Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

HƯỚNG DẪN THIỀN CƠ BẢN



Tại sao chúng ta lại phải hành thiền:

Chúng ta luôn ở trong vòng xoáy của sự ham muốn, ghét bỏ , thiếu hiểu biết. Đây là những trạng thái tâm Bất thiện. Hành Thiền chính là nhận diện được chúng và chúng ta sẽ thay tâm bất thiện bằng tâm thiện, cải thiện chất lượng tâm không bị những trạng thái Tâm bất thiện đó sai khiến chúng ta
Chính vì vậy, để Thiền làm thay đổi được cuộc sống, chúng ta cần phải biết rõ về tâm, Các bạn không thể sờ mó, ngửi nếm được Tâm của mình nhưng có thể nhận thấy hoạt động của tâm thông qua những suy nghĩ, kinh nghiệm, cảm giác, mong muốn hay việc chúng ta đang chú tâm quan sát… Ví dụ, bây giờ hãy chắp đôi tay lại. Các bạn có biết rằng hai bàn tay đang chạm vào nhau hay không? Sau đó các bạn hãy quan sát chân chạm xuống sàn nhà. Làm sao các bạn biết được điều đó? Các bạn biết là do các bạn đang có sự ghi nhận. Các bạn biết là do các bạn đang chú ý đến điều đó? Nếu hai bàn tay các bạn chạm vào nhau, chân vẫn đặt trên sàn nhưng tâm các bạn đang nghĩ đến một việc khác, thì các bạn sẽ không biết là chúng đang xúc chạm. Chính vì vậy, không phải vì chúng xúc chạm mà các bạn hay biết, mà chính nhờ có sự ghi nhận mà các bạn biết chúng đang xúc chạm.  Chính Tâm làm việc chú ý ghi nhận.  

Trong thời khóa hành thiền này các bạn sẽ ghi nhận 5 đối tượng thường hay xảy ra là tiếng động, hơi thở, xúc chạm, cảm giác và suy nghĩ.3 đối tượng mà tôi không nhắc tới đó là : cảnh sắc (bởi vì bạn nhắm mắt), mùi và vị (ta ghi nhận khi chúng ta khi ta dùng bữa). Như vậy tạm thời chúng ta ghi nhận 5 đối tượng này vì đây là những đối tượng xảy ra thường xuyên. 5 đối tượng này nó phát khởi theo nhân duyên của nó. Cái nào nó tới thì biết nó tới, cái nào đi biết nó đi. Các bạn quan sát đối tượng rất thụ động. Các bạn không có nhảy ra nắm bắt đối tượng vì làm như thế tâm mình sẽ rất căng thẳng mà các bạn chỉ ngồi yên đợi đối tượng tới ghi nhận và hay biết. Thỉnh thoảng các bạn kiểm tra tâm của mình, xem tâm của mình đang có làm việc hay không, có ghi nhận gì không. Đặt câu hỏi cho tâm: có nghe gì không? hơi thở có biết không? xúc chạm biết không? cảm giác trong người như thế nào? Khi đặt câu hỏi như vậy thì bắt đầu có chánh niệm, ở lúc đó có bất cứ đối tượng nào vượt trội thì chúng ta ghi nhận. Nếu cái tâm của chúng ta không làm việc, không nghi nhận, không chánh niệm chỉ một lát sẽ suy nghĩ chuyện này chuyện kia,thì nó rất dễ buồn ngủ. Nên trước tiên chúng ta mở mắt ra cho cái tâm tỉnh táo. Buồn ngủ là hiện tượng tự nhiên và không nên bực bội với nó. Và bây giờ mở mắt ra và làm cho tâm tỉnh dậy bằng cách đặt câu hỏi cho nó: có nghe gì không? Nghe bao nhiêu đối tượng? Các âm thanh có biết không? Hãy nhắc tâm mình có ghi nhận không, có chánh niệm không? chánh niệm trên cái gì?

Suy nghĩ cũng là một hiện tượng tự nhiên, chúng chỉ là một đối tượng cho ta quan sát, không có gì là vấn đề, không có khó khăn nào hết. Nếu chúng là một hiện tượng tự nhiên thì chúng ta không muốn nó cũng tới và chúng ta phải học cách thức để thích ứng với nó. Khi ngồi thiền chúng ta thấy những hiện tượng lạ, những cảm giác mà chúng ta chưa bao giờ biết, hãy tự nhắc mình cảm giác chỉ là cảm giác, nó chỉ là hiện tượng tự nhiên, chúng đến rồi đi. Nếu chúng ta cảm thấy khó chịu thì hãy quan sát tâm khó chịu, tâm khó chịu đi rồi ta trở lại quan sát 5 đối tượng ÂM THANH,  HƠI THỞ, XÚC CHẠM, CẢM GIÁC VÀ TÂM SUY NGHĨ

Đối tượng mà tâm hay biết là tiếng động: Khi các bạn ngồi ở đó và nghe tôi nói, nghe rất rõ, nghe đến đâu là biết đến đó. Chúng ta biết điều này một cách rất thoải mái, nhẹ nhàng mà không cần dùng tới sức lực. Âm thanh tới chúng ta biết âm thanh tới và ghi nhận chúng, đấy là cách chúng ta ghi nhận với các đối tượng khác. Không nên cố gắng để ghi nhận đối tượng, không cố gắng làm rõ đối tượng mà chỉ ngồi yên chờ đợi đối tượng tới rồi ghi nhận, quan sát. Có nhiều tiếng động tới và tâm nhận ra tiếng động như tiếng tôi nói, tiếng quạt, những âm thanh xung quanh. Đừng đặt tên cho tiếng động, chúng ta chỉ hay biết rằng tiếng động đang có mặt, tiếng động đang sinh khởi, tâm ta biết tiếng động có nghĩa là chúng ta đang ghi nhận. Tâm các bạn cần có một sự yên tĩnh, quân bình và không bị lôi theo nội dung của âm thanh. Tiếng động, âm thanh là một HTTN vì nó sinh khởi theo điều kiện của nó, khi nó đủ duyên thì sẽ sinh, hết duyên nó diệt.

Âm thanh thì không quan trọng, nội dung của âm thanh đó cũng không quan trọng, chúng ta chỉ ghi nhận “ có tiếng gió quạt, đang có tiếng chim hót, tiếng người nói, tiếng của xe cộ ..” nhưng không bị lôi theo nội dung của âm thanh, chỉ thuần túy ghi nhân, hay biết có tiếng động, tiếng động đang có mặt.

Giờ chúng ta tập chung vào đối tượng thứ hai đó là hơi thở. Hơi thở chúng ta luôn luôn đều đặn nên chúng ta có thể ghi nhận nó một cách dễ dàng. Ghi nhận hơi thở vào, hơi thở ra, hít vào, thở ra. Bây giờ chúng ta đang quan sát sự chuyển động của bụng, hít vào bụng căng lên, thở ra bụng xẹp xuống. Hơi thở ở đâu không thành vấn đề, mà quan trọng là sự hay biết có hơi thở.

Vậy ngoài tiếng động và hơi thở tâm còn hay biết gì nữa? Đó chính là xúc chạm. Chúng ta ngồi yên hai tay đặt lên nhau đó gọi là xúc chạm, hai tay gác lên đùi của mình đó là xúc chạm, chân của mình gác lên đệm xúc chạm của thân với mặt sàn hay áo quần cũng vậy. Như vậy có rất nhiều điểm xúc chạm, khi chúng ta thực hành nhiều thì chúng ta thấy điểm xúc chạm ở khắp nơi.

Bây giờ chúng ta đến với đối tượng thứ tư đó chính là cảm giác (cảm thọ), nóng lạnh là cảm giác, cứng mềm là cảm giác, nặng nhẹ là cảm giác. Ngồi lâu đau nhức, tê mỏi là cảm giác, khi thấy nhẹ nhàng trong người đó là cảm giác. Chúng ta cảm thấy ngứa cũng là cảm giác.

Cái đau cũng là cảm giác, vậy chúng ta phải làm gì khi chúng ta bị đau, chúng ta không nên gồng mình chịu đựng cái đau, hãy thả lỏng thân mình và nhắc mình đau là một hiện tượng tự nhiên. Nhớ duy trì chánh niệm, cái đau không thành vấn đề mà ghi nhận được tâm mình đang phản ứng lại cái đau như thế nào mới là điều cần thiết. Chúng ta thấy rằng cái tâm nó đang khó chịu, đang đau chúng ta nhận biết sự khó chịu, sự đau đó. Chỉ thế thôi! Nếu có thể  ghi nhận được sự khó chịu thì không nên thay đổi ngay tư thế. Nếu khi chúng ta cảm thấy không chịu đựng được nữa thì hãy từ từ duỗi chân, chuyển đổi tư thế thoái mái hơn trong lúc đó vẫn duy trì chánh niệm hay biết những động tác chúng ta đang làm.

Và chúng ta đến với đề mục cuối đó là tâm suy nghĩ. Tâm chúng ta suy nghĩ từ khi thức dậy đến khi đi ngủ. Suy nghĩ cũng là một HTTN. Khi có suy nghĩ, nhắc mình rằng đó là một HTTN rồi quan sát sự suy nghĩ và lúc đó sự suy nghĩ dừng lại, sau đó chúng ta trở lại quan sát 5 đề mục chính tại thời điểm đó khi tâm suy nghĩ tạm thời ngưng lại.

Khi các bạn mới thực hành chưa quen trong việc hành thiền thì tâm suy nghĩ hoạt động rất nhiều, tâm suy nghĩ nhiều thì chúng ta không chánh niệm được và dẫn tới buồn ngủ hoặc giận dữ, trách cứ bản thân, từ đó phát sinh thêm suy nghĩ tiêu cực. Chúng ta chỉ cần biết đang có suy nghĩ rồi quay về các đề mục quan sát chính như hơi thở, xúc chạm,…

Khi chúng ta ngồi thiền chúng ta thấy những hình ảnh, nhà cửa, ánh sáng, chùa chiền,… chúng ta hãy nhắc mình là cái tưởng đang hoạt động. Tâm mình nó tưởng tượng, nhớ tới điều gì đó và khi có chánh niệm thì cái tưởng đó tan biến và ngay lập tức hình ảnh sẽ dừng lại. Cái hình ảnh này chúng ta không thấy bằng mắt mà thấy bằng tâm, đây là một hình ảnh ảo. Tâm và thân mình sinh hoạt một cách rất kỳ lạ mà chúng ta chưa thể thấu hiểu hết, vì vậy khi nó khởi sinh lên những hình ảnh ảo thì chúng ta đừng quá hoảng hốt. Rồi chúng ta quay lại năm đề mục ban đầu.

Bây giờ các bạn có nghe tiếng động gì không, có suy nghĩ không? có cảm giác gì không, hay biết điều gì đang sảy ra không,? Khi chúng ta đặt câu hỏi như thế chúng ta thấy tâm mình sống thực với hiện tại.
Nếu các bạn muốn có sự hiểu biết, các bạn phải biết càng nhiều đối tượng càng tốt. Chỉ biết một đối tượng không thể đưa đến tuệ giác, trí tuệ sẽ vẫn còn non yếu. Các bạn cần phải khám phá tất cả những gì đang xảy ra trên thân và tâm của mình, và liên hệ với mọi đối tượng. Chỉ khi ấy tri kiến của các bạn mới được mở rộng, tầm mắt của các bạn mới được mở xa, và tuệ giác sẽ phát triển.

Trong việc hành thiền có hai phần: một phần liên quan tới đối tượng: âm thanh, hơi thở và một phần liên quan tới tâm: xúc chạm, cảm giác, suy nghĩ. Phần đối tượng không quan trọng, mà phần tâm mới đóng vai trò quan trọng. Đối tượng sinh khởi theo bản chất của chúng. Các bạn biết được chúng khi bạn  chánh niệm. Các bạn không phải phát triển việc quan sát đối tượng. Các bạn chỉ cần phát triển các yếu tố liên quan tới tâm như chánh niệm, sự ổn định, sự an tịnh (samadhi) và trí tuệ (panna). 

Một câu hỏi đặt ra ở đây: đối tượng nào tốt hơn, hơi thở ra/vào ở mũi hay âm thanh, xúc chạm, cảm giác hay là suy nghĩ? Cả hai đều không! Không có đối tượng nào tốt hơn đối tượng nào. Đối tượng chỉ là đối tượng mà thôi. Nếu các bạn nghĩ rằng đối tượng này tốt hơn đối tượng kia, các bạn sẽ tự động trở nên dính mắc với đối tượng đó. Hậu quả là, khi các bạn không thể chú ý đến đối tượng đó, các bạn sẽ không thực hành được. 
  
Khi các bạn chọn lựa một đối tượng ưa thích, Tham chắc chắn sẽ sinh khởi. Nếu các bạn không tìm thấy cái mà các bạn cho là một đối tượng tốt, Sân sẽ sinh khởi. Cho rằng một đối tượng nào đó là tốt chính là Vô Minh (có nghĩa là sự thiếu hiểu biết) (Si)! 
Các bạn không cố thay đổi bất cứ điều gì đang xảy ra. Chính sự quan sát, sự ghi nhận đó là công việc của Thiền tập. Biết cái xảy ra theo đúng bản chất của nó, đó chính là hiểu biết đúng (hay chánh kiến). Theo cách thức như vậy chính là thực hành Vipassana (thiền minh sát). 
Hành thiền không chỉ là khi đến chùa, đến thiền đường ta mới ngồi thiền, mà chúng ta hành thiền từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ. Đừng để tâm chạy lung tung cả ngày. Bởi vì tâm bất thiện luôn sinh khởi. Các bạn cần phải bắt Tâm làm việc. Hãy hay biết (chánh niệm) và nhắc nhở mình. Hãy làm việc đó mọi lúc mọi nơi bạn có thể.
 Trên đây tôi đã trình bày xong hướng dẫn hành thiền cơ bản cho Các bạn. 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét