Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

SÁCH : CHỈ MỖI CHÁNH NIỆM THÌ KHÔNG ĐỦ - THIỀN SƯ SAYADAW U TAJANIYA - PHẦN II

PHẦN II 

QUAN SÁT CÁC LOẠI CẢM XÚC


Thiền sinh: Thưa thầy, làm thế nào để phân biệt được cảm xúc của chính mình với những cảm xúc sanh khởi do tác động hay ảnh hưởng từ người khác?

Thiền sư:   Nếu bạn luôn quan sát tâm mình trong mọi lúc, điều ấy sẽ trở nên rất rõ. Khi hay biết suy nghĩ và cảm xúc của mình trong lúc giao tiếp với người khác, bạn sẽ thấy rõ cách chúng nuôi dưỡng, tiếp sức cho nhau như thế nào.

Thiền sinh: Như vậy con có thể thấy cảm xúc nào là do chịu ảnh hưởng từ người khác phải không ạ?

Thiền sư:  Đúng, bạn sẽ thấy suy nghĩ và cảm xúc ảnh hưởng đến chính các suy nghĩ và cảm xúc khác như thế nào, và ngược lại. Bạn sẽ thấy cảm xúc của mình bị tác động thế nào bởi những gì họ nói và cách họ nói điều đó với mình. Điều quan trọng là phải luôn hay biết các phản ứng của mình đối với bất cứ cái gì bạn đang trải nghiệm.

***     *****     ***

Thiền sinh:  Thưa thầy, con tiếp tục quan sát cảm giác bực bội con đã trình với thầy lần trước. Nó đã lui lại phía nền đằng sau, nhưng vẫn luôn có mặt ở đó. Thế rồi sáng nay con chợt nhận ra rằng con bực bội là bởi vì con cảm thấy rất cô đơn. Khi nhìn ra được điều ấy, cảm giác bực bội liền biến mất.

Thiền sư:   Khi chúng ta để mắt đến các cảm xúc, nó sẽ không thể phình to lên, nó không thể gia tăng cường độ được nữa. Khi quan sát cảm xúc, bạn cũng sẽ phát hiện được chúng đến từ đâu, chúng bắt đầu từ chỗ nào. Bởi vì bạn không hay biết được sự cô đơn trong tâm nên nó đã biến tướng thành một thứ khác, thành cảm giác bực bội, nhưng quan sát liên tục sự bực bội sẽ dẫn bạn trở lại gốc (là sự cô đơn), và khiến bạn thấy được nơi xuất phát của nó. 

Thiền sinh:  Con luôn tin rằng các cảm xúc thay đổi rất nhanh và không thể ở trong thân của mình. Nhưng kinh nghiệm của con thì khác hẳn, con có thể cảm nhận nó rất rõ trong mình và nó chẳng thay đổi nhanh tý nào cả.

Thiền sư: Chỉ khi tâm đã trở nên rất định tĩnh, sáng suốt và mạnh mẽ, bạn mới có thể thấy được bản chất của tâm, thấy được sự thay đổi nhanh chóng và liên tục của nó. Tâm không ở trong thân cũng chẳng ở ngoài thân, nhưng tâm luôn có mối liên hệ với thân. Do đó, chúng ta thấy một số cảm xúc nhất định sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận nhất định nào đó trên cơ thể mình. Chúng ta cứ tưởng cảm xúc đeo bám ở một chỗ nào đó trên cơ thể, nhưng thực ra đó chỉ là sự tương tác qua lại (giữa tâm và thân) đang diễn ra mà thôi.

***     *****     ***

Thiền sinh:  Con đang băn khoăn không biết mình có đem thêm việc vào thời ngồi thiền không. Con có thể có các cảm xúc...khi đi kinh hành, nhưng khi đó tâm lại không thực sự ổn định để quán chiếu. Khi ngồi, con khơi dậy những cảm xúc đó lên để quán chiếu và coi đó như một cách để tìm hiểu về chúng. Làm thế này thì cứ như là mang việc vào chứ không phải nhìn việc sanh khởi. Con không xử lý chúng bằng cách dùng tri thức mà bằng cách quán chiếu và tìm hiểu. 

Thiền sư:   Được, bạn có thể làm điều đó, khi tâm đã sẵn sàng thì có thể làm như thế được. Khi tâm đã tương đối ổn định, chánh niệm tốt và có đủ định lực, bạn có thể hồi tưởng lại các cảm xúc để tìm hiểu chúng.

Có một thiền sinh thường nổi rất nhiều tâm sân hận mỗi khi nhớ lại vụ việc xích mích với một người khác. Tôi bảo anh ta hãy quan sát cảm xúc của mình mỗi khi tâm tự động nhớ lại việc đó, và tôi khuyên anh ta chuyển sự chú ý sang một đề mục trung tính khác[4] mỗi khi cảm xúc đó quá mạnh, và chỉ nhìn lại nó khi tâm đã trở nên ổn định hơn. Tôi cũng gợi ý anh ta mỗi khi tâm thật định tĩnh, ổn định vững vàng thì hãy khơi lên những ký ức đó để xem mình có học hỏi[5] được điều gì từ nó hay không. Anh ấy thực hành như vậy cả một thời gian rất dài và dần dần đã hiểu ra được, rồi đến một lúc anh không còn thấy cảm giác sân hận khởi lên mỗi khi nghĩ đến việc đó, hay nghĩ đến người đó nữa. Anh ta đã có thể tha thứ được vì đã thực sự hiểu ra được vấn đề.

***     *****     ***

Thiền sinh:  Con không hiểu rõ lắm về cảm thọ (vedanā). Chỉ cần biết có cảm thọ lạc, thọ khổ và thọ xả[6] thôi thì đã đủ chưa ạ?

Thiền sư:  Vedanā (cảm thọ) là một hoạt động của tâm. Hoạt động cảm thọ này khác với cách hiểu của chúng ta rằng thọ chỉ là lạc (cảm giác dễ chịu), khổ (cảm giác khó chịu) hay xả (không khổ, không lạc). Vedanā nghĩa là cảm nhận hay cảm giác một cái gì đó. Cảm nhận ra thành khổ, lạc hay xả chỉ là sự diễn dịch của tâm chúng ta về cảm thọ mà thôi. 

Thiền sinh:  Vậy chúng ta phải chánh niệm về tiến trình cảm nhận này hay là tính chất lạc, khổ hay xả của cảm thọ?

Thiền sư:   Chúng ta cần biết cả hai, và điều quan trọng là phải hiểu rằng chúng đại diện cho các chức năng khác nhau của tâm: thọ uẩn và tưởng uẩn. Chức năng của tưởng (saññā) là diễn dịch cảm thọ (vedanā) thành lạc, khổ hay xả. Chức năng của thọ (vedanā) chỉ là cảm nhận.            

Thiền sinh:  Có nghĩa là chúng ta phải hay biết hoạt động của thọ (vedanā) tách rời và khác biệt với khổ, lạc và xả phải không ạ?

Thiền sư:   Đúng, đúng vậy. Bạn cũng có thể phân biệt sâu hơn nữa về các cảm thọ. Khi tâm diễn dịch một cảm giác nào đó thành cảm giác dễ chịu (lạc, sukha) thường là ngay lập tức sẽ làm khởi lên một cảm giác khoan khoái, dễ chịu trong tâm, gọi là somanasa (hỷ). Khi một cảm giác trên thân được diễn dịch là khổ (dukkha), nó cũng thường làm khởi lên cảm giác khó chịu trong tâm, gọi là domanasa (ưu). Phản ứng đối với cảm giác trung tính trên thân (adukkhamasukhā) sẽ là xả.  

Thiền sinh:  Thọ và tưởng luôn hoạt động cùng với nhau phải không ạ?

Thiền sư:  Đúng, thọ đụng chạm đến tất cả mọi thứ, cùng với thức và các tâm sở khác. Bạn cảm nghiệm được thế giới này thông qua hoạt động của cảm thọ.

Thiền sinh: Chánh niệm về cảm thọ có khó không ạ? Có phải nó rất vi tế?

Thiền sư:  Đúng vậy, nó rất vi tế. Thọ xả vi tế hơn thọ khổ và thọ lạc. Tiến trình cảm thọ còn vi tế hơn thế nữa. Không dễ hay biết được nó. Hay biết được cái tâm đang hoạt động cần phải có rất nhiều công phu thực hành; nó không phải là sự hay biết bình thường, mà là cả một tiến trình hiểu biết rất vi tế.

***     *****     ***

Thiền sinh:  Khi thiền nằm, con có cảm giác biết một cảm thọ là khó chịu nhưng tâm không cảm thấy nó khó chịu. Sau đó một cảm thọ khác khởi lên và tâm biết “an lạc”. Lần này biết nó là lạc nhưng tâm cũng không cảm thấy nó an lạc.

Thiền sư:   Bạn hay biết về các cảm thọ, nhưng tâm hay biết cảm thọ đó không có tham (lobha, tham cầu, bám víu) hay sân (dosa, chối bỏ, đẩy đi) đối với những gì được cảm nhận. Vì vậy tâm không có phản ứng của khó chịu hay dễ chịu (hỷ hay ưu, domanassa hay somanassa). Tâm chỉ thuần ghi nhận kinh nghiệm như là khổ hay lạc. Nó không phản ứng lại, không tham gia dính líu vào cảm giác đó.

Thiền sinh:  Thưa vâng, đó chính là điều con ghi nhận được.

***     *****     ***

Thiền sinh: Thầy nói rằng cảm thọ không cần phải phân loại thành thọ khổ, thọ lạc hay thọ xả. Nhưng đôi khi con lại thấy việc phân loại như vậy lại giúp nhận biết chúng dễ hơn. Khi nhận thấy cái gì dễ chịu, nó giúp con nhìn ra mình bị dính mắc với nó như thế nào và phải đau khổ ra sao khi nó không còn nữa. Xin thầy giảng thêm cho con về vấn đề này.

Thiền sư:   Chúng ta không thể tránh được việc cảm nhận các cảm giác khổ, lạc hay xả. Chúng chỉ diễn ra một cách tự nhiên. Tôi khuyên các thiền sinh không quá chú ý đến sự dễ chịu hay khó chịu bởi vì làm như vậy là thực ra chúng ta đang kéo dài thêm những cảm giác khổ, lạc đó. 

Tôi muốn thiền sinh chú ý nhiều hơn đến bản thân tiến trình cảm thọ[7] hơn là tới tính chất khó chịu, dễ chịu hay không khó chịu không dễ chịu của các cảm giác. Hay biết cảm thọ còn vi tế hơn hay biết các tính chất của cảm giác; nghĩa là hay biết về nó như là một hoạt động của tâm hơn là một cảm giác.

Thiền sinh: Đôi khi các cảm giác khổ lại được cảm nhận là lạc và đôi khi lạc lại được xem là khổ.

Thiền sư:   Đúng thế. Một cảm giác nào đó được cảm nhận như là khổ hay lạc là phụ thuộc vào cái tâm đang chấp giữ tham hay chấp giữ sân. Khi tâm đầy những tham, nó thường thấy mọi thứ là lạc (dễ chịu), nhưng khi tâm có sân, nó hay thấy mọi thứ là khổ (khó chịu). Khi cảm thấy lạnh thì chúng ta thấy sức nóng là dễ chịu, nhưng khi nóng, thì lại thấy sức nóng đó là khó chịu.

Hoạt động thực sự của tâm là (tiến trình) cảm thọ, và tôi muốn các thiền sinh học cách nhận biết được thực tế này. Chúng ta cần phải học hiểu để thấy rằng chính tâm cảm thọ, tâm đang làm công việc của nó là cảm thọ[8].


THẤY VÀ NGHE - NHÌN VÀ LẮNG NGHE

Thiền sinh: Hôm trước thầy giảng về tầm quan trọng của việc chánh niệm trên cái nhìn và cái nghe, chứ không phải chánh niệm về cảnh sắc và âm thanh. Con vẫn không hiểu, xin thầy giảng thêm.

Thiền sư:   Đừng chú ý đến một âm thanh nào. Chỉ cần hay biết rằng mình đang nghe. Nghe nghĩa là bạn biết mình đang biết âm thanh, nghĩa là biết được cả âm thanh và tâm hay biết. Nếu biết được cái nghe, bạn sẽ biết được rất nhiều loại âm thanh khác nhau. Nếu chú tâm vào một âm thanh nào đó, bạn sẽ bị kẹt vào trong khái niệm, chẳng hạn suy nghĩ xem cái gì tạo nên âm thanh như vậy, âm thanh đến từ hướng nào...và bạn không thể hay biết được tâm mình. Vì vậy, đừng chú ý đến đối tượng của cái nghe mà hãy chú ý đến tiến trình nghe. Đối với cái nhìn cũng y như vậy.

***     *****     ***

Thiền sinh: Khi nghe người nào đó nói chuyện, con thấy mình chú ý đến những gì họ nói, và cố gắng trả lời cho tốt, lúc đó con cần phải biết cái nghe đang diễn ra hay cuộc chuyện trò, hay biết mình đang ngồi trong phòng, hay đang nghe âm thanh...? Nếu cố gắng biết tất cả, con cảm thấy cứ phải căng ra, cứ như bị xé lẻ ra thành nhiều mảnh.

Thiền sư:   Khi chưa có kinh nghiệm hành thiền, bạn vẫn có xu hướng đi đến đối tượng quan sát. Nếu cố chánh niệm trên nhiều đề mục, bạn sẽ thấy cứ phải căng mình ra. 

Hãy bắt đầu bằng việc chú ý đến các cảm xúc. Điều rất quan trọng là phải hay biết các cảm xúc của mình khi nghe hay khi nói chuyện như thế nào. Bạn có phản ứng theo bất cứ cách nào không? Chỉ đơn giản biết như thế, chỉ hay biết bất cứ điều gì mình đang cảm thấy. Bạn sẽ thấy rằng mỗi khi có cảm giác vững chắc, định tĩnh ở bên trong, tâm sẽ bắt đầu mở rộng và bạn có thể hay biết được nhiều đề mục khác nhau mà không cần phải cố gắng. Cứ như là các đề mục sẽ tự đến với bạn khi tâm đã định tĩnh và có khả năng thu nhận. Thiền sinh nào hiểu được cách thức làm việc của tâm thì chỉ cần giữ tâm trong trạng thái hay biết, rộng mở để thu nhận này và bằng lòng với bất cứ cái gì tâm mình hay biết.

Thiền sinh:  Vậy thì thực hành cách nghe âm thanh rồi nhớ phải hay biết là mình đang nghe là sai hay đúng?

Thiền sư:   Tôi không thể gọi đó là cách thực hành sai, mà chỉ nghĩ rằng lúc đầu có thể sẽ khó thực hành được như vậy, bởi vì bạn vẫn chưa thể giữ chánh niệm tốt khi giao tiếp với người khác.

Khi nghe thì cái gì nghe, và bạn nghe như thế nào?  

Thiền sinh:  Con dùng tai và dùng cả tâm để nghe nữa.

Thiền sư:   Đó chính là điểm mấu chốt; chính tâm nghe âm thanh. Chúng ta chỉ cần nhận biết những gì tâm đang làm.

Nghe có giống (cố ý chú tâm) lắng nghe không?

Thiền sinh:  Nghe là thụ động, cố ý lắng tai nghe là chủ động.

Thiền sư:   Đúng. Ngay cả khi bạn không cố nghe, bạn vẫn có thể nghe (được tiếng động). Ngay cả khi không cố nhìn, bạn vẫn thấy (cảnh).

Vậy khi bạn không cố chú ý đến những thứ ấy, tâm vẫn hay biết được chứ?

Thiền sinh: Hừm...câu trả lời lúc đầu của con là: điều đó còn phụ thuộc...

Thiền sư:  Thôi được. Chẳng hạn bạn đang lắng nghe âm thanh, thông thường bạn chú ý đến hơi thở, nhưng bỗng nhiên tâm trượt khỏi hơi thở và cảm nhận cái vật bạn đang cầm trong tay. Bạn sẽ chú ý đến cái gì?

Thiền sinh:   Con nghĩ, chắc là đến cái tay.

Thiền sư:   Đúng vậy. Không cần phải mang tâm mình đi đến chỗ nào cả. 

Tâm tự làm công việc của nó; bạn chỉ cần hay biết tâm đang làm gì là đủ.

Nếu muốn hiểu được "tự nhiên", bạn phải để cho mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên. Mang chánh niệm "trở lại" cái gì đó (hoặc chỗ nào đó) tức là bạn đang sử dụng đến cố gắng cá nhân. Đối với người mới hành thiền thì việc này là cần thiết, nhưng sau một thời gian thực hành, bạn không cần phải làm thế nữa.

Thay vì phải lắng nghe tiếng động, chúng ta cần chánh niệm biết rằng có cái nghe đang diễn ra. Trong cái nghe có sự hay biết tiếng động - thế nên nó mới gọi là "cái nghe''. Mọi thứ đều có sẵn ở đó cả. Tôi đang nói và bạn đang nghe. Bạn nghe âm thanh từ chỗ tôi, hay việc bạn nghe chỉ đơn giản là một kinh nghiệm (một sự việc bạn đang nhận biết), nó luôn ở đó với bạn chứ không phải ở "ngoài kia''? Vì vậy, chỉ cần tự biết mình, bạn sẽ biết được tất cả mọi thứ.

***     *****     ***

Thiền sinh:  Con vẫn còn không hiểu lắm về chánh niệm trên cái nhìn. Con nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy mình đang gán tên cho mọi thứ mình nhìn thấy, tức là lúc nào cũng sử dụng đến khái niệm chế định. Điều này diễn ra một cách hết sức tự nhiên. Nếu mọi thứ diễn ra tự động như vậy thì làm sao con thấy được mọi sự như nó đang là? Làm sao con chánh niệm trên chính cái nhìn ấy được?

Thiền sư:  Không cần phải bỏ tất cả những gì tâm làm một cách tự nhiên. Tâm là thực tại và bạn nhận biết rằng nó chỉ đang làm công việc của nó. Tưởng (saññā) là một chức năng của tâm và bạn không thể ngăn chặn nó diễn ra được. Chỉ cần nhận biết rằng tưởng là một hoạt động của tâm và tự nhắc mình đừng tự đồng hoá với tiến trình ấy là đủ.

Trong năm giác quan, chúng ta sẽ nhận ra rất rõ rằng xúc chạm, ngửi và nếm diễn ra ở trên thân. Tại sao lại cho rằng nghe và nhìn là diễn ra ở “ngoài kia”? Thực ra nghe và nhìn cũng diễn ra ở chính tại đây thôi. Chúng ta cứ tin vào những khái niệm chế định mà tâm đang sử dụng, tin vào cái tưởng nhận biết khoảng cách (giữa mình và tiếng động, hình ảnh ngoài kia).

Vậy làm thế nào để nhận ra được thực tại là có cái nhìn đang diễn ra? Khi chú ý đến những gì mình nhìn thấy, bạn sẽ chỉ thấy được các khái niệm như là hình dáng, màu sắc, khoảng cách, kích cỡ... Nhưng thực tại thì không có màu sắc, không kích cỡ mà cũng chẳng có hình dáng gì cả. Làm thế nào để nhận ra được thực tại này?

Bí quyết ở đây là tập nhận biết tâm hay biết. Chúng ta có nhận thấy là mình đang biết không? Chúng ta cần phải nhận ra được cái tâm biết này. Nó biết cái gì? Nó biết đề mục (hay đối tượng hay biết) của nó. Đối tượng hay biết đó là thực tại, thực tại đằng sau các khái niệm chế định.

Không có trí tuệ chúng ta không thể biết được thực tại này, dù có cố gắng đến đâu cũng không thể thấy được.  Chánh niệm nhìn thấy các khái niệm chế định, còn trí tuệ thì biết thực tại.

***     *****     ***

Thiền sinh: Con thấy chánh niệm về cái nghe và cái nhìn khó hơn chánh niệm các cảm giác trên thân nhiều. Tại sao thế ạ?

Thiền sư:   Tất cả mọi người đều thấy khó như thế. Mùi, vị và cảm giác xúc chạm được cho là diễn ra bên trong cơ thể, còn hình ảnh và âm thanh thì lại bị cho là ở bên ngoài. Bởi vì chúng ta tin vào khái niệm "ngoài kia", "phương hướng"...Thực ra, cái nghe và cái nhìn cũng diễn ra ở bên trong chúng ta thôi; hiểu theo một nghĩa nào đó thì không có thế giới ngoài kia. Tất cả mọi thứ chúng ta kinh nghiệm được đều diễn ra ở trong tâm. Thế gian là sản phẩm tạo tác của tâm. Vì vậy, không cần thiết phải nhìn bên ngoài; tất cả mọi thứ đang diễn ra ở ngay tại đây, ngay bên trong tâm mình.


SUY NGHĨ


Thiền sinh: Con đã hay biết được rất nhiều suy nghĩ trong tâm mình.

Thiền sư:   Bạn biết mỗi suy nghĩ thôi à? Hay bạn hiểu được rằng đó chỉ là tâm? Hay bạn hiểu được đó là bản chất sanh khởi (của tất cả các pháp)? 

Thiền sinh: Con không rõ lắm, thưa thầy.

Thiền sư:   Hầu hết mọi người chỉ thấy có suy nghĩ mà không hiểu rằng đó chỉ là tâm đang hoạt động. Một số người hiểu rằng nó chỉ là tâm nhưng lại không hiểu được bản chất sanh khởi của nó[9]. Điều này phản ánh trình độ hiểu biết khác nhau của mỗi thiền sinh.

***     *****     ***

Thiền sinh:   Đôi khi con thấy tâm mình không có một cái gì cả. Con chỉ hay biết được dáng ngồi của mình.

Thiền sư:   Luôn luôn lúc nào cũng có những hoạt động của tâm đang tiếp diễn. Bất cứ khi nào xem lại tâm mình, bạn phải luôn kiểm tra xem mình đang cảm thấy như thế nào. Bạn có thư giãn thoả mái không hay đang căng thẳng? Và cũng xem lại xem mình có suy nghĩ nào không nữa.

Thiền sinh: Con thường hay bị các suy nghĩ cuốn đi.

Thiền sư:   Không sao, đôi khi chúng ta thường bị cuốn đi theo suy nghĩ. Khi kiểm tra tâm mình và nhận thấy các suy nghĩ đang có mặt, đừng đào sâu vào chúng nữa. Chỉ cần nhận biết rằng đang có suy nghĩ là đủ.

***     *****     ***

Thiền sinh: Con thường thấy mình bị lạc trong các suy nghĩ. Có lực phản kháng lại chánh niệm. Tâm tìm thấy sự thích thú khi cuốn đi theo dòng suy nghĩ. Nó cứ tiếp tục như thế hoài, mặc dù con vẫn biết rằng khi để tâm chạy rông thoải mái như vậy, bao giờ sau đó cũng rất căng thẳng và mệt mỏi.

Thiền sư:   Tâm hoạt động theo một khuôn mẫu thói quen. Bạn hiểu được một chút rằng thói quen đó gây ra căng thẳng nhưng trí tuệ của bạn còn yếu, mà thói quen thì lại sâu đậm và rất mạnh. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải nhìn ra được cái gì là động lực thúc đẩy suy nghĩ của mình đến vậy. Bạn phải thực sự canh chừng và nhận ra tâm mình đang muốn nghĩ, muốn thả trôi theo dòng suy nghĩ. Chú ý đến cường độ mạnh yếu của tâm tham này, nhận biết xem nó tăng lên hay nhạt dần đi. Bạn sẽ thấy rằng khi nó nhạt đi, suy nghĩ sẽ không đến nữa, nhưng khi nó tăng lên, suy nghĩ sẽ bắt đầu đến. Đồng thời cũng không quên tự hỏi mình xem chánh niệm có mặt hay không, chánh niệm có hoạt động tốt hay không. Nhưng đừng cố chánh niệm. Bạn chỉ cần là người giám sát, chỉ cần liên tục kiểm tra xem chánh niệm có làm nhiệm vụ của nó hay không mà thôi.

***     *****     ***

Thiền sinh: Con thấy thật là khó khăn để chánh niệm được các suy nghĩ của mình. Con có thể hay biết một cách mờ nhạt các suy nghĩ nhưng rất khó để biết sâu, biết chắc về chúng. Con rất dễ bị lôi theo dòng suy nghĩ.

Thiền sư:   Có hai yếu tố gây ra điều đó: một là chánh niệm chưa đủ độ mạnh; hai là thiếu kỹ năng thực hành. Hầu hết mọi người đều có rất ít kỹ năng thực hành để nhận ra suy nghĩ, nhận biết một suy nghĩ đang diễn ra và duy trì chánh niệm theo dõi nó. Cái mà hầu hết mọi người hay làm là tập trung chú tâm vào suy nghĩ để nó biến mất đi.

Đối với các thiền sinh mới hành thiền[10], tôi chỉ đơn giản khuyên họ nhận biết suy nghĩ rồi lại quay lại chú ý vào đề mục chính họ đang quan sát. Thực hành như vậy sẽ làm họ vững chân lại. Quan sát suy nghĩ liên tục sẽ nhấn chìm họ trong dòng suy nghĩ. Bạn có thể tự rèn luyện mình bằng cách thực hành như vậy nhiều lần; nhận biết có một suy nghĩ đang diễn ra và đưa tâm trở lại đề mục. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng chánh niệm. Nhưng khi bạn dính líu vào dòng câu chuyện trong tâm, bạn sẽ bị lạc theo nó.

Khi đã có chút công phu thực hành nhận biết suy nghĩ theo cách đó, bạn có thể tự đặt câu hỏi: mình nhận thấy đó là một suy nghĩ hay thấy đó chỉ là tâm?

Nội dung những gì bạn nghĩ có thể là chuyện quá khứ hay tương lai, nhưng tâm thì chỉ sanh lên trong hiện tại mà thôi. Chúng ta thường nói "phóng tâm", cách nói đó như ám chỉ rằng tâm chạy đi mất hay phóng đi chỗ khác. Nhưng thực tế tâm chẳng chạy đi đâu cả, tâm chỉ đang diễn ra ở đây và bây giờ. Tất cả những gì nó làm là sanh và diệt. Suy nghĩ về một người ở xa hay một sự việc ở tương lai hay quá khứ chỉ đơn giản là một suy nghĩ sanh khởi ở đây và bây giờ. Chánh niệm chỉ có thể nhận biết rằng có một suy nghĩ đang diễn ra. Nhưng khi nhận ra được bản chất của suy nghĩ, khi bạn đã có hiểu biết, trí tuệ sẽ thấy được đó chỉ là tâm.

Bạn có thể nhìn suy nghĩ từ rất nhiều góc độ khác nhau. Bạn có thể nhận ra suy nghĩ chỉ là tâm, suy nghĩ là phiền não, suy  nghĩ đó là quan trọng hay không quan trọng, suy nghĩ đó là thiện hay bất thiện.

***     *****     ***

Thiền sinh: Mỗi khi con chánh niệm về suy nghĩ, thì suy nghĩ liền dừng lại. Nhưng khi con đi kinh hành và chánh niệm về cái nhìn thì cái nhìn lại không dừng lại như vậy. Con có thể học cách chánh niệm về suy nghĩ mà không cần phải làm cho suy nghĩ biến mất đi được không ạ? 

Thiền sư:   Đối với các thiền sinh có kinh nghiệm thì một cách tự nhiên, sự quan sát sẽ rất mạnh và sự thôi thúc muốn suy nghĩ sẽ không còn mạnh nữa, nhất là ở trong môi trường của khóa thiền tích cực. Còn đối với các thiền sinh mới thì khác, sự thôi thúc muốn suy nghĩ của họ mạnh hơn nhiều; suy nghĩ không dừng lại được và họ liên tục bị cuốn đi theo dòng suy nghĩ.

Thay vì cứ tập trung vào các suy nghĩ, bạn cần học cách nhận biết rằng đó chỉ là tâm đang suy nghĩ. Một khi điều này đã trở thành thói quen, thì chánh niệm sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, liên tục hơn, và bạn sẽ có thể quan sát được tiến trình suy nghĩ và quán chiếu, tìm hiểu nó.

Thiền sinh:  Thầy có thể gợi ý cho con cách làm thế nào để tóm được suy nghĩ ngay từ khi nó mới bắt đầu không ạ?

Thiền sư:  Không. Đừng bận tâm về điều đó. Chỉ cần quan sát suy nghĩ mỗi khi bạn nhận biết được nó là đủ. Khi quan sát suy nghĩ, một số hiểu biết sẽ sanh khởi trong bạn. Chẳng hạn, bạn có thể sẽ nhận ra rằng suy nghĩ ấy là hoàn toàn vô ích. Những hiểu biết như vậy có thể làm cho suy nghĩ ấy biến mất. Đó chính là trí tuệ đang vận hành; ̣đó không phải là “bạn” đang làm điều gì đó đối với suy nghĩ.

Thiền sinh: Có lúc con bắt gặp mình đang nghĩ về những đức tính tốt đẹp của con người mình, hình như con cũng cần có nhu cầu tự an ủi mình.

Thiền sư:  Điều đó cũng là tự nhiên thôi; chúng ta vẫn luôn cố tự làm cho mình cảm thấy thoải mái hơn, bằng mọi cách. Luôn nhắc mình rằng suy nghĩ chỉ là một đề mục để giúp chúng ta phát triển chánh niệm, phát triển tinh tấn và định tâm mà thôi. Nếu không nhìn nó như một đề mục, thì bạn sẽ bị dòng suy nghĩ cuốn trôi đi mất, bạn sẽ tự đánh mất mình trong dòng suy nghĩ đó.

***     *****     ***

Thiền sinh: Con thường thấy mình rất khó giữ được chánh niệm về suy nghĩ. Con bị cuốn vào nó rất nhanh và tự đồng hóa mình vào trong dòng câu chuyện đến mức hoàn toàn không còn chánh niệm gì nữa. Điều này đôi khi vẫn còn xảy ra, nhưng giờ đây con đã có thể chánh niệm được nhiều hơn về các suy nghĩ rồi. Có cảm giác như là giữa sự quan sát và tâm suy nghĩ có một khoảng cách.

Thiền sư:  Tại sao bây giờ bạn có thể quan sát được suy nghĩ như vậy?

Thiền sinh: Con đoán là do sự tinh tấn thực hành.

Thiền sư:  Đúng, điêù đó cũng quan trọng, nhưng cái thực sự làm bạn quan sát được suy nghĩ chính là do hiểu biết. Bạn đã thay đổi cách suy nghĩ và thái độ của mình. Bây giờ trí tuệ đã vận hành cùng với suy nghĩ rồi đó.

Thiền sinh: Dạ, đúng vậy, con đã thấy được điều đó rồi đấy ạ. Con không còn coi suy nghĩ là quan trọng nữa và thường thấy được chúng bắt đầu như thế nào. 

Thiền sư:  Điều đó mới thực sự quan trọng. Khi đã thấy được suy nghĩ bắt đầu như thế nào, là bạn đã bắt đầu hiểu được rằng chúng sanh khởi do bởi những nguyên nhân nhất định nào đó, bạn cũng sẽ nhận ra rằng đó chỉ là tâm đang hoạt động mà thôi. Một khi đã nắm rõ được những gì đang thực sự diễn ra, bạn sẽ luôn luôn giữ được khoảng cách giữa tâm quan sát và suy nghĩ.

***     *****     ***

Thiền sinh:  Thầy nói rằng nếu không chú tâm quá mức vào các suy nghĩ thì chúng sẽ không bị biến mất ngay lập tức và chúng ta có thể chánh niệm được trên cả hai: suy nghĩ và tâm chánh niệm. Đối với các suy nghĩ bất thiện thì cũng áp dụng như vậy phải không ạ?

Thiền sư:  Đúng vậy. Nếu duy trì được trạng thái chánh niệm rộng mở và quân bình như vậy mỗi khi nhận biết các suy nghĩ bất thiện khởi sanh thì chúng ta sẽ không bị nó cuốn trôi, khi đó chúng ta mới có thể quan sát và học hỏi được điều gì đó từ những suy nghĩ bất thiện ấy. Nói cách khác, cách nhận biết này sẽ giúp cho trí tuệ khởi sanh.

Làm thế nào mà bạn biết được khi có một suy nghĩ bất thiện khởi sanh?

Thiền sinh: Con thấy mình bị căng thẳng.

Thiền sư:  Khi tâm đã thực sự hiểu được điều đó, khi tâm đã thấy rõ suy nghĩ đó là bất thiện, nó sẽ tự buông bỏ. 

Thiền sinh: Đúng là đôi khi nó cũng diễn ra như thế đấy ạ; khi con nhận ra một suy nghĩ là bất thiện thì nó tự biến mất. Nhưng con nghĩ đó chỉ là do sự chú tâm cuả con quá mạnh mà thôi.

Thiền sư:   Không phải thế, khi bạn đã hiểu được một suy nghĩ bất thiện, nó biến mất do trí tuệ. Khi một suy nghĩ biến mất do sự tập trung chú tâm quá mạnh thì sẽ không có trí tuệ; nó chỉ đơn giản dừng lại và bạn không hiểu tại sao nó dừng lại như thế. Khi trí tuệ hiểu biết một điều gì đó, nó sẽ mách bảo cho bạn biết. Có thể đó là một ý nghĩ loé lên nói rằng: “Điều này thật là ngu ngốc”. Bạn sẽ thấy rất rõ mình vừa mới hiểu ra được một điều gì đó.

Thiền sinh: Vâng, nhưng tại sao một suy nghĩ bất thiện cứ khởi lên hoài, lặp đi lặp lại như vậy ạ? Một suy nghĩ có thể khởi lên rồi biến mết ngay lập tức bởi vì nó đã bị nhận diện ra là suy nghĩ bất thiện, nhưng một lúc sau nó lại khởi lên nữa.

Thiền sư:  Điều đó phụ thuộc vào mức độ của phiền não. Một số thói quen đã có từ lâu đời và rất mạnh và do vậy chúng vẫn tiếp tục khởi lên lại nhiều lần. Nhưng mỗi khi tâm nhận biết được đó là phiền não, nó đã bị tước đi bớt đi một phần sức mạnh. Bạn sẽ cần phải có rất nhiều kiên nhẫn và tinh tấn để vượt qua được những thói quen bất thiện thâm căn cố đế đó.

***     *****     ***

Thiền sinh: Con có nghe một vị thiền sư nói rằng một người tâm càng đơn giản, ít suy nghĩ thì sẽ càng tiến bộ nhanh trong pháp hành. Còn thầy thì lại nói rằng một người càng thông minh và sử dụng nhiều suy tư lô-gíc thì lại càng tiến bộ nhanh, phải không ạ?

Thiền sư:   Thế bạn có biết những người đơn giản ấy hay nghĩ đến loại suy nghĩ nào không? Đó thường là những suy nghĩ vô ích, không đem lại lợi ích gì cả. 

Người không suy nghĩ những ý nghĩ phiền não, đó mới chính là loại người đơn giản thực sự.

Thiền sinh hay sử dụng suy tư lô-gíc thường nghĩ đến loại suy nghĩ nào? Những suy nghĩ trí tuệ. Thực ra cả hai câu nói (của vị thiền sư đó và của tôi) đều không sai, bạn chỉ cần hiểu cho đúng thôi là được.

Người ta thường không nghĩ đến chất lượng suy nghĩ, mà chỉ nghe mỗi chữ “không suy nghĩ”. Nếu không bao giờ suy nghĩ gì hết thì bạn có thể làm được việc gì? Thậm chí đến nấu ăn cũng chẳng nổi nữa kìa! Những kẻ ngu ngơ khù khờ chẳng biết cái gì trên đời cũng có bao giờ động não đâu. Khi còn trẻ, có lần tôi đọc được một bài bình về câu tục ngữ Miến Điện: “Người trí tuệ thì ít lời, người ít lời là người trí tuệ”. Nhà văn nọ bình một câu ráo hoảnh thế này: “Nhưng những kẻ ngu, đầu đặc những đất cũng có bao giờ mở miệng đâu”.

Đức Phật khuyến khích mọi người nghĩ, nói và làm những điều đúng đắn và tốt đẹp. Đức Phật ví chánh niệm như là người gác cổng thành. Người gác cổng chỉ cho những người có phận sự được vào thành và không cho những kẻ không phận sự vào. Chánh niệm không phải là một ngôi thành luôn khoá chặt cửa. Nếu bạn luôn khóa chặt cổng thành thì cả người tốt lẫn người xấu đều không vào được cả. 

SỬ DỤNG CÁC CÂU NHẮC


Thiền sinh: Thưa thầy con thường sử dụng các câu nhắc mình trong khi hành thiền, chẳng hạn như là “sân chỉ là sân”, “nghi chỉ là nghi” hay “sợ chỉ là sợ”. Một câu nhắc nhở như vậy ngay lập tức tạo ra một khoảng cách nào đó và đem lại cho con một chút bình an. Tất cả những điều con cần phải làm chỉ là mỗi như vậy thôi sao?

Thiền sư:  Không. Dùng các câu nhắc như vậy chỉ làm giảm nhẹ các tầng cảm xúc thô mà thôi; bạn cần phải tiếp tục nhìn sâu hơn nữa vào các tầng lớp vi tế hơn của nó. Dùng các câu nhắc chỉ là trí tuệ vay mượn; chúng ta không thực sự hiểu được ý nghĩa của chúng, vì vậy chỉ có thể làm giảm nhẹ được phần nào cường độ cảm xúc mà thôi.

Chánh kiến (cách nhìn đúng) và Chánh tư duy (cách suy nghĩ đúng) làm giảm nhẹ được một phần đau khổ do phiền não gây ra. Chúng là biểu hiện của trí tuệ, do đó luôn đem lại cho mình một cảm giác nhẹ nhõm nào đó. Giả sử như cảm xúc có năm cấp độ. Áp dụng cách suy nghĩ đúng đắn (chánh tư duy) – nếu áp dụng được một cách hiệu quả – sẽ chỉ có thể làm giảm nó xuống đến cấp độ thứ ba mà thôi. Cấp độ thứ hai thường không còn làm chúng ta phải khổ não nữa; chúng ta có thể đối phó với nó tương đối dễ dàng. Nhưng dù vậy cảm xúc vẫn chưa thể biến mất một cách hoàn toàn và chúng ta cần phải tiếp tục quán chiếu nó sâu hơn nữa.

Chỉ khi tâm đã thực sự hiểu được rằng suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, cảm xúc chỉ là cảm xúc...thì những cảm xúc đó mới thực sự tụt xuống bằng không ngay lập tức.

Thiền sinh: Vậy thưa thầy làm thế nào để có được trí tuệ thực sự đó được ạ?

Thiền sư:  Bạn phải thực hành quan sát và quán chiếu, tìm hiểu thật nhiều trong cả một thời gian dài. Bạn cần phải tiếp tục quán chiếu cho đến khi tâm đã thâu lượm được đủ thông tin để có thể thấy được toàn cảnh, cho đến khi nó đã thực sự hiểu ra vấn đề.


NIỆM THẦM


Thiền sinh: Con vẫn thường cố gắng quan sát tâm, nhưng tâm niệm thầm vẫn cứ tự động xen vào bởi vì trước khi đến đây con đã thực hành phương pháp đó hơn hai tháng rồi.

Thiền sư:   Nhưng tâm đang niệm đó thôi!

Thiền sinh: Vâng, đúng thế. Nhưng con vẫn tiếp tục sử dụng các danh từ để niệm như “suy nghĩ.. suy nghĩ..”... 

Thiền sư:   Khi niệm tên như vậy khởi lên trong tâm thì bạn cảm thấy ra sao?

Thiền sinh: Con cảm thấy hơi bị phân tâm đi đôi chút. Con cố gắng gạt bỏ cách niệm đó ra khỏi tâm...

Thiền sư:   Không, đừng làm thế. Đừng cố gắng đẩy nó đi như thế. Chỉ cần nhận biết rằng tâm đang niệm như vậy là đủ. Bạn không thể chặn một thói quen lại một cách đột ngột như vậy được. Nếu cố chặn nó một cách gượng ép như thế, bạn sẽ tạo ra sự xung đột trong tâm.

***    *****     ***

Thiền sinh: Thế nào là sự khác nhau giữa niệm thầm và chỉ thuần quan sát, ghi nhận ạ? Trong bất cứ trường hợp nào mình cũng ghi nhận được những gì đang diễn ra cơ mà. Niệm thầm như vậy thì có gì là sai?

Thiền sư:   Niệm thầm bắt tâm phải làm việc nhiều vì vậy bạn không có thời gian để quán chiếu và tìm hiểu. Các pháp vận hành với tốc độ cực kỳ nhanh chóng, và vì vậy niệm thầm thường là chậm so với chúng, tức là việc niệm thầm đề mục thường chỉ diễn ra sau khi sự việc đã trôi qua lâu rồi.

Thiền sinh: Như vậy thì chỉ cần cảm nhận trực tiếp các cảm xúc thay vì niệm thầm tên cuả chúng phải không ạ?

Thiền sư:  Đúng vậy, bằng cách chánh niệm hay biết những gì đang diễn ra một cách liên tục. Mỗi khi chúng ta quan sát một cái gì đó, một cách tự nhiên tâm thường bình luận về những gì đang diễn ra. Thực ra điều đó cũng chẳng có gì là sai cả. Nhưng niệm thầm một cách máy móc “sợ.. sợ.., đau..đau...” thì lại hoàn toàn khác. Nó không những gây thêm căng thẳng cho bạn mà còn ngăn không cho bạn thấy được chi tiết của đối tượng quan sát. Việc đó là không cần thiết. Nhưng còn sự bình luận tự nhiên của tâm mỗi khi tâm hay biết thì bạn không thể ngăn chặn được.

Niệm thầm một cách máy móc làm suy yếu cả chánh niệm lẫn sự hiểu biết về các tiến trình tâm. Chúng ta không thực sự cần thiết phải niệm thầm để tự giải thích cho mình điều gì; chúng ta chỉ phải sử dụng các danh từ và tên gọi để giải thích sự việc cho người khác mà thôi. Khi chúng ta sử dụng việc niệm thầm, tâm sẽ trở nên dính mắc vào tất cả mọi ý nghĩa và các liên tưởng gắn liền với cái danh từ đó. Khi niệm thầm chúng ta cũng thường nhắm vào một khía cạnh cụ thể nào đó của kinh nghiệm và do đó không thể nhìn thấy được toàn bộ bức tranh tổng thể. 


LOẠI BỎ TÂM SÂN TRƯỚC ĐÃ


Thiền sinh: Khi nói chuyện với mấy người có quan điểm tà kiến về pháp hành, trong đầu con khởi lên mấy câu hỏi.  Nói chuyện với một người bạn, nghe anh ta thể hiện những quan điểm và những sự bao biện rất là tà kiến, con cảm thấy mình nổi sân lên. Con biết rằng chính bởi vì mình tức giận và bởi vì mình muốn làm cho người khác thay đổi nên chính mình cũng đang có tà kiến. Trong những trường hợp như thế, con không biết phải xử trí thế nào. Con tin rằng quan điểm cuả anh ta là sai lầm và biết rằng mình không thể thay đổi được anh ta, nhưng con cũng muốn nói với anh ta về điều đó một cách có trí tuệ.

Thiền sư:  Điều quan trọng không phải là đi sửa đổi tà kiến của người khác. Hãy loại bỏ tâm sân của mình trước đi đã. Khi không còn sân nữa thì bạn mới tìm cách giúp đỡ người khác được. Làm thế nào giúp đỡ được người khác bằng chính phiền não của mình? Có khi đã chẳng giúp gì cho họ được cả mà chính mình còn làm hại họ nữa.


TRONG CUỘC SỐNG THƯỜNG NGÀY 

Thiền sinh: Xin thầy cho chúng con lời khuyên làm thế nào để thực hành trong cuộc sống ở ngoài thiền viện?

Thiền sư:   Bạn muốn sống cuộc sống của mình ở thế giới bên ngoài như thế nào? Nếu bạn thực sự muốn thực hành Pháp thì tâm sẽ tự tìm ra được cách thích hợp. Chỉ khi bạn đã thực sự hiểu được giá trị của pháp hành thì tâm mới thực sự sẵn sàng để tinh tấn bền bỉ thực hành Pháp trong cuộc sống hàng ngày được. Cho dù bạn đã từng học được bao nhiêu kỹ thuật, bao nhiêu phương pháp thiền đi chăng nữa, nhưng nếu tâm bạn không thực sự khao khát thực hành Pháp trong cuộc sống thì bạn cũng chẳng thể áp dụng được bất cứ phương pháp nào ở ngoài đời được đâu. Một cái tâm đã hiểu được lợi ích của pháp hành nó sẽ tìm ra được thời gian và cách thức thích hợp để áp dụng những gì đã học được trong thời gian tu tập ở thiền viện. 

Người nào thực sự quan tâm đến phẩm chất tâm của mình sẽ luôn luôn để mắt đến nó trong mọi lúc. Họ sẽ học cách giữ gìn phẩm chất tâm cao thượng đó của mình một cách tốt nhất. Nếu bạn thấy được sự khác biệt vô cùng lớn của tâm mình khi có chánh niệm và khi thất niệm thì tự nhiên bạn sẽ chỉ muốn chánh niệm ngày càng thường xuyên hơn mà thôi. Đó chính là điều mà tôi vẫn thường hỏi các thiền sinh xem họ có biết được phẩm chất tâm của mình hay không, có thấy rõ sự khác biệt giữa tâm chánh niệm và tâm không có chánh niệm hay không.

Thiền sinh: Cám ơn thầy, con tin rằng đây thật sự là một lời khuyên rất tốt. Lời dạy của thầy rất khác với những gì con đã từng được nghe trước kia. Chắc có lẽ phải mất một thời gian con mới có thể tiêu hóa được hết những lời dạy này. 

Thiền sư:  Tôi thực sự mong muốn mọi người hãy biết nghĩ cho chính mình. Bạn đã từng có một quá trình thực hành tương đối lâu rồi, đã nắm được một số điểm căn bản của pháp hành rồi. Bạn cần phải hiểu kỹ về lợi ích của pháp hành để động lực thực hành Pháp phải thực sự xuất phát từ chính bên trong mình. Nếu không đặt trọn vẹn trái tim mình vào đó, bạn sẽ không bao giờ có thể thực hành hết mình được; bạn sẽ chẳng bao giờ có thể phát triển đầy đủ những tiềm năng bên trong của mình cả. 

***     *****     ***

Thiền sinh: Trong công việc của con, con thường phải dùng rất nhiều cố gắng để nhớ nhiều chi tiết và để hoàn thành đúng hạn. Con thường xuyên bị căng thẳng và cuối ngày làm việc bao giờ cũng rất mệt mỏi.

Thiền sư:  Bạn có hiểu được tại sao mình bị căng thẳng khi làm việc không?

Thiền sinh: Con cho rằng đó là vì con phải cố sức rất nhiều.

Thiền sư:  Tại sao bạn lại phải cố sức nhiều như vậy? Bạn cần phải tìm hiểu xem tại sao mình lại phải dùng quá nhiều sức đến vậy.

Thiền sinh:  Làm thế nào để biết được điều đó?

Thiền sư:  Kiểm tra lại những suy nghĩ mà mình đang nghĩ ngợi, suy tính. Hãy nhìn kỹ những suy nghĩ của mình khi mình đang làm việc, nhìn rõ những tư tưởng, những cách nhìn, cách suy nghĩ mà mình đang có, và cũng nhận biết cả các cảm xúc trong mình khi những suy nghĩ này khởi lên.

Bạn đã hiểu được rằng cố sức sẽ gây ra căng thẳng. Bạn cũng cần phải nhận ra rằng chính bởi vì mình dùng quá nhiều sức nên mới bị căng thẳng như vậy. Bạn đang dùng sức nhiều hơn mức cần thiết.

Thiền sinh: Công việc luôn có thời hạn phải hoàn thành; con cần phải hoàn thành nó đúng hạn đã được giao. Con luôn  cảm thấy sức ép phải làm cho kịp thời gian, và thường cảm thấy vô cùng căng thẳng và mệt mỏi. 

Thiền sư: Bạn vừa giải thích lý do gây căng thẳng đấy thôi. Nguyên nhân chính khiến bạn mất quá nhiều sức như vậy là bởi vì bạn lo lắng, bất an. 

Thiền sinh: Đúng vậy.

Thiền sư:   Bây giờ bạn cần phải hiểu ra nguyên nhân tại sao mình bị lo lắng. Bạn làm việc không tốt hay sao?

Thiền sinh: Con nghĩ là con làm việc tốt. Con luôn hoàn thành công việc.

Thiền sư:  Vậy thì mỗi khi bạn có cảm giác lo lắng khởi lên thì chỉ cần nhận biết nó. Tự hỏi mình xem lo lắng như vậy có thực sự cần thiết hay không. Có cần cứ phải lo lắng như vậy thì mới hoàn thành được công việc hay sao?

Thiền sinh:  Không, không cần phải lo.

Thiền sư:  Bạn cần phải nhận biết sự lo lắng mỗi khi chúng khởi lên. Quan sát các cảm xúc này sẽ giúp bạn hiểu ra được điều gì đó và chính điều đó sẽ khiến cho bạn buông bỏ được nó. Nên nhớ rằng mục đích của thiền vipassanā không phải là để giải phóng bạn khỏi những gì đang diễn ra mà là để giúp bạn hiểu được những gì đang diễn ra.

Khi đối phó với một cảm xúc nào đó, bạn có thể tự hỏi mình 4 câu hỏi sau: 

Câu hỏi đầu tiên: “Khi cảm xúc này khởi sanh, thân tâm mình cảm thấy dễ chịu hay khó chịu?”. Nếu bạn nhận biết được cảm xúc mỗi khi chúng khởi sanh lên, và cũng nhận biết luôn cả cảm giác khó chịu hay dễ chịu trong thân tâm mình khi có những cảm xúc ấy, tâm bạn sẽ tự hỏi liệu những cảm xúc ấy có đáng hay không. Cuối cùng tâm bạn sẽ nhận ra rằng mình không cần thiết phải sống với cảm xúc ấy làm gì. Một khi đã nhận ra điều gì đó làm cho mình cảm thấy không tốt thì bạn có còn tiếp tục đắm chìm vào trong nó nữa hay không?

Thiền sinh: Con sẽ không như thế. 

Thiền sư:  OK, câu hỏi thứ hai: “Cảm xúc đó là cảm xúc gì? Nó hướng về đâu?”. Câu hỏi thứ ba: “Tại sao mình có cảm xúc này?”. Câu hỏi thứ tư: “Cảm xúc này có cần thiết hay không?”.

Những câu hỏi như thế này sẽ hỗ trợ cho pháp hành bởi vì chúng tạo thêm hứng thú và khuyến khích chúng ta sử dụng trí thông minh của mình. Lúc chúng ta có được câu trả lời thực sự, khi tâm đã thực sự thấy ra được vấn đề, nó sẽ tự động buông bỏ. Trong trường hợp của bạn thì đó là buông bỏ được những lo lắng, bất an mà bạn đang phải chịu đựng. 

Nếu bạn quan sát và nhận diện rõ ràng cảm xúc lo lắng, bất an mỗi khi chúng khởi sanh, thì chúng sẽ dần dần giảm xuống. Nhưng chừng nào bạn còn chưa thực sự hiểu được chúng, chừng đó chúng sẽ còn tiếp tục khởi lên nữa, còn đến đi đến lại hoài không hết. Bạn phải quan sát chúng một cách thật kiên nhẫn và liên tục cho đến khi tâm đã thực sự hiểu ra vấn đề và buông bỏ. 

Bạn cũng có thể tự hỏi mình thêm những câu hỏi khác nữa như: “Ai đang tức giận?”, “Tức giận là gì?”. Những câu hỏi này sẽ làm cho tâm trở nên hứng thú, tỉnh thức và sáng suốt. Sự thực hành của bạn vì thế cũng trở nên thú vị hơn rất nhiều. Một khi đã hiểu đúng được về thiền vipassana, bạn sẽ không bao giờ thấy nó là buồn chán cả. Bạn sẽ luôn luôn cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của những gì đang diễn ra. Nhưng nên nhớ đừng tự đặt quá nhiều câu hỏi, đừng biến mình trở thành khùng khùng điên điên. Thông thường mỗi lần như vậy thì chỉ một câu hỏi là đủ. Mục đích của câu hỏi chỉ là để giữ cho bạn luôn có hứng thú quan sát  những gì đang diễn ra mà thôi. 

***     *****     ***

Thiền sinh: Thưa thầy, thời gian này con thấy mình khó hành thiền quá. Mấy hôm nay con đang bận rộn dọn dẹp đồ đạc để rời đi nên rất hay quên chánh niệm.

Thiền sư:  Một trong những lý do chính khiến chúng ta quên chánh niệm và không thể thực hành được trong cuộc sống không phải là vì những việc chúng ta đang làm mà chính là ở cách chúng ta làm những công việc đó như thế nào. Đó là vì chúng ta cứ tham muốn phải làm cho xong công việc đó, bởi vì chúng ta hay vội vàng muốn hoàn thành ngay công việc đang dang dở. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thực sự cần phải quan sát kỹ tâm mình, phải luôn kiểm tra xem mình đang làm việc với trạng thái tâm như thế nào.

Làm thế nào để học được cách gìn giữ chánh niệm và tâm định (sự ổn định, vững vàng của tâm) trong cuộc sống hàng ngày?

Thiền sinh: Con hy vọng là sẽ tìm được một công việc phù hợp không có quá nhiều sức ép. Nhưng con cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là phải tiếp tục thực hành hết sức trong cuộc sống hàng ngày.

Thiền sư:   Đúng vậy, khi có quá nhiều sức ép, quá nhiều căng thẳng thì sẽ rất khó để thực hành. Hãy cố gắng học hỏi từ những khó khăn ở chính ngay trong công việc. Cái gì làm tâm mình lo lắng bất an? Tại sao bạn mất chánh niệm? Tại sao tâm ham muốn thế? Có cần thiết phải vội vàng như vậy không? Quán chiếu theo cách đó sẽ giúp bạn đối phó với mọi khó khăn một cách khéo léo hơn, và ngăn chặn không cho những trạng thái tâm bất thiện làm chủ mình. 

Thiền sinh: Vâng, nhưng con phải làm thế nào để giữ chánh niệm được trong một công việc mà luôn đòi hỏi mình phải làm nhanh, làm đúng và làm hiệu quả để hoàn thành đúng thời hạn?

Thiền sư:  Hãy làm hết sức mình có thể làm được. Hãy biết tận dụng và quý trọng từng giây phút, từng cơ hội để thực hành chánh niệm. Trong khi làm việc, hãy cố gắng hay biết xem mình đang cảm thấy ra sao, mình đang có những trạng thái tâm như thế nào. Nhưng đừng cố tập trung quá mức, hãy làm điều đó một cách nhẹ nhàng, buông xả. Nếu bạn dồn sức cố gắng quá mức để thực hành chánh niệm thì sẽ không thể làm việc hiệu quả được đâu. Nếu bạn tập trung quá mức cho công việc thì bạn cũng không thể thực hành chánh niệm được. Bạn cần phải tìm ra được mức độ nào là hợp lý cho mình nhất.

Thiền sinh: Vâng ạ, con sẽ cố gắng thực hành theo. Xin thầy cho con lời khuyên làm thế nào để thực hành chánh niệm trong lúc nói chuyện. Công việc văn phòng luôn đòi hỏi phải nói chuyện trên điện thoại rất nhiều và con cũng thường xuyên phải trao đổi với đồng nghiệp nữa.

Thiền sư:  Điều đó cần phải có quá trình thực hành rất nhiều mới được. Mỗi khi nói chuyện điện thoại hay khi có ai đó đang tiến tới gần bạn để bắt chuyện, hãy cố gắng nhớ kiểm tra lại xem mình đang cảm thấy như thế nào. Bạn nghĩ thế nào về người đó hay cảm nhận như thế nào về họ? Trong suốt cả ngày, dù là bạn có làm việc hay không, cũng phải tập một thói quen thường xuyên kiểm tra lại xem mình đang phản ứng, đang ứng xử với trạng thái tâm như thế nào mỗi khi bạn giao tiếp với người khác. Khi chuông điện thoại kêu bạn cảm thấy như thế nào? (bực bội vì bị ngắt quãng công việc, hay vui mừng chờ mong, hay hồi hộp lo lắng, hay mệt mỏi thờ ơ?). Bạn có nóng lòng muốn chộp ngay lấy điện thoại nghe không?  Bạn cần phải tập thói quen nhận biết tất cả những việc như thế. 

***     *****     ***

Thiền sinh: Trong công việc của con, con thường xuyên phải tiếp xúc với những khách hàng rất khó tính, hay giận dữ. Xin thầy cho con một vài lời khuyên làm thế nào để ứng xử trong những trường hợp như thế.

Thiền sư:   Mỗi khi bạn tiếp xúc với một khách hàng khó tính và hay giận dữ như thế, hãy kiểm tra lại xem tâm mình đang cảm thấy như thế nào. Tham hay sân là vấn đề của họ, vấn đề của mình là phải nhìn xem tâm mình có tham có sân hay không.

Thiền sinh: Vâng, nhưng vấn đề là ở chỗ khi đối diện với những con người tham sân quá mạnh như vậy, thì tham sân của họ cũng làm kích hoạt những trạng thái tâm như vậy trong mình lên một cách tự động. Cũng giống như khi con được gặp những người thầy lớn, sự tĩnh lặng và bình an trong tâm các ngài cũng tác động đến tâm con ngay lập tức như vậy.

Thiền sư:  Tất nhiên là ở đây đều có quan hệ nhân quả giữa tâm và đối tượng của nó, khi đối tượng tích cực thì tâm cũng thường có phản ứng tích cực, khi đối tượng là tiêu cực thì tâm cũng hay phản ứng lại một cách tiêu cực. Phải có một quá trình thực hành quan sát tâm thì mới hiểu ra được những tiến trình này. Nhờ sự hiểu biết (trí tuệ), thì tâm mới có được một mức độ ổn định nào đó và mới không còn bị tác động mạnh, không còn bị chao đảo bởi những đối tượng hay sự việc tích cực hoặc tiêu cực như vậy nữa. Khi sự hiểu biết và trí tuệ ngày càng chín muồi và trưởng thành, tâm sẽ ngày càng trở nên ít phản ứng hơn, ít bị kích động hơn. Tâm bạn cũng sẽ tự nhận ra rằng mỗi khi nó phản ứng một cách mù quáng như trước, nó bị trói buộc rất nhiều. Chính vì vậy, tâm sẽ ngày càng trở nên hứng thú hơn với những gì đang diễn ra “bên trong” nó và sẽ dành thêm nhiều công sức hơn để tìm hiểu chính bản thân mình.  

Mỗi lúc yêu ghét sanh khởi, tâm không chỉ hay biết điều đó mà còn tự hỏi xem tại sao yêu ghét khởi sanh như vậy.  Nó sẽ nhận ra rằng tự thân đề mục không phải là tích cực mà cũng chẳng tiêu cực, chỉ bởi tâm đánh giá phán xét và những quan kiến của mình mới làm cho nó trở thành tích cực hay tiêu cực mà thôi. Mỗi khi tâm quyết định rằng một đối tượng, một sự việc hay một con người nhất định nào đó là không tốt thì ngay lập tức nó sẽ phản ứng một cách tiêu cực, còn khi nó cho là tốt thì nó sẽ phản ứng theo cách tích cực. Khi đã nhìn thấy được những sự đánh giá phán xét của tâm mình, bạn cần phải tiếp tục tìm hiểu thêm xem: sự đánh giá này là dựa trên trí tuệ hay dựa vào tâm si? Nếu là tâm si, tâm sẽ phản ứng với tham hoặc sân; nếu là trí tuệ, tâm sẽ chỉ thấy sự việc như nó đang là và sẽ không phản ứng, không yêu ghét.

Bằng cách quan sát cơn sân của chính mình, chúng ta sẽ thực sự hiểu được nỗi khổ nó mang lại cho mình như thế nào, khi đó chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được tình thương và lòng bi mẫn khởi lên trong tâm khi đối diện với một con người đang sân hận. Chúng ta hiểu được họ đang cảm thấy ra sao trong người, chúng ta dễ dàng thông cảm với họ và vì vậy chúng ta cũng không còn sân hận nữa. 

***     *****     ***

Thiền sinh: Thưa thầy tâm con rất bất an xung quanh mỗi chuyện ăn uống. Con cố gắng tránh không ăn những đồ ăn không hợp và cố gắng chánh niệm trong lúc ăn uống, nhưng con thấy khó quá, chánh niệm làm con rất nhanh mệt mỏi.

Thiền sư:  Bạn mệt mỏi bởi vì động cơ chánh niệm của bạn là xuất phát từ sự bất an chứ không phải là từ trí tuệ. Tâm bạn nhớ lại trước kia mình đã từng khổ sở rất nhiều vì ăn phải đồ ăn không thích hợp và nó không muốn phải chịu khổ như thế lần nữa. Nó hết sức cố gắng tránh không lặp lại sai lầm cũ nữa và do đó nó đầu tư quá nhiều sức lực vào mỗi việc ấy. 

Hãy nhận biết trạng thái tâm của mình khi bạn khổ sở vì ăn phải đồ ăn không hợp và cả khi bạn đang cố gắng tránh nỗi khổ đó nữa. Khi lỡ ăn phải thứ đồ như vậy, bạn cảm thấy khốn khổ ra sao? Bạn quan sát nó với trạng thái tâm như thế nào? Trong những trường hợp như thế này, bạn cần phải sử dụng đến trí tuệ và chánh niệm. 

***     *****     ***

Thiền sinh: Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi nổi giận hay có những cảm xúc khó chịu, hay khi tâm con xáo động, bất an, theo phương pháp cũ con vẫn làm là cố gắng làm cho thân tâm dịu lại. Nhưng thầy lại dạy là không nên làm như thế. Thầy dạy phải quay chánh niệm vào trong để quan sát chính bản chất của cơn giận hay sự bất an đó. Có đúng như thế không ạ?

Thiền sư:  Việc chú ý quan sát (cơn giận) là việc làm sau. Việc đầu tiên bạn cần phải làm là xem mình có chấp nhận được rằng: cơn giận đó không phải là “mình”, sự đồng hóa chính mình với cơn giận cũng không phải là “mình” hay không đã. Bạn đang có cái nhìn như thế nào về sự việc đó? Những suy nghĩ chân chánh này (chánh tư duy) cần phải đến trước.

Thiền sinh: Như vậy tất cả những gì con đã từng được học về thiện pháp và bất thiện pháp đều nằm trong pháp hành cũ trước kia. Nó hơi ngược lại những gì mà thầy dạy, bởi vì theo lời thầy nói thì thiện hay bất thiện chẳng thành vấn đề.

Thiền sư:  Tôi không nói rằng nó chẳng thành vấn đề. Pháp hành là để hiểu rõ đâu là tâm thiện, đâu là tâm bất thiện, để thực sự hiểu thấu được chính bản thân mình. Tâm thiện là tâm của ai? Tâm bất thiện là tâm của ai? Nó có phải là tâm của bạn không? Có suy nghĩ đúng đắn về sự việc là tâm thiện, suy nghĩ không đúng đắn là bất thiện. Bạn phải nhìn vào những điều đó bởi vì bạn muốn thực sự hiểu được chính mình, bởi vì bạn muốn hiểu được pháp tự nhiên như nó đang là. 

Mục đích của việc làm dịu thân tâm, làm định tĩnh trở lại là để giúp bạn có thể quan sát được. Sử dụng suy nghĩ đúng đắn (chánh tư duy), bằng cách tự nhắc mình rằng “nó không phải là mình, đó là bản chất của cảm xúc này” cũng làm dịu thân tâm của mình lại được. Bạn cần phải có được một cái tâm định tĩnh để quan sát. Nếu thấy rằng cách sử dụng chánh tư duy không làm cho tâm định tĩnh trở lại được thì bạn cũng có thể dùng phương pháp cũ của mình (như chú tâm vào một đề mục như hơi thở hay cảm giác chẳng hạn - ND). Nhưng sau đó thì không được quên là phải sử dụng cái tâm định tĩnh đó để mà quan sát. 

Tại sao có một tâm bất thiện sanh lên? Tại sao một tâm thiện khởi sanh? Tâm thiện hay bất thiện này là cái gì?  Tại sao tâm thiện này tăng lên? Tại sao tâm thiện này lại bị yếu đi? Tại sao tâm bất thiện kia lại mạnh lên như thế? Tại sao tâm bất thiện kia lại ngày càng mờ nhạt đi như vậy? Đó là những chỗ bạn cần phải tìm hiểu. 



NHỮNG PHIỀN NÃO GIẤU MẶT


Thiền sinh: Có nhiều lúc con phải đối mặt với những loại phiền não rất sâu và phải mất rất nhiều công sức để tiếp cận nó với thái độ chân chánh. Cứ như là con phải học lại từ đầu ấy thầy ạ.

Thiền sư:  Đúng thế, đó chính là điều bạn cần phải thực hành. Nếu bạn đã có được sự hiểu biết thật sự đầy đủ, bạn sẽ thấy nó không còn là vấn đề nữa. Nhưng rõ ràng là bạn vẫn còn rất nhiều việc để học hỏi.

Thiền sinh: Khi pháp hành tiến bộ và trí tuệ trưởng thành, lúc đó các phiền não giấu mặt sẽ hiện rõ dần lên một cách tự nhiên phải không ạ?

Thiền sư:  Đúng vậy. Bạn cũng có thể nói rằng những gì trong vô thức đang nổi rõ dần lên trên bề mặt hữu thức.

Thiền sinh: Vậy khi con chánh niệm nhận biết được các phiền não đó thì sẽ phải quán chiếu và tìm hiểu chúng như thế nào đây?

Thiền sư:  Tốt nhất là bắt đầu từ (việc áp dụng) hiểu biết rằng: tâm chỉ là tâm. Tự hỏi mình: “Phiền não này là cái gì?”.

Thiền sinh:  Nhưng đâu có dễ để mà thấy được tâm chỉ là tâm!

Thiền sư:   Đó là bởi vì sự hiểu biết hay trí tuệ của bạn còn chưa đầy đủ. Bạn cần phải tự nhắc nhở mình trong suốt cả ngày rằng mỗi hoạt động của tâm thức chỉ là những sinh hoạt của tâm mà thôi. Rồi mỗi khi phiền não xuất hiện, sự hiểu biết này cũng luôn có mặt sẵn cùng ngay ở đó. Khi có hiểu biết rằng tâm chỉ là tâm thì sẽ không thể có sự đồng hoá (chính mình với phiền não đó nữa).

Làm thế nào bạn nhận biết được phiền não? 

Thiền sinh: Do có sự căng thẳng, do một cảm giác hay một suy nghĩ nào đó xuất hiện.

Thiền sư:  Một lần nữa bạn lại phải áp dụng cùng một cách hiểu như vậy. Một cảm xúc chỉ là một cảm xúc, một suy nghĩ chỉ là một suy nghĩ. Chính vì vậy mà trong niệm Pháp, các triền cái lại trở thành các đề mục để quán chiếu; bạn nhìn các triền cái đó chỉ như là một hiện tượng tự nhiên, và nhận ra rằng không có “tôi”, không có người nào trong đó cả.

Thiền sinh: Như vậy chúng sẽ không còn là các triền cái nữa khi được nhìn theo cách này phải không ạ?

Thiền sư:  Đúng như vậy, nhưng chỉ khi nào sự hiểu biết cũng có mặt cùng.

Thiền sinh: Vậy khi mình trải nghiệm một phiền não như là “của tôi”, thì nên làm thế nào? Có nên suy xét rằng đó chỉ là tâm, hay là chuyển sự chú ý về quan sát sự đồng hóa mình với phiền não đang diễn ra như thế nào?

Thiền sư:  Hãy tự nhắc mình rằng một cảm xúc chỉ là một cảm xúc mà thôi, một suy nghĩ chỉ đơn giản là một suy nghĩ, tâm chỉ là tâm. Bạn cũng nên nhận biết sự đồng hoá, nhưng đừng cố làm điều gì với nó cả, chỉ đơn giản nhận biết sự tự đồng hoá (mình với suy nghĩ đó) đang diễn ra như thế nào.

Mặc dù lúc đó sự hiểu biết thực sự rằng đó chỉ là tâm, chỉ là cảm xúc, chỉ là suy nghĩ vẫn chưa thể có, nhưng bạn cần đưa sự hiểu biết đó vào bằng cách áp dụng tri thức. Bởi vì bạn muốn điều chỉnh tâm mình theo cách nhìn đó (nên cần phải áp dụng cách suy nghĩ như vậy). Suy xét cho thật kỹ bạn sẽ hiểu được tại sao tâm chấp nhận được điều đó trên mặt tri thức, và rồi tâm sẽ cố gắng chánh niệm nhìn nhận mọi sự việc theo cách đó. 

Thiền sinh: Vâng, giống như là chuyển sự quan sát, thay đổi chất lượng của sự quan sát. 

Thiền sư:  Đúng vậy. Cái bạn cần phải luôn luôn cố gắng điều chỉnh là chất lượng của sự quan sát. Bất cứ điều gì bạn có thể cảm nhận, bất cứ cái gì bạn đang có trong tay, dù nó là sự hiểu biết về mặt tri thức hay là từ kinh nghiệm thực tế của chính mình, nếu bạn biết sử dụng để nuôi dưỡng tâm quan sát, nó sẽ giúp bạn nhìn nhận mọi việc một cách rõ ràng hơn.

Đó chính là lý do tôi vẫn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin hướng dẫn đúng đắn. Bạn không chỉ cần phải biết mình có tiếp thu được thông tin hướng dẫn đúng hay không, mà còn phải biết mình có thực sự tận dụng được những thông tin đó hay không nữa. Ngay cả khi tâm mình không thực sự hiểu hay không nhìn nhận sự việc được theo cách đó, nhưng việc áp dụng hiểu biết về tri thức như thế cũng làm giảm thiểu được tâm si thường có mặt trong những lúc như thế. Còn nếu ngay cả hiểu biết về tri thức mà cũng không vận dụng được, thì lúc đó chỉ có toàn tâm si thôi. Bạn có thể có chánh niệm, nhưng chỉ mỗi chánh niệm không thôi thì chẳng có sức mạnh gì cả[11]. Đưa trí tuệ vào, bạn sẽ định hướng cho tâm. Một khi tâm đã được định hướng bằng đầu vào như thế, nó sẽ vận dụng trong quá trình thiền tập và đến một thời điểm nào đó, hiểu biết thực sự sẽ sanh khởi.

Thiền sinh: Như vậy chúng ta cần phải luôn luôn quán sát chất lượng cuả tâm quan sát và cả mối quan hệ giữa tâm quan sát và phiền não nữa phải không ạ?

Thiền sư: Đúng thế, nhưng cả hai việc đó đều diễn ra cùng một lúc; một khi bạn biết được chất lượng của tâm quan sát, thì hiểu biết về mối quan hệ giữa tâm quan sát và đề mục cũng đã có sẵn ở đó rồi.

Thiền sinh: Một trong những khó khăn thường trực của con là năng lượng của cơ thể thường không được cân bằng, nó rất hay thay đổi, lên  xuống. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến tâm con.

Thiền sư:  Được rồi, bây giờ hãy nghĩ đến nó như là cặp quan hệ năng lượng-cảm giác. Lúc bạn có rất nhiều phiền não và cũng đang có những cảm giác, tâm cảm nhận nó như thế nào? Lúc khác, khi tâm có rất nhiều trí tuệ, nó sẽ cảm nhận cùng các cảm giác y hệt như vậy ra sao?

Thiền sinh: Nó sẽ cảm nhận rất khác ạ.

Thiền sư:  Như vậy cảm giác trong cả hai trường hợp có thể là giống hệt nhau, nhưng những gì mà tâm bạn đang chấp giữ trong lúc đó sẽ có tác động đến cả chuỗi phản ứng tâm lý tiếp theo. Nếu lúc đó tâm có tham, các cảm giác sẽ được cảm nhận là ưa thích, đáng mong cầu, nếu tâm có sân, nó sẽ cảm nhận là đáng ghét, khó chịu.  

Thiền sinh: Dạ vâng, đó chính là con đấy ạ.

Thiền sư:   Khi tham và sân giảm bớt, thì sự hiểu biết hay trí tuệ mới có thể tăng trưởng được. Các thiền sinh thường hay quên không thấy được cái tâm tham và sân đang có mặt trong tâm mình và nhuộm màu lên tất cả mọi thứ mà tâm đang cảm nhận. Họ cứ chỉ cố mà nhìn mà không nhận ra được rằng tất cả những gì họ thấy đều bị phủ màu bởi tham, sân.

NHỮNG PHIỀN NÃO VI TẾ


Thiền sinh: Khi mình làm những gì mình thích thì đó có phải là bất thiện không?

Thiền sư:  Bất thiện cũng có rất nhiều mức độ khác nhau. Lúc đầu thì chúng ta cần phải nhìn thấy những biểu hiện thô của chúng, cần phải phân biệt cái gì là đúng, cái gì là sai. Nhưng nếu bạn nhìn kỹ hơn và lần theo dấu những bất thiện pháp ấy đến tận ngọn nguồn của nó, thì bạn sẽ thấy rằng nó xuất phát từ một trong những thói quen xấu mà mình đã huân tập bấy lâu nay. Khi pháp hành tiến bộ, bạn sẽ thấy những biểu hiện bất thiện vi tế ấy ngày một dễ dàng hơn, và sẽ thấy rằng tất cả những thằng bé xíu ấy đều là  rắc rối. Cuối cùng thì tất cả bọn chúng, đứa nào cũng đều phình to ra để trở thành những rắc rối lớn đùng cả.

Khi sự hiểu biết trở nên sâu sắc hơn, bạn sẽ thấy rằng ngay cả một suy nghĩ bất thiện nhỏ nhất cũng là nguy hiểm. Khi tâm rất quân bình và bắt đầu nhìn nhận mọi sự việc như nó đang là, thì bạn sẽ nhận ra rằng ngay cả một chút phiền não tí xíu cũng là cả một vấn đề. Nhưng nếu bạn bắt đầu thỏa mãn, tận hưởng trạng thái tâm bình an và trong sáng đó, thì khả năng nhìn thấy sự việc như chúng đang là sẽ bắt đầu phai nhạt dần và bạn sẽ không thể có thêm được những hiểu biết mới nữa. Khi trí tuệ càng tăng trưởng, bạn sẽ càng nhận ra rõ ngay cả một mong muốn có vẻ vô hại nhất cũng là bất thiện, và chính nó đang ngăn che không cho bạn thấy được chân lý.

Thiền sinh: Vâng thưa thầy, thế nhưng nếu con muốn ăn những thứ mình thích thì sao? Con thích sô-cô-la, và điều đó chẳng có gì là xấu cả!

Thiền sư:  Vấn đề không phải là ăn hay không ăn một thứ đồ ăn nhất định nào đó. Mà vấn đề là ở chỗ bạn phải biết quan sát tâm của mình. Bạn có thể họ̣c cách ăn mà không cần phải tham. Bạn có thể chuyển đổi thái độ của mình để làm sao bạn ăn không phải vì thích, vì tham mà chỉ bởi vì đó là đồ để ăn[12]. Lựa chọn đồ ăn cho thích hợp với mình và để giữ cho thân thể được mạnh khoẻ chứ không phải vì tâm tham thúc đẩy. Bạn cần phải hay biết về cái thích và không thích của mình, và đừng bao giờ lựa chọn ăn hay không ăn cái gì chỉ vì mỗi điều đó.

Tự hỏi tại sao mình lại cứ thích hay không thích một món ăn nhất định nào đó, và phải tìm ra lợi ích thực tế tại sao mình nên ăn hay không nên ăn món đó. Tìm hiểu xem loại đồ ăn nào là thích hợp nhất đối với mình. Trong một số hoàn cảnh nhất định, đôi khi bạn có thể quyết định ăn một món ăn nào đó mà mình cũng không thực sự thích hay cũng không phải vì lợi ích sức khỏe, mà chỉ vì muốn làm vui lòng chủ nhà. Luôn luôn chắc chắn một điều rằng bạn chọn lựa không phải vì mình thích hay không thích mà chỉ bởi vì cân nhắc đến những lợi ích thực tế của nó. Hãy kiểm tra lại thái độ của mình khi bạn chọn lựa. Đừng để phiền não chọn giùm cho bạn, hãy lựa chọn bằng trí tuệ. 

***     *****     ***

Thiền sinh: Bạch thầy, thầy vẫn dạy chúng con phải chấp nhận mọi thứ như chúng đang là, để mà có thể nhìn nhận được mọi sự việc như chúng đang là. Xin thầy giảng thêm làm cách nào để có thể thực sự làm được điều đó.

Thiền sư:  Chúng ta cần nhìn vào mọi sự việc một cách thật đơn giản và chân thực. Trong cái nhìn đó, không nên áp đặt bất cứ một quan điểm  hay một ý tưởng nào rằng những điều mình thấy hay kinh nghiệm được cần phải được nhìn nhận theo cách này hay cách kia.

Chúng ta cần phải chú ý xem xét thật kỹ cách mình quan sát sự việc hoặc đề mục đó như thế nào. Ngay cả một sự mong đợi hay bất an vi tế nhất cũng sẽ làm bóp méo và xuyên tạc toàn bộ sự việc. 


PHIỀN NÃO ĐANG THIÊU ĐỐT

 Thiền sinh: Thời gian gần đây con đã có thể quan sát được tâm ngã mạn một cách sát sao hơn. Mỗi khi hay biết được cái tâm ngã mạn đó đang hiện diện trong mình, con lại cảm thấy một cảm giác rất chán ghét, và tâm khởi lên một suy nghĩ rằng “như thế này thật là lãng phí thời gian và sức lực vô ích”. Sau đó sự ngã mạn biến mất, nhưng lần sau có dịp nó lại vẫn cứ khởi lên tiếp. Xin thầy giảng giải thêm cho con về tiến trình tâm đó ạ?

Thiền sư:  Tâm chỉ có thể hoàn toàn buông bỏ được phiền não khi trí tuệ đã thấu hiểu được nó một cách hoàn toàn đầy đủ. Khi bạn cứ phải đối mặt lại nhiều lần với cùng một loại phiền não đó, thì điều đó chứng tỏ bạn chưa có đủ trí tuệ và cần phải tiếp tục học hỏi hơn nữa từ chính những hoàn cảnh mà nó đang thể hiện ra như vậy. 

Thiền sinh: Thưa thầy, thấu hiểu một cách hoàn toàn đầy đủ nghĩa là như thế nào ạ?

Thiền sư:   Bạn không thể nào ngăn chặn được phiền não. Nhưng bạn có thể thay đổi cách nhìn của mình, cải thiện quan hệ với phiền não. Một khi bạn đã làm được điều đó, thì phiền não sẽ không còn sức mạnh để hoàn toàn áp đảo bạn được nữa – nhưng nó sẽ vẫn còn tiếp tục khởi lên. Tất cả những gì mà chúng ta có thể làm được là làm việc với phiền não và học hỏi từ chính nó. Sự hiểu biết hoàn toàn và đoạn trừ hoàn toàn chỉ có thể xảy ra khi chúng ta đạt tới giác ngộ. 

Thiền sinh: Có một loại phiền não cứ thường nổi lên trong tâm con rất nhiều lần, nó có liên quan đến một kỷ niệm cũ trong quá khứ, một sự việc đã xảy ra từ lâu trước kia, và con vẫn cứ bị nó lôi đi hoài. Mỗi lần chánh niệm hay biết được tiến trình tâm ấy, con có thể thấy rất rõ sự đau khổ trong đó, nhưng vẫn không thể hiểu được tại sao chuyện cũ đó cứ trở đi trở lại hoài như vậy.  

Thiền sư:  Cái gì làm nó khởi lên mãi như vậy?

Thiền sinh:  Một ký ức cũ ngày xưa.

Thiền sư:  Bạn có chánh kiến (thái độ chân chánh) đối với ký ức ấy không?

Thiền sinh: Dạ, có lúc con bị nó cuốn trôi đi mất, có lúc thì con thấy được rằng nó chỉ là ký ức mà thôi.

Thiền sư:  Bạn cần phải tiếp tục thực hành thái độ chân chánh (xem lại phần “Thế nào là thái độ chân chánh khi hành thiền”, trang 141, cuốn  Đừng coi thường phiền não, tác giả Thiền sư Sayadaw U Tejaniya), và phải thấy cho rõ những thái độ sai của mình trong đó. Đề mục chánh niệm của bạn phải là TÂM, chứ không phải là câu chuyện cũ trong đầu bạn lúc đó. Bạn cần phải nuôi dưỡng niềm say mê và sự hứng thú trong việc quan sát trạng thái tâm của chính mình.   

Thiền sinh: Con có cảm giác rằng phiền não bây giờ đang thiêu đốt bản thân con còn dữ dội hơn khi sự việc đó xảy ra nhiều năm trước kia nữa. Tại sao lại như thế?

Thiền sư:  Bởi vì bây giờ bạn nhìn thẳng vào phiền não và chấp nhận chúng như chúng thực sự đang là. Trước kia bạn thực hành thiền chỉ (samatha) để đè nén chúng. Khi có định lực tốt, bạn sẽ dễ dàng chịu đựng được mọi thứ. Nhưng chỉ khi nào tâm hiểu được ra phiền não đang thiêu đốt mình đau đớn khổ sở như thế nào, thì lúc đó bạn mới thực sự khởi lên ước muốn đoạn trừ, tống khứ nó đi.  

Thiền sinh:  Dạ, đúng đấy ạ. Con cảm thấy điều đó đang diễn ra. 

Thiền sư:   Chúng ta cần phải nhìn vào phiền não thực sự đúng như nó đang thể hiện. Nó đang mang đến cho mình bao nhiêu đớn đau khổ não như thế nào? Nó đang tra tấn, hành hạ mình ra sao?

Thiền sinh: Hình như nỗi khổ đó đang ngày càng lớn lên hay sao ấy thầy ạ.

Thiền sư:  Tốt, điều đó có nghĩa là bạn sẽ không bị dính mắc vào chúng nữa và sẽ học hỏi được nhanh hơn. 


THẤU HIỂU VÔ THƯỜNG


Thiền sinh: Làm thế nào để học cách nhìn thấy vô thường, bạch thầy?

Thiền sư:  Bạn không phải đi tìm kiếm vô thường. Khi trí tuệ tăng trưởng, nó sẽ hiểu ra được rằng tất cả mọi thứ trên đời đều mang bản chất vô thường này. Nhiệm vụ của bạn chỉ là giữ chánh niệm, cố gắng chánh niệm càng liên tục càng tốt. Khi chánh niệm trở nên liên tục và mạnh mẽ, trí tuệ sẽ bắt đầu thấu hiểu ra được bản chất của vạn pháp. Đừng cố mà hiểu những thứ đó vội, hãy chỉ cần cố gắng chánh niệm với thái độ chân chánh là đủ. 

Thiền sinh: Vậy thì con chỉ cần chờ đợi cho đến khi trí tuệ đến hay sao?

Thiền sư:  Đúng vậy, nhiệm vụ của bạn là làm cho tâm mình trở nên mạnh mẽ hơn. Giống như khi nhìn, nếu mắt bạn không tốt, thì dù có cố căng mắt ra mà nhìn đến đâu chăng nữa bạn cũng chỉ phí công vô ích mà thôi. Chỉ khi vớ lấy cặp kính mà đeo vào, bạn mới nhìn rõ được mọi thứ. Những cái bạn cần nhìn, nó đã có sẵn ở đó rồi, song bạn cần phải nhìn bằng đôi kính trí tuệ chứ không phải bằnh cặp kính màu. Nếu nhìn đời qua đôi kính màu hồng, mọi thứ cũng toàn một màu  hồng; nhìn bằng cặp kính màu xanh, vạn sự sẽ toàn màu xanh. Vì vậy điều quan trọng là tâm quan sát, hay tâm thiền, phải nhìn thấy đúng bản chất của mọi sự. Chỉ khi không bị nhiễm tham, sân thì nó mới có thể nhìn thấy được vạn pháp như chúng đang là. Nếu bạn chỉ muốn nhìn sao cho thấy được vô thường, thì có nghĩa là bạn cũng đang đeo một cặp kính màu rồi đó. Bởi vì có cái muốn đó mà bạn sẽ không thể nhìn thấy được mọi sự việc như chúng đang là; bạn sẽ không thể thấy và sẽ không thể hiểu được thế nào là vô thường.


CHÁNH NIỆM KHÔNG CẦN GẮNG SỨC VỚI VÔ THƯỜNG


Thiền sinh: Thầy nói rằng chúng ta có thể chánh niệm được trên rất nhiều đề mục mà không cần phải gắng sức. Con vẫn không hiểu làm thế nào mà có thể làm được như vậy.                                              

Thiền sư:  Khi chánh niệm của bạn ngày càng liên tục hơn, bạn sẽ nhận ra rằng có rất nhiều tâm, cũng như rất nhiều đề mục khác nhau. Sau một thời gian bạn sẽ nhận ra tiếp rằng đó chỉ là quy luật tự nhiên đang vận hành, rằng nó chẳng có gì liên quan, dính dáng đến “bạn” cả, nó chỉ là các tiến trình thân tâm đang diễn tiến mà thôi. Chừng nào mà chúng ta còn chưa thấu hiểu được ra rằng thân và tâm chỉ là các hiện tượng tự nhiên, chúng ta vẫn cứ tin rằng có một cái “tôi” nào đó đang quan sát. 

Bạn chỉ có thể nhìn thấy một vật nào đó khi phải cố ý nhìn cho thấy, hay là đơn giản chỉ vì mình nhìn thấy nó ở trước mắt thôi? Nếu cứ phải cố tình nhìn thì mới thấy, chứng tỏ lúc đó có tâm tham đang hoạt động và đó cũng là tà kiến.

Cái thực sự đang diễn ra lúc đó là: bởi vì có cái nhìn đang diễn ra một cách tự nhiên nên bạn có khả năng nhìn thấy được sự vật. Cái hiểu biết này chính là trí tuệ. Một người mù sẽ không thể nhìn thấy được gì, và vì vậy anh ta cũng chẳng buồn phải cố nhìn cho thấy. Cứ nghĩ rằng “mình” phải chú tâm nhìn thì mới nhìn thấy được, thì khi đó động cơ của cái nhìn đó là tham, và chúng ta sẽ không thể hiểu ra được tiến trình này. 

Cùng một nguyên tắc như vậy cũng được áp dụng khi nhìn tướng vô thường, khi quan sát sự sanh diệt. Có phải nó chỉ diệt bởi vì chúng ta nhìn nó hay không?

Thiền sinh: Không ạ.

Thiền sư:  Nếu cái gì đó chỉ diệt đi bởi vì chúng ta nhìn vào nó, thì điều đó không thể là sự thể hiện thực sự của vô thường. Nó cũng có thể làm cho bạn vui sướng và khởi tâm ngã mạn: “A, giờ thì tôi đã nhìn thấy được vô thường, tôi làm cho nó biến mất được”. Thực tế thì khác như vậy nhiều lắm. Tự nhiên vốn nó là vô thường; vô thường là một đặc tính không thể tách rời của tất cả các hiện tượng tự nhiên. Chỉ một cái tâm đã thực sự phát triển (về mặt tâm linh) mới thực sự thấu hiểu được rằng tất cả mọi thứ trên đời này đều là vô thường. Khi đã hiểu được vô thường, bạn cũng sẽ hiểu được thế nào là khổ và vô ngã.

Tôi thường nghe các thiền sinh trình pháp trong các khóa thiền tích cực rằng họ đã thấy được sanh diệt. Nhưng khi họ trở về nhà mình thì chẳng còn thấy sanh diệt đâu nữa. Về nhà, bỗng nhiên mọi thứ đều trở thành rất “thường” cả. Hiểu biết thực sự về sanh diệt khác thế nhiều lắm! Nó là một cái hiểu vô cùng sâu sắc rằng tất cả vạn pháp đều diệt, đều đi đến kết thúc.

Vô thường chỉ hiển lộ ra khi chiếc lá kia rời cành, hay nó vẫn luôn là vô thường ngay cả khi chiếc lá ấy còn đậu trên cây?


TU TẬP CHÁNH KIẾN


Thiền sinh: Giờ đây con có thể thấy ra được những tà kiến của mình một cách thường xuyên hơn, nhưng vẫn cần phải cố gắng để đưa chánh kiến (cách nhìn, cách suy nghĩ đúng đắn theo chân lý) vào. Tại sao chánh kiến lại không thể đến với mình một cách tự động được, bạch thầy?

Thiền sư:  Có nhiều tầng mức chánh kiến nông sâu khác nhau. Lúc đầu, khi chúng ta còn chưa thực sự hiểu được thế nào là chánh kiến, thì nó chỉ là những kiến thức vay mượn. Nghĩa là chúng ta cần đưa vào áp dụng những thông tin (kiến thức) thích hợp qua con đường tri thức để giúp mình trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó. Sau một thời gian dài làm đi làm lại việc này, tâm sẽ ghi nhớ chánh kiến được ngày càng nhiều hơn và dễ dàng hơn, cuối cùng nó sẽ hiểu được sự thật về chánh kiến. Một khi tâm đã hiểu rõ được sự thật của chánh kiến, nó sẽ trở thành trí tuệ của chính bạn. Khi đó bạn sẽ không còn phải cố nhớ lại chánh kiến (để áp dụng qua con đường tri thức) nữa, tâm sẽ tự động thấy ra được mọi việc bằng chánh kiến. 


 VÔ MINH NGHĨA LÀ THIẾU TRÍ TUỆ

 Thiền sinh: Bạch thầy, theo con hiểu thì vô minh hay tâm si (moha) luôn luôn có mặt, dường như nó bao trùm lên tất cả. Mặt khác, con vẫn còn phân vân rằng nếu vậy thì làm thế nào một cái tâm đầy vô minh, si mê như thế lại có thể nhận biết được chính tâm si cơ chứ?

Thiền sư:  Chỉ khi nào tuệ giác sanh khởi thì mới hiểu được tâm si, bởi vì tuệ giác là đối lập với tâm si. Trí tuệ hiểu được những đặc tướng tự nhiên của đối tượng quan sát. Tâm si che mờ những đặc tướng tự nhiên này của đối tượng quan sát, song không che mờ đối tượng. Tưởng nhận biết đối tượng, còn tâm si bóp méo và xuyên tạc cái tưởng đó.

Thiền sinh: Có thể đó chính là loại tâm si con đang có, nó như là bức màn ngăn cách giữa bản thân con và thực tại, có thể nói như thế.

Thiền sư:  Đúng vậy. Chính vì thế mà bạn nói nó bao trùm lên tất cả. Trong khoảnh khắc tuệ giác hé mở, tấm màn ấy bất ngờ rơi xuống – chỉ trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi. Vì vậy, nếu không cố gắng tinh tấn hết sức mình để có được càng nhiều tuệ giác, thì tâm si sẽ luôn luôn bao phủ lên tất cả trong mọi lúc.

Thiền sinh: Xin thầy định nghĩa cho chúng con thế nào là tâm si ạ?

Thiền sư:  Tâm si không có nghĩa là hoàn toàn ngu dốt. Tâm si là không hiểu biết về sự thật của các pháp, về sự thật của những gì đang hiện hữu. Nó là sự thiếu trí tuệ. 

Thiền sinh: Tại sao tâm si lại mạnh kinh khủng đến thế, còn trí tuệ lại quá ít ỏi dường vậy?

Thiền sư: Bởi vì tâm si luôn muốn kiềm giữ mình mãi mãi si mê, và bởi vì chúng ta đã “rèn luyện” và huân tập nó trong vô số kiếp rồi. 

 KINH NGHIỆM TÂM TỪ, TÂM BI

Thiền sinh: Đôi khi có người hỏi con có nhớ gia đình không. Con không nhớ họ và cũng chẳng biết tại sao lại thế nữa. Con cũng có một cuộc sống gia đình bình thường như những người khác; cuộc sống cũng không có nhiều vấn đề phức tạp hay mâu thuẫn gì lớn cả. Vì vậy câu hỏi của con ở đây là: khi thực hành như thế này, cùng với thời gian thì sự khao khát tình cảm yêu thương, sự thương nhớ gia đình hay tất cả những tình cảm yêu thương khác cũng mất dần đi có phải không ạ?

Thiền sư:  Đúng, có thể sẽ là như thế, nhưng không phải vì thực hành pháp mà bởi vì bạn đã bắt đầu có trí tuệ, có sự hiểu biết. Khi phiền não đã giảm dần, bạn vẫn có thể yêu thương mọi người, yêu thương cha mẹ, gia đình hay bạn bè mình, mà thực ra còn biết cách yêu thương họ tốt hơn xưa. Nhưng sự dính mắc sẽ không còn nữa, và vì vậy các tình cảm cao thượng như tâm từ, tâm bi sẽ lớn mạnh một cách tự nhiên. Nói cách khác, phiền não sẽ giảm bớt và thiện tâm sẽ tăng trưởng.

Thiền sinh: Con cảm thấy như là trước kia là tình thương có điều kiện, còn bây giờ thì đó là tình thương vô điều kiện.

Thiền sư: Đúng, đúng như thế đấy. Khi trong mình có tình thương vô điều kiện, mình chỉ cho ra chứ không mong đợi người ta đền đáp lại điều gì.

***     *****     ***

Thiền sinh: Một số tông phái Phật giáo khác thường nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải hiểu được mối quan hệ giữa chánh niệm và từ bi. Xin thầy giảng cho con về mối quan hệ đó khi chúng ta ở trong chánh niệm.

Thiền sư:  Khi không còn tâm sân, chúng ta mới có thể thực hành tâm từ. Đó là là một sự phát triển tự nhiên. Tất cả tứ vô lượng tâm (hay bốn Phạm trú: từ-bi-hỷ-xả) chỉ có thể tu tập được khi tâm đã sạch bóng sân hận, não phiền. Khi tâm đã không còn sân hận, khi chánh niệm và trí tuệ đều có mặt, thì đối tượng chúng ta hướng tâm đến sẽ làm khởi động lên một trong tứ vô lượng tâm đó. Đối với một đối tượng “ngang bằng”, tức là một người có cùng hoàn cảnh như mình, thì nó sẽ làm khởi lên tâm từ; tâm bi khởi lên khi thấy có người đang đau khổ hơn mình; tâm hỷ đối với những người may mắn hơn mình; và tâm xả khi chúng ta phải đối diện với những hoàn cảnh mà mình chẳng thể làm được gì hơn nữa cả.

Điều hết sức quan trọng cần phải hiểu là khi tâm quan sát của chúng ta bị nhiễm phiền não thì bất cứ hành động nào chúng ta làm cũng đều là không khéo léo, không thiện xảo. Trí tuệ chỉ có thể sanh khởi lên khi tâm quan sát không còn bị nhiễm phiền não và chính điều này sẽ giúp chúng ta giao tiếp tốt đẹp với người khác. Chính vì vậy mà tôi ưa thích con đường trí tuệ hơn việc tu tập tứ vô lượng tâm. Trước kia tôi đã từng thực hành thiền tâm từ rất nhiều, nhưng mà dù tôi có thực hành tích cực đến bao nhiêu chăng nữa, tâm tôi vẫn còn sân, tôi vẫn là một con người hay cáu giận và cơn giận vẫn vượt ra khỏi tầm kiểm soát cuả tôi.

Đến nay, tôi đã có được nhiều hiểu biết sâu sắc trong khi quan sát tâm sân đó và chính điều đó đã giúp tôi làm việc với nó một cách khéo léo hơn. Tôi vẫn còn sân, nhưng trí tuệ luôn luôn ngăn chặn cơn sân không cho nó vượt quá ngưỡng. 


CÓ NGHI HAY KHÔNG NGHI

 Thiền sinh: Bạch thầy, làm thế nào để phân biệt nghi trong trường hợp nó là một triền cái (một pháp chướng ngại hay ngăn che trong thiền) và nghi có ích, tức là cái nghi giúp mình tìm hiểu để hiểu thấu được sự việc một cách rõ ràng?

Thiền sư:   Nếu cái nghi đó là triền cái, nó sẽ làm tâm bạn càng thêm rối rắm và càng thêm trạo cử, bất an; nó làm bạn cảm thấy ngày càng không thoải mái. Cái nghi có ích là cái nghi khiến cho tâm bạn thêm sự tò mò, muốn tìm hiểu; nó đặt tâm vào trạng thái luôn đi tìm hiểu, khám phá. Cá nhân tôi thì không muốn gọi đó là nghi; nó giống như một cảm giác thích phiêu lưu hơn là nghi hoặc: mình không biết, không chắc chắn về sự việc và vì vậy mình muốn tìm hiểu cho ra vấn đề.


THIỀN CHỈ HAY THIỀN QUÁN


Thiền sinh: Một phần trong tâm con vẫn còn chấp giữ vào suy nghĩ rằng mình cần phải tu tập để có được một sự tập trung cao độ. Con có cảm giác xung đột trong tâm về vấn đề đó bởi vì tất cả những gì con được nghe giảng trước kia là phải có sự tĩnh lặng và định lực vững chắc thì tuệ giác mới có thể khởi sanh. Chính điều đó làm cho con cảm thấy nghi ngờ về phương pháp thiền ở đây, nó gây con cảm giác khúc mắc trong vấn đề này. 

Thiền sư:  Để đạt được mức tập trung cao độ cần thiết trong thiền chỉ (samatha), bạn phải tập trung tâm vào một đề mục duy nhất. Định của thiền quán (vipassana) không cần phụ thuộc vào một đề mục để đạt được sự ổn định nội tâm. Định của thiền quán đến từ chánh kiến, từ thái độ chân chánh và chánh tư duy, những chi phần đó cùng với chánh niệm liên tục sẽ đem đến cho tâm sự ổn định nội tại. Loại định tâm này được gọi là chánh định (sammᾱ-samᾱdhi). 

Thiền sinh: Vậy tại sao trong kinh Đức Phật dạy các tỳ kheo hãy đi đến khu rừng vắng và thực hành thiền chỉ (jhᾱna)?

Thiền sư:  Ngài không dạy như vậy cho tất cả mọi người. Ngài thường khuyến khích những người đã từng thực hành thiền chỉ nhiều năm hay nhiều đời nhiều kiếp trước đó – do đó đã tích luỹ được một căn cơ hay xu hướng tâm thiên về thiền chỉ – tiếp tục đi sâu hơn vào con đường đó mà thôi. Những đệ tử trội về trí tuệ, chánh niệm, tinh tấn hoặc đức tin thì đều được Ngài hướng dẫn thực hành những pháp hành thích hợp với căn cơ của từng người.

Khi tâm trạo cử và bất an thì tất nhiên bạn cũng có thể thực hành thiền chỉ cho đến khi nó bình ổn trở lại. Nhất là đối với những thiền sinh mới, nhiều lúc họ thường phải sử dụng đến pháp hành này. Đơn giản nó chỉ là một phương tiện hữu ích để giúp chúng ta trên con đường tu tập mà thôi. Nếu khéo tu, bạn có thể sử dụng được bất cứ phương tiện nào để giúp mình tiến đến mục đích cuối cùng là hiểu biết được bản chất của tất cả các pháp.

***     *****     ***

Thiền sinh: Bạch thầy, con thường được nghe thầy nói về định của thiền quán (thiền vipassana), nhưng thực sự con vẫn chưa hiểu lắm. Chính xác thì định của thiền vipassanᾱ là gì và làm thế nào để phát triển được loại định đó?

Thiền sư:  Định của thiền chỉ đạt được bằng cách tập trung tâm liên tục trên một đề mục duy nhất. Thực hành như vậy, bạn sẽ xây dựng được một sức tập trung mà bạn cảm tưởng mạnh và hơi nặng nề, hơi cứng. Để phát triển định của thiền quán (vipassana), bạn cần phải có trí tuệ. Nó có thể là thông tin hướng dẫn đúng đắn và/hoặc là những gì bạn hiểu biết được bằng kinh nghiệm cá nhân hay qua quá trình tự quán chiếu. Bởi có trí tuệ như thế, nên tâm bạn sẽ không bám giữ hay xua đuổi bất cứ điều gì. Bởi có trí tuệ, nên tâm bạn cảm thấy ổn định và không còn phản ứng nữa. Đó chính là định của thiền quán (vipassanā samādhi) và chỉ khi có được loại định này tuệ giác mới có thể sanh khởi. 

Điều tuyệt đối quan trọng là chúng ta phải thực hành thiền với thông tin hướng dẫn đúng đắn (sutamayā paññā- văn tuệ), những thông tin này sẽ làm việc ở đằng sau tâm trong quá trình thực hành. Điều quan trọng nữa là chúng ta phải biết cách sử dụng trí tuệ sẵn có của riêng bản thân mình (cintāmayā paññā – tư tuệ). Chúng ta cần phải sử dụng cả hai loại trí tuệ này để đạt được tới tuệ giác (bhāvanāmayā paññā – tu tuệ), loại trí tuệ thứ ba. Nếu hai loại tuệ đầu không được phát triển đầy đủ thì loại tuệ thứ ba này cũng không thể khởi sanh được. 

Nếu chúng ta chú tâm quá mạnh vào một đối tượng, tâm không thể suy nghĩ nhiều được nữa, niệm căn cũng yếu. Điều sẽ phải xảy ra là tâm không nghĩ đến những bất thiện pháp, song cũng không thể tư duy đến thiện pháp và vì vậy trí tuệ cũng trở nên yếu ớt, cùn lụt. Chính vì lý do đó mà mỗi khi chúng ta sử dụng đến định của thiền chỉ, thì tuệ giác không thể khởi sanh lên được. Nếu muốn phát triển tuệ giác thì nhất định chúng ta phải thực hành định cuả thiền vipassanā.

Để phát triển định cuả thiền vipassanā, chúng ta cần phải có thái độ chân chánh và chánh niệm liên tục. Không có thái độ chân chánh, chúng ta sẽ không thể có được định tâm và tâm sẽ luôn bị rơi vào trạng thái lao xao, trạo cử. Thái độ không chân chánh nghĩa là chúng ta luôn nắm giữ cái thích hay không thích trong tâm, chính điều đó làm cho tâm không được ổn định. Định (samādhi) nghĩa là một nội tâm ổn định và bình ổn. Chánh tinh tấn (sự cố gắng một cách đúng đắn) không có nghĩa là hùng hục cố sức làm, mà là sự thực hành một cách kiên trì và bền bỉ liên tục. 

Thiền vipassanā là một pháp hành mà bạn cần phải làm liên tục trong suốt cả cuộc đời còn lại cuả mình. Bạn không thể ngừng lại và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu bạn dùng quá nhiều sức thì sẽ không thể tiếp tục thực hành như vậy suốt được. Bạn cần phải luôn luôn ghi nhớ rằng đây là một công việc dài hạn, nhiều năm tháng, cần phải làm một cách đều đặn liên tục. Chỉ cần làm theo khả năng mình có thể làm được, nhưng phải làm đều đặn và không bao giờ được bỏ dở. 

Nếu cố gắng quá sức, chúng ta sẽ không thể duy trì thực hành như vậy được, và dù cho chúng ta có tham dự bao nhiêu khóa thiền tích cực năm này qua tháng khác chăng nữa, chúng ta cũng sẽ chẳng thể thu được chút xíu tuệ giác nào cả đâu. Một công việc nào đó được làm liên tục trong cả một thời gian dài, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều về nó và sẽ dễ dàng nắm vững, còn chỉ làm qua loa năm thì mười hoạ, chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt tới được trình độ cao thật sự cả.

Thiền vipassanā là một quá trình học hỏi. Để thực sự hiểu biết được vấn đề gì, chúng ta phải tìm hiểu nó trong cả một thời gian dài. Nếu chỉ nhìn trong một thời gian ngắn ngủi, những hiểu biết sâu sắc sẽ không thể khởi sanh lên được; sự hiểu biết của chúng ta vẫn sẽ chỉ là hời hợt ở bên ngoài mà thôi. Chính vì đây là một công việc dài hạn nên chúng ta phải học cách làm nó một cách kiên trì, bền bỉ. Chánh tinh tấn được gọi là “chánh” bởi vì nó có rất nhiều trí tuệ trong đó.


TÂM HAY BIẾT


Thiền sinh: Khi chúng ta không có chánh niệm thì tâm vẫn luôn hay biết. Xin thầy giảng thêm về cái tâm hay biết đó – cái tâm luôn có mặt ngay cả khi chúng ta không có chánh niệm?

Thiền sư:   Đó là một tiến trình tự nhiên, đó là công việc của tâm. Trong ngôn ngữ hiện đại, cái tâm đó gọi là vô thức, nhưng trong pháp hành thì đó chỉ là một tiến trình tâm mà chúng ta có thể hoặc không thể nhận biết được mà thôi. Tiến trình đó luôn luôn diễn ra trong mọi lúc – chỉ có điều chúng ta có ý thức được hay không thôi.

Thiền sinh: Nhưng chắc là phần tâm vô thức đó vẫn lớn hơn phần hữu thức chứ ạ.

Thiền sư:  Đúng vậy, tâm đó mạnh hơn.

Thiền sinh:  Nó có phải luôn luôn là như vậy? Cái chúng ta gọi là vô thức có luôn mạnh hơn và lớn hơn phần hữu thức không?

Thiền sư:  Nó mạnh hơn theo nghĩa đó là một tiến trình tự nhiên, tự động và luôn trôi trảy, luôn luôn vận động. Hãy lấy cái đau làm ví dụ. Tâm phản ứng với cái đau, nó rất miễn cưỡng khi phải chịu đựng cái đau đó. Trong lúc ngồi thiền, chúng ta cố gắng một cách có ý thức để chịu đựng cảm thọ khó chịu do cơn đau mang lại, mặc dù phần vô thức chẳng muốn thế tý nào. Nếu phần vô thức quá mạnh, nó sẽ xảy ra xung đột với phần tâm hữu thức. Thiền sinh sẽ bắt đầu cựa quậy, uốn éo một cách tức cười trên chiếu thiền; thân mình lắc lư qua lại hoặc chân bắt đầu rung lên rần rần... Điều này xảy ra bởi vì phần tâm vô thức đã bắt đầu chiếm quyền kiểm soát và làm thân mình chuyển động để giảm bớt cái đau. Thiền sinh chỉ hay biết được mỗi phần tâm hữu thức đang cố gắng ngồi yên và chịu đựng cơn đau. Họ thường không ý thức được là thân mình đang rung, đang lắc lư, hoặc nói rằng đó là cái thân tự chuyển động như vậy đấy chứ. Họ không hiểu được tâm mình đang hoạt động như thế nào.

Thiền sinh: Bạch thầy, thế khi tâm hữu thức không có chánh niệm thì phần vô thức có ghi lại sự việc trong bộ nhớ không, và chúng ta có thể nhớ lại bằng hữu thức những gì trước đó mình không có chánh niệm, không hay biết được không ạ?

Thiền sư:   Có, điều đó có thể xảy ra. Một số thiền sinh có kinh nghiệm trình pháp rằng bỗng nhiên họ chợt nhớ lại được rất nhiều sự việc trong quá khứ, có những việc xảy ra từ khi họ còn mới chập chững biết đi. Họ nói rằng những ký ức như vậy họ chưa bao giờ được thấy trước đây. 

Thiền sinh: Bản thân con cũng nhớ lại được những ký ức từ hồi còn bé tý như vậy. Đó là những kỷ niệm không vui và vì vậy nó gợi lại những cảm giác buồn đau trong con. Nhưng con cũng không chắc chắn những ký ức này có thật hay không. Con cứ tự hỏi mình rằng không biết có phải đó là những việc có thật đã từng xảy ra trước kia hay đó chỉ là do tâm mình tưởng tượng ra mà thôi. Trong việc này con cũng không tin vào chính bản thân mình nữa. Một phần thì con băn khoăn không biết có cần phải nhớ lại như vậy không, phần khác thì con lại cũng muốn biết xem nó như thế nào. Xin thầy giảng thêm cho con được không ạ.

Thiền sư:  Thực ra, ký ức hay những dòng suy nghĩ như vậy có thật hay không cũng không phải là điều thực sự quan trọng. Bạn hành thiền là để hiểu được cách thức hoạt động của tâm mình. Chúng ta không bao giờ có thể biết chắc chắn về những dòng suy nghĩ đó, nhưng chúng ta luôn có thể thấy và hiểu được những nguyên tắc hoạt động của tâm mình. 

Nhiều thiền sinh đã rất khổ sở, vật vã khi những ký ức cũ nổi lên như vậy trong lúc họ hành thiền. Thời tuổi trẻ chúng ta ai cũng đầy rẫy si mê, đắm mình trong những việc làm xấu xa, tệ hại, khi những ký ức cũ ấy trỗi dậy, chúng hay làm cho con tim ta đau đớn khôn nguôi. Khi tiến bộ hơn trong pháp hành, rất nhiều những ký ức cũ dồn nén trong tâm sẽ nổi lên trên bề mặt hữu thức và chúng ta sẽ phải học cách cho chúng trồi lên như vậy và làm việc với chúng. 

Nếu không “dọn dẹp” sạch sẽ như vậy, nếu không thực lòng nhìn vào những điều hối tiếc hay bất cứ thứ rác rưởi khó chịu nào từ quá khứ mà tâm mình đưa tặng lại, bạn sẽ rất khó có thể tiến bộ được tý nào trên con đường tu tập. Chúng ta phải học những bài học giác ngộ của chính mình. Tu tập không bao giờ có đường tắt. Nếu chúng ta không chịu học những bài học giác ngộ của chính mình khi duyên đưa chúng đến, chúng sẽ còn đến hoài, đến mãi cho đến khi chúng ta buộc phải lưu tâm đến chúng và học cho xong bài học ấy. Chúng ta phải ra công cày cuốc mới mong gặt hái được sự hiểu biết và trí tuệ; tuệ giác không phải tự nhiên mà đến, chẳng phải của biếu không, từ trên trời rơi xuống bao giờ cả đâu. 

***     *****     ***

Thiền sinh: Thầy giảng nhiều về chánh niệm như là cái tâm đang làm việc, còn thức (viññāna) là cái tâm đang hay biết. Thầy cũng từng giảng rất nhiều về tâm làm việc. Còn tâm hay biết, xin thầy giảng thêm đôi chút về chức năng hoạt động của tâm hay biết đó.

Thiền sư:  Thức (viññāna) hay là tâm thức là cái tâm sanh khởi cùng với đối tượng hay biết (của tâm). Trong thực tế pháp hành, bạn chỉ có thể chánh niệm hay biết về nó, chứ không thể sử dụng được nó, bởi vì nó luôn diễn ra một cách tự động cùng với mỗi sự tiếp xúc (của 6 giác quan với cảnh). Chúng ta có thể biết được những gì đang diễn ra là nhờ vào tâm làm việc – cái mà tôi thường gọi là tâm quan sát – đang có mặt. Nhưng cũng nên nhớ rằng các uẩn (khandas)[1] khác cũng tham gia hoạt động cùng với thức; chúng luôn luôn làm việc đồng thời với nhau.

Thiền sinh: Vậy có thể có lợi ích nếu đôi lúc chúng ta biết quay lại với thức (viññāna)-hay tâm hay biết- chứ ạ? Nếu làm được như vậy thì có thể gọi là chánh niệm về tâm hay biết được không? 

Thiền sư:  Đúng vậy. Bạn có thể lấy chính tâm hay biết đó làm đối tượng để quan sát và tìm hiểu. Chúng ta cần phải tìm hiểu chức năng hoạt động của tất cả 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Thức hoạt động như thế nào? Thọ vận hành ra sao? Tưởng làm việc như thế nào? Các hành diễn tiến ra sao?

Thức (hay sự hay biết) thì có thể nói là tương đối ngu ngơ – nó không có trí tuệ trong đó; nó chỉ làm mỗi một việc duy nhất là đơn thuần hay biết. Thọ cũng vậy; nó chỉ làm mỗi chức năng cảm thọ. Tưởng chỉ nhận biết sự vật hay sự việc. Tại sao bạn nhớ được những người mà thậm chí mình chỉ gặp có một lần trước kia?

Thiền sinh:  Bởi vì tưởng tự động làm công việc nhận biết của nó.

Thiền sư:  Chính xác! Nó làm công việc ấy, cho dù bạn có ý thức được về nó hay không.

Thiền sinh: Hình như nhớ tên người thì khó hơn nhớ mặt.

Thiền sư:  Đúng thế, tưởng cũng có những đặc tính riêng của nó. Có lúc nó nhớ được rất nhiều chi tiết, có lúc thì chỉ nhớ được sơ sơ. Những thứ mà nó không có hứng thú, nó chẳng nhớ được nhiều. 

NGỒI THIỀN MỞ MẮT


Thiền sinh: Thầy khuyên con nên mở mắt trong lúc ngồi thiền. Nhưng con thấy khó quá, và cũng mệt mỏi nữa bởi vì tâm con cứ bị phân tán bởi những thứ xung quanh, nhất là người qua lại.

Thiền sư:  Khi mở mắt ngồi thiền, đừng nhìn những thứ xung quanh mà chỉ tập nhận biết rằng có cái nhìn đang diễn ra. Đừng chú ý nhìn bất cứ cái gì. 

Tâm của chúng ta đã quen tập trung chú tâm từ lâu rồi. Chúng ta rất giỏi làm việc đó bởi vì lúc nào chúng ta cũng chỉ làm như vậy. Vấn đề là ở chỗ chúng ta không nhận ra được rằng mình đang bị tập trung (quá mức, đến nỗi thành thói quen -ND). Chúng ta chỉ cố gắng hành thiền mà thực ra lại chẳng hiểu thiền là gì.

Thay vì phải cố gắng tìm hiểu xem tâm mình hoạt động như thế nào, nó đang chú ý ra sao, thì chúng ta lại cứ hướng tâm ra chỗ khác như vậy. Chúng ta chỉ chú tâm nhìn vào đề mục và cứ nghĩ rằng đó chính là thiền. Bởi vì cái tâm của chúng ta đã quen lấy khái niệm chế định làm đề mục[2] (hay đối tượng để nhận biết), nó chú tâm vào các khái niệm đó và làm chúng ta quên mất đối tượng mình cần quán sát trong thiền là gì. Vì vậy đừng cố chú ý nhìn vào cái gì cả. Hãy chánh niệm hay biết cái nhìn và hay biết cả cái tâm hay biết của mình nữa. 


KHI BẠN THỰC HÀNH TỐT


Thiền sinh: Sáng sớm hôm nay con có một thời thiền nằm tuyệt vời, vì vậy trước khi ăn trưa con lại nằm thiền thêm một lần nữa, bởi vì con nghĩ tâm đang vào thiền tốt và đó cũng là một việc tốt nên làm. Nhưng chỉ nằm được 5 phút thì con chợt nhận ra rằng mình đang cố lặp lại thời thiền tốt đẹp lúc sáng sớm. Con nhận ra rằng mình không thực sự để tâm mở rộng đón chào những kinh nghiệm mới bởi vì chỉ lo đi lặp lại những kinh nghiệm cũ của mình. 

Thiền sư:  Tốt, đó là điều bạn cần phải biết. Bạn cần nhận biết những thái độ hành thiền sai lầm của mình, đó cũng là sự hiểu biết, cũng là trí tuệ. Nó cũng quan trọng như việc nhận biết thái độ chân chánh vậy. 

Thiền sinh: Ồ, thật tuyệt. Vậy là con không thể bị lạc đường nữa.

Thiền sư:  Hãy tập một thói quen luôn luôn quán sát lại trạng thái tâm của mình, không chỉ mỗi khi pháp hành có vấn đề mà ngay cả khi mình đang thực hành tốt đẹp nữa. Hãy tự hỏi mình các câu hỏi như: “Cái gì đang diễn ra?”, “Tâm đang hoạt động như thế nào?”, “Thái độ hành thiền của mình ra sao?”, “Tại sao pháp hành của mình lại tiến triển tốt đẹp như vậy?”. Bạn cần phải nhận biết được những nhân tố nào đã góp phần tạo nên hiện trạng tốt như vậy.

Làm công việc kiểm tra và quán sát lại như vậy trong khi pháp hành đang tiến bộ tốt là bạn đang cộng thêm cho mình một loại trí tuệ nữa. Nếu không làm như vậy, tâm bạn sẽ chỉ coi sự tiến bộ đó như một điều hiển nhiên, tự nó có. Tâm bạn nghĩ rằng: à, có gì đâu, nó chỉ là một dòng chảy tự nhiên, đó chỉ là cách mọi sự sẽ phải diễn ra như vậy thôi mà. Khi coi thành quả đó như một điều đương nhiên sẽ phải đến, tâm bạn sẽ bắt đầu thả mình vào hưởng thụ, nó bắt đầu thích thú hưởng thụ thành quả của mình một cách thầm kín và sẽ cố gắng tìm cách để có lại được những kinh nghiệm y hệt như thế nữa. Vì vậy chớ bao giờ quên quán sát lại và tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình thực hành tốt đẹp như thế. 


NUÔI DƯỠNG VÀ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ TRỰC GIÁC


Thiền sinh: Thưa thầy, trong pháp hành này trực giác có quan trọng không ạ?

Thiền sư:  Có, rất quan trọng. Trực giác là điều hết sức cần thiết. Trực giác là loại trí tuệ tự nhiên; nó sử dụng đến trí thông minh bẩm sinh bên trong con người bạn. Thế bạn nghĩ trực giác từ đâu đến? 

Thiền sinh: Con nghĩ trực giác là cái tâm tự nhiên, cái tâm đó không phải do “chính mình” tạo ra. 

Thiền sư:  Thực ra có rất nhiều kinh nghiệm và sự kiện trong cuộc đời chúng ta góp phần nuôi dưỡng và hình thành lên cái trực giác ấy. Những người có chánh niệm liên tục thường có trực giác rất mạnh.

Thiền sinh: Nhưng trực giác đôi khi cũng có thể không đúng. Tại sao lại thế ạ?

Thiền sư:  Trực giác phụ thuộc vào trí tuệ và thông tin, vào sự hiểu biết về nhân quả. Chỉ khi chúng ta đã thấu hiểu được tất cả những nhân duyên cần thiết để đưa đến một kết quả nhất định nào đó, thì lúc đó trực giác của chúng ta mới là trọn vẹn 100%.



 CHỨNG NGỘ NIẾT BÀN LÀ MỘT VIỆC KHÔNG GIAN KHÓ


Thiền sinh: Thưa thầy, Niết Bàn là gì? Niết Bàn được sanh khởi lên như thế nào?

Thiền sư:  Đức Phật nói rằng một cái tâm không còn tham sân si là Niết Bàn. Nói cách khác, một cái tâm không còn phiền não có thể thấy được Niết Bàn. Một cái tâm không có tham sân si là một cái tâm đầy trí tuệ và chỉ một cái tâm như thế mới có thể thấy được Niết Bàn. 

Thiền sinh: Như thế có nghĩa là chúng ta có thể chứng nghiệm được những khoảnh khắc Niết Bàn mỗi khi phiền não tạm thời vắng mặt trong tâm phải không ạ?

Thiền sư:   Đúng, có thể là như thế. Nó được gọi là sự giải thoát tạm thời, giải thoát ngay trong hiện tại (khanika vimutti). Càng có nhiều trí tuệ, chúng ta càng thường xuyên có được những khoảnh khắc giải thoát như thế, và trí tuệ của chúng ta cũng sẽ càng tăng trưởng nhanh chóng hơn. Một cái tâm được tăng cường sức mạnh bằng cách này sẽ có rất nhiều trí tuệ, nhưng các thiền sinh thường thấy khó diễn đạt điều đó bằng lời. 

Khi chúng ta đạt được những tuệ minh sát, những tuệ giác xuyên thấu vào bản chất tột cùng cuả các pháp, chúng ta lại không hiểu được Niết Bàn. Bạn có biết tại vì sao không? 

Thiền sinh: Không ạ.

Thiền sư:  Bởi vì tất cả các đề mục hay đối tượng quan sát cuả các tuệ giác vipassanā đều là các tiến trình thân tâm hay là danh sắc (nāma-rūpa) và chúng đều là các pháp hữu vi (các pháp bị điều kiện hay là các hiện tượng tự nhiên sanh khởi, tồn tại và biến hoại tuỳ thuộc vào nhiều nhân duyên, điều kiện khác nhau-ND). Khi những tuệ minh sát này trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn, cuối cùng nó sẽ tiến đến một giai đoạn gọi là đạo tuệ (magga-ñāna). Chỉ một cái tâm đã đạt tới tầm mức trí tuệ như thế mới có khả năng thấu hiểu được Niết Bàn.

Thiền sinh: Như vậy, theo thầy đó là một quá trình thu lượm trí tuệ một cách từ từ, tuần tự chứ không phải là đắc đạo một cách đột ngột, tức thời, phải không ạ?

Thiền sư:   Đúng thế. Chứng nghiệm Niết Bàn không phải là một việc ngẫu nhiên, người ta không thể tự nhiên “rơi” vào Niết Bàn. Cũng như tất cả mọi sự trên đời, chỉ khi các nhân duyên đã tròn đủ thì kết quả mới trổ sanh. Đó chính là giáo lý về vô ngã.

Thiền sinh: Thế còn đối với những người đã từng tu tập rất nhiều từ những kiếp trước thì sao? Họ có thể nhớ lại và rồi bất ngờ đắc đạo ngay được không?

Thiền sư:   Kiếp trước nào? Ngày hôm qua ư? Ngày hôm qua chính là kiếp trước và ngày mai sẽ là kiếp sau! Theo nghĩa chế định của thế gian thì có kiếp sau thật đó, nhưng trong thực tại tột cùng (chân đế) thì chỉ có cái tâm tiếp sau thôi. Mỗi một tâm là một kiếp sống. Một cái tâm đầy chánh niệm, định tĩnh và trí tuệ, từng giây phút, từ khoảnh khắc này qua khoảnh khắc kế, chính là đang hoàn thành các Balamật đến tròn đủ.

Niết Bàn không phải của biếu không; phải bỏ công sức ra lao động thì mới có được nó. Vì vậy đừng bao giờ tự bằng lòng với những gì mình đã hiểu biết được. Mỗi khi chúng ta cảm thấy hài lòng với chính mình là chúng ta đã tự làm cùn nhụt đi sự tinh tấn của mình rồi đó.


HÃY ĐỂ CHO MỌI VIỆC TỰ MỞ DẦN RA MỘT CÁCH TỰ NHIÊN

 Thiền sinh: Sáng nay thức dậy con vẫn cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Con tự hỏi không biết có nên tiếp tục nằm thêm hay là lên thiền đường hành thiền. Con nghe thấy những thiền sinh khác cũng đang lục tục trở dậy và đi lên thiền đường vì vậy con nghĩ mình cũng nên phải dậy hành thiền cùng với họ. Nhưng con không thể quyết định được nên chọn cái nào và tâm bắt đầu cảm thấy rối. Việc này xảy đến với con khá thường xuyên và rồi làm cho con phải nghi ngờ cả về khả năng thực hành của chính mình nữa. Xin thầy cho con lời khuyên phải làm thế nào để đối phó với những tình huống như thế?

Thiền sư:  Đừng có lo nghĩ linh tinh về việc mọi người làm gì hay họ suy nghĩ như thế nào về mình. Hãy nhìn vào chính mình một cách thật cẩn thận. Bạn có cần phải ngủ thêm không? Bạn có thực sự cảm thấy mệt mỏi không? Thức dậy và đi lên thiền đường hay là ngồi thiền ngay trên giường tốt hơn? Nếu bạn phân vân không thể quyết định được thì cũng cứ chấp nhận ngay việc đó. Chỉ đơn giản đứng lại tại chỗ; ghi nhận và chấp nhận bất cứ cái gì đang diễn ra. Mình cảm thấy dùng dằng, hồ nghi hay bất an ư, OK, không sao cả, không vấn đề gì cả. Hãy nhìn vào chính trạng thái tâm ấy và cố gắng học hỏi từ nó. Bất cứ khi nào nó diễn ra như vậy, đó chính là công việc thực hành bạn cần phải làm đấy. 

Thiền sinh: Nhưng lúc cần phải quyết định, chẳng lẽ con cũng cứ mặc kệ chẳng cần làm gì như vậy sao?

Thiền sư:  Cứ nghĩ rằng mình cần phải quyết định chỉ làm cho mọi việc xấu hơn mà thôi. Nếu bạn chỉ cần tiếp tục quan sát chính trạng thái tâm ấy, thì cuối cùng tâm sẽ ổn định trở lại và tự nó sẽ ra quyết định. Đừng bao giờ cưỡng ép điều gì. Chỉ ghi nhận, chấp nhận và tiếp tục quan sát cho đến khi mọi việc tự mở ra một cách tự nhiên.

Thiền sinh:  Dạ, vâng. Nhưng còn nghi ngờ thì sao ạ?

Thiền sư:  Sự nghi ngờ sanh khởi khi bạn bất mãn về cách thức mọi sự việc đang diễn ra, và khi có sự mâu thuẫn trong tâm về những việc nên làm hay không nên làm. Điều tốt nhất bạn có thể làm được là, lại ghi nhận và quan sát nó. Hãy kiên nhẫn chờ đợi, đừng tham gia vào nó mà chỉ duy trì ghi nhận liên tục những gì đang diễn ra. Chánh niệm liên tục sẽ mang lại sự ổn định nội tâm và hiểu biết về những gì đang diễn ra. Chính điều này sẽ giúp tâm “tự động” có được những quyết định và những giải pháp đúng đắn.

Thiền sinh: Nghe giống như là có cả một đống công việc nặng nhọc cần phải làm ấy. Con nghĩ chắc mình phải cần thực hành rất nhiều nữa thì mới thực sự có thể để cho tiến trình này tự mở ra được như vậy.

Thiền sư:  Đúng vậy. Bạn cần phải hết sức kiên nhẫn. Đừng tự cưỡng ép mình. Tất cả những gì bạn cần phải làm là tiếp tục thực hành. Tất nhiên bạn cũng cần phải thực sự hứng thú, thực sự tò mò muốn tự mình tìm hiểu ra những điều ấy. 


LỢI ÍCH CỦA VIỆC THỰC HÀNH 


Thiền sinh: Thưa thầy, pháp hành này có những lợi ích gì?

Thiền sư:  Nói gọn là: bạn sẽ kinh nghiệm được và có thể hiểu được những việc mà bạn chưa bao giờ hiểu hay chưa từng kinh nghiệm được trước đây. 


HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC


Thiền sư:  Bạn hành thiền vì muốn có được cảm giác hạnh phúc hay vì muốn hiểu biết?

Thiền sinh: Một câu hỏi thật hay, nhưng quả thực là con cũng không biết nữa.

Thiền sư:  Nếu mục đích hành thiền của bạn là để kiếm tìm hạnh phúc thì trong đó luôn có sự khát khao, mong cầu hạnh phúc. Nơi nào có hạnh phúc, nơi đó cũng luôn có đau khổ kèm theo, bạn không thể chỉ muốn có cái này mà không có cái kia. 

Chỉ khi nào có sự hiểu biết thực sự thì mới có được hạnh phúc đích thực. Không phải là thứ hạnh phúc (ngoài đời) mà mọi người vẫn lặn ngụp, đắm chìm trong đó, mà là thứ hạnh phúc sanh khởi bởi vì bạn luôn luôn bình an, tự tại với mọi sự như chúng đang là.

                     ***     *****     ***


VẤN ĐÁP VỀ THUẬT NGỮ TÍN  (saddha)

Thiền sinh: Thưa thầy, trong cuốn ĐỪNG COI THƯỜNG PHIỀN NÃO đề cập rất ít tới đức tin. Xin thầy giảng thêm về ý nghĩa của đức tin (tín) và tầm quan trọng của nó ạ.

Thiền sư:  Tín (saddha) là đức tin, sự tin tưởng hay tin cậy. Khi chúng ta hành thiền, tất cả các căn (các phẩm chất tâm linh: Tín – Tấn – Niệm – Định - Tuệ), bao gồm cả tín căn đều cần phải tăng trưởng. Lòng tin vào chính bản thân mình hay sự tự tin vào khả năng thực hành pháp, vào sự hiểu biết về pháp hành mình đang theo đuổi cũng cần phải phát triển. Chỉ khi đặt lòng tin vào một cái gì đó, thì chúng ta mới có thể thực sự áp dụng và thực hành được nó. Chúng ta phải nhận biết được đức tin đang có trong mình – dù rằng nó nhiều ít ra sao. Nó chính là cái nâng đỡ và gìn giữ cho chúng ta trên đường đạo.

Những người biết cách suy nghĩ chân chánh, những người có trí tuệ thường có đức tin rất mạnh. Tín mà không có tuệ đi cùng để kiềm chế thì sẽ rất dễ trở thành loại đức tin mù quáng, mê tín. Chúng ta cũng có thể tự kiểm tra xem đức tin của mình có tăng trưởng lên hay không. Chúng ta có thực sự biết và thực sự hiểu được lợi ích của pháp hành mình đang theo đuổi này hay không? Bây giờ chúng ta có bao nhiêu đức tin so với trước kia, khi chúng ta mới bắt đầu thực hành? Điều quan trọng là chúng ta phải tự nhận biết được đức tin đang có trong mình.

Hầu hết mọi người đã từng được nghe, đọc về việc phải cân bằng các căn trong ngũ căn (Tín – Tấn – Niệm – Định - Tuệ) và hầu hết mọi người cũng dành rất nhiều thời gian cố gắng làm cân bằng giữa tấn (viriya) và định (samādhi) với nhau. Rất ít người biết và thực hành việc làm cân bằng giữa tín và tuệ. Những người rất trí thức và suy nghĩ quá nhiều thường có rất ít đức tin. Họ hỏi quá nhiều. Nhưng những người có nhiều đức tin mà chẳng bao giờ chịu hỏi gì cả thì tuệ cũng sẽ trở nên yếu ớt. 

Theo truyền thống thì đức tin thường được diễn dịch là lòng tin vào Tam Bảo. Nhưng làm thế nào mà một người mới bắt đầu thực hành pháp đã có ngay đức tin vào Tam Bảo được? Đức tin mà người thiền sinh cần phải có là lòng tin và sự hiểu biết về những gì họ đang thực hành theo. Những người có suy nghĩ chân chánh và do vậy cũng làm những việc chân chánh đều thấy rằng nhờ những việc làm đó mà sự hứng thú và đức tin của họ đã tăng trưởng lên một cách tự động.

Thiền sinh: Trong trường hợp tín và tuệ mất cân bằng, quá nhiều câu hỏi và quá ít đức tin, thì có dẫn đến nghi không?

Thiền sư:  Có! Chắc chắn là có! Tất cả ngũ căn đều phải làm việc cùng với nhau. Bất cứ căn nào quá mạnh, hoạt động quá tích cực, thì sẽ đều dẫn đến làm suy yếu cả 4 căn còn lại. Các căn còn lại sẽ không còn tác dụng nữa; chúng không thể hoạt động có hiệu quả được nữa. Người nào quá nhiều định, tuệ sẽ không mạnh và không thể tăng trưởng được, tinh tấn cũng trở nên yếu ớt bởi vì sức tập trung quá nặng của định, và niệm cũng không thể sắc bén. Nhưng nếu 3 căn đó (tuệ, tinh tấn và niệm) không hoạt động tốt, thì tín sẽ bị tổn hại; bạn sẽ bắt đầu mất dần đức tin vào pháp hành.

Nếu tuệ quá mạnh, quá nhiều tri thức, quá nhiều câu hỏi, quá nhiều suy nghĩ thì sẽ không thể có định, tâm sẽ không có được sự ổn định cần thiết. Điều đó sẽ lại làm phá hoại các căn còn lại, và tất nhiên tín cũng sẽ lại bị chịu đòn oan. Cả năm căn đều cần phải cân bằng thì mới có thể hoạt động có hiệu quả được. 

Thiền sinh: Hình như thầy dùng từ tri thức để nói về tuệ căn trong ngũ căn, nhưng theo con hiểu thì tri thức không phải thực sự là tuệ.

Thiền sư:  Chúng ta đã đề cập đến ba loại trí tuệ khác nhau trước đây: văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ (sutamayā paññā, cintāmayā paññā, bhāvanāmayā paññā: trí tuệ do học hỏi từ kiến thức sách vở; trí tuệ do tư duy, suy luận và trí tuệ do tu tập mà có). Tôi vừa nói đến hai loại trí tuệ đầu mà chúng ta có thể áp dụng được, đó là văn tuệ và tư tuệ. Còn khi bạn đã có tu tuệ (bhāvanāmayā paññā) thì tất cả mọi thứ đã trở nên cân bằng rồi. Bạn không thể có quá nhiều tu tuệ được. Bạn không thể “đưa vào” hay tạo ra loại tu tuệ này được, cố làm vậy bạn chỉ có thể “làm méo mó” các căn thêm mà thôi. Đầu ra luôn luôn phải phụ thuộc vào đầu vào. 

Thiền sinh: À, vậy thì con hiểu rồi. Càng có nhiều tu tuệ sẽ càng có nhiều đức tin, nhưng càng có nhiều đức tin thì chưa chắc là sẽ có nhiều tu tuệ. 


NIỆM THÂN (kāyānupassanā)

  
Thiền sinh: Quán thể trược (kāyagatāsati) và quán tử thi (sīvathikā) là những pháp hành niệm thân được biết đến rất nhiều. Tại sao thầy không dạy những pháp hành đó?

Thiền sư:  Thầy tôi dạy rất nhiều về những vấn đề tinh yếu của thiền; nhưng ngài không dạy những pháp hành đó. Khi bạn học hiểu về bản chất của tất cả các pháp (dhammānupassanā- niệm pháp), thì niệm thân cũng đã được bao hàm trong đó rồi. Khi bạn thực hành niệm tâm (cittānupassanā) và niệm pháp (dhammānupassanā), thì niệm thân (kāyānupassanā) và niệm thọ (vedanānupassanā) cũng đang được thực hành cùng lúc. Thầy tôi không thực hành thiền chỉ (samatha) trước rồi mới chuyển sang vipassanā, mà ngài vào thẳng thiền vipassanā. Niệm thân là phần thuộc về thiền chỉ trong kinh Tứ Niệm Xứ; bạn chỉ chú tâm đến các khái niệm chế định. 

Thiền sinh: Theo kinh nghiệm của con thì pháp hành niệm thể trược[3] rất ích lợi. Nó cho con những thông tin hữu ích và lưu giữ đằng sau tâm để sẵn sàng sử dụng mỗi khi có tâm tham dục khởi sanh. Con không còn thực hành theo cách đó nữa, nhưng con thấy nó rất quan trọng trong một giai đoạn nào đó.

Thiền sư:  Chắc chắn rồi, nó có thể rất có ích và cần thiết trong một giai đoạn nào đó – chính vì thế Đức Phật mới dạy chứ. 

Nếu chúng ta thực sự cố gắng tìm hiểu tâm mình, và nếu cứ tiếp tục thực hành niệm tâm liên tục không gián đoạn, thì dần dần tất cả mọi mặt của pháp hành đều sẽ trở thành một phần kinh nghiệm và sự hiểu biết của chính mình. Chúng ta không nên quên rằng, dù bắt đầu từ pháp hành nào chăng nữa, cuối cùng thì nhiệm vụ của chúng ta vẫn là để học cách đối phó với những phiền não trong tâm mình.


NIỆM (sati) VÀ TÀ KIẾN (micchā ditthi)


Thiền sinh: Con có nghe thầy nói với một thiền sinh rằng niệm (sati) có liên quan đến tà kiến (micchā ditthi). Thưa thầy, vậy làm sao hai cái đó lại có thể đi cùng nhau được?

Thiền sư:  Trong Bát Chánh Đạo đều đề cập đến những cái “chánh” như Chánh Kiến, Chánh Tư Duy..., và như vậy suy ra, có “chánh” thì tất sẽ có “tà”. Để có được “Chánh Niệm” (sammā-sati), thì cần phải có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy đi cùng. Không có hai cái đó thì không thể gọi là Chánh Niệm được. Nếu chỉ quan sát một đối tượng nào đó, chỉ mỗi nhìn nó thôi, thì không thể nói rằng đó đã là Chánh Niệm – sammā-sati. Chỉ khi Niệm có được tính chất không phóng dật (appamāda), không dễ duôi, không quên lãng đề mục đúng đắn cần quan sát hay nói cách khác khi Niệm có phần trí tuệ trong đó, thì nó mới có thể là Chánh Niệm – sammā-sati. 

Bây giờ nếu bạn bảo một người hoàn toàn không biết tý gì về thiền hãy tự quan sát chính bản thân mình, bạn nghĩ là họ sẽ làm như thế nào? Họ hành thiền từ góc độ suy nghĩ, từ cách nhìn như thế nào, bạn có biết không? Cái thân CỦA TÔI, cái tâm CỦA TÔI! Đó là tà kiến chứ chẳng phải là chánh niệm gì cả. Chính vì vậy, một điều vô cùng thiết yếu trong thiền là người thiền sinh phải có được những thông tin đúng trước khi họ bắt tay vào thiền tập. Vì vậy, khi hướng dẫn thiền sinh mới, tôi cố gắng chỉ ra cho họ thấy rằng cái chúng ta quan sát chỉ là những hiện tượng tự nhiên, chỉ là tự nhiên, chỉ là pháp đang vận hành mà thôi. Tôi thường yêu cầu thiền sinh suy nghĩ đến những câu hỏi như là: Có phải chỉ có mỗi mình bạn mới thấy được những cảm giác và các trạng thái tâm khác nhau như vậy sao? Thiền sinh cần phải tự hiểu ra rằng tất cả những thứ đó đều chỉ là một phần của tự nhiên, chúng không thuộc về bất cứ một ai cả.


 ĐỊNH (samādhi)


Thiền sinh: Con xuất phát từ một trường phái thiền mà coi định (samādhi) và việc chứng đắc các tầng thiền chỉ có tầm quan trọng rất lớn. Xin thầy giảng giải thêm về cách hiểu của thầy về định như thế nào?

Thiền sư:  Tôi thích loại định được phát triển nhờ trí tuệ. Khi có trí tuệ, khi tâm hiểu biết được các pháp, thì ngay đó tâm đã có sự ổn định và có được cái gọi là Chánh Định rồi (sammā-samādhi). Chánh Định mang lại sự trong sáng, rõ ràng của chánh niệm và tuệ giác. Rất nhiều thiền sinh cứ nghĩ rằng họ chỉ đạt được Chánh Định khi có được cái cảm giác nhập định, xuất thần nào đó. Loại định này được xây dựng nên cùng với những căng thẳng, ức chế trong tâm. Trong những trạng thái như vậy, họ sẽ không thể học hỏi được cái gì và độ sáng suốt, rõ ràng của chánh niệm cũng không thể tăng trưởng. Trạng thái tâm được gọi là định là một trạng thái rất thoải mái, thư giãn, mát lạnh và tĩnh lặng. Nó có khả năng thu nhận lớn và rất nhạy cảm với bất cứ cái gì đang diễn ra và vì vậy có khả năng hay biết lớn hơn rất nhiều. 

Rất nhiều thiền sinh có cách hiểu rất sai lầm về việc phát triển định tâm. Họ chú tâm; họ đầu tư rất nhiều sức lực vào đó. Họ có thể đạt được một sự tĩnh lặng nào đó, nhưng rất nặng nề; không có chút thư thái, nhẹ nhàng nào cả. Trong thiền vipassanā, tất cả những gì chúng ta cần chỉ là một sự ổn định nội tâm vừa đủ để duy trì chánh niệm liên tục trong từng khoảnh khắc. Chúng ta chỉ cần một nội tâm ổn định để hay biết những gì đang diễn ra, chỉ thế thôi. Chúng ta không cần định của các tầng thiền chỉ; bạn không thể sử dụng toàn định (appanā samādhi) của thiền chỉ để thực hành thiền vipassanā được. Những thiền sinh đã đắc được các tầng thiền chỉ, trước tiên họ cần phải thoát ra khỏi các tầng thiền đó thì mới có thể thực hành được thiền vipassanā.

Toàn định của các tầng thiền chỉ có thể đè nén được phiền não; khi ở trong các tầng thiền chỉ các phiền não loại thô không còn tồn tại nữa. Toàn định của thiền chỉ đè nén năm loại triền cái. Nhưng toàn định chỉ đè nén được dục tham (kāma-chanda), chứ không thể đè nén được các loại tham khác (lobha). Hữu ái (bhava-tanhā), khát vọng trở thành, sự khao khát sinh tồn, vẫn hiện diện đầy đủ trong tất cả các tầng thiền chỉ. 

Định chỉ trở thành hoàn toàn viên mãn khi nó có đủ cả ba chi phần: Chánh Niệm (sammā-sati), Chánh Tinh Tấn (sammā-vāyāma) và Chánh Định (sammā-samādhi). Khi có chánh niệm liên tục cùng với thái độ chân chánh và suy nghĩ chân chánh thì định sẽ phát triển một cách tự nhiên.  

***     *****     ***

Thiền sinh: Thưa thầy, khi mới đến đây con thấy rất khó chấp nhận việc nói chuyện và giao tiếp của các thiền sinh. Con không tin là có thể đạt được tâm định khi có những thái độ hành thiền như vậy. Phải mất cả một thời gian tương đối dài con mới dần dần chấp nhận được rằng thực hành thiền trong khi nói chuyện cũng có giá trị của nó và đó cũng là một pháp hành quan trọng. Sau khi đã vượt qua được sự chống đối trong tâm như vậy và bắt đầu thử thực hành theo, thì con phát hiện ra rằng không những con vẫn duy trì được tâm định mà còn cảm thấy rất nhẹ nhàng, uyển chuyển – ít xáo động hơn. Tại sao vậy thưa thầy? Điều gì đã xảy ra?

Thiền sư:  Định tâm đạt được từ tĩnh lặng thì hơi căng cứng – hay là dễ vỡ như bạn nói. Nó phải phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện bên ngoài và vì vậy sẽ dễ dàng mất đi khi sự yên lặng bị phá vỡ. Định tâm kiểu đó làm bạn cảm thấy mạnh nhưng lại rất mong manh. 

Khi phải thực hành trong những điều kiện đòi hỏi mình phải cố gắng nhiều như trong lúc nói chuyện và giao tiếp, thì bạn sẽ khó phát triển định tâm hơn. Trong những lúc như thế, bạn sẽ chỉ có thể phát triển được định tâm khi giữ được một cái tâm rộng mở cùng với thái độ chân chánh. Tuy nhiên, bởi vì bạn cần phải khéo léo hơn nhiều để phát triển định tâm trong những hoàn cảnh như thế, nên định tâm đó sẽ lại kéo dài lâu hơn. Loại định tâm này năng động và linh hoạt hơn bởi vì nó không phải phụ thuộc vào những điều kiện cố định. Mỗi khi bạn mất chánh niệm, bạn sẽ bình tĩnh lấy lại nó và kết nối trở lại với pháp hành. 

Thực hành trong cuộc sống hàng ngày, luôn duy trì được chánh niệm và định tâm liên tục trong mọi lúc là một điều rất khó; có những lúc bạn quên mình đi lao mình vào việc này việc nọ, rồi lúc nào đó mới lại chợt nhớ ra là phải chánh niệm. Miễn là bạn luôn duy trì được thái độ chân chánh và nhận biết ra những lúc tự đánh mất mình như thế, chỉ như thế thôi đã là tốt lắm rồi. Còn nếu bạn cứ khư khư chấp thủ vào cách suy nghĩ cứng nhắc rằng chỉ có thể phát triển được định tâm và chánh niệm trong những môi trường tu tập đặc biệt nào đó, là bạn sẽ trở thành cứng nhắc và rồi sẽ kẹt lại trong pháp hành không thể tiến lên được nữa. 


TRẠCH PHÁP, GIÁC CHI VÀ TỈNH GIÁC
(Dhamma-vicaya, Bojjhanga, Sampajañña)


Thiền sinh: Trong cuốn ĐỪNG COI THƯỜNG PHIỀN NÃO, thầy không nói đến thuật ngữ trạch pháp (thẩm xét và tìm hiểu bản chất cuả các hiện tượng thân tâm-Dhamma vicaya). Nhưng hình như thầy có lý giải một chút về nó trong chương Chánh niệm một cách thông minh, phải không ạ?

Thiền sư:  Đúng, đúng như thế.

Thiền sinh: Xin thầy giảng thêm về ý nghĩa và tầm quan trọng của trạch pháp.

Thiền sư:   Thiền vipassanā là một công việc của trí thông minh. Chính vì thế nên trạch pháp là vô cùng quan trọng. Mục tiêu của thiền vipassanā là để có được trí tuệ. Nếu bạn muốn có trí tuệ, bạn phải bắt đầu bằng trí tuệ; bạn phải đầu tư trí tuệ để có thêm nhiều trí tuệ hơn nữa. Đó là lý do tôi vẫn thường hỏi các thiền sinh rằng: “Nếu còn là phàm phu (puthujjana)[4], và phàm phu là “những kẻ đầy phiền não” –  thì làm thế nào có thể hành thiền được mà không bị phiền não xen vào?”

Bởi vì chúng ta còn đầy phiền não nên không thể hành thiền mà không có phiền não, vậy thì phải bắt đầu từ đâu? Phàm phu thì phải bắt đầu hành thiền với thông tin hướng dẫn về vô si, tức trí tuệ. Mặc dù trong tất cả những con người phàm phu đều đầy rẫy phiền não, song họ cũng có được một vài phần trí tuệ nào đó. Đạo Phật phân trí tuệ ra làm 3 loại khác nhau: văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ (sutamayā paññā, cintāmayā paññā, bhāvanāmayā paññā). Loại đầu tiên là thông tin, là kiến thức sách vở nói chung; loại thứ hai là tư duy và suy luận lô-gíc, loại thứ ba là tuệ giác trong thiền. Trạch pháp nằm trong tư tuệ.

Khả năng sử dụng trạch pháp này đến từ đâu? Từ thông tin, kiến thức, chúng ta phải có thật nhiều thông tin đúng đắn trước đã. Khi đã có được loại kiến thức cơ bản hay kiến thức tổng quát như thế, chúng ta sẽ biết cách phải suy nghĩ như thế nào cho phải. Bản thân tôi đã may mắn có được một người thầy rất tốt, người đã trao truyền cho tôi biết bao nhiêu kiến thức và những lời khuyên vô cùng giá trị để áp dụng trong quá trình thiền tập. Tôi vô cùng tri ân cái “khoảng không gian” mà Ngài đã dành cho tôi để được tự học hỏi. Mỗi khi phát hiện ra một điều gì mới mẻ trong quá trình thực hành, tôi lại mang đến kể cho Ngài nghe, Ngài thường hỏi “tại sao?”. Thường thường là tôi không biết câu trả lời thế nào và Ngài không bao giờ nói cho tôi ngay lập tức. Bởi vì tôi thực sự hết lòng muốn biết, nên tôi mang hết cả tâm lực của mình ra để tìm kiếm câu trả lời. Đối với loại công việc tìm hiểu, trạch pháp như thế này nếu chỉ có mỗi chánh niệm thì không đủ. Tôi thực sự phải động não rất nhiều. Đó mới chính là sự quán chiếu và tìm hiểu pháp bằng trí thông minh của mình, hay còn gọi là trạch pháp – dhamma-vicaya. Tôi thực sự muốn biết, và đối với tôi đó quả thật là một thử thách vô cùng tích cực –giống như một trò chơi -  và tôi tìm đủ mọi cách để tìm cho ra bằng được câu trả lời. Tôi thường tìm ra được nó nhưng không phải lúc nào cũng tìm ra được câu trả lời đúng. Khi thầy tôi thấy tôi loay hoay mãi mà không ra được thì lúc ấy Ngài mới giải thích cho tôi hiểu. 

Trong Thất Giác chi hay 7 chi phần dẫn đến giác ngộ, có 3 giác chi là nhân, và 4 giác chi còn lại là quả. Ba nhân là: chánh niệm (sati), trạch pháp (dhamma vicaya) và tinh tấn (viriya). Những chi phần này là những “đầu vào” mà bạn có thể chủ động đưa vào được. Bốn quả là: hỷ (pīti), khinh an (passadhi), định (samādhi) và xả (upekkhā). Những chi phần quả này, chúng ta không thể tạo ra chúng, cũng không thể bắt chúng phải xảy ra được. Khi nói về ba loại trí tuệ, tôi đã nói rằng trạch pháp (dhamma vicaya) nằm trong tư tuệ (cintāmayā paññā). Xả giác chi nằm trong tu tuệ (bhāvanāmayā paññā); đây là loại tâm xả phát sanh do nhờ chánh trí và sự hiểu biết đúng đắn. 

Trí thông minh hay trí tuệ là điều vô cùng cần thiết trong thiền vipassanā. Trạch pháp là một loại trí tuệ và vì vậy nó rất quan trọng. Đối với những người thông minh và biết nghĩ cho chính mình, thiền vipassanā sẽ rất hiệu quả. Họ sẽ rất dễ hiểu; tu tuệ (bhāvanāmayā paññā) sẽ đến dễ dàng đối với những người có trí thông minh bẩm sinh cao và có tư tuệ mạnh (cintāmayā paññā). Đối với những người tư tuệ kém, ít tư duy, suy nghĩ lô-gíc yếu, thì sẽ phải mất nhiều thời gian hơn. Những người có tư tuệ yếu như thế cần phải dựa rất nhiều vào kiến thức sách vở - hay văn tuệ (sutamayā paññā). Họ cần phải thu thập thêm rất nhiều kiến thức và cần phải nghe theo lời khuyên của những người khác. Họ cần phải có người nói cho mình biết phải làm gì, bởi vì họ không có khả năng tự tìm ra câu trả lời cho chính mình. 

Theo kinh điển, có 7 nhân duyên khiến cho trạch pháp sanh khởi, đó là:

1. Thường xuyên hỏi pháp, đàm luận về pháp, quán chiếu và tìm hiểu pháp, tư duy về pháp.

2. Vệ sinh sạch sẽ cả bên trong lẫn bên ngoài. Việc này sẽ giúp cho tâm mình được sáng suốt rõ ràng. Sự sáng suốt trong tâm là một nhân duyên khiến cho trí tuệ sanh khởi. (Vệ sinh bên ngoài nghĩa là làm sạch thân thể và môi trường sống – liêu cốc, sân vườn...đến mức mình có thể làm được – nhưng điều quan trọng hơn là vệ sinh bên trong, nghĩa là dọn sạch các loại phiền não ra khỏi tâm mình).

3. Học cách làm cân bằng ngũ căn. (Ở đây có rất nhiều việc cần phải làm. Bạn cần phải nhận diện được các căn này đang có trong mình, và cần tìm xem căn nào quá mạnh, căn nào quá yếu để có thể cân bằng lại cho tốt).

4. Tránh xa những kẻ không có trí tuệ.

5. Gần gũi, thân cận những người có trí tuệ.

6. Suy xét, quán chiếu về trí tuệ sâu sắc, quán chiếu và tư duy những vấn đề sâu sắc.

7. Có ước muốn làm tăng trưởng trí tuệ trong mình. 

***     *****     ***

Thiền sinh: Thưa thầy, trạch pháp (dhamma-vicaya) và chánh niệm tỉnh giác (sati-sampajañña) khác nhau như thế nào? Xin thầy giảng giải thêm về sự chánh niệm tỉnh giác này.

Thiền sư:  Cả hai (trạch pháp và chánh niệm tỉnh giác) đều là trí tuệ. Trong kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthāna Sutta) có nói chánh niệm phải có cả tỉnh giác đi kèm, cả hai đều cần phải có mặt. Tất cả bốn loại tỉnh giác đều có liên quan đến trí tuệ. Nói một cách đơn giản thì loại tỉnh giác đầu tiên là thích nghi tỉnh giác (sātthaka-sampajañña), loại thứ hai là lợi ích tỉnh giác (sappāya-sampajañña). Hai loại tỉnh giác đầu tiên này thuộc về văn tuệ (sutamayā paññā) và tư tuệ (cintāmayā paññā). Chúng có liên quan rất nhiều đến sự thực hành của chúng ta trong thực tế. Nhưng khi pháp hành đã có đà tiến và hiểu biết đã tăng trưởng, chúng ta sẽ kinh nghiệm được loại tỉnh giác thứ ba là giới vức tỉnh giác (gocara-sampajañña), đó là sự hiểu biết rằng chỉ có các tiến trình danh sắc đang diễn tiến, không có người nào trong đó cả. Loại tỉnh giác cuối cùng, vô si tỉnh giác (asammoha-sampajañña), là hiểu biết về vô thường, khổ, vô ngã. Hai loại tỉnh giác cuối thuộc về tu tuệ (bhāvanāmayā paññā). Hai loại đầu, thích nghi tỉnh giác và lợi ích tỉnh giác, là nhân, hai loại sau là quả, là những tuệ giác sanh khởi lên trong quá trình tu tập. 

Loại tỉnh giác đầu tiên, thích nghi tỉnh giác (sātthaka-sampajañña) liên quan đến sự thích hợp, sự hợp tình hợp lý của những hành động, thái độ của người thiền sinh. Điều thích hợp nhất phải làm bây giờ là gì?. Loại thứ hai, lợi ích tỉnh giác, có liên quan đến tính lợi ích cuả những hành động và thái độ đó. Lúc này cần vận dụng cái gì để có lợi ích nhất đây? Cách nào, cái gì phát huy tác dụng hiệu quả nhất bây giờ? Tất cả những điều này đều là trạch pháp cả (dhamma-vicaya). Bạn thấy được tâm đang hoạt động ra sao trong hiện tại, và bạn cũng thấy được cả bức tranh toàn cảnh; lĩnh vực hoạt động của chánh niệm, tâm mình đang bỏ sức cố gắng ra sao, mối quan hệ giữa tâm và đối tượng quan sát như thế nào...v.v.. Rồi tâm sẽ tự hỏi: “Bây giờ tôi phải làm gì?”. Nếu chỉ chú mục nhìn vào đề mục thôi thì không đủ. Chính vì vậy bây giờ tôi bắt đầu đặt vấn đề nghi vấn thuật ngữ “thuần chánh niệm” (bare attention). Chúng ta hiểu thế nào về thuần chánh niệm đây?

Hai loại tỉnh giác đầu thật ra chỉ là trí tuệ theo nghĩa thông thường. Nó là loại trí tuệ hoạt động khi bạn đang hành thiền, là cái mách bảo cho bạn biết cách làm một việc gì đó như thế nào. Làm như thế này thì có lợi hay không? Chẳng hạn bạn biết rằng nếu sử dụng nhiều sức hoặc cố gắng hơn sẽ ảnh hưởng đến thiền tập của mình như thế nào. Trong cuộc sống hàng ngày cũng thế, trí tuệ thông thường này cũng làm việc và giúp bạn có được những quyết định khôn ngoan trong bất cứ công việc nào mình định làm, để thấy ra được việc đó có thích hợp hay không, có lợi ích hay không.

Thiền sinh: Con vẫn chưa hiểu rõ sự khác nhau giữa chánh niệm tỉnh giác (sati-sampajañña) và trạch pháp (dhamma-vicaya).

Thiền sư:  Nghĩa của chúng thường chồng chéo lên nhau, nhưng chỉ có hai loại tỉnh giác đầu tiên là trạch pháp. Đây là theo cách hiểu của tôi.

Tôi muốn giải thích thêm một chút về giới vức tỉnh giác (gocara-sampajañña). Diễn đạt theo cách khác, chúng ta có thể nói rằng giới vức tỉnh giác có mặt khi tâm chú ý nhiều hơn đến bản chất của pháp trong các sự việc và kinh nghiệm hơn là đến các khái niệm chế định. Điều này chỉ xảy đến khi pháp hành đã có được đà quán tính. Nhìn vào bản chất thực tại của sự việc, hiện tượng hơn là vào khái niệm chế định sẽ trở thành một việc gần như là tự nhiên đối với tâm hành giả. Khi đó, bản chất của các pháp đã trở thành chỗ làm việc hay đất sống của trí tuệ (dịch sát theo nghĩa đen của từ gocara-sampajañña). Nếu loại chánh niệm này được duy trì trong một thời gian dài, thì bản chất vô thường, khổ, vô ngã (dukkha, anicca, anattā) của các pháp sẽ không còn bị hiểu sai nữa.

Thay vì thực sự hiểu vô thường, khổ, vô ngã, người ta lại thường dành quá nhiều thời gian để tư duy về chúng, suy nghĩ về chúng trong lúc thực hành thiền mà chẳng có được bất cứ hiểu biết thực sự từ trực giác và kinh nghiệm thực tế nào cả. Chính vì vậy tôi cũng không thích sử dụng nhiều những từ như vô thường, khổ, vô ngã khi nói pháp. Tôi thích đề cập đến nó chỉ khi thiền sinh trình pháp về những kinh nghiệm thật của chính mình, về những điều họ quan sát và kinh nghiệm được, chứ tôi không thích khi cứ phải nghe họ kể rằng họ đã thấy được vô thường hay vô ngã gì gì đó – những điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả.

***     *****     ***

Thiền sư:   Nếu chỉ có sự định tĩnh và cố gắng tinh tấn giữ chánh niệm thôi thì không đủ, bạn cần phải kiểm tra lại xem tất cả ngũ căn (pañca indriyas) có hiện diện trong mình hay không. Bạn có thể tự hỏi: “Tôi có tin tưởng vào những gì mình đang làm hay không? Tôi có thực sự biết mình đang làm gì hay không?”. Khi đã có kinh nghiệm thực hành, bạn sẽ luôn luôn thấy được năm căn có hoạt động hay không, và chúng có cân bằng với nhau hay không.

Thiền sinh:  Thế còn Thất giác chi hay 7 chi phần dẫn đến giác ngộ thì sao ạ? Chúng ta có cần phải kiểm tra hay không?

Thiền sư:   Có. Thất giác chi cũng được chia ra thành các giác chi thuộc nhân và các giác chi thuộc quả. Bạn chỉ cần kiểm tra các nhân: niệm (sati), tinh tấn (viriya), và trạch pháp (dhamma-vicaya) hay tuệ (paññā). Bạn phải đặc biệt chú ý đến tinh tấn giác chi; trong ba giác chi thuộc về nhân, nó là phần khó nhất. Với niệm và tuệ (hay trạch pháp) thì không có vấn đề gì cả, chúng luôn luôn là thiện (nghĩa là không có phiền não ẩn mình trong đó), nhưng tinh tấn lại luôn luôn là chỗ hay gây rắc rối nhất. Tinh tấn mà có phiền não đi cùng là tà tinh tấn. Hầu hết các thiền sinh đều cố gắng tinh tấn với tâm tham trong đó, vì vậy họ sử dụng loại tinh tấn đi cùng với phiền não. Có hai loại ham muốn: một là tham (lobha) là ham muốn bất thiện, hai là ước nguyện (chanda) là ham muốn thiện. Bạn phải xem lại thật rõ ràng xem mình đang cố gắng tinh tấn với tâm tham (lobha) hay với tâm ước nguyện (chanda).

Khi tinh tấn với tâm tham, bạn sẽ bị căng thẳng và sẽ phải trả giá, phải chịu khổ. Khi thành công thì bạn rất sung sướng, nhưng khi thất bại thì buồn nản, thậm chí còn bị trầm cảm. Nhưng khi bạn tinh tấn với tâm ước nguyện (chanda – là ước muốn một cách trí tuệ, ước nguyện được phát triển về mặt tâm linh), bạn sẽ không phải chịu khổ và tâm bạn sẽ trở nên rất mạnh mẽ. Khi thành công bạn không cảm thấy hào hứng quá mức, khi thất bại bạn cũng không chán chường, buồn khổ. Đó chính là kết quả của chánh tinh tấn. Có chánh tinh tấn, bạn sẽ không bao giờ bỏ cuộc mà sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, cố gắng lại nhiều lần. Vì vậy điều rất quan trọng là phải thường xuyên kiểm tra tâm xem lại động cơ của mình có chân chánh hay không. 

Hỏi pháp và tìm hiểu pháp rất lợi ích cho việc phát triển trạch pháp giác chi. Chú giải kinh Tứ Niệm Xứ nói rằng có bốn loại câu hỏi dành cho mỗi giác chi mà người thiền sinh cần phải xem xét. Chẳng hạn: thiền sinh cần phải biết khi nào niệm giác chi có mặt, khi nào vắng mặt; tại sao nó có mặt và tại sao nó tăng trưởng. Mỗi câu hỏi phản ánh một trình độ hiểu biết khác nhau; để nhận biết xem cái gì đó có mặt hay không thì không khó lắm, nhưng hai câu hỏi sau thì có thể có rất nhiều câu trả lời khác nhau. Để đạt được những hiểu biết ở trình độ này có thể là tương đối khó. Hãy tự hỏi mình những câu hỏi như vậy, cố gắng tìm hiểu cho ra vấn đề hay thảo luận với những người khác, những cách đó có thể giúp bạn tăng trưởng thêm trí tuệ. Loại tìm hiểu và quán trạch này cũng được xem là một trong những nhân duyên khiến trạch pháp sanh khởi.


QUAN SÁT VÀ VƯỢT QUA PHIỀN NÃO


Thiền sinh: Thưa thầy, có khi nào như thế này được không: tâm có phiền não nhưng cũng đồng thời có trí tuệ hay biết rằng phiền não đang có mặt, và cả sự thư giãn, thanh thản ngay giữa sự hay biết ấy?

Thiền sư:  Có, có thể được; khi phiền não được hay biết một cách rõ ràng chỉ như một đề mục, khi có sự hiểu biết rõ ràng như thế thì có thể được chứ. Chính vì vậy tôi vẫn thường nhắc các thiền sinh hãy quan tâm chú ý nhiều hơn đến cách mình quan sát đề mục như thế nào. Nếu biết quan sát một cách đúng đắn; nếu tâm quan sát không bị nhiễm phiền não thì họ có thể quan sát phiền não một cách hoàn toàn khách quan, không thiên vị. Rất nhiều thiền sinh nói rằng họ đã làm được như thế, họ giữ được trong trạng thái tâm quan sát riêng hẳn ra, tách biệt với phiền não; họ cũng thể hiện rõ ràng sự cảm nhận hoàn toàn không có phiền não trong tâm quan sát đó. 

Thiền sinh:  Đó là cảm giác thanh thản và giải thoát ngay cả khi đang có phiền não phải không ạ?

Thiền sư:  Đúng thế, họ có thể thấy rất rõ rằng những phiền não đó chẳng có liên quan gì đến “mình” cả. Đó chính là lúc sự hiểu biết về vô ngã đang có mặt. 

Thiền sinh:  Khi phiền não được quan sát như thế thì nó có còn là phiền não nữa không?

Thiền sư:  Có thể có hai phương diện, hai tính chất khác nhau của trí tuệ đang làm việc. Có thể đó là trí tuệ giải phóng tâm quan sát khỏi quá trình tự đồng hoá với phiền não, và do đó mang lại sự giải thoát trong sự quan sát ấy. Nhưng nếu chỉ nhìn nó thôi thì phiền não cũng không thể biến mất được. Chỉ khi nào hiểu được chính bản thân phiền não đó, chỉ khi hiểu thấu hoàn toàn được nó, thì nó mới ra đi thực sự.  

***     *****     ***

Thiền sinh: Xin thầy giảng thêm về ba cấp độ của phiền não?

Thiền sư:  Khi bạn không thấy bất cứ loại phiền não nào trong tâm, lúc đó chúng chỉ tồn tại như là những tiềm năng bên trong, và được gọi là phiền não tuỳ miên hay phiền não ngủ ngầm (anusaya). Ở cấp độ này phiền não bị ẩn giấu và chúng ta không thể hay biết được chúng. Chúng ta chỉ có thể quan sát được phiền não khi chúng nổi lên trên bề mặt của tâm thức – đó chính là cấp độ thứ hai – và khi chúng đã thể hiện ra ngoài thành hành động và lời nói thì đã trở thành cấp độ thứ ba. Trong tiếng Pali, phiền não ở cấp độ thứ hai được gọi là pariyutthāna, và cấp độ thứ ba được gọi là vītikkama.

Thiền sinh: Như vậy phiền não ở cấp độ thứ nhất là không thể thấy được và chúng luôn luôn chỉ muốn làm chủ mình?

Thiền sư:  Đúng, chúng chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng và chỉ sanh khởi lên khi có đủ các nhân duyên cần thiết cho chúng sanh khởi. Khi đã khởi lên, chúng được gọi là pariutthāna. Chỉ có các tuệ giác ở cấp độ đạo quả mới có thể đoạn trừ được loại phiền não ngủ ngầm này. 


THIỀN TÂM TỪ (mettā bhāvanā)

  
Thiền sinh: Hình như thầy không khuyến khích việc thực hành thiền tâm từ. Thầy có cho rằng thiền tâm từ là không thích hợp đối với các thiền sinh đang hành thiền vipassanā không?

Thiền sư:  Không phải tôi nói rằng nó không thích hợp. Nhiều lúc nó rất có ích lợi đấy chứ. Thầy tôi cũng thường dạy tôi thực hành thiền tâm từ trong một số giai đoạn nhất định của pháp hành. Thực sự thì nó phụ thuộc vào cá nhân từng thiền sinh. Có rất nhiều pháp hành nhập môn lúc ban đầu cho thiền tập. Đối với một số người, Đức Phật dạy họ thiền tâm từ để bắt đầu bước vào thiền, nhưng Ngài cũng dạy những người khác bắt đầu từ thiền Tứ niệm xứ.

Khi thực hành thiền Tứ niệm xứ (thiền vipassanā), bạn phải thực hành với một cách suy nghĩ rằng: mình hành thiền không phải là để cố tạo nên một cái gì cả. Đừng cố tạo nên các kinh nghiệm, hãy tiếp nhận các kinh nghiệm hay những sự việc diễn ra đó như nó đang là và hãy cố gắng học hỏi từ nó. Nhưng thiền tâm từ làm gì? Thiền tâm từ là để cố tạo ra một cảm giác từ bi. Có thể bạn đang tức giận một ai đó, nhưng bạn lại cố gắng cảm nhận và trải tâm từ bi tới người đó.

Đối với một số người, hành thiền tâm từ trong lúc đang tức giận như vậy lại có thể tạo nên những xung đột tâm lý ở bên trong. Đối với những người như thế thì thiền tâm từ lại không có tác dụng. Cái thực đang có là tâm sân, và nếu chỉ cố gắng dùng tư duy tri thức để trấn áp nó thì không thể được.Tôi đã từng thử rải tâm từ đến cho những người mà tôi đang ghét, nhưng bây giờ thì trí tuệ của tôi lại không chấp nhận điều đó. Trí tuệ nói với tôi rằng: “Hãy sống thực với chính mình! Hãy quan sát cái tâm sân ấy! Hãy hiểu biết cái tâm sân ấy!”. Hình như khi cố rải tâm từ như thế, cái tâm mình nó lại đang tự lừa chính nó. Trước kia tôi đã từng thực hành thiền tâm từ rất nhiều, thậm chí hành thiền suốt cả đêm và nhập vào tầng thiền chỉ (với đề mục tâm từ), ngập tràn trong hỷ lạc suốt cả một ngày như vậy, nhưng nó chẳng làm tôi trở thành một con người ít sân hơn chút nào cả. Khi ngừng lại không thực hành tâm từ nữa, tôi lại sân trở lại y như cũ. 

Sau khi thực hành thiền vipassanā nhiều năm trời trong cuộc sống tại gia, liên tục quan sát tất cả các sinh hoạt của tâm mình, tôi mới bắt đầu kinh nghiệm được những khoảng thời gian mà tâm mình thực sự không còn chút sân hận nào trong đó. Khi đó thật là dễ dàng rải tâm từ cho tất cả mọi người – không có vấn đề gì cả. Thầy tôi thường ngồi thiền cho đến khi tâm Ngài trở nên thật sự bình an và chỉ khi đó Ngài mới rải tâm từ. Bởi vì chỉ khi đó mới có được tâm từ thực sự. Chỉ khi nào có tiền trong túi thì bạn mới bố thí được cho người ...

Khi tâm không còn sân hận, nếu gặp một người ngang bằng, đồng cảnh ngộ như mình, nó sẽ cảm nhận được lòng từ (mettā). Khi gặp một người đang gặp cảnh ngộ khó khăn hơn, nó làm khởi lên lòng bi mẫn (karunā), khi gặp một người đang thuận lợi, bạn sẽ cảm nhận được tâm hỷ (muditā), còn khi ở vào hoàn cảnh mà bạn chẳng thể làm được gì hơn để giúp họ, nó sẽ là tâm xả (upekkhā). Nhưng nếu trong tâm vẫn còn lại dù chỉ một chút xíu sân thôi, thì tất cả những trạng thái tâm từ, bi, hỷ, xả ấy cũng chẳng thể nào sanh khởi lên được nữa. Khi tâm sáng suốt và không còn sân hận, bạn cũng sẽ rất dễ thực hành được những pháp hành khác. Nếu nhìn vào một bức hình Đức Phật, bạn cũng sẽ cảm nhận được lòng kính tín đối với Ngài, bởi vì giờ đây tâm bạn đang ở trong một trạng thái tốt đẹp. Khi đó bạn đang tự động thực hành pháp hành niệm tưởng ân đức Phật (Buddhānussati) một cách rất tự nhiên.

Có ba cách để bạn có thể nhìn thấy được Đức Phật: 1.nhìn bằng mắt; 2.nhìn bằng tâm (tưởng tượng hình ảnh của Ngài trong tâm mình); 3.nhìn bằng cách hiểu Đức Phật bằng trí tuệ của chính mình. Chính vì thế Đức Phật mới nói rằng “Người nào thấy pháp sẽ thấy ta”. Nhiều người sống cùng với Đức Phật mà chẳng hề thực sự thấy Ngài bao giờ. Có lần Đức Phật đã phải bảo một người đệ tử đi chỗ khác (để hành thiền), bởi vì ông này suốt ngày chỉ ở loanh quanh bên cạnh để nhìn ngắm Ngài cho thoả thích.

Loại tâm từ tôi muốn bạn có được là loại tâm từ thực sự, chứ không phải là loại tâm từ bạn cứ phải cố nặn cho ra cho mình hay cho người khác. Khi không còn sân hận, tất cả tâm từ, bi, hỷ, xả đều có được cả, khi đó bạn có thể rải tâm từ bao nhiêu cũng được. Tâm từ khởi nguồn từ vô sân, chính vì vậy điều quan trọng hơn là hãy ghi nhận, quan sát và thấu hiểu tâm sân hơn là cố gượng ép thực hành thiền tâm từ. Tôi nhấn mạnh đến cách đối phó với tâm sân trước, bởi vì nó là thực. 

Thiền sinh: Đôi khi con phải dùng đến thiền tâm từ mỗi khi mình đau khổ; khi đó con nhận ra rằng mình chẳng có chút từ bi đối với người nào cả, vì vậy con phải tự rải tâm từ cho chính mình để tâm mình trở nên thiện hơn đôi chút.

Thiền sư:  Đúng, làm vậy cũng đúng. Bạn nên bắt đầu với chính mình bởi vì chỉ khi nào tự bạn cảm thấy an lạc bạn mới rải tâm từ được cho người khác. Tôi luôn luôn nhắc các thiền sinh khi rải tâm từ phải chánh niệm biết mình đang rải tâm từ ra sao. Tự quan sát chính mình khi rải tâm từ là bạn cũng đang thực hành cả thiền vipassanā rồi đấy. Hãy quan sát tâm mình đang làm việc, đang rải tâm từ; kiểm tra lại xem mình thực sự đang có tâm từ hay không. Nếu khi đó vẫn còn tâm sân thì bạn cũng nhận ra được ngay là rất khó rải tâm từ khi bạn còn đang giận dữ. 

Thiền sinh: Nếu có thái độ chân chánh thì tâm từ thực sự có tự động khởi lên được không ạ?

Thiền sư:  Có, nó khởi lên được mỗi khi bạn có trí tuệ – thái độ chân chánh chính là trí tuệ. Chính vì vậy tôi nhấn mạnh rất nhiều đến tầm quan trọng của trí tuệ; có trí tuệ thì mọi thứ đều có thể làm được. Tôi cố gắng đi từ chỗ quan trọng nhất đó, chứ không bắt đầu đi ngược từ dưới lên. Trong tam học Giới-Định-Tuệ, giới là nền tảng, định cao hơn, và tuệ là cao nhất. Chỉ cố giữ giới mà không có định thì bạn cũng chẳng thể giữ được. Nhưng khi có định bạn sẽ thấy giữ giới được rất dễ dàng, và khi có tuệ thì cả giới và định cũng sẽ tự động có mặt. 

Giới có hai loại. Đầu tiên chúng ta phải cố gắng thu thúc, kiềm chế không làm những hành động bất thiện. Loại giới thứ hai sanh khởi khi tâm đã hiểu ra được vấn đề, nghĩa là không cần phải cố gắng tự thu thúc, kiềm chế nữa bởi vì sự ham muốn đã không còn hay chỉ còn lại rất ít. Cả tham và sân đã bị suy yếu, và đó chính là giới như là một tâm sở – giới tâm sở. Khi trí tuệ đích thực khởi sanh lên, nghĩa là khi đắc đạo quả, ngay lập tức giới trở thành thanh tịnh và người hành giả liễu ngộ được Bát chánh đạo. Trong thời Đức Phật một số đệ tử có được tuệ căn phát triển ở mức độ rất cao. Bởi vì tuệ quá mạnh nên đôi khi chỉ cần nghe một vài câu pháp của Đức Phật là đã đắc đạo quả liền. 

Trong phương pháp thiền này, tôi ngày càng nhấn mạnh nhiều đến tầm quan trọng của tuệ. Bản thân tôi trước kia cũng đã từng thử thực hành qua rất nhiều phương pháp khác nhau. Tôi đã từng rất tinh tấn giữ giới và tu tập để phát triển định lực thâm sâu, nhưng tất cả những điều đó chẳng làm cho tôi thay đổi một cách thực sự chút nào. Chỉ khi tâm tôi bắt đầu hiểu ra được sự việc, khi trí tuệ đã lớn mạnh, chỉ khi ấy tôi mới trở thành một con người tốt đẹp. Tất nhiên, trí tuệ tăng trưởng đã giúp tôi giữ giới được ngày một tốt hơn. Một trong những pháp hành tôi thường thực hành khi còn là một cư sỹ là giữ bát quan trai giới (8 giới), không phải bát quan như các thiền sinh vẫn giữ trong thiền viện như thế này, mà là ngũ giới cộng với giới mở rộng về lời nói: cố gắng không chỉ không nói dối mà còn không nói những lời thô ác, không nói lời đâm thọc, không nói lời phù phiếm vô ích. Tôi sớm nhận ra rằng mình phải cần rất nhiều chánh niệm, rất nhiều sự tự hay biết, tự soi chiếu bản thân mình để giữ được trọn vẹn những giới khẩu này, và khi ấy pháp hành của tôi mới bắt đầu có được những bước tiến vượt bậc. Điểm xuất phát ở đây cũng lại là trí tuệ. Ở đó có trí tuệ, có sự hiểu biết rằng cách thực hành như thế này rất ích lợi. Khi có trí tuệ, tất cả mọi thứ đều biến thành chân chánh. Tôi thực sự mong muốn các thiền sinh phát triển trí tuệ của mình, bởi vì tôi biết rõ sự khác biệt do nó mang lại lớn đến mức nào. 

Thực sự thì tôi không muốn nói nhiều đến tâm từ, song một khi bạn đã biết cách nhìn nhận vấn đề cho đúng thì bạn có thể thấy rõ được tâm từ ngay thôi. Nếu không có sự kiên nhẫn thực lòng, một điều rất gần gũi với từ tâm, thì chắc là tôi đã không thể cống hiến được toàn bộ thời gian và sức lực để dạy dỗ các thiền sinh mỗi ngày như thế này được. Nhưng tôi không dành tâm từ cho riêng cá nhân một ai cả, nó rộng lớn hơn, bao trùm hơn, tâm từ đó là để dành cho tất cả, tất cả mọi người. 


BA LA MẬT (parami)[5]

Thiền sinh: Có bốn Ba-la-mật mà con vẫn chưa thực sự hiểu, đó là ba-la-mật quyết định (adhitthāna), ba-la-mật xuất gia (nekkhamma), ba-la-mật trì giới (sīla) và ba-la-mật chân thật (sacca). Xin thầy cho con biết làm thế nào để hiểu được những ba-la-mật này?

Thiền sư:  Ba-la-mật quyết định (adhitthāna) là quá trình làm vững mạnh quyết tâm. Nó thường được áp dụng để củng cố hoặc tăng cường một số phẩm chất có sẵn trong tâm mình. Điều này có thể thực hiện được bằng cách làm một việc gì đó lặp đi lặp lại nhiều lần, hoặc bằng cách đẩy ngưỡng cố gắng (sức rướn) của tâm mình mỗi lần thêm một chút nhằm tăng cường sức mạnh cho tâm. Tôi thực hành pháp quyết định này rất nhiều. Theo kinh nghiệm của tôi, quyết tâm mạnh không bao giờ có tác dụng, trừ phi động cơ của nó là trí tuệ. Nếu bạn chỉ cố hết mình bằng quyết tâm, sự cố gắng ấy không bao giờ bền vững, nhưng nếu bạn thực hành một cách bền bỉ liên tục thì trí tuệ sẽ thâu gom tất cả sức mạnh cuả quá trình thực hành ấy để sử dụng một cách hiệu quả. Khi có mặt trí tuệ thì sự quyết tâm cũng hiện diện cùng. 

Thiền sinh: Như vậy tâm sẽ được tăng cường sức mạnh bằng cách thử thách nó?

Thiền sư:  Không, thử thách có nghĩa là bạn muốn vượt quá giới hạn năng lực của mình. Tâm được tăng cường sức mạnh bằng cách củng cố, tăng cường thêm những gì đang sẵn có ở đó. 

Thiền sinh: Làm thế nào để tăng cường cho những cái đã có sẵn ấy?

Thiền sư:  Bạn phải biết rõ mình có khả năng làm được điều gì, và làm điều đó nhiều lần. Tôi sẽ cho bạn một ví dụ rất đơn giản như sau: nếu bạn muốn hành thiền suốt đêm, không phải là cứ thế mà cố ngồi suốt cả đêm ngay lập tức. Đêm đầu tiên, bạn bắt đầu thức lâu đến mức mình có thể thức được, rồi đêm thứ hai cố gắng lặp lại điều đó, thức lâu như đêm trước. Nếu giữ được như vậy được khoảng 2 tuần, thì rồi bạn mới bắt đầu đẩy tâm mình thức thêm một giờ nữa. Rồi sau đó hãy đợi và xem mình có chịu đựng được như vậy khoảng một, hai tuần nữa không rồi mới lại đẩy tiếp thêm. 

Thiền sinh: Cám ơn thầy, con đã rõ. Hình như có lần thầy nói rằng balamật xuất gia có nghĩa là ly tham, đúng không ạ? 

Thiền sư:  Đúng thế. Học cách quan sát tất cả mọi phiền não mỗi khi chúng khởi sanh, đó chính là ly tham, là xuất gia – bởi vì bạn đang cố gắng không để mình đắm chìm trong đó. 
Câu hỏi thứ ba của bạn là balamật trì giới. Trì giới là sự thu thúc, sự tự chế và trách nhiệm; càng có nhiều trí tuệ thì giới sẽ càng trở nên trong sạch và trọn vẹn. 

Thiền sinh: Vâng, con đã hiểu. Nhưng con vẫn còn chưa hiểu rõ ý nghĩa của trì giới, có phải đó là giữ bát quan trai giới hay không?

Thiền sư:  Không, nó là sự hiểu biết những việc gì nên làm và việc gì không nên làm. Nó gồm cả làm những việc nên làm, và không làm những việc không nên làm. 

Thiền sinh: Vâng, câu hỏi cuối cùng của con là về balamật chân thật (sacca).

Thiền sư:  Sacca có nghĩa là sự thật, nhưng nó cũng mang cả nghĩa khác. Trong trường hợp này, nó là sự chân thật trong lời nói, không thất hứa, chẳng hạn khi đã hứa hẹn cho ai hay làm một điều gì đó bạn phải giữ lời. Nhưng tôi không biết nhiều lắm về nghĩa kỹ thuật của từ sacca này như thế nào. Ở Miến Điện người ta sử dụng “sự thật” này một cách rất đặc biệt. Họ tin tưởng vào năng lực của sự thật, ngay cả khi được sử dụng một cách không đúng đắn lắm. Chẳng hạn, có người vừa nói dối điều gì đó và sử dụng luôn sự việc đó như một sự thật để nguyện: “Tôi vừa nói dối mẹ tôi, đó là một sự thật, do năng lực của sự thật này, nguyện cho dì tôi được khỏi bệnh”. Cách nguyện đó cũng có tác dụng thật, nhưng nó không hiệu quả bằng lời nguyện cùng với một sự thật tốt lành. 


 BẢN THỂ TỰ TÍNH


Thiền sinh: Một thiền sư Trung Hoa có dạy rằng chúng ta phải buông mình vào tự nhiên, để kiến tánh - thể nhập vào bản thể của chính mình. Thầy hiểu thế nào về việc kiến tánh ấy và việc thể nhập vào bản thể tự tính? 

Thiền sư:  Cách tôi hiểu nó là chúng ta đã làm một việc  tạo ra cái bản thể tự tính từ một cái thực ra chỉ là tự nhiên. Nếu hiểu rằng chúng ta đang nhào nặn tự nhiên thành bản thể tự tính, rằng chúng ta chỉ đang tạo ra thêm một khái niệm chế định nữa, thì những điều bạn vừa nói còn có đôi chút ý nghĩa, và như vậy để hiểu được thiên nhiên thì chúng ta cần phải hiểu “chính bản thân mình”. Đó là cách mà chúng ta có thể thể hiện nó bằng ngôn từ vậy thôi. Cũng có đôi khi tôi hay hỏi thiền sinh rằng: “Bạn là ai?” “Bạn là cái gì?”.

Tôi không dùng từ bản thể hay ngã, hay tự tính, nó chỉ là một khái niệm, một cách gọi mà mọi người vẫn hay sử dụng mà thôi. Nhưng bạn không thể nói chuyện, trao đổi mà không dùng khái niệm được. Đức Phật nói không có cái ngã, cái tôi nào cả, nhưng Ngài cũng dạy “hãy nương tựa vào chính mình”. Khi nói nương tựa vào chính mình, có nghĩa là chúng ta phải nương tựa vào những phẩm chất tốt đẹp trong mình như là chánh niệm, định tĩnh, trí tuệ...

Thiền sinh: Con hiểu rằng cách diễn đạt về “bản thể tự tính” đó là để chỉ việc buông mình vào trong cái không tạo tác, vào trong cái vô vi, và người thiền sinh phải có được thái độ như thế trong khi hành thiền.

Thiền sư:  Nhưng nếu nó thực sự là vô vi thì bạn đâu cần phải “buông mình” như thế. Nếu nó là vô vi, tức là tâm đã giải thoát rồi, cần gì phải “buông” nữa. Chỉ khi nào vẫn còn ôm giữ cái ngã, cái “tôi” để buông thì người ta mới cần phải buông.


VÔ NGÃ (anatta)

  
Thiền sinh: Thầy thường khuyến khích thiền sinh tự nhắc mình rằng những gì mình kinh nghiệm được chỉ là “tự nhiên”. Tại sao thầy muốn thiền sinh quan sát các kinh nghiệm đó với cái nhìn “tất cả đều chỉ là những hiện tượng tự nhiên mà thôi” thay vì với cái nhìn về vô ngã?

Thiền sư:  Từ vô ngã (anattā) thường hay bị người ta hiểu sai. Mọi người hay nghĩ rằng vô ngã nghĩa là mất cái ngã đi và chính cái “vô ngã” này lại trở thành một khái niệm chế định nữa. Trong thực tế chỉ đơn giản là không có cái gì là ngã, là tôi cả, cũng như từ trước đến nay nó chưa từng có bao giờ. Do đó tốt hơn hết là nhìn vào các kinh nghiệm như “đây chỉ là các hiện tượng tự nhiên mà thôi”. Những hiện tượng tự nhiên này sanh khởi do bởi nhân duyên. Nhìn sự việc bằng cái nhìn như thế chính là chánh kiến, và nhờ quan sát cách thức những nhân duyên nhất định đưa đến một kết quả nhất định nào đó, chúng ta sẽ hiểu được rằng ở đó chỉ có những nhân duyên, không có cái “tôi” nào cả. Hiểu được duyên khởi là hiểu được vô ngã. 


 ĐAU KHỔ (dukkha)


Thiền sinh: Hôm trước thầy nói rằng tất cả những gì khó buông bỏ đều là đau khổ. Thầy nói khó buông bỏ là khó buông bỏ hoàn toàn, là dứt tuyệt hẳn hay là buông bỏ tạm thời?

Thiền sư:  Bất cứ cái gì khó buông bỏ đều là đau khổ cả – dù là buông bỏ hoàn toàn hay buông bỏ tạm thời trong chốc lát. Tham và sân, cái nào khó buông bỏ hơn?

Thiền sinh: Có lẽ chúng cũng giống nhau cả thôi.

Thiền sư:  Tham khó buông bỏ hơn, bởi vì nó vi tế hơn – và si là khó nhất. Hôm trước tôi nói như vậy là ý muốn nói rằng không nên sử dụng từ đau khổ (suffering – sự đau đớn, khổ não) để nói về dukkha[6]. Hầu hết các thiền sinh chẳng hiểu gì về sự thật của dukkha cả, nhưng họ hiểu được sự thống khổ, nỗi đau đớn. Thông thường họ chỉ hiểu được mỗi một loại đau khổ, đó là cảm giác khổ, cảm giác đau đớn (dukkha vedanā¬ –khổ thọ) và cách hiểu về khổ như thế hay dẫn đến sự chống đối. Hiểu biết về dukkha khác vậy nhiều lắm. 

Nhiều thiền sinh được học rằng vô thường là khổ. Họ cũng học đâu đó rằng sanh diệt là một dấu hiệu của vô thường. Và bởi vì nóng lòng muốn tiến bộ nên họ cố gắng ra sức để nhìn cho thấy sanh diệt. Khi làm như vậy, dĩ nhiên là họ vẫn nhớ những gì đã được học và bất cứ cái gì đến và đi mà họ thấy được, họ cũng sẽ suy diễn ra rằng đó chính là khổ. Bởi vì họ thấy đây là một dấu hiệu của sự tiến bộ, nên tâm họ bắt đầu hướng về đau khổ, luôn nhìn thấy đau khổ ở mọi nơi và họ bắt đầu sợ hãi. Sợ chính là sân ở dạng thụ động. Đôi khi có thiền sinh sợ quá đến mức gục xuống và khóc lóc.

Nghĩa của từ dukkha sâu rộng hơn nhiều chứ không chỉ mỗi là sự đau đớn và thống khổ về thể xác và tinh thần như thế. Bất cứ loại đau khổ nào, từ những loại thô kịch nhất như đau đớn, sầu muộn cho đến những loại vi tế như bất mãn, bất an, bất toại nguyện, không chắc chắn, bất định, mơ hồ, cảm giác không an toàn...tất cả đều mới chỉ là những mức độ thô nhất của khổ -dukkha mà thôi. Theo kinh điển, khổ mức độ này được gọi là khổ khổ (dukkha-dukkha). Khổ do sanh, già, bệnh, chết, cũng như các trạng thái cảm xúc buồn đau như tức giận, sợ hãi, thất vọng, bất an, xa người mình yêu, gần kẻ mình ghét, muốn mà không được hay được cái mình không muốn...tất cả những loại khổ này nằm trong mức độ đầu tiên của khổ – dukkha.

Mức độ thứ hai được gọi là hoại khổ (viparināma-dukkha). Loại này vi tế hơn và khó thấy hơn. Bất cứ loại dục lạc hay thú vui nào, mà thực ra là tất cả mọi thứ hạnh phúc trên đời – dù là thanh cao, vi tế và kéo dài đến đâu –không sớm thì muộn cũng phai tàn. Phải làm đi làm lại một việc gì đó, hay phải cố gắng thành đạt cho được một cái gì, tất cả những thứ đó đều nằm trong loại khổ này. Mỗi khi hành thiền, bạn có thể có được rất nhiều định tâm, hỷ lạc hay sự khinh an, nhẹ nhàng nhưng rồi chúng cũng không kéo dài mãi. Kinh nghiệm những trạng thái ấy cũng là đau khổ. Hầu hết tất cả mọi người đều cảm thấy rất khó hiểu được tại sao tất cả mọi thứ hạnh phúc trên đời lại đều là đau khổ như vậy. 

Loại khổ thứ ba và cũng là loại cuối cùng là hành khổ (sankhāra-dukkha), được coi là đau khổ của kiếp sinh tồn. Danh sắc (nāma-rūpa) là khổ; bản thân sự việc chúng ta đang tồn tại đây cũng là khổ. 

Điều hết sức quan trọng là phải hiểu được sự khác nhau giữa việc bị đau khổ hành hạ và hiểu biết về khổ. Đau đớn về thể xác hoặc tinh thần – dù thô rõ hay vi tế – cũng đều tự động đi kèm với một loại tâm sân nào đó; khổ thọ (dukkha vednā) hoặc ưu não (domanassa) luôn luôn sanh khởi cùng với tâm sân (dosa). Tất cả những loại đau khổ đó đều dẫn đến những trạng thái tâm bất thiện và vì vậy lại càng thêm đau khổ. 

Hiểu biết khổ hay liễu tri khổ, tuệ tri khổ không có nghĩa là phải chịu đau khổ về tinh thần. Hiểu biết khổ rất khác, đó là một trạng thái tâm thiện, là một kinh nghiệm giải thoát và chuyển hoá cuộc đời. Mỗi một hiểu biết nho nhỏ về khổ lại giúp cho tâm buông bỏ và do đó lại chứng nghiệm nhiều giải thoát hơn. Hiểu biết khổ sẽ dẫn đến những trạng thái tâm thiện hơn và sẽ làm cho tâm trở nên mạnh mẽ hơn. 

Để hiểu biết khổ, chúng ta không những cần phải có những thông tin đúng như thế này mà còn phải có cả cách suy nghĩ đúng nữa. Đức Phật nói một trong những nguyên nhân khiến chúng ta trôi lăn trong vòng luân hồi vô thuỷ là không thấy khổ và không hiểu biết khổ. Không hiểu biết khổ, chúng ta sẽ còn tiếp tục hy vọng vào những gì tốt đẹp ở phía trước để rồi lại tiếp tục thất vọng. Hầu hết mọi người phung phí rất nhiều thời gian để chiến đấu với đau khổ, cố sức cải tạo và thay đổi thế giới của mình. Chiến đấu với đau khổ như thế không những chỉ kiệt sức vô ích mà còn tạo ra thêm muôn vàn đau khổ nữa. Suy nghĩ đúng đắn hay chánh tư duy là chấp nhận và ghi nhận đau khổ. Thấy khổ và chấp nhận khổ nghĩa là thấy và chấp nhận mọi sự việc như nó đang là; và một trạng thái tâm chấp nhận như vậy sẽ giải phóng ra rất nhiều năng lượng để bạn có thể sử dụng cho tu tập.

Khi đã ngày càng thuần thục và khéo léo nhận diện đau khổ hơn, chúng ta cũng sẽ càng thấy rõ ràng mỗi khi chính mình đang “tạo ra” thêm đau khổ mới. Thầy tôi thường dạy rằng chỉ khi nào hiểu được cái khổ của sự sanh (jāti dukkha), thì tâm mình mới thực sự hướng tới Niết Bàn. Tất cả những gì được sanh ra đều là đau khổ – và khi nó mất đi cũng là đau khổ nữa. Chính vì không hiểu được cái khổ của sự sanh mà chúng ta vẫn luôn muốn có được cái gì đó hay muốn loại bỏ cái gì đó đi. Một cái tâm đã hiểu biết khổ sẽ không đi tìm cầu hạnh phúc nhưng cũng không chối bỏ những gì đang trải nghiệm; nó tuyệt đối bình an trước bất cứ những gì đang diễn ra. 

Tất cả mọi chúng sanh đều đau khổ, nhưng chỉ những người nhận diện được đau khổ mới có thể phấn đấu để giải thoát chính mình ra khỏi đau khổ. Nhận diện rõ ràng và chấp nhận đau khổ sẽ dẫn đến sự giải thoát nội tâm. Đức Phật nói rằng người nào thấy khổ cũng sẽ thấy được khổ diệt. Chỉ khi thực sự hiểu được khổ thì thực hành con đường đi đến Niết Bàn mới được coi là điều duy nhất đáng làm trên đời. 

 TUỆ GIÁC HAY TRÍ TUỆ 
  
Thiền sinh: Thầy rất ít khi sử dụng từ tuệ giác (của thiền vipassanā) mà luôn luôn nói về trí tuệ. Con không rõ có phải là thầy sử dụng một hệ tiêu chí khác với hệ tiêu chí con vẫn quen sử dụng hay là chỉ khác nhau về mặt từ ngữ. Con được học rằng thực hành chánh niệm sẽ đưa đến định tâm, và định tâm sẽ làm sanh khởi tuệ giác và tuệ giác sẽ dẫn đến trí tuệ. Thầy có đồng ý với trình tự đó không hay thầy có cách hiểu khác?

Thiền sư:  Tôi vẫn sử dụng cùng một trình tự đó. Những gì chúng ta quan sát là các tiến trình thân và tâm. Cùng với thời gian thực hành, hiểu biết của chúng ta về những tiến trình này cũng thay đổi. Dù chúng ta gọi nó là tuệ giác vipassanā, hay hiểu biết, hay trí tuệ thì thực ra cũng không thành vấn đề; đó chỉ là những thuật ngữ khác nhau để chỉ cùng một sự việc mà thôi. 

Mức độ hiểu biết cũng phát triển và thay đổi. Chẳng hạn, chánh niệm có thể thấy được rằng cái nó vừa quan sát được là một suy nghĩ. Khi trình độ chánh niệm tăng lên, trí tuệ hiể̀u rằng “đó là tâm (đang làm việc)”. Khi sự hiểu biết rằng “đó chỉ là tâm” đã thực sự vững chắc, trí tuệ sẽ bắt đầu nhận ra rằng “cái này chỉ đang diễn ra”.  

Một điều rất quan trọng nên nhớ rằng bất cứ một tuệ giác hay một loại trí tuệ nào cũng chỉ có thể sanh khởi lên được khi tâm quan sát không có tham, sân, si. 



CÙNG ĐỌC VÀ SUY NGẪM


Những câu trích dẫn dưới đây được rút từ những tư tưởng, dòng suy tư và những gợi ý ngắn của thiền sư Sayadaw U Tejaniya. Bởi vì chúng bị tách rời ra khỏi ngữ cảnh khi thiền sư giảng, nên có thể không phải lúc nào cũng dễ hiểu được, nhất là đối với những thiền sinh không quen thuộc lắm với cách dạy của thiền sư Sayadaw U Tejaniya hay đối với những người mới nhập môn thiền tập và tìm hiểu Phật pháp. 

Do đó chúng tôi xin gợi ý là chúng ta chỉ nên đọc và suy ngẫm để lấy cảm hứng từ những câu trích dẫn mà mình cảm thấy có ý nghĩa và hiểu được, và bỏ qua những câu không phải để nói cho mình. Trăn trở với những câu nói mà mình không thể hiểu được chỉ làm cho bạn thêm rối và bực mình thôi. 

1. Khi có dù chỉ một chút mong đợi nhỏ nào đó thôi, tâm bạn cũng sẽ bị rối lên ngay. Hãy nhìn lại thái độ hành thiền của mình, và đừng mong đợi kết quả!

2. Khi bạn sử dụng trí tuệ, sự tinh tấn đã có mặt ngay ở đó rồi.

3. Chánh niệm là hay biết những gì đang có mặt ngay chính tại đây.

4.  Khi để tâm lười biếng không hoạt động, nó sẽ nghĩ lung tung.

5.  Mỗi khi bạn buồn bực điều gì, hãy quay vào nhìn lại trong mình. Không có ai hay bất cứ cái gì bên ngoài để bạn trách cứ vì đã gây ra trạng thái tâm ấy cho mình cả.

6.  Khi bạn “tưởng” (cho rằng mọi việc cứ phải thế này thế kia như mình nghĩ), thì chính là tâm si đang lũng đoạn.

7.  Điều quan trọng là phải học cách phân biệt rõ sự khác nhau giữa đề mục (hay đối tượng quan sát) và tâm (hay biết). Đâu là đối tượng quan sát? Đâu là tâm hay biết?

8.  Bất cứ khi nào người ta buồn bực, trầm cảm, đó là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy họ đã mong muốn điều gì đó và không đạt được nó.

9.  Suy nghĩ có thể lừa dối bạn, nhưng cảm giác (vedanā) thì không thể – cảm giác là thật.

10. Muốn nói và chẳng muốn nói – cả hai đều cùng là một vấn đề.

11. Bạn muốn làm một việc gì đó hay không, không quan trọng. Hãy tự hỏi chính mình xem có cần làm việc đó hay không.

12. Đừng chú ý đến tiếng động, chỉ nhận biết rằng bạn đang nghe. Nghe cũng bao gồm cả biết tiếng động trong đó. Đối với nhìn, ngửi...cũng y hệt như vậy.

13. Những phiền não nhỏ xíu rồi cũng đều lớn lên. Cuối cùng chúng ta cần phải đạt tới khả năng nhìn ra được ngay cả những biểu hiện vi tế nhất của tham, sân. 

14. Tại sao bạn làm việc này? Vì muốn? Hay vì cần? Hay vì đó là việc thích hợp nên làm trong hoàn cảnh hiện tại?

15. Khi không có tham, sân ở trong tâm, thì bạn mới có khả năng ra quyết định đúng đắn được. 

16. Hãy đặt câu hỏi, nhưng đừng tìm kiếm câu trả lời. Câu trả lời sẽ đến khi tâm đã thu thập đủ dữ liệu cần thiết. 

17. Đừng tự bắt mình phải kiên nhẫn mà hãy quan sát sự thiếu kiên nhẫn của mình.

18. Trí tuệ có thể kiểm soát được tâm; chứ mình không thể kiểm soát được chính tâm mình đâu.

19. Đừng cố duy trì cho được sự quân bình, chỉ cần cố gắng giữ chánh niệm thôi.

20. Nếu gia đình bạn có vấn đề thì hãy giải quyết nó ở ngay tại nhà mình. Bạn không thể giải quyết vấn đề của gia đình ở trong thiền viện được đâu.

21. Hãy biết trân trọng những kiến thức và hiểu biết mà bạn đang có. Hãy làm hết mức mình có thể làm được và biết bằng lòng với những kết quả mình đạt được. 

22.  Bạn sẽ chú tâm vào cái gì? Nhìn? Nghe? Ngửi? Nếm? Xúc chạm? Hay suy nghĩ? Hay là bạn sẽ dính mắc và bị lôi đi theo cái nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ đó? Bạn có bị cuốn đi theo dòng suy nghĩ hay không? Đừng để bị các thói quen cũ cuốn mình đi như thế; hãy thu thúc, kiềm chế cái tâm của mình.

23.  Khi bạn có thái độ không chân chánh, tâm sẽ không bao giờ vững mạnh lên được. Khi tâm mạnh, nó có thể thấy được bất cứ những gì trong tầm thấy của nó. Đó chính là Pháp đang vận hành; không liên quan gì đến cá nhân ai ở đây cả. Đừng bao giờ cố sức nhìn cho thấy cái gì. Mong muốn nhìn thấy đó chính là tâm tham. 

24.  Đừng bao giờ cố tìm xem tâm nằm ở chỗ nào, nơi chốn là một khái niệm chế định. Bạn nhận biết được tâm do từ một thực tế là tâm đang làm công việc của nó. 

25.  Cái chúng ta gọi là tâm tính toán, vạch kế hoạch thực ra chỉ là những suy nghĩ. Có thể bạn đang tính toán điều gì đó, nhưng lại không làm bởi vì ý định thực hiện không đủ mạnh. Ý định hay tác ý thực sự thì không phải là suy nghĩ. Nó chỉ là những xung lực, là năng lượng của tâm. 

26.  Hay biết lý do tại sao tâm làm điều gì đó chính là trí tuệ.

27.  Đôi khi có những suy nghĩ vi tế đến nỗi bạn không thể biết được có phải nó bị thúc đẩy bởi phiền não hay không nữa, nhưng bạn có thể cảm nhận được điều đó. 

28.  Hiểu biết thực sự về khổ (dukkha) thì không có đau đớn, khổ não trong đó. Nó sẽ làm tâm mình giải thoát.

29.  Khi mới thực hành, suy nghĩ sẽ dừng lại mỗi khi bạn chánh niệm về nó; bạn không thể vừa chánh niệm lại vừa suy nghĩ được. Chỉ khi chánh niệm mạnh bạn mới có thể quan sát được suy nghĩ.

30. Khi đã thực sự hiểu được nguyên tắc hay cơ chế làm việc của cái gì đó, bạn sẽ không bao giờ quên nó.

31. Chúng ta phải nhận ra được phiền não gây hại ra sao. Phải mất cả một thời gian rất dài, tâm ta mới thực sự mệt mỏi và chán chường phiền não; chỉ mỗi hiểu biết tri thức rằng tham, sân, si là xấu thôi thì không đủ. Thực ra hầu hết mọi người đều muốn được sống cùng tham sân si cả. Tất cả chúng ta đều phải trải qua những giai đoạn khó khăn liên tục nhìn phiền não không ngừng, ở đây không có đường tắt. Chỉ khi nào tâm đã thực sự chán ngán phiền não thì nó mới có thể tự giải thoát cho chính mình.

32. Đừng vội vàng, hãy cứ tiếp tục học hỏi không ngừng.

33. Tại sao khi ở nhà phiền não lại mạnh hơn? Bởi vì đó là nhà CỦA TÔI, vợ CỦA TÔI, xe CỦA TÔI...

34. Nếu bạn thực sự chánh niệm liên tục, nỗi sợ hãi sẽ không bao giờ khởi lên. Nếu tiếng động chỉ là tiếng động... trí tưởng tượng không bao giờ chạy hoang. Bất cứ cái gì bạn nghĩ là mình thấy, bạn nghĩ là mình nghe chỉ là những ý niệm mà thôi.

35. Loại chánh niệm mà bạn cứ phải cố áp dụng không thể sử dụng được trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ có chánh niệm tự nhiên, chánh niệm tự làm công tác của mình mới làm được điều đó. Khi đó trí tuệ mới thấy rõ được thiện và bất thiện, và sẽ buông bỏ bất thiện để chọn lấy thiện. Càng thực hành lâu bạn sẽ càng hiểu rõ được tiến trình này.

36. Trong hay ngoài đều chỉ là những khái niệm.

37. Luôn luôn kiểm tra lại tâm mình, tại sao nó làm điều này? Nó đang cảm nhận ra sao?

38. Tại sao tâm lại bất an thế này? Trước đó bạn đã làm gì? Hãy nhớ lại xem!!

39. Khi tâm bất an là lúc bạn thực sự rất cần hành thiền.

40. Tâm định tĩnh không phải vì đề mục bạn chọn mà vì có sự hứng thú, say mê, có thái độ chân chánh và có chánh niệm liên tục.

41. Nếu không thực hành nói chuyện trong chánh niệm ở trong thiền viện, bạn sẽ không thể nào thực hành nó ở bên ngoài được đâu. 

42. Mỗi khi bạn nghĩ rằng có chuyện rất quan trọng cần phải suy nghĩ, hãy dừng lại và tự hỏi mình xem nó có thực sự quan trọng hay không. Tại sao bạn lại muốn nghĩ đến thế?

43. Guồng cuốn của những căng thẳng, bức xúc (stress) trong công việc có thể chậm lại hay thậm chí dừng hẳn nếu mỗi giờ bạn dành ra một vài phút để thực hành niệm hơi thở – hay là tranh thủ thực hành ngay mỗi khi bạn có được chút ít thời gian rảnh rỗi.

44. Khi mới hành thiền, mọi người thường chưa có đức tin, hoặc có nhưng không đủ, để tiếp tục thực hành, vì vậy họ cần phải có rất nhiều động cơ. Để đức tin tăng trưởng cần phải có thời gian.

45. Những gì bạn nghĩ là hạnh phúc thực ra chỉ là đau khổ.

46. Để dính mắc phải biến mất hay để hiểu tại sao mình lại dính mắc, cái nào quan trọng hơn? Mong muốn loại bỏ một cái gì đó là sân (dosa).

47. Chánh niệm và trí tuệ sẽ tự động tiêu diệt phiền não; chúng ta chỉ có thể tạo nhân duyên, điều kiện thích hợp cho nó xảy ra mà thôi. Chúng ta cần phải nhận ra và chấp nhận phiền não.

48. Khi bạn cảm thấy tự tin rằng thế là mình đã hiểu được phiền não, khi đó chính là tâm si đang hoạt động.

49. Chúng ta phải học đi học lại những bài học của mình rất nhiều lần cho đến khi thực sự hiểu được thì mới xong.

50. Những gì bạn biết không bao giờ là đủ. Trí tuệ hiểu được những gì đang diễn ra và những gì cần phải làm. Trí tuệ sẽ tiếp tục lớn mạnh bằng rất nhiều cách khác nhau.

51. Càng chống đối lại những gì đang diễn ra và càng muốn thay đổi nó, mọi việc sẽ lại càng tệ hại hơn mà thôi.

52. Hãy nghĩ cách làm thế nào để chánh niệm được, chứ đừng nghĩ đến các kinh nghiệm (những điều mình thấy được hay muốn thấy được trong thiền). 

53. Ngay cả khi bạn e ngại, sợ hãi – hãy cứ tiếp tục đi.

54. Khi bạn buồn bực, bất an, mọi thứ đều trở thành những vấn đề khó khăn cả.

55. Chúng ta phải hành động. Nếu chúng ta không làm gì cả, những dòng suy nghĩ sẽ tiếp tục hoành hoành, làm mưa làm gió. Phiền não rất mạnh, chúng chạy rất nhanh, vì vậy trí tuệ cũng phải thật nhanh để bắt kịp được chúng.

56. Nếu muốn có được những hiểu biết thực sự, chúng ta phải thực hành trong những hoàn cảnh thực tế.

57. Quán chiếu, trạch pháp là đang sử dụng năng lực của trí tuệ.

58. Trí tuệ không bao giờ tin vào cái gì đó (tin vô căn cứ). Trí tuệ luôn luôn tìm hiểu, quán xét.

59.  Chúng ta sử dụng suy nghĩ, nhưng cái chúng ta cố gắng gặt hái được là trí tuệ. Bản thân suy nghĩ không phải là điểm chính; cái chính là những gì ở đằng sau những suy nghĩ ấy: ý nghĩa của nó, quan kiến đúng đắn và sự hiểu biết.

60. Hiểu biết được cách làm một điều gì đó chính là trí tuệ.

61. Chúng ta cần sử dụng khái niệm để nói về trí tuệ và thực tại. Khái niệm chế định và thực tại chân đế luôn luôn tồn tại cùng với nhau.

62. Những người hay dính mắc vào định cần phải được khuyến khích quán chiếu, tìm hiểu nhiều hơn.

63. Những người có tính cách tự nhiên là thông minh và hay tò mò thường tự động nhìn sâu hơn và sát hơn vào bất cứ những gì họ hay biết.

64. Trí tuệ không bao giờ dễ dãi, hời hợt hay coi nhẹ bất cứ điều gì; trí tuệ hiểu rằng nó luôn có thể tiến xa hơn nữa.

65. Nếu nghĩ rằng mọi việc sẽ dễ dàng, đơn giản thôi, nhất định bạn sẽ phải trả giá.

66. Bậc trí tuệ luôn luôn làm việc chăm chỉ hơn người.

67. Chỉ mong có một cuộc sống bình yên là lười biếng.

68. Hãy cẩn thận mỗi khi bạn hạ quyết tâm. Người ta thường chỉ quyết tâm làm mà chẳng hề nghĩ xem thực tế mình có khả năng làm được hay không.

69. Chúng ta không thể dừng phiền não lại, mà phải học cách làm việc với chúng. Những người hay chơi game điện tử biết rất rõ điều này. Họ phải giải quyết cho xong một vấn đề hay phải vượt qua một chỗ khó nào đó thì sau đó mới tiến lên được mức điểm cao hơn.

70. Chúng ta không thể dùng phiền não để đoạn trừ phiền não. Mỗi khi đối phó với phiền não, chúng ta cần có chánh niệm, hay biết nó – mà không can thiệp vào nó. Trước hết chúng ta cần nhận biết, quan sát và hiểu được những gì đang diễn ra. Mỗi khi gán nhãn cho nó là xấu xa, là chúng ta đã mời gọi tâm sân vào. Hãy luôn luôn kiểm tra lại thái độ của mình.

71. Cái cảm giác về “tôi” luôn luôn khởi lên, nhưng đối với tâm thì nó cũng chỉ là một đối tượng quan sát như bất cứ đối tượng nào khác. Bạn có thể học cách nhận biết sự có mặt hay vắng mặt của nó.

72.  Mỗi khi bạn để cho tâm lười biếng, phiền não sẽ tấn công ngay.

73.  Luôn luôn có ít nhất hai nguyên nhân chính tác động đến kinh nghiệm hiện tại của bạn: đà quán tính của những thói quen xấu và những gì bạn đang làm bây giờ.

74.  Mỗi lúc hiểu biết ra được điều gì đó, bạn sẽ kinh nghiệm được một cảm giác giải thoát.

75. Con người ta không muốn sống với mọi thứ y như nó đang là; mà luôn muốn sống với mọi thứ như là họ mong muốn.

76. Ngay cả làm một con người bình thường còn chưa xong, thì còn hy vọng gì đến tuệ giác cuả thiền vipassanā?

77. Bản chất của Pháp là như thế này: đạt được nó, bạn không thấy vui; mà không được thì cũng chẳng buồn. Nhiều thiền sinh cảm thấy vui sướng lắm khi có được một kinh nghiệm nhất định nào đó và rất buồn khi không đạt được nó. Đó không phải là thực hành pháp. Thực hành pháp không phải là để có được kinh nghiệm, thực hành pháp là để hiểu biết.

78. Có ba cách thấy: 1.thấy bằng mắt thịt; 2.thấy bằng tâm; 3.thấy qua một cái khác – cái thấy này chính là tuệ giác.

79. Mục đích thực sự là để hiểu biết (bản chất cuả) mọi sự việc. Khi đó hạnh phúc sẽ theo đến một cách tự nhiên.

80. Trong thiền vipassanā, chúng ta muốn biết cái gì đang diễn ra, tại sao nó diễn ra, và chúng ta nên làm gì với nó.

81. Lúc bạn muốn có sự an lạc là lúc bạn có vấn đề rắc rối. Mong muốn chính là rắc rối. Điều vô cùng quan trọng là bạn phải thực hành với thông tin đúng, với suy nghĩ đúng và thái độ đúng.

82. Mỗi khi bạn nóng lòng hay vội vàng muốn làm hay muốn biết cái gì đó, tâm sẽ bắt đầu tập trung, nhăm nhăm chú tâm và mong muốn kết quả.

83. Hiểu biết thực sự chỉ xảy đến đúng thời điểm của nó.

84.  Giữ giới là làm những gì nên làm và không làm những gì không nên làm.

85.  Cảm thọ (vedanā) là một động từ.

86.Thật là sai lầm khi cứ mong đợi người khác phải tôn trọng mình.

87. Hướng tâm đến đề mục đúng đắn[7] chính là chánh tư duy (sammā-sankappa).

88. Bạn không thể làm ra vẻ hay giả vờ là đã hiểu được Pháp; trình độ hiểu biết, trình độ tu tập của con người ta luôn luôn thể hiện ra qua hành động và lời ăn tiếng nói của họ.

89. Khi nào không có trí tuệ (paññā), khi ấy chỉ có tâm si (moha).

90. Khi hiểu rõ hơn về trí tuệ (paññā), khi ấy bạn sẽ hiểu rõ hơn về tâm si (moha).

91. Tưởng (saññā) và tuệ (paññā) làm việc đồng thời với nhau.

92. Niệm (sati) nhìn thấy những gì đang diễn ra, còn tuệ (paññā) biết cần phải làm gì.

93. Cả thế giới này vốn dĩ vẫn không công bằng. Con người ta làm việc xấu bởi vì họ không biết gì hơn thế, bởi vì tâm si.

94. Mong muốn người khác phải giống mình là một sự mong đợi ngu ngốc.

95. Tiến trình để có được sự hiểu biết thường là rất đau đớn.

96. Cố gắng giữ chặt sự chú ý của mình trên đối tượng quan sát là tinh tấn sai đường.

97. Bất cứ cái gì bạn nhận biết chỉ là đề mục (hay đối tượng quan sát). Tất cả đối tượng quan sát chỉ là những hiện tượng tự nhiên. Hãy để cho mọi việc tự diễn ra.  

98. Mỗi khi bạn đánh giá, phán xét cái này tốt cái kia xấu, khi ấy tâm si đang túm cổ bạn.

99. Dù bạn đã từng làm bao nhiêu việc bất thiện chăng nữa, trí tuệ vẫn có thể giải thoát bạn được ngay trong kiếp sống này. 

100. Bạn đã bao giờ có được những khoảnh khắc bình an hoàn toàn không mong cầu, không bất an lo lắng chưa?

101. Khi tâm cảm thấy hoan hỷ trong sự hiểu biết, nó sẽ có động lực để nhìn sâu hơn nữa.

102. Quán chiếu là quan sát những gì đang diễn ra để hiểu được bức tranh toàn cảnh.

103. Thiền là tu tập, phát triển những trạng thái tâm thiện.

104. Chánh niệm tự nhiên giống như việc lái xe; bạn biết cần phải làm gì, phải làm như thế nào và phải chú ý vào cái gì.

105. Cái gì đang diễn ra ngay hiện tại? 

106. Tại sao chúng ta ham muốn, thích thú cái này cái kia? Bởi vì chúng ta không nhìn thấy chúng như thực chúng đang là.

107. Thực tại thì không có phương hướng, thực tại chẳng đi đến nơi nào.

108.  Mọi sự diễn ra không phải vì bạn muốn chúng phải diễn ra mà bởi vì đúng nhân duyên.






TRÍCH : CHỈ MỖI CHÁNH NIỆM THÌ KHÔNG ĐỦ




0 nhận xét:

Đăng nhận xét