1.Thời gian
Sắp xếp thời gian đều đặn sáng, tối trước khi đi ngủ hoặc sau khi ngủ dậy là tốt nhất, nếu không có thời gian thì nên ngồi thiền ít nhất 1 lần/ ngày, tuy nhiên không nên ngồi thiền khi bụng còn quá no.
Lưu ý không phải ngồi thiền mới là thiền, thiền là khi bạn quay vào quan sát các hiện tượng thân tâm, và bạn cần nhắc nhở mình thực hành suốt cả ngày.
Thời gian 1 lần ngồi tùy theo khả năng và thời gian, nhưng tối thiểu là 30 phút và không nhiều hơn 1h30
2.Địa điểm
Không nên ngồi thiền nơi quá chói sáng hoặc quá tối, nơi đông người bạn có thể thiền mở mắt, nơi yên tĩnh phù hợp hơn cho người mới thực hành nhưng không nên quá chấp chặt vào sự tĩnh lặng để cho tâm làm quen với việc hành thiền mọi lúc, mọi nơi
3.Chuẩn bị:
Không nên mặc quần áo bó chặt gây khó chịu, nhưng cũng không nên mặc quần áo thiếu trang nghiêm khi ngồi trước bàn thờ Phật. Không nên ăn quá no trước khi ngồi thiền
4.Cách ngồi thiền
Có thể ngồi không hoặc có gối kê giúp lưng thẳng, tọa cụ nên đơn giản và dễ vận chuyển theo mỗi khi bạn đi nhiều nơi. Tư thế ngồi trong thiền TNX không bắt buộc bạn phải ngồi kiết già hay bán già, bạn có thể ngồi 2 chân quặt ra sau, hoặc 2 chân song song không đè lên nhau cũng được, miễn là lưng thẳng nhưng không cứng nhắc cũng không xiêu vẹo, ngồi sao cho thoải mái và dễ chịu và cố định nhất.
Hai tay thả nhẹ xuôi xuống và đặt lên nhau, khẽ nhắm mắt lại nhưng không nên nhắm quá chặt, mới tập có thể để ánh sáng lọt vào cho đỡ hôn trầm buồn ngủ
CHÁNH NIỆM TỪNG KHOẢNH KHẮC
Thiền sư U Tejaniya
Vậy chúng ta hành thiền khi nào? liệu chúng ta chỉ hành thiền khi có mặt ở thiền đường thôi sao? Chúng ta cần hành thiền ở mọi nơi, từ khi thức dậy cho tới khi đi ngủ. Liệu chúng ta có thể hành thiền trong nhà tắm hay không? Điều đó có nghĩa là không chỉ ngồi và mơ ngủ khi đi vệ sinh! Nhớ là luôn hay biết mọi lúc khi chúng ta ở thiền đường, trong khi đi thiền hành, khi đánh răng, khi rửa mặt, khi tắm, khi làm vệ sinh, khi đọc, khi nói chuyện, khi treo quần áo hay các hoạt động thường ngày khác.
Do chúng ta phải thực hành liên tục suốt cả ngày nên không cần thiết phải tiêu tốn quá nhiều năng lượng trong cùng một lúc.
Tuy nhiên, tâm cần phải hay biết, tỉnh thức, thư giãn, và quân bình, vì các phẩm chất này sẽ giúp trí tuệ sinh khởi.
Pháp bảo chỉ có khi chúng ta biết cách hành thiền, có thể áp dụng và duy trì việc hành thiền.
*Chánh niệm = sự ghi nhận, quan sát 1 cách tỉnh thức các hiện tượng đang xảy ra trên thân và tâm mình
PHẦN THƯ GIÃN
Trích: Đừng coi thường Phiền não
Thiền sư Tejaniya
Hành thiền là công việc cúa tâm, bạn phải thư giãn, thoải mái và không để bị căng thẳng, không tự cưỡng ép mình. Càng thư giãn, thoải mái thì bạn sẽ càng dễ phát triển chánh niệm. Chúng tôi không bảo bạn phải “chú tâm” (focus: chú tâm sâu vào đề mục-ND), “tập trung” hay “xuyên thấu”, bởi vì tất cả những việc đó đều có nghĩa là phải dùng quá nhiều sức. Thay vào đó, chúng tôi khuyến khích bạn “quan sát”, “theo dõi” , “hay biết” hay là “chú ý”.
Nếu bạn căng thẳng hay phát hiện ra là mình đang bị căng thẳng thì hãy thư giãn, thả lỏng ra. Không cần thiết phải cố gắng một cách gượng ép như thế. Ngay bây giờ, bạn có hay biết được tư thế, oai nghi (đi, đứng, ngồi, nằm) của cơ thể mình không? Bạn có hay biết được hai bàn tay đang cầm cuốn sách này không? Bạn có cảm nhận được bàn chân của mình ra sao không? Hãy xem, bạn chỉ cần sử dụng rất ít năng lượng hay chỉ cần một chút cố gắng không đáng kể để hay biết được tất cả những điều này. Đó là tất cả năng lượng bạn cần bỏ ra để giữ chánh niệm, song nên nhớ là bạn phải giữ được như vậy trong suốt cả ngày. Nếu dùng quá nhiều sức, bạn sẽ bị mệt mỏi. Để thực hành được liên tục, bạn chỉ cần luôn tự nhắc nhở mình giữ chánh niệm là đủ. Chính sự nỗ lực đúng đắn này (Chánh Tinh tấn) sẽ giúp bạn hành thiền một cách thư giãn, thoải mái, không bị căng thẳng. Khi tâm quá căng thẳng hay mệt mỏi, bạn sẽ không thể học hỏi được điều gì cả. Một khi thân và tâm bạn mệt mỏi thì nhất định là cách thực hành của bạn có điều gì đó không ổn. Hãy kiểm tra lại tư thế của mình; kiểm tra lại cách thực hành của mình. Bạn có thấy thoả mái và tỉnh táo không? Cũng cần phải kiểm tra lại cả thái độ hành thiền của mình nữa; đừng hành thiền với một tâm mong cầu, trông ngóng điều gì hoặc muốn một điều gì đó phải xảy ra. Làm như vậy bạn sẽ chỉ tự gây thêm mệt mỏi cho chính mình mà thôi.
Do đó, bạn phải luôn biết được mình đang bị căng thẳng hay đang thư giãn, thoải mái. Hãy kiểm tra lại điều này nhiều lần trong ngày. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng thì hãy quan sát sự căng thẳng đó; nếu không thì căng thẳng sẽ ngày càng tăng (xem đoạn cuối của phần Sinh hoạt hàng ngày). Khi thư giãn, thoải mái, bạn sẽ hành thiền dễ dàng hơn nhiều.
Dưới đây là 1 kỹ thuật để thư giãn và vun bồi chánh niệm: Kỹ thuật Scan thư giãn
- Thư giãn khuôn mặt( từ đỉnh đầu đến quai hàm) và toàn thân( từ đỉnh đầu đến ngón tay, ngón chân)
- Ghi nhận các cảm giác trên toàn thân rồi thả lỏng, thư giãn, buông nhẹ, để chúng chảy lỏng ra, buông giãn ra. Không còn gồng cứng, không còn co rút lại nữa
- Chú ý khuôn mặt và các điểm co gấp như vai, gáy, khưu tay chân, khoảng chân tiếp xúc xuống sàn là nơi tập trung rất nhiều căng thẳng. Biết cách thư giãn thân sẽ trở nên mềm mại, nhẹ nhàng hơn.
- Thực hiện scan nhẹ nhàng, không dùng nhiều sức manh, không quá chú tâm, không nổi giận với suy nghĩ hay cơn buồn ngủ. Chấp nhận những gì đang xảy ra.
Khắc phục khó khăn:
- Nếu không thư giãn được khi hướng tâm, buông lỏng thì bạn có thể đưa tay lên xoa nhẹ, duối thẳng, dát mỏng các vùng trên mặt và thân.
- Nếu căng thẳng hơn: Có thể đã dùng quá nhiều sức mạnh, năng lượng hoặc bạn thư giãn quá nóng vội. Hãy thực hành nhẹ nhàng, từ tốn, thận trọng thôi.
- Nếu buồn ngủ: Bạn cần cố gắng hơn, thêm chút năng lượng cho thực hành.
- Nếu quá nhiều suy nghĩ, mặt căng cứng không thư giãn được: Massage nhẹ nhàng vùng mặt cho đến khi tâm nhẹ nhàng hơn, ngồi thư giãn, suy nghĩ về việc thực hành, nhắc mình sống cho bản thân, không nên nhìn lại quá khứ hay hướng tới tương lai.
Các phẩm chất tâm được vun bồi:
Kiểm tra xem khi hành thiền nếu có thái độ nôn nóng, vội vàng hay mong cầu thành đạt điều gì thì khi thực hành sẽ rất khó thư giãn>> luyện tập sự chấp nhận, giảm tâm tham mong cầu kết quả
Học cách xử lý những chướng ngại chính khi hành thiền , như buồn ngủ hay suy nghĩ, chỉ đơn giản là quay lại tiến trình đang scan thư giãn, không nổi giận với bản thân>> luyện tập sự cân bằng năng lượng cố gắng khi thiền, vì năng lượng ít dễ buồn ngủ, nhiều năng lượng quá sẽ căng thẳng, giảm sự sân hận khi không có được điều như ý, hiểu rằng cần phải kiên nhẫn, khôn khéo gieo Nhân sẽ gặt Quả, không phải Muốn mà được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét