Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012
BÀI 1: CHÁNH NIỆM GHI NHẬN HƠI THỞ HOẶC SỰ PHỒNG XẸP Ở BỤNG
- Đức Phật đã nói” Phép quán niệm hơi thở, nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ đem lại những thành quả và lợi lạc lớn, có thể làm thành tựu bốn lĩnh vực quán niệm( Thân, Thọ, Tâm, Pháp); bốn lĩnh vực quán niệm nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ làm thành tựu bảy yếu tố giác ngộ; bảy yếu tố giác ngộ nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đưa tới trí tuệ và giải thoát”
- Khi hành thiền bạn nên chọn một đề mục để quan sát, ghi nhận. Ðề mục này gọi là đề mục chính. Theo truyền thống, thiền sinh thường quan sát hơi thở, lấy hơi thở làm đề mục chính. Khi ngồi thiền hãy ghi nhận, hay biết hơi thở ra, hơi thở vào tại nơi tiếp xúc của hơi thở với thân, thông thường là khu vực dưới cánh mũi và trên môi trên hoặc hơi thở ra vào ở 2 cánh mũi.
- Hãy ghi nhận bản chất của hơi thở, đó là sự chuyển động hay nâng đỡ, chứ không phải quan sát hình dáng của hơi thở. Hãy cố gắng quán sát hơi thở vào và hơi thở ra riêng biệt nhau, đừng nhập chung. Ðừng để tâm chạy theo hơi thở vào trong cơ thể hay hơi thở ra khỏi cơ thể.
- Như thế, hơi thở là đề mục chính trong việc hành thiền của bạn. Khi không có đề mục lạ chen vào thì bạn hãy tiếp tục ghi nhận hơi thở. Khi có đề mục phụ nổi bật xuất hiện, hãy ghi nhận, ý thức, ghi nhận đề mục này rồi trở về lại với đề mục chính là hơi thở. Ðừng thúc ép, dồn nén mình, hãy quán sát đối tượng một cách thoải mái, nhẹ nhàng.
- Một số người không thích hợp với đề mục hơi thở vì không thể chú tâm hoặc cảm thấy khó khăn ghi nhận hơi thở ra vào thì có thể chọn chuyển động "phồng xẹp" của bụng làm đề mục chính. Chú tâm vào bụng và ghi nhận chuyển động phồng xẹp của bụng từ lúc khởi đầu cho đến khi chấm dứt. Nếu không thấy được sự phồng xẹp, bạn có thể đặt tay lên bụng để cảm nhận sự chuyển động. Sau một vài lần làm như thế, bạn có thể theo dõi được chuyển động phồng xẹp mà không cần đặt tay lên bụng nữa.
- Tóm lại, bạn có thể chọn hơi thở hoặc chuyển động của bụng làm đề mục chính cho việc hành thiền. Nếu là thiền sinh mới bắt đầu thực tập, bạn có thể thử mỗi phương pháp trong một thời gian và xem phương pháp nào thích hợp và đễ dàng giúp cho mình định tâm thì hãy chọn phương pháp đó. Một khi đã chọn xong, hãy nỗ lực tinh tấn theo dõi đề mục đó.
A. Mục đích:
- Ghi nhận, hay biết hơi thở giúp tâm an tĩnh, không còn bị xao lãng, dao động. Định do quan sát hơi thở được tu tập, được làm cho sung mãn, thì sẽ an lạc và bình tĩnh.
- Bản chất của hơi thở có mối quan hệ rất mật thiết với các trạng thái tâm thức. Khi nào phiền não sinh khởi trong tâm, khi ấy hơi thở trở nên bất thường - chúng ta bắt đầu thở nhanh và mạnh hơn. Khi những phiền não qua đi, hơi thở sẽ trở lại nhẹ nhàng. Vì vậy hơi thở có thể giúp ta khám phá ra thực tại của thân và tâm.
- Hơi thở trở thành đối tượng quan sát chính trong khi ngồi thiền, và trong cuộc sống khi những phiền não tham, sân, si quá mạnh mẽ, đột ngột ta có thể “ nắm” lấy hơi thở để tâm an xuống, sau đó quan sát học hỏi từ các trạng thái tâm
B. Kỹ thuật:
- Bài 1( Khi quá nhiều phóng tâm), Đếm hơi thở: Không đếm dưới 5 và không đếm quá 10). Khi thở vào từ lúc bắt đầu thở vào đến lúc hơi thở kết thúc, đếm một, một, một… liên tục như vậy. Khi thở ra từ lúc bắt đầu thở ra cho đến khi hơi thở ra kết thúc đếm một, một, một… liên tục như vậy. Dừng phương pháp đếm khi tâm có thể giữ được trên đối tượng hơi thở Vào-Ra mà không cần phải gắng sức. Khi tâm không còn lãng quên hơi thở hay bị lăng xăng nữa.
- Bài 2( khi biết được hơi thở ra vào một cách rõ ràng): Đặt tâm tại điểm xúc chạm của hơi thở với thân và theo dõi hơi thở Ra-Vào. Đặt sự quan sát tại khu vực 2 cánh mũi, hoặc dưới cánh mũi và trên môi trên ghi nhận hơi thở ra, hơi thở vào, hơi thở ngắn, hơi thở dài (biết được hơi thở dài hay hơi thở ngắn bằng thời gian hơi thở đi ngang qua điểm xúc chạm là dài hay ngắn, lâu hay mau)
- Không được cố gắng tạo ra hoặc chỉnh sửa hơi thở theo ý mình.
- Không được nhẩm đọc trong tâm lúc thở là: dài,ngắn hay ra, vào mà trực diện theo dõi tiến trình làm việc thật của hơi thở. Quan sát các cảm giác tại điểm xúc chạm,
- Học cách quan sát và nhận biết những trạng thái tâm đơn giản khi ngồi thiền: Đâu là trạng thái thư giãn và căng thẳng, điều tiết mức năng lượng sử dụng trong quán sát, động cơ thực hành có ham muốn nhìn rõ điều gì hay gạt bỏ điều gì không, nhận biết ham muốn điều khiển hơi thở, nhận biết sự khác biệt giữa trạng thái ổn định tĩnh lặng và trạng thái dao động, xao lãng, bất an.
C. Khắc phục khó khăn:
- Nếu bị nhức đầu hoặc cảm thấy căng thì nhắc mình luôn luôn giữ tâm tại điểm xúc chạm, không theo hơi thở đi vào bên trong hoặc đi ra ngoài cơ thể. Có thể do quá gắng sức hoặc quá chú tâm, hãy thư giãn ra và chỉ cần dùng chút năng lượng thôi, đừng ham muốn nhìn thật rõ hơi thở.
- Nếu bị hôn trầm buồn ngủ: Do thiếu cố gắng, do thân thể vất vả trong cuộc sống hoặc do thư giãn quá nhiều, tăng cường quan sát hơn, điều hòa cuộc sống. Khẽ mở mắt và thở mạnh hơn sẽ dần dần tỉnh lại. Nếu cơn buồn ngủ quá mạnh, có thể đếm hơi thở 1 lát hoặc lúc lắc đầu cho tỉnh rồi quay lại thực hành. Nếu đã thực hành lâu dài, hãy quan sát tiến trình hoạt động cúa cơn buồn ngủ, chúng ảnh hưởng chi phối thân, tâm ra sao( khi tâm có sự ham muốn tìm tòi khám phá, sẽ dễ tỉnh táo hơn) hoặc đặt câu hỏi nào đó để kích thích tâm quan sát làm việc.
- Việc có nhiều suy nghĩ là hiện tượng tự nhiên, xảy ra với tất cả chúng ta, không nên nổi giận vì có nhiều suy nghĩ, không mong muốn suy nghĩ dừng lại, chấp nhận thực tại, ghi nhận đang có suy nghĩ rồi quay lại quan sát hơi thở
CHÚ Ý:
- Tập thói quen không can thiệp kiểm soát quá trình tự nhiên của hơi thở, chỉ quan sát khách quan.
- Hơi thở trở thành đối tượng quan sát chính, 1 phần nhỏ của tâm vẫn ghi nhận và hay biết các đối tượng khác, đừng cố gắng ngăn chặn hoạt động tự nhiên này của tâm.
- Trạng thái tĩnh lặng, bình an và chấp nhận bản thân( dù điều gì xảy ra: hơi thở mờ hay đậm, nhanh hay chậm, biết rõ hay quên lãng) mới là điều cần xây dựng khi thực hành, xây dựng thái độ tích cực
- Hãy cho phép mình được sai lầm, đừng cầu toàn trong thiền tập, khi có suy nghĩ, buồn ngủ hay quên luôn hơi thở thì cũng không sao, BẮT ĐẦU LẠI, HÃY BẮT ĐẦU LẠI
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét