần. Sử dụng chúng như thế nào là tuỳ thuộc vào bạn. Sự lựa chọn là của bạn.
·               Các câu trả lời nằm bên trong bạn. Câu trả lời cho các câu hỏi của cuộc đời bạn ở bên trong bạn. Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là quan sát, lắng nghe và tin tưởng.
·               Rồi bạn sẽ quên tất cả những điều này.

Đối với tôi, nó giống như một bản hướng dẫn cho những người chuẩn bị được sinh ra làm người.Một chúng sanh chuẩn bị được tái sanh làm người được cho những lời khuyên cần phải làm gì trong kiếp sống làm người sắp tới. Chúng ta hãy cùng xem lại những lời hướng dẫn này một cách kỹ lưỡng hơn nhé.

Bạn sẽ có một cái thân.
Điều này được nói cho một chúng sinh đang sắp được tái sanh vào thế giới con người.Tái sanh vào thế giới loài người nghĩa là bạn sẽ có được một cái thân.Tuy nhiên, bạn lại không được quyền chọn thân hình cho mình.Bạn được nhận một cái.Điều đó diễn ra tuỳ thuộc vào quy luật nhân duyên. Con người chúng ta không thể tự đúc ra một cái thân hình như mình mong muốn. Thân mình chúng ta sẽ có những nét riêng biệt tuỳ thuộc vào những nhân duyên hay còn gọi là nghiệp quá khứ. Nếu những nhân duyên đó tốt, kết quả sẽ là tốt.Nếu nhân duyên xấu, kết quả sẽ không thể tốt.

Bạn có thể thích nó hay ghét nó, nhưng nó sẽ là của bạn trong suốt cả quãng đời này.
Tôi muốn các bạn hãy suy nghĩ kỹ về câu này.Cái thân này chỉ tạm thời là của bạn, bạn không thể giữ nó mãi mãi.Hầu hết mọi người đều tự đồng hoá mình với cái thân của họ, nghĩ rằng nó chính là mình, thực sự là mình.Chính bởi vì sự dính mắc này nên họ đều rất sợ chết.Nếu không có dính mắc, sẽ không thể có sợ hãi. Nếu chúng ta có thể nhìn lại tất cả những “cái thân” của những kiếp quá khứ, thấy rằng “cái thân này” là mình, “cái thân kia” cũng là mình, thì sẽ ra sao nhỉ?
Hãy tưởng tượng bạn nhìn thấy “chính mình” sống ở những nền văn hoá khác nhau, ở những thời đại khác nhau, được sinh ra ở những chủng tộc khác nhau, kiếp này là đàn ông, kiếp khác lại là đàn bà, và theo những tôn giáo khác nhau. Có kiếp bạn là người da trắng, kiếp sau lại là người da đen, kiếp khác da nâu, da vàng hay là những màu da nhôm nhôm trộn lẫn các loại da ấy.Nhưng, thực ra, chẳng có cái thân nào trong số đó là “bạn” cả.
Nếu tình cờ bạn có được một cái thân đẹp và bám víu vào “cái thân đẹp ấy của TÔI”, bạn sẽ rất dính mắc với nó. Bạn sẽ cảm thấy sợ hãi một ngày nào đó mình sẽ bị mất cái sắc đẹp ấy hay bị già đi. Phụ nữ thường hay sợ già, sợ mất đi sự hấp dẫn của mình, vì vậy họ tiêu rất nhiều tiền và tốn rất nhiều thời gian để cố gắng duy trì cái sắc đẹp ấy.
Tuy nhiên ở Myanmar này, tôi lại thường nghe những người phụ nữ lớn tuổi nói rằng họ không muốn sinh ra làm đàn bà.Họ muốn được sinh ra làm đàn ông và trở thành một nhà sư.Họ than phiền rằng làm đàn bà, họ bị đủ loại trói buộc và chướng ngại. Họ nói đàn ông có nhiều tự do hơn để làm những gì họ thích.Phụ nữ phàn nàn rằng, là người nữ họ chẳng dám đi đâu xa một mình.Họ nghĩ đi như thế quá nguy hiểm. 
Tất cả chúng ta tất nhiên là đã tái sanh làm đàn ông, đàn bà vô số lần trong vòng luân hồi vô tận này. Nhưng cuộc đời một người đàn ông sẽ chỉ thực sự đáng giá nếu bạn cố gắng phát huy hết mức những khả năng của mình, nếu bạn tu tập tâm, nếu bạn luôn tinh tấn không ngừng để phát triển bản thân mình.
Hầu hết đàn ông đều lấy vợ, và họ nên cố gắng hết mình để sống chung thuỷ với người vợ của mình, và để làm một người cha tốt. Nhưng họ phải hết sức cẩn thận chớ để mình bị cuốn trôi, đuổi theo vật chất và hạnh phúc bằng cách vùi đầu trong ăn, uống, chơi bời và những thú vui tầm thường khác. Cũng chẳng có lý do gì để tự hào rằng mình đã được sinh ra làm người, nhưng có rất nhiều lý do để hết sức cố gắng tận dụng hoàn toàn đầy đủ cuộc sống của một con người. Để khiến cuộc sống làm người đáng giá, chúng ta phải thực hành Pháp, chúng ta phải liên tục học hỏi và cố gắng thấu hiểu cuộc sống ngày càng sâu sắc hơn.  
Chẳng có lý do gì mà phải thất vọng hay buồn lòngvì bạn đã sinh ra làm một người nữ. Phụ nữ có rất nhiều chức năng quan trọng trong xã hội, và họ cũng có thể tu tập tâm mình.Ở trong lĩnh vực thiền tập hay học pháp, đàn ông không nhất thiết là có lợi thế hơn phụ nữ.Tất cả mọi người cố gắng tinh tấn một cách chân thành sẽ nhất định thành công và trở thành những con người ngày càng trưởng thành. 
Nói chung, đàn ông liên quan nhiều hơn đến các công việc bên ngoài, trong khi phụ nữ thì có xu hướng chú ý nhiều hơn đến thế giới bên trong của họ. Nếu bạn sinh ra làm một người phụ nữ, thì hãy tận dụng xu hướng tự nhiên này để tu tập một trái tim nhân hậu, một cái tâm cao thượng, và cố gắng phát triển trí tuệ và sự hiểu biết đúng đắn. Nếu lập gia đình, bạn cũng nên cố gắng trở thành một người vợ tốt và chung thuỷ, và làm một người mẹ tốt. Trong bất cứ trường hợp nào, dù bạn được sinh ra làm người nam hay người nữ, bạn cần phải cố gắng tinh tấn để trở thành một con người cao thượng. Bạn cần phải tận dụng hết mức cơ hội này để làm cho cuộc đời mình trở nên có giá trị. 
Trước kia, có thời gian tôi ở với một người đệ tử nhỏ tuổi của mình trong nhiều năm. Lúc đó cậu ấy là một vị sadi.Kiếp trước cậu ấy là một người phụ nữ, và đã lập gia đình. Người chồng kiếp trước vẫn còn sống, ông ấy cùng với các con vẫn sống ở gần đấy. Cô ấy chết khi còn rất trẻ vì đẻ khó.Thật là khó tưởng tượng sự đau đớn, thống thổ kinh khủng như thế nào khi phải chết trong lúc sinh nở.Ở bên bờ vực của cái chết, cô ấy cảm thấy vô cùng kinh hãi trước viễn cảnh phải sinh lại làm một người nữ.Vì vậy, cô ấy có một khao khát mãnh liệt là muốn được tái sinh lại làm một người đàn ông, nếu được sinh lại làm người lần nữa.Và cô ấy được sinh lại làm đàn ông trong kiếp này.Khi lớn lên, cậu ấy (bây giờ đã thành cậu-một người đàn ông) đã xuất gia làm một vị sadi và sau đó trở thành một vị Tỳ Khưu.Tuy nhiên, mấy năm sau thì cậu ấy lại hoàn tục.Bây giờ cậu ấy mở một nghề kinh doanh của riêng mình và nuôi nấng cha mẹ. 
Được sinh làm một người đàn ông không có nghĩa là mình đã biết đánh giá đúng giá trị của cuộc sống làm người.Bởi vì tôi biết cậu ấy rất rõ, câu chuyện của cậu ấy đã tác động đến tôi rất nhiều. Tôi không còn coi nhẹ cuộc đời một chút nào nữa, và tôi cảm thấy một sự thôi thúc mãnh liệt muốn tận dụng hết mức cơ hội làm người này để thực hành, để tu tập và phát triển trí tuệ đến mức cao nhất có thể. 

Bạn sẽ học các bài học. 
Đây là mục đích của toàn bộ cuộc đời bạn. Sẽ có rất nhiều thứ để bạn học, dù bạn có thích hay không.

Bạn học trọn thời gian trong một ngôi trường không chính thức được gọi là cuộc đời. 
Đây là một ẩn dụ thật đẹp, thật sâu sắc, nêu bật toàn bộ ý nghĩa của kiếp sống con người. Nếu tất cả chúng ta đều thực sự hiểu được rằng cuộc đời là một trường học, một cơ hội để học hỏi, chúng ta sẽ cố gắng hết sức để tận dụng nó một cách tối đa. Nếu chúng ta thực sự hiểu rằng học các bài học của mình là điều quan trọng nhất trong cuộc đời, thì chúng ta sẽ chú ý cẩn thận đến những gì mình đang trải nghiệm mỗi ngày và cố gắng học hỏi từ nó. Khi thức ăn không được tiêu hoá tốt, nó sẽ không cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể chúng ta. Cũng như thế, không tiêu hoá các bài học của cuộc đời một cách kỹ lưỡng cũng như bị chứng khó tiêu – trí tuệ sẽ không thể sinh khởi.Khó tiêu có thể gây bệnh đau dạ dày.Không hiểu biết về các bài học trong cuộc đời có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý.

Mỗi ngày trong ngôi trường này bạn sẽ có cơ hội để học bài. 
Ở trường học này, bạn không có ngày nghỉ cuối tuần, cũng chẳng có nghỉ hè, nghỉ lễ.Không có cả thời khoá biểu nữa.Trường không khai giảng vào một thời gian nhất định nào đó, và nó chẳng bao giờ bế giảng. Chỉ có các bài học đang tiếp diễn mà cuộc sống ban tặng cho mỗi chúng ta. Mỗi kinh nghiệm là một bài học, và mỗi bài học là một bài kiểm tra. Sự hiểu biết của chúng ta bị kiểm tra liên tục.
Chúng ta cần có chánh niệm (sati) và trí tuệ (paññā) để có thể học được những bài học sâu sắc hơn trong cuộc đời. Nếu chúng ta coi nhẹ cuộc đời, nếu chúng ta sống bất cẩn và nhẫn tâm, chúng ta sẽ chỉ ngày càng già lão đi mà chẳng trí tuệ hơn tý nào. Tâm chúng ta sẽ không trở nên cao thượng hơn; trái tim của chúng ta không trở nên nhân hậu hơn. 
Trí tuệ sâu sắc nhất chỉ có thể đạt được nhờ những kinh nghiệm trong cuộc đời, nó không thể được học từ sách vở.Các bài học của cuộc đời sâu sắc hơn bất cứ thứ gì bạn tìm thấy trong sách vở. 
Nếu bạn chăm chỉ thực hành chánh niệm (Tứ Niệm Xứ) trong cuộc sống hàng ngày, tháng năm trôi qua, trí tuệ của bạn sẽ tăng trưởng và cách nhìn của bạn sẽ thay đổi. Khi đã có cách nhìn đúng, bạn sẽ có thể học được những bài học vi tế hơn. 
Bạn cần biến việc thực hành chánh niệm[1] trở thành một thói quen. Bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu, luôn cố gắng ý thức, hay biết về những gì đang diễn ra trong cơ thể mình, ý thức về bất cứ cái gì bạn thấy, nghe, cảm nhận, nếm, đụng chạm, hay ý thức về bất cứ cái gì bạn nghĩ, vạch kế hoạch... Chánh niệm (sati) là công cụ tốt nhất để khám phá tâm mình. Cũng như một cái kính hiển vi cho phép bạn nhìn rõ ràng những vật vô cùng nhỏ, chánh niệm cho phép bạn nhìn thấy những chi tiết nhỏ nhiệm nhất trong tâm mình. Cuối cùng, chánh niệm sẽ cho phép bạn nhìn thật sâu sắc vào trong bản chất của thân và tâm để hiểu được mối quan hệ nhân quả trong đó.

Bạn có thể thích các bài học ấy hay nghĩ rằng chúng chẳng liên quan gì hay thậm chí còn rất ngu ngốc nữa. 
Những thứ có vẻ không quan trọng đối với những người thiếu trí tuệ lại có thể rất quan trọng hoặc sâu sắc đối với những người có trí.Bạn nhìn một cái cây chỉ là cỏ dại vô giá trị hay là cây thuốc quý là tuỳ thuộc vào kiến thức của bạn.Một người thiếu kiến thức về thảo dược sẽ chỉ nhổ và vứt cái cây dại có thể làm thuốc quý ấy đi.Các lương y giỏi nói rằng tất cả mọi loại cây cỏ đều có chứa dược liệu.Cũng như thế, tất cả mọi kinh nghiệm trong cuộc đời đều là những nguyên liệu thô thích hợp để từ đó chiết xuất ra trí tuệ.

Ở đó không có sai lầm, chỉ có các bài học. 
Khi có điều gì đó không đúng, điều gì đó tồi tệ xảy đến với bạn, hãy tự hỏi mình xem tại sao nó xảy đến.Khi đó bạn có thể có những biện pháp hay có những điều chỉnh thích hợp để không cho nó xảy đến lần nữa. Thấy và hiểu những sai lầm của mình, có những điều chỉnh cần thiết để ngăn chặn nó xảy đến lần sau sẽ mang đến cho bạn một loại tự do. Cũng như thế, khi có việc tốt diễn ra, bạn cũng cố gắng hiểu được tại sao nó lại diễn ra như thế, và cái gì làm cho nó tốt như vậy.Khi đó bạn sẽ có thể cố gắng để tăng trưởng cái tốt đó hơn nữa.

Trí tuệ sâu sắc nhất được thu hoạch từ việc học hỏi từ những sai lầm,
thông qua đau khổ vàthấu hiểu những hoàn cảnh khó khăn, tồi tệ.

Tất cả những người trí tuệ đều là những người đã từng phạm rất nhiều sai lầm.Họ trở thành người trí bởi vì họ đã hiểu được cái gì sai, và bởi vì họ đã học hỏi được từ những sai lầm của mình.Không có ai là chưa bao giờ phạm sai lầm – người trí chỉ đơn giản là họ ít sai lầm hơn mà thôi.Không có bất cứ sai lầm nào là điều rất khó, nhưng tất cả mọi người đều có thể cố gắng ít phạm sai lầm hơn.Tất cả mọi người đều nên cố gắng tránh để lặp lại nhiều lần cùng một loại sai lầm y hệt như nhau.

Trưởng thành là một quá trình thử nghiệm để phát hiện chỗ sai rồi sửa, một quá trình thử nghiệm. 
Khi bạn hiểu được sai lầm của mình và thay đổi, trí tuệ của bạn sẽ tăng trưởng. Cuộc đời là một sự thử nghiệm liên tục, và chúng ta phải liên tục cố gắng cho đến khi mình hiểu đúng. Chúng ta cần sửa chữa những sai lầm của mình càng nhiều càng tốt. Một số người không hề thấy được sai lầm của mình, một số người thấy được nhưng không muốn sửa.Những người như thế sẽ không bao giờ tăng trưởng trí tuệ.

Những thử nghiệm thất bại cũng là một phần quan trọng trong quá trình, không khác gì những thử nghiệm thành công. 
Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ dựa vào những kinh nghiệm của mỗi cá nhân mình. Chúng ta cũng nên học hỏi từ những sai lầm của người khác. Tất cả chúng ta đều biết rằng sử dụng một số loại hợp chất nhất định nào đó sẽ dẫn đến ngộ độc chết người. Cũng như thế, chúng ta biết những hậu quả tai hại của các chất gây nghiện – ngay cả khi chúng ta không cần phải tự mình nếm thử nó. Những người có thể học hỏi từ sai lầm của người khác sẽ ít phạm sai lầm hơn và ít đau khổ hơn. 
Người sống với chánh niệm và trí tuệ sẽ học hỏi được từ những khó khăn, và sẽ thu được nhiều trí tuệ hơn, sẽ cố gắng làm những việc thiện, việc tốt. Những người có cách nhìn đúng, thái độ đúng sẽ có những quyết định đúng, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, họ vẫn thu được rất nhiều lợi ích. Những người có quyết định sai khi đối diện với khó khăn sẽ phải gánh chịu hậu quả, và mọi thứ sẽ còn trở nên tồi tệ hơn với họ.Đau khổ vì sai lầm của chính mình còn tồi tệ hơn đau khổ gây ra từ sai lầm của người khác.Những người thường xuyên phạm sai lầm thường là những người có cách nhìn sai, và có thể là những người thiển cận, cách nhìn hạn hẹp.

Về lâu dài, chúng ta sẽ nhận những gì mình xứng đáng được nhận. 
Người có suy nghĩ, lời nói và hành động thiện lành nhất định sẽ có kết quả tốt đẹp – ít nhất là về lâu về dài.Đừng thiển cận, chỉ nhìn ngay trước mắt.Luôn cố gắng có cái nhìn dài hạn, và hãy nhìn xa đến mức có thể.
Nếu bạn sống với chánh niệm và trí tuệ, nếu bạn thực sự biết trạng thái tâm của mình, bạn sẽ không bất cẩn và nhẫn tâm, ngay cả khi bạn trở nên giàu có hay có địa vị cao trong xã hội.Bạn sẽ không trở nên ngã mạn, kiêu căng.Bạn sẽ khiêm tốn bởi vì bạn hiểu rằng mọi thứ tốt đẹp đến với bạn chỉ vì các điều kiện thích hợp hội tụ đầy đủ cho nó đến mà thôi. 
Bất cứ ai đã hiểu được điều ấy sẽ luôn cố gắng tinh tấn tu tập chánh niệm và do đó sẽ ít phạm sai lầm. Những người như thế sẽ luôn tự sửa đổi bản thân mình mỗi khi họ nói, nghĩ hay làm sai điều gì. Họ cũng sẽ mở lòng hơn trước những lời phê bình, chỉ trích.Họ sẽ không bao giờ tức giận khi một người bạn tốt chỉ ra lỗi lầm của họ - họ sẽ rất biết ơn về điều đó và cố gắng học hỏi để cải thiện bản thân mình. 
Những người có tài sản và địa vị có thể sử dụng nó để làm lợi cho mọi người.Có thể giúp đỡ được người khác là một niềm hoan hỷ lớn.Nếu bạn muốn tìm sự mãn nguyện lớn hơn trong cuộc đời, hãy cố gắng giúp đỡ người khác nhiều đến mức có thể. 
Đối với những người không có đủ chánh niệm và trí tuệ, càng giàu có và địa vị cao, họ lại càng trở nên kiêu căng và ngã mạn: “Tôi có thể làm bất cứ cái gì mình muốn. Chỉ có tôi xắn tay vào thì mọi việc mới xong được. Không ai có tài và có năng lực như tôi.Tôi không quan tâm đến ý kiến người khác, không ai có thể dạy bảo tôi phải làm gì”. Khi những cảm giác tự cao tự đại ấy khởi lên, con người ta thường sẽ phạm sai lầm và gặp rắc rối. Một cái tâm gặp rắc rối sẽ không còn sáng suốt và cao thượng nữa, một cái tâm xáo động, bất an sẽ không còn tĩnh lặng và mát lành nữa –thật là một mất mát lớn. 
Nếu bạn có địa vị và giàu có mà không phát triển trí tuệ, bạn sẽ không có được một trái tim tốt lành và một cái tâm cao thượng. Cuộc đời bạn sẽ không có ý nghĩa.Thực ra bạn đã đánh mất đi một cơ hội vô cùng quý báu mà kiếp sống làm người này đã dành cho bạn.Chết đi bạn sẽ không thể mang theomột cái gì hết, dù chỉ là một cái tăm. 
Những người chỉ suy nghĩ hạn hẹp trong một kiếp sống này, sẽ không thể đánh giá được hết giá trị đích thực của cuộc sống làm người.Nhưng một số người thậm chí còn suy nghĩ thiển cận và hạn hẹp hơn.Họ đắm chìm quá mức trong việc hưởng thụ các thú vui dục lạc đến nỗi chỉ nghĩ xa được tới bữa ăn kế tiếp. Rất nhiều người ngập trong cơn “say” bởi sự giàu có, sức khoẻ và tuổi trẻ. Nhưng khi tuổi già đến, họ thường cảm thấy cuộc đời thật vô nghĩa.Họ bị loạn thần kinh và phung phí thời gian của mình vào những việc vụn vặt. 
Những người giàu có và địa vị cao thường cảm thấy khó sống thật, khó chân thành trong quan hệ với bạn bè và gia đình. Họ không thể chung thuỷ với vợ, chồng mình và vì vậy thường không tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân. Dường như là càng có địa vị cao, họ lại càng ít bạn tốt.Đồng thời sẽ có rất nhiều người nịnh bợ để được gần gũi với họ.Họ sẽ có rất ít người thực sự trung thực, chân thành và tôn trọng ở bên mình.Chính vì vậy họ rất dễ bị mất phương hướng, phát triển những tầm nhìn thiếu thực tế và thường nghĩ sai thành đúng.
Càng có địa vị cao, thì càng quan trọng là phải có ít nhất một vài người bạn thực sự chân thật và thẳng thắn.Đối với những người giàu có cũng vậy, bởi vì quyền lực của tiền bạc khiến cho bạn cảm thấy rằng mình có thể làm được bất cứ cái gì mình muốn.

Một bài học sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi chúng ta học xong bài học ấy. 
Chừng nào còn chưa học xong một bài học, chúng ta chưa vượt qua được kỳ thi và vì vậy cần phải học lại lớp đó.
Xem tiếp

2 nhận xét: