Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012
THÔNG TIN THIỀN VIỆN SHWE OO MIN TẠI MIẾN ĐIỆN
Một trong những thiền viện có số lượng người Việt tu tập đông nhất, đó là thiền viện Shwe Oo Min. Người viết có dịp đến đây thiền tập một thời gian trước khi tạm giã từ đất Miến !
1. ĐỊA ĐIỂM
Thiền viện nằm khuất trong một góc làng. Phía sau là đồng ruộng. Từ đường lộ vô tới thiền viện mất khoảng 5 - 7 phút taxi. Mặc dầu khu vực nông dân nghèo khổ, nhưng vì thiền viện Shwe Oo Min và các thiền viện khác ở Miến không những được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi, được nhân dân địa phương ủng hộ, mà còn được cả Phật tử hải ngoại hỗ trợ nữa, nên đường dẫn vào các thiền viện đều được tráng nhựa cả.
Tên của thiền Viện được dịch sang Việt ngữ là Thiền Lâm Pháp Lạc Shwe Oo Min (Shwe Oo Min Dhammasukha Forest Centre).[1] Mọi người đều gọi là thiền viện Shwe Oo Min, vì diện tích đất cũng vừa phải, dung chứa từ 250 – 300 thiền sinh. Phía sau là đồng ruộng, không cây cối, nên vào mùa đông, mùa mưa thì mát, nhưng vào mùa hè khá nóng vì gió nóng thổi vào !
Thiền viện nằm cách thủ đô Yangon không xa mấy. Đi xe taxi mất khoảng 45 phút đến một tiếng. Đi một vòng trả khoảng 5 – 7 Mỹ kim. Cây cối của thiền viện cũng đang lớn dần với năm tháng kể từ khi thiền viện khởi công xây dựng từ năm 1996 – 1997, khi Hoà Thượng (HT) thiền chủ Shwe Oo Min ra hướng dẫn thiền tập cho tới nay.
2. THIỀN SƯ SHWE OO MIN
Tiểu sử vắn tắt của HT được khắc trên bia trong phòng thờ Ngài, nơi trước kia Ngài đã ở và hướng dẫn thiền tập vào những năm tháng cuối đời. Tôi được nghe kể lại, cốc Ngài ở lúc bấy giờ đơn giản đến mức thiền sinh học Pháp với Ngài đều cảm thấy khó chịu. Bởi vì tiện nghi sinh hoạt của thiền sinh tương đối đầy đủ, trong khi Ngài sống quá đơn giản, nếu không muốn nói là thanh bần. Sau nhiều lần thưa thỉnh, cuối cùng Ngài mới cho xây dựng phòng cho Ngài, và chính nơi tịnh thất này, Ngài đã xả báo thân. Khi thiền sinh mới tới, phần lớn đều được hướng dẫn tu một tiếng đồng hồ tại tịnh thất của Ngài, xem như là để tưởng niệm ân đức của Ngài.
Rất tiếc, tôi không có ghi lại tiểu sử của HT, nên không nhớ hết để viết lại cụ thể. Bây giờ ngồi đây không có nguồn tài liệu nào để tham khảo cả, chỉ nhớ loáng thoáng và ghi lại vài điểm chính của đời Ngài.
HT Shwe Oo Min xuất gia còn rất nhỏ. Lớn lên theo học thiền với HT Mahāsi Sayādaw, sau đó được HT giao trách nhiệm hướng dẫn thiền tập khi tuổi đời mới ba mươi mấy. Sau khi cống hiến khoảng 10 năm, HT mới về trú trì một chùa rất nhỏ và chuyên tu ở đó. Sau một thời gian Ngài lại đổi hướng, vô trong núi tịnh tu mấy mươi năm liền. Đến khi tuổi đời đã lớn, cỗ xe tứ đại sắp rã, Ngài vì thương tưởng chúng sanh mà khởi Đại Bi Tâm ra mở trường Thiền dạy Đạo, khi ấy tuổi Ngài đã gần 80!
Trong vòng mấy năm ngắn ngủi mà mọi cơ sở vật chất đều xây dựng gần như hoàn chỉnh. Ngoài ra, Ngài còn đào tạo và lót đường cho một vị đệ tử kế thừa cho sự nghiệp của Ngài nữa. Đến khi duyên trần mãn, Ngài nhẹ nhàng xả bỏ báo thân vào ngày 20 tháng 11 năm 2002. Quả thật, từ lúc Ngài ra hành đạo đến khi xả bỏ báo thân nhanh quá, như lằn chớp, như tiếng sét trên không rồi vụt tắt, để lại vô vàn kính ngưỡng và quý mến cho bao học trò đệ tử và thiền sinh đã một lần có duyên diện kiến, học Thiền với Ngài !
3. THIỀN SƯ U TEJANIYA
Thiền Sư kế nghiệp HT viện chủ Shwe Oo Min, hướng dẫn thiền sinh tu tập tại thiền viện hiện nay là Thiền Sư U Tejaniya. Thiền Sư còn tương đối trẻ so với các vị Thiền Sư ở Miến. Toàn bộ câu chuyện sau đây của Thiền Sư, tôi được nghe từ các vị Việt Nam ở đó kể lại. Khi HT Shwe Oo Min bắt đầu ra hành đạo, và tìm một người đệ tử nối pháp. Trong số đệ tử xuất gia và tại gia học thiền với Ngài, Ngài lại tâm đắc một nam cư sĩ tại gia đã lập gia đình và có con nhỏ, đó là Thiền Sư U Tejaniya hiện nay. Sau một thời gian ngắn, nhận thấy học trò mình có nhân duyên thiền tập lâu đời, và có khả năng hướng dẫn thiền sinh, Ngài mới khuyên U Tejaniya từ bỏ đời sống gia đình, sống đời sống xuất gia giải thoát. Hai Thầy Trò đã từng có thời gian thiền tập chung trong núi khoảng một năm.
Ngài vốn gốc người Hoa, nên khuôn mặt rất giống người Trung Quốc. Sau khi nếm trải được mùi vị Thiền, Ngài mới bắt đầu học Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), và chỉ học những yếu chỉ căn bản, nhất là lộ trình tâm của Đạo và Quả, nhằm giúp cho hành giả biết cách tháo gỡ những trục trặc của mình khi thiền tập hơn là đi vào lý thuyết, chia chẻ, phân tích cặn kẽ mọi thứ. Vốn tiếng Anh của Ngài khá phong phú, nói rất trôi chảy. Có lẽ, điểm độc đáo của Thiền Sư là có khả năng lắng nghe những trục trặc của hành giả, và rất thông cảm cho thiền sinh, căn tánh nào, trình độ nào Ngài cũng tuỳ duyên hướng dẫn cả.
4. CÁCH THỨC THIỀN TẬP
Ngày đầu tiên bước vào thiền viện, cũng giống như bao thiền viện khác, thiền sinh được hướng dẫn tổng quát về thiền tập. Tôi còn nhớ câu đầu tiên của Thiền Sư nói, cách thức tu tập ở đây chú trọng đến Thiền Quán (Vipassanā), và muốn cho Thiền Quán được phát triển thì thiền sinh phải vận dụng sự thông minh của mình…. Câu cuối cùng Ngài khuyên thiền sinh, hãy nên hành pháp với tất cả chân thành và sự kính trọng, có như vậy thì thiền tập mới có kết quả lớn.
Chìa khoá để mở cửa Thiền Quán theo cách dạy của Thiền Sư tại đây giống với nhiều vị Thiền Sư đương đại cũng như trong quá khứ, là phải có Chánh Niệm và Tỉnh Giác trong khi thiền toạ, thiền hành hoặc trong đời sống hằng ngày. Hai chìa khoá song sinh này được lập đi lập lại rất nhiều lần khi Ngài hướng dẫn thiền sinh vào mỗi bữa trình pháp.
Cách thức, tông chỉ tu tập như thế nào được Thiền Sư nói khá rõ trong cẩm nang thiền tập: WHAT IS THE RIGHT ATTITUTE FOR MEDITATION. Quý vị Việt Nam ở đó đã dịch sang Việt ngữ: THẾ NÀO LÀCÓ THÁI ĐỘ ĐÚNG TRONG KHI HÀNH THIỀN. Tôi sẽ đánh máy lại, kể cả phần Anh ngữ, nhằm giúp cho những ai muốn vào thiền viện này thiền tập có thể tham khảo trước, hoặc có thể vận dụng hằng ngày tại nhà khi có thể.
Trong tập cẩm nang này, những lời hướng dẫn được trình bày thành 27 điều, để giúp thiền sinh dễ nhớ. Thật ra, đọc 27 điều đó vẫn chưa đủ để thấy hết được tông chỉ như thế nào. Và cho dù ở đó tu một thời gian đi nữa, vẫn không thể thấu triệt những gì Thiền Sư đã kinh qua. Mặc dầu vậy, trong thế giới tương đối, thông tin vẫn là điều cần thiết, để từ đó kiến thức tích luỹ mới có thể có, và trên căn bản này việc tu tập mới có kết quả, tuệ giác mới hiển bày.
Tông chỉ của thiền viện này là Chỉ Quán song tu, nhưng Quán đặt nặng hơn. Cách quán chủ yếu là theo dõi sự sanh diệt, vọng động của tâm thức mình ngay từ khi nó vừa khởi lên, nên một số thiền sinh đặt tên cho nó là “Citta Vipassanā”, thuật ngữ trong kinh tạng viết đúng là “Cittānupassanā”. Cách quán tâm ở đây, theo người viết, rất giống với tông chỉ “Tri Vọng” của HT Thanh Từ. Vọng tới không sợ, mà sợ không đủ tỉnh giác để thấy đó là vọng, để dừng vọng và quay về với chánh niệm !
Đề mục khi thiền toạ cũng tuỳ thuộc vào thiền sinh. Nếu thiền sinh nào đã từng quen thuộc với pháp quán niệm hơi thở thì vẫn giữ pháp quán hơi thở đó để làm đề mục chính. Hoặc vị nào đã từng quen với cách niệm phồng xẹp ở vùng bụng của Thiền Sư Mahāsi Sayādaw và các đệ tử của Ngài chủ trương như thiền viện Panditarāma, Chanmyay Yeikthā thì cứ theo truyền thống đó. Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt chút đỉnh trong cách niệm phồng xẹp đó. Theo Thiền Sư, thiền sinh chỉ cần ghi nhận sự phồng xẹp của bụng khi hơi thở vào ra mà không cần phải niệm “phồng à, xẹp à” như truyền thống của HT Mahāsi Sayādaw. Vị nào đã từng tu theo cách quán niệm cảm thọ toàn thân của Thiền Sư cư sĩ U Bakhin và đệ tử kế nghiệp là N. S. Goenka thì cứ theo truyền thống đó. Khuynh hướng quán cảm thọ từng phần, từng phần trên toàn thân và như vậy toàn thân được Thiền Sư khuyến khích hơn. Tuy nhiên, vấn đề chính là tâm hành giả có thực sự bám sát đề mục hay là lang thang ở thế giới nào. Nếu đã đi rong chơi đó đây thì cố gắng đem nó về sớm chừng nào tốt chừng đó !
Về tư thế ngồi ở đây cũng giống như bao trường thiền khác ở Miến, không bắt buộc hành giả phải theo một tư thế nào nhất định. Mỗi người tự chọn cho mình một tư thế ngồi cảm thấy thoải mái nhất, có khả năng duy trì chánh niệm và tỉnh giác lâu nhất. Phải thừa nhận chư Tăng Việt Nam và Triều Tiên có công phu thiền toạ khá cao so với các nước khác. Các Sư phần lớn ngồi kiết già hoặc bán già, lưng thẳng với y phục trang nghiêm trông rất đẹp. Thời gian ngồi ở đây tiêu chuẩn là một tiếng, nhưng một số Sư đã gia tăng từ một tiếng đến hai tiếng với tư thế kiết già. Đó cũng là một dấu hiệu tiến bộ trong thiền định, đòi hỏi sự gia công tu tập của hành giả rất nhiều!
Khi thiền hành thì vận dụng theo truyền thống của Ngài Mahāsi , nghĩa là qua 3 giai đoạn hoặc 6 giai đoạn mà tôi đã dịch trong NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN CỦA THIỀN QUÁN do HT Sayādaw U Janaka hướng dẫn tại Thiền viện Chanmyay. Nhưng ở đây thiền sinh được hướng dẫn không nhất thiết phải đi thật chậm như các trường thiền đó, mà đi với tốc độ bình thường, hoặc chậm hơn bình thường một chút là đủ. Tuy nhiên, vị nào đi thật chậm cũng không sao, quan trọng là theo dõi được tâm của mình như thế nào, và khi đi có ghi nhận được các cảm giác xúc chạm của chân và các phản ứng của tâm với ngoại giới hay không ?
Ngài cũng khuyến nhắc các thiền sinh mới vào nên giữ im lặng nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Trong trường thiền, vài câu khuyến nhắc sự nguy hại của nói chuyện được dán đây đó, giúp thiền sinh rất nhiều: “Nói chuyện có thể phá vỡ chánh niệm. Chúng ta hãy tránh nói chuyện để khỏi quấy rầy người khác và cũng để khỏi quấy rầy chính mình.” (Talking can seriously damaged mindfulness. Let’s avoid talking in order to not disturb others as well as yourself). Hoặc vẽ một biểu tượng, một hành giả đang nhắm mắt thiền toạ, miệng bịt lại, hai tay ôm chặt năm cái bình, rồi viết câu sau ở dưới: “Năng lượng được bảo tồn là nhờ không tạp thoại. Năng lượng ấy có thể được sử dụng để tăng trưởng TỈNH GIÁC và CHÁNH NIỆM” (Energy …. that is conserved by not talking can be used for the development of AWARENESS and MINDFULNESS). Hoặc ở tại nhà xí vẽ một người đang đi cầu, chứng được Đạo Quả và viết một câu rất hay, từ đó có thể suy ra tông chỉ của pháp môn Ngài đang hướng dẫn. Rất tiếc, tôi quên ghi lại nguyên văn, đại ý nói: Quá trình dẫn đến ĐỐN NGỘ là một quá trình Chánh Niệm và Tỉnh Giác liên tục. Khi ngũ căn được phát triển đến độ chín mùi và cân bằng thì trạng thái ĐỐN NGỘ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và ở nơi đâu !
5. TRÌNH PHÁP
Thời gian trình pháp ở đây không có nhặt như các trường thiền khác. Trong trường thiền chỉ có một vị Thiền Sư truyền đạt kinh nghiệm tu tập cho thiền sinh, nên Ngài đi vắng bao lâu thì thiền sinh được miễn trình pháp bấy lâu. Khi Ngài trở về thì 4 - 5 hôm mới trình pháp một lần. Khi thiền sinh mới vào tu, Ngài hay dò tâm thức của thiền sinh bằng cách hỏi điều này điều nọ khi các vị trình pháp một hai lần đầu, sau đó, có điều gì thiền sinh thưa hỏi, bằng không thì cứ theo lệ cũ, giữ chánh niệm, tỉnh giác trong khi đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, mặc, nói, làm, thiền hành, thiền toạ.
Ở đây thiền sinh không bắt buộc phải ghi lại bằng giấy, hoặc nhớ chi tiết những gì tâm lộn xộn xảy ra khi thiền toạ, thiền hành. Những vị vì muốn bảo đảm những gì mình thưa có thứ lớp và dùng từ chính xác, có thể viết ra giấy sẵn và lên đọc. Khi trình pháp những gì cảm thấy cần yếu thì thiền sinh thưa hỏi, bằng không Thiền Sư có thể cật vấn, và từ đó Thiền Sư soi sáng cho thiền sinh. Vì trình pháp chung nên thiền sinh có thể học hỏi những vấp phải sai lầm của người khác mà mình có thể tránh, hoặc những sở nghi của mình tự tan biến nhờ Thiền Sư soi sáng cho các vị huynh đệ đồng tu cũng có những sở nghi đó !
Thông thường, trình pháp được chia thành nhiều nhóm: nhóm Việt Nam, và trong nhóm Việt Nam cũng được chia ra nhiều nhóm nhỏ nữa, tuỳ theo số lượng và thời gian đến trước sau; nhóm Triều Tiên, nhóm Đài Loan, nhóm Châu Âu, v.v… Nếu thiền sinh biết nói tiếng Anh thì trình bày thẳng bằng Anh ngữ vẫn tốt hơn, bằng không đều có thông dịch viên của nhóm đó phụ trách. Một trong những lý do người Việt Nam tới đây tu đông có lẽ là vì lý do này ! Bên cạnh điểm lợi của trình pháp chung là học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau đó, cũng có những trục trặc chút đỉnh khi trình pháp chung, đó là hiểu biết quá nhiều về những tâm lý tiêu cực hoặc trình độ nhận thức kém cõi của đương sự đó, rất có thể khiến cho một vài thiền sinh đâm ra thiếu cung kính, lễ độ đối với những vị đồng phạm hạnh vấp phải những vụng về, sai lầm. Tuy nhiên, nếu muốn trình pháp riêng với Thiền Sư, thiền sinh ấy có thể chờ các vị khác xuống rồi trình sau.
Người viết nghe nói có cả những vị tu trước đây, lầm tưởng các trạng thái mình chứng đắc, và từ đó tự cho rằng mình chứng đắc tới các tầng thiền Tuệ này, thiền Tuệ nọ như sách Thiền trình bày, mà thực chất chỉ là những lầm tưởng, khát khao của đương sự đó. Và như thế những vị ấy lên trình bày với Thiền Sư, và mong Ngài ấn chứng cho, nhưng phải nói tuệ nhãn của Thiền Sư khá độc đáo, nên thiền sinh không dễ gì qua mắt được.
Người viết được trình pháp vài lần chung với chư Tăng Việt Nam và kể cả Tăng sinh ngoại quốc tại trường Đại Học Quốc Tế Truyền Bá Phật Giáo Nguyên Thuỷ (International Theravāda Buddhist Missionary University). Ngài hỏi rất nhiều khi thiền hành và thiền toạ. Có lần Ngài hỏi các thiền sinh, làm cho ai cũng bỡ ngỡ: khi vào phòng ngủ có biết chân nào vô trước hay không ? Đầu vào trước hay chân bước vào trước ? Khi vào nhà tiêu, nhà tắm có biết những gì đang xảy xung quanh mình không? Đi tiểu, thấy điều gì ? Khi cầm ổ khoá mở cửa vô ra, thấy cái gì ? Khi đánh răng sút miệng có ghi nhận được các cảm thọ khi bàn chải đánh răng chạm vào nướu răng, lưỡi hay không ? Khi đi khất thực tâm ra sao ? Thân ra sao ? Khi ăn cơm tâm có nôn nóng ăn hay không ? v.v…
Có nhiều vị Việt Nam, vì muốn hiểu biết thêm về trạng thái tâm mà trong các thuật ngữ Phật học thường sử dụng, cũng đặt vấn đề nữa. Điều này một mặt giúp hành giả xem thử mình tu tới trình độ nào, nhưng bên cạnh đó cũng mất thời giờ của Thiền Sư, của đại chúng, và đôi khi không đi vào vấn đề mình có thực tập tới mức đó chưa ! Ví dụ, có vị hỏi khi ăn cơm, cái nếm và cái ăn, cái nào là chân đế, cái nào là tục đế, v.v… Hoặc có vị hỏi khi gặp cư sĩ họ đảnh lễ, cung kính, lúc đó lúng túng không biết làm gì, vậy phải làm sao ? Hoặc có vị hỏi, khi đi tới nghĩa trang, khu có mộ phần, tâm rung động, sợ sệt phát sinh, vậy phải làm thế nào ? Tâm vọng là vọng tâm, vậy tâm biết tâm đang vọng đó là tâm gì ? Nói chung, tất cả những gì muốn hỏi đều có thể thỉnh vấn Ngài được cả ! Nếu hành giả biết chút đỉnh về các thuật ngữ Pāli trong tạng Vi Diệu Pháp, cũng giúp rất nhiều về mặt nhận thức, vì thỉnh thoảng Ngài dùng một số thuật ngữ trong ấy mà người dịch chưa hẳn chuyển tải được ý của Ngài muốn nói.
Tóm lại, trình pháp với Thiền Sư tại thiền viện Shwe Oo Min là cơ hội để học thêm, và nhất là cơ hội để làm mới lại những gì đã học và tu ! Sư Cô Tín Liên, hiện ở Tịnh Xá Ngọc Phương, đã từng đến đây tham học hơn một năm rưỡi và phụ trách phần chuyển ngữ cho thiền sinh Việt Nam, ắt hẳn có nhiều kinh nghiệm liên hệ đến lộ trình tu tập này.
Nếu hành giả không có duyên về thiền toạ cho lắm, có thể thưa với Ngài trong lúc trình pháp, và Ngài cũng có thể châm chước cho thiền hành (thậm chí là không thiền hành nghiêm túc cho lắm) cũng không sao. Quả là mỗi người có mỗi nhân duyên và căn cơ tu tập khác nhau, không thể ép mọi người giống như nhau, miễn rằng hành giả cố gắng tu là được, tu tới đâu quý tới đó !
6. THỜI KHOÁ
Cũng giống như các thiền viện khác là thiền sinh phải dậy từ lúc 3.30 sáng và phải tu tập đến 9, 10 giờ tối. Thời khoá cụ thể như sau:
3.30: thức dậy.
4.00 – 5.00: thiền toạ chung tại thiền đường.
5.30: điểm tâm.
7.00: khất thực.
8.00-9.00: tắm rửa, giặt giũ cá nhân.
9.00 – 10.00: thiền toạ.
10.30: thọ trai.
12 giờ trưa cho tới 10.00 giờ đêm thiền toạ và thiền hành xen kẽ nhau.
Thời khoá lý tưởng là vậy, nhưng phần lớn thiền sinh tu giỏi lắm là tới 9 giờ tối đều xuống phòng nghỉ cả. Vì thiền viện này cũng giống như ở thiền viện Chanmyay, thiền sinh tự tu lấy, Thiền Sư không giám sát trực tiếp, nên tinh tấn hay giải đãi là tuỳ vào hành giả. Thiền Sư chỉ thỉnh thoảng lên kiểm tra một vòng từ 3 - 4 giờ chiều.
Sau khoá thiền buổi sáng 5 giờ, thời gian còn lại nửa tiếng là quét dọn thiền đường, ngoài sân, sau đó chuẩn bị điểm tâm. Thời gian từ 8.00 - 9.00 sáng cũng tuỳ mình sắp xếp tắm rửa, giặt giũ hay vào lúc 4.00 - 5.00 chiều đều được.
Thời gian biểu để tu tập là tới 10.00 tối mới nghỉ ngơi, nhưng phần lớn chư Ni ngoại quốc đã xuống phòng lúc 8.00 và tu tập tại phòng hoặc nghiên cứu kinh luật cũng được, nếu tu lâu dài. Vì lúc 8.00 chư Ni và Phật tử Miến đều có pháp thoại của cố HT Shwe Oo Min hoặc các vị Cao Tăng, Thiền Sư khác, nên chư Ni và nữ cư sĩ ngoại quốc đều xuống phòng riêng cả. Còn phía chư Tăng phần lớn tu đến 8.30 là lục đục đi xuống, tới 9.00 là xuống hết. Vị ni phụ trách thiền đường cũng đóng cửa vào lúc đó.
Sau khi xuống phòng riêng có thể nghỉ hoặc đọc sách tuỳ mỗi vị. Phần lớn đều chìm vào giấc ngủ rất sâu sau 15 - 17 tiếng đồng hồ thiền tập, nếu không nghỉ trưa. Chính vì ngủ sớm như vậy, nên thiền sinh có thể dậy sớm lúc 3.30 hoặc sớm hơn nữa. Có thiền sinh tu rất tinh tấn, đã lên thiền đường tu tập từ lúc 2.30 hoặc 3.00 sáng. Vị phụ trách thiền đường lúc nào cũng dậy rất sớm, đều dậy trước 3 giờ để mở cửa, thắp đèn, đốt hương cúng dường Tam Bảo. Quả thật là công đức vô lượng !
7. KHẤT THỰC
Sau khi điểm tâm xong lúc 6 giờ, chư Tăng về phòng vệ sinh cá nhân, và chuẩn bị y bát đi khất thực lúc 7 giờ. Phật tử ở Miến rất thành tâm với Tam Bảo. Khu làng mà chư Tăng ở thiền viện đi khất thực quanh năm không đầy đủ vật chất cho lắm. Nhà cửa còn thô sơ, mái tranh vách đất, tre nứa che mưa đỡ nắng qua ngày. Một số gia đình trước nhà trồng vài luống rau xanh, hoặc đất bỏ hoang cỏ mọc thành đám. Thế mà, mỗi ngày chúng tôi đi khất thực đều có tín chủ phát tâm nấu cơm sẵn, đựng trong thau nhỏ, bát, tô, tuỳ theo khả năng kinh tế của họ mà dâng chư Tăng. Có cả chư Ni Miến Điện chùa ở gần đó ngày nào cũng sớt bát cho chư Tăng nữa. Các em nhỏ ra đứng thành hàng, chắp tay thành kính hoặc đôi lúc quỳ mọp dưới đất đảnh lễ khi chư Tăng đi ngang qua. Khi chư Tăng đi khất thực, nam nữ cư sĩ đi ngược đường phần lớn đều đứng lại nghiêm trang để chờ chư Tăng qua rồi mới đi tiếp, trông họ rất thành kính và mộ đạo !
Không biết họ có phân công hay không, nhưng các tín chủ dâng cơm thấy không đều. Bữa nay gia đình này, bữa sau gia đình khác, đôi 3 bữa sau là thấy họ dâng lại. Nắng mưa gì các tín chủ đó vẫn vậy, nên chư Tăng cũng phải khất thực dầu có mưa, và thậm chí có thể dẫn đến bị bệnh vì nhiễm mưa nữa. Vào những lúc mưa nặng hạt, chư Tăng có thể nhận tượng trưng, còn lại họ sẽ đổ vô nồi lớn do cư sĩ hộ thực tại thiền viện đem theo. Những lúc mưa quá lớn, họ biết chư Tăng không thể đi khất thực được thì họ mới không chờ.
Pháp khất thực của thiền viện này, và có lẽ đối với pháp khất thực tại Miến nói chung, lạ lẫm so với những gì người viết đã được học và hành trì. Pháp khất thực ở đó cũng chỉ tượng trưng thôi, vì không chỉ nhận thực phẩm cho bản thân mình mà xin cho chư Ni và Phật tử tu tại thiền viện dùng nữa. Khi cơm trong bát của vị Sư đi khất thực đã đầy rồi hoặc sắp đầy, các vị có thể đổ vào nồi lớn do các nam cư sĩ hộ bát đem theo, và do đó có thể đi tiếp cho hết khu làng đó. Cho nên, một vị đi khất thực trung bình cũng phải đổ vào nồi lớn ít nhất là một lần, và phần còn lại là mang về thiền viện hoặc đổ vào nồi mà các cư sĩ đã để sẵn bên vệ đường. Các tín chủ phần lớn chỉ dâng cơm, lâu lắm mới có những vị để bát thức ăn. Nếu để bát thức ăn cũng có cư sĩ hộ bát bỏ vào giỏ mang về thiền viện. Cơm trắng sau khi khất thực về được nhà bếp hâm nóng lại cho cả đại chúng dung vào buổi trưa, và đôi khi dư cho cả điểm tâm sáng hôm sau. Tuy nhiên, cũng có vị Sư ngoại quốc (có lẽ đến từ Tích Lan đến) đi khất thực nhận cơm đầy bát rồi tách đoàn về trước. Vị này là khách tăng không ở lâu, chỉ vài hôm rồi đi thăm trường thiền khác.
Mỗi ngày chư Tăng đều đi khất thực như vậy, cả đi lẫn về gần một tiếng đồng hồ. Tốc độ đi hơi nhanh, phần lớn các vị mới tới gần như đi không kịp. Các vị Thượng toạ, Đại đức nhiều hạ, khi đi khất thực cầm quạt che nắng hoặc che mưa. Khi đi khất thực vị Đại Đức trụ trì hoặc Thiền Sư đi trước, vị trụ trì thứ 2, hoặc thứ 3 trong thiền viện đi sau cuối để giám sát thiền sinh.
Những tín chủ cúng dường cơm vào mỗi ngày gần như ở mọi lứa tuổi, từ em bé 9-10 tuổi đến ông cụ, bà già 70-80 tuổi. Mỗi lần tới các em nhỏ, quý Sư phải nghiêng người xuống để các em sớt cơm vào bát, thật là cảm động.
8. THỰC PHẨM VÀ THỌ TRAI
Khi điểm tâm hay thọ trai trưa, chư Tăng Nguyên Thuỷ đều phải mang bát xuống để đựng thức ăn. Chỉ trừ các vị Thượng toạ hoặc Thiền Sư trong thiền viện là miễn mang bát vào buổi sáng. Các nhà Sư Đại Thừa ở thiền viện này không bắt buộc dùng bát cả sáng lẫn trưa.
Thực phẩm chay mặn đều có, nhưng phần lớn đều mặn. Khi lên thọ thực, cơm và thức ăn đã được dọn sẵn lên bàn. Các nhà Sư chỉ trải toạ cụ, ngồi xuống trong chánh niệm, sớt cơm, thức ăn vào bát và chánh niệm thọ thực. Ăn xong, chánh niệm bỏ bát vào túi, đi xuống, rửa bát và im lặng về phòng nghỉ.
Có lẽ các nhà Sư Đại Thừa và Khất Sĩ muốn tu tại thiền viện này nên chuẩn bị một ít thực phẩm chay, như xì dầu, nước tương để ăn kèm với thức ăn đã được phân phối tại thiền viện thì mới đủ. Các loại thực phẩm chay nói trên có thể gởi mua tại Miến. Mặc dù các nhà Sư Khất Sĩ hoặc Đại Thừa Việt Nam ăn chay trường, nhưng mỗi ngày đều được phân phối đầy đủ những gì các Sư Nguyên Thuỷ dùng. Một số nhà Sư Đại Thừa Triều Tiên ngày nay đã ăn mặn khi ở tại thiền viện này.
Trong số các nhà Sư Nguyên Thuỷ vẫn có vị ăn chay. Các vị Sư này cũng có thể xuất thân từ Phật giáo Đại thừa, hoặc đã từng là cư sĩ ở các cộng đồng Đại thừa, như Đài Loan, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, hoặc những vị theo truyền thống Nguyên Thuỷ nhưng vì bệnh duyên, hoặc cho rằng ăn chay để trưởng dưỡng tâm từ bi. Trong những ngày tháng tu ở đó, tôi thầm nể phục một vài vị, dù đã ở nhiều tháng rồi, và dự định ở đó lâu hơn nữa để tu tập, mặc dầu ăn uống hơi kham khổ so với những gì vị ấy trước kia hưởng thụ. Có lẽ bởi vì vị ấy nhận được pháp của vị Thiền Sư hướng dẫn rất phóng khoáng, không vướng kẹt vào một đề mục nào, kiến giải hay. Có lần người viết thấy một vị dùng cơm trắng không có thức ăn, khi bữa cơm đã gần xong, sau này tôi mới biết ra vị ấy đã dùng chay trên 22 năm rồi !
Riêng phần chư Ni thì không có gì trở ngại, vì chư Ni và nam nữ cư sĩ ăn chung một trai đường. Các vị dùng chay có thể ăn chung một bàn. Thức ăn thì tự các vị sớt lấy, nên có thể chọn và tự sớt đủ thực phẩm như ý của mình được.
Buổi chiều từ 4.00 – 4.30 thỉnh thoảng có nước uống, phần lớn là do thiền sinh tại thiền viện cúng dường. Số tiền cúng nước cho buổi chiều cũng không nhiều, từ 10 – 15 Mỹ kim là có thể cúng dường nước cho khoảng 100 vị rồi.
Thành thật mà nói, cách thức tu tập theo sự hướng dẫn của Thiền Sư ở đây quả là tuyệt vời. Nhiều vị đều công nhận như vậy, nhưng vì thực phẩm chay ít quá, có một số vị chịu không nổi nên đã rời trường thiền ! Có một số vị nhận định rằng, nếu trường thiền này chỉ cần cải cách thực phẩm từ mặn thành chay như Thiền Lâm Pa-Auk thì đây là một trong những trường thiền rất có thể có số lượng thiền sinh lớn nhất nhì tại Miến !
9. Y PHỤC TẠI THIỀN VIỆN
Khi chúng tôi vào thiền viện, cùng đi với chúng tôi còn vài Tăng Ni sinh khác nữa của Trường Đại Học Phật Giáo tại Miến cũng vào tu nhân dịp nghỉ hè sau khi thi kỳ một. Đại Đức trụ trì lúc bấy giờ pháp danh là U Tejinda thấy y của chúng tôi hơi lạ với y của quý Sư Nguyên Thuỷ bên Miến một chút, nên hỏi là Đại Thừa phải không ? Vị Sư đi trong đoàn trả lời giúp cho chúng tôi là không phải. Vị ấy hỏi vậy có phải Nguyên Thuỷ chăng ? Cũng không phải! Vị Sư đi trong đoàn mới thưa là không phải Nguyên Thuỷ mà cũng không phải Đại Thừa. Vị Đại Đức trụ trì cũng không cật vấn nhiều.
Tối hôm sau chúng tôi được kêu lên và Ngài bảo giải y để Ngài xem. Mặc dầu chúng tôi khi vào đảnh lễ và sinh hoạt ở đó đã mặc y theo truyền thống của Thái Lan. Y Thái Lan, cỡ kích và cách may giống như các Sư Nguyên Thuỷ bên Miến cả, chỉ có khác là y Miến bề ngang nhỏ hơn các y của Thái, Lào, Campuchia và y của các vị Khất Sĩ một chút. Chúng tôi vâng lời làm theo. Sau cùng Ngài bảo là Ngài muốn cúng dường bộ y mới của quý Sư Nguyên Thuỷ Miến Điện thường mặc, có nhận không ? Dĩ nhiên là chúng tôi hoan hỷ đón nhận. Mặc dầu Ngài không nói gì thêm, nhưng chúng tôi cũng ngầm hiểu rằng, đắp y như vậy cho đồng bộ, cho trường thiền đẹp thêm, vậy cũng quý. Các Sư Nguyên Thuỷ đến từ các nước khác phần lớn cũng vậy ! Nếu các vị đắp y vàng không quá sáng thì có thể giữ y đó cũng không sao.
Còn riêng các Sư Đại Thừa có thể mặc áo nhật bình, áo tràng hoặc đắp y cho nghiêm trang cũng tuỳ vào mỗi hành giả. Các Sư Đại Hàn đều đắp y cả, vì thật sự áo nhật bình của họ không có nghiêm trang như áo nhật bình của Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam. Các vị ấy cũng linh động thay vì đắp y vàng sáng như theo truyền thống xưa nay, các vị đã đổi thành vàng đà hoặc nâu đà để phù hợp với màu y truyền thống của Miến hơn.
10. TĂNG CHÚNG TẠI THIỀN VIỆN
Ngài Shwe Oo Min ra hành đạo quá muộn, nên Tăng chúng đệ tử thường trú không nhiều. Có những vị chỉ thọ giới với Ngài rồi đi nơi khác ở. Có những vị trực tiếp thọ giới và tu học với Ngài thời gian cũng khá lâu, nhưng vì không đủ nhân duyên nên hoàn tục. Cũng có những vị ra riêng đang xây dựng thiền viện. Hiện nay chỉ thấy có 5, 6 vị là Tăng thường trú. Còn lại là khách tăng, và phần lớn là thiền sinh từ các nước đến tu tập. Những vị Sư phụ trách trông nom thiền viện đều còn trẻ cả, cao tuổi nhất là 60, nhưng chỉ có một vị thôi, còn lại là 50 trở xuống.
Vị Thiền Sư hướng dẫn hành thiền có lẽ là Sư đệ của các vị chức sắc trong thiền viện, vì tuổi hạ chỉ 9-10 năm là tối đa, nhưng khi hành pháp, ví dụ đi khất thực, hướng dẫn chúng tu tập đều đi đầu. Ngoài Phật sự này ra, vẫn ngồi theo tuổi đạo vào các bữa tụng giới, nhận y ka-thi-na. Khi HT Shwe Oo Min Sayādaw tịch, tăng chúng còn trẻ quá, nên Ngài giao phó công việc quản lý thiền viện cho 3 vị đệ tử lớn để các vị tự sắp xếp lấy, thế là từ đó mỗi vị trụ trì mỗi kỳ 3 tháng.
Thiền sinh tại thiền viện bao gồm cả chư Tăng Ni, cư sĩ ngoại quốc và cả Miến Điện trung bình từ 150 – 170 vị. Vào mùa hạ có thể tăng lên đến 200. Vào dịp lễ hội tại Miến, các Phật tử đến tu gieo duyên đông nên thiền sinh có thể đến 250. Thiền sinh đông nhất là Hàn Quốc và Việt Nam. Số còn lại là Đài Loan và một vài nước khối Âu Châu. Vào mùa nghỉ hè, Tăng Ni sinh du học tại trường Đại Học Phật Giáo vô tu, gồm đủ các nước như Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan, Bangladesh, v.v…
Vào mùa an cư, các Sư từ thiền viện Phước Sơn, Đồng Nai trực thuộc truyền thống Nguyên Thuỷ đến tu khá đông, và sau mỗi mùa an cư các vị phần lớn về lại Việt Nam. Nhưng hầu như ngày nào, tháng nào cũng có người Việt Nam ở đó. Cho nên những vị không biết tiếng Anh đến đó tu vô cùng thuận lợi, có nhiều vị đã và đang tu nơi đó giúp thông dịch, làm giấy tờ, v.v… Nhưng người Việt tu đông cũng có những trở ngại của nó, hành giả rất có thể bị phân tâm vì thân hữu, hoặc các mối quan hệ, nếu không khéo tỉnh giác.
11. THỨ BẬC TẠI THIỀN VIỆN
Ở trong thiền đường thì không phân biệt thứ bậc cho lắm. Mỗi người tìm cho mình một chỗ ngồi phù hợp và từ đó cứ như vậy mà ngồi. Thông thường các vị mới đến sau cứ ngồi phía sau là ổn. Khi đi thọ thực cũng nhìn trước, nhìn sau đi cho thứ bậc. Thông thường, các vị Sư Nguyên Thuỷ lớn hạ đi trước, sau đó mới tới các nhà Sư Đại Thừa, và nam cư sĩ. Khi thọ trai bữa đầu, vị Thượng toạ trụ trì sẽ chỉ dẫn chỗ ngồi cho thiền sinh.
Các nhà Sư Nguyên Thuỷ ngồi theo một dãy, cũng theo tuổi hạ mà ngồi, nhưng điều đó cũng không có khắt khe lắm. Người viết thấy các vị Sư tu gieo duyên, nhất là các vị Việt Nam đến từ Mỹ quốc cũng ngồi cao hơn những vị phát nguyện tu cả đời và lớn tuổi hạ hơn mà đến sau. Các nhà Sư Đại Thừa và Khất Sĩ được ngồi riêng một dãy, nối theo các vị Sư Nguyên Thuỷ. Tiếp theo đó là những vị tu gieo duyên ngoại quốc và các vị Sa-di ở Miến nếu hàng chính bên kia hết chỗ. Khi đi khất thực, chỉ có 7 – 10 vị hàng đầu là đi đúng theo hạ lạp, còn lại gần như không đúng theo hạ lạp cho lắm. Rõ ràng, việc ngồi trước ngồi sau, đi trước đi sau, không phản ảnh được công phu tu tập thật sự của mỗi hành giả. Ở đây, người viết chỉ phản ánh khách quan những gì đã thấy về cách tổ chức của trường thiền mà thôi !
Trong những ngày tháng đi khất thực chung với các Sư Việt Nam, các Sư ngoại quốc ở đó, quả thật là những ngày học hỏi lẫn nhau. Học từ cách đi đứng của quý Sư, học từ nhận thức rằng tất cả đều là huynh đệ, không phân biệt hệ phái, không đặt nặng vị trí lớn nhỏ hạ lạp. Có những vị tu 5, 6 năm rồi, nhưng lúc nào cũng khiêm cung dành đi sau, nhường chỗ cho những vị mà các vị ấy kính trọng, thật là những gương hạnh quý, khó quên.
Cũng vì cách sắp xếp vị trí hạ lạp, hành giả thuộc trường phái chính thống và không chính thống như một vài vị suy nghĩ, nên những chuyện não phiền cũng có xảy ra tại thiền viện này. Có vị vì bị áp lực nặng nề nên từ hệ phái Khất Sĩ tạm chuyển sang Nam Tông cho thuận khi tu ở đó. Có vị Thuợng Toạ vì bất mãn áp lực của thiền viện nên không tu ở thiền viện. Cũng có vị ở đó học tu một thời gian rồi đi nơi khác, hoặc về lại bổn quốc với bao thất vọng. Có vị vì bị người khác có ý bất nhã đôi lần, lấn quyền cả trụ trì, không cho đi khất thực, mà không ở đó nữa. Đó là nỗi đau, là vết thương cần phải bù đắp, cần phải chữa trị để tình huynh đệ ngày một lớn mạnh, trưởng thành trong giáo pháp hơn.
Có lẽ vị Thiền Sư không biết hết thực trạng của thiền viện xảy ra như thế nào. Vì đó là công việc sắp xếp của trụ trì và của những vị phụ giúp. Những điều đó xảy ra một phần lớn do cộng đồng người Việt mình. Tự mình không tôn trọng lẫn nhau, nếu không muốn nói là kỳ thị, là điều trong âm thầm gây mất hoà khí, nếu không muốn nói là chia rẽ, đổ vỡ và dẫn đến chia tay ! Chuyện người viết đề cập ở trên, và còn một vài việc khác không tiện trình bày ở đây, quả là một sự kiện không đẹp mấy trong Tăng đoàn, đáng lẽ cũng không ghi lại làm gì, nhưng hy vọng đó là một sự kiện cần rút kinh nghiệm để từ đó xây dựng tình huynh đệ trong Tăng đoàn ngày một tốt đẹp, hoà hợp hơn.
Chúng tôi ở đó cũng quý mến rất nhiều Sư và các Sư Nguyên Thuỷ đối với chúng tôi cũng vậy, nhất là các Sư ở gần phòng, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong cuộc đời và tu học. Bốn phương trời đổ về một nơi học Đạo, với tinh thần không phân biệt tôn giáo, hệ phái, đẳng cấp, trình độ, v.v... tại thiền viện này hoặc ở những trường thiền khác, dù là ở Miến, ở Việt Nam hay ở nước khác thật là quý báu, nhưng do phàm nhân không thực hiện được thôi.
Hãy gạt bỏ tất cả những dị biệt không quan trọng để cùng nhau đi đến một phương trời rộng mở, nơi đó không có dấu vết của kỳ thị, của tranh chấp, của tự ngã, của bỉ thử thì chắc chắn sẽ bước nhanh hơn trên con đường giải thoát.
12. TỤNG KINH
Thiền sinh không tụng kinh như Tăng chúng tại thiền viện. Tối khoảng 7 giờ, chư Tăng tại thiền viện khoảng vài vị lên Giới Đường (phòng để chư Tăng hội họp và đọc Giới Bổn) tụng kinh. Trong Giới Đường không có thờ Đức Phật, mà chỉ thờ Ngài Shwe Oo Min. Tại thiền đường dành cho chư Ni và nữ cư sĩ, cũng không có thờ Đức Bổn Sư mà chỉ thờ Ngài Shwe Oo Min. Chỉ có thiền đường của chư Tăng mới thờ tượng Đức Bổn Sư, nên thỉnh thoảng chư Ni và Phật tử lên thiền đường chư Tăng lạy Phật vào sáng sớm.
Từ 4.00 - 4.30 sáng, chư Ni và nữ cư sĩ được vị Đại Đức trụ trì hoặc các vị lớn hạ trong trường thiền thay phiên hướng dẫn tụng kinh. Vị Đại Đức xướng một câu, đại chúng tụng theo, cứ như vậy cho hết thời kinh. Cách thức tụng kinh này giữ theo truyền thống xưa của Miến và của những xứ khi hệ thống ấn loát chưa được phát triển. Vào những ngày Bố-tát, các vị Thượng Toạ, Đại Đức ngoài việc hướng dẫn tụng kinh, còn truyền giới cho nữ thiền sinh nữa.
Vì thiền đường dành cho chư Tăng và nam cư sĩ ngay ở từng trên, nên từ 4.00 – 4.30 sáng đều nghe chư Ni và nữ Phật tử tầng dưới tụng kinh. Cạnh thiền viện có ngôi chùa mở máy tụng kinh cũng gần cả tiếng đồng hồ nữa, nên buổi sáng ở thiền viện Shwe Oo Min, thành thật mà nói, chưa phải là nơi lý tưởng để tu thiền Vắng Lặng (Samatha), mà chỉ có thể tu thiền Minh Sát (Vipassanā). Tuy nhiên, hành giả nào đã vững vàng cả Chỉ Quán thì dù ở đâu, môi trường nào cũng có thể định tâm mà quán chiếu được.
13. CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ MÔI TRƯỜNG
Diện tích đất của thiền viện không lớn bằng diện tích đất của thiền viện Panditarāma, hoặc Chanmyay ở trong rừng, nên cách xây dựng thiền viện này không giống với các thiền viện khác. Ở đây, mọi cơ sở đều xây lầu. Thiền đường cũng hai tầng: tầng trên dành cho chư Tăng và nam cư sĩ. Tầng dưới dành cho chư Ni và nữ cư sĩ. Phía bên nam có 4 dãy lầu hai tầng. Mỗi dãy có khoảng 20 phòng đôi. Những lúc thiền sinh ít thì mỗi vị ở một phòng, khi thiền sinh đông thì 2 vị một phòng. Bên Ni, chúng tôi không rõ, nhưng trông cũng rất đồ sồ. Nhà thọ trai 2 tầng, tầng trên dành cho chư Tăng, tầng dưới dành cho chư Ni và nam nữ cư sĩ, được nối liền với nhà khói, rất tiện để cho các vị công quả dọn dẹp, sắp xếp.
Các toà nhà, thiền đường, v.v… được nối nhau và đều có mái che, nên dù nắng mưa đều không trở ngại cho thiền sinh khi đi tới đi lui trong thiền viện. Có thể nói, những ngày tháng ở đó không cần dù và không cần mang dép, vì đều có mái che và các lối đi đều lót bằng gỗ hoặc đúc bằng xi măng. Ở các tầng lầu phía chư Tăng đều có máy giặt sấy. Nhiều Phật tử Việt Nam tại thiền viện của HT Kim Triệu ở Mỹ đã hỗ trợ cho công trình của thiền viện này khá nhiều, nên trên một số đoạn tường của thiền viện có ghi lại phương danh của quý Phật tử ấy.
Buổi chiều từ 5-7 giờ, một số thiền sinh (bao gồm cả chư Tăng, Ni, nam nữ cư sĩ) đi thiền hành nghiêm túc, và cũng có những vị đi thong thả từ đầu cổng vào tới cuối thiền viện, trao đổi những kinh nghiệm tu tập, thậm chí bàn những chuyện không thiết yếu đối với vấn đề tu tập lắm. Mặc dầu điều này cũng được khuyến cáo là hành giả nghiêm túc không nên như vậy, nhưng có lẽ cũng đã thành nếp, nên khó mà sửa !
Ở thiền đường (dành cho nam và nữ) đều có bồn rửa mặt bằng thiết. Điều này gây bất tiện hơn là thuận tiện, bởi vì nó gây tiếng động trong thời hành thiền. Biết như thế, nên Thiền Sư vẫn thường khuyên hành giả dù trong hoàn cảnh nào cũng nên giữ chánh niệm và tỉnh giác để theo dõi tâm của mình. Tâm mình có sân, biết có sân, tâm mình khó chịu biết tâm đang khó chịu. Chính vì vậy, một số thiền sinh coi đó là một chuyện bình thường, không làm phiền hành giả gì và cứ tiếp tục sả nước, sút chai, sửa soạn chỗ ngồi sột soạt, đi thật mạnh khi các thiền sinh khác đang thiền tập, dù nhiều vị đã cố gắng chánh niệm, tỉnh giác, nhưng đôi lúc cũng cảm thấy không được yên tịnh cho mấy. Đúng là một thử thách trong thiền tập! Nếu hành giả đủ tỉnh giác thì mọi sự vật xung quanh đang xảy ra, mình đều có thể tận dụng để phát triển các Ba-la-mật, và có lẽ trong trường hợp này hành giả sẽ phát triển được nhẫn thọ, bao dung, độ lượng Ba-la-mật vậy.
14. SINH HOẠT PHÍ
Người viết được biết, các nam nữ Phật tử Miến đều phải đóng phí cả, nhưng không biết rõ là bao nhiêu. Các cư sĩ nước ngoài phần lớn đến đều có cúng dường, nên vấn đề này không cần đặt ra. Chúng tôi nghe các vị ở đó nói, có thể là từ đầu năm 2006, mỗi thiền sinh nước ngoài, kể cả Tăng Ni đều phải đóng 15 Mỹ kim mỗi tháng cho thiền viện. Đây cũng chỉ là thông tin truyền miệng, không có văn bản. Theo các vị ấy, vì có đóng phí thiền sinh mới nỗ lực hơn, và cũng để bảo trì thiền viện được lâu dài hơn. Tuy nhiên, khi chúng tôi đảnh lễ Thượng toạ trụ trì ra về, xin vài giấy giới thiệu cho chư huynh đệ sau này tiện lấy visa qua đó tu; theo thông tin trong giấy bảo lãnh ấy, thiền viện sẽ ủng hộ hoàn toàn về ăn ở khi đã vào thiền viện tu tập !
Nói tóm lại, trình độ và khả năng của hành giả mức nào vô đây tu đều được, nhất là những vị chưa từng vô nề nếp nghiêm túc thật sự của một thiền viện. Trong cõi trần gian huyễn hoá, giả tạm, tương đối này, cái gì cũng có cả. Thiên đường, địa ngục cũng do mình, Niết Bàn, sanh tử cũng do mình. Tại thiền viện cũng vậy ! Có lẽ nếu mình biết uyển chuyển, khéo léo, chánh niệm, tỉnh giác (dù ở mức độ sơ thiển) thì trần gian cũng có thể biến thành cõi tịnh độ được, và ngược lại nếu mình không khéo tu tập. Các bậc Thầy chỉ là người chỉ đường, còn đi hay không là tuỳ thuộc vào chính mình! “Bạn không thể du hành trên một Đạo lộ, nếu bạn không trở thành chính Đạo lộ đó” (Thou canst not travel on the Path before thou hast become that Path itself).
[1] Địa chỉ liên hệ: Shwe Oo Min Dhamma Sukha Forest Centre, Aung Myay Thar Yar street, Kon Tala Paung village, Mingalardon township, P.O 11022, Yangon, Myanmar. Tel: 95-1-638.170
TK. Thích Giác Hoàng
Theo Buddhismtoday.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét