Trích: Hương vị giải thoát
Thiền sư: Ajahn Chah
Bước 1:
Thư giãn và thiết lập samàdhi, định.
Nếu ép buộc hơi thở của mình phải quá dài hay quá ngắn, chúng ta sẽ không quân bình, tâm sẽ không an lạc. Chỉ để cho hơi thở tự nhiên diễn tiến và ghi nhận diễn tiến tự nhiên ấy.
Khi hơi thở đều đặn ta sẽ lấy đó làm đề mục hành thiền. Lúc thở vào, đoạn đầu của hơi thở ở tại chót mũi, đoạn giữa tại lồng ngực, và đoạn cuối ở bụng. Đó là con đường của hơi thở. Khi thở ra, đoạn đầu của hơi thở ở bụng, đoạn giữa ở lồng ngực, và đoạn cuối cùng ở chót mũi. Ta chỉ giản dị theo dõi ghi nhận luồng hơi thở ở chót mũi, lồng ngực, và bụng. Rồi bụng, lồng ngực, và chót mũi. Chúng ta ghi nhận ba điểm nầy để làm cho tâm vững chắc, để hạn chế những hoạt động tâm linh nhằm giúp phát sanh dễ dàng tâm chú niệm và tự hay biết mình.
Đến lúc đã thuần thục ghi nhận ba điểm nầy, ta có thể không theo dõi hơi thở trọn vẹn từ chót mũi đến bụng nữa mà chỉ chú tâm nơi chót mũi, hoặc ở môi trên, nơi nào mà luồng hơi chạm vào, và chỉ theo dõi hơi thở nơi điểm ấy. Không cần phải đi theo hơi thở, mà chỉ chú niệm vào chót mũi và ghi nhận hơi thở tại ngay điểm duy nhất ấy -- vào, ra, vào, ra ... Không cần phải suy nghĩ gì đặc biệt. Trong hiện tại chỉ tập trung nỗ lực vào nhiệm vụ đơn giản nầy, luôn luôn có sự chú tâm hay biết. Không có gì khác phải làm, chỉ thở vào, thở ra. Không bao lâu tâm trở nên an lạc, hơi thở trở nên vi tế. Thân tâm nhẹ nhàng. Đó là trạng thái đúng, trong công phu hành thiền.
Nếu tâm còn vọng động và không thể tập trung vào hơi thở, hãy thở vào thật dài, thật sâu, rồi từ từ thở ra cho hết, chí đến khi không còn hơi trong lồng ngực. Làm như vậy ba lần, rồi trở lại chú niệm bình thường. Tâm sẽ an trụ trở lại.
Tâm sẽ an trụ một lúc rồi phóng dật, vọng động trở lại, điều đó cũng là tự nhiên. Khi trường hợp như vậy xảy ra, hãy thở hơi thật dài, thật sâu như trước và tâm luôn luôn theo dõi luồng hơi. Cứ tiếp tục làm như vậy. Lặp đi lặp lại nhiều lần, tâm sẽ quen, trở nên thuần thục, và sẽ buông bỏ. Ngoại cảnh không còn lẻn nhập vào tâm. Chú niệm (sati) sẽ kiên cố vững chắc. Khi tâm trở nên tế nhị, hơi thở càng tinh vi. Cảm xúc càng lúc càng trở nên vi tế, thân tâm sẽ nhẹ nhàng. Sự chú tâm của ta hoàn toàn hướng vào bên trong. Ta nhận thấy hơi thở ra thở vào một cách rõ ràng, và thấy rõ ràng những cảm xúc. Ta sẽ thấy Giới, Định và Tuệ cùng hợp chung lại. Đó gọi là Con Đường Trong Trạng Thái Điều Hòa. Tâm không còn vọng động mà tập trung lại làm một. Hiện tượng nầy được gọi là samàdhi, định.
Như vậy cả hai, chú niệm và hay biết đều hiện diện, hành giả luôn luôn chú niệm và hay biết. Tâm an lạc không có nghĩa là không có gì xảy ra, những cảm xúc có thể phát sanh và những hình ảnh tưởng tượng xuyên qua giác quan, đôi khi sẽ phát sanh khi tâm ở vào trạng thái nầy
Tuy nhiên, vài người cảm thấy khó mà nhập định (samàdhi), bởi vì việc nầy không thích hợp với khuynh hướng tự nhiên của họ. Tâm có định, nhưng không đủ dũng mãnh và không đủ kiên cố. Trong trường hợp nầy, có thể thành tựu an lạc bằng cách dùng trí tuệ để quán chiếu và nhận thấy chân lý của sự vật, giải quyết vấn đề như vậy.
Dầu trong những lúc mà chúng ta không định, phải luôn luôn giữ chánh niệm. Chúng ta phải luôn luôn tự hiểu biết mình. Như thế ấy, những gì đúng đắn hay sai lầm sẽ được phân biệt rành mạch, sẽ trở nên tỏ rạng và Trí tuệ sẽ bừng dậy.
Sau khi theo dõi hơi thở một thời gian lâu có thể hành giả nhận thấy rằng luồng hơi thở trở nên rất tế nhị, càng lúc càng tế nhị hơn ... và tình trạng "hay biết hơi thở" dần dần chấm dứt, chỉ còn hay biết suông
Về Những Hiểm Họa Của Tâm Định
Tâm định nầy đem lại rất nhiều an lạc. Khi có an lạc là có thỏa thích. Khi thỏa thích ắt có luyến ái, dính mắc, và bám níu chặt chẽ vào sự thỏa thích ấy. Hành giả không còn muốn quán chiếu gì khác nữa mà chỉ thỏa thích trong thọ cảm nhàn lạc mà mình đang hưởng. Khi hành thiền lâu ngày chúng ta có thể dễ dàng nhập vào trạng thái định nầy một cách mau lẹ. Vừa bắt đầu ghi nhận đề mục là tâm trở nên vắng lặng, và ta không muốn rời khỏi nó để quán chiếu gì khác. Ta chỉ dính kẹt trong thỏa thích ấy. Đó là mối nguy hại có thể đến với người hành thiền.
Với Chánh Định, dầu ở tầng lớp vắng lặng nào mà ta đạt đến, luôn luôn có sự hay biết. Có niệm đầy đủ và hay biết rõ ràng. Đó là tâm định có khả năng giúp cho trí tuệ phát khởi, ta không thể lạc lối trong đó. Người hành thiền phải thấu hiểu chắc chắn điều nầy. Không có sự hay biết quý vị không thể thành công. Phải hay biết từ đầu đến cuối. Loại định nầy không nguy hại.
Bước 2: khi tâm đạt trạng thái tương đối tĩnh lặng, chúng ta thoát ra và quan sát hoạt động bên ngoài.
Quan sát bên ngoài với tâm tĩnh lặng sẽ làm phát sinh trí tuệ. Điều này khá khó hiểu vì nó hầu như giống với việc suy nghĩ hay tưởng tượng thông thường. Khi đang có suy nghĩ, chúng ta có thể cho rằng tâm không được bình an. Nhưng trong thực tế, suy nghĩ đang diễn ra trong trạng thái tĩnh lặng. Vẫn có sự quan sát nhưng nó không làm ảnh hưởng tới sự tĩnh lặng. Chúng ta có thể để suy nghĩ xảy ra để quan sát tìm hiểu nó, đó không phải là việc suy nghĩ vu vơ. Việc quan sát này xuất phát từ một trạng thái tâm bình an tĩnh lặng, điều này được gọi là hay biết trong tĩnh lặng và tĩnh lặng trong sự hay biết.Nếu nó chỉ đơn thuần là
việc suy nghĩ hay tưởng tượng thông thường thì tâm sẽ không được bình
an, tĩnh lặng, nó sẽ bị khuấy động.
Khi đã có chánh định, trí tuệ có cơ hội khởi sinh khỏi bất kỳ lúc nào trong tất cả các oai nghi, tư thế. Khi mắt thấy sắc,
tai nghe âm thanh, mũi ngửi thấy mùi, lưỡi cảm nhận vị giác, tâm ta
luôn có sự hiểu biết đầy đủ về bản chất của các cảm thọ mà không dính
chấp vào chúng. Khi có trí tuệ tâm sẽ không lựa chọn bất kỳ tư thế
nào, chúng ta đều có sự hay biết rõ ràng về việc thích hay không
thích, hạnh phúc hay khổ đau, chúng ta xả bỏ cả hai loại này mà không có sự dính chấp vào chúng. Đây là sự thực hành đúng đắn mà chúng ta cần áp dụng đối với tất cả các tư thế, không chỉ đối với thân mà cả đối với tâm. Chúng ta cần phải chánh niệm và tỉnh giác trong suốt thời gian. Khi có chánh định, trí tuệ sẽ khởi sinh, đây là tuệ giác, sự hiểu biết về sự thật.
Có hai loại bình an tĩnh lặng: thô và vi tế. Sự bình an tĩnh lặng có
được từ Samadhi là loại thô, khi tâm bình an tĩnh lặng, chúng ta có
được sự an lạc. Tâm coi sự an lạc này là bình an tĩnh lặng. Sự an lạc hay đau khổ vẫn còn nằm trong luân hồi sinh từ. Không có sự giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử chừng nào, chúng ta còn dính chấp vào sự an lạc. Do vậy, sự an lạc không phải là bình an tĩnh lặng mà bình an tĩnh lặng cũng không phải là sự an lạc.
Còn loại bình an tĩnh lặng vi tế có được do trí tuệ. Ở đây chúng ta
không nên nhầm lẫn sự bình an tĩnh lặng với sự an lạc. Chúng ta thấy rằng khi tâm có trí tuệ nó quan sát biết được sự hạnh phúc và khổ đau thì chính đó là sự bình an tĩnh lặng. Sự bình an tĩnh lặng có được do trí tuệ thấy được sự thật của cả hạnh phúc và khổ đau sẽ không còn sự dính chấp vào các trạng thái này. Tâm ta sẽ vượt lên trên hạnh phúc và khổ đau. Đây là mục tiêu thực sự của việc thực hành.
Hạnh phúc và đau khổ, hay vui thích và sầu muộn, đều cùng cha cùng mẹ, phát xuất từ một nguồn gốc -- lòng ham muốn. Chỉ có mê hoặc, say đắm trong ái dục! Do đó trong lúc thọ hưởng hạnh phúc, tâm của quý vị không an lạc. Tâm thật sự là không an lạc! Thí dụ khi đạt được điều gì mà ta ưa thích, như tài sản sự nghiệp, danh vọng quyền thế, những lời khen tặng hay hạnh phúc thì ta vui vẽ thỏa thích. Nhưng cùng lúc ấy, tâm vẫn lo ngại, không hoàn toàn thoải mái dễ chịu vì sợ nó mất đi. Chính tình trạng lo sợ ấy không phải là an lạc. Về sau nữa, có thể ta mất luôn điều ấy và thật sự đau khổ. Như vậy, nếu quý vị không nhận thức rõ ràng để kịp thời buông bỏ, không bám níu vào, thì chính trong hạnh phúc đã có mầm mống đau khổ rồi. Nó cũng giống hệt như khi ta nắm đuôi con rắn -- nếu không buông bỏ ắt sẽ bị rắn quay đầu lại cắn. Như vậy dầu là đầu hay đuôi con rắn, tức thiện hay bất thiện nghiệp, tất cả đều có đặc tánh cột chặt ta vào những kiếp sống triền miên vô cùng tận của vòng luân hồi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét