Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012
GIỚI THIỆU THIỀN VIPASSANA
Vipassana - thiền Minh Sát -- cũng gọi là thiền quán hay thiền tuệ -- hướng tâm định soi vào đời sống để chứng ngộ thực tướng của vạn pháp. Đại Đức Piyadassi giải thích như sau:
"... Danh từ vipassanà (vi + passanà), có nghĩa là "thấy một cách đặc biệt", vượt ra ngoài cái gì thông thường, là minh tuệ. Đây không phải là nhìn thoáng qua hay thấy bên trên bề mặt, ở mặt ngoài mà nhìn sâu vào bên trong Thực Tại của đời sống.
Mục tiêu tối hậu của Thiền Minh Sát là để loại trừ những bợn nhơ trong tâm. Trước khi đạt được mục tiêu này thiền sinh sẽ có được những lợi ích thực tại như sẽ có được một tâm hồn bình an và tĩnh lặng và có đủ khả năng để chấp nhận những gì xảy ra đến cho mình. Thiền Minh Sát giúp ta nhìn sự vật đúng thực tướng của chúng chứ không phải thấy chúng qua những biểu hiện bên ngoài. Sự vật xuất hiện trước mắt ta dưới trạng thái trường tồn, vững bền, đáng yêu và có thực chất, nhưng thực tế thì chúng không phải như vậy. Khi thực hành thiền minh sát bạn sẽ chính mình thấy được sự sinh và diệt của hiện tượng vật chất và tinh thần. Đồng thời bạn cũng ý thức được một cách rõ ràng hơn những diễn biến trong tâm và thân bạn. Bạn sẽ có đủ khả năng chấp nhận mọi chuyện xảy đến cho bạn với một tư thái an nhiên chứ không bị xao động hay xúc cảm và đương đầu với hoàn cảnh một cách lạc quan hơn.
Thiền minh sát (vipassanà bhàvanà) là loại thiền mà chính Đức Phật đã tìm ra, đã thực hành, đã thành công và đã ban truyền, trước kia chưa từng có, và ngoài Phật Giáo không có.
Ngài Acharn Chah -- một thiền sư danh tiếng ở Thái Lan -- nói:
"... Thật dễ hiểu. Thiền vắng lặng và thiền minh sát cùng đi chung với nhau. Trước tiên, do nhờ pháp hành gom tâm an trụ vào đề mục, tâm trở nên an tĩnh, vắng lặng. Tâm chỉ vắng lặng trong khi ta ngồi thiền. Đó là thiền vắng lặng. Căn bản tâm định sẽ khởi duyên, tạo điều kiện cho trí tuệ, tuệ minh sát, phát sanh. Đến mức độ này tâm luôn luôn vẫn an tĩnh, dầu ta ngồi nhắm mắt tham thiền nơi vắng vẻ hay đi bách bộ giữa phố phường nhộn nhịp.
Chúng ta thực hành ghi nhận, hay biết ( Chánh niệm) trên bốn đối tượng( Tứ Niệm Xứ: thân, thọ, tâm, pháp). Khi pháp hành tiến bộ, chúng ta sẽ chú trọng hơn về phần niệm tâm( ghi nhận các trạng thái tâm), bởi vì hành thiền vốn là một công việc của tâm. Hành thiền là kinh nghiệm về thân và tâm của mình một cách trực tiếp, trong từng giây phút, với một sự hiểu biết đúng đắn.
Khi chú ý vào bên trong cơ thể mình, bạn sẽ nhận biết được rất nhiều cảm giác, suy nghĩ, động cơ hành động. Bạn có thể cảm nhận được những tính chất khác biệt của các cảm giác này không? Chỉ cần đơn giản hay biết là đủ! Tuy nhiên, chánh niệm mới chỉ là một phần của thiền mà thôi.
Ngoài những điều đó, bạn cần phải có thông tin đúng đắn và sự hiểu biết rõ ràng về pháp hành để thực hành chánh niệm một cách thông minh, khôn khéo. Bây giờ, bạn đang đọc cuốn sách này là để có hiểu biết về pháp hành thiền chánh niệm. Khi bạn hành thiền, những thông tin đó sẽ tiếp tục vận hành ở đằng sau hậu trường, ở sâu bên trong tâm bạn. Đọc sách, đàm luận Pháp, tư duy, suy ngẫm về phương pháp thực hành; tất cả đều là công việc của tâm; tất cả đều là một phần của quá trình thiền tập
Trong 4 đối tượng thiền Quán là Thân, Thọ (Cảm giác), Tâm ( suy nghĩ, đánh giá, ý tưởng), Pháp ( Quan sát các tiến trình nhân quả cua các hiên tượng thân tâm) , thì quan sát phồng xẹp, hoặc quan sát hơi thở gọi là Quán Thân, hoặc là thiền vắng lặng( như ngài Acharn Chah đặt tên)
Chúng ta sẽ trao đổi và thực hành những bước sâu hơn, vào quan sát Vipassana các cảm giác và trạng thái tâm, vì ĐP đã nói” Tâm ý đứng đầu” nên tâm làm chủ, chi phối hành động lời nói, cuộc sống cúa chúng ta, hiểu được tâm thì mới giảm được tham lam, sân hận, ích kỷ, đố kỵ,..vv và xây dựng được các thiện tâm. Khi đó cuộc sống sẽ thay đổi được rất nhiều.
Trong quán Thọ và Quán Tâm không chủ trương niệm thầm” suy nghĩ, suy nghĩ” hay “ nghe nghe nghe” , mà khi tâm đã ổn định nhờ thiền vắng lắng, thì soi tâm định này vào thức tế bản chất, quan sát thực tế luôn quá trình suy nghĩ, nghe, nói…”, nghĩa là lấy tâm định tìm hiểu sự hoạt động cúa 6 giác quan, không niệm thầm .
Trích: Đừng coi thường phiền não- Thiền sư Ashin Tejaniya và Vấn Đáp về Thiền Minh Sát của Sayadaw U Silananda
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét