Này các thầy tỳ khưu...
Ðây là con đường duy nhất để thanh lọc (tâm) chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh Ðạo và chứng ngộ Niết Bàn. Ðó là Tứ Niệm Xứ (bốn cách quán sát).
Bốn cách quán sát đó là gì?
Này các thầy tỳ khưu, ở đây (theo lời dạy này). Tỳ khưu quán sát thân trong thân, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm, loại bỏ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời (trong thân).
Tỳ khưu quán sát thọ trong thọ, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm, loại trừ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời (trong thọ).
Tỳ khưu quán sát tâm trong tâm, tinh cần tỉnh giác và chánh niệm, loại trừ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời (trong tâm).
Tỳ khưu quán sát pháp trong pháp, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm, loại trừ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời (trong pháp).
-ooOoo-
Hôm nay tôi sẽ giải thích tóm lược cho các bạn về Kinh Ðại Niệm Xứ. Các bạn đã thực hành Thiền Minh Sát nhiều năm nên cần phải hiểu rõ Kinh Ðại Niệm Xứ. Ðể các bạn hiểu rõ Kinh Ðại Niệm Xứ nên mỗi buổi sáng trong các khóa thiền minh sát tôi thường cho các bạn đọc lại đoạn tóm lược về Kinh Ðại Niệm Xứ trên. Ðây là một đoạn kinh được trích từ Kinh Ðại Niệm Xứ. Mặc dầu đây chỉ là đoạn tóm lược Kinh Ðại Niệm Xứ, nhưng đoạn kinh này rất quan trọng đối với các thiền sinh hành Thiền Minh Sát. Có hiểu rõ ràng, chính xác Kinh Ðại Niệm Xứ thiền sinh mới có thể hành thiền đúng đắn và có kết quả tốt đẹp. Nếu không hiểu rõ Kinh Ðại Niệm Xứ, thiền sinh sẽ không biết cách hành thiền, do đó sẽ hành thiền sai lạc và không đạt kết quả.
Chúng ta đã biết phương pháp hành Thiền Minh Sát hay Thiền Tứ Niệm Xứ là phương pháp hành thiền do chính Ðức Phật khám phá ra. Ðức Phật đã tự mình thực hành Tứ Niệm Xứ, và sau khi đạt được kết quả tốt đẹp, Ngài đã đem phương pháp này ra dạy dỗ trong suốt bốn mươi lăm năm. Trong suốt bốn mươi lăm năm này Ðức Phật đã giảng giải Kinh Ðại Niệm Xứ nhiều lần. Sau khi Ðức Phật niết bàn, phương pháp hành Thiền Minh Sát đã được chư tăng đọc tụng lại và sau đó đã được ghi lại bằng chữ viết và xếp vào Tạng Kinh. Những người hành Thiền Minh Sát một cách nghiêm túc phải dựa trên căn bản của đoạn kinh này hay dựa trên toàn thể Kinh Ðại Niệm Xứ để thực hành.
Ðọan kinh trên được trích từ Kinh Ðại Niệm Xứ. Tiếng Pàli gọi tên bài kinh này là Maha Satipatthana Sutta (Ðại Niệm Xứ), có nghĩa là:"Bài pháp bàn về căn bản của sự chánh niệm" hay"Bài pháp bàn về sự thiết lập chánh niệm". Trong bài kinh Maha Satipatthana Sutta (Ðại Niệm Xứ) này, Ðức Phật dạy cách thực hành Thiền Tứ Niệm Xứ hay Thiền Minh Sát. Theo lời dạy trong kinh, có bốn căn bản, hay bốn lãnh vực, hoặc bốn nơi để thiết lập chánh niệm. Chữ sati được định nghĩa và giải thích trong chú giải có nghĩa là: Chánh niệm được thiết lập một cách vững chắc. Chánh niệm mạnh mẽ đi vào đối tượng, bao trùm đối tượng và thiết lập trên đối tượng một cách vững chắc. Ðặc tính của chánh niệm là không hời hợt, trôi nổi trên bề mặt mà phải chìm sâu vào đối tượng. Chú giải giải thích là chánh niệm không phải chỉ hời hợt trên bề mặt như một vật nhẹ nổi trên mặt nước mà phải chìm sâu vào đối tượng như một viên sỏi chìm sâu trong nước. Khi thực tập Thiền Minh Sát, chúng ta phải thiết lập chánh niệm vững chắc trên đề mục chánh hay trên đề mục nổi bật trong hiện tại.
Ta hãy xét từng câu của đoạn kinh này:
Ý nghĩa chữ Bhikkhu (tỳ khưu)
Ðức Phật thường gọi các tu sĩ là Bhikkhu (tỳ khưu). Bhikkhu. Bhikkhu có nhiều nghĩa trong đó có một nghĩa là khất sĩ, là những người xin ăn. Nhưng xin ăn ở đây không có nghĩa như xin ăn thông thường. Lúc đi khất thực thầy tỳ khưu đứng trước nhà thí chủ và không hỏi xin gì cả. Người thí chủ có tâm thành tự nguyện đem thực phẩm cúng dường cho vị khất sĩ để tạo duyên lớnh. Như vậy Bhikkhu là vị khất sĩ cao thượng hay vị khất sĩ thánh thiện chứ không phải là người xin ăn thông thường. Chữ Tỳ khưu còn có nghĩa là những người thấy rõ hiểm nguy trong sanh tử luân hồi. Căn cứ trên định nghĩa này thì không phải chỉ có nhà sư mới được gọi là Tỳ Khưu mà bất kỳ người cư sĩ nào thấy rõ hiểm nguy của sanh tử luân hồi đều được gọi là Tỳ khưu. Bởi vậy, trong khi giảng giải Kinh Ðại Niệm Xứ tôi thường dùng chữ Tỳ khưu mà không dùng chữ Nhà Sư; bởi vì nếu tôi dùng chữ Nhà Sư để dịch chữ Bhikkhu thì một số người sẽ nghĩ rằng kinh này chỉ dành riêng cho Nhà Sư mà thôi. Tại sao Ðức Phật thường dùng chữ Bhikkhu trong các bài giảng của Ngài? Bởi vì Ðức Phật sống trong tu viện với các Thầy Tỳ Khưu nên mỗi khi dạy đạo, Ngài gọi các thầy là Bhikkhu. Dĩ nhiên lúc Ngài dạy đạo, trong chùa cũng có một số cư sĩ, nhưng phần lớn vẫn là các Tỳ Khưu tu tập dưới sự hướng dẫn của Ngài. Ðó là lý do tại sao Ðức Phật thường dùng chữ Bhikkhu. Có lúc Ðức Phật cũng dùng chữ Bhikkhave.
Kinh Ðại Niệm Xứ được thuyết tại xứ Kuru, một xứ gần New Delhi, Ấn Ðộ ngày nay. Lúc kinh được thuyết ra, có rất nhiều cư sĩ nghe và hành theo. Theo chú giải thì dân chúng trong Xứ Kuru tinh tấn thực hành Tứ Niệm Xứ. Khi gặp nhau họ thường hỏi: Trong bốn pháp chánh niệm của Tứ Niệm Xứ, bạn thực hành pháp nào? Nếu người được hỏi trả lời không, thì dân xứ đó sẽ khiển trách và bắt đầu dạy họ cách hành thiền. Nhưng nếu họ trả lời rằng họ đã quán sát thân, quán sát thọ... như thế này, thế này... thì họ sẽ được mọi người khen ngợi: "Lành thay! Lành thay! Ðời sống bạn thật nhiều phúc lạc, thật giá trị. Bạn đã sử dụng tốt đẹp kiếp sống làm người của mình. Chính vì những người như bạn mà Ðức Phật đã xuất hiện trên thế gian này". Như vậy, khi dùng chữ Bhikkhu không có nghĩa là Ðức Phật không nói đến những người không phải là tu sĩ. Bất kỳ ai chấp nhận và thực hành những lời dạy của Ðức Phật đều được gọi là Bhikkhu. Bởi vậy, khi Ðức Phật nói: "Này các thầy tỳ khưu" thì phải được hiểu là cả tăng, ni và người tại gia cư sĩ đều được nói đến.
Ðây là con đường duy nhất
Chữ "Ðây" ở đây là Thiền Minh Sát hay Tứ Niệm Xứ. Như vậy câu này được hiểu là:Thiền Minh Sát là con đường duy nhất...
Muốn hiểu rõ câu này bạn phải hiểu danh từ Pàli về chữ "Con đường duy nhất". Tiếng Pàli gọi con đường duy nhất là "ekàyàna". Eka có nghĩa là một, và ayàna có nghĩa là con đường. Vậy ekàyana có nghĩa là một con đường. Chữ "ekà-yana" được giải nghĩa theo năm cách.
- Nghĩa đầu tiên là: Ðây là con đường "đơn độc'' không có ngã rẽ. Vì không có ngã rẽ nên khi đi trên con đường này bạn được bảo đảm từ lúc bắt đầu cho đến lúc giải thoát.
- Nghĩa thứ hai là: Phải đi "một mình'' trên con đường này. Trong lúc hành thiền bạn phải thực hiện hành trình một cách đơn độc, không người đồng hành. Bạn có thể ở trong nhóm, bạn có thể ở trong một khóa thiền tập, nhưng thật sự bạn đi trên con đường riêng của mình. Bạn đơn độc. Không ai đi chung với bạn. Không ai có thể ban tặng cho bạn sự định tâm và trí tuệ của họ, và bạn cũng không thể tặng sự định tâm và trí tuệ của bạn cho ai được cả. Bởi vậy, mặc dầu bạn có thể ở chung nhóm, nhưng thật ra bạn đang hành thiền một mình. Do đó, đây là con đường "duy nhất", "con đường bạn phải đi một mình".
- Nghĩa thứ ba: "Ðây là con đường của một Ðấng". "Con đường của một Ðấng" có nghĩa là "con đường của Ðấng Cao Thượng". Ðức Phật là người cao thượng nhất trong tất cả chúng sanh nên tôn xưng Ngài là một Ðấng. Ðây là con đường do Ðức Phật khám phá và dạy dỗ cho chúng sanh. Ðức Phật là chúng sanh đầu tiên tìm ra con đường này. Bởi thế được gọi: "Ðây là con đường của một Ðấng".
- Nghĩa thứ tư: "Ðây là con đường duy nhất" vì con đường này chỉ dẫn đến một mục tiêu duy nhất, (đó là Niết Bàn); bởi thế khi đi trên con đường này chắc chắn bạn sẽ đạt đến mục tiêu. Niết Bàn là mục tiêu duy nhất mà bạn đạt đến khi bạn đi trên con đường này.
- Nghĩa thứ năm: "Ðây là con đường duy nhất đưa đến Niết bàn", con đường duy nhất để thanh lọc tâm chúng sanh, không có con đường nào khác. Satipat-thàna hay con đường chánh niệm là con đường duy nhất đưa đến Niết Bàn, chấm dứt đau khổ, hủy diệt mọi phiền não.
Về con đường duy nhất, có một vấn đề được nêu ra ở đây:
Khi nói "Ðây là con đường duy nhất" thì chữ "duy nhất" hay "chỉ có một" ở đây là để chỉ cho Thiền Minh Sát hay Tứ Niệm Xứ có nghĩa là Chánh Niệm là con đường duy nhất. Nhưng Chánh Niệm là một yếu tố của Bát Chánh Ðạo. Phải chăng những yếu tố khác trong Bát Chánh Ðạo không phải là con đường để thanh lọc tâm chúng sanh hay sao? Câu trả lời là: Những yếu tố khác của Bát Chánh Ðạo cũng là những yếu tố trong con đường để thanh lọc tâm chúng sanh, nhưng con đường này không thể thiếu vắng chánh niệm. Khi chánh niệm được đề cập đến thì những yếu tố kia cũng được đề cập đến. Như vậy, dầu cho một mình chánh niệm được nói đến nhưng ta phải hiểu rằng: một khi nói đến chánh niệm thì bảy yếu tố kia của Bát Chánh Ðạo cũng bao gồm trong đó rồi.
Chánh niệm là con đường duy nhất để đạt Niết Bàn, nhưng chánh niệm được thực hành qua nhiều cách khác nhau, có thể niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp hay niệm từng phần của cơ thể v.v... Kinh Ðại Niệm Xứ nói đến hai mươi mốt cách thực hành khác nhau để chúng ta lựa chọn. Như vậy, tôi nghĩ rằng khi nói: "Ðây là con đường duy nhất" quả không sai.
Chánh niệm ví như một người lính gác. Nếu không có lính gác, ai cũng có thể đi vào cổng một cách tự do, không kiểm soát được. Như vậy, bao lâu chánh niệm còn kiểm soát, ngăn giữ các giác quan thì tâm chúng ta còn trong sáng. Bởi vì chánh niệm đang ở ngay các cửa giác quan để canh gác nên không một tâm sở bất thiện nào có thể đi vào tâm chúng ta. Khi chánh niệm không còn canh giữ các giác quan, chánh niệm đã dời đi nơi khác hay chúng ta mất chánh niệm thì mọi phiền não sẽ đi vào. Như vậy, chánh niệm là con đường duy nhất giữ cho tâm trong sạch.
Người ta thường tranh luận với nhau về chữ Pàli "ekayano" (một con đường). Nhưng trong kinh Pháp Cú, Ðức Phật nói rất rõ ràng rằng: "Ðây là con đường duy nhất và không có con đường nào khác để thanh lọc chúng sanh." Như vậy, chúng ta không thể cho rằng Ðức Phật đã nói còn có một con đường khác. Ðức Phật đã nhấn mạnh: "Ðây là con đường duy nhất" bởi vậy, tôi nghĩ chúng ta phải chấp nhận rằng chỉ có một con đường duy nhất để thanh lọc chúng sanh mà thôi. Nếu lấy sự thực tập để minh chứng, chắc chắn chúng ta sẽ thấy rõ ràng hơn. Khi bạn cố gắng tích cực hành thiền bạn sẽ thấy rõ ràng chánh niệm là con đường duy nhất. Cần ghi nhận một điều ở đây: Chánh niệm là yếu tố chủ yếu trong Bát Chánh Ðạo, con đường dẫn đến nơi thoát khổ. Khi Ðức Phật nói trong kinh pháp cú: Bát Chánh Ðạo là con đường duy nhất, thì cũng có nghĩa: Chánh niệm là con đường duy nhất vậy.
Ðây là con đường duy nhất để thanh lọc chúng sanh
Nghĩa là để thanh lọc "tâm" chúng sanh. Tâm của tất cả chúng sanh bị ô nhiễm bởi nhiều loại phiền não. Tâm chúng ta hầu như không lúc nào trong sạch, luôn luôn bị tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn chế ngự. Các loại phiền não này làm ô nhiễm tâm ta. Thiền Minh Sát giúp chúng ta thanh lọc tâm. Ðây là con đường duy nhất để thanh lọc tâm mọi chúng sanh. Trong khi bạn thực hành Thiền Minh Sát thì các phiền não như tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn vv... tạm thời vắng bóng. Khi bạn đạt đến cứu cánh Niết bàn thì tâm bạn hoàn toàn thoát ly khỏi mọi phiền não. Ði trên đường này chúng ta sẽ đạt đến tầng mức giác ngộ cao nhất và tâm sẽ hoàn toàn trong sạch.
Thanh lọc ở đây là thanh lọc tâm chúng sanh, bởi vì Ðức Phật quan tâm đến việc thanh lọc tâm hơn là cơ thể vật chất. Ðiều này không có nghĩa là Ðức Phật bảo chúng ta không nên chú trọng đến thân thể, không giữ cho thân thể sạch sẽ, nhưng điều quan trọng mà Ðức Phật muốn nói đến là giữ tâm trong sạch. Bởi vậy thanh lọc chúng sanh ở đây có nghĩa là thanh lọc tâm chúng sanh. Trong chú giải Ðức Phật dạy chúng ta phải giữ gìn sạch sẽ vì sạch sẽ giúp cho chánh niệm và trí tuệ phát triển: Sạch sẽ gồm có sạch sẽ bên trong và sạch sẽ bên ngoài. Sạch sẽ bên trong là giữ gìn cơ thể sạch sẽ. Sạch sẽ bên ngoài là giữ gìn y phục, đồ đạc, nơi ăn chốn ở sạch sẽ. Bởi vì sạch sẽ giúp cho chánh niệm và trí tuệ phát triển nên chúng ta cần giữ cơ thể và nơi hành thiền sạch sẽ. Sạch sẽ là yếu tố cần thiết trong việc vun bồi, phát triển định và huệ. Mặc dầu chúng ta không chểnh mảng trong việc giữ gìn cơ thể sạch sẽ. Nhưng, như thế chưa đủ, chúng ta phải quan tâm nhiều hơn nữa trong việc giữ gìn tâm trong sạch. Bởi thế, Ðức Phật ốói chánh niệm là con đường duy nhất để thanh lọc tâm chúng sanh.
Ðây là con đường duy nhất để chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc
Muốn chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc chúng ta phải thực hành chánh niệm. Lo âu phiền muộn là một tâm sở, uất ức than khóc là: 'vừa phiền muộn vừa khóc ra tiếng và vừa than thở'. Ðể chế ngự lo âu phiền muộn chúng ta phải thực hành Thiền Minh Sát. Khi hành Thiền Minh Sát bạn phải nhận biết mọi chuyện xảy ra nơi bạn. Bạn phải ghi nhận mỗi một chuyện đến với bạn trong giây phút hiện tại. Khi bạn nhận biết mọi chuyện, khi bạn quán sát mọi chuyện trong lúc hành thiền thì phiền não không thể sanh khởi. Khi đạt đến tầng mức cuối cùng là A La Hán thì mọi lo âu phiền muộn, uất ức than khóc của bạn đều bị tận diệt. Rất nhiều người nhờ hành Thiền Minh Sát mà lo âu phiền muộn, uất ức than khóc được chế ngự.
Ðây là con đường duy nhất để diệt khổ thân và khổ tâm
Khổ thân ở đây là sự đau nhức trong cơ thể, những sự khó chịu trong thân, và khổ tâm là tâm đau khổ, xuống tinh thần, thất vọng, giận dữ, ghét bỏ v.v... Khi ngồi thiền một thời gian lâu bạn cảm thấy đau nhức. Lúc đầu có thể bạn không chế ngự được đau nhức, nhưng nếu bạn kiên nhẫn quán sát hay ghi nhận sự đau, và khi tâm định của bạn mạnh mẽ thì đau nhức sẽ biến mất và bạn chế ngự được cơn đau. Có thể sự đau nhức kéo dài nhưng nhờ chánh niệm bạn có thể sống với cơn đau và chấp nhận sự đau nhức. Như Ðại Ðức Anuruddha nói: "Khi bạn có thể sống với sự đau nhức, chấp nhận đau nhức thì tâm của bạn sẽ không bị quấy nhiểu, loạn động. Một khi tâm bạn không còn bị quấy nhiểu bởi sự đau nhức của cơ thể thì có thể nói đau nhức không còn nữa." Như vậy, muốn loại trừ hay chế ngự khổ thân chúng ta phải hành Thiền Minh Sát. Bạn cũng có thể chế ngự được khổ tâm: xuống tinh thần, thất vọng, giận dữ, ghét bỏ v.v... nhờ hành Thiền Minh Sát. Và khi việc hành thiền của bạn tiến triển, tâm bạn đạt đến tầng mức cao nhất thì khổ thân và khổ tâm sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Khổ tâm là một tâm sở, lo âu phiền muộn cũng là một tâm sở. Chúng luôn luôn liên kết với nhau. Bạn có thể chế ngự, loại trừ hay tránh xa những tâm sở bất thiện này nhờ hành Thiền Minh Sát.
Mỗi thời điểm tâm chỉ nhận một đối tượng. Tâm không thể nhận hai đối tượng cùng lúc. Tôi nghĩ rằng chúng ta thật may mắn khi tâm chỉ ghi nhận được một đối tượng. Nếu tâm có thể nhận hai hay nhiều đối tượng một lúc thì đau khổ của chúng ta còn lớn hơn nhiều. Nhờ ở chỗ mỗi thời điểm tâm chỉ ghi nhận một đối tượng nên chúng ta mới có thể chế ngự khổ tâm và lo âu phiền muộn bằng cách thực hành Thiền Minh Sát. Lấy sự sân hận làm thí dụ. Chẳng hạn tôi đang giận ông A. Càng nghĩ đến ông A thì cơn giận tôi càng gia tăng. Cơn giận của tôi tăng mãi bởi vì tôi đã lấy ông A làm đối tượng cho tâm. Nhưng khi tôi đã chuyển tâm tôi từ sự nghĩ đến ông A, nguồn gốc của sự giận dữ sang chính sự giận dữ. Nghĩa là thay vì chú tâm vào ông A, tôi chú tâm vào chính sự giận dữ. Vào lúc tôi chuyển sự chú tâm vào chính sự giận dữ thì lúc lấy ông A không còn hiện diện trong tâm tôi nữa. tng A, đối tượng của sự giận dữ, không còn ở trong tâm tôi nữa thì sự giận dữ cũng biến mất luôn. Ðây là phương cách có hiệu quả để điều phục những tâm sở bất thiện. Phương pháp này có vẻ đơn giản nhưng rất hiệu quả vì chúng ta đã áp dụng chánh niệm một cách mạnh mẽ để đối trị với phiền não. Ðây là phương pháp tốt đẹp giúp chúng ta đương đầu với các phiền não như tham ái, dính mắc, sân hận, ghét bỏ, xuống tinh thần, lo âu, phiền muộn v.v... Bất kỳ tâm sở gì khởi sinh chúg ta cũng có thể điều phục chúng bằng chánh niệm. khi chánh niệm của ta mạnh mẽ thì những tâm sở bất thiện trên chắc chắn sẽ biến mất. Bởi thế Ðức Phật dạy: Ðây là con đường duy nhất để thanh lọc (tâm) chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc.
Ðây là con đường duy nhất để đạt Thánh Ðạo...
Khi đọc sách về Phật Giáo bạn sẽ gặp chữ Ðạo nhiều lần. Ðôi lúc chữ Ðạo được viết bằng chữ thường nhưng phần lớn được viết bằng chữ Hoa. Ðạo là một từ kỹ thuật để chỉ cho một nhóm gồm tám yếu tố hay còn gọi là Bát Chánh Ðạo (Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định). Tám chi của Bát Chánh Ðạo khởi sinh vào lúc Ðạt Thánh Ðạo hay Giác Ngộ. Vào lúc Ðạt Thánh Ðạo hay Giác Ngộ, tám yếu tố của Bát Chánh Ðạo cùng khởi sanh với một tâm được gọi là "Ðạo Tâm". Chữ Giác Ngộ là một từ kỹ thuật khó hiểu. Người ta đã dùng chữ Giác Ngộ một cách tự do, thoải mái, nhưng chỉ một ít có thể thực sự hiểu được chữ này. Nếu không có một định nghĩa đúng về chữ Giác Ngộ chúng ta sẽ hiểu sai lạc ngay. Tùy theo người dùng, tùy theo tôn giáo chữ Giác Ngộ được hiểu nghĩa khác nhau. Chữ Giác Ngộ trong Ðạo Phật khác hẵn chữ Giác Ngộ trong Thiên Chúa Giáo và khác hẵn chữ Giác Ngộ được dùng trong các đảng phái và học thuyết chính trị v.v...
Nói đến Giác Ngộ, chúng ta cần biết Giác Ngộ là gì. Theo Phật Giáo, Giác Ngộ có nghĩa là: "cùng lúc loại trừ phiền não và trực tiếp thấy rõ Niết Bàn, thấy rõ Niết Bàn như mặt đối mặt với Niết Bàn." Ðối với một thiền sinh hành Thiền Minh Sát, khi họ có tiến bộ từ thấp lên cao, ngày càng đạt được các tuệ giác cao hơn. Nhờ liên tục tinh tấn hành thiền như vậy, đến một lúc nào đó, một loại tâm từ trước đến nay chưa từng có, xuất hiện trong tâm họ. Tâm này, được đi kèm với một số tâm sở thích hợp, có một cường lực cực kỳ mạnh mẽ loại trừ tận gốc phiền não, và phiền não nào đã được loại trừ sẽ không trở lại nữa, cùng lúc tâm lấy Niết Bàn làm đối tượng. Như vậy, Giác Ngộ hay Ðạt Thánh Ðạo là những gì xảy ra vào thời điểm ấy - vào thời điểm mà tâm này khởi sinh, loại trừ phiền não và lấy Niết Bàn làm đối tượng. Tâm này gọi là Ðạo Tâm. Như vậy, để đạt Thánh Ðạo chỉ có nghĩa đơn giản là Giác Ngộ. Vào lúc bạn thật sự đạt Thánh Ðạo, bạn Giác Ngộ, loại trừ phiền não và lấy Niết Bàm làm đối tượng. Có bốn thánh đạo hay bốn tầng mức giác ngộ, nên cũng có bốn loại đạo tâm. Mỗi đạo tâm tận diệt hay làm suy yếu một số phiền não và khi đạt đến đạo tâm thứ tư thì tất cả mọi phiền não đều bị tận diệt. Muốn đạt Thánh Ðạo, đạt được loại tâm có khả năng tận diệt mọi loại phiền não này chỉ có Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất.
Ðây là con đường duy nhất để chứng ngộ Niết Bàn.
Chứng Ngộ Niết Bàn hay Ðạt Thánh Ðạo là một. Chúng ta có thể nói Ðạt Thánh Ðạo nghĩa là Ðạt Ðạo Tâm và Chứng Ngộ Niết Bàn là Ðạt Ðạo Quả. Sau Ðạo Tâm thì Quả Tâm đến ngay. Tức khắc theo sau Ðạo Tâm là hai hay ba sát na của Quả Tâm. Nếu có sự hiểu biết chút ít về Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) thì bạn sẽ hiểu rõ ràng về vấn đề này. Cần phải nói thêm là cả Ðạo Tâm và Quả Tâm đều lấy Niết Bàn làm đối tượng và "thấy" Niết Bàn một cách trực tiếp. Cả hai thời điểm trên đều được gọi là thời điểm Chứng Ngộ Niết Bàn.
Tóm lại, Ðức Phật đã dạy chúng ta Chánh Niệm là con đường duy nhất để thanh lọc (tâm) chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh Ðạo và chứng ngộ Niết Bàn. Ðó là Tứ Niệm Xứ (bốn cách quán sát, ).
Con Ðường Ðó là Tứ Niệm Xứ (bốn nền tảng của Pháp Minh Sát hay Chánh Niệm).
Chúng ta cần tìm hiểu các chữ "nền tảng" và "chánh niệm". Trước tiên cần biết thế nào là chánh niệm. Tất cả chúng ta đều đã hành thiền nhiều năm, nhưng đôi khi có ai hỏi: Thế nào là chánh niệm chúng ta có thể trả lời không xác đáng. Chánh niệm hay Minh sát được dịch từ chữ Pàli "Sati", và bài kinh này được gọi là "Satipatthàna". Ta có chữ Sati ở đây. Ta dịch Sati là "Chánh Niệm" hay "Minh Sát" (chú tâm quán sát một cách rõ ràng, tinh tường). Khó có thể tìm một chữ nào để dịch đúng hơn. Theo nguyên ngữ, Sati có nghĩa là "nhà", nhưng theo nghĩa thông thường thì Sati có nghĩa rộng hơn và bao trùm hơn chỉ là sự nhà suông. Chú giải định nghĩa Sati là nhà, nhưng đặc tính của nó là không hời hợt, có nghĩa là không trôi nổi trên bề mặt. Nếu đúng là Sati thì nó phải không hời hợt, bề mặt mà phải đi sâu vào đối tượng. Bởi vậy, tôi thường hay nhắc nhở các thiền sinh là hãy "ý thức trọn vẹn đối tượng" hay hãy "ý thức xuyên suốt đối tượng". Sati có công năng (hay đem đến kết quả) là không bỏ mất đối tượng. Bao lâu chúng ta có Sati hay có Minh Sát thì chúng ta không bỏ mất đối tượng, không quên đối tượng. Chánh Niệm hay Minh Sát chẳng khác nào một người gác cửa đang đứng tại cửa kiểm soát người ra kẻ vào.
"Nền tảng" hay "căn bản" của Chánh niệm, thực sự có nghĩa là "thiết lập" hay hay "xây dựng", "thiết lập vững chắc chánh niệm", "chánh niệm được xây dựng vững chắc". ChữSatipatthàna được dịch là "nền tảng của chánh niệm", "nền tảng của minh sát", nhưng phải hiểu đó là sự thiết lập chánh niệm một cách vững chắc, một cách kiên cố. Trong Kinh Ðại Niệm Xứ này, Ðức Phật nói đến bốn nền tảng của chánh niệm hay bốn nền tảng của minh sát. Khi hành Thiền Minh Sát trong một khóa thiền như thế này, các bạn thực hành tất cả bốn nền tảng. Nhưng không phải bạn thực tập tuần tự từng căn bản một như kinh điển đã ghi ra mà tùy theo sự hiện diện của đề mục, bạn áp dụng một loại nền tảng hay phương cách chánh niệm thích hợp. Trong thực hành bạn phải chánh niệm trên đối tượng hiện tại. Bạn không thể bỏ qua đối tượng hiện tại. Ðối tượng hiện tại có lúc là Thân, có lúc là Thọ, có lúc là Tâm và có lúc là Pháp. Ðối tượng nào nổi bật trong hiện tại thì chú tâm minh sát vào đối tượng đó. Bạn phải chú tâm chánh niệm vào đề mục đang hiện diện, đừng lựa chọn. Ðó là lý do tại sao Thiền Minh Sát còn được gọi là "sự ý thức không lựa chọn". Ðiều này có nghĩa là khi hành thiền bạn không đưọc lựa chọn đề mục mà hãy chú tâm minh sát những gì đang xuất hiện trong hiện tại.
Sau khi cho biết ích lợi của việc hành Thiền Minh Sát, Ðức Phật chỉ dẫn tóm lược cho chúng ta cách hành thiền theo bốn căn bản của sự minh sát. Bốn căn bản đó là gì?
Tỳ khưu quán sát thân trong thân, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm, loại bỏ mọi tham ái và ưu phiền (sân hận) trong cõi đời (trong thân).
Ðây chỉ là một câu vắn tắt nhưng có nhiều ý nghĩa.
"Chánh niệm hay quán sát thân trong thân": Có nghĩa là khi Tỳ Khưu thực hành chánh niệm quán sát thân thì Tỳ Khưu phải quán sát một cách thật tinh tế, thật chính xác rõ ràng. Tỳ Khưu quán sát hay minh sát thân trên thân chứ không quán sát cảm giác trên thân hoặc quán sát con người trên thân v.v... Ðức Phật lập lại chữ thân, thọ, tâm, pháp là để nhấn mạnh rằng khi quán sát đối tượng Tỳ Khưu phải quán sát một cách tinh tế, chính xác. Khi quán sát thân, Thầy Tỳ Khưu phải tinh tấn, Thầy Tỳ Khưu phải có ý thức sáng suốt (tỉnh giác) và Thầy Tỳ Khưu phải chánh niệm. Tinh tấn được dịch từ chữ "àtàpì". Thông thường khi một chữ được dịch sang ngôn ngữ khác thì bị đánh mất một ít ý nghĩa. Nguyên gốc àtàpi là àtàpà. Àtàpà có nghĩa là "sức nóng của mặt trời". Sức nóng của mặt trời có thể làm cho các vật bị nung nóng lên. Những vật nào bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt sẽ bị héo úa và có thể bị cháy luôn. Cũng vậy, sự tinh tấn sẽ nung nóng hay đốt cháy phiền não. Trong tiếng Pàli, tinh tấn được gọi là àtàpa, và người có tinh tấn được gọi là àtàpì, chữ "ì"chỉ cho sự sở hữu, sự có. Như vậy, một người có àtàpa được gọi là àtàpì. Khi đọc kinh điển tiếng Pàli, đọc đến chữ àtàpi thì trong tâm ta sẽ có hình ảnh một ngọn lửa tinh tấn đang đốt cháy phiền não. Khi dịch chữ àtàpì hay àtàpa sang nghĩa tinh tấn hay tinh cần ta đã đánh mất hình ảnh ngọn lửa này. Như vậy, àtàpì có nghĩa là người có nỗ lực thật sự, không phải là người thiếu nỗ lực. Người này đã nỗ lực chánh niệm thật sự, và người này có ý thức sáng suốt.
Khi Ðức Phật còn là Bồ Tát, Ngài ngồi dưới cội cây Bồ Ðề và có tâm nguyện thật vững chắc: "Dầu cho máu cạn, thịt khô, và thân này chỉ còn da bọc lấy gân xương, ta sẽ không rời khỏi chỗ này nếu không giác ngộ, ta sẽ nỗ lực tinh tấn cho đến khi đạt thành chí nguyện." Sự nỗ lực tinh tấn như thế mới gọi là Chánh Tinh Tấn. Như vậy, muốn có Chánh Tinh Tấn phải có một ý chí dũng cảm, quyết tâm thực sự, và sự dũng cảm tinh tấn này là để thiêu đốt phiền não. Chữ àtàpì bao gồm tất cả những nỗ lực tinh tấn mà ta đã đề cập đến. Chánh Tinh Tấn ở đây là Chánh Tinh Tấn trong Bát Chánh Ðạo. Chánh Tinh Tấn phải trong ý nghĩa nỗ lực thiêu đốt phiền não, loại trừ những tâm sở bất thiện bằng cách vun bồi những tâm sở thiện. Các bạn đã thể hiện nỗ lực tinh tấn bằng cách đến đây tham dự một khóa thiền dài hạn như thế này. Nhưng không phải chỉ tham dự khóa thiền là đủ, bạn phải thực tâm nỗ lực tinh tấn trong suốt khóa thiền. Chỉ có nỗ lực tinh tấn liên tục, bạn mới có thể ngăn chặn và loại trừ các tâm sở bất thiện, vun bồi tâm sở thiện. Trong bài kinh này, Ðức Phật đã dùng chữ àtàpi để chỉ những vị Tỳ Khưu, tức là những ai thấy rõ sự khổ trong vòng luân hồi nỗ lực tinh tấn hành Thiền Minh Sát, và sự nỗ lực tinh tấn này là để đốt cháy phiền não.
Hòa thượng Silananda giảng
Tỳ kheo Khánh Hỷ soạn dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét