Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

SƯ CHÂN TUỆ

Sớm thành đạt nhưng Sư Chân Tuệ (Sư Thư) vẫn canh cánh trong lòng nỗi khắc khoải tìm tự do và hạnh phúc đích thực, vượt trên những vật chất thế gian. Năm 2005, Sư đã tới Miến Điện xuất gia và thực hành miên mật theo phương pháp Thiền Vipassana tại những trung tâm thiền nổi tiếng như Panditarama, Mogok, Shwe Oo Min, Pa Auk...

Trở lại Việt Nam, sư Chân Tuệ không chỉ được biết đến như một phiên dịch viên xuất sắc cho các Thiền sư Quốc tế mà còn nổi tiếng với các bài thuyết pháp và hướng dẫn hành thiền dựa trên nền tảng kiến thức Phật học uyên thâm. Các vấn đề trong Thiền tập và khúc mắc trong cuộc sống của các Thiền sinh đều được Sư đưa ra lời giải đáp dung dị, gần gũi dựa trên nền tảng kiến thức bài bản về Pháp học, Pháp hành.

Năm 2011, nhóm TGĐT được thành lập dưới sự hướng dẫn của sư Chân Tuệ, và từ đó đến nay mặc dù bận rộn công việc Phật sự, nhóm vẫn nhận được sự quan tâm, tận tình chỉ dạy của sư phụ qua các buổi trà đàm, các khóa thiền, và các buổi chia sẻ Pháp online.




Những lời dạy của Đức Phật về thiền VIPASSANA


Trích: Đối Thoại Pháp
Tác giả: Sư Chân Tuệ


Vipassana bao gồm tiền tố “vi” có nghĩa là khác biệt, đặc biệt, “passana” là quan sát. Khác biệt ở đây là như thế nào? Có gì khác biệt khi nhìn bằng mắt, nghe bằng tai? Quan sát khác biệt ở đây là quan sát sự khác biệt của các hiện tượng thân và tâm. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vẫn chưa phải là Vipassana. Quan sát khác biệt có nghĩa là khác với thông thường hay nói cách khác, chúng ta quan sát với góc nhìn của tam tướng (khổ, vô thường và vô ngã ) lúc này mới gọi là Vipassana thực sự. Như vậy, giai đoạn đầu của thực hành Vipassana này là Vipassana yếu vì các đặc tính của tam tướng chưa được hoàn thiện nên nó chưa bộc lộ rõ nét. Không sao cả, miễn là lúc đầu chúng ta phải quan sát được đối tượng đúng trên các hiện tượng thân tâm, xác lập chánh niệm và ghi nhận đúng các hiện tượng này. Trên cơ sở hướng tâm đến đối tượng thì chánh niệm được thiết lập và ngày càng trở nên mạnh mẽ. Khi định có ở đó, càng ngày chúng ta càng quan sát sâu hơn.

Đức Phật luôn nhấn mạnh “nhiệt tâm, chánh niệm, tỉnh giác để chế ngự tham ưu ở đời” vì nó rất quan trọng. Nhiệt tâm là luôn thiêu đốt, đốt cháy phiền não, hay chính là tinh tấn. Chánh niệm là yếu tố của niệm. Tỉnh giác là biết một cách rõ ràng, có thái độ chân chánh trong quan sát, nó là yếu tố của tuệ. Ưu chính là sân, còn ở đời chính là trên thân và tâm của chúng ta, không ngoài tấm thân ngũ uẩn này. Như vậy còn 2 yếu tố nữa trong Ngũ căn là tín và định. Tín là làm với sự tin tưởng vào những điều mà Đức Phật đã chỉ dạy, tin tưởng vào những gì mình đã thực hành. Định ở đây có nghĩa là gì? Là khi tâm đạt được sự an ổn, bất kỳ khi nào tâm an ổn thì định có mặt. Khi tâm an ổn thì ta có thể thiết lập định bằng cách ghi nhận trên đối tượng chính một cách liên tục. Định còn có thể thiết lập bằng sự hiểu biết hay chính là tuệ. Do sự hiểu biết , do có thái độ chân chánh, chúng ta ghi nhận, chấp nhận, quan sát các hiện tượng, rồi chúng ta sẽ tách ra khỏi hai thái cực thích hoặc không thích . Vì khi chúng ta tiếp xúc thông qua các căn như cái nghe, cái nhìn, cái ngửi, cái nếm, các xúc chạm, bao giờ nó cũng có cái thích hay không thích xen vào làm tâm bị chi phối, xao động. Tâm an ổn khi tách khỏi hai thái cực này do có hiểu biết, có sự chân chánh, và sự quan sát miên mật.





Có một cô tên là Migasala có một ông cha và chú, ông cha là người luôn thực hành thiền và giữ giới. Ông chú thì sống buông thả, hưởng dục tại gia. Khi ông cha chết thì cô gái đến gặp Đức Phật hỏi xem cha mình tái sinh về đâu. Đức Phật nói rằng người cha được tái sanh lên một cảnh trời. Một thời gian ngắn sau ông chú chết, cô cũng đến hỏi Đức Phật và Đức Phật nói người chú cũng tái sanh lên cùng cảnh trời đó. Cô gái rất ngạc nhiên vì ông chú không có gì xứng đáng để được tái sanh lên cảnh trời đó. Ngài Anan bạch lên Đức Phật thắc mắc của cô, Đức Phật nói rằng Migasala trí tuệ còn thấp lắm không thể hiểu được việc này. Không thể nào đánh giá đúng được một con người mà chỉ có Đức Phật mà thôi. Đức Phật nói rằng người cha là chủ về giới, còn ông chủ là chủ về tuệ. Chính vì vậy trong Kinh Chủng Đức có nói “ở đâu có giới ở đó có tuệ, ở đâu có tuệ ở đó có giới”. 

Như vậy chúng ta cần hiểu rằng định có được bằng việc ghi nhận đối tượng chính nếu có đà nó sẽ trở nên mạnh mẽ. Nhưng một cách khác, định cũng được xuất phát từ sự hiểu biết giúp chúng ta thấy rõ, tách rời khỏi các thái cực và tâm ngày càng trở nên an ổn. Tâm trở nên an ổn có nghĩa là nó không còn phản ứng với thích hoặc không thích nữa. Tất cả các yếu tố này nó sẽ hợp lại và có mặt trong quan sát của chúng ta nhưng mà chủ yếu Đức Phật nói đến 3 yếu tố là tinh tấn, niệm, tuệ. Tuệ ở đây được hiểu là thái độ đúng ban đầu có mặt trong sự quan sát của mình. 

Bản Kinh được nhắc nhiều đến nhất là bài Kinh Tứ Niệm Xứ trong Kinh Trung Bộ (M.22) Đức Phật triển khai trên 4 đối tượng thân, thọ, tâm và pháp. Trong đó phần nói về quán thân ngài nói rất chi tiết về hơi thở, các oai nghi chính,phụ. Có nghĩa là bất kỳ hiện tượng nào trên thân chúng ta đều có thể lấy đó để làm đối tượng quan sát. 

Có thể rất nhiều tranh cãi về việc Đức Phật không dạy về phồng xẹp mà Ngài Mahasi lại triển khai về phồng xẹp. Chúng ta cần hiểu rằng phồng xẹp thuộc về quán thân mà hơi thở cũng thuộc về thân. Một trường phái khác bên Miến Điện cũng dùng hơi thở, họ thường khịt mũi rất mạnh. Ở Thái Lan có một trường phái giơ tay lên lại giơ tay xuống và theo dõi sự chuyển động của tay. Chúng ta thực hành cách nào cũng được miễn là tâm bám được trên thân và ghi nhận được các đặc tính của đối tượng.

Như vậy dù bắt đầu với đối tượng nào nhưng sau khi đã thành thục ta phải biết được cả bốn đối tượng. Nếu chỉ biết một đối tượng mà không biết các đối tượng khác không thể nói là đã thực hành Tứ Niệm Xứ được. Một đích đến nhưng có nhiều con đường đi khác nhau. Ban đầu người ta có thể đi theo các cổng và ngả đường khác nhau, sau đó các cổng và ngả đường này đều dẫn tới một con đường chung. Điều đó chứng tỏ là dù chúng ta bắt đầu với thân, thọ, tâm hay pháp thì cuối cùng đều phải ghi nhận được bốn đối tượng của Tứ Niệm Xứ.

Nhiều người quen với việc quán thân hơn do thân thì dễ ghi nhận, còn tâm thì không có hình dạng, màu sắc, nơi chốn nên khó ghi nhận hơn nhưng không có nghĩa là chúng ta không biết được. Dù quán tâm chúng ta vẫn phải ghi nhận và biết rõ ràng về thân và thọ. Ví dụ như khi ai đó nói rằng thiền viện Shew Oo Min là trường thiền quán tâm thì Ngài U Tejania nói rằng như vậy là sai. Ở đây vẫn ghi nhận 4 đối tượng nhưng chú ý nhiều về tâm hơn mà thôi. Tương tự như trong khi quan sát phồng xẹp các đối tượng khác sinh khởi vẫn cần phải ghi nhận, hay biết. Quan sát phồng xẹp càng ngày sẽ càng nhận ra các trạng thái của tâm và sẽ biết cách loại trừ phiền não. 

Trong một cách triển khai khác Đức Phật nói đối tượng của chúng ta là các thức sanh khởi. Khi có hình sắc tác động lên con mắt thì nhãn thức (cái nhìn) sanh khởi . Lúc này đối tượng của chúng ta chuyển sang một hình thái khác. Tùy theo căn cơ của từng người mà Đức Phật triển khai theo các cách khác nhau.

Mắt + Hình sắc Nhãn thức sanh khởi
Tai + Âm thanh Nhĩ thức sanh khởi
Mũi + Mùi Tỷ thức sanh khởi
Lưỡi + Vị Thiệt thức sanh khởi
Thân + Xúc chạm Thân thức sanh khởi
Ý + Pháp trần Ý thức (suy nghĩ) sanh khởi.

Trong Kinh Đức Phật cũng nói rằng: “Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì con mắt không được chế ngự khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn này, nội tâm hưởng lạc thọ không uế nhiễm .”

Trong Kinh Malunkita, Đức Phật nói rằng trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, và trong cái biết chỉ là cái biết. Có một vị thực hành ngoại đạo nhưng nghĩ mình là Alahant và được một vị chư thiên trước kia là bạn đạo nói rằng ông đã lầm tưởng rồi, hãy nhanh chóng đến gặp Đức Thế Tôn. Vị ấy đến gặp và bạch Đức Phật xin Ngài rủ lòng thương giảng cho mình. Đức Phật đang đi khất thực nên bảo vị ấy hãy về chùa đợi. Lần thứ hai, lần thứ ba vị ấy lại bạch lên Đức Phật một lần nữa rằng đời vô thường và đời của vị ấy cũng vô thường, vị ấy không có thể đợi được nên xin Ngài rủ lòng thương giảng cho bài pháp ngắn để lấy đó thọ trì. Đức Phật gọi lại và bảo vị ấy hãy chân chánh tác ý Như Lai sẽ nói đúng 4 câu. Ngay lập tức vị đó áp dụng thực hành rất miên mật và chứng đắc tầng Thánh Alahan, chỉ một lát sau vị đó bị con bò húc chết. Bốn câu cực kỳ ngắn gọn:

“Trong cái thấy chỉ là cái thấy, 
Trong cái nghe chỉ là cái nghe
Trong suy nghĩ chỉ là suy nghĩ
Trong cái biết chỉ là cái biết”

Tương tự như vậy cho cái nếm, cái xúc chạm, và suy nghĩ. Nghĩa là thông qua 6 căn, có một sự ghi nhận hay biết, trong cái biết chỉ là cái biết. Hay cũng chính là chỉ sử dụng mà thôi, làm chỉ để làm mà thôi không có cái gì xen vào, chỉ đơn thuần là như vậy. 

Liên quan tới cái biết thì chúng ta có mấy cái biết? Thông thường chúng ta biết bằng gì? Có 3 cái biết đó là biết bằng tưởng, bằng thức và bằng tuệ. Biết bằng tưởng giống như đứa bé thấy đồng tiền vàng thì nó chỉ biết đó là đồng tiền vàng mà không biết giá trị của nó. Biết bằng thức giống như người lớn thấy đồng tiền vàng và biết được giá trị của đồng tiền đó. Còn cái biết bằng tuệ giống như cái biết của người thợ kim hoàn, không những biết đó là đồng tiền vàng, nó có giá trị mà còn biết cả thành phần cũng như tạp chất có trong đó. Vậy người thợ kim hoàn là biết đầy đủ hơn tất cả, chúng ta cũng đang hướng tới cái biết này. Khi chúng ta thấy rõ ràng bản chất của các sự vật hiện tượng thì lúc đó mới được gọi là như thật tuệ tri-thấy như thật đúng với bản chất của hiện tượng. 

Ban đầu chúng ta cần biết các yếu tố nào cần có mặt trong các quan sát của chúng ta. Đức Phật nhấn mạnh “quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác,chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời, quán thọ trên thọ nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời”. Khi các yếu tố đã hội tụ đủ thì chúng ta mới thấy các sự vật hiện tượng một cách rõ ràng hơn, không muốn thấy cũng không được. Còn chưa đủ nhân duyên dù có muốn cũng không được. Ví dụ mà sư nói có hai người leo núi, có một người leo đến được lưng chừng núi và một người leo cao đến ngọn núi. Ở phía xa có túp lều, người ở trên đỉnh núi nhìn thấy được và hỏi vọng xuống hỏi người phía dưới có thấy túp lều không. Cho dù người ở lưng chừng núi có con mắt tốt như nào đi nữa thì cũng không tài nào nhìn thấy được bởi lùm cây đã che khuất. Nhưng chỉ cần anh này cứ đi lên dần đỉnh núi vượt qua các lùm cây thì không cần cố gắng cũng tự động thấy, mọi thứ đều hiện bày rõ ràng.

Cũng vậy, nếu chúng ta thấy đối tượng mờ thì đừng cố gắng để nhìn cho rõ đối tượng, khi các điều kiện hội tụ có mặt thì ta tự động thấy rõ hơn. Đối tượng mờ chúng ta biết rõ ràng rằng đối tượng mờ, quan trọng là chúng ta vẫn hay biết, ghi nhận, có sự hiểu biết rõ ràng ở đó. Việc đối tượng mờ hay rõ không quan trọng, sau khi đã ghi nhận được đối tượng, tâm sẽ có xu hướng cố để thấy đối tượng rõ hơn. Đối tượng mờ hay rõ là chuyện của nó không phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta. Vậy nên có rất nhiều vấn đề sẽ được giải quyết nếu chúng ta có một hiểu biết rõ ràng, đúng đắn ở trong đó. Khi chúng ta đã hiểu rõ ràng thì chuyện mờ hay rõ không còn quan trọng nữa. Như vậy, các tố chất phải luôn có ở một thiền sinh trong khi quan sát là gì? Đức Phật vẫn nói “nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm” đây cũng chính là nhiệm vụ của thiền sinh. Khi các yếu tố này có mặt đầy đủ thì nó mới có thể “chế ngự tham ưu ở đời”. 

Vậy nhiệm vụ đầu tiên mà chúng ta cần có là gì? Là chánh niệm, nó có đặc tính là không quên đối tượng đúng. Đối tượng đúng chính là trên thân tâm chúng ta, nếu ngoài thân tâm chúng ta là không còn đúng nữa. Tiếp theo nhiệt tâm hay chính là tinh tấn, có sự cố gắng duy trì sự ghi nhận hay biết này một cách liên tục trong từng khoảnh khắc. Điều đó đồng nghĩa với việc từ khi mở mắt thức dậy cho đến khi đi ngủ chúng ta cần có sự duy trì hay biết này. Duy trì sự liên tục này bằng cách nào? Đó chính là nhắc nhở và kiểm tra. Đa số chúng ta ở trong trường thiền dễ dàng chánh niệm hơn khi rời khỏi trường thiền. Có một vị sư hẹn giờ chuông điện thoại 5 phút nhắc kiểm tra chánh niệm một lần. Sau 3 ngày, ông không cần chế độ chuông nhắc đó, mà tâm tự động kiểm tra và hình thành một thói quen. Như vậy nó thể hiện sự tinh tấn, tinh tấn không phải là sự nỗ lực của thân mà nó là sự nỗ lực của tâm. Nỗ lực này tạo ra khả năng duy trì quan sát cả ngày, khi có chánh niệm chúng ta sẽ biết mình có quá cố gắng hay không, có đang sử dụng quá nhiều năng lượng hay không. Nếu có chánh niệm chúng ta cũng sẽ biết được mức năng lượng cần vừa đủ cho quan sát. Chánh niệm được kế thừa bởi những chập tâm trước đó, vì vậy mà nó mạnh dần. Nếu chúng ta tiêu hao quá nhiều năng lượng cho việc cố gắng tập trung quan sát thì chúng ta chỉ thực hành được trong thời gian ngắn mà không duy trì lâu dài được, trong khi phiền não thì hoạt động liên tục. Nếu chỉ coi việc hành thiền là ngồi thiền thì các sinh hoạt khác sẽ có rất nhiều phiền não. Chúng ta phải duy trì liên tục đó là tinh tấn. 

Tỉnh giác (sammapanna) ở đây là tuệ. Chánh niệm (sammapanna sati) bao gồm hai phần là “sati” và “sammapanna”. Hai yếu tố này phải kết hợp lại với nhau, nếu chỉ có niệm (sati) không thì không được gọi là chánh niệm sammapanna sati. Sammapanna là yếu tố của tuệ, chúng ta đang hướng tới một sự hiểu biết thì chúng ta cũng phải bắt đầu bằng sự hiểu biết rõ ràng, đó là mọi hiện tượng đều là các hiện tượng tự nhiên. Bất kể đối tượng nào sanh khởi trên thân và tâm của mình đều là các hiện tượng tự nhiên, không có một thực thể, một cá nhân hay người đàn ông đàn bà ở đó cả. Phải đưa sự hiểu biết này vào trong sự quan sát. Chính vì vậy mà chỉ niệm thôi thì không đủ. Điều đó có nghĩa là trong Bát Chánh Đạo yếu tố dẫn đầu là Chánh kiến. Đây là 3 nhiệm vụ mà thiền sinh phải ghi nhớ, những việc khác không còn quan trọng nữa, khi chúng ta đã làm được các yếu tố này rồi thì cái gì đến sẽ đến, mọi thứ sẽ diễn ra một cách tự nhiên. Điều đó có nghĩa là khi chúng càng thực hành nhiều thì chúng ta càng có nhiều đà quán tính để quan sát các mức năng lượng chúng ta sử dụng như nào. Khi chúng ta quan sát như này có cần quá tập chung hay không? Không quá tập trung, không quá chú ý nó chỉ đơn giản là chân chánh hướng tâm thôi là chúng ta đã ghi nhận được đối tượng rồi. 

Trong ví dụ tờ giấy và cây kim, nếu đặt ngang cây kim thì nó không thể nào mà chọc thủng tờ giấy được, nhưng nếu hướng cây kim đứng thẳng vuông góc với tờ giấy thì không cần quá nhiều lực thì đầu kim sẽ đâm qua tờ giấy dễ dàng. Tương tự như vậy, chỉ cần chân chánh hướng tâm là nó đã hay biết rồi. Khi chúng ta ngồi thiền chỉ cần hướng tâm là đã hay biết rồi, không cần phải cố gắng. Nếu hướng tâm đến tay là đã thấy xúc chạm, hướng tâm đến tai là đã tự động nghe. Cố gắng, tập chung là chúng ta sử dụng quá mức năng lượng cần thiết, nó sẽ làm cho chúng ta mệt mỏi, căng thẳng.

Tóm lại dù Đức Phật triển khai rộng ra rất nhiều các cách thức khác nhau thì tựu chung lại chúng ta cần xác định đối tượng cho đúng, thái độ quan sát cho chân chánh, duy trì cho liên tục. Và khi các đối tượng hội tụ đủ thì mọi thứ sẽ sáng rõ, thấy rõ bản chất của nó như thật tuệ tri.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét